Chúa Nhật 26/02/2012.
CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY
Sám Hối Và Tin Vào Tin Mừng
"Chúa chịu Satan cám dỗ
và các Thiên Thần hầu hạ Người".
Lời Chúa: Mc 1, 12-15
Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó
suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên
Thần hầu hạ Người.
đồng thời đầy tội ác. Noe
hằng đi đứng rập theo ý Thiên Chúa (St. 6, 9), nên ông sẵn sàng chịu muôn ngàn
đắng cay, muôn ngàn hy sinh để chiến thắng mọi thử thách cam go. Noe và gia
đình đã thực sự sám hối bằng đức tin có việc làm, chứ không chỉ đau đớn hối
hận. Nhờ đó, cả gia đình ông và bao nhiêu muôn chim cầm thú đã được cứu sống.
Thiên Chúa đã ký kết với ông một giao ước mới. Ông là cha một dòng dõi mới, một
dân tộc mới.
Noe và dòng dõi ông là hình
bóng tạm thời của Đức Giêsu là đầu một dân tộc mới, một dân tộc trường tồn muôn
đời, là dân Chúa, là Giáo hội Chúa Kitô.
Bài Tin Mừng và bài đọc 2
cho thấy rõ chân lý hiển nhiên đó. Đức Giêsu, dầu là Thiên Chúa, đã đến chịu
phép rửa sám hối của ông Gioan, Người cũng phải khiêm tốn chôn mình dưới sông
Giócđan. Hơn nữa, Người còn phải chịu rửa bằng Thánh Thần và lửa (Mt. 3, 11);
“Thánh Thần đã thúc đẩy Người vào hoang địa, ở đó lâu ngày, chịu satan cám dỗ,
sống giữa loài dã thú”. Hoang địa là nơi phải sống khắc khổ, thiếu thốn, nghèo
khổ, nhưng trong lành, và thanh thoát mọi tham lam phàm tục. Sống nghèo khó thì
lại được chúc phúc: Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì nước Trời là của họ.
Sống trong khóc lóc đắng cay thì lại được Thiên Chúa an ủi (Mt. 5, 3-5).
Satan là tướng quỷ dữ, gieo
rắc chống lại Thiên Chúa, lôi kéo vào tội lỗi, vào cực hình. Phép rửa bằng
Thánh Thần sẽ giúp chiến thắng Satan đem ta trở về Thiên Chúa, hướng dẫn ta vào
con đường thánh thiện vinh phúc muôn thuở.
Sống giữa dã thú là sống
giữa loài hung dữ, dã man, tàn ác, bằng phép rửa Thánh Thần sẽ thanh luyện ta
sạch mọi dã man, gian tà, tội ác trở nên hiền hòa khả ái, nhân từ, yêu thương,
an lành.
Đức Giêsu đã chịu phép rửa
bằng Thánh Thần, Người hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, trở nên Con chí ái của
Đức Chúa Cha, mọi sự vâng theo thánh ý Cha như Người đã cầu nguyện: “Một theo ý
Cha, đừng theo ý con”. Và Đức Chúa Cha đã hoàn toàn hài lòng về Người. Người
không còn một chút bẩn nhơ bụi trần, hoàn toàn siêu thoát mọi tham lam, cho nên
chiến thắng và tiêu diệt tướng quỷ dễ dàng. Người sống giữa những quân thù như
dã thú mà vẫn vô cùng dịu dàng nhân ái, không ai nghe thấy tiếng Người dức lác,
Người không bẻ gẫy cây sậy đã dập, không nỡ tắt tim đèn còn khói.
Thánh Phêrô còn nói: “Đức
Kitô đã chịu chết vì tội chúng ta, Đấng công chính đã chết cho kẻ bất chính.
Thân xác Người bị giết chết, nhưng nhờ Thánh Thần Người được phục sinh … Nhờ sự
phục sinh của Đức Kitô, Người đã tiêu diệt sự chết cho chúng ta được hưởng sự
sống đời đời”.
“Đức Kitô đã chịu chết”, đó
chính là phép rửa bằng lửa. Lửa bừng lên trong trái tim Người vì yêu thương
chúng ta. Người đã nói: “Không có tình yêu cao quý nào bằng tình yêu chết cho
người mình yêu”. Lửa tình yêu mà Đức Giêsu đã thực hiện như Người nói: “Thầy
đem lửa đến trần gian, Thầy ước mong lửa ấy bừng lên. Thầy còn một phép rửa
phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất” (Lc.
12, 49-50).
Đức Giêsu đã khắc khoải sám
hối thay cho nhân loại qua chịu phép rửa bằng Thánh Thần và lửa. Người đã hoàn
tất. Các Tông đồ cũng đã chịu phép rửa bằng Thánh Thần và lửa trong ngày lễ Ngũ
Tuần (Lễ Hiện Xuống). Thánh Thần đã thúc đẩy các ông đem lửa tình yêu của Đức
Giêsu bừng cháy lên, tỏa sáng khắp thế gian, hoang địa và đã chiếu tỏa trên
chúng ta, thúc đẩy chúng ta sám hối và tin vào Tin mừng. Để chúng ta cũng được
chịu phép rửa bằng Thánh Thần và lửa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con
hằng kiên tâm sám hối và tin vào Tin mừng, cho chúng con được thanh tẩy, để
sống trong Thánh Thần và trong lửa tình yêu của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
Amen.
(Trích trong ‘Xây Nhà Trên
Đá’ của Lm. ViKiNi)
SUY NIỆM 2: Chọn Theo Chúa Là Ðón Nhận Giao Ước
Sống ở đời là phấn đấu và
chọn lựa. Trong cuộc đời trần thế, Ðức Kitô đã không thoát khỏi vòng thông lệ
đó.
Thật vậy, lúc khởi đầu cuộc
sống công khai, Người đã được Thánh Linh đưa vào sa mạc để chịu thử thách giống
như Ađam trong vườn địa đàng và dân Dothái suốt 40 năm trường trong sa mạc.
Nhưng Ađam đã sa ngã.
Dothái đã thất trung.
Còn Ðức Kitô đã trung thành đứng
hẳn về phía Thiên Chúa. Nhờ vậy, Người đã thắng Satan.
Sau hành động quyết liệt
đương đầu với chước cám dỗ, Ðức Kitô đã xuất hiện trước công chúng, rao giảng
Tin Mừng và kêu gọi thống hối (Mt 4,12-17; Mc 1,14-15; Lc 4,14-15). Chẳng những
cơn thử thách đã không cầm chân và quật ngã được Người, mà trái lại càng làm
cho Người quyết tâm chu toàn sứ mạng.
Quả vậy, thay vì chiều theo
những lời dụ dỗ mê hoặc của Satan (Mt 4,3-11; Lc 4,3-14), Ðức Kitô đã dùng lời
Kinh Thánh mà khước từ mạnh mẽ. Cuối cùng Satan đã rút lui và Người đã chiến
thắng. Sức mạnh làm cho Người chiến thắng là chính lời Kinh Thánh và thái độ
cương quyết đứng về phía Thiên Chúa.
Là tín hữu, chúng ta cũng có
thể chiến thắng như Ðức Kitô, nếu biết chọn đứng về phía Thiên Chúa và lắng
nghe lời Người mà thay đổi nếp sống và để Người hướng dẫn đời ta.
Vì thế, có thể nói chiến
thắng của Ðức Kitô cũng là chiến thắng của chúng ta. Cuộc chiến đấu của Người
đã chứng tỏ: con người có thể thắng những chước mê hoặc của Satan, nếu dựa vào
sức mạnh của Thiên Chúa.
Cũng như Ðức Kitô, ta không
chấp nhận dùng Thiên Chúa như một phương tiện để thỏa mãn những nhu cầu thế
tục; hoặc như một sức mạnh ma thuật để làm những việc phi thường; hay qụy lụy
Satan để được làm chúa thiên hạ (Mt 4,3-10). Chính Thiên Chúa mới là chủ tể vũ
trụ và Người điều khiển lịch sử loài người.
Trong lịch sử Dothái, Thiên
Chúa đã trực tiếp hướng dẫn dân Người và đã chuẩn bị họ đón nhận Giao ước như
một ân huệ. Người đã đem họ ra khỏi Aicập và dẫn đưa qua sa mạc để thanh luyện
tâm hồn họ và để họ chọn lựa tin vào Thiên Chúa, nghĩa là đứng hẳn về phía
Người. Còn Người đã nuôi sống họ bằng Manna, một ân huệ từ trời xuống, Ðức
Kitô, sau khi quyết định đứng về phía Thiên Chúa và nhờ đó chiến thắng Satan,
cũng đã được Thiên Thần mang của ăn từ trời đến nuôi dưỡng và hầu hạ. Cuộc thử
thách của Ðức Kitô đã chuẩn bị Người thực hiện chương trình cứu độ của Thiên
Chúa, nghĩa là thiết lập Giao ước mới trong cái chết và cuộc phục sinh của
Người.
Trước khi lập Giao ước với
loài người, Thiên Chúa luôn dùng một khoảng thời gian để chuẩn bị và thanh
luyện. Lục Ðại Hồng Thủy 40 đêm ngày thời Noe là một bằng chứng khác. Sau cơn
tàn phá, mà chỉ một mình ông và một số ít người theo ông được cứu thoát, Thiên
Chúa đã ký kết với ông một Giao ước ân tình: từ nay Người sẽ không bao giờ còn
tàn phá mặt đất nữa. Từ đây bắt đầu một giai đoạn mới với một lớp người biết
đặt hết lòng tin tưởng vào Chúa. Biểu hiệu cho Giao ước này là một cầu vòng
hình cánh cung đặt ngang trời. Mỗi khi nhìn thấy nó là Thiên Chúa nhớ lại tình
thương vô điều kiện của Người đối với nhân loại: từ nay Người giao hòa cùng vạn
vật, gác cung lên, không còn dùng đến nữa và bảo toàn sinh mạng cho muôn loài.
Chọn theo Chúa là đón nhận
Giao ước. Nhưng ân huệ Giao ước luôn đi kèm với thử thách. Mà thử thách chỉ là
để chuẩn bị cho loài người một cuộc sống mới tốt đẹp hơn, vì tuy có hủy diệt
nhưng là để tái tạo, tuy có đau khổ nhưng là để thanh luyện, nhằm đưa vào Ðất
Hứa. Ðức Kitô cũng đã chịu chết, nhưng Người đã sống lại và đem đến cho ta sự
sống vĩnh cửu, nhờ cái chết và cuộc Phục sinh của Người để tiêu diệt tội lỗi và
thanh luyện tâm hồn.
GIẢNG LỄ
Chúng ta đã bước vào mùa
Chay Thánh từ hôm thứ Tư lễ Tro vừa rồi. Và có lẽ theo truyền thống, chúng ta
đã bắt đầu có những quan niệm nghiêm ngặt và khắc khổ về nếp sống phải có trong
mùa này; đến nỗi sau khi nghe 3 bài đọc Sách Thánh hôm nay, có lẽ chúng ta chỉ
còn nhớ tư tưởng Chúa Yêsu ngày trước đã bị cám dỗ trong sa mạc. Quả thật, ngày
Chúa Nhật thứ I mùa Chay thường được mệnh danh là ngày Chúa nhật Chúa bị cám
dỗ. Nhưng ước gì chúng ta hãy nghĩ đúng về biến cố này, như các bài đọc Kinh
Thánh hôm nay cho thấy, đã biết đúng ý của Giáo hội muốn chúng ta sống ngày hôm
nay và suốt tuần lễ này như thế nào.
Chúng ta hãy bắt đầu nhớ lại
đúng ý tưởng của bài đọc thứ I hôm nay. Yavê Thiên Chúa ký kết Giao ước thân
hữu với Noe và con cháu ông sau khi họ ra khỏi tàu. Như vậy rõ ràng bài Cựu Ước
muốn nhắc nhở lại quãng thời gian nhân loại được hạnh phúc sống trong tình
nghĩa của Chúa, sau khi Ngài đã cứu họ ra khỏi nạn lụt 40 đêm ngày. Phải chăng
Giáo hội không muốn dùng bài Sách Thánh ấy để nói lên thời đại Ân sủng đang chờ
ta 40 ngày chay thánh này? Thời đại ấy, nói cho đúng, hiện ta đang sống đây,
như bài đọc II cho thấy. Chúng ta là những người đã chịu phép Rửa của Ðức Kitô,
đã được đưa ra khỏi cảnh ngập lụt tội lỗi, để sống trong tình thân ái của Thiên
Chúa mà mầu nhiệm Phục sinh đem lại cho chúng ta.
Như vậy thời gian chúng ta
đang sống, thời gian mùa Chay Thánh, trước tiên là thời gian Ân sủng, thời gian
Chúa yêu thương chúng ta và muốn giao ước thân hữu mãi mãi với mọi người. Thế
nên không ai được sợ đi vào mùa Chay Thánh. Ðừng ai nghĩ ngay tới việc ăn chay,
hãm xác, kẻo đâm ra ngại ngùng. Ngược lại, chúng ta cần nhớ mình là những người
đã được chịu phép Rửa, đã được đưa ra khỏi trận lụt Hồng Thủy của tội lỗi, để
bây giờ được Thiên Chúa coi như con cái, như và hơn xưa Ngài đã xử sự với Noe
và con cái ông. Chỉ với những tâm tình như vậy, chúng ta mới hiểu được hết ý
nghĩa của bài Phúc Âm hôm nay và mới kết hợp được với Ðức Kitô trong mầu nhiệm
mà Phụng vụ hôm nay đang cử hành.
Thật vậy, muốn hiểu đúng ý
mấy câu Phúc Âm vắn tắt mà Marcô đã viết, chúng ta phải nhớ lại mấy câu trước,
kể việc Chúa chịu phép rửa. Chính khi vừa ở bờ sống thanh tẩy lên, Ðức Kitô đã
được Chúa Cha tuyên phong là Con rất yêu dấu và được Chúa Thánh Thần lấy hình
chim bồ câu đậu xuống trên mình. Chính khi ấy, Người cũng đã được Thánh Thần
hướng dẫn vào sa mạc. Và nếu dùng chính những chữ của Marcô, Người đã được
Thánh Thần đẩy vào sa mạc, ở đó 40 đêm ngày. Ở bờ sống thanh tẩy lên, Ðức Kitô
như nhân loại trong ngày ra khỏi tàu Noe. Ðúng hơn nữa, Ngài như toàn thể Dân
Chúa ra khỏi dòng Biển Ðỏ. Ngài cô đọng, tập trung ở nơi mình, tất cả Dân Chúa
được cứu vớt và giải thoát. Ngài thật xứng đáng được tuyên phong là Con yêu dấu
duy nhất của Thiên Chúa Cha. Ngài đi đâu bây giờ, nếu không đi vào sa mạc, vì
đừng tưởng sa mạc là nơi ghê gớm, đầy dẫy quỷ ma. Không, theo truyền thống tiên
khởi của Kinh Thánh, sa mạc là nơi thoát tục để con người gặp gỡ và sống thân
mật với Thiên Chúa tình yêu. Hôsê đã diễn tả đúng ý nghĩa của sa mạc nhất khi
ông viết thay cho Chúa: " Ta sẽ kéo người yêu của ta vào sa mạc, để ở đó
ta thủ thỉ với nàng" (2,16). Sa mạc, như vậy, là nơi sống gần gũi với
Thiên Chúa, sống trong tình thân mật của Ngài. Ðược tuyên dương là Con yêu dấu
của Thiên Chúa Cha xong và được đầy tràn Thánh Thần yêu mến, Ðức Kitô được đẩy
vào sa mạc là phải. Chính tình yêu đã đẩy bước chân Ngài vào sa mạc để sống
trong tình mật thiết với Thiên Chúa, để sống lại trọn vẹn 40 năm trời Dân Chúa
xưa đã sống trong sa mạc, nhưng không được tốt lành hoàn toàn. Một chi tiết
cuối cùng khiến ta phải nghĩ: được đưa vào sa mạc, Ðức Kitô đã sống trong tình
con thảo đối với Thiên Chúa Cha.
Ðó là mấy câu Phúc Âm Marcô
viết: "Ở trong sa mạc Người sống với thú rừng, và các thiên thần hầu hạ
Người". Mấy lời mộc mạc ấy gợi lên hình ảnh của vườn địa đàng xưa. Adong
khi ấy cũng sống giữa muông thú, nhưng chúng hiền lành và giao hảo với ông.
Viết mấy câu mộc mạc trên, Marcô cũng có ý nói lên ý tưởng: Ðức Kitô là Adong
mới; Ngài đến trong thế gian để xây dựng lại vườn địa đàng xưa, khiến mọi hiềm
khích giữa loài người và vạn vật không còn nữa. Ngoài ra người ta còn giao tiếp
với những bậc thần linh như các thiên sứ.
Như vậy, bài Phúc Âm hôm nay
cho chúng ta thấy Ðức Kitô đi vào sa mạc như là Ðấng Cứu Thế đến trong trần
gian để thể hiện lời sách Isaia viết: trong thời đại thiên sai, sư tử sẽ gặm cỏ
chung với bê non. Ngài đem Nước Trời đến, hoàn tất giao ước thân hữu mà Thiên
Chúa đã ký kết với Noe. Nước Trời đó, chúng ta đã được lãnh nhận, vì đã chịu phép
Rửa tội, như bài đọc thứ II đã viết. Chúng ta đang sống trong Nước Trời, trong
Giao ước của Chúa; chúng ta đang sống trong mùa Chay 40 ngày của Chúa trong sa
mạc, nơi Ngài mật thiết liên kết với Thiên Chúa Cha, trong Thánh Thần yêu mến.
Thế thì chúng ta cũng phải có thái độ như Ngài. Và đó là ý nghĩa của việc Chúa
bị cám dỗ, mà chúng ta cần phải tìm hiểu bây giờ.
Ở trong vườn địa đàng, Adong
đã bị cám dỗ. Con cái Noe sống trong Giao ước cũng đã gặp thử thách. Dân Chúa
trong sa mạc còn gặp nhiều hơn nữa. Tất cả đều nói lên rằng hạnh phúc con người
ở trần gian này có thể bị tan vỡ. Tình yêu Thiên Chúa ở nơi ta có thể bị thử
thách. Và rõ rệt tất cả loài người đã sa ngã, đã phạm tội. Adong đã phạm tội;
con cháu Noe cũng vậy; dân Chúa ngày xưa cũng thế. Trong Cựu Ước, xem ra chỉ có
một người không sa ngã. Nói đúng hơn chỉ có câu truyện một người bị cám dỗ mà
vẫn không sa ngã, để làm gương cho ta: đó là truyện ông Yob, một truyện được
xây dựng có mục đích răn bảo, nên không cần đặt vấn đề có hay không. Nhưng điều
mà sách Yob gợi lên, đề cao sự trung thành với Thiên Chúa qua bất cứ gian nan
thử thách nào, điều đó đã được thực hiện nơi Ðức Kitô. Ở trong sa mạc, Ngài bị
Satan cám dỗ, nhưng Ngài đã lướt thắng một cách bình an chân thật, báo trước
việc Ngài sẽ đi qua con đường thập giá đau thương mà cuối cùng vẫn trung tín
thưa cùng Chúa Cha: Con xin phó mạng sống con trong tay Cha.
Chúng ta không cần đi sâu
vào chi tiết để thấy Chúa bị cám dỗ và lướt thắng như thế nào. Bài học của
chúng ta hôm nay chỉ cần ghi nhận: đang sống trong Nước Trời, chúng ta phải cẩn
thận kẻo mất tình nghĩa thân mật với Chúa. Và nếu mất là rơi vào số phận của
Adong, của con cái Noe, của dân Israel ngày trước. Mọi hạng người ấy đã không
giữ giao ước, đã không giữ Lời Chúa, đã nghe theo một tiếng nói xúi giục ngược
với Lời Chúa dạy. Ngày nay và hằng ngày, không có những tiếng xúi giục, cám dỗ
như thế sao? Ðừng tưởng chỉ có tiếng nói bên ngoài. Tiếng của Satan sẽ có thể
nói lên ở ngay trong tâm hồn ta: sống theo Phúc Âm làm sao được? Như vậy sẽ thiệt
thòi quá! Sống như người ta, làm như thế gian, dễ biết bao, lợi biết mấy! Nhưng
nghe theo những tiếng xúi giục như vậy là phản bội giao ước, là từ bỏ Lời Chúa,
là lựa chọn không đi với Chúa nữa.
Chúa đã yêu thương đi tìm ta
đưa vào sa mạc. Ngài chịu gian khổ để dẫn ta qua dòng nước Rửa tội. Ta đang
sống trong Nước Trời và trong tình nghĩa của Ngài. Hôm nay ta còn đến đây để dự
lễ, để thấy Chúa thương ta như ta vừa hiểu qua các bài đọc Sách Thánh, để còn
uống thêm chén giao ước của Ngài trong Thánh Thể mà ta cử hành bây giờ. Chúng
ta còn có thể có thái độ nào khác hơn là dứt khoát đứng về bên Chúa, chọn Lời
Chúa làm lẽ sống, lấy tình Ngài làm hạnh phúc. Có như vậy chúng ta mới thật sự
sống với Ðức Kitô trong mầu nhiệm sa mạc, trong mùa Chay 40 ngày mà ta đang cử
hành.
Chúng ta hãy cương quyết
đứng lên tuyên xưng đức tin của mình để suốt đời trung tín với Phúc Âm, với
Giáo Hội, với tình yêu thương của Chúa.
(Trích dẫn từ tập sách Giải
Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
SUY NIỆM 3: Sa mạc không nóng
Có nhiều thứ hoang mạc: Có
hoang mạc chỉ toàn là cát, có hoang mạc chỉ toàn là đất và đá màu vàng, nhưng
không một cây cỏ nào có thể mọc được như hoang mạc ở phía bắc Israel. Có hoang
mạc chỉ là những bãi sình lầy lồi lõm; phèn chua, chỉ có cỏ lăn là sống được.
Nói chung lại, hoang mạc là một vùng đất hoang vắng, tĩnh lặng. Vì vậy, người
ta thường nghĩ hoang mạc là một vùng đất chết.
Thực ra, thì không phải thế.
Ẩn sau cái bên ngoài hoang vu chết chóc ấy, hoang mạc, lại là nơi thuận tiện, để
cho sự sống phát sinh. Bao nhiêu phát minh khoa học, đã được tìm thấy, trong
những căn phòng lặng im, bền bỉ. Bao nhiêu những thành công cả về kinh tế, lẫn
quân sự, cũng đã được khơi nguồn, từ những tháng ngày lặng yên, suy tính.
Trước khi bước vào đời sống
công khai rao giảng. Hôm nay, Chúa Giêsu cũng được Chúa Thánh Thần đưa vào
hoang địa để ăn chay cầu nguyện suốt bốn mươi đêm ngày. Vào đó, để gặp gỡ với
Thiên Chúa Cha, để dự phòng, sắp xếp, cân nhắc, cho công việc chính yếu của
công trình cứu độ nhân loại: Đi rao giảng. Nhìn việc Chúa làm. Ta hiểu được một
chân lí quan trọng: Trong cuộc đời, phải có những giây phút trở về trong thinh
lặng, nhất là khi đứng trước những công việc hệ trọng.
Sau 40 đêm ngày chìm trong
yên tịch và cầu nguyện, cũng như ăn chay và hãm mình. Chúa bắt đầu bước đi rao
giảng. Lời nói đầu tiên là: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Đó là
cánh cửa trước hết và duy nhất để có thể bước vào cuộc sống mới, một cuộc sống
cao thượng và phong phú. Nhưng sao lại phải sám hối? Bởi mình nhiều thiếu sót
và lầm lỗi.
Nhưng để có thể sám hối,
người ta cũng phải đi vào vùng hoang địa của hồn mình. Trong đó, lặng lẽ ta gặp
lại chính ta, ta nhìn lại chính ta. Ta nhìn thấy những bước chân sai. Sai lạc
trong cái nhìn, sai lạc trong chiều kích suy tư, sai lạc trong lời nói, sai lạc
trong quyết định, sai lạc trong cư xử, và sai lạc trong hành động của mình.
Chìm sâu trong những sai lạc đó, ta hất chúng đi, sửa lại, và sầu buồn về những
thiếu sót của mình. Rồi từ đó, ta sám hối. Giọt nước mắt ăn năn, lặng lẽ nhỏ
vào hồn mình. Với ơn Chúa, rửa sạch hồn ta cho thanh sạch. Thế là hồn ta nhẹ
nhàng, tươi mới. Ta cố vươn lên về phía mặt trời cứu rỗi. Và thế là cuộc sống
mới bắt đầu một cuộc sống mới đầy tràn ân sủng và chân lý. Một cuộc sống bình
an sâu thẳm, và chứa chan hạnh phúc nhiệm mầu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét