GIA ĐÌNH THÁNH TÂM

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Yêu thương kẻ thù 19/06 – Thứ ba tuần 11 Thường Niên


Thánh Romualđô, Tu Viện Trưởng (+ 1027)

Romualđô xuất thân từ một gia đình quý tộc bên Ý. Khi còn là thanh niên, ngài rất thích đi săn bắn. Chính những cuộc săn đuổi thú rừng đã đem tâm hồn ngài lại gần với thiên nhiên và thúc đẩy khuynh hướng sống đời tịch liêu hoàn toàn. Nhân lúc buồn vì cảnh gia đình, ngài trốn vào tu trong dòng Bênêđictô tại Classa. Một thời gian sau, ngài được mặc áo dòng. Từ đó, Romualđô tiến nhanh trên đường nhân đức và nên gương mẫu cho anh em trong dòng.

Sau ba năm sống trong tu viện Bênêđictô, ngài lại đi tìm nếp sống khổ hạnh hơn trong sa mạc bên cạnh Marinô, bậc thầy khả kính. Ngày ngày, thầy trò đi dạo dưới lùm cây và hát thánh vịnh. Mỗi tuần chỉ ăn có ba ngày. Lương thực là một miếng bánh mì và một nắm đỗ. Nhưng sau ba năm, ngài muốn trở về cải tổ các tu viện Bênêđictô đang sa sút trầm trọng. Chính ngài đã sửa đổi và xây thêm hàng trăm tu viện. Rất nhiều người bỏ cuộc sống trần tục theo ngài vào tu trong rừng.

Thấy ngài sống thánh thiện, nhiệm nhặt, ma quỷ tìm hết cách tấn công, nhưng ngài vẫn quyết dùng khí giới là lời cầu nguyện để dẹp yên bọn chúng. Một vài anh em trong dòng cũng khó chịu vì đời sống bác ái yêu thương của ngài đối với người nghèo.

Ít lâu sau, thể theo lời của hoàng đế Othon III và sự yêu cầu của các thầy, ngài về làm Bề Trên tu viện Classa. Cảm mến nhân đức của ngài, nhiều ông hoàng đã xin vào tu trong dòng. Ngài ước ao đi truyền giáo bên Hung Gia Lợi, nhưng ý Chúa không muốn, ngài lại tìm đến một nơi trong hoang địa để kết liễu cuộc đời tận hiến. Tại đây ngài sống hoàn toàn trong yên lặng, cầu nguyện, ăn chay và đánh tội.

Năm 1009, ngài biết ý Chúa muốn cho ngài thành lập một tu viện mới, nên ngài đến xin một bá tước miền núi Apennin mảnh đất để bắt tay vào việc. Nơi đây nghiễm nhiên trở thành trung tâm những tu viện của ngài. Các Ðức Giáo Hoàng kính nể, ban nhiều đặc ân và bảo vệ bộ luật dòng ngài.

Ngài qua đời vào mùa hè năm 1027, thọ 120 tuổi. Giáo Hội mừng lễ ngài vào ngày 19/6 mỗi năm.

"Các ngươi hãy yêu thương thù địch".
Lời Chúa: Mt 5, 43-48

Khi ấy, Chúa phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đã nghe dạy: "Ngươi hãy yêu thân nhân, và hãy thù ghét địch thù". Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con, hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con: để như vậy các con nên con cái Cha các con, Đấng ngự trên trời: Người khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương. Vì nếu các con yêu thương những ai mến trọng các con, thì các con được công phúc gì? Các người thu thuế không làm thế ư? Nếu các con chỉ chào hỏi anh em các con thôi, thì các con đâu có làm chi hơn? Những người ngoại giáo không làm như thế ư? Vậy các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Đấng hoàn hảo".
Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM 1: Yêu thương kẻ thù

Sau hơn 50 ngày bị bắt làm con tin và bị sút gần 20 ký vì sống trong thiếu thốn vật chất cũng như tinh thần, một nhà truyền giáo nọ đã bình tĩnh trả lời câu hỏi của các phóng viên về những gì mình đang suy tính trong lòng: “Tôi vẫn yêu mến đất nước và dân tộc đó, như ngày tôi mới đến truyền giáo cách đây 40 năm. Tôi đã tha thứ cho những kẻ bắt giữ và hành hạ tôi. Tôi muốn nói với họ rằng tôi không có gì thù ghét họ, nhưng vẫn yêu thương và sẵn sàng trở lại đó làm việc mục vụ”.

Những lời dạy của Chúa Giêsu mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay, cũng không mập mờ, không nhượng bộ hay chiều theo khuynh hướng tự nhiên của con người muốn giới hạn tình yêu của mình đối với tha nhân.

“Hãy yêu mến anh em mình”, mệnh lệnh này được ghi rõ trong sách Lêvi 19,18. Những “anh em” được nhắc đến ở đây chỉ những kẻ thân thuộc, đồng hương, thuộc về dân riêng của Chúa. Còn câu: “Hãy ghét kẻ thù địch” thì chúng ta không gặp thấy công thức nào tương tự như vậy trong Kinh Thánh. Những lời này có thể hiểu như một diễn tả tự nhiên của tâm lý thường tình nơi con người, một hậu quả của tình yêu thương có giới hạn trong khung cảnh những kẻ thân thuộc, những người thuộc về cùng một dân tộc, một xã hội. Theo tâm thức hạn hẹp của Cựu Ước, bất cứ ai không thuộc về Dân Chúa chọn, thì người đó là kẻ xa lạn, là kẻ thù địch, không được yêu thương.

Chúa Giêsu đã đến để mạc khải sứ điệp trọn hảo hơn, bẻ gẫy những giới hạn tự nhiên: “Còn Thầy, Thầy bảo các con: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con”. Chúng ta chú ý đến hai chi tiết trong lời dạy của Chúa Giêsu: thứ nhất: không còn ai bị loại ra khỏi tình yêu thương của người môn đệ Chúa và sự phân chia con người ra làm hai loại: thân thuộc và thù địch không còn nữa. Thứ hai: Tình yêu thương đó được thể hiện bằng những hành động cụ thể, và quan trọng nhất, đó là thi ân và cầu nguyện cho những kẻ không tự nhiên được chúng ta yêu thương, và đây không còn là tình yêu thương theo tình cảm, mà là tình yêu thương thực sự hướng đến lợi ích của người khác.

Nhưng tại sao phải yêu thương như vậy? Bởi vì chính chúng ta là con cái của Thiên Chúa và do đó phải noi gương trọn lành của Ngài, Ðấng cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người lành.

Xin Chúa đổ tràn trên chúng ta tình thương của Chúa, để chúng ta được giải thoát khỏi tình yêu hạn hẹp, có tính toán, mà quảng đại yêu thương tất cả mọi người, ngay cả kẻ chống đối và có ác cảm với chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Tha thứ, được! Yêu thương, không!

“Anh em đã nghe luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo thật anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt. 5, 43-44)

Yêu như Chúa Cha yêu thương

Yêu thương kẻ thù của ta. Yêu thương những ai làm ta thất vọng, làm tổn thương, phản bội và bầm dập ta. Yêu thương những ai không còn yêu ta nữa. Yêu thương những kẻ đã làm hư hỏng đời ta. Yêu như thế đó. Và đúng là Chúa đòi hỏi ta nhiều lắm. Chúng ta sẽ dám nói là quá nhiều nữa.

Không phải chúng ta chống lại việc yêu kẻ thù. Ta còn cảm thấy rõ rằng nếu có thể yêu tới mức đó mới thật là đẹp. Hãy yêu thương như Chúa Giêsu và Cha Người yêu thương chúng ta. Yêu thương đối lại với tất cả. Yêu thương bất chấp tất cả. Được như vậy, quả là tuyệt vời. Nhưng có thể được không? Có vừa sức ta không? Ta có thể đi tới đó được không?

Ta có thể cố gắng tha thứ cho kẻ đã làm khổ ta, có thể không tìm ác để trả ác. Nhưng yêu thù địch của ta, lại là một chuyện. Nếu Thiên Chúa có thế làm được điều này, thì ta có thể làm được không?

Tha thứ, chính là yêu thương nhiều

Khi tự thâm tâm, ta nói với người đã nhẫntâm làm khổ ta rằng: “Tôi tha thứ cho nó. Tôi sẽ cố gắng quên đi phần nào”; và ngay cả khi có nói thêm rằng: “Nhưng yêu hắn nữa, thì tôi không có thể!” … ấy là lúc ta đang đặt chân trên đường lành rồi. Chúng ta đã hành động như Thiên Chúa ước mong, bởi vì thực lòng tha thứ, chính là đã tỏ ra yêu thương nhiều.

Có những tình yêu sẽ không bao giờ tái sinh. Có những con người đã gần gũi với ta ngày nào và rồi có thể không gần cận nữa. Đó chính là những cảnh nghiệt ngã của cuộc sống mà thường thường ta không thể cưỡng lại được. Thế nên mỗi khi ta trục xuất hận thù ra khỏi lòng ta, mỗi khi ta không mong ước điều xấu cho người đã làm ta tan nát, mỗi khi ta muốn thành tâm cầu nguyện cho họ, là ta đang có đôi nét giống Cha. Và Cha vui thích nhìn ta khi không khép kín cửa lòng như vậy.

SUY NIỆM 3: Yêu là một sự tham dự
Nhiều đoạn trong bài giảng Trên Núi làm chúng ta ngạc nhiên về lối diễn tả nghịch lý, và đặc biệt đoạn này: Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ làm khổ ngươi. Đây là điều gây vấp phạm nặng cho những khuynh hướng tự nhiên của chúng ta. Nhưng đâu là ý nghĩa đích thực của những lời này? Thật khó mà xác định ý nghĩa cách mạnh mẽ, và nhất là phải tránh làm giảm giá chúng với ý định làm cho chúng trở nên dễ chấp nhận hơn. Tuy nhiên chúng ta có thể đưa ra một vài suy tư sau đây:

Danh từ ‘thù địch’ thời Chúa Giêsu có nghĩa trước nhất là đối thủ và kẻ bắt bớ dân thánh. Cũng có thể là kẻ xa lạ với dân được lựa chọn. Chính trong nghĩa này mà dư luận Do thái thời bấy giờ áp dụng cho từ ngữ Chúa Giêsu nhắc đến: Hãy ghét thù địch. Hơn nữa, cần nhớ là chữ “ghét” không phải luôn luôn có nghĩa mạnh như chúng ta thường hiểu. “Ghét” có thể là: từ chối mọi liên lạc, ruồng bỏ, xa lánh. Chẳng hạn các tư tế và Lêvi thành Giêrusalem xem những người xứ Samaria là “thù địch”; điều này cắt nghĩa thái độ của thầy tư tế và Lêvi trong dụ ngôn đã bỏ rơi người xứ Samaria với số phận của họ.

Trên bình diện thứ nhất này Chúa Giêsu phán, và Ngài phán điều đó với Giáo Hội của Ngài hôm nay: hãy yêu thương thù địch, kẻ bách hại và cầu nguyện cho họ, vì Cha trên trời cũng muốn họ được rỗi.

Trên bình diện thực tế hơn, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta vượt mọi hiềm khích. Người Kitô hữu không những phải tránh mọi tình cảm ghen ghét và thù hằn, mà còn phải mong muốn biến cải kẻ thù mình thành bạn hữu. Nếu thực tế đôi khi rất khó thực hiện, thì ít là bên trong tâm hồn mình điều đó phải được thực hiện. Nghị lực con người sẽ không đủ. Người Kitô hữu thành công được là người múc lấy sức mạnh trong tình yêu và gương sáng của Chúa Kitô.

Phải nhớ rằng hiềm khích không hẳn là một sự kiện như những sự kiện khác. Hậu quả trực tiếp của nó là Thập Giá Chúa Kitô, Thập Giá mà chúng ta tham dự vào. Cách thức chúng ta vượt thắng hiềm khích tùy thuộc cách thức chúng ta tham dự vào Thập Giá Chúa Kitô. Nếu chúng ta chấp nhận điều đó, chúng ta sẽ yêu thương thù địch vì, với Đức Kitô trên Thập Giá, chúng ta hoạt động cho sự cứu rỗi của họ.

Tôi đã dùng sự đau khổ của tôi cho kẻ nào làm khổ tôi chưa?

SUY NIỆM 4: Các con hãy nên trọn lành
Nữ tu Antoilette vẫn thường nhắc đến bệnh nhân già khó tính nhất trong bệnh viện, gặp ai ông cũng nhăn nhó nạt nộ. Có chuyện gì khó chịu một chút là ông la lớn, rùm beng lên. Ngày kia, đang lúc mải mê phục vụ các bệnh nhân, nữ tu Antoilette đã nghe thấy tiếng bệnh nhân già đó hét lên: “Đem cho tôi quả trứng”. Nữ tu Antoilette vui vẻ đem đến, nhưng bệnh nhân già lại nhăn nhó: “Trứng chưa chín đủ mà lại mang cho tôi ăn à?”, và nữ tu Antoilette vui vẻ mang trứng đi luộc lại. Nhưng rồi bệnh nhân lại kiếm lý do khác để gây phiền hà đến nữ tu: “Luộc trứng chín quá, tôi không ăn nổi đâu. Tôi muốn trứng khác”.

Nữ tu Antoilette không biết làm sao, chị bèn có sáng kiến chế một lò nấu nhỏ kê ở bên giường ông, và trao cho ông một quả trứng để chính ông có thể nấu lấy theo sở thích của ông. Người bệnh nhân thấy thế lại nổi giận hơn nữa. Ông đạp đổ bếp, quẳng trứng xuống sàn nhà và quát lớn: “Tôi là bệnh nhân mà đi luộc trứng à!”. Nữ tu Antoilette chẳng nói nửa lời, chỉ biết thinh lặng cúi xuống thu sạch và quét dọn. Lát sau, nữ tu đem đến cho bệnh nhân khó tính ấy một quả trứng khác và nhẹ nhàng nói với bệnh nhân: “Ông hãy dùng thử quả trứng này, tôi luộc vừa chín mà thôi”. Thái độ của nữ tu Antoilette đã làm cho bệnh nhân cảm động và lập bập nói: “Cám ơn nữ tu. Tôi ăn trứng này và cũng ăn cả lòng tốt của nữ tu nữa. Xin nữ tu tha thứ cho tôi”.

Tình thương bác ái phải được trải dài trong mọi giây phút, mọi hành động của cuộc sống. Tình thương đó luôn bị thử thách bởi những thái độ nghi kỵ, đối nghịch, khắt khe, khó tính, thiếu cảm thông của những người sống xung quanh ta. Khi phải đối diện với những người không thích mình, không hòa hợp, thông cảm với mình; thay vì đối đầu trả đũa thì ta hãy tự vấn mình xem có phải vì những tật xấu, những khuyết điểm của mình đã khơi dậy thái độ đối nghịch hay không? Có thể đôi khi chúng ta là thủ phạm đã gây nên những sự chống đối với người khác mà chúng ta lại không hay biết. Cách sống, cách suy tư, cách hành động của ta không phù hợp với những cách thức của anh em, hay cả những xúc phạm đến những anh em chung quanh mà chính mình không hay biết. Chính vì thế mà ta cần phải kiểm điểm lại đời sống của mình luôn, để đừng khơi dậy những ngăn cách với người khác.

Nhưng, cũng có những trường hợp ta bị đối xử oan ức, bị ghét bỏ cách bất công vì niềm tin của mình vào Chúa. Lúc đó chúng ta không còn gì khác đáp lại hơn là cầu nguyện xin Chúa thêm sức mạnh, để ta có thể tha thứ và yêu thương họ đến cùng như Chúa muốn. Và chúng ta cũng đừng bỏ cuộc, không rút lại điều tốt ta đang thực hiện như nữ tu Antoilette trong câu chuyện kể trên: “Phúc cho kẻ bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ”. Tình yêu thương kiên trì của ta chắc chắn sẽ không trở thành vô ích, nhưng sẽ cảm hóa được người làm phiền lòng ta vào lúc chỉ có Chúa biết mà thôi. Phần ta, ta chỉ cần biết một điều là: “Hãy yêu thương cho đến cùng”.

Tác giả tập sách “Đường Hy Vọng” đã chia sẻ như sau: “Bác ái là tu đức liên lỉ. Tu miệng lưỡi, tu quả tim, tu lỗ tai, tu con mắt, tu lá gan, tu bộ óc. Tất cả con người con vùng vẫy, nhưng con phải yêu thương như Chúa Giêsu”. Hãy lấy một tờ giấy và bình tĩnh viết trên đó đức tính của người con bất bình, con sẽ thấy họ không hoàn toàn xấu như con nghĩ từ đầu: “Tôi không muốn biết, không muốn nhớ quá khứ của anh em tôi. Tôi chỉ muốn biết hiện tại của anh em để thương nhau, giúp đỡ nhau và biết tương lai để tin nhau, để khuyến khích nhau”.

Sống bổn phận hiện tại không phải là thụ động, nhưng là liên lỉ canh tân, quyết định chọn Chúa hay chối từ, và tìm Nước Chúa là tin tưởng ở tình yêu vô bờ bến của Ngài, là hành động với tất cả hăng say. Đó là việc làm thể hiện đức mến Chúa và yêu người ngay trong giây phút hiện tại. Đó là những lời khuyến khích đầy kinh nghiệm giúp mỗi người chúng ta sống sứ điệp Phúc Âm của Chúa xác thực hơn, hiệu quả hơn.

Đặc biệt Lời Chúa hôm nay nhắc nhở cho mỗi người chúng ta rằng: “Con hãy yêu thương kẻ thù nghịch và làm ơn cho kẻ ghét con. Hãy cầu nguyện cho tất cả những ai bắt bớ và nguyền rủa con, để các con trở nên giống Cha, Đấng ngự trên trời. Ngài làm ơn cho người lành, kẻ dữ và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương. Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng hoàn hảo”.

Mỗi người Kitô hữu phải như tấm kính phản chiếu sự trọn lành tình yêu của Thiên Chúa Cha. Noi theo mẫu gương của Chúa Giêsu Kitô, mỗi ngày cuộc sống của chúng ta phải chiếu sáng hơn để anh chị em xung quanh có thể nhìn thấy mà ngợi khen tình thương Thiên Chúa trên trời.

Lạy Chúa, trên Thập Giá Chúa đã nêu gương tha thứ cho những kẻ giết Chúa. Xin thương củng cố tình thương của Chúa trong tim con, để con mỗi ngày được tiến thêm và kiên trì đi trên con đường yêu thương của Chúa cho đến cùng. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét