GIA ĐÌNH THÁNH TÂM

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA-Chúa nhựt thứ ba, năm B


GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA
Chúa nhựt thứ ba, năm B
Mc 114-20




Chúa Giê-su bước vào giai đoạn công khai rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Sau khi Gioan Tẩy Giả bị giam, Chúa Giê-su mới xuất hiện, Ngài cũng giảng như Gioan đã giảng, kêu gọi mọi người ăn năn sám hối, chứng tỏ Ngài tiếp nối công việc của Gioan bị gián đoạn và đưa đến kiện toàn.
Thánh Mac-cô cho biết Chúa Giê-su xuất hiện nơi miền Ga-li-lê. Đối với chúng ta,Ga-li-lê hay miền nào cũng không quan trọng, nhưng đối với các thánh sử, mỗi địa danh đều mang một màu sắc khác nhau trong sứ vụ của Chúa Giê-su.
Tất cả xuất phát từ miền Ga-li-lê và sẽ kết thúc cũng ở Ga-li-lê, trên đỉnh núi thăng thiên. Ga-li-lê, nơi Ngài sinh trưởng và lớn lên. Miền đất nông nghiệp nầy ảnh hưởng lên cách nói, lối sống của Ngài. Ngài thường dùng những ví dụ rút ra từ nông nhiệp: hạt giống, hạt cải, chim trời…
Ga-li-lê cũng là miền xôi đậu giữa Do thái và dân ngoại. Điều đó không phải không có ý nghĩa. Ngài thường giảng ở Ga-li-lê hơn ở Giu-đê là miền nam có Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Thành Ca-phác-na-um được xem như thành phố của Ngài, thành phố quan trọng vào bậc nhất của Ga-li-lê. Giê-ru-sa-lem là trung tâm của Do thái giáo, nhưng chỉ vào những dịp quan trọng Ngài mới đến rao giảng tại đó, và Ngài hoàn tất sứ mệnh của Ngài tại đó.
Ga-li-lê, phần đất dân ngoại được Ngài chú ý nhiều  hơn, điều đó cho thấy, sứ mệnh của Ngài không chỉ hạn hẹp trong dân Do thái. Tin Mừng của Ngài vượt xa hơn vùng đất Ngài đang sống và hướng về dân ngoại. Sau nầy, Ngài ra lệnh cho các môn đệ : “Hãy đi rao giảng Tin Mừng  cho mọi tạo vật”.
Ga-li-lê,nông dân dễ chấp nhận Tin Mừng hơn Giê-ru-sa-lem, kiêu căng và cố chấp vì họ nghĩ rằng họ có trình độ văn hóa hơn những nơi khác.
Chúa Giê-su rao giảng: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại của Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Thời kỳ trông chờ đã chấm dứt. Giờ đây tương lai sẽ rực sáng vì Tin Mừng Nước Thiên Chúa đã đến. Thiên Chúa đã đoái thương con người và sẽ cứu thoát họ khỏi ách nô lệ tội lỗi. Niềm hy vọng sẽ trở thành hiện thực.
Đón nhận Triều Đại của Thiên Chúa, phải ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng. Triều Đại của Thiên Chúa là triều đại của sự thánh thiện, của tình yêu. Phải trở về với Thiên Chúa mới lãnh nhận ơn cứu độ.  “ Tin vào Tin Mừng”, Tin Mừng chính là Con Thiên Chúa nhập thể, giáng trần mang lại hạnh phúc cho con người đang sống trong ách nô lệ tội lỗi, đang mong chờ “ sự mạc khải vinh quang của con Thiên Chúa”.Triều Đại của Thiên Chúa không hạn hẹp trong vùng đất Do thái,cũng không hạn hẹp trong một thời gian ngắn, nhưng sẽ tồn tại đến tận thế, cần phải được nối dài trong thời gian. Vì thế, Chúa Giê-su cần đến một số người có thể tiếp tục công trình cứu độ của Ngài.
Ngài đi dọc biển hồ Ga-li-lê, thấy hai anh em Si-môn và An-rê đang giải chài, Ngài bảo họ: “ Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người”. Gia-cô bê và em ông đang vá lưới… Người liền gọi các ông,và các ông bỏ cha mình… mà đi theo Người”.
Sao nhanh thế ?Thánh sử cho thấy lời kêu gọi đến bất thần, ngay trong cuộc sống : họ đang thả lưới… vá lưới. Việc đáp trả cũng mạnh mẽ, dứt khoác: bỏ mọi sự mà theo Người.
Thánh Mác-cô rút ngắn tất cả mọi giai đoạn, làm như mọi việc đều xảy ra “ lập tức”, không được chuẩn bị gì cả.
Ngài cho thấy rằng đối với Nước Thiên Chúa, không thể trì hoản hay do dự. Tiếng “ lập tức “ của ngài được sử dụng nhiều lần, mười một lần trong chương  một nầy, để gây một cảm tưởng như gấp rút, nhưng phải hiểu là dứt khoác. Phải chọn lựa dứt khoác chứ không ngần ngại đắn đo.
Tiếng Chúa gọi là tuyệt đối, không thể cân nhắc hơn thiệt.
Trong sách Tin Mừng, chúng ta cũng gặp thấy nhiều lần Chúa Giê-su đòi hỏi  một sự dứt khoác như thế : ơn gọi của Mat-thêu cũng thế: Ông bỏ bàn thu thuế mà đi theo Người.
Khi nghe trình thuật của thánh sử,  chúng ta có thể nghĩ rằng, các môn đệ đầu tiên nầy đã từng nghe Chúa Giê-su giảng và lời giảng của Ngài đã gây một ấn tượng mạnh mẽ nơi các ông, vì thế, khi nghe tiếng gọi, họ không cần đắn đo gì cả, họ  theo Ngài. Không ai có thể “ lập tức” đi theo một người mà họ không biết trước dù người ấy là ai.
Nhưng ngày nay, tiếng gọi của Ngài còn hấp dẫn như thế không ? Giáo Hội đang trải qua một thời điểm khó khăn : số ơn gọi linh mục và tu sĩ càng ngày càng cạn kiệt, nhứt là trong các nước tân tiến, giàu có. Ở Việt Nam số ơn gọi cũng bớt dần…
Có lẽ áp huyết của lòng tin đã xuống thấp. Miền đất của Giáo Hội đã trở nên cằn cỗi đến nỗi hạt giống ơn gọi không thể nảy nở được. Lời Chúa không còn sức năng động mời gọi mọi người theo Chúa.
Giáo dân khắp nơi, cả bên Âu Mỹ cũng như ở Việt Nam đều than phiền về những bài giảng nhạt nhẽo, lòng thòng, buồn chán… không thể nuôi dưỡng lòng tin. Việc dạy giáo lý lõng lẽo, khoán trắng cho những người không có trình độ… Đang lúc làn sóng vô thần ồ ạt tấn công vào niềm tin suy dinh dưỡng của giáo dân, làm sao Giáo Hội có thể chính phục được thế giới nầy ?
Tiếng gọi : “ Hãy theo Ta” không dành cho một nhóm nhỏ linh mục hay tu sĩ mà cho toàn dân Chúa.Công Đồng Vatican II đã mời gọi khuyến khích, các Đức Giáo Hoàng luôn nỗ lực thúc đẫy : mọi người đều phải truyền giáo. Nhưng hình như các Ngài chỉ cày trên mặt biển. Chúng ta không bi quan nhưng phải can đảm nhìn sự thật trước mắt. Chúng ta đã đánh mất niềm tin. Chúng ta đã giữ  niềm tin chúng ta như một kho báu, không san sẻ cho ai. Chúng ta làm như niềm tin là của riêng chúng ta.
Chúng ta đã làm gì để Triều Đại Thiên Chúa lan rộng trong tâm hồn chúng ta và quanh chúng ta ? Hằng ngày chúng ta vẫn “ nguyện Danh Cha cả sáng” chúng ta đã làm được gì ?
Chúa Giê-su đến nơi bàn thờ nầy hằng ngày nuôi dưỡng chúng ta bằng chính Thịt Máu Ngài, chúng ta vẫn còn suy dinh dưỡng sao ?
 Những ước mơ của Chúa : “ Ta mang lửa đến trần gian và mong nó cháy lên”, chúng ta hãy tiếp tay, nhưng đừng để cho lời sau đây được thực hiện: “ Khi Con Người trở lại, liệu còn thấy lòng tin trên mặt đất nầy nữa không ?”
Chúng ta có đau buồn khi thấy thế giới càng ngày càng xa Chúa không ?
Chúng ta có xót xa khi thấy tuổi trẻ hôm nay sa đọa không ?
Chúng ta có cảm thấy mình có trách nhiệm đối với Giáo Hội không ?
Chúng ta hãy thành thật nói với Chúa những gì Chúa đang mong chúng ta nói, khi Ngài đến trong mỗi người chúng ta.

Linh mục Trầm Phúc.



1 nhận xét: