GIA ĐÌNH THÁNH TÂM

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2012

Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội, Công Cụ Giúp Ích Cho Việc Loan Báo Tin Mừng


Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội, Công Cụ Giúp Ích Cho Việc Loan Báo Tin Mừng

Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội, Công Cụ Giúp Ích Cho Việc Loan Báo Tin Mừng
Fx. Chu Tuệ
Ngày nay, các phương tiện truyền thông không còn xa lạ đối với mỗi người trên thế giới. Nó trở nên phương tiện cần thiết cho đời sống sinh hoạt của con người. Phương tiện truyền thông xã hội là những phương tiện truyền tải thông tin, với đối tượng đông đảo quần chúng trong xã hội. Các phương tiện truyền thông bao gồm: báo in, phát thanh, truyền hình, internet, vệ tinh… Sự ra đời của các phương tiện truyền thông đã tạo ra một kỷ nguyên mới về truyền thông, giúp cho việc truyền tải thông tin thu được nhiều thành tựu lớn lao. Nhờ đó, con người có thể gửi thông điệp cho nhau nhanh chóng và dễ dàng. Trong những thập niên vừa qua, các phương tiện truyền thông ra đời một cách ồ ạt, làm cho việc chuyển tải thông tin đạt được những kỷ lục chưa từng có từ xưa tới nay và tạo nên một cuộc bùng nổ thông tin mạnh mẽ trên toàn thế giới. Hằng ngày một khối lượng thông tin khổng lồ được truyền đi cách nhanh chóng qua các mạng lưới truyền thông. Các phương tiện truyền thông đã làm cho ranh giới địa lý, chính trị không còn ý nghĩa và việc truyền thông ngày càng trở nên tinh vi hơn. Đặc biệt khi sự ra đời của Internet, một công cụ truyền tải thông tin siêu tốc độ và được phổ cập khắp mọi nơi trên thế giới. Internet đã nối kết các quốc gia, các tổ chức, cá nhân lại với nhau và thu nhỏ thế giới thành một ngôi nhà chung. Nói theo Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: “Thế giới đã trở thành ‘thánh điện Acopagus’ đầu tiên của thời hiện đại, đang thống nhất nhân loại lại với nhau và biến thành cái gọi là ngôi nhà toàn cầu. Các phương tiện truyền thông đã trở nên quan trọng đến nỗi đối với mọi người đó là phương tiện chính yếu để thông tin và giáo dục, đồng thời kêu gọi và hướng dẫn mọi người trong cách ứng xử của mình với tư cách một cá nhân, gia đình và xã hội” (Thông điệp Bách Chu Niên). Các phương tiện truyền thông trực tuyến hiện đại đang trực tiếp thu hút càng ngày càng nhiều người sử dụng hơn với những tính năng cung cấp thông tin nhanh nhạy toàn diện và trực tiếp. Sự xuất hiện phong phú của các mạng lưới truyền thông đã đưa đến một sự kỳ diệu cho thế giới. Nó mở ra một chân trời mới cho việc thông tin, sự trao đổi giao tiếp giữa các cá nhân với nhau. Các thông điệp được gửi đi một cách nhanh chóng, công bằng đối với mọi người. Sự phát triển này tác động rất lớn tới đời sống văn hóa, kinh tế, chính trị xã hội của con người ngày nay.
Như vậy, truyền thông đã mở ra một tương lai mới cho xã hội loài người. Đối với Giáo Hội cũng vậy, đây quả là một cơ hội rất thuận tiện để chuyển tải những sứ điệp tôn giáo của mình tới nhân loại. Phương thế thuận lợi này như thể một công cụ hữu ích giúp cho việc truyền giảng Tin Mừng của Chúa được loan đi khắp mọi nơi. Những thông điệp của Đức Kitô gửi đến cho con người sẽ có điều kiện được quảng bá tới tận chân trời góc biển như Chúa Giêsu đã từng dạy “anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,5). Vì nhiệm vụ rao giảng lời Chúa là một đòi hỏi đối với người Kitô hữu. Chúa Giêsu trước khi về trời đã trao phó công cuộc rao giảng Tin Mừng cho các Tông Đồ kế tục Ngài (Ga 20,21). Chúa phán: “các con hãy đi dạy dỗ muôn dân, thanh tẩy họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Hãy dạy họ vâng giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19-20). Giáo Hội đã ý thức được tầm quan trọng của công việc này: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9, 16). Sự nghiệp rao giảng Lời Chúa là thành phần sứ vụ không thể thiếu trong Giáo Hội, là một đòi hỏi đối với môn đồ của Chúa Kitô. Mỗi người môn đệ Chúa Kitô, tùy theo địa vị của mình đều có bổn phận truyền bá đức tin. Đức Giáo Hoàng Piô XI đã dạy: “Xin đừng bao giờ quên rằng mục tiêu của Giáo Hội là truyền bá Phúc Âm, chứ không phải là truyền bá văn minh… ”. Bởi vậy, tất cả Hội Thánh đều mang tính chất thừa sai và Phúc Âm hóa và sống trong tình trạng truyền giáo liên lỉ. Kitô hữu nghĩa là những người thừa sai tông đồ, khám phá ra Đức Kitô chưa đủ, phải mang Người đến cho người khác nữa.
Do sự phát triển ào ạt của các phương tiện truyền thông xã hội, các nguồn thông tin càng ngày càng được rộng mở và chuyển tải một cách dễ dàng. Với mỗi cá nhân chỉ cần một chiếc máy vi tính, được kết nối với mạng Internet là có thể dễ dàng xâm nhập và tìm kiếm được các nguồn thông tin phong phú trên mạng. Như thế phải chăng, thời đại thông tin là thời đại mà Lời Chúa được ứng nghiệm. Lời Chúa được loan đi tới chân trời góc biển. Nơi các phương tiện truyền thông, Lời Chúa sẽ gặp được môi trường thuận lợi để nảy mầm. Vì thế Giáo Hội cần nắm lấy truyền thông và sử dụng chúng trong sứ vụ của mình. “Điều Thầy nói cho anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày, và điều anh em rỉ tai hãy lên mái nhà rao giảng” (Mt 10, 27). Ngày nay, phương tiện truyền thông không thể thiếu nơi mỗi gia đình hay cá nhân. Trong những năm gần đây, số người sử dụng Internet gia tăng một cách chóng mặt. Theo thống kê năm 2007: dân số thế giới là 6.698.353.000 trong đó Công giáo là 1.165.714.000. Dân số Việt nam (2009) là 85.846.977, Công giáo là 6.281.151 chiếm 7,3% (xem http://truyenthongconggiao.org). Còn số người sử dụng Internet trên toàn thế giới năm 2000 (31/12/2000) là 360.985.492 người. Năm 2010 (30/6/2010) là 1.966.514.816 người. Việt Nam năm 2000 là 200.000 người và năm 2010: 24.653.553 người. Sự tác động của thông tin vô cùng to lớn, nó ảnh hưởng tới đời sống, lối suy nghĩ của người tiếp nhận. Truyền thông đã đem đến sự thay đổi lối sống, cách tư duy, tâm khảm của con người, đặc biệt là đối với giới trẻ. Nói theo Đức Thánh Cha Bênêđíctô: “Ngày nay giới trẻ quen với việc ngồi trước máy computer hơn là ngồi trước truyền hình. Internet đã trở thành nơi cung cấp thông tin phục vụ cho đời sống của con người”. Nó là phương tiện thuận lợi cho việc trao đổi kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, y tế, làm cho các nền văn hóa giữa các dân tộc giao thoa với nhau. Vì những thông tin được truyền tải qua các phương tiện truyền thông tác động đến nhiều người, nhiều đối tượng khác nhau. Vì thế, Tin Mừng nếu được chuyển tải qua các phương tiện truyền thông giúp cho những người chưa biết Chúa gặp được ý định yêu thương của Ngài, rồi từng bước dẫn họ đến gặp được chính Chúa. Vì thực tế, con người ngày nay đang tìm kiếm một sự bình an lấp đi những ồn ào của thế giới đa chiều tạo nên. “Bởi tâm hồn họ luôn khát mong một thế giới nơi tình yêu ngự trị, nơi các ân huệ được chia sẻ, nơi sự hiệp nhất được xây dựng, nơi tự do tìm thấy ý nghĩa của nó trong chân lý và là nơi mà căn tính của mỗi người được thể hiện trong sự hiệp thông tôn trọng. Đức tin có thể mang lại câu trả lời cho những đòi hỏi này. Các con hãy là những sứ giả của nó” (ĐGH Bênêđíctô XVI, Sứ điệp truyền thông thế giới 2009).
Truyền thông có một sức mạnh vô cùng to lớn. Nó tác động mạnh mẽ tới tâm lý, hành động của người tếp nhận. Truyền thông tạo ra dư luận, định hướng dư luận, nó có thể tạo nên sức ép đối vơi một cá nhân hay một tập thể để làm thay đổi hành động cá nhân hay tập thể đó. Vì thế, trong một quốc gia, truyền thông được coi là quyền lực thứ tư sau lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nó có một sức mạnh vô hình tác động lên suy nghĩ của người xem. Vì thế, tổng thống Mỹ Trujan phát biểu: “Chúng ta bắt cả thế giới phải nghe chúng ta”, khi nước Mỹ hình thành nên những tập đoàn truyền thông lớn mạnh xuyên quốc gia, tạo nên sự ảnh hưởng rất lớn đến thính và độc giả. Vì nắm được truyền thong là nắm được sức mạnh, nắm được truyền thông cũng là nắm được chiến thắng. Như vậy, Giáo Hội có thể lưu tâm và khai thác sức mạnh của truyền thông để loan báo Tin Mừng, gửi thông điệp bình an của Thiên Chúa đến cho thế giới. Khi mà thế giới ngày nay, sự tục hóa, bạo lực, hận thù đang xâm chiếm làm cho người sống bị lợi dụng và bị đàn áp, thì những thông điệp yêu thương của Chúa cần được loan đi một cách thiết thực hơn bao giờ hết. Nhờ đó, Giáo Hội có thể làm phục sinh thế giới bằng việc xây dựng một thế giới yêu thương theo tinh thần Đức Kitô. Khi làm chủ được truyền thông, Giáo Hội cũng sẽ đẩy lùi những luồng thông tin xấu, tinh thần bạo lực hay gieo rắc những thứ thiếu lành mạnh trên truyền thông. Đây là một đòi hỏi đối với sứ vụ của Giáo Hội.
Các phương tiện truyền thông đóng vai trò nhất định trong lịch sử. Công Đồng Vatican II nhận xét: “Dù chúng ta phải cẩn thận phân biệt những tiến bộ trần gian với sự phát triển của vương quốc Đức Kitô. Chúng ta vẫn phải nhìn nhận những tiến bộ ấy có liên quan mật thiết với Nước Chúa, khi chúng góp phần làm cho xã hội loài người trật tự hơn. Dưới ánh sáng, chúng ta sẽ thấy các phương tiện truyền thông đóng góp rất nhiều vào việc mở rộng và làm giàu tâm trí con người”. “Các Kitô hữu có nhiệm vụ làm cho tiếng nói của mình được mọi người nghe thấy qua tất cả các phương tiện truyền thông và nhiệm vụ của các Kitô hữu không chỉ giới hạn ở việc cung cấp thông tin về Giáo Hội” mà còn phải rao giảng Tin Mừng của Chúa cho muôn dân. Các phương tiện truyền thông sử dụng trong Giáo Hội và do Giáo Hội phải chủ yếu nhằm vào việc thông truyền Tin Mừng Đức Kitô cho nhân loại. Đó là loan báo Lời Chúa như lời ngôn sứ, có sức giải thoát những người nam cũng như nữ trong thời đại chúng ta, đó cũng là lời chứng cho sự thật của Thiên Chúa và cho định mệnh siêu việt của con người trước hiện tượng tục hóa triệt để”.
Giáo huấn của Giáo Hội về việc sử dụng truyền thông để loan bao Lời Chúa: Vatican II suy nghĩ về trách nhiệm rao giảng Tin Mừng Chúa trao phó, sắc lệnh khẳng định rằng Giáo Hội có bổn phận dùng cả các phương tiện truyền thông để rao giảng Tin Mừng, hơn nữa còn có quyền sử dụng và làm chủ bất cứ loại nào trong các phương tiện truyền thông xã hội đó, khi thấy cần thiết và ích lợi cho việc giáo dục đức tin. Công Đồng đã khuyến khích dùng những phương tiện truyền thông thời đại: “Giáo Hội do Chúa Giêsu thiết lập, có nhiệm vụ chuyển mang ơn cứu độ của Ngài cho con người và vì thế, việc rao giảng Tin Mừng là bổn phận của Giáo Hội. Giáo hội cũng nhận thấy mình có bổn phận dùng cả phương tiện truyền thông xã hội để loan báo ơn cứu độ và dạy người ta sử dụng chúng cách đúng đắn. Như thế, đương nhiên Giáo Hội được quyền dùng và sở hữu những phương tiện truyền thông trong xã hội, cho việc giáo dục Kitô giáo và loan truyền việc ân đức cứu rỗi cho các linh hồn con người (Sắc lệnh Inter Mirifica của Công đồng Vatican II). Đức Giáo Hoàng Pio XII năm 1957 trong huấn thị Hiệp thông và tiến bộ đã dạy: “Giáo Hội coi các phương tiện là những quà tặng của Thiên Chúa, mà theo kế hoạch quan phòng của Ngài, chúng sẽ liên kết mọi người trong tình huynh đệ và nhờ đó giúp mọi người cộng tác vào kế hoạch của Thiên Chúa để hưởng ơn cứu độ”. Đức Paul VI còn mạnh mẽ hơn nữa: “Sẽ có lỗi trước mặt Chúa nếu Giáo Hội không biết sử dụng các phương tiện truyền thông để loan báo Tin Mừng”. Ngài gọi các phương tiện truyền thông là “đền thánh” đầu tiên của thời đại mới và đã tuyên bố nếu chỉ sử dụng các phương tiện truyền thông để phổ biến thông điệp Kitô giáo và huấn thị chính thức của Giáo Hội thì chưa đủ, còn phải làm cho thông điệp ấy ăn sâu vào nền văn hóa mới do các phương tiện truyền thông tạo ra. Và ngài kêu gọi hãy mở rộng cánh cửa truyền thông để Tin Mừng được nghe thấy trên nóc nhà của Thế Giới. Nhận thấy ảnh hưởng sâu rộng của truyền thông, ngài khuyến khích mọi Kitô hữu sử dụng các kênh truyền hình, dùng các trang mạng Internet để loan báo Tin Mừng. Đức Pio XI, năm 1931 thiết lập đài phát thanh cho việc công bố Tin Mừng. Đài phát thánh Vatican phát 47 ngôn ngữ khác nhau, loan báo Lời Chúa cho thế giới. Đài Veritas hằng ngày truyền đi những tin tức liên quan đến rao giảng Tin Mừng Nước Chúa. Đức Giao Hoàng Bênêđíctô vào ngày 23/1/2009 đã quyết định sử dụng mạng lưới Youtube để chuyển tải các thông điệp Tin Mừng và các hoạt động của Giáo Hội để Lời Chúa dễ dàng đến với người xem.
Trên mạng lưới hoàn cầu đã xuất hiện rầm rộ các trang mạng của các cộng đoàn, tổ chức và đã trở thành địa chỉ gần gửi của người đọc, tìm được thông điệp Tin Mừng của Chúa. Một vài thống kê về dân Chúa trên Internet vào ngày 3.1.2006 cơ quan thông tấn Fides của Vatican đã đưa tin: trang www.totustuus.it có 50.000 trang nối kết. Trang ww.siticatholici.it có 10.000 trang nối kết. Có 2500 trang thuộc các giáo xứ. 2000 trang thuộc tổ chức và các nhóm Công Giáo tư nhân, 1222 trang thuộc các dòng tu, 589 trang nói về tổ chức Công Giáo, 403 trang thuộc các trường Đại Học và trung tâm văn hóa Công giáo, 353 trang liên hệ tới truyền thông Công Giáo. Riêng giáo xứ Đa Minh (Sài Gòn) đã có bảy trang mạng: http://gxdaminh.net/, http://daminhvn.com/, tinvuidaminh.com, sinhviendaminh.net, daminhart.net, tuoimuctim.com, giadinhtruyentin.com, chưa kể các blog khác. Phần nhiều số trang mạng trên đã thu hút nhiều người truy cập. Theo báo cáo của bộ phận truyền giáo toàn cầu bằng phương tiện truyền thông GMO (Global Media Outreach) của Tin Lành vào thứ tư giữa tháng 7/2009 cho biết có hơn một triệu người tìm đến với Lời Chúa qua trang web Phúc Âm được thực hiện không đầy một tháng. Tổ chức GMO được thành lập vào năm 2004, có 91 website chuyên lo việc truyền bá Tin Mừng. Trong năm 2004 đã có 21.066 người tìm hiểu về Chúa, đến năm 2008 có 3 triệu người và đến năm 2009 có đến 4.1 triệu người. Trung bình mỗi ngày như trang web jesus2020.com có 150.000 truy cập và có 25.000 người yêu cầu biết thêm về Chúa Giêsu. GMO ước tính cứ 1000 người sử dụng Internet thì có một người tìm kiếm thông tin về Chúa. Như vậy có khoảng 2 triều người tìm kiếm thông tin về Chúa mỗi ngày.
Truyền thống truyền giáo của Giáo Hội trong lịch sử là trực tiếp đến tận nơi những con người mình muốn tuyền giáo nhưng sự thuận tiện của truyền thông đã mở ra một hướng truyền giáo mới bằng truyền thông. Giáo hội xuất hiện thêm những nhà truyền giáo mới thông qua truyền thông đại chúng. Nhờ truyền thông sẽ làm cho chiều kích công giáo được đạt tới sâu xa hơn. Người loan báo có thể gửi sứ điệp cho hàng triệu người cùng một lúc thay vì nói cho vài ba người hay vài ngàn người trong một thánh lễ. Người loan báo có thể tập hợp cả âm thanh, chử viết, hình ảnh về Đức Kitô mà trước đây phải dùng nhiều phương tiện khác nhau và riêng biệt. Các loại hình như sách vở, tạp chí, và cả những website trên Internet, hàng tugần hàng tháng của Giáo Hội TW và địa phương, các cộng đoàn, dòng tu… những bài giảng Lời chúa ngày Chúa nhật và lễ trọng trong các thánh đường góp phần làm chứng cho Đức Kitô bằng lời, đã ảnh hưởng trên khắp hoàn cầu. Ở Đức hằng ngày vào buổi sáng đều có những phút thiêng liêng với bài thánh ca và những suy niệm ngắn về Lời Chúa được phát trên đài phát thanh công cộng như lương thực cho đời sống hằng ngày.
“Cùng song song với các phương thức truyền giáo theo lối truyền thống như làm chứng bằng đời sống, dạy giáo lý, tiếp xúc cá nhân, làm việc đạo đức bình dân, cử hành các việc phụng tự và các việc tương tự, ngày nay việc sử dụng các phương tiện truyền thông cũng rất quan trọng trong việc Phúc Âm hóa và dạy giáo lý. Thật vậy, “Giáo Hội sẽ cảm thấy có lỗi trước mặt Chúa, nếu không biết tận dụng những ưu thế này mà còn nhờ kỷ năng của mình làm cho càng ngày càng tinh xảo hơn”. Ngày nay không ai có thể phủ nhận được rằng “các phương tiện truyền thông xã hội đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thông tin và giáo dục, để hướng dẫn hành động của con người phù hợp với luân thường đạo lý. Các phương tiện truyền thông có thể và rất nên được coi là những công cụ giúp ích cho Giáo hội thực hiện chương trình tái Phúc Âm hóa và tân Phúc Âm hóa trong thế giới hôm nay” (Huấn thị thời đại mới (Actatis Novae) về truyền thông xã hội). Như thế, các phương tiện truyền thông đem lại một vai trò quan trọng và hứu ích cho việc truyền bá Lời Chúa cũng như giúp ích cho các vấn đề của đời sống con người. Càng ngày càng có nhiều giáo xứ, giáo phận, dòng tu, các hội đoàn… sử dụng Internet một cách rất hữu hiệu cho những mục đích truyền giáo và các nhu cầu mục vụ khác nữa. Để thực hiện nhiệm vụ truyền giáo đầy thử thách đó trong thời đại ngày nay, Giáo Hội dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần đã có những sáng kiến và can đảm sử dụng các phương tiện mới. Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Tacisio Bertone nói với tham dự viên Hội Nghị Thế Giới Truyền Hình Công Giáo: “Giáo Hội không còn đặt vấn đề là có nên sử dụng phương tiện truyền thông hay không mà là Giáo Hội phải sử dụng thế nào để hoàn thành tốt hơn và trung thành thi hành mệnh lệnh truyền giáo của chính Chúa Giêsu và làm thế nào để đáp ứng một cách thích hợp cho nhu cầu thời đại của chúng ta”.
Việc sử dụng truyền thông đối với mọi thành phần trong Giáo Hội nói chung và đặc biệt các linh mục nói riêng, có một bổn phận rất lớn đối với việc sử dụng các phương tiện truyền thông để công bố Lời Chúa. Đức Thánh Cha dạy rằng các linh mục là những người có bổn phận rao giảng Lời Chúa không thể không biết tới môi trường mục vụ mới là thế giới kỷ thuật số, nó có thể cũng cố các kênh truyền hình cổ điển nhưng cũng mở ra các chân trời bất tận cho sự đối thoại và trao đổi tư tưởng, cảm nghĩ và ý kiến. Giáo Hội không thể không đương đầu với thách đố mới này, trong sứ mệnh rao giảng lời Chúa của mình. Đức Thánh Cha cho biết Giáo Hội đã bắt đầu nhập thể vào việc loan báo Lời Chúa trong môi trường mới là thế giới kỷ thuật số, và các kinh nghiệm khởi đầu đã rất tích cực. Giáo Hội Italia đã đi tiên phong bằng cách cho ra một tập cẩm nang hướng dẫn công tác mục vụ trong việc sử dụng kỷ thuật số, đề ra chương trình thập niên cho việc tuyên truyền Lời Chúa trong thế giới đang thay đổi. Đức cha chủ tịch uy ban truyền thông xã hội của Hội đồng Giám mục Italia nhấn mạnh rằng, cần phải đào tạo các linh mục tương lai cho việc loan báo Lời Chúa trong thế giới kỷ thuật số ngay trong giáo trình Đại chủng viện. Đức Thánh Cha tiếp tục giáo huấn: Giáo hội phải hiện diện trong các xa lộ lớn của thế giới kỷ thuật số, nơi con người ngày nay hiện diện, Thật là điều tốt đẹp, khi người trẻ có thể gặp được lời Chúa trong các xa lộ liên mạng này mà tôi thiết nghĩ là Lời Chúa cũng cắm lều ở giữa thế giới kỷ thuật số nữa. Sự hiện diện trên mạng điện toán là điều đúng đắn nó mang chúng ta lại gần với những người theo tôn giáo khác, những người vô thần và mọi người thuộc mọi nền văn hóa. Điều đó đòi hỏi sự nhãy cảm của người linh mục đối với những ai chưa tin, những kẻ chán nản, tuyệt vọng, và những người đang ước ao sâu sắc muốn tìm kiếm sự thật tuyệt đối và vĩnh hằng. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI thôi các linh mục hãy sử dụng tất cả các truyền thông đa phương để nhờ đó truyền giảng Tin Mừng và đối thoại với những anh em thuộc tôn giáo khác.
Trong thời đại mới, thời đại kỷ thuật số thực sự đã đưa Giáo Hội vào một cuộc chinh phục mới. Giáo Hội sẽ sử dụng một loại lưới mới để đánh cá, mạng lưới truyền thông để loan báo Tin Mừng, rao giảng Phúc Âm. Tuy loại lưới này cồng kềnh, đa diện và phức tạp nhưng nhờ đó Giáo Hội có thể thâm nhập được tới số lượng lớn tâm hồn, bằng cách gặp gỡ và đối thoại nhằm gieo rắc lòng yêu thương, hòa bình của Chúa và giúp họ gặp gỡ được chính Chúa. Thời đại kỷ thuật số là môi trường tốt, phong phú để Giáo Hội thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng như Chúa đòi hỏi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét