GIA ĐÌNH THÁNH TÂM

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

Thứ hai 23/07/2012 – Thứ hai tuần 16 Thường Niên – Dấu chỉ yêu thương


Dấu chỉ yêu thương
23/07 – Thứ hai tuần 16 Thường Niên

"Nữ hoàng phương nam sẽ chỗi dậy lên án thế hệ này".
Thánh Brigitta, Góa Phụ (1303-1373)


Thánh Brigitta sinh năm 1303 tại Thụy Ðiển (Suède). Cha mẹ ngài là bậc vị vọng và rất đạo đức. Ngài thích suy gẫm về sự thương khó Chúa. Kết hôn với ông Ulf Gusmarsson, quận công miền Névécie. Bằng lời nói và việc làm gương mẫu, ngài đã khéo hướng dẫn chồng đến tột đỉnh nhân đức. Ngài còn là người mẹ của tám đứa con. Lối giáo dục nhân từ dịu dàng và khôn ngoan đã giúp chúng biêt yêu thương kẻ nghèo và đau yếu. Sau khi chồng vào dòng Citeaux và chết ít lâu sau đó, ngài bắt đầu sống một đời rất khắc khổ (1344). Ngài đã được Thiên Chúa mạc khải nhiều lần điều bí nhiệm. Ngài đã lập một dòng ở Vadsténa theo luật dòng Saint Sauveur. Sau khi sang Giêrusalem hành hương, ngài trở về Rôma và mắc phải một chứng bệnh nan y. Sau một năm trường vật lộn với cơn bệnh, ngài từ trần năm 1373.

Giáo Hội luôn kính nhớ những phép lạ ngài đã làm.

Ngày 07/10/1391, Ðức Giáo Hoàng Bonifaciô IX đã ghi tên ngài vào sổ các Hiển Thánh.

Lời Chúa: Mt 12, 38-42

Khi ấy, có mấy luật sĩ và biệt phái thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ". Người trả lời: "Thế hệ hung ác gian dâm đòi một dấu lạ! Nhưng sẽ không cho dấu lạ nào, trừ dấu lạ tiên tri Giona. Cũng như xưa tiên tri Giona ở trong bụng cá ba đêm ngày thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba đêm ngày như vậy. Tới ngày phán xét, dân thành Ninivê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và lên án nó, vì họ đã nghe lời tiên tri Giona mà sám hối tội lỗi, nhưng đây có Ðấng cao trọng hơn Giona. Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và lên án nó: vì bà từ biên thuỳ trái đất đã đến nghe lời khôn ngoan của vua Salomon, nhưng đây có Ðấng cao trọng hơn Salomon". Đó là lời Chúa

SUY NIỆM 1: Dấu chỉ yêu thương
Trong quyển tự thuật "Vì Danh Ta", một Mục sư người Hungari đã kể lại kinh nghiệm của ông. Bị bắt và bị chuyển từ trại này sang trại khác, vị Mục sư vẫn âm thầm rao giảng Lời Chúa cho các bạn tù. Trong 13 năm tù, ông đã giúp cho rất nhiều bạn tù được gặp gỡ Chúa. Ông đã kết thúc quyển tự thuật cũng là bài ca tuyên xưng đức tin của ông như sau:

"Trong suốt thời gian bị tù đày, tôi đã hiểu được rằng Lời Chúa đi vào tâm hồn con người dễ dàng hơn giữa những đau khổ và bách hại. Ðó là lý do cho thấy mùa gặt thiêng liêng trong các ngục tù luôn luôn dồi dào. Tôi không tự cho mình là người anh hùng, lại càng không phải là vị tử đạo. Nhưng vào lúc sống tự do, nhìn lại đằng sau, tôi có thể nói với tất cả thành thật rằng 13 năm bị tra tấn đánh đập, đói khát, 13 năm đau khổ và xa gia đình để làm mục sư cho hàng ngàn tù nhân trong các trại giam, 13 năm như thế quả thật đáng giá".

Những dòng trên đây quả là một phấn khởi cho tất cả những ai đang vì niềm tin của mình mà phải chịu bách hại và đau khổ. Những đau khổ thử thách mà các Kitô hữu phải trải qua thường là dấu chỉ cao đẹp nhất, qua đó Thiên Chúa tỏ mình cho con người.

Chúa Giêsu như muốn nói đến điều đó, khi Ngài mượn hình ảnh tiên tri Yôna để loan báo về chính cái chết của Ngài. Cũng như Yôna đã vâng phục Thiên Chúa đến rao giảng sự sám hối cho dân thành Ninivê, thì Chúa Giêsu cũng vâng phục Chúa Cha để sống kiếp con người và trở thành dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa cho con người. Qua hình ảnh Yôna để loan báo sự vâng phục cho đến chết của Ngài, Chúa Giêsu muốn nói đến con đường mạc khải của Thiên Chúa, đó là con đường tình yêu. Ngài đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, nghĩa là có tự do và biết yêu thương, cho nên Thiên Chúa đã chọn con đường yêu thương để đến với con người. Ngài đã hóa thân làm người, sống trọn vẹn kiếp người, và cuối cùng chịu chết treo trên Thập giá, tất cả để trở thành lời mời gọi đối thoại yêu thương.

Mãi mãi Thiên Chúa chỉ đến với con người qua dấu chỉ của tình yêu. Người Kitô hữu luôn được mời gọi để nhận ra những dấu chỉ yêu thương ấy trong cuộc sống của mình, không những qua những chúc lành và may mắn, mà còn qua những mất mát, khổ đau thua thiệt nữa. Nhận ra những dấu chỉ yêu thương của Thiên Chúa trong cuộc sống, người Kitô hữu cũng được mời gọi để trở thành những dấu chỉ yêu thương của Ngài cho mọi người chung quanh. Trở thành dấu chỉ yêu thương có nghĩa là chấp nhận sống vâng phục và vâng phục cho đến chết như Chúa Giêsu. Trở thành dấu chỉ yêu thương giữa tăm tối của cuộc sống, giữa đọa đày bách hại, người Kitô hữu vẫn tiếp tục chiếu sáng trong tín thác, yêu thương, phục vụ, tha thứ.

Xin cho lý tưởng chứng nhân luôn bừng sáng trong chúng ta, để dù sống trong đau khổ, thử thách, chúng ta vẫn trung thành với tình yêu Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Phép lạ trong cuộc đời

Tại sao những người kinh sư và pharisiêu cứ một mực đòi Chúa làm một dấu lạ đặc biệt, cho dẫu những phép lạ Ngài đã thực hiện trong thời đó không phải là hiếm có? Chính vì họ không có tâm hồn trong sạch và ngay thẳng. Họ đến với Chúa với thái độ ganh tỵ, quá khích, tranh giành ảnh hưởng. Vì thế, họ đã không nhận ra những phép lạ Chúa Giêsu đã làm cũng như không hiểu được ý nghĩa và giá trị của phép lạ. Những phép lạ Ngài làm chỉ nhằm ích lợi cho và vì con người, để con người nhận ra tình thương cứu độ Thiên Chúa đã và đang hoạt động, đang hiện hữu nơi một con người cụ thể với tên là Giêsu. Chính Chúa Giêsu, Ðấng cứu độ, làm cho con người được cùng nhau sống hạnh phúc và sung mãn trong Nước của Ngài.

Trong cuốn sách nổi tiếng rất quen thuộc với chúng ta có tựa đề Phép Lạ Trong Những Cái Thường Ngày, tác giả đã đưa ra những tư tưởng, những lời khuyên rất sâu sắc và thiết thực, làm mẫu mực cho những suy tư và tâm tình sống của chúng ta. Có lẽ trong chúng ta ai cũng đồng ý với ý tưởng của tác giả. Một khi chúng ta nhìn tha nhân và thế giới quanh ta với cái nhìn trong sạch, một khi đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời của ta, thì không có gì là không giúp chúng ta nhận ra sự quan phòng của Chúa. Chúa luôn can thiệp trong mọi giây phút của cuộc đời chúng ta. Phần chúng ta, chúng ta có sẵn sàng hay có đủ kiên nhẫn và khiêm nhường để nhận ra sự can thiệp của Ngài không. Hãy nhắm mắt lại và để tâm quan sát mọi cơ phận của ta cũng như mọi hoạt động, những chuyển động đang diễn ra trong ta và trong thế giới chúng ta đang sống, với sức sống của muôn loài thụ tạo. Từ cái to lớn vĩ đại nhất cho đến cái vi phân tử, rồi niềm tin, tư tưởng, ý nghĩ, tâm tư, tình cảm của con người, đâu đâu chúng ta cũng gặp thấy quyền năng và sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Tất cả những điều kỳ diệu đó là gì nếu không phải là những phép lạ trong cuộc đời ta.

Cảm tạ Chúa đã cho chúng con có phước được biết Chúa và được làm con Chúa. Chúng con biết rằng đức tin sẽ trở nên án phạt cho con nếu con để sự kiêu ngạo, tính ích kỷ thống trị con. Xin củng cố đức tin và xin ban sức mạnh của tình yêu Chúa cho chúng con, nhờ đó đức tin mà chúng con đã lãnh nhận được trổ sinh nhiều hoa trái, đem lại ơn cứu độ cho chúng con và cho tất cả mọi người, đó là phép lạ lớn nhất của cuộc đời con.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 3: Ngài là ai?

Người đáp: “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Gio-na. Quả vậy, ông Gio-na đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày đêm như vậy.” (Mt. 12, 39-40)

Những kẻ thù của Chúa Giêsu giả bộ muốn biết rõ về những bằng chứng Người có thể đưa ra để mình chứng cho sứ mạng của mình: “Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ nhãn tiền trên trời.” Vẻ lịch sự của họ là hoàn toàn giả dối. Họ không đòi bằng chứng để được thuyết phục, bởi họ đã nghĩ bụng rằng Chúa Giêsu sẽ không thể làm dấu lạ ấy.

“Dấu lạ … trên trời!”

Nhóm Pha-ri-sêu hiểu “Dấu lạ” là một sự lạ lùng nhãn tiền khẳng định rõ ràng Chúa Giêsu có quyền nằng siêu việt; họ đòi phải xảy ra ở “trên trời” nơi mà mọi người ở trần gian này không thể nhìn xem mà bắt chước được. Làm như vậy họ có ý nói xa nói gần rằng những phép lạ thực hiện ở Nagiarét trước đây như cho khỏi bệnh tật, làm sống lại v.v… Vì xảy ra ở trên mặt đất nên đã có thể là do những phù phép mà có. Khi Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất, họ cũng có mặt để nêu lên sự khác biệt giữa ân huệ do Chúa Giêsu ban tặng và man na của Mô-sê “Từ trời ban xuống”

Khoa học có thể giải thích hết.

Nhóm Pha-ri-sêu lầm lạc ở chỗ là dù Chúa Giêsu có đưa ra bằng chứng về sứ mệnh của mình, thì họ vẫn có lý do trước để chống đối Người: Họ không muốn nhìn nhận Người là Đấng Mê-si-a (Thiên sai): Chẳng đời nào họ sẽ chấp nhận gia nhập “Nước Thiên Chúa” mà Người rao giảng. Họ có một quan niệm về đạo giáo hoàn toàn khác biệt: Phụng thờ Thiên Chúa Ít-ra-en là công việc của họ, nên Chúa Giêsu phải xoay quanh lợi ích tức thời của họ. Chẳng ai sẽ được là ngôn sứ nếu họ không ưng thuận. Thần trí cứng lòng tin đã không thay đổi. Thời đại chúng ta hôm nay là hôm nay cũng vậy, khoa hoc mệnh danh là độc lập thì tống trát đòi Thiên Chúa ra trước phiên họp khoáng đại của các thành viên; tại đây và chỉ ở đây, người ta mới công nhận cho Chúa được làm phép lạ mà thôi. Người ta không tìm kiếm những lý do đủ dễ tin, nghĩa là “chịu nhận đó là dấu lạ của Chúa.” Người ta thích lên án Chúa để bắt Người phải chịu nhận là bất lực bất toàn, hoặc (và đây là phán quyết biệt đãi nhất mà người ta có thể trông chờ ở những vị thẩm phán tốt) tuyên bố rằng chúng tôi còn chưa biết thiên nhiên có sức mạnh tới đâu nữa.

Chúa Giêsu không muốn cho người ta nhìn nhận Người qua những dấu lạ không phải là dấu lạ mà thường ngày Người ban cho ta trong Mầu Nhiệm Phục Sinh của Người.

Ta đón nhận Đức Giêsu là bởi chính con người của Người vậy!
 J.M

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét