ĂN CHAY – MÙA CHAY
Hầu như mọi tôn giáo đều coi trọng việc
ăn chay, coi đó như là điều không thể thiếu trong đời sống của các tín
hữu. Ý nghĩa và mục đích của việc ăn chay có phần giống nhau, nhưng lại
cũng khác nhau tùy theo lý tưởng tôn giáo và cùng đích của đời sống mà
họ đang hướng tới. Khi nói về Ăn chay – Mùa chay, ta cũng cần tìm hiểu
và rút tỉa “những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo” (NA 2), để làm phong phú hơn cho đời sống tâm linh của mình.
I. ĂN CHAY THEO QUAN NIỆM CỦA MỘT SỐ TÔN GIÁO
1. Ăn chay
ĂN CHAY, do chữ Hán là Trai. Trai có nghĩa là thanh tịnh, sạch sẽ. Ăn chay là ăn các loại thực phẩm phát xuất từ thảo mộc hay được chế biến từ thảo mộc, như:
rau cải, hoa quả, ngũ cốc, các loại đậu, tàu hủ, tương chao… Người ăn
chay thường dùng nước chấm là nước tương, được làm bằng đậu nành hay xác
đậu phọng. Do đó, người bình dân gọi ăn chay là ĂN TƯƠNG.
Ăn chay còn được gọi là ĂN LẠT. Ăn lạt
không có nghĩa là ăn những món ăn lạt lẽo, mà nói như vậy để đối nghĩa
với ĂN MẶN. Ăn mặn không có nghĩa là ăn những món ăn được nêm muối cho
mặn, mà là ăn các loại thực phẩm xuất phát từ động vật hay được chế biến
từ thịt động vật, như: cá, thịt, tôm, cua, sò, ốc, ba-tê, lạc xưởng,….
Vậy, ăn chay, ăn tương hay ăn lạt đều như nhau.
2. Mục đích và ích lợi của ăn chay (theo Phật giáo, Cao đài, Hòa Hảo)
- Ăn chay thì giữ được Ngũ Giới Cấm dễ dàng: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không dùng chất gây nghiện (rượu, thuốc)
- Ăn chay để thanh lọc bản thể, làm tinh khiết chân thần: các
loài động vật chỉ bổ dưỡng cho thể xác con người, vì thể xác con người
cũng là huyết nhục. Còn các thức ăn chay có hai tác dụng bổ dưỡng:
. Bổ dưỡng xác thân nhờ những chất khoáng hấp thu trong đất và đạm khí trong không khí.
. Bổ dưỡng chân thần nhờ hấp thu ánh sáng và dưỡng khí.
Người ăn chay trường lâu năm thì tạo được
vừng hào quang trong sáng nơi đỉnh đầu, chân thần cũng được trong sáng,
tinh tấn, nên nhẹ nhàng hơn không khí. Ðến kỳ thoát xác, chân thần xuất
ra khỏi thể xác một cách dễ dàng và bay khỏi bầu không khí, đến các cõi
thiêng liêng.
- Ăn chay là luyện tập Bi, Trí, Dũng. Không
giết hại thú vật để ăn thịt nên tâm từ bi. Không dùng thịt máu làm quấy
động tâm can nên trí sáng. Không bị lôi kéo vào đam mê dục vọng nên chí
dũng.
- Ăn chay để kiềm chế lục dục thất tình. Lục dục gồm: Sắc dục (nhãn – mắt), Thinh dục(nhĩ -tai), Hương dục (tỹ- mũi), Vị dục (thiệt-lưỡi), Xúc dục (thân- da thịt), Pháp dục (ý –tư tưởng). Thất tình gồm: Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Cụ, Dục. (mừng, giận, thương, ghét, buồn, sợ, muốn).
- Ăn chay để tránh quả báo luân hồi. Ăn chay giúp chúng ta không mắc nợ oan nghiệt, không vay nên không phải trả, không nhân tai nên không quả báo.
Có nhiều mức độ ăn chay: nhị
trai, tứ trai, thập trai, nguyệt trai, trường trai. Các tín đồ Phật
giáo, Cao Đài, Hòa Hảo đã quá quen với việc ăn chay, có nhiều người ăn
chay suốt đời. Họ coi đó như một cách cơ bản để tu luyện bản thân. Về
tâm sinh học, quả thực việc ăn chay đem lại nhiều kết quả tốt đẹp cho
đời sống thể chất cũng như tinh thần, giúp người ta đi vào đời sống tôn
giáo cách thanh tịnh và thuần khiết hơn.
II. ĂN CHAY THEO KITÔ GIÁO
Kitô giáo quan
niệm rằng ăn chay là rèn luyện cho bản thân cách chống lại những ham
muốn xác thịt và nhất là tỏ lòng sám hối tội lỗi đối với Thiên Chúa. Cần phân biệt giữa “giữ chay” và “kiêng thịt” (nhưng hai việc này lại thường đi đôi với nhau), thông thường được hiểu như sau:
- Giữ chay (jejunium) có nghĩa là giới hạn lượng lương thực được tiếp nạp vào cơ thể. Cụ thể, giữ chay là không được ăn và uống những thứ gì ngoài bữa ăn chính trong ngày (nhưbánh, kẹo, nước ngọt, cà phê, trái cây…).
- Kiêng thịt (abstinentia) có nghĩa là từ bỏ một thức ăn khoái khẩu thường ngày, cụ thể, cấm ăn thịt nhưng lại cho phép ăn cá, các sinh vật biển hay động vật máu lạnh (tôm, cua, ếch…).Trứng, sữa và các chế phẩm từ trứng, sữa (như bơ, pho mát, sữa chua…) không thuộc danh mục những thứ buộc phải kiêng. Tuy nhiên, xét cho cùng, chúng lại “vướng” vào quy định của “giữ chay”.
- Luật chỉ buộc giữ chay kiêng – thịt vào Thứ tư Lễ Tro và Thứ sáu Tuần Thánh, còn tất cả các ngày thứ sáu trong tuần khuyên các tín hữu phải giữ chay và kiêng thịt.
- Điều 1252: “Ai đã trọn 14 tuổi buộc phải giữ luật kiêng thịt; còn luật ăn chay buộc tất cả những người thành niên cho đến khi bắt đầu 60 tuổi. Tuy nhiên, các vị chủ chăn và cha mẹ phải lo sao để cả những người vị thành niên không buộc ăn chay kiêng thịt cũng phảiđược thấm nhuần tinh thần sám hối đích thực.”
- Điều 1253: “Hội đồng Giám mục có thể ấn định rõ hơn luật giữ chay và kiêng thịt, cũng như có thể thay thế toàn phần hay một phần việc kiêng thịt và ăn chay bằng những hình thức sám hối khác, nhất là bằng những việc bác ái và việc đạo đức.”
Ăn chay bên ngoài nhắc nhở việc
ăn chay trong lòng. Ăn chay trong lòng giúp ta tập làm chủ đời sống mình
để luôn biết qui hướng về Chúa và mở lòng ra với tha nhân. Điều quan
trọng hơn nữa là sống ý nghĩa Mùa Chay như Giáo Hội mong muốn, đó là
sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô trong cuộc đời mình.
III. MÙA CHAY
1. Lịch sử Mùa Chay
Trong thế kỷ II các tân tòng[1] ăn
chay hai ngày trước khi được Rửa Tội trong Đêm Vọng Phục Sinh. Dần
dần thời gian chuẩn bị và ăn chay kéo dài 2, 3 và 4 tuần. Trong thế kỷ V
Giáo Hội thêm lễ Tro là một nghi thức dành cho tội nhân đang hoán cải và sẽ được hòa giải ngày thứ Năm Tuần Thánh.
- Ý nghĩa “Tro”
Từ thời Cựu Ước, “tro” đã mang hai ý nghĩa: tượng trưng cho “sự thống hối ăn năn” và “đời sống khiêm nhường.” Trong sách Sáng Thế 18, 27, chúng ta nghe Abraham tự thú nhận: “Này tôi quả đường đột thưa với Chúa tôi – tôi chỉ là tro bụi.”
Đến thế kỷ thứ 5, Giáo Hội mới bắt đầu
dùng tro trong các nghi thức phụng vụ. Trong thời điểm này, những kẻ tội
lỗi và hối nhân rắc tro trên thân mình. Họ bị trục xuất ra khỏi cộng
đoàn trong một thời gian ngắn, để thống hối ăn năn vì những trọng tội họ
đã phạm – như tội phản đạo, chối đạo, sát nhân và ngoại tình.
Đến thế kỷ thứ 7, nghi thức thống hối này
đã biến dạng và được áp dụng vào ngày Thứ Tư Lễ Tro. Kẻ có tội phải mặc
áo nhặm và xức tro trên mình. Đồng thời, phải sống xa gia đình suốt cả
Mùa Chay. Những người này không được bước vào Nhà Thờ và cũng không được
nói chuyện với bất cứ một ai. Họ phải làm việc đền tội, cầu nguyện và
ngủ dưới đất hoặc trên rơm và cũng không được tắm rửa hoặc cắt tóc cạo
râu. Vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, những hối nhân này được ban ơn xá giải
và trở về với gia đình. Truyền thống này bắt đầu phổ biến và được áp
dụng cho toàn thể Giáo Hội vào thế kỷ thứ 11, dưới triều đại của Đức
Thánh Cha Urbanô đệ II.
Ngày nay, vào mỗi Thứ Tư Lễ Tro, các linh
mục dùng tro gạch dấu Thánh Giá trên trán của bản thân mình và từng
Giáo hữu. Tro này chính là tro của những chiếc lá vạn tuế của Lễ Lá năm
trước đã được đốt đi. Tro nhắc nhở các giáo hữu về thân phận con người.
Con người được dựng nên từ bụi tro. Tro được sức lên trán để khắc ghi
vào tâm trí thực tại cát bụi của con người chúng ta. Vì vậy, khi dùng
tro ghi dấu Thánh Giá trên trán, linh mục sẽ đọc: “Ta là thân cát bụi – sẽ trở về cát bụi” (St 3,19) hoặc “Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng” (Mc 1,15).
- Ý nghĩa liên lệ giữa “Mùa Chay” và “Lễ Tro”
Lá vạn tuế năm trước được đốt đi thành
tro là một dấu chỉ thích đáng cho ý nghĩa của Mùa Chay. Điều đó có ý mời
gọi mỗi tín hữu phải nhìn lại cuộc sống của mình trong năm qua. Ta phải
thiêu đốt tất cả những gì xấu xa tội lỗi của ta thành tro bụi, và quyết
tâm lên đường theo Chúa Giêsu bước vào sa mạc để đối diện với lòng
mình, với chính kẻ thù của mình là Satan. Satan hằng luôn xúi dục ta
chiều theo tính đam mê xác thịt, ham hố quyền hành và tham lam tiền của.
Nhìn nhận mình là bụi cát, ta noi gương Chúa Giêsu sống khiêm nhu, kính
sợ và tín thác vào Thiên Chúa. Chỉ lúc đó, Thiên Chúa mới “cất nhắc tôi lên từ đống phân tro.” (TV 113, 7)
Như vậy các tân tòng và tội nhân là nhân
vật quan trọng hàng đầu trong Mùa Chay. Lời nguyện và bài đọc của Mùa
Chay thường nhắc đến tân tòng đang chuẩn bị chịu phép Rửa Tội và tội
nhân đang xin được hòa giải. Thực sự mọi Kitô hữu đã là ‘tân tòng’ cần
đi lại và đào sâu con đường dẫn đến Rửa Tội; vẫn là ‘tội nhân’ được mời
xức tro và tích cực tham gia vào Mùa Chay để ăn năn sám hối và chuẩn bị
lập lại lời hứa khi chịu Phép Rửa Tội.
Công Đồng Vat II muốn đem lại đặc tính đích thực cho Mùa Chay: “Hai
đặc tính của mùa Chay là việc sám hối và nhất là việc nhớ lại hoặc dọn
mình chịu phép Rửa Tội, chuẩn bị các tín hữu cử hành mầu nhiệm phục
sinh, bằng sự nhiệt thành nghe lời Chúa và chuyên chăm cầu nguyện hơn… Trong
Mùa Chay, việc sám hối không những chỉ ở trong lòng và có tính cách cá
nhân, mà còn phải tỏ lộ ra bên ngoài và có tính cách xã hội. Vậy hãy
khuyến khích việc thực hành sám hối tùy theo khả năng của thời đại ta,
của các miền khác nhau cũng như tùy hoàn cảnh các tín hữu.” (SC 109-110).
2. Chủ đích của Mùa Chay
Mùa Chay là thời gian thuận tiện để đón
nhận ân sủng của Chúa, giúp cho các tín hữu ý thứctình yêu và kế hoạch
Thiên Chúa trên cuộc đời mình; là thời gian nhớ lại ngày được Rửa Tội,
là biến cố được “dìm xuống” trong Đức Kitô để hoán cải và sống thực sự
theo vết chân Ngài. Đó cũng là thời gian tìm lại gốc rễ của đời
sống đích thực nơi mỗi người. Gốc rễ là Đức Kitô đã chết và sống lại để
ban cho nhân loại sự sống mới. Gốc rễ là hành động của Thần Khí nối kết
chúng ta với Thiên Chúa và với anh em trong tình yêu.
Mùa Chay là một hành trình tập luyện thiêng liêng dẫn đến Phục Sinh. Trước khi xức tro có lời nguyện: “Lạy
Chúa, ngày hôm nay, tất cả chúng con ăn chay hãm mình, để bước vào mùa
tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Xin giúp chúng con hằng biết sống khắc
khổ, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần”.
Như vậy, Mùa Chay là mùa phục hồi và bồi dưỡng tâm linh. Nói đúng hơn là chuẩn bị tín hữutham dự trọn vẹn hơn vào mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô, giúp cho tín hữu thực hiện sự phục sinh tâm linh của chính mình.
Mùa Chay không có ý nghĩa tự thân. Nó lệ
thuộc vào Lễ Phục Sinh, được lập ra vì Lễ Phục Sinh. Không có Lễ Phục
Sinh thì cũng sẽ không có Mùa Chay. Mùa Chay chỉ thực sự có ích nếu giúp
ta hồi sinh từng bước, nâng cao phẩm chất đời sống tâm linh, để chính chúng ta cũng sống lại cùng với Chúa.
3. Phục hồi và bồi dưỡng tâm linh trong Mùa Chay
Không thể sống Mùa Chay mà lại thiếu nỗ
lực phục hồi và bồi dưỡng tâm linh. Nỗ lực này là điều kiện thiết yếu
của đời sống Kitô hữu. Kinh nghiệm hiển nhiên cho thấy, trong mọi lãnh
vực, thời gian và hoàn cảnh luôn làm tiêu hao và bào mòn mọi sự. Ngay
cả tình yêu thắm thiết ban đầu rồi sẽphai dần: Dầu rằng hẹn núi thề non, nhưng rồi có lúc héo mòn nhạt phai. Vì
thế, trong bất cứ lãnh vực nào cũng có nhu cầu phục hồi, tân trang,
nâng cấp…để ngăn chặn sự thoái hóa. Đời sống tâm linh cũng không thể
khác được.
Trên đường đi theo Chúa rất dễ xảy ra
hiện tượng tiêu hao, xuống cấp. Hiện tượng này có khi còn trầm trọng hơn
trong các lãnh vực khác. Cám dỗ ngày càng tăng; sức kháng cự ngày càng
yếu; lòng sốt sắng ban đầu suy giảm dần; tội lỗi ngày càng tăng áp lực,
nên đời sống tâm linh cạn kiệt và tê liệt dần, vì xa rời với nguồn suối
linh thiêng.
Trong khi đó, Thiên Chúa lại chờ đợi chúng ta tăng trưởng, tiến tới, vươn lên. Chúa Giêsu luôn bảo các môn đệ của Ngài : “Hãy theo Ta”. Càng
ngày càng phải theo Chúa sâu sát hơn trên con đường Chúa đi: con đường
thập giá, từ bỏ, hy sinh, quên mình, để tiến đến sự phục sinh. Phải
dámkhước từ những con đường dễ dãi, hưởng thụ, lạc thú, phú quí, danh
lợi… là những con đường đưa ta vào ảo mộng, nửa tỉnh nửa
mê, dở sống dở chết. Bởi thế, thánh Phaolô đã phải đánh thức các tín hữu
của ngài : “Hãy chỗi dậy những ai ngủ mê, hãy chỗi dậy từ cõi chết. Chúa Kitô sẽ chiếu sáng trên ngươi”.
Chúng ta hãy phác họa cho mình một chương
trình và cách thức cụ thể để sống Mùa Chay: sống yếu tố Mầu Nhiệm của
đời mình trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, để Chúa là tất cả trong
tất cả cuộc đời chúng ta.
Lm. Thái Nguyên
[1] ‘Tân
tòng’ (Catechumen) bằng tiến Hy lạp là kẻ “lắng nghe” (katejei), tức là
kẻ nhận ra tiếng kêu của Thiên Chúa. Kinh nghiệm căn bản của tân tòng
là ‘nghe Thiên Chúa nói’. Khi đọc Kinh Thánh, thắc mắc chính của con
người không phải là Thiên Chúa ‘có thật’ không, mà là Ngài ‘có nói’ thực
sự chăng. Những thắc mắc về đức tin không được đáp lại bằng những lý
luận rất giỏi mà bằng đức tin, khi chúng ta nhận thấy và nghe Thiên Chúa
nói với mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét