GIA ĐÌNH THÁNH TÂM

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

YOUCAT VIỆT NAM ĐÃ CHÀO ĐỜI 9/14/2013


  YouCat là viết tắt của tiếng Anh Youth Catechism, giáo lý cho người trẻ , bản gốc được soạn bằng tiếng Đức, rồi được chuyển dịch sang các tiếng Anh, Ý, Pháp, Tây Ban Nha… và Việt Nam.

Nguồn gốc và chủ đích đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trình bày tóm tắt trong Bài Tựa in ở đầu sách YouCat. Tôi đã viết hai bài giời thiệu, bạn đọc có thể xem ở Google :

- YouCat Sách Giáo lý hiện đại nhất của Giáo hội Công giáo
- Tại sao tôi giới thiệu và chuyển dịch toàn bộ YouCat

Tuy nhiên, vào Ngày Giới Trẻ Thế Giới (World Youth Day, WYD) ở Rio bên Brasil 2013, Đức Hồng Y Schönborn người Áo, đứng đầu soạn YouCat, đã có mặt tham dự; và Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội có Nhu Cầu ( Aid of Churches in Needs, ACN) đã có cuộc phỏng vấn Đức Hồng Y ngày 31- 7- 2013, về nguồn gốc YouCat và ảnh hưởng của YouCat đối với giới trẻ. Đức Hồng Y đã cộng tác với Đức Hồng Y Ratzinger để soạn cuốn Giáo lý Giáo hội Công giáo (GLGHCG lớn), rồi lại cộng tác để soạn cả cuốn Toát Yếu của Sách GLGHCG, và còn đứng đầu soạn YouCat, nên đã cho biết thêm những chi tiết lý thú chưa được biết về nguồn gốc và ảnh hưởng thăng tiến của YouCat tại WYD . Những chi tiết này làm tăng giá trị và ảnh hưởng của YouCat đối với giới trẻ, giúp ta càng hiểu biết và đánh giá YouCat đúng mức hơn.





1. YouCat đã chào đời thế nào? 
Đã ảnh hưởng thăng tiến đối với giới trẻ tại WYD thế nào?

Đó là câu hỏi mà ACN bên Đức nêu lên cho Đức Hồng Y. Nói đến YouCat không thể không nói đến WYD vì do WYD mà có YouCat.

1.1 Về WYD

Năm 1984 dịp kết thúc Năm Thánh kỷ niệm 1950 năm Ơn Cứu Độ, Đức Gioan Phaolô II đã kêu gọi giới trẻ đến Rôma cử hành Ngày Gặp Gỡ Giới Trẻ Thế Giới tại Công trường Thánh Phêrô. Dịp này, ngài đã trao cho giới trẻ cây Thánh Giá, biểu tượng cho WYD. Ước tính có 300 ngàn người trẻ tham dự. Năm sau, Liên Hợp Quốc tuyên bố năm 1985 là Năm Quốc Tế Giới Trẻ. Vào tháng 3 năm 1985 Đức Gioan Phaolô II lại tổ chức cho giới trẻ họp mặt tại Rôma, trong đó ngài thiết lập WYD. Lần này có 450 ngàn người trẻ dự. Ngài quyết định hàng năm cử hành WYD trong các giáo phận vào lễ Lá; và cứ 2 hoặc 3 năm, một thành phố được chọn để tổ chức WYD. Trong những ngày họp mặt này, giới trẻ được dịp học hỏi giáo lý, trình bày chứng từ, chia sẻ kinh nghiệm sống, dâng thánh lễ, cầu nguyện, xưng tội, đi Đường Thánh Giá… WYD đã được tổ chức trong các năm sau đây, mỗi năm một thành phố, có một chủ đề, có số tham dự :


ST
NĂM
NƠI
CHỦ ĐỀ
SỐ
THAM DỰ
1
1986
Rôma
1Pr.3, 15      Hãy sẵn sàng cho ai chất vấn.

1 triệu
2
1987
B.Aires, Argent.
1Gn.4, 16    Ta đã biết tình yêu Chúa.

400 ngàn
3
1980
Tây Ban Nha
Gn 14, 6      Thầy là con đường, sự thật, sự sống.

1 triệu
4
1991
Ba Lan
Rm 8, 15     Anh em đã nhận Thần Khí và nên nghĩa tử.

500 ngàn
5
1993
Denver, Mỹ
Gn 10, 10    Tôi đến để chiên được sống.

4 triệu
6
1995
Manila, Philip.
Gn 1, 20, 21 Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em..

1,2 triệu
7
1997
Paris, Pháp
Gn 1, 38, 39 Thưa Thầy, Thầy ở đâu ? Đến mà xem

2 triệu
8
2000
Rôma
Gn 1, 14       Ngôi Lời đã trở nên người phàm.

800 ngàn
9
2002
Toronto, Canada
Mt 5, 13.14  Anh em là muối, là ánh sáng.

1,2 triệu
10
2005
Cologne, Đức
Mt 2, 2        Chúng tôi đến bái lạy Người.

450 ngàn
11
2008
Sydney, Úc
Cv 1, 8        Anh em sẽ nhận Thánh Thần và là    chứng nhân.

2 triệu
12
2011
Madrid, TBN
Cl 2, 7         Hãy bén rễ sâu và xây dựng trên Đức Kitô.

3 triệu
13
2013
Rio Jan, Brasil
Mt 28, 19    Hãy làm cho muôn dân thành môn đệ.

455 ngàn
14
2016
Cracow, Ba Lan



Những chủ đề và số người trẻ tham dự WYD đủ làm cho ta nhận ra ảnh hưởng hấp dẫn và thăng tiến đối với giới trẻ. Chính vì thế mà đức Bênêđictô XVI đã chia sẻ trong Thư ở đầu YouCat, và Đức Hồng Y Schönborn cũng cho biết thêm chi tiết như sau :

1.2 Về YouCat

Ngay từ thập niên 1980 đã có một số người có can đảm lo soạn một Sách Giáo lý để phổ biến giáo huấn của Công đồng Vatican II (ám chỉ Đức Gioan Phaolô II, Đức Hồng Y Ratzinger, Đức Giám Mục Schönborn). Mặc dầu ta đã biết là sau Công đồng, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI có nói rằng các văn kiện của Công đồng Vatican II đã là một cuốn giáo lý đầy đủ rồi, chỉ cần soạn một “Chỉ dẫn tổng quát trong việc huấn giáo thôi” (1971). Thế nhưng, năm 1985, Đức Gioan Phaolô II mở THĐGM đặc biệt để duyệt lại việc thực thi giáo huấn của Công đồng, thì các nghị phụ đều đồng thanh yêu cầu cần phải soạn sách giáo lý để phổ biến giáo huấn của Công Đồng. Năm sau, Đức Gioan Phaolô II đã quyết định thực hiện đề nghị, và trao cho Đức Hồng Y Ratzinger đứng đầu đảm nhiệm, cùng với 12 Hồng Y Giám Mục, Linh mục, có Đức Hồng Y Schönborn làm thư ký biên soạn. Chính Đức Hồng Y Schönborn cho biết là lúc đó Đức Hồng Y Ratzinger đã nghi ngờ rất lớn (giant doubts) về việc hoàn thành Sách GLGHCG (Sách lớn). Tuy nhiên, sau 7 năm làm việc, sách GLGHCG đã chào đời (1992) được Đức Ratzinger coi là một phép lạ. Nhưng sách dày 685 trang, gồm 2865 đoạn (paragraph), lại nặng, dễ nằm trong thư viện để nghiên cứu tham khảo hơn ; và người thường cũng như giới trẻ khó hiểu được, vì dùng nhiều ngôn ngữ trừu tượng của thần học kinh viện, như : yếu tính, bản thể, bản chất, mô thức, chất thể, biến thể… Năm 2002, Hội nghị Quốc tế về Giáo lý đã trình lên Đức Gioan Phaolô II đề nghị soạn Sách Toát yếu của GLGHCG. Đức Gioan Phaolô II nhờ đức Hồng y Ratzinger đứng đầu soạn, với sự cộng tác của đức Schönborn. Sách chào đời năm 2005, được rút ngắn lại, từ 2865 đoạn chỉ còn 598 câu hỏi thưa, 22 trích dẫn và 16 hình ảnh minh họa, nhưng ngôn ngữ vẫn y nguyên như GLGHCG, chung cho mọi người, không thích nghi với giới nào. Đến đời đức Bênêdictô XVI, qua việc tham dự những WYD ở Rôma (1886), Toronto (2002), Cologne (2005), Sydney (2008), ngài đã chứng kiến các người trẻ khắp nơi trên thế giới gặp nhau, họ là những người muốn tin, những người đang tìm kiếm Thiên Chúa, yêu mến Chúa Kitô, và muốn bước theo con đường của Người. Trong bối cảnh đó, ngài tự hỏi có cần phải tìm cách viết lại sách GLGHCG bằng ngôn ngữ thích hợp với người trẻ để làm cho sứ điệp Tin Mừng thấm nhập thế giới hôm nay chăng? Rồi Đức Bênêđictô XVI quyết định soạn lại Sách Toát yếu GLGHCG sao cho người trẻ thời hiện đại có thể hiểu được. Ngài trao cho đức Hồng y Schönborn đảm nhận, và chính đức Hồng y cho biết Đức Bênêđictô XVI cũng vẫn lo ngại như khi ngài soạn Sách GLGHCG, đó là không biết có hoàn thành được một sách mà Đức Gioan Phaolô II mơ ước để giúp Tân Phúc Âm Hóa cùng với giới trẻ, cho giới trẻ và qua giới trẻ không. Cuối cùng sau 5 năm làm việc với 70 bạn trẻ, YouCat đã chào đời bằng tiếng Đức, được dịch ra tiếng Pháp, Anh, Ý, Tây Ban Nha, vào dịp WYD ở Madrid năm 2011. Đức Bênêđictô XVI phải thú thực rằng đối với ngài đây là một phép lạ. YouCat thu ngắn sách Toát yếu GLGHCG từ 598 câu hỏi thưa chỉ còn 527 câu hỏi thưa, nhưng có 450 câu giải nghĩa đặc biệt và 829 chứng từ, ở cuối sách còn có Mục lục gồm 630 từ then chốt và 111 định nghĩa để tra cứu và học hỏi. Đức Hồng y Schönborn cũng cho biết Đức Giáo hoàng ước mong YouCat được trao tay cho các bạn trẻ tham dự WYD ở Madrid. Thế là nhờ tổ chức ACN bên Đức tài trợ, 1 triệu YouCat đã được phát không ở Madrid; và trong WYD ở Rio bên Brasil thì đã có 1,5 triệu YouCat được trao tặng như vậy (mở Google: Cardinal Schönborn).

2. YouCat Việt Nam đã chào đời thế nào?

YouCat xuất hiện vào WYD ở Madrid năm 2011. Tôi đọc tin trong Hiệp thông và biết trong mỗi balô tặng người trẻ tham dự có cuốn YouCat; và cũng có tin Ban Giáo lý đang dịch sang tiếng Việt. Đang khi chờ bản dịch, tôi nhờ quý cha Cần Thơ mượn cho tôi cuốn YouCat, may mắn có cha cho mượn cuốn YouCat Anh để xem trong vài tuần. Đọc vội xong tôi rất thích thú và quyết tâm phải có một cuốn để nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Tôi nhờ một bạn bên Pháp giúp. Họ mua cho tôi cuốn YouCat Pháp và gửi bưu điện về: sách 16 Eurô và bưu phí 6 Eurô. Tôi đọc cẩn thận để nghiên cứu nội dung và cách trình bày xem đâu là tính cách “khác thường đặc biệt” mà Đức Bênêđictô XVI đã giới thiệu trong bài tựa. Tôi nhận thấy từ cách chọn chủ đề, trình bày theo lối hỏi thưa đến cách giải nghĩa và nhất là chọn những chứng từ và trích dẫn cụ thể, đa dạng để minh hoạ đều cố gắng cho phù hợp với giới trẻ và thời hiện đại. Tôi rất tâm đắc và mong chờ YouCat Việt Nam chào đời.

2.1. YouCat Việt Nam được giới thiệu và chuyển dịch toàn bộ.

Khi Đức Bênêđictô XVI mở Năm Đức Tin, phong trào học hỏi giáo lý đươc phát động mạnh mẽ. Ở thành phố Cần Thơ, có nhiều sinh viên đến trọ học, cha phụ trách sinh viên đã rút trong Internet, phần I của Youcat về Tôi tin, đươc dịch ra tiếng Việt, để giúp học giáo lý. Nhưng chỉ dịch câu hỏi thưa mà bỏ các phần khác. Ngài có cho tôi một tập, tôi mừng vì YouCat đươc chọn để học, nhưng tôi đã đề nghị với ngài để tôi dịch toàn bộ cho sinh viên học thì mới bõ công. Vì tôi thấy Sách Giáo lý giúp sống đức tin mà chỉ có giáo lý hỏi thưa, không được minh họa bởi những chứng từ và trích dẫn đã được sống và hiểu của nhiều người ở mọi thời mọi nơi, thì nó giống như bộ xương với những suy nghĩ trừu tượng khô khan, xa rời đời sống. Sách Giáo lý phải sống động như sách Tin Mừng thì mới hấp dẫn người trẻ, bỏ các chứng từ và trích dẫn là những trải nghiệm đã sống đạo thì còn gì nữa đâu, công lao của những người soạn, đã phải đọc sách, tìm tòi chọn lựa cho phù hợp, sẽ trở thành công dã tràng. May mắn Cha phụ trách đã đồng ý và nhiệt tình cộng tác với tôi để nhờ các sinh viên đánh máy, in ấn để tôi sửa chữa, làm được phần nào liền đem vào Internet để phổ biến cho mọi người sử dụng cho đến khi xong toàn bộ. Ngoài ra ở thời @ hiện đại, hình ảnh có tác động nhiều khi hơn là ngôn ngữ, nên YouCat Việtnam có xen vào nhiều hình ảnh mẫu phù hợp với chủ đề và với Việt Nam.

Một hôm ăn cơm trưa xong ở Nhà Hưu, tôi chưa kịp đứng lên, có một cô gái trẻ đến hỏi: Thưa cha, cha có phải là Antôn Nguyễn Mạnh Đồng không? Tôi trả lời: phải, tôi là cha Antôn Đồng. Rồi cô nói tiếp: con đọc YouCat Việt mà cha mới dịch thấy hay quá. Tôi sửng sốt và muốn hỏi thì cô đã đi mất hút vào đám đông đang bê chén đĩa xuống bếp. Về sau tôi mới hỏi Sơ đang làm việc ở Nhà Hưu thì biết đó là cô Th. đệ tử dòng Con Đức Mẹ, cô đang học ở gần đây, trưa mai cô còn ghé. Hôm sau tôi được gặp và nói: Hôm qua cô tự động đến hỏi tôi và tôi trả lời xong thì cô đi mất, tôi muốn hỏi thêm rằng cô đọc YouCat Việt thấy nó hay ở chỗ nào? Cô liền vui vẻ trả lời: “con thấy nó gần gũi với con, đọc dễ hiểu và hấp dẫn”. Cô làm tôi sửng sốt, rồi tôi nói với cô: tôi đã có dịp hỏi nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân trẻ đã đọc YouCat Việt và tôi chỉ nghe trả lời là thấy nó mới mẻ và hấp dẫn. Đây là lần đầu tiên được nghe câu trả lời khác như vậy. Giá mà đức Bênêđictô XVI được nghe cô gái trẻ Việt Nam nói về YouCat như vậy, chắc ngài không còn phải hồ nghi về giá trị của YouCat nữa…

2.2 Youcat Việt Nam chuẩn bị vào đời
Dịch xong toàn bộ YouCat, chúng tôi phải sửa chữa bản văn cho thống nhất, rồi tìm hình ảnh minh họa phù hợp với người trẻ Việt Nam, đồng thời thực hiện những thủ tục in ấn. Tôi đã gởi email xin phép nhà xuất bản du Cerf, Paris để dịch từ YouCat Pháp. Họ bảo tôi phải xin phép nhà xuất bản gốc bên Đức. Tôi lại gởi email xin phép bên Đức, lâu cả tháng mới được trả lời vì họ đi nghỉ hè, họ đã vui vẻ chấp nhận với các điều kiện: phải dịch trung thực toàn bộ, phải có Nihil Obstat và Imprimatur của giám mục, phải trả tiền bản quyền mỗi cuốn là 8%. Tôi đã nhờ nhóm YouViCa (Youth Việtnam CầnThơ) gồm vài cha và cựu chủng sinh Cần Thơ lo thủ tục. Đức giám mục Cần Thơ đã ký cho Imprimatur rồi bảo phải báo cho Đức Cha bên Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, vì là sách giáo lý. Tôi lại viết thư báo cho Đức Cha Phaolô Đọc, ngài vui vẻ dùng điện thoại cám ơn và bảo phải báo cho các giáo phận khác biết tin có YouCat Việt . Rồi YouViCa trình lên Đức Hồng Y G.B Phạm Minh Mẫn, ngài cũng vui mừng dùng điện thoại cám ơn và còn viết mấy lời đăng trong tờ gấp để quảng cáo YouCat Việt Nam, đồng thời đăng ký in nhiều ngàn cuốn để lo cho giới trẻ di dân. YouViCa liên lạc với các Tòa Giám Mục, và như tôi biết Tòa Giám Mục Bắc Ninh, Hải Phòng đã đăng ký chia sẻ… Thế là có thể in nhiều cuốn, giá thành mỗi cuốn chắc sẽ rẻ. Tôi phải kiếm tiền để in khoảng một ngàn cuốn cho giới trẻ Cần Thơ. Nghĩ đến YouCat được tổ chức ACN tài trợ, in cả triệu cuốn phát không cho giới trẻ tham dự WYD 2011 ở Madrid, nhất là mới đây ACN còn tài trợ in 1,5 triệu cuốn phát không dịp WYD 2013 ở Brasil, tôi ngỏ ý với mấy cựu chủng sinh Chủng viện Cần Thơ đang ở Mỹ, một anh đã sẵn lòng tài trợ 1 ngàn đô; còn cựu chủng sinh Cần Thơ ở Việt Nam có một anh cũng vui lòng tài trợ 10 triệu đồng. Thế là đủ tiền để hợp đồng với Nhà Thiện Bản Saint-Paul ở Nhà thờ Đức Bà Saigon, tiến hành việc xin phép in ấn. Việc chuyển dịch toàn bộ YouCat gồm cả Mục lục có 630 từ then chốt và 111 định nghĩa đã xong, còn hình ảnh tôi chỉ đưa ra đường lối là phải minh họa cho giáo huấn vừa đúng vừa phù hợp với người trẻ Việt Nam. Tôi trao tất cả tiền tài trợ, việc chọn và sắp xếp hình ảnh, in ấn phát hành, quản lý, cho nhóm YouViCa cùng với Nhà Thiện Bản Saint-Paul lo liệu.

Để kết.

YouCat Việt Nam đã chào đời muộn hơn YouCat hai năm. Từ khi quyết định giới thiệu rồi chuyển dịch toàn bộ YouCat sang tiếng Việt vào đầu năm 2013, tôi đã làm việc trong hơn sáu tháng không liên tục, vì có xen lẫn những ngày phải nghỉ ngơi hoàn toàn trên giường ( repos complet au lit) do lệnh của bác sĩ vì huyết áp lên cao. Nay YouCat Việt Nam đã được phát hành trên toàn quốc, tôi có cảm tưởng như đây là một sự lạ. Tôi đã cố gắng chuyển ý cho thật trung thực với bản YouCat Pháp , nhưng biết chắc không thể tránh khỏi những sai sót. Đối với giới trẻ Việt Nam, tôi đã phải thêm phần dẫn nhập chung để nêu bật tính cách khác thường đặc biệt trong nội dung cũng như trong cách soạn thảo. Trước mỗi phần, tôi còn thêm một dẫn nhập, giúp các bạn trẻ có cái nhìn tổng hợp và hữu cơ về toàn bộ giáo lý. Đó là những điều mà YouCat gốc không có. Ngoài ra YouCat gốc đã cố gắng trích dẫn được hai tác giả Á Đông là ông Gandhi (Ấn Độ), và Lữ Bất Vi (Tàu), tôi thấy ít quá, tôi chọn thêm 3 tác giả Tàu ( Khổng Tử, Lão Tử, Mặc Tử) và 13 trích dẫn của nhiều tác giả Việt Nam (Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, ca dao, châm ngôn …). Tôi cũng tiếc là chưa kịp đem vào những chứng từ sống đạo rất sâu sắc thời các vị truyền giáo và các Thánh Tử đạo Việt Nam, chẳng hạn như việc “người lương dân gọi bổn đạo là những người theo đạo yêu nhau” (1692). Hoặc như chuyện của Thánh Anê Lê Thị Thành ( Bà Thánh Đê) 1841, bà bị tù và đánh đập tàn bạo đến nỗi thân mình đầy máu me, bà vẫn vui vẻ và còn muốn chịu khó hơn nữa. Cô Luxia Nụ là con gái út đến thăm mẹ trong ngục, thấy áo xống loang lổ máu, cô khóc nức nở. Bà an ủi rằng : “ Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy. Mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc.” Ngoài ra tôi thấy lịch sử Giáo Hội toàn cầu cũng như lịch sử Giáo Hội Việt Nam cũng đầy dẫy những chứng từ hùng hồn về việc Kitô hữu toàn cầu cũng như ở Việt Nam đã sống đạo làm chứng cho Tin Mừng của Chúa Giêsu trong mọi hoàn cảnh lịch sử thuận lợi cũng như khó khăn, rất ích lợi để giúp sống đạo trong hoàn cảnh hôm nay. Sau hết, tôi hy vọng với góp ý của độc giả, YouCat Việt Nam sẽ hoàn chỉnh hơn góp phần đắc lực phục vụ cho công việc Tân Phúc Âm hóa.

Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng
Nhà Hưu Dưỡng Linh mục Cần Thơ
15 – 9 – 2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét