GIA ĐÌNH THÁNH TÂM

Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012

Thứ hai 02/01/2012. Thánh Baxiliô Cả và thánh Grêgôriô Nazianzênô – Ngài đang ở giữa anh em.



Thứ hai 02/01/2012 – Ngài đang ở giữa anh em.
02/12 – Thứ hai. Thánh Baxiliô Cả và thánh Grêgôriô Nazianzênô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh – Lễ nhớ
"Có một Ðấng sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng đó đã có trước tôi"
Thánh Basiliô Cả (329-379)và Thánh Grêgôriô Nazan (325-390),Giám Mục Và Tiến Sĩ Hội Thánh


Trong ngày lễ kính thánh Basiliô và Grêgôriô hôm nay, Giáo Hội ca ngợi một đức tính sáng ngời mà các ngài đã nêu gương cho chúng ta. Ðó là tình bạn nghĩa thiết. Cả hai sinh tại Cappadoce, thuộc gia đình quý phái, cùng học với nhau tại Athènes, cùng trở về quê hương và sống bên nhau dưới mái tu viện, mặc dù tính khá khác biệt nhau: Basiliô có óc chỉ huy và ưa tổ chức, trái lại Grêgôriô thích chiêm nhiệm và là một thi sĩ.


Thánh Basiliô được tấn phong Giám Mục Césarée de Capadoce năm 370. Ngài là một vị chủ chăn đầy gan dạ. Nhờ lời nói, chữ viết và sự can thiệp trực tiếp, ngài đã tạo cho Giáo Hội một chỗ đứng độc lập với chính quyền, đem lại phẩm giá cho người nghèo khó và bảo vệ Ðức Tin nơi Chúa Giêsu. Ngài qua đời ngày 01/01/379. Còn thánh Grêgôriô, sau khi đã làm Giám Mục Sasime (371), ngài được vinh thăng, giữ chức vị mới tại Constantinople (380) giữa cơn khủng hoảng do bè rối Ariô gây nên. Ngài luôn lặp đi lặp lại lời nói của tiên tri Giona và áp dụng cho mình: "Nếu vì tôi mà cơn bão táp này nổi dậy, hãy ném tôi xuống biển để anh em khỏi phải khổ sở". Như một nhà hùng biện, lời nói của ngài được mọi người vâng theo. Hơn nữa, ngài còn được gọi là cha những kẻ khốn cùng. Ngài chết ngày 25/01/390.


Giáo Hội chính thống đã đặt thánh Basiliô, Grêgôriô và Gioan Kim Khẩu lên hàng đầu giữa các bậc Tiến Sĩ trong Hội Thánh. Giáo Hội còn xưng tụng các ngài là "đuốc thiêng của Giáo Hội".


Lời Chúa: Ga 1,19-28
Ðây là chứng của Gioan, khi những người Do thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các Thầy Lêvi đến hỏi ông: "Ông là ai?"Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: "Tôi không phải là Ðấng Kitô".Họ liền hỏi: "Như vậy là thế nào? Ông có phải là Elia chăng?Gioan trả lời: "Tôi không phải là Elia".
"Hay ông là một đấng tiên tri?"Gioan đáp: "Không phải".Họ liền bảo: "Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?"
Gioan đáp: "Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo".Và những người đã được sai đến đều thuộc nhóm biệt phái.
Họ hỏi Gioan rằng: "Nếu ông không phải là Ðức Kitô, cũng không là Elia, hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?"Gioan trả lời: "Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết.Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng đó đã có trước tôi, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người".Việc này xảy ra tại Betania, bên kia sông Giođan, nơi Gioan làm phép rửa.

Đó là lời chúa.




SUY NIỆM 1: Ngài đang ở giữa anh em.

Vào một đêm trăng. Thích Ca ngồi giữa các đệ tử, ngài lấy ngón tay chỉ mặt trăng và nói: “Kia là mặt trăng, cứ ngó theo ngón tay ta thì thấy, nhưng đừng tưởng ngón tay ta là mặt trăng”.

Tin Mừng hôm nay cũng đề cập đến một cuộc đối thoại tương tự giữa Gioan Tẩy giả và những biệt phái đến từ Yêrusalem. Họ đặt ra ba hình ảnh về về Gioan. Trước hết, họ hỏi ông có phải là Đấng Kitô không? Thật thế, người Do Thái đã và vẫn còn mong đợi Đấng Kitô, nhưng không ai có ý niệm đích xác về Ngài: kẻ thì nghĩ đó là Đấng đem hòa bình đến cho nhân loại, người thì cho đó là Đấng đến thiết lập sự công chính, một số đông hy vọng đó là vị anh hùng sẽ lãnh đạo dân Do Thái đi chinh phục toàn thế giới, có người còn hình dung đó là một siêu nhân đến từ Thiên Chúa. Câu trả lời phủ định của Gioan ngầm hiểu rằng Đấng Kitô không phải là người như các ông nghĩ, nhưng nếu chịu khám phá, các ông sẽ nhận ra Ngài đang ở giữa các ông.


Họ lại hỏi ông có phải là Êlia mà theo tục truyền đã được đưa về trời cách kỳ diệu và bây giờ lại xuất hiện không? Người Do Thái vẫn tin rằng trước khi Đấng Kitô đến. Êlia phải trở lại để chuẩn bị cho thế giới đón nhận Ngài, nhất là sẽ phong vương cho Ngài để được gọi là Kitô. Nhưng Gioan đã chân thành nhận mình không phải là Êlia.

Cuối cùng họ hỏi ông có phải là tiên tri không? Hỏi như vậy là vì có lời trong sách Thứ luật: “Thiên Chúa sẽ cho nổi dậy một tiên tri như ta” (18,15). Người Do Thái có khi hiểu lầm và áp dụng vào Đấng Cứu thế (Cv 6,k4), có khi cho đó là một đại tiên tri, như Isaia, Yêrêmia (Mc 8,28), nhưng Gioan lại từ chối và cho mình chỉ là tiếng kêu trong sa mạc: “Hãy dọn đường Chúa”.

Gioan đã làm chứng cho Chúa trong sự khiêm tốn. Người Kitô hữu cũng phải làm chứng cho Chúa về nhiều phương diện: không những giơ ngón tay chỉ Chúa Giêsu cho người khác, mà còn phải là chứng nhân bằng chính cuộc sống nữa. Đó là sứ mạng cao cả mà chúng ta cần nhiều ơn Chúa để có thể chu toàn trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Học sống trung thực với Gioan Tẩy Giả

Trong cuộc đời đầy dẫy gian dối lọc lừa, thì trung thực là một đức tính cao đẹp nhưng thuộc vào diện quý hiếm.Ai cũng muốn đứng trên bệ cao

Sống ở đời, ai cũng muốn đứng lên “bệ cao”, để cho người khác nhận thấy bản thân mình cao lớn hơn, vĩ đại hơn, vinh quang hơn con người thật sự của mình. Làm như thế tất nhiên là không trung thực. Đây cũng là một hình thức lừa dối những người chung quanh và tự lừa dối chính mình.

Những người Pha-ri-sêu thời Chúa Giê-su muốn dùng những hình thức như “đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài, ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là Thầy” như những chiếc “bệ cao” làm cho họ thêm phần vinh quang trước mặt người đời. (Mt 23, 5-7)

Trong xã hội hôm nay cũng thế, người ta đua nhau tìm kiếm và cố đứng trên những “bệ cao” đủ loại để tỏ cho người khác thấy mình có giá trị và đáng được trọng nể. Đối với người nầy, “bệ cao” có thể là những món trang sức xa xỉ và đắt giá; đối với người kia, “bệ cao” có thể là những cơ ngơi đồ sộ; vân vân…

Ông Gioan Tẩy Giả, một mẫu người rất trung thực

Trong khi đó, Gioan Tẩy Giả từ khước mọi thứ “bệ cao”. Thay vì vui sống chốn phồn hoa đô hội thì ông lại thu mình vào nơi hoang địa khô cằn; thay vì ăn mặc lụa là gấm vóc như các người quyền quý thì ông lại khoác bộ da thú lên người làm áo che thân; thay vì ngày ngày thưởng thức cao lương mỹ vị thì thực phẩm nuôi thân của ông lại là những con châu chấu chộp bắt được đâu đó trên lối đi hoặc may lắm là kiếm được chút mật ong hiếm hoi trên rừng.

Nói tóm lại, Gioan Tẩy Giả luôn luôn trung thực, trung thực với chính mình và với mọi người, có sao nói vậy và không cần bất cứ một thứ “bệ cao” nào để tôn mình lên. Thời bấy giờ, danh tiếng của Gioan đang lên. Có luồng dư luận cho rằng ông là Đức Ki-tô; có những người khác tưởng lầm ông là ngôn sứ Ê-li-a vĩ đại giáng thế; có người nghĩ rằng với tầm cỡ của ông, ít ra ông phải là một vị ngôn sứ cao cả nào đó…

Thế mà khi những người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử các thầy tư tế và Lê-vi đến hỏi cho biết ông là ai, ông không nhận vơ cho mình những danh hiệu cao đẹp mà người đương thời gán cho ông như là đấng Ki-tô, là ngôn sứ Ê-li-a… Ông thẳng thắn xác nhận: “Tôi không phải là Đấng Kitô, tôi không phải là ngôn sứ Ê-li-a, tôi cũng chẳng phải là một ngôn sứ nào cả.” (Gioan 1, 19-20)

Vậy họ hỏi ông: “Vậy ông là ai? Ông hãy trả lời cho chúng tôi biết ông là ai để chúng tôi còn phải tâu trình lại cho người người đã sai chúng tôi đến đây.” Bị ép quá, Gioan mới trả lời rằng: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa.” Đó là một phát biểu rất trung thực và cũng rất khiêm tốn về con người của mình. (Gioan 1, 22-23)

Bấy giờ, đang khi nhiều người nghĩ rằng phép rửa của Gioan thiêng lắm, quan trọng lắm nên đổ xô đến cùng ông và nhận phép rửa bởi tay ông, thì chính Gioan lại cho rằng phép rửa ông cử hành chưa có gì quan trọng, chỉ là phần chuẩn bị cho một phép rửa mới do một Đấng cao cả sẽ đến cử hành. Ông nói: “Tôi đây chỉ làm phép rửa bằng nước. Nhưng có một đấng đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Ga 1, 26-27). Người ấy sẽ rửa các ông trong Thánh Thần. Như thế, khiêm nhường và trung thực là hai đức tính nổi bật của Gioan đáng cho chúng ta học hỏi và noi theo.

Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết học với thánh Gioan Tẩy Giả để sống trung thực với mình mà không cậy dựa quá nhiều vào những thứ “bệ cao” phù phiếm. Xin cho con hiểu rằng muốn trở nên cao cả thực sự, thì không phải là tìm cách đứng lên những chiếc “bệ” thật cao nhưng là trau dồi các nhân đức và đào luyện cho mình có những phẩm chất cao đẹp.

Lm Trần Ngà

SUY NIỆM 3: Sống chứng nhân


Mở đầu Tin mừng Gioan, sau lời tựa tác giả trình bày sứ vụ của Chúa Giêsu – Ngôi lời Thiên Chúa qua Lời chứng của Gioan Tiền Hô, Ông là vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước, tiên báo và dọn đường cho Đấng Mêsia- Chúng ta hãy cùng bước theo Thánh Sử, xem ông đã trình bày về lời chứng của Thánh Gioan Tiền Hô về Chúa Giêsu như thế nào.


Trong câu 19, Thánh Sử khẳng định: “Đây là Lời chứng của ông Gioan…"Ông Gioan làm chứng bằng “ Lời” về chính bản thân mình khi được một số Thầy Lê Vi và các Tư Tế đến hỏi “ Ông là ai?”. Vì sao họ lại hỏi ông câu này? Thưa vì: dân chúng quá ngưỡng mộ ông Gioan xem ông như một vị tiên tri thời xưa sống lại. Họ đã nghe lời ông rao giảng và ăn năn sám hối theo tình trạng tội lỗi hoặc bổn phận của họ: “ai có hai áo,hãy chia… đừng đòi hỏi quá mức… chớ hà hiếp, đừng tống tiền…hãy an phận với đồng lương” (x.lc 3,10-14). Dân dân lũ lượt kéo theo ông Gioan đến nỗi các Tư Tế và thầy Lêvi phải xao động và tìm hiểu về căn tính đích thực của Gioan “Ông là ai?”.Gioan biết họ tưởng ông là Đấng Mêsia, nên ông trả lời “Tôi không phải là Đấng Mêsia…Tôi không phải là Êlia… cũng không phải là một vị ngôn sứ…”. Câu trả lời đầy khiêm tốn của Gioan khiến họ thêm nghi ngờ về dự đoán của họ. Họ hết kiên nhẫn và cũng chẳng muốn tìm hiểu hơn nữa, nên họ gặng hỏi: “ông là ai để chúng tôi trả lời cho những người cử chúng tôi đến? (c.22a). Điều này chứng tỏ họ theo ông không phải để được sám hối, để được thứ tha lỗi lầm, nhưng là để tò mò và hơn nữa để có thêm chứng cớ mà khai trừ. Họ buộc Gioan phải trả lời về chính căn tính của mình “ông nói gì về chính ông?” (c,22b).


Đến lúc này, Gioan mới làm chứng về mình “Tôi là tiếng hô…để sửa đường cho Đức Chúa”(c.23). Một tiếng hô vang lên lạc lõng nơi sa mạc, chứ không nơi thành thị phố xá đông người . Tiếng hô này có một sứ mạng quan trọng. Đó là giới thiệu Đấng Cứu Thế cho dân của Ngài. Tiếng hô này cũng dần dần đến với Đấng Cứu Độ và cũng là Thiên Chúa của họ: “ Tôi chỉ làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông… tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (c. 26-27). Phép rửa của Ông Gioan mới chỉ là bước đầu sám hối, để xứng đáng bước vào Nước Trời, làm con dân Nước Trời và suy phục một vị vua, của lòng họ mà thôi. Vị Tiền Hô này cũng đưa ra dấu hiệu về Đấng Mêsia cho dân: “Người ở giữa các ông”. Như thế, Thiên Chúa đã cư ngụ và cắm lều giữa dân Người. Người đã đến nhà mình mà không được tiếp nhận (c.11). Uy quyền của Đấng này rất cao vời đến nổi Gioan. người mà được dân chúng suy tôn không đáng cởi quai dép , không xứng đáng làm nô lệ cho Người. Mặc dù chưa thấy Đức Giêsu, nhưng Gioan đã mạnh dạn làm chứng bằng chính lời nói, hành động và nhất là bằng cái chết của mình. Ông đã làm tròn vai trò ngôn sứ của Đấng Cứu Thế. Còn chúng ta thì sao? Từ khi lãnh nhận Bí Tích rửa tội, chúng ta có thi hành chức vụ ngôn sứ của mình chưa? Chúng ta có dám làm chứng về sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa nhân loại trong thế giới hỗn độn, thế giới vật chất đầy hưởng thụ này không?. Hay chúng ta e ngại vì sợ bị chê là “ đạo của các bà già” mà chỉ tin vào những tiện nghi vật chất và những lợi nhuận có trưóc mắt ? Hay chúng ta sợ bị thua thiệt cả về vật chất, tinh thần, ngay cả mạng sống… khi làm chứng cho một nền công lý, bình an và hy vọng.
Lạy Chúa, xin hãy ban thêm Thánh Thần Chúa để chúng con đủ sức và can đảm làm chứng cho Chúa trong lòng thế giới hôm nay.
(Trích trong ‘Tin Vui’ – Xuân Lộc)

































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét