Chú giải và chia sẻ
Tin mừng Chúa Nhật IV TN – năm B
A. BẢN VĂN (Mc 1,21-28):
21 Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngay ngày sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy.22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên24 rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta.27 Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!”28Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.
B. CÁC BÀI CHÚ GIẢI
Bài 1. Chú giải mục vụ của Jacques Hervieux
Một giáo huấn có uy quyền (1,21-28)
Trong đoạn văn trên đây, ở ngay đầu Tin Mừng, Maccô cho ta một trình thuật cô đọng và rất có ý nghĩa về sinh hoạt mang tính “Mêsia” của Chúa Giêsu: lời Ngài giảng dạy nối liền với một cuộc trừ quỷ. Lời mở đầu bản trình thuật thật là rõ ràng (c.21). Sự kiện xảy ra ở Caphanaum. Thị trấn này nằm dọc theo bờ hồ Galilê. Chúa Giêsu dùng nơi này như trung tâm của việc rao giảng và là chốn qua lại trong công cuộc truyền giáo (9,33), cũng như những người Do Thái đạo đức thời ấy, Chúa Giêsu năng lui tới “hội đường”. Nơi đó người ta tụ họp để cầu nguyện và nghe lời Thiên Chúa. “Ngày Sa bát”, ngày thứ bảy trong tuần, là ngày nghỉ được thánh hiến cho Thiên Chúa (St 2,2-3). Ta biết việc phụng tự ở hội đường diễn ra thế nào trong ngày đó (Cv 13,14-15). Sau khi đọc một đoạn luật Môsê và sách tiên tri, người ta mời một người lớn tuổi cho lời dẫn giải về những đoạn Kinh Thánh vừa đọc. Nhân dịp này, Chúa Giêsu lên tiếng giảng dạy (x. Lc 4,16-22). Các ký lục ngồi ở hàng đầu.
Bốn lần (c. 21b-22 và 27) Maccô nhấn mạnh về “giáo huấn” của Chúa Giêsu. Hiếm khi thấy trong cuốn Tin Mừng này ông cho ta biết nội dung của “giáo huấn” ấy. Nhưng ông lại nhấn mạnh tới tính độc đáo của giáo huấn. Sự hiểu biết của Thầy vượt xa hẳn các ký lục (c.22). Là thủ lãnh bè biệt phái, các ký lục là những nhà thông thái. được các kinh sư nổi tiếng đào tạo về Thánh Kinh, họ là những người diễn giải Sách Thánh có thẩm quyền, nhưng giáo huấn của họ lại dựa trên những truyền thống của các bậc thầy họ. Còn Chúa Giêsu, Ngài không giảng dạy như các ký lục, nhưng Ngài giảng dạy với uy quyền đến từ Thiên Chúa. Ở đây từ Hy Lạp “uy quyền” có nghĩa rất mạnh. Từ này được lấy ở một đoạn Thánh Kinh Cựu Ước, trong đó Thiên Chúa ban cho Đấng Mêsia của Ngài một “Quyền lực” tối thượng (Đn 7,13-14).
Chúa Giêsu đã cho thấy sự trổi vượt của Ngài trên các bậc kinh sư Do Thái (c. 23-24). Để hiểu được tính khác thường của đoạn văn này, ta cần biết rằng vào thời Thượng cổ tất cả những sự dữ mà con người phải chịu đều được quy trách cho ảnh hưởng độc hại của thần dữ. Diễn tiến của câu truyện như ta thấy cũng đã được dùng trong các trình thuật về phép lạ nơi người Do Thái và người dân ngoại thời Chúa Giêsu. Đó là một “nghi thức trừ tà”. Lược đồ tổng quát giống hệt nhau. Người trừ tà bắt tay vào cuộc chiến với thần dữ. Một trong hai bên sẽ xướng tên của đối thủ. Trong thế giới Sêmit, biết tên của ai là có ưu thế hơn người ấy. Ở đây, thần dữ biết rõ căn cước của Chúa Giêsu: Ngài là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”, tức là Đấng Mêsia. Nhưng thần dữ xưng ra điều này với dáng vẻ sợ hãi. Nó cảm nhận được Chúa Giêsu đến tiêu diệt nó và đồng bọn. Đúng vậy: Đấng Mêsia lâm trận lần cuối cùng dẹp tan sức mạnh của sự dữ (x. 3,22-30). Chính vì thế Chúa Giêsu tỏ ra mạnh thế. Ngài xua đuổi thần dữ bằng một lời uy quyền (c. 25-26). Giống như các câu truyện của thời bấy giờ, việc xua đuổi “quỷ” được Maccô thuật lại với những hiện tượng mắt thấy tai nghe: nạn nhân vặn vẹo thân mình và kêu một tiếng lớn. Không có gì đáng sợ cả. Nhưng điều đáng lưu ý chính là những mệnh lệnh Chúa Giêsu truyền cho thần dữ: “Câm đi!”. Lệnh truyền thật quyết liệt. Lệnh này có ý nhắm tới lời bộc lộ của thần dữ: “Tôi biết ông là ai rồi, ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” (c. 24b).
Tại sao Chúa Giêsu lại cấm nói về căn cước của Ngài cách nghiêm ngặt như thế? Đó là phát biểu đầu tiên mà người ta gọi là “bí mật về Đấng Mêsia” trong Tin Mừng Maccô. Chúng ta sẽ thấy, trong suốt cuốn Tin Mừng này, Chúa Giêsu kién quyết bắt ma quỷ phải giữ kín căn cước của Ngài (1,34b; 3,12 v.v…) cũng như Ngài cấm những người được chữa lành và các môn đệ tuyên xưng, dù chỉ phần nào, tính “Mêsia” của Ngài (1,43-44a; 7,36a; 8,31 v.v…). Dường như Maccô đã hình thành nên một thái độ thường xuyên của Chúa Giêsu đối với những quan niệm dân gian ở thời Ngài. Trong niềm khát mong Đấng Mêsia, người Do Thái chờ đợi một nhân vật mang ít nhiều tính thần thoại. Người ta tin rằng, với một chiếc đũa thần Đấng Mêsia sẽ thay đổi kiếp sống của con người trên mặt đất. Ngài sẽ biến hoang địa thành một kho chứa đầy cơm bánh (Mt 4,3). Ngài sẽ tiêu diệt hết mọi bệnh tật (Mt 4,24). Một số người còn ngĩ rằng, chẳng biết Ngài đến từ đâu, nhưng Ngài sẽ không chết (Ga 12,34). Đối với Chúa Giêsu, để cho người ta công bố quá sớm Ngài là Đấng “Kitô” là “Con Thiên Chúa” là khuyến khích sự tin tưởng sai lầm của người dân về Đấng Mêsia và gây tổn hại lớn cho việc biểu lộ tiệm tiến sứ vụ và thân thế đích thực của Ngài. Theo Maccô, thực ra chỉ có cuộc tử nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu mới mạc khải được dung mạo đích thực của Đấng Mêsia mà người ta phải tin tưởng. Trước khi những biến cố mặc khải trọn vẹn này xảy ra, ta nên theo lệnh Thầy là giữ im lặng.
Giống như lúc khởi đầu, trình thuật này kết thúc bằng việc cố ý nhấn mạnh tới sự mới mẻ mà Chúa Giêsu mang đến: một lời cứu độ hoàn toàn hiệu nghiệm như Lời của Thiên Chúa. Ta hiểu được sự kinh ngạc và nỗi thắc mắc bao trùm trên đám đông dân chúng (c. 17a). Chúa Giêsu vừa làm xong một điều chưa từng thấy. Ngay trong ngày Sabbat, ngày nghỉ ngơi bất khả xâm phạm, Chúa Giêsu biểu dương uy quyền tuyệt đối trên sức mạnh của thần dữ. Bởi đâu Ngài có uy quyền thế này? Người ta thắc mắc hỏi nhau như thế. Và thắc mắc này còn gặp thấy qua suốt cuốn Tin Mừng: “Ông Giêsu Nadaret” này là ai vậy? Sau cùng, Maccô chỉ còn việc cho ta thấy rõ danh tiếng Chúa Giêsu lan rộng khắp xứ Galilê sau vụ chữa lành này (c.28).
Bài 2. Chú giải của Noel Quesson
Họ (Đức Giêsu và các môn đệ) đi vào thành Ca-phác-na-um.
Đó là bản văn chính xác của Thánh Maccô. Đại danh từ “họ” ở số nhiều trên đây, có vẻ bất định, nhưng rất có ý nghĩa Đức Giêsu vừa mới kêu gọi được bốn môn đệ. Đó là trang Tin Mừng ta đã suy niệm Chúa nhật vùa qua. Như thế, Đức Giêsu không còn cô lẻ nữa. Đã có một nhóm gồm năm người “đi vào” một thành trên bờ hồ Galilê. Từ đây trở đi, Maccô sẽ giới thiệu cho ta những con người đó luôn cùng sống với nhau. Họ tạo thành một nhóm “Đức Giêsu và các môn đệ của Người”.
Sau này, bằng một thứ ngôn ngữ thần học hơn, Thánh Phaolô sẽ nói đến “Thân Thể Đức Kitô” mà chúng ta là các chi thể. Với một cách nói khác, cụ thể hơn, Máccô cũng gợi lên một thực tại như thế. Điều mà Đức Giêsu sắp làm, thì lát nữa đây, chính “Người và các môn đệ” sẽ cùng thực hiện! Đó cũng là công trình của Giáo hội.
Thành Ca-phác-na-um
Ca-phác-na-um chính là biểu tượng cho xứ “Galilê của dân ngoại”, miền đất sẽ trở nên nơi thuận lợi cho công việc truyền giảng Tin Mừng. Xưa kia người ta nhắc đến Ca-phác-na-um, cũng như ngày nay người ta nói với Marseille, Amsterdam hay Hồng Kông! Đó là một hải cảng, một nơi vãng lai, pha tạp nhiều chủng tộc. Bước vào thành Đức Giêsu và các môn đệ sẽ nhận ra ngay các thủy thủ, thương gia, nông dân… Những khuôn mặt sạm nắng của dân du mục đến từ sa mạc gần đó, những người nghèo khó với quần áo tả tơi, cũng như những nhà tư sản Rôma quần là áo lượt, những binh lính làm nhiệm vụ cảnh sát cho người ngoại quốc và có Matthêu, người thu thuế bị dân chúng nhục mạ, vì thu thuế cho bọn xâm chiếm. Đó là thế giới hỗn tạp. Đức Giêsu biết như thế, nhưng Người vẫn chọn lựa. Ngày nay, để diễn tả một đống đồ lộn xộn, người Pháp đã thường nói: thật là một “Ca-phác-na-um”!
Ngày Sabát kế đó, Người vào Hội đường giảng dạy.
Sau khi quay chung cả “nhóm”, giờ đây Máccô giơ máy quay phim, ghi hình cảnh chính, tập trung vào con người có vẻ đang dẫn đầu nhóm, một người làng Na-da-rét thì phải, cho đến lúc này anh ta mới chỉ là một thợ mộc quèn trong một thôn xóm, có tên là Giêsu.
Maccô sắp diễn tả cho ta một “Ngày tiêu biểu” của ông Giêsu và nhóm này, một ngày hiển hách tại Ca-phác-na-um, bằng cách kể lại bốn “hành động” đặc trưng của toàn thể tác vụ Đức Giêsu (cũng như tác vụ của Giáo hội): 1. Đức Giêsu giảng dạy, 2. Đức Giêsu xua trừ quỷ 3. Đức Giêsu chữa lành người bệnh, 4. Đức Giêsu cầu nguyện. Tất cả những việc làm đó diễn ra trong một ngày: từ bình minh hôm nay đến bình minh hôm sau, từ sáng hôm nay đến sáng ngày mai (Mc 1,21,35). Tôi có nhận thấy mình sống như thế trong ngày sống của Đức Giêsu? trong ngày sống tiêu biểu của người Kitô hữu không? Mỗi ngày tôi có thực thi như thế cùng với Đức Giêsu không?
Một hoạt động tiêu biểu và ý nghĩa như thế, không phải ngẫu nhiên đã bắt đầu “trong Hội đồng vào một ngày Sa-bát”. Hội đường vẩn là nơi hội họp chính thức của Do Thái giáo là Ngôi nhà chung cho mọi người, là Nhà thi hành Lề luật, ngay từ đầu, Đức Giêsu đã đến ngay nơi mà có nhiều người tụ họp đông nhất. Người mong được tiếp xúc.
Người vào Hội đường giảng dạy. Thiên hạ rất đỗi ngạc nhiên về cách Người giảng dạy, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.
Chỉ trong cùng một câu nói mà Máccô đã ba lần sử dụng từ “didakê”, “giảng dạy”. Đối với Đức Giêsu, chính giáo huấn hay “lời dạy” phải đứng hàng đầu! Thực ra, việc trừ quỷ đã hàm ẩn trong hai khẳng định của lời giáo huấn Đức Giêsu. Do đó, giảng dạy là vai trò đầu tiên của Đức Giêsu, cũng như của Giáo Hội. Tôi cố tưởng tượng xem. Tôi cứ nghĩ như mình thuộc cử tọa đang lắng nghe: Hôm nay, chính Đức Giêsu đang thuyết giảng. Maccô không nói tới nội dung bài diễn giảng. Trong trang Tin Mừng trước, Người đã phát biểu nội dung đó qua bốn câu: “Thời kỳ đã mãn… Nước Thiên Chúa đã đến gần rồi… Anh em phải sám hối… Anh em hãy tin vào Tin Mừng”. Điều làm cho Máccô quan tâm, đó là phản ứng của thính giả: Họ say mê thực sự… Đức Giêsu là một nhà thông biện vĩ đại đúng nghĩa… Người ta “kinh ngạc” vì lời Người. Trước hết, không phải giọng điệu nhằm tạo hiệu quả bề ngoài; nhưng chính là lời nói đi thẳng vào tâm hồn, nên những câu hỏi đích thực mà mỗi người đều tự đặt ra cho mình; và mang đến lời đáp trả mà người ta đang mong đợi, bởi vì nó “đúng thực” tận thâm sâu con người!
Một cách long trọng hon, Thánh Gioan đã bắt đầu Tin Mừng của ông, bằng cách nói về Đức Giêsu như sau: “Lúc khởi đầu, vẫn có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa… và Ngôi Lời đã làm người”. Còn Maccô, bằng một kiểu nói khác, cũng diễn tả đích xác cho ta cùng một thực tại đó. Đức Giêsu, Lời của một Thiên Chúa tự mạc khải, Lời gây ngạc nhiên, Lời mang tính quyết liệt… Đối với lời của Đức Giêsu, là chính sự mạc khải của Thiên Chúa tôi đã dành tình yêu như thế nào? Tôi đã dành thời gian để suy gẫm lời nói, giáo huấn của Đức Giêsu ra sao?
Những “kinh sư” theo truyền thống chỉ biết lặp lại bài vở đã học. Còn Đức Giêsu được người ta chú ý ngay do “uy quyền” của lời Người, uy quyền phát xuất tự bên trong Người. Đức Giêsu nói về Thiên Chúa, Đúng vậy! Nhưng Thiên Chúa, cũng chính là đời sống của Người. Và điều đó dễ được người ta cảm nhận, khi ai đó nói với vẻ xác tín: “anh ta tin như thế?”, rồi anh ta sống thiết thân với lời nói của mình. Đó không phải là nói “ba láp”, nói “ba hoa chích chòe”… nhưng là nói sụ thật. Đúng vậy, Đức Giêsu luôn sống thiết thân với lời Người nói. Đó là điều khác với hạng kinh sư. Còn tôi, khi nói về Thiên Chúa, về Giáo hội, tôi có làm cho người ta cảm thấy tôi tin như thế không? Tôi là một “kinh sư” hay là một “chứng nhân? Tôi có thích lặp lại những bài đã học cách bề ngoài, hay muốn Lời Thiên Chúa trở nên “của tôi”, được nội tâm hóa, là chính “thịt xương của xương thịt tôi” không?
Đúng lúc đó, trong Hội đường, có một người bị quỷ ám la lên…
Chúng ta đang đứng trước bối cảnh phương Đông. Cuốn phim của Zefflrelli đã mô tả rất đúng cảnh này, trong đó thật là náo động, la hét, bạo lực bùng lên. Máccô không ngần ngại tỏ vẻ cho cảnh bùng nổ trên thêm màu sắc: Trước hết, đó là “tiếng la hét” vang lên trong khi Đức Giêsu đang giảng! Rồi Đức Giêsu quát mắng nó”: bầu khí thật sôi động kịch liệt! Chính khi “lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng” quỷ mới xuất khỏi anh ta.
Tân ước đã 23 lần bàn tới “thần ô uế” mà sách bài đọc dịch là “thần xấu’, bởi vì thực ra, từ “ô uế” ở đây không có nghĩa “tình dục” như hiện nay, nhưng sự ô uế chỉ được hiểu như điều gì đổi nghịch với sự “thánh thiện”. Riêng Maccô, ông sử dụng tới 11 lần từ “thần ô uế “. “Thần xấu”, chính là “đứa chống lại sự thánh thiện của Thiên Chúa”: chúng ta thấy rõ điều này được mô tả ở đây, Nó “quấy phá” con người! Nó ngăn cản con người không sống đích thực là người. Con người “bị quấy phá” trên đây, đó là chính biểu tượng của con người “bị tha hóa”. “Bị chiếm đoạt”, vì một thứ sức mạnh ngoài nhân loại khi chinh phục được con người, đã hoàn toàn thống trị nó.
Trước việc “trừ quỷ” của Đức Giêsu trên đây, chúng ta có thể phân vân giữa hai thái độ, thực ra cũng khá giống nhau, khiến chúng ta khó “hiểu biết sâu xa” cảnh tượng này: thái độ thứ nhất làm ta dễ chán nản và nuốn bác bỏ bản văn kỳ dị trên như đã cũ rích và lỗi thời. Ngược lại thái độ thứ hai gây cho ta thích thú nhìn xem vẻ kỳ diệu bề ngoài của bản văn (theo kiểu nhà đạo diễn phim “Người trừ quỷ”, khai triển mọi vẻ khủng khiếp có tính kịch trên màn ảnh). Thực ra, Maccô bắt đầu hoạt động của Đức Giêsu bằng một việc trừ quỷ, bởi vì ông nhận thấy ở đó bản “tóm lược” trọn vẹn mọi hoạt động của Chúa: Đức Giêsu đến giải phóng con người nô lệ khỏi những quyền lực đang tha hóa họ… Thế giới thay đổi chủ… Nước Thiên Chúa đang bắt đầu!.
Này ông Giêsu Na-ra-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Tôi biết ông là ai rồi: “ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”.
Thực sự cần phải khám phá ra căn tính đích thực của Đức Giêsu. Cần khởi đi từ danh hiệu bình thường “Giêsu, người Na-da -rét”, đến tước hiệu kỳ diệu: “Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Đức Giêsu không phải là kẻ trù quỷ tầm thường ở làng thôn, như một số ít người lúc đó đang hoạt động rải rác khắp nơi, trong thế giới Do Thái cũng như trong thế giới dân ngoại: một loại ma thuật hay phù thủy. Hoàn toàn không thể có sự tương hợp giữa “Thần ác” và “Thiên Chúa” được: thế nên Sa-tan đã công khai tuyên chiến. ông muốn gây chuyện gì đây? Có liên quan gì giữa ông và tôi? ông muốn gì? Đó là “tiếng la hét của quỷ”. Còn chúng ta thì sao? Cùng với Đức Giêsu, chúng ta có quan niệm đời sống Kitô hữu của chúng ta như một cuộc giao chiến lớn lao nhằm giải phóng không? Những người thuộc nhóm của Đức Giêsu cần phải sẵn sàng ứng chiến. Những lực lượng thù địch luôn nổi đậy chống lại Người. Tôi có cùng chiến đấu với Đức Giêsu không? Tôi phải giải thoát anh em tôi, và chính bản thân tôi khỏi sự tha hóa, sự ác nào?
Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này”.
Từ Hi Lạp được dùng ở đây, có nghĩa gì “bịt miệng”, “đe dọa”, “quát mắng”. Trước giông bão nổi lên trên biển hồ, Đức Giêsu cũng sử dụng từ này (Mc 4,39). Quyền năng của Đấng Phục sinh chiến thắng mọi quyền lực ma quỷ được diễn tả qua câu: sự ác bị đánh bại Thiên Chúa xuất hiện.
Chúng ta nên lưu ý một chi tiết có ý nghĩa: đó là khi mọi người hỏi nhau và ngạc nhiên về “nhân cách” của Đức Giêsu… thì ma quỷ đã biến mất rồi. Nhờ bản tính thiêng liêng, có lẽ quỷ tinh thông hơn con người chăng? Nhưng Đức Gíêsu truyền cho chúng phải im lặng: câm miệng lại? hãy im đi! Căn tính đích thực của Đức Giêsu chỉ có thể được mạc khải dần dần: Tuyên bố quá sớm Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa”, là.”Con Thiên Chúa”, có thể chỉ là một việc làm của ma quỷ. Chỉ đến khi đứng trước thập giá một “con người, một kẻ ngoại, viên đội trưởng hành quyết, mọi công bố những tước hiệu trên một cách hợp thức (Mc 15,39).
Mọi người đều kinh ngạc, bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có thẩm quyền. Ong ấy ra lệnh cho quỷ, quỷ cũng phải vâng theo”.
Đó là những Lời”, một giáo huấn, một sứ điệp… một điều gì “mới lạ” cho nhân loại.
Đó là những “Dấu chỉ”, những “hành động của Đức Giêsu, các bí tích… quyền năng của Thiên Chúa”. Đừng quên rằng, trong bí tích Rửa tội, chính chúng ta đã được Chúa Giêsu “trừ quỷ và “dấu chỉ bí tích” này luôn hiện diện: Nó được hiện thực hơn mỗi khi ta cử hành Thánh Thể… trong đó Đức Giêsu “nói” với ta, và “cứu độ” ta khỏi sự dữ.
Bài 3. Gợi ý bài giảng của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Chúng ta đang ở trong các tuần đầu mùa quanh năm, là phần “nhập đề” giới thiệu các nhân vật chính của Nước Trời, đặc biệt là Chúa Giêsu. Thánh lễ hôm nay đề cập tới thế giá và uy quyền của Chúa Kitô. Chúa Kitô là vị “Đại ngôn sứ” là Môisen đã nhân danh Thiên Chúa báo trước cho dân Israel. Người thực sự là Đấng Messia, nhân danh Thiên Chúa mà đến và chỉ nói những lời của Thiên Chúa mà thôi (Bài đọc 1) Sau này, Chúa Kitô đã tuyên bố đúng như thế (x. Ga 7,10-18). Bởi đó cần tuyệt đối nghe lời Người. Chúa Kitô còn là Đấng Thánh của Thiên Chúa, mang một cái gì của Thiên Chúa, nên không lạ gì mà khi Người ăn nói, giảng dạy, thì ai nấy đều kinh ngạc về giáo lý của Người “vì Người giảng dạy như Đấng có quyền uy” (Bài Tin mừng). Chính Chúa Giêsu từng nói với Nicôđêmô: “Đấng Thiên Chúa sai đến thì nói lời của Thiên Chúa” (Ga 3,34; x. Ga 14,10). Vì Chúa có uy quyền như vậy và lời Chúa mang một thế giá siêu việt, nên Giáo Hội mượn lời Thánh vịnh mà nhắc nhủ ta: “Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người và đừng cứng lòng nữa” đáp ca: Tv 94,8).
2. “Người ta kinh ngạc về giáo lý của người” (Mc1,22). Ngày nay thì ngược lại: vì nghe và đọc lời Chúa cách vô ý thức cùng bất kính, ta thấy nhàm chán và đôi khi còn ác cảm; đi lễ, gặp các bài đọc Thánh Kinh, các bài giảng hơi dài một chút là đã kêu ca, ngáp ruồi… Bởi đó, mỗi khi cảm thấy chán ngán Lời Chúa, hoặc dửng dưng với giáo lý của Người, thì cần phải xét lại nếp sống của ta, để gạt bỏ những ngăn trở những chướng ngại; đồng thời tạo cho tâm hồn có những tâm tình, khiêm tốn, đơn sơ, ngay thẳng, là những tâm tình rất cần cho việc đón nhận Lời và giáo lý của Chúa; sau cùng, cũng cần phải gắng công tìm hiểu, học hỏi, chứ không phải ngồi đó mà nghe qua, đợi chờ cách thụ động, ươn lười, vô bổ.
3. Bài Tin mừng hôm nay quả là một thánh lễ rút gọn:
c 21. tập họp. Dân chúng quyết định đi tìm Thiên Chúa và đến cùng Ngài, vì bấy lâu nay họ đã sống cách vô thần, xoay vần đổi hướng như chong chóng, bây giờ họ muốn đi tìm thứ hạnh phúc đích thực.
c 22: phụng vụ Lời Chúa. Từ thời Abraham, Thiên Chúa đã ngỏ lời và luôn luôn đáp ứng mọi yêu cầu của con người. Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa lại dạy dỗ, giải thích…
c 23-24: dâng lễ. Để đáp lại lời đã nghe, con người thưa “xin vâng”, tin vào lời Thiên Chúa phán và hiến dâng đời mình cho Ngài. Chúa Giêsu là Đấng duy nhất đã vâng lời Chúa Cha cho đến cùng và như thế đã dâng lên Cha hiến tế duy nhất đẹp lòng Cha. Ở đây người bị quỷ ám đang chiến đấu.
c 25-26: hiệp lễ. Trong khi dâng niềm tin này, lúc mà mọi hy vọng xem ra mất hút trong đêm tối (giải thoát khỏi Ai cập-tử Nạn), Thiên Chúa đã can thiệp và thực hiện kế đồ của ngài. Và quỷ ám đã ra khỏi người kia, để từ đây tâm hồn nên trong sạch.
c. 27-28: sai đi. Nhờ ơn bí tích, Kitô hữu sau khi trở nên người mới được Chúa Cha chúc phúc và Chúa Thánh Thần tuôn đổ ơn lành, trở về với cuộc sống thường nhật với mọi người và quyết dùng cả đời mình để loan láo Tin mừng hầu “danh tiếng Người đồn ra khắp mọi nơi”.
Bài 4. Ý nghĩa của một lần trừ quỷ
1 – Ngữ cảnh
Tìm xem với những đoạn văn nào, các tác giả Tin Mừng đã bắt đầu phần tường thuật đời sống công khai của Đức Giêsu, là việc quan trọng. Mt bắt đầu với bài diễn từ thứ nhất và dài nhất trong năm bài diễn từ, đó là Bài Giảng trên núi (Mt 5,1–7,2). Mối quan tâm chính của tác giả TM I là diễn tả giáo huấn của Đức Giêsu. Lc thì nói tới việc Đức Giêsu xuất hiện tại hội đường Nadarét (Lc 4,16-30); tại đó, liên kết bản thân với Cựu Ước (Is 61,1t), Đức Giêsu trình bày uy quyền và mục tiêu của sứ mạng của Người như nằm trong một chương trình đã được thiết lập. Trong Mc, điều đầu tiên chúng ta thấy là sự xuất hiện của Đức Giêsu tại hội đường Caphácnaum.
Caphácnaum ở trên bờ phía tây bắc hồ Ghennêxarét, cách cửa sông Giođan vài cây số. Kết quả các cuộc khai quật khảo cổ cho ta gặp lại những di tích của thế kỷ iv kỷ nguyên chúng ta, nhưng vẫn ở ngay tại nơi có hội đường vào thời Đức Giêsu. Điều lạ lùng là Mc không kể gì về giáo huấn của Đức Giêsu, mà chỉ nêu sự kiện là Người đã giảng dạy và ấn tượng mà các lời Người nói gây nên nơi dân chúng. Quả vậy, tác giả đặt ở hàng đầu không phải là giáo lý của Đức Giêsu, mà là con người của vị Tôn sư.
Mc đã đặt câu truyện này ngay sau khi Đức Giêsu gọi bốn ngư phủ, mà coi như là hoạt động công khai đầu tiên Đức Giêsu hoàn tất với sự hiện diện của các môn đệ kể từ nay sẽ “ở với Người” (3,14). Thế mà Đức Giêsu đến để loan báo Tin Mừng, loan báo rằng Nước Thiên Chúa đã có đó, quyền năng cứu độ đã đi vào hoạt động, một thế giới mới đã được mạc khải. Trong Lời mang sức giải thoát mà Đức Giêsu nói ra, chính Thiên Chúa hành động; Đức Giêsu, vị ngôn sứ đầy quyền năng trong lời nói và việc làm, chính là Tin Mừng đang tiến hành.
Đoạn này thuộc về một toàn bộ gọi là “ngày ở Caphácnaum” (1,21-34). Trong một đơn vị thống nhất về thời gian và không gian như thế (một ngày sa-bát tại Caphácnaum), Mc đã quy tụ nhiều câu truyện: việc giảng dạy, trừ quỷ, chữa mẹ vợ Simôn, rồi, đến chiều, có một bức họa tổng quát. Các truyện này xảy ra tại một hội đường, tại nhà, tại cửa thành. Nhưng chuỗi hoạt động này lại thuộc về toàn bộ rộng lớn hơn (1,14-39), trong đó Đức Giêsu tỏ mình ra tại miền Galilê, đến bờ Biển Hồ, vào thành Caphácnaum, đi đến hội đường, ra khỏi đó, đến chiều thì ra cổng thành, sáng hôm sau thì rời thành để rảo khắp miền Galilê, và cứ thế, “rao giảng trong các hội đường và trừ quỷ” (1,39). Nói cách khác, Người làm khắp nơi những gì Người đã làm tại hội đường Caphácnaum: giảng dạy và trừ quỷ. Bản văn đang khảo sát là cốt lõi của một chuyển động vừa tập trung vừa lan toả, nên trở thành bản văn tiêu biểu, tóm tắt hoạt động của Đức Giêsu. Điều được biểu lộ ra (sự giải phóng do Đức Giêsu mang lại) tại địa điểm chính thức của Do-thái giáo, trong nhà Lề Luật, là để được phổ biến trong khắp miền Galilê. Và sau Phục Sinh, miền này sẽ trở thành địa điểm xuất phát của các môn đệ để các ông đi khắp thế giới mà thi hành sứ vụ. Vì thế, có kết luận: “Danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Galilê” (c. 28). Tuy nhiên, không nên quên lệnh cấm nói: danh tiếng này chỉ có được nền tảng đích thực khi cuộc Khổ nạn đã được hoàn tất.
2 – Bố cục
Bản văn này có thể chia thành ba phần:
1) Đức Giêsu giảng dạy (1,21-22):
a) nơi chốn và thời gian: Caphácnaum; ngày sa-bát,
b) dân chúng kinh ngạc về lời giảng và uy quyền;
2) Ca người bị quỷ ám (1,23-26):
a) phản ứng của quỷ,
b) lời nói uy quyền của Đức Giêsu,
c) kết quả;
3) Về việc giảng dạy của Đức Giêsu (1,27-28):
a) dân chúng kinh ngạc: giáo lý và uy quyền,
b) danh tiếng được đồn đi: mọi nơi, khắp vùng lân cận miền Galilê.
Câu truyện trừ quỷ này lại được đóng khung bằng câu nói về “lời giảng dạy có uy quyền”, khiến các nhà chú giải nghĩ đến nhiều đợt làm việc trên câu truyện này.
3 – Vài điểm chú giải
- sửng sốt (22): dịch sát là “bị đánh ngã”, “bị quẳng ra ngoài”.
- Có một người bị thần ô uế nhập (c.23): Tác giả giới thiệu “ca” bệnh. Nhưng rồi, thay vì nói đến một sáng kiến, một thái độ của người bệnh hoặc của những người có mặt nhằm bày tỏ lòng tin, tác giả cho thấy không có ai can thiệp vào cả, Đức Giêsu cũng không làm gì cả; thế mà đã xảy ra như một cú “bùng nổ”.
- la lên rằng: “…chuyện chúng tôi can gì đến ông…” (23-24): Dường như chỉ nguyên việc đứng trước mặt Đức Giêsu đã khiến ma quỷ phải hét lên (x. một phản ứng tương tự: 9,20). Rõ ràng, khi gặp Người, ma quỷ bị một cú sốc, nó không thể thản nhiên như không được. Nó hét lên: “Giêsu Nadarét, chúng tôi với Ngài nào có việc gì?” (NTT). Trong Cựu Ước, câu nói này nhằm thiết lập một khoảng cách giữa hai người: hoặc một sự bất hoà giữa hai cá nhân trước đây hoà hợp (x. Tl 11,12; 2 Sb 35,21; 2 Sm 16,10; 19,23; 1 V 17,18 với ý nghĩa: “tôi đã làm gì cho bạn, đã xảy ra chuyện gì khiến bạn làm như thế, bạn xử với tôi như thế ?”), hoặc là từ chối mọi quan hệ hoặc mọi thoả hiệp giữa hai bên thù nghịch (x. Gs 22,24; 2 V 3,13; Hs 14,9: “Giữa chúng ta còn có thể quan hệ gì nữa? Ông lo việc của ông đi!”). Bản văn Mc theo nghĩa thứ hai: đây là một lời tuyên chiến, hoặc đúng hơn, một lời tuyên bố tình trạng thù nghịch và một lời từ chối giao đấu vì bên liên hệ quá biết kết quả rồi (x. 5,7).
- Đấng Thánh của Thiên Chúa (x. 5,7 “Con Thiên Chúa Tối Cao”): Cho dù đa số các nhà chú giải coi đây là một danh hiệu của Đấng Mêsia, cha Lagrange lưu ý là trong nền văn chương Do-thái giáo, Đấng Mêsia không được gọi như thế. Hẳn là câu này muốn nói Đức Giêsu là một con người thuộc về thế giới của Thiên Chúa thánh thiện. Người ở trong quan hệ đặc biệt với Thiên Chúa, và do đó, câu này diễn tả tình trạng không thể hòa hợp giữa Đức Giêsu và tà thần (Hl.pneuma akatharton: đối nghịch lại với linh thánh, với Thiên Chúa). Nhưng chắc chắn là trongMc, công thức này đã có ý nghĩa Kitô giáo, nghĩa là được dành cho Đấng Mêsia.
Ma quỷ cảm nhận sự hiện diện của Đức Giêsu như một sự gây hấn, nên nó đã “bùng nổ”.
- Đức Giêsu quát mắng (quát bảo, NTT) (25): Theo nghĩa chữ, động từ Hy-lạp epetimêsen (x. 3,12; 4,39; 8,30.32.33; 9,25; 10,13-48) này có nghĩa là “đặt một timê (giá cả, giá trị) trên”, và từ nguyên thuỷ, nó có nghĩa tích cực. Trong Mc, động từ này có nghĩa là “nói một cách nghiêm túc, lưu ý nhằm ngăn cản một hành vi hoặc để chấm dứt hành vi nào đó” (Arndt & Gringrich). Đây là một lệnh truyền hơn là một lời la mắng, một lệnh cấm. Đức Giêsu đã truyền hai lệnh “Câm đi” và “Xuất khỏi người này”.
- Câm đi (phimôthêti): Nguyên nghĩa của động từ Hl phimoô là “khoá mõm; muzzle”: Ma quỷ bị coi như là một con thú dữ cần phải chế ngự để làm cho nó ra vô hại. Tác giả dùng lại động từ này trong truyện Dẹp yên bão táp (x. 4,39).
- Xuất khỏi: Đứng trước quỷ, Đức Giêsu thường truyền lệnh này (x. 5,8; 9,25), và quỷ vâng theo tức khắc.
- Thần ô uế lay…, thét… (26): Những hiện tượng này cho thấy kết quả đã đạt được (như trong 9,26), nhưng không có giao tranh; như thế là khác với câu truyện Ghêrasa (5,1) và người động kinh (9,14), vì ở chỗ đó dường như Đức Giêsu có gặp một sự kháng cự nào đó. Còn ở đây, chiến thắng đạt được tức khắc. Đó là điều những người chứng kiến thấy là bất thường, và họ thán phục: các thần ô uế tuân theo lời nói của Đức Giêsu ngay. Tiếng hét ở c. 24 và tiếng hét ở c. 26 như tiếng hét của kẻ sắp chết, cho thấy rằng đây không phải là một việc trừ quỷ như dân chúng đã quen nghe biết, vì một quỷ bị đuổi đi hôm nay sẽ có thể trở lại vào một ngày khác. Cuộc trừ quỷ do Đức Giêsu thực hiện là một sự kiện “mới” trong lịch sử cứu độ. Một thời đại mới đã khởi sự, thế giới đã sang tay người chủ khác; quyền lực của tà thần đã chấm dứt: một “cá nhân” quỷ mới, nhưng nhận định cho số phận của “tập thể” quỷ (“chúng tôi”), (x. 5,10). Vậy Đức Giêsu Nadarét không phải là một người trừ quỷ bình thường, nhưng là Sứ giả của Thiên Chúa, Đấng Thánh. Với sự hiện diện và hoạt động của Người, Thiên Chúa thiết lập Triều Đại của Ngài (x. 3,22-30).
- So sánh với 4,37-41: Nếu so sánh đoạn văn này với hai cảnh của ch. 5 và 9 (Ghêrasa và người động kinh), ta thấy hai truyện ấy thật là sống động, còn bản văn 1,23-27 quá đơn giản. Dường như truyện này là một bài mẫu tổng quát. Ta nhận thấy bài này được xây dựng theo cùng một kiểu như bài tường thuật về cơn bão bị dẹp yên (4,37-41), hoặc đúng hơn, “cơn bão bị dẹp yên” được nhìn như một cuộc trừ quỷ:
Trừ quỷ | Bão yên (4,37-41) | ||
23 | Có một người bị thần ô uế nhập la lên rằng | 37 | Và một trận cuồng phong nổi lên,
sóng ập vào thuyền
|
38 | các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: | ||
24 | “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi”
(= chúng tôi chết mất)
| “Thầy chẳng lo gì sao
chúng ta chết đến nơi rồi”
(= chúng ta/tôi chết mất)
| |
25 | Đức Giêsu quát mắng nó (đe doạ) nó: | 39 | Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển |
“Câm đi và xuất khỏi người này!” | “Im đi! Câm đi!” | ||
26 | Thần ô uế hét lên một tiếng và xuất | Gió liền tắt và biển lặng như tờ | |
40 | Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” | ||
27 | Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: | 41 | Các ông hoảng sợ (kinh ngạc) và nói với nhau: |
“Thế nghĩa là gì? | “Vậy người này là ai? | ||
Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền | |||
Ông ấy ra lệnh cho tất cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh! | mà cả đến gió và biển
cũng phải tuân lệnh?
|
Bảng đối chiếu này cho thấy hai bài có một lược đồ chung:
1. Sự hiện diện của Đức Giêsu gây ra một cuộc bùng nổ các sức mạnh tà thần (quỷ hoặc biển); thế trận.
2. Đức Giêsu như bị khiêu khích, hoặc bởi ma quỷ là hãy rút lui đi, hoặc bởi các môn đệ là hãy hành động đi, cả hai bên đều dùng động từ “chết” (apollymi)
3. Chiến thắng toàn diện của Đức Giêsu được diễn tả bằng hai động từ “đe doạ” và “khoá mõm”, “câm”.
4. Cuối cùng là sự kinh ngạc và câu hỏi về Đức Giêsu, Đấng đã buộc được tà thần phải tuân lệnh.
4 – Ý nghĩa của bản văn
* Đức Giêsu giảng dạy (21-22)
Tác giả ghi nhận ấn tượng Đức Giêsu tạo ra nơi dân chúng: họ bị đánh động sâu xa, họ bị rúng động, họ hết sức kinh ngạc. Đức Giêsu không trình bày các ý kiến cũng không cống hiến những đóng góp vào cuộc tranh luận, nhưng giảng dạy với uy quyền, với lời nói có sức mạnh, có hiệu lực tuyệt đối; đàng sau những điều này, Người nói rằng Người có Thiên Chúa với uy quyền của Ngài. Dân chúng ghi nhận điều này và biết mình bị thách thức bởi giáo huấn của Người. Uy quyền của giáo huấn này được phản ánh, như trong một tấm gương, nơi hiệu quả gây ra trên dân chúng. Giáo huấn này không nhắm mở đường cho các cuộc tranh luận, nhưng muốn nắm lấy, lay chuyển, đưa đến một định hướng đời sống cụ thể mới mẻ (= hoán cải).
Đức Giêsu đến để loan báo Thiên Chúa như là vị Chúa tể đích thực và về sự hiện diện chan hòa ân huệ của Ngài. Chính là với sứ điệp này mà Người đến hội đường Caphácnaum. Đây là nơi dân chúng một làng tụ họp lại để cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa. Đức Giêsu không đến làm việc trong hoang địa như Gioan Tẩy Giả, nhưng đến hội đường. Người tháp hoạt động của Người vào trong nền phụng tự của Israel, như sứ giả của vị Thiên Chúa mà dân Israel thưa gửi với trong hội đường.
* Ca người bị quỷ ám (23-26)
Các cuộc trừ quỷ, và nói tổng quát, cuộc chiến đấu chống Satan, chiếm một vị trí quan trọng trong tác phẩm Mc, vừa về lượng vừa về phẩm: trong bốn bài tường thuật trong đó có hai bài với nhiều chi tiết của riêng Mc (1,21-28; 5,1-20; 8,4-30; 9,14-29), trong nhiều bản tóm tắt của riêng Mc về hoạt động của Đức Giêsu (1,34-39; 3,11-12) và cả trong đối tượng thuộc hoạt động truyền giáo của các môn đệ (3,15; 6,7.13).
So với Mc, Mt và Lc có những khác biệt đáng kể: Lc có giữ lại bài tường thuật ta đang khảo sát (Lc 4,31-37), và có một bản tóm tắt gần giống Mc (Lc 4,41 // Mc 1,39); Mt không có câu chuyện trừ quỷ tại Caphácnaum. Nhưng cả hai vị, đặc biệt Mt, có khuynh hướng giảm thiểu hay loại bỏ “phương diện ma quỷ” của nhiều bài tường thuật (x. truyện Bà Canaan, Sứ mạng của Nhóm Mười Hai và nhất là truyện Chữa người động kinh). Thường truyện được chuyển từ tình trạng quỷ ám sang tình trạng đau ốm, từ việc trừ quỷ sang việc chữa bệnh. Dù sao, những con người bị hành hạ như thế vẫn liên tục xuất hiện trong phạm vi hoạt động của Đức Giêsu. Chúng ta thật khó mà hiểu được những sức mạnh khống chế con người và biến họ thành nô lệ. Các sức mạnh này được giới thiệu như là siêu nhân, phản ứng như thể chúng là con người, có một sự hiểu biết đặc biệt, ở thế đối lập với Thiên Chúa, thống trị và làm hại con người. Có những người nói rằng chúng ở trong biển; có những khác lại cho rằng chúng ở trên không trung, nhưng chẳng ai biết rõ chúng. Điều duy nhất chắc chắn, đó là người ta hoàn toàn bất lực khi đứng trước chúng.
Kẻ bị quỷ ám ở ngay trong hội đường là “nơi thánh”, mà vẫn yên hàn như sống trong nhà nó; và chỉ khi gặp “Đấng Thánh”, quỷ mới phải hét lên và đi ra. Nó ở đấy và dường như không gây vấn đề gì. Cũng không có ai gây phiền hà gì cho nó. Nhưng Đức Giêsu thấy người ấy đang ở trong quyền lực của tà thần. Đức Giêsu và tà thần giống như hai kẻ thù gặp nhau: hai bên rất ghét nhau, tìm cách lờ nhau đi, nhưng rồi lại không thể nào tránh khỏi gặp nhau.
Quỷ tỏ thái độ thù nghịch trước, vì nó cảm thấy nó yếu hơn. Nó thấy rằng “Đấng Thánh” (“Đấng mạnh / quyền thế hơn”: Mc 1,7; “người mạnh”: Mt 12,29) có khả năng tiêu diệt nó và vương quốc của nó: “Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?” (c. 24). Đức Giêsu không dùng phù chú ma thuật. Người chỉ ra lệnh: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” (c. 25). Thần ô uế vâng lời. Với lời nói hữu hiệu của Người, Người chứng tỏ quyền lực đích thực của Triều Đại Thiên Chúa mà Người loan báo; Người cho thấy rằng Thiên Chúa mới có tiếng nói cuối cùng và Thiên Chúa đang dùng quyền lực của Người để giải thoát loài người và trả lại cho họ khả năng xác định mình như là những con người tự do. Đức Giêsu đưa tự do và bình an đến không phải nhờ một thỏa hiệp với sự dữ, nhưng chỉ nhờ cách thắng vượt sự dữ. Qua cuộc chiến đấu và chiến thắng này, ta cũng thoáng thấy Đức Giêsu là ai.
* Về việc giảng dạy của Đức Giêsu (27-28)
Dân chúng sững sờ kinh ngạc. Họ nhận ra rằng có một vị ngôn sứ đang ở giữa họ với “giáo huấn mới, một cách có uy quyền” (c. 27 – NTT). Đó là vì lời nói của Đức Giêsu thực hiện được điều Đức Giêsu diễn tả. Tác giả nhắc lại “lời giảng dạy – uy quyền” (c. 22 // c. 27) để “đóng khung” truyện trừ quỷ. Bằng cách đó, ngài vừa nói lên được hai nét chính trong sứ vụ của Đức Giêsu (giảng dạy – trừ quỷ) vừa minh họa được quyền lực giải phóng của lời Người nói. Ngoài ra, ngài cũng chuẩn bị cho sứ vụ của Đức Giêsu bằng cách ghi nhận rằng sự cố xảy ra tại Caphácnaum đã được đồn ra “khắp cả vùng lân cận miền Galilê”.
+ Kết luận
Vậy ít ra, đến đây, chúng ta phải nhìn nhận sử tính của những bài tường thuật về trừ quỷ: chắc chắn Đức Giêsu đã xua trừ ma quỷ. Những người đương thời đã coi Người là một vị Thầy chữa bệnh và trừ quỷ. Các câu truyện Ghêrasa và người động kinh cho thấy ấn tượng này rõ hơn. Và nhất là chính những luật sĩ đã kết án Đức Giêsu là “bắt tay” với quỷ vương… Nhưng, dường nhưMc có một ý hướng sâu hơn khi trình câu truyện trừ quỷ ở đây.
5 – Gợi ý suy niệm
1. Trong “một ngày ở Caphácnaum” được coi như một ngày “mẫu”, Đức Giêsu giảng dạy và trừ quỷ: Thiên Chúa đang biểu lộ quyền năng để giải phóng con người. Các tông đồ cũng có mặt: những môn đệ tương lai sẽ nối tiếp Đức Giêsu giảng dạy và trừ quỷ.
2. Phong thái và các hành vi của chúng ta có cho thấy rằng chúng ta đang được hướng dẫn bên trong bởi uy quyền của Đức Giêsu chăng? Phải chăng chúng ta chỉ rút từ giáo huấn của Người ra những gì chúng ta thích, hay là quả thạt, chúng ta đang liên kết với Người bằng cách trung thành bước theo Người?
3. Chúng ta biết là có ma quỷ. Tuy nhiên, không nên nghĩ nó giống như một con quái vật. Đúng hơn nó là sức mạnh làm cho con người chúng ta hành động không đúng với nhân tính chúng ta nữa. Ta chỉ thắng được tà thần không phải bằng một thỏa hiệp và nhượng bộ, nhưng nhờ thẳng thắn chiến đấu chống lại nó nhân danh Triều Đại Thiên Chúa: nó đã và sẽ phản ứng thô bạo, nó kháng cự, la hét. Chúng ta có tin tưởng mạnh mẽ và sống động vào Đức Giêsu chăng? Chúng ta có xác tín rằng Người vượt lên trên tất cả các sức mạnh đối kháng, và nếu kết hợp với Người, chúng ta có thể đánh bại sự dữ và các sức mạnh thù nghịch?
4. Cuộc chiến đấu được kể lại đây tượng trưng cho cuộc nổi loạn của các sức mạnh xấu xa trong chúng ta, vì chúng không muốn bị trục xuất; đây là biểu tượng của các khó khăn chúng ta gặp khi chúng ta muốn gỡ mình khỏi các tật xấu. Chúng không muốn bỏ đi. Chúng ta chịu thua hay là chúng ta biết tin tưởng vào lời của Đức Giêsu, lời vẫn vang lên mỗi ngày trong lòng các cộng đoàn của chúng ta?
Lm PX Vũ Phan Long, ofm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét