GIA ĐÌNH THÁNH TÂM

Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2012

Thứ hai 06/08/2012 – Thứ hai. CHÚA HIỂN DUNG. Lễ kính – Vinh quang Phục Sinh

Vinh quang Phục Sinh 
06/08 – Thứ hai. CHÚA HIỂN DUNG. Lễ kính 
"Đây là Con Ta yêu dấu".

CHÚA HIỂN DUNG


Tabor là ngọn núi cao nhất miền Galilêa. Từ trên đỉnh ta có thể nhìn thấy một khung cảnh bao quát. Chính tại đây, Chúa Giêsu đã biến hình trước mặt ba môn đệ là những người sẽ được chứng kiến cơn hấp hối của Ngài sau này trong vườn cây Dầu.

Phúc Âm đã kể lại: "Quần áo Ngài trở nên rực sáng và trắng đẹp đến nỗi không một thợ giặt nào ở thế gian làm được như vậy. Rồi Elia và Môisen hiện ra nói chuyện với Ngài. Bấy giờ Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu: "Lạy Thầy, ở đây tốt lắm, chúng con xin dựng ba nhà: Thầy một, Elia một và Môisen một". Phêrô không rõ mình nói gì vì cả ba đều kinh sợ. Kế đến có một đám mây che phủ các Ðấng ấy và nghe thấy tiếng từ đám mây phán ra: "Này là con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người".

Sự biến hình, một lần nữa lại minh xác với chúng ta rằng: Ðức Kitô chính là Con Thiên Chúa, là ngôi lời nhập thể, đồng thời cho chúng ta thấy trước được hình ảnh sự sống lại vinh hiển của Ðấng Cứu Thế, và sự sống lại của những người công chính trong ngày sau hết.

Lời Chúa: Mc 9, 1-9


Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia cùng Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu.

Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: "Đây là con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông.

Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: "Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?"


SUY NIỆM 1: Vinh quang Phục Sinh.
Tin Mừng được Giáo Hội cho chúng ta suy niệm hôm nay ghi lại biến cố hiển dung của Chúa Giêsu trên núi Tabo. Biến cố này diễn ra sáu ngày sau khi Chúa loan báo về cuộc tử nạn và sự phục sinh của Ngài. Các môn đệ và ngay cả những người môn đệ thân tín nhất là Phêrô, Gioan và Giacôbê, không thể hiểu và không muốn chấp nhận cuộc tử nạn của Ngài. Cho các ông chứng kiến sự hiển dung, Chúa Giêsu muốn lặp lại dưới một hình thức khác lời loan báo về cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài. Lần này Ngài muốn xác quyết với các ông rằng để đi vào vinh quang Phục Sinh cần phải đi qua bóng tối của sự chết.

Với những ai đang trải qua bóng tối của thập giá, biến cố hiển dung của Chúa Giêsu là một nguồn nâng đỡ vô biên. Dietrick Bonhoffer, vị mục sư người Ðức đã bị giam tù vì can đảm lên tiếng chống lại chủ trương dã man độc ác của Ðức Quốc Xã. Trong tám tháng bị giam giữ, ông đã không ngừng suy nghĩ về biến cố hiển dung của Chúa Giêsu và tìm thấy được ánh sáng ngay giữa những đêm dài vô tận trong một nhà tù ở Berlin. Ngay chính buổi sáng bị đem ra hành quyết, ông đã thốt lên: "Thế là hết! Cuộc sống đã khởi đầu đối với tôi". Trong bài thơ có tựa đề Những Tiếng Thì Thầm Trong Ðêm Tối, ông đã kêu gọi: "Hỡi những người anh em, sau những đêm dài, bao lâu ngày của chúng ta chưa đến, chúng ta hãy chiến đấu".

Ba người môn đệ thân tín của Chúa Giêsu đã ngây ngất khi chiêm ngắm vinh quang phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng ánh sáng phục sinh ấy chỉ kéo dài trong giây lát; bóng đêm đã trở lại, nhìn chung quanh, họ thấy lại Chúa Giêsu cũng như mọi người và nhất là như một tên tử tội đang tiến ra pháp trường. Nhưng chắc chắn ánh sáng phục sinh ấy đang chiếu rọi trong tâm hồn các ông.

Tất cả những ai đang sống trọn cho niềm tin của mình, tất cả những ai đang thực thi cho đến cùng sứ mệnh của các ngôn sứ đều có trong mình ánh sáng phục sinh ấy. Chính ánh sáng phục sinh ấy mang lại cho họ niềm hy vọng và can đảm để tiến tới trong đêm đen của hận thù, dối trá và đặt niềm tin tưởng mãnh liệt vào Chúa, họ có đủ lý do để có thể thấy trước sự chiến thắng của ánh sáng, của chân lý và tình yêu.

Nguyện xin Chúa nâng đỡ cho tất cả những ai đang sống cho đến cùng sứ mệnh ngôn sứ cho chân lý.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Xin được chiêm ngưỡng vinh quang Nước Chúa
(Suy niệm của Lm. Trần Bình Trọng)

Trong thời Cựu ước, Thiên Chúa hiện ra với dân Người trong đám mây, ngoài sa mạc, nơi bụi cây. Thiên Chúa hiện ra với Môsê và Êlia trong đám mây thì Ðức Giêsu cũng biến hình trong đám mây trước mặt các tông đồ trên đỉnh núi (Mc 9:2). Thời đó, đám mây được coi là biểu hiệu của việc Chúa hiện diện.

Ðức Giêsu nhận thức rằng cuộc khổ hình mà Người sắp phải chịu, sẽ để lại một kinh nghiệm đau thương cho các tông đồ nhất là cho Phêrô, Giacôbê và Gioan là những người sẽ chứng kiến cảnh khổ nạn của Người trong vườn cây dầu. Vì thế Người đem ba tông đồ liên hệ lên núi, biến hình trước mắt các ông, cho các ông thấy cảnh vinh quang của nước Chúa và để củng cố đức tin và đức cậy của các ông trong viễn tượng của cuộc khổ hình thập giá. Nếu có ai hỏi vậy thì Ðức Giêsu biến hình trên núi nào? Truyền thuyết cho rằng đó là núi Tabo nằm về phía nam xứ Galilê, cao khoảng 600 thước tây mà nhìn lên thì thấy có vẻ giốc thẳng. Thời nay người ta làm đường trôn ốc vòng quanh núi cho tài xế tắc-xi chở khách hành hương lên. Còn thời đó chắc Chúa phải dùng quyền năng thiêng liêng mà tự nâng mình lên và cất nhắc các tông đồ lên núi.

Vậy thì tại sao trong cảnh Biến hình lại có sự hiện diện của ông Môsê và Êlia (Mc 9:4)? Theo truyền thuyết Do thái giáo, thì Môsê được coi là tác giả thu thập và kết hợp của sách Ngũ kinh, tượng trưng cho giới luật; còn Êlia là một đại ngôn sứ trong Cựu ước, tượng trưng cho các ngôn sứ. Cũng theo truyền thuyết Do thái thời bấy giờ thì ông Môsê và Êlia sẽ trở lại vào cuối thời. Như vậy sự hiện diện của hai vị này có mục đích chỉ cho bộ ba tông đồ thấy rằng đạo Kitô giáo mà Ðức Giêsu sẽ thiết lập sau này, không tách biệt khỏi những gì đã được ghi chép trong Thánh kinh Cựu ước, hầu để các ông vững tâm tiến bước theo Thầy mình mà khỏi bị hoang mang nao núng.

Tương tự như cảnh Biến hình, ngôn sứ Ðanien trong một thị kiến cũng nhìn thấy một cảnh tương tự, cũng dùng từ ngữ Con Người (Ðn 7:13) như Ðức Giêsu dùng trong cảnh Biến hình. Từ ngữ Con Người mà ngôn sứ Ðanien dùng có nghĩa là một nhân vật siêu phàm nào đó (Ðn 7:13). Trong Phúc âm Ðức Giêsu dành cho mình tước hiệu Con Người (Mc 9:9), ám chỉ thiên tính cách siêu việt và cũng nhấn mạnh đến nhân tính của Người. Còn Ðấng Lão Thành mà ngôn sứ Ðanien nói đến (Ðn 7:9,14) ám chỉ về Ðấng phán ra lời: Ðây là Con Ta yêu dấu (Mc 9:7) nghĩa là Thiên Chúa Cha trong cảnh Biến hình. Như vậy ta thấy một trường hợp nữa có sự liên hệ giữa Cựu ước và Tân ước. Nói cách khác Tân ước là sự hoàn thành của Cựu ước.

Ðức Giêsu cho ba tông đồ chủ chốt là Phêrô, Giacôbê và Gioan được thấy cảnh Biến hình để các ông có thể giữ vững đức tin của chính các ông sau ngày Thứ Sáu Chịu nạn và giúp giữ vững đức tin cho các bạn đồng chí hướng. Vậy mà trong dinh thượng tế, vì khiếp sợ, ông Phêrô đã chối Thầy mình ba lần. Phúc thay cho ông Phêrô, khi nghe tiếng gà gáy, ông liền nhớ lại lời Chúa tiên báo, khiến ông: Oà lên khóc (Mc 14:72). Nước mắt ông tuôn trào ra như là ông hối hận nói với Thầy mình: Sao con có thể chối Thầy khi con xin dựng ba lều ỏ trên núi để chiêm ngưỡng cảnh vinh quang của nước Thầy mà? Rồi con còn tuốt gươm chép đứt tai tên đầy tớ của vị thượng tế để bảo vệ Thầy, mà sao giờ này con lại hèn nhát đến thế? Như vậy những thực tại của cảnh Biến hình: đám mây, áo trắng hơn tuyết, sự hiện diện của ông Môsê và ông Êlia, tiếng phán từ đám mây có mục đích giúp các tông đồ nhận thức rằng cảnh khổ hình và thập giá của Thầy mình, không phải là một thất bại, nhưng chỉ là một sự biến đổi: qua thánh giá tới phục sinh.

Sau cảnh Biến hình, Ðức Giêsu căn dặn các tông đồ không được nói cho ai biết về chuyện này cho tới khi Con Người sống lại từ cõi chết. Và các ông đã tuân giữ lời Chúa. Sau khi Ðức Giêsu từ cõi chết sống lại thì thánh Phêrô mới thuật lại cảnh biến hình trong thư gừi giáo đoàn và nhắc lại tiếng phán từ trời: Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng qúi mến (2 Pr 1:17). Ðó là tiếng Thiên Chúa Cha phán mà thánh sử Mác-cô đã thuật lại trong Phúc âm hôm nay: Ðây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người (Mc 9:7).

Trong ngày lễ Chúa Biến hình, Giáo hội muốn dạy người tín hữu hai chân lý. Thứ nhất là Ðức Giêsu có hai bản tính: một bản tính Thiên Chúa và một bản tính loài người. Thứ hai là loài người có ngày sẽ được thông phần vào vinh quang của Nước Chúa. Thật là một điều vinh dự và an ủi, khi người tín hữu mang trong mình thân xác yêu đuối, bệnh tật và rồi sẽ chết, lại có thể được chung hưởng vinh quang phục sinh trên nước trời. Thánh Phêrô trong lúc xuất thần có xin Thầy mình để được ở lại trên núi hầu được tiếp tục chiêm ngưỡng cảnh vinh quang của nước Chúa, cho tâm hồn được chìm đắm trong thiên cảnh tuyêt vời. Ông chưa nhận thức được rằng ông còn phải xuống núi đã để làm chứng cho đức tin vào Chúa, để chịu đau khổ và vác thánh giá trước khi được vào vinh quang. Và đó là đường lối của đạo Chúa: qua đau khổ thánh giá, mới tới vinh quang phục sinh. Là môn đệ Chúa, sao ta có thể đi theo con đường khác ngoài đường Chúa đã đi?

Lời cầu nguyện xin cho được chiêm ngưỡng vinh quang của nước Chúa:

Lậy Ðức Giêsu, cũng như Chúa đã biến hình

cho các tông đồ được thấy vinh quang của nước Chúa,

xin ban cho con cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa

ở đời này để con vững tâm theo Chúa

và được thấy vinh quang nước Chúa đời sau.

Xin Chúa là niềm hi vọng và là sự cậy trông của con. Amen.

SUY NIỆM 3: Hãy nghe Người.

Thánh Mác-cô kể cho chúng ta biết thân thể Đức Giê-su chiếu tỏa một thứ ánh sáng cực mạnh xuyên qua những lớp quần áo, chiếu vào đêm tối sáng choang. Trước Người Môise và Êlia đang nghiêng mình thờ lạy. Lạ lùng hơn nữa, tiếng Thiên Chúa bảo đảm sự thật cho lời dạy của Đức Giê-su : “Đây là Con Ta rất yêu dấu, hãy nghe lời Người”.

Tiếng Thiên Chúa.

Sự biến hình của Đức Giê-su mặc khải cho chúng ta sự cao cả huy hoàng của Người. Đức Giê-su là con rất yêu dấu của Thiên Chúa, là ánh sáng sinh ra bởi Thiên Chúa là ánh sáng, Ngôi Lời hằng sống của Thiên Chúa. Trong cuộc sống của Đức Giê-su, thần tính của Con Thiên Chúa bị che phủ, người ta thấy Người trước hết là một người tên là Giêsu. Biến hình mặc khải cho chúng ta biết Người là Con Thiên Chúa, nhờ tiếng Chúa phán và lời Người dạy rất đáng tin.

“Hãy nghe Người”:

Sự biến hình làm cho đức tin của chúng ta mạnh mẽ, vững chắc. Chúng ta tin Đức Giê-su là Con Thiên Chúa. Chúng ta tin Người nhờ lời chứng của các tông đồ, đó chính là lời chứng của Thánh Phêrô mà thánh Mác-cô kể lại cho chúng ta.

Nhưng chúng ta có nghe lời Đức Ki-tô không ? Tai chúng ta có chăm chú nghe lời Người trong phụng vụ không ? chúng ta có thể quả quyết với lòng liêm chính rằng Tin Mừng Chúa Giê-su là lương thực nuôi tinh thần, nuôi con tim chúng ta không ? là thuốc bổ cho ý chí, là sức nâng đỡ lòng hy vọng của chúng ta không ?

Những tin tức được báo chí, phát thanh, truyền hình, dư luận có ảnh hưởng đến phán đoán, lối cư xử của chúng ta có hơn Thiên Chúa không ?

Sứ điệp của Ngài có là ánh sáng cho chúng ta biết phán đoán về hạnh kiểm của chúng ta và về những biến cố xã hội, chính trị không ?

Khẫn thiết phải làm cho chúng ta tự cảm thấy luôn luôn quay về với đức tin vào Đức Giê-su Ki-tô và sống xứng đáng là Kitô hữu. Hãy làm cho chúng ta biến hình nhờ lời Chúa, để cho nước Đức Giê-su, Đấng Cứu Thế trị đến trong xã hội chúng ta.

J.M








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét