GIA ĐÌNH THÁNH TÂM

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Một qui luật sống 05/06 – Thứ ba. Thánh Bôniphát, giám mục, tử đạo.


"Các ông hãy trả cho Cêsarê cái gì thuộc về Cêsarê, và trả cho Thiên Chúa cái gì thuộc về Thiên Chúa".

Thánh Bonifaciô, Giám Mục Tử Ðạo
(680-755)
Bonifaciô tên thật là Winfrid sinh khoảng 680 tại Kirton, nước Anh. Lớn lên trong bầu khí đạo đức thánh thiện sẵn có của gia đình, nhất là nhờ ảnh hưởng của những tu sĩ truyền giáo quen biết, chẳng bao lâu Bonifaciô ngỏ ý xin đi tu dòng. Tại đây, Bonifaciô được Bề Trên và bạn đồng học quý chuộng vì lòng đạo đức và sự minh mẫn hiếm có. Ngài thụ phong linh mục năm 30 tuổi và được cử làm giáo sư tu viện.
Nhưng ý Chúa nhiệm màu muốn đặt ngài vào nhiệm vụ truyền bá Tin Mừng cho dân tộc Ðức. Năm 716, nhờ lòng hăng say, ngài đã vượt qua mọi hiểm nguy, cấm cách hay sự chống đối của những người tà giáo và đem nhiều linh hồn về cùng Chúa. Ðể thưởng công lao truyền giáo nhiệt thành và đồng thời để công cuộc truyền giáo của ngài đạt kết quả hơn, Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô II đã tấn phong ngài làm Giám Mục và sau đó đặt ngài làm Tổng Giám Mục Mayence nước Ðức năm 747.

Mặc dù tuổi già sức yếu, Ðức Cha Bonifaciô vẫn tận tâm với việc truyền giáo. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng ngàn người đã được chịu phép Rửa Tội. Trước thành quả lớn lao đó, nhiều thủ lãnh ngoại giáo đem lòng ghen ghét và tìm dịp ám hại ngài.

Mùa hè năm 755, đang lúc sửa soạn cử hành nghi lễ Rửa Tội cho một số tân tòng thì đột nhiên có những người võ trang đổ xô tới đâm chém ngài. Xác ngài được đưa về an táng tại tu viện Fulda. Chúa đã làm nhiều phép lạ trên mộ ngài.

Lời Chúa: Mc 12, 13-17

Khi ấy, người ta sai mấy người thuộc nhóm biệt phái và đảng Hêrôđê đến Chúa Giêsu để lập mưu bắt lỗi Người trong lời nói. Họ đến thưa Người rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật không vị nể ai, vì Thầy chẳng xem diện mạo, một giảng dạy đường lối Thiên Chúa cách rất ngay thẳng. Vậy chúng tôi có nên nộp thuế cho Cêsarê không? Chúng tôi phải nộp hay là không?" Nhưng Người biết họ giả hình, nên bảo rằng: "Sao các ông lại thử Ta? Hãy đưa Ta xem một đồng tiền". Họ đưa cho Người một đồng tiền và Người hỏi: "Hình và ký hiệu này là của ai?" Họ thưa: "Của Cêsarê". Người liền bảo họ: "Vậy thì của Cêsarê, hãy trả cho Cêsarê; của Thiên Chúa, hãy trả cho Thiên Chúa". Và họ rất đỗi kinh ngạc về Người. 
Đó là lời Chúa

SUY NIỆM 1: Một qui luật sống
Tin Mừng hôm nay ghi lại một cuộc tranh luận khác giữa Chúa Giêsu và các vị lãnh đạo Do thái. Ở đây, chúng ta lại thấy hai nhóm liên kết lại, kể từ khi họ bắt hụt Chúa Giêsu khi Ngài rao giảng ở Capharnaum (3,6). Phái Hêrôđê ủng hộ Hêrôđê Antipa, thủ hiến xứ Galilê thì dựa vào thế lực của Rôma, còn nhóm Biệt phái cũng khá hòa hoãn với giới thống trị.

Thái độ sống giả hình là thái độ của những kẻ đóng kịch, cố gắng làm sao cho người khác thấy sự tốt nơi mình, mà thực ra mình không có. Những người Biệt phái và những người thuộc phái Hêrôđê là những kẻ giả hình, bởi vì họ làm ra vẻ muốn tìm biết sự thật, mà kỳ thực chỉ là để tìm dịp bắt bẻ Chúa. Họ đến với Chúa, khen Ngài là người chân thật, cứ theo sự thật mà giảng dạy đường lối của Thiên Chúa. Nhưng rất tiếc lời nói khéo léo của họ lại che đậy một thủ đoạn, một âm mưu trả thù. Ðó là đường lối của con người, nhất là của hạng người vụ lợi, ích kỷ, tham quyền.

Thật thế, sau khi giả vờ khen Chúa, họ liền chất vấn Ngài: "Có được phép nộp thuế cho Xêda không?". Vấn đề xem ra đơn giản, nhưng thực ra là một cạm bẫy. Theo họ, Chúa Giêsu là nhà cách mạng thuộc dòng tộc Ðavít, chắc hẳn Ngài sẽ bảo họ không nộp thuế cho Xêda, và thế là sa bẫy họ, lúc đó, họ sẽ có lý do để bắt bớ, giải nộp và giết Ngài. Nhưng đối với Chúa Giêsu, cái bẫy của họ không có gì là nan giải, vì khôn ngoan của loài người chỉ là dại khờ trước mặt Thiên Chúa. Mặc dù biết rõ ý đồ của họ, Chúa Giêsu vẫn tỏ ra hết sức chân thật; Ngài còn nhân cơ hội này để đưa ra một bài học: Ngài bảo họ cho xem đồng tiền và sau khi được biết hình và dấu trên đồng tiền là của Xêda, Ngài nói tiếp: "Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa". Nói khác đi, một khi đã được hưởng nhờ ơn lộc của ai, thì phải đền ơn đúng nghĩa, họ đã nhờ bổng lộc của Xêda, thì có bổn phận đền đáp cho Xêda; nhưng Chúa cũng nhắc thêm bổn phận của con người đối với Thiên Chúa: con người đã nhận lãnh nhiều ơn huệ của Thiên Chúa, nên cũng phải đền đáp ơn Ngài. Chúa Giêsu nhìn nhận vai trò đúng đắn của của quyền bính trần thế: "Của Xêda, trả về Xêda", nhưng Ngài thêm: "Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa". Chúa nhắc nhở rằng quyền bính trần thế không phải là quyền bính duy nhất trên con người, mà còn có quyền bính của Thiên Chúa nữa. Có những điều con người phải trả cho Thiên Chúa, vì con người đã được tạo dựng theo và giống hình ảnh Ngài; con người mắc nợ Thiên Chúa sự sống, nên con người buộc phải dâng hiến mạng sống cho Ngài và để Ngài chiếm chỗ ưu tiên trong cuộc sống của mình.

Xin Chúa soi sáng để chúng ta biết phân biệt điều gì thuộc Xêda, điều gì thuộc Thiên Chúa, để chu toàn bổn phận đối với trần thế và đối với Thiên Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Của Xêda

Họ cử mấy người Pha-ri-sêu và mấy người thuộc phe Hê-rô-đê đến cùng Người để gài bẫy cho Người lỡ lời. Những người này đến và nói: “Thưa Thầy chúng tôi biết Thầy là người chân thật, Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Vậy có được phép nộp thuế cho Xê-da không? chúng tôi phải nộp hay không phải nộp?” Nhưng Đức Giêsu biết họ giả hình, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử Tôi? đem một quan tiền cho Tôi coi!” Đức Giêsu bảo họ: “Của Xê-da, trả về Xê-da; Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” Và họ hết sức ngạc nhiên về Người. (Mc. 12, 13-15, 17)

Chúa không phán: “Của Xêda trả về Xêda miễn là nó phục tùng luật Chúa” nhưng “Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” Chúng ta thường có khuynh hướng giảm thiểu vế đầu của câu và coi như chỉ mình Chúa là có quyền. Nghĩ Chúa xử sự như vậy là điều bất công. Ta phải chú ý, người ta không biểu dương những quyền lợi của Chúa bằng cách chối bỏ quyền lợi của con người. Những kẻ trong sạch của mọi thời đại không để cho mình hoen ố vì bàn tay lấy cớ rằng họ phụng sự Thiên Chúa thì cũng là những kẻ lừa dối như những kẻ nói quá trong chiều hướng kia vậy. Péguy đã có lý để mạ lị “những người nghĩ rằng mình yêu mến Chúa bởi vì họ không thương yêu ai cả.”

Dứt khoát mà nói, những quyền lợi của con người cũng quan trọng như những quyền lợi của Thiên Chúa và khẳng định như vậy không phải là phạm thượng. Trái lại, thừa nhận trong chốc lát rằng Người đòi hỏi ta phải dành cho Người một tình yêu khác biệt, thiết tưởng sẽ là khinh miệt Chúa. Người Kitô hữu không có một trái tim hai tầng. Những tội ác chống với nhân loại cũng ghê tởm như những tội chối đạo vậy. Có những lời Phúc âm bị quên đi tỉ như “Ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga. 4,20).

Lễ phong vương

Có một thời việc xức dầu cho các vua được coi như một bí tích. Những tranh cãi thần học nảy sinh từ một sự giải thích như vậy chẳng mấy quan trọng, có điều là đó là ý tưởng đẹp và nó bắt nguồn tư lòng ngưỡng mộ lớn lao đối với con người được tạo dựng để cai trị. Vả lại những quyền lón lao dành cho con người đều là những tiêu đề cao quý: quyền sống, quyền được đối xử công bình, quyền được yêu thương, bình đẳng…

Nếu Thiên Chúa đòi hỏi được yêu mến trên hết mọi sự, thì tuyệt nhiên không phải là con người được hưởng một nửa tình yêu đâu, mà vỏn vẹn chỉ có nghĩa là với tất cả khả năng yêu mến của ta dành cho Người. Những anh em ta, dù có tuyệt vời đến đâu, thì vẫn có giới hạn và tận cùng. Khi những người anh em ấy đã nhận được trọn tình yêu dành cho họ rồi, thì trái tim ta vẫn còn có khả năng vươn lên tới vô hạn.

Một trong những việc làm làm vẻ vang cho thời đại của ta là việc lập ra những hội nhân quyền. Ngày nào công việc của những hiệp hội hay liên minh này sẽ thành công, ngày ấy Nước Thiên Chúa sẽ ở giữa chúng ta.

SUY NIỆM 3: Nộp thuế cho Xêda
Những người Do Thái thời Chúa Giêsu không thích việc nộp thuế cho hoàng đế Rôma. Câu hỏi được đặt ra cho Chúa Giêsu là cố ý làm cho Người bị mắc bẫy dù có trả lời như thế nào đi nữa. Nếu Chúa Giêsu nói phải trả thuế thì sẽ bị dân chúng ghét bỏ. Nếu nói không trả thuế thì sẽ bị tố cáo với nhà cầm quyền Rôma là kẻ phản loạn. Chúa Giêsu vạch mặt phơi bày mưu mô những người hỏi Chúa bằng cách xin một đồng tiền và hỏi họ: "Ðồng tiền nầy là hình và danh hiệu của ai?" Họ đáp: "Của Xêda". Sử dụng đồng tiền này là dấu chỉ mình chấp nhận luật lệ Rôma. Ghét Chúa Giêsu, những kẻ lãnh đạo muốn vịn vào lý do chính trị hoặc lèo lái chính trị để hạ uy tín của Chúa và để có lý do bắt Chúa vì Chúa là một người làm chính trị.

Chuyện xưa và nay không khác nhau cho lắm. Và Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ của Ngài rõ ràng: "Của Xêda trả về cho Xêda; của Thiên Chúa trả về lại cho Thiên Chúa". Hãy chu toàn bổn phận của mình đối với Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cất khỏi lòng con những điều u mê tối tăm. Xin Chúa cất khỏi trí con ý định mưu toan xấu xa. Xin Chúa hướng lòng trí con về điều quang minh trong sáng để con suy nghĩ, mưu cầu và chỉ làm điều tốt lành mà thôi.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét