GIA ĐÌNH THÁNH TÂM

Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012

NHÂN NGHĨA-KÊU GỌI

NHÂN NGHĨA


Thiền sư Muju kể lại rằng:

Một buổi chiều kia khi thiền sư Shichiri Kojun đang tụng kinh thì một tên cướp cầm gươm bước vào và bảo Shichiri đưa tiền cho hắn, nếu không hắn sẽ giết chết.

Thiền sư Shichiri nói với hắn:

- Đừng có làm phiền ta. Tiền trong ngăn kéo kia, anh có thể lấy đi.

Rồi Shichiri tiếp tục tụng kinh. Một lát sau Shichiri bảo tên cướp:

- Đừng có lấy hết nghe. Ta cần một ít để mai đóng thuế.

Tên cướp nhặt gần hết số tiền và chuồn đi. Shichiri nói với theo:

- Hãy cám ơn người ta khi anh nhận quà chứ.

Tên cướp cám ơn ông rồi ra đi.

Ít ngày sau tên cướp bị bắt. Giữa đám đông hắn khai đã ăn cướp của Shichiri. Khi Shichiri được mời đến ông nói:

- Người này không phải ăn cướp, ít nhất là của tôi. Tôi đã cho anh ta tiền và anh ta đã cảm ơn tôi.

Sau khi mãn tù, tên cướp đến thăm Shichiri và trở thành một đệ tử của ông.

Lòng nhân từ của vị thiền sư đã cứu vớt được một con người khỏi vòng lao tù và nhất là đã cứu cho cuộc đời anh khỏi hư mất. Phải chăng vị thiền sư đã phản ảnh được phần nào nhân cách của Chúa Giêsu?

Thật vậy, Chúa Giêsu không chỉ xử nhân từ với một người mà với tất cả mọi người. Người không chỉ xử nhân từ một vài lần nhưng là mãi mãi. Chính nhờ lòng nhân từ của Người mà biết bao nhiêu người đã được cứu thoát. Câu chuyện Tin Mừng hôm nay là một bằng chứng. Chúa Giêsu không bao che cho những tội lỗi của ông Lêvi. Trái lại, Người xác nhận ông là kẻ tội lỗi. Người không bao giờ phong thánh cho ông vì những tội lỗi của ông. Nhưng chính vì tội lỗi của ông mà Người đã tìm đến với ông và kêu gọi ông:”Tôi không đến để kêu gọi người công chính mà là để kêu gọi người tội lỗi”.

Trái với thái độ nhân từ của Chúa Giêsu là thái độ nghiêm khắc của những người biệt phái. Họ nghiêm khắc với ông Lêvi, một người bị liệt vào hàng tội lỗi. Đối với họ, những kẻ tội lỗi không đáng được Thiên Chúa yêu thương. Hơn thế nữa, những kẻ tội lỗi chính là thủ phạm đã kéo cơn giận của Thiên Chúa xuống. Những người biệt phái cũng không tin vào khả năng hoán cải của những kẻ tội lỗi. Đối với họ, sẽ không có con đường nào khác mở ra cho những con người này. Kẻ tội lỗi sẽ phải chết trong tội lỗi của mình. Không chỉ nghiêm khắc với những người tội lỗi, người biệt phái còn nghiêm khắc cả với Chúa Giêsu nữa. Họ không chấp nhận việc Chúa Giêsu hòa đồng với bọn tội lỗi đến độ liều lĩnh đặt mình vào nguy cơ lây nhiễm sự ô uế của bọn tội lỗi ấy.

Khi chọn một người thu thuế làm môn đệ của mình, Chúa Giêsu đã làm đảo lộn tất cả những quan niệm của người đương thời về tội lỗi và về sự thánh thiện. Người có cách chọn lựa của riêng Người. Đối với Người, kẻ thánh thiện không phải là kẻ chỉ biết tuân giữ một cách máy móc những lề luật của Thiên Chúa. Còn cần phải có lòng nhân từ để cảm thông, để tha thứ những lỗi lầm của người khác nữa. Đồng thời cũng cần phải tin vào khả năng sám hối của những con người tội lỗi và tạo điều kiện để họ có thể ăn năn trở về.

Chúng ta thường phân chia thế giới, phân chia cộng đoàn của mình thành hai phe. Phe thiện và phe ác. Và chúng ta thường liệt mình vào phe thiện để rồi kết án những người mà ta cho là thuộc phe ác. Trước nhan Thiên Chúa mọi người đều là tội nhân. Người Kitô hữu chân chính không phải là người tốt hơn những người khác, nhưng là người ý thức mình tội lỗi và muốn đến gần Chúa Giêsu để được chữa lành. Chúa Giêsu đến trong thế gian để kêu gọi và chữa lành tất cả mọi người trong đó có chúng ta. Do đó, chúng ta đừng ảo tưởng về sự thánh thiện cũng như đừng thất vọng về tội lỗi của mình. Cả hai điều ấy sẽ ngăn cản chúng ta đón nhận ơn tha thứ và ơn cứu độ của Thiên Chúa. Hơn nữa, nếu như Thiên Chúa không chấp tội, không đóng đinh bất cứ ai trong những lỗi lầm mà họ đã vấp phải, trái lại, Người tin vào khả năng đổi đời của tất cả mọi người thì chúng ta không có lý do gì để khóa chặt cuộc đời người khác trong tội lỗi của họ và cho rằng họ là đồ bỏ đi, là đồ hết xài.

Sự đối xử nhân từ với tha nhân chính là chìa khóa mở cửa Nước Trời cho chúng ta.











KÊU GỌI
Có một vị ẩn sĩ kia sống tịnh niệm và  chay tịnh đến độ suốt ngày không động đến thức ăn và nước uống. Từ trên đỉnh núi cao, ai ai cũng thấy có một ngôi sao xuất hiện giữa ban ngày, đó là dấu hiệu trời cao chấp thuận của lễ hi sinh của ông. Một hôm, vị ẩn sĩ quyết định leo lên núi cao. Ông muốn vươn lên cao hơn trong sự khổ chế. Vừa lúc ông đang leo núi, thì một cô bé trong làng chạy tới xin đi theo. Không thể từ chối được, vị ẩn sĩ đành để cho cô bé đi theo. Họ ra đi khi mặt trời vừa lên. Nhưng không mấy chốc, ánh nắng mỗi lúc một chói chang, cả vị ẩn sĩ lẫn cô bé đều cảm thấy khát nước. Vị ẩn sĩ vẫn cố gắng khắc phục cơn khát của mình, nhưng ông lại giục cô bé hãy uống nước. Cuối cùng, không ai chạm đến nước. Vị ẩn sĩ không uống nước vì lời thề của mình, còn cô bé không nỡ uống một mình.



Họ càng đi, cơn khát càng dằn vặt. Đến một lúc, vị ẩn sĩ không nỡ nhẫn tâm nhìn thấy cô bé phải quằn quại trong cơn khát. Cuối cùng, ông đành lỗi lời thề. Ông cầm lấy bình nước đưa lên miệng uống và lúc bấy giờ cô bé cũng mỉm cười uống nước với ông. Sau khi đã uống nước, vị ẩn sĩ không dám nhìn lên trời cao nữa. Ông cứ đinh ninh rằng vì sao hiện ra mỗi ngày như một chứng giám cho sự khổ chế của ông, giờ đây có lẽ đã biến mất. Thế nhưng, trước sự ngạc nhiên vỡ lở của ông, khi ông ngước mắt nhìn lên đỉnh núi, ông thấy có hai vì sao lấp lánh như mỉm cười với ông.

Để mạc khải cho chúng ta bộ mặt thông cảm, nhân từ, yêu thương của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã không ngần ngại đến ngồi đồng bàn với những người thu thuế, những kẻ tội lỗi. Bài tin mừng hôm nay đã ghi lại rằng: khi đi qua dãy bàn thu thuế, Ngài đã nhìn thấy Matthêu. Ngài đã kêu gọi ông và cho ông nhập vào số các tông đồ của Ngài. Là một người thu thuế, mặc nhiên Matthêu là kẻ thù của những người Do thái thời đó. Trước hết là vì những người thu thuế thường lạm dụng nghề nghiệp để làm giàu cho chính mình. Và thứ hai là cộng tác với quân ngoại xâm để bóc lột chính đồng bào, đồng chủng của mình.

Đối với Chúa Giêsu, khi nhìn thấy Matthêu, Ngài đã có một cái nhìn khác. Ngài đã khám phá ra những điểm tích cực nơi ông chứ không vơ đũa cả nắm để nghi kị xa lánh ông. Hơn nữa, Ngài còn quăng cho ông một cái phao để cứu ông khỏi vũng bùn nhơ. Ngài đã kêu gọi ông. Và đúng như sự tin tưởng của Chúa, Matthêu đã can đảm đứng lên dứt khoát đi theo Chúa.


Rồi trong bữa tiệc do Matthêu khoản đãi, những người bạn thu thuế của ông ngồi đồng bàn với Chúa Giêsu. Thấy thế, những người Pharisêu đã tỏ ra khó chịu. Chúa Giêsu đã nói với họ: ”Không phải những người khỏe mạnh cần đến thầy thuốc, mà chính là những người đau yếu. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”.

Với một cái nhìn thiết thực, với một câu nói tích cực, Chúa Giêsu đã biến kẻ thù thành bạn, biến kẻ gian dối thành môn đệ, biến kẻ chỉ biết dùng đôi tay để đếm tiền, dùng khối óc để tìm mánh khéo làm điều bất chính thành người dùng đôi tay mình, dùng khối óc mình để viết Tin Mừng. Ngoài ra, không những Chúa Giêsu đã có cái nhìn tích cực với từng cá nhân mà Ngài còn có cái nhìn tích cực với một lớp người, với một đoàn thể. Vì thế, Ngài đã tiếp xúc, ngồi ăn uống với những người bị xã hội thời đó, nhất là những người Pharisêu, khinh thường và bị lên án là những kẻ tội lỗi. Ngài đã biện minh cho hành động của Ngài: Ngài là một y sĩ, trước hết phải tìm đến với bệnh nhân. Nhưng điều kiện để đến gần mọi người, tiếp xúc với mọi người là phải có cái nhìn tích cực về họ, vì tin tưởng rằng mọi người đều có những khía cạnh tốt, những đức tính hay; mọi người đều có thể hoàn thiện và hoán cải cuộc sống; mọi người đều được Thiên Chúa yêu thương và có thể yêu thương.

Như vậy, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta thấy rằng cốt lõi của Tin Mừng, cốt lõi của đạo chính là tình thương. Thực thi bác ái là việc ăn chay có giá trị nhất, là của lễ cao đẹp nhất mà con người có thể dâng lên Thiên Chúa. Nếu chỉ có một vì sao mọc lên để chứng giám cho một hành động khổ chế, thì sẽ có hai vì sao hiện ra để xác nhận cho họ một hành động bác ái. Thật ra, bác ái đích thực cũng là một hành động khổ chế, bởi vì nó đòi hỏi con người phải chết cho bản thân, phải ra khỏi chính mình để đến với người khác.

Chúng ta đọc kinh, dâng lễ, ngắm đàng thánh giá, lần hạt Mân côi, ăn chay… tốt lắm, nhưng nếu không có lòng bác ái yêu thương thì vẫn chưa đủ, vẫn thiếu sót, nhất là thể hiện tình yêu thương đối với những người yếu đuối, lầm lỡ, tội lỗi. Chúa Giêsu luôn có cái nhìn tích cực về mọi người, hơn nữa, Chúa đã hòa mình với mọi người để đưa mọi người về với Chúa. Chúng ta hãy noi gương Chúa. Xin Chúa cho chúng ta luôn có cái nhìn tích cực về mọi người để khám phá những điểm hay, điểm đẹp, điểm tốt nơi họ; và cũng xin Chúa cho chúng ta biết đối xử với nhau bằng tình yêu thương trong mọi hoàn cảnh.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét