Trái Tim tôn giáo
Trong các nền văn hoá cổ đã thấy những dấu hiệu của trái tim biểu lộ tâm tình tôn giáo. Con người có tôn giáo, tôn giáo ấy không nằm ngoài những cơ thể khác trong con người. Tôn giáo đặt vào trái tim, điều này chứng minh rõ nét, con người không thể sống nếu không có niềm tin tôn giáo, cũng giống như con người không thể sống, nếu không có trái tim.
Trái Tim là Đền Thờ: Ấn Độ giáo xem trái tim là đền thờ (Brahmapura) của Brahma. Đối người Hồi giáo, trái tim là ngai vàng của Thượng Đế. Đối với người Kitô hữu, trái tim là đền thờ, là bàn thờ, là vương quốc của Chúa Thánh Thần cư ngụ.
Trong ngôn ngữ biểu tượng, nếu Nhà Thờ là thân thể của Chúa Kitô, thì Bàn Thờ là trái tim của Nhà Thờ thân thể ấy. Tâm điểm của Phụng vụ Kitô giáo cũng chính là tâm điểm cử hành Bí tích Thánh Thể trên Bàn Thờ này. Vừa là tâm điểm vừa là đỉnh cao của phụng vụ, bí tích được cử hành nơi Bàn Thờ, trái tim thân thể của Chúa Kitô, cũng là biểu hiện được tham dự bàn tiệc Nước Trời và phụng vụ thiên quốc ngay khi còn là lữ hành. Thời Cựu Ước, trọng tâm của Đền Thờ là nơi đặt Hòm Bia (chứa đựng Lề Luật) Thiên Chúa, trong nơi cực thánh. Thời Tân Ước, Hòm bia được nội tâm hoá, trở thành giáo huấn nội tâm do Chúa Thánh Thần thực hiện trong tâm hồn người Kitô hữu.
Trái tim là Đền Thờ của niềm tin, trong mỗi con người dù theo tôn giáo nào cũng có ngôi đền thờ linh thiêng trong tâm hồn của mình, đền thờ đó đặt trong trái tim. Nơi đó chi phối mọi tư tưởng, hoạt động, hy vọng, niềm cậy trông… Đền thờ trong tâm hồn hay nơi trái tim có thể bị hoen úa đi do tội lỗi và những điều xấu xa của con người chủ thể trái tim. Khi Đền Thờ tâm hồn bị vấy bẩn, mọi hành vi của người đó có còn đủ sạch nữa không? những kỳ vọng có còn đủ tinh tuyền hay không? Tất cả đều trở thành một ngờ vực khi Đền Thờ không còn là nơi thánh thiêng ngự trị. Giữ gìn Đền Thờ trong tâm hồn là giữ trong sáng niềm hy vọng, làm sạch những hoạt động, thanh tẩy tâm hồn, đó cũng là phương thế tìm kiếm sự bình an đích thực. Xây dựng Đền Thờ trong tâm hồn mỗi người trước khi xây dựng những công trình trong thế giới.
Trái tim trong tôn giáo Ai Cập đóng vai trò quan trọng:
Văn tự biểu hình của Ai Cập, diễn tả trái tim bằng chiếc bình. Chiếc bình trong chữ viết Ai Cập gần giống với chén thánh hứng máu tử nạn của Chúa Giêsu trên Thập Giá. Hình tam giác có đáy một góc làm chân biểu tượng một trái tim, một trái tim đón nhận, một trái tim chứa đựng sự sống bất tử, một trái tim đầy yêu thương nhân hậu, thông liền với trái tim vũ trụ.
Theo giáo thuyết Memphis về nguồn gốc vũ trụ, thần Ptah đã nghĩ ra vũ trụ với trái tim của nó trước khi biến nó thành vật chất bằng sức mạnh của ngôn từ sáng tạo (G. Posener). Trái tim biểu hiện trung tâm sự sống, trọng tâm của đời sống hoạt động, của trí thức, tình cảm và ý chí. Trong khi ướp xác, trái tim là cơ quan nội tạng duy nhất còn giữ vị trí của nó trong cơ thể, được đặt lên một trong hai đĩa cân cùng với hình là bùa vẽ hình con bọ hung, có khắc một câu thần chú. Theo các nhà khảo cứu nói cách đặt này mang một ý nghĩa để trái tim của người quá cố im lặng không lên tiếng tố cáo chính họ trước thần Osiris.
Trái tim biểu hiện lương tâm. Lương tâm là tiếng mách bảo sự thật khi con người còn sống, lắng nghe tiếng lương tâm là để nghe tiếng sự thật. Thế nên, trái tim được diễn tả là thần linh riêng của mỗi người, họ tự hào, mãn nguyện hay tủi nhục là do lắng nghe vị thần minh của mình hay không. Trên một tấm bia mộ tại Louvre, tim được đồng hóa với lương tâm: “Chính trái tim tôi đã bảo tôi làm những việc ấy, cũng như nó đã hướng dẫn mọi hành vi của tôi. Nó là nhân chứng tuyệt vời cho tôi… tôi ưu việt bởi vì tôi lắng nghe tiếng trái tim tôi mách bảo…”.
Trong Thánh Kinh: Trái tim được biểu hiện con người bên trong, trái với con người bên trong là con người bên ngoài. Con người bên ngoài là biểu lộ con người bên trong, cho nên cái xấu không từ ngoài vào làm cho người xấu đi, trái lại, chính con người bên trong xấu đã chi phối mọi vật từ bên ngoài vào và phát xuất ra. Kinh Thánh đặt con người bên trong có tầm mức quan trọng như thế, cho nên, lời khẩn cầu của người tin và sự chữa lành của Chúa luôn là xin chữa lành trái tim. Như ta thấy lời cầu nguyện của Đavít sau khi phạm tội:
“Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ” (Tv 51,12).
Và Lời hứa chữa lành của Chúa cũng thuộc về trái tim:
“Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đặt thần khí mới vào lòng chúng. Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá và ban cho chúng một trái tim bằng thịt, để chúng đi theo các thánh chỉ của Ta và tuân giữ cùng thi hành các quyết định của Ta” (Ed 11,19-20).
Thiên Chúa chữa lành trái tim, bởi vì từ trái tim phát xuất ra nhiều gian ác, sai lầm, những tư tưởng xấu…
Tác giả sách Châm ngôn, kinh nghiệm về trái tim gắn liền với những thành tựu:
“Giấc mộng chưa thành làm trái tim khắc khoải, ước mơ toại nguyện là cây ban sự sống. Coi khinh lời dạy sẽ bị tiêu vong, tôn trọng lệnh truyền sẽ được ân thưởng” (Cn 13,12-13).
Trái tim gắn liền với những cảm nghiệm chiều sâu hay còn gọi là nhận thức của tâm hồn. Có những con người được đặc sủng cách đặc biệt, sống đạo với trái tim đơn sơ của mình mà không hề bị lay động. Ví dụ, có thể thấy ngay nơi các cụ già đang sống đạo, đối với các cụ là ướp cuộc đời trong những lời kinh, lời kinh chứa đựng những giáo lý cần thiết cho hơi thở của trái tim, các cụ nhận thức Thiên Chúa bằng trái tim hơn là nhận thức bằng lý trí. Cho nên, khi khảo cứu về đời sống đạo đức bình dân không thể bỏ qua những lới kinh chân thành thốt lên từ những trái tim cảm mến ấy được. Nhận thức của trái tim không cần lý lẽ mà vẫn sâu xa hơn những nhà lý thuyết. Sự hiểu biết bằng con tim là một sự hiểu biết sâu thẳm, không thể phủ nhận những đặc sủng dành riêng cho mỗi con người khác nhau.
Xin cho con một trái tim tinh tuyền để con yêu thương và bắt đầu mọi việc từ trái tim ấy.
Lm. Giuse Hoàng Kim Toan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét