GIA ĐÌNH THÁNH TÂM
Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012
HOA TRÁI CỦA ĐỨC TIN VÀ ÂN SỦNG CỦA SỰ HIỂU BIẾT
Khám phá những qui luật, điều khó hiểu, bí mật là những tố chất cần có của những nhà tri thức, học giả, những con người may mắn sở hữu các bộ óc có chỉ số thông minh cao. Điều này không những đúng trong khoa học mà còn cả trong tôn giáo.
Có hai mẫu truyện sau minh họa cho ý trên, một cùa Phật giáo, một của Công giáo.
1.Tương truyền kể lại, tiến sĩ hội thánh-thánh Augustino, một lần khi đang suy nghĩ về mầu nhiệm một Chúa ba Ngôi thì bắt gặp một đứa bé trên bãi biển. Đứa bé đang cố gắng tát cạn nước biển bằng cái vỏ sò. Augustino cười rồi bảo, công việc của em bé làm chỉ là dã tràng xe cát. Đứa bé nhìn Augustino rồi trả lời, việc của em làm còn dễ hơn điều mà ông đang suy tư. Nghe xong, thánh Augustino ngộ ra vấn đề.
2. Có một vì Tỳ khưu Malunkyaputta đến hỏi Đức Phật: “Sau khi chết Đức Như Lai sẽ còn tồn tại hay không còn; sẽ vừa còn vừa không còn; hay sẽ không còn và không không còn”. Đức Phật khuyên thầy ấy không nên lãng phí thời giờ tập trung vào những việc này, vì nó không giúp ta dứt bỏ dục vọng và giác ngộ.
Mầu nhiệm một Chúa ba Ngôi là mầu nhiệm được sự mặc khải của chính Thiên Chúa. Các phương thức mà Thiên Chúa sử dụng để biểu lộ quyền năng, tình yêu, ý định, tương lai cho con người được gọi là mặc khải. Mặc khải có thể là ở dạng siêu nhiên hay tự nhiên. Thiên Chúa là thần trí, con người lại là nhục thể, Thiên Chúa thì tinh tuyền, con người thì tội lỗi. Hai thuộc tính trái ngược đã tạo nên hai bức tường ngăn cách, làm con người quá khó để tiếp cận Thiên Chúa. Nếu không được chỉ dẫn trực tiếp hay gián tiếp của Thiên Chúa, con người rất dễ giải thích sai lầm về Ngài.
Trong Tân ước chỉ duy có một đoạn là mô tả sự gặp gỡ của ba Ngôi Thiên Chúa: Cha-Con-Thánh thần. Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người (Mt 3, 16).
Mặc dù Thần học là đức tin của sự hiểu biết, bao hàm cả việc dùng trí tuệ để tra vấn và trả lời. Tuy vậy, sự hiểu biết của con người là có hạn và giới hạn về sự hiểu biết ấy ở mỗi người là khác nhau. Suy niệm về các mầu nhiệm của Thiên Chúa, trước hết cần được sự dẫn dắt của Thần Khí và sự lao động con người trong thể khiêm nhu. Liên quan đến những bí nhiệm này, trong Tin Mừng thánh Matthêu, Chúa Giêsu có nói “Con xưng tụng Cha, vì Cha đã dấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mặc khải cho những kẻ bé mọn” (Mt 11,25). Như vậy, khiêm hạ là điều kiện cần để nhận được sự thông tri từ Đấng Tối Cao.
Lạy Thiên Chúa ba Ngôi, xin đổ xuống chúng hoa trái của đức tin và ân sủng của sự hiểu biết khi suy niệm về những mầu nhiệm mà Ngài đã mặc khải cho nhân loại. Và sự hiểu biết đựơc gia tăng một cách tỉ lệ thuận với lòng mến Chúa, yêu người.
G. Tuấn Anh
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét