GIA ĐÌNH THÁNH TÂM

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Chúa nhật XXX TN năm C

Suy niệm tin mừng Chúa nhật_(Anmai, CSsR)

HAI CON NGƯỜI - HAI THÁI ĐỘ
Hc 35, 12-14.16-18; 2 Tm 4, 6-8.16-18; Lc 18, 9-14


Chúa Giêsu vẫn hết sức uyển chuyển, hết sức bình dị để gửi đến những bài học hết sức gần gũi cho những người Ngài gặp gỡ.
Hôm nay, chúng ta bắt gặp hình ảnh của hai con người và hai con người này ở hai hoàn cảnh khác nhau. Một người thuộc nhóm Pharisêu và nhóm kia là người thuế. Theo quan niệm và lập trường hết sức bình thường của người Do Thái thời bấy giờ thì người Pharisêu dù muốn dù không, dù nói gì nói thì họ vẫn đạo đức hơn những người khác bởi lối sống dù là bên ngoài của họ. Ngược lại, chẳng ai tôn trọng người thu thuế cả vì mãi mãi người thu thuế là người xấu, người tiếp tay với ngoại bang để lấy thuế của dân. Không phải người thua thuế thời đó bị người ta chê bai coi khinh nhưng ngày hôm nay người thu thuế cũng bị người ta coi thường và cho là người tội lỗi.
Pharisêu – thu thuế: hai hạng người nầy không khác biệt xét theo giai cấp xã hội hoặc tài sản. Lu ca đã nói rằng người Pha ri sêu thích tiền bạc (16,14) và chúng ta biết rằng người thu thuế thường làm giàu bằng nghề của mình (x. Lê vi 5,39; và ông Gia kêu: 19,2). Tự thân, người Pha ri sêu gần với Thiên Chúa hơn vì tuân giữ lề luật, còn người thu thuế làm việc dưới sự chỉ huy của giới cai trị; đó là tội theo lề luật. Trong thực tế, theo ý kiến chung, thì người Pharisêu được xếp vào lọai công chính và thu thuế vào lọai tội nhân.
Hai con người ngày hôm nay, theo như lời Chúa Giêsu, họ lên Đền Thờ cầu nguyện. Dĩ nhiên là lên trước mặt Thiên Chúa thì phải bày tỏ lòng mình để Thiên Chúa biết.
Người Pha ri sêu: lời cầu nguyện của người Pha ri sêu dưới dạng tạ ơn, không khác gì một lời nói tự cao tự đắc về chính mình. Ông ta hài lòng về chính mình và kể ra những công nghiệp mình đã đạt được. Ông đứng riêng ra để cầu nguyện; đó là điều phù hợp với lí tưởng của ông ta. Lời cầu nguyện của ông ta phân cách, tách biệt khỏi cộng đòan; trái lại lời cầu nguyện mà Chúa Giê su dạy tìm cách hòa giải, liên kết (11, 2-4).
Rất thật thà, rất minh bạch, rất rõ ràng, người Pharisêu không ngần ngại : "Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con". Anh ta còn hơn cả cái thật thà vốn có trong anh nữa mà anh còn tốt bụng nữa. Tốt bụng đến độ chỉ cho Chúa biết luôn cả cai tội của anh chàng thu thuế đứng đàng xa xa vì cảm thấy mình có tội. Nếu bình thường như người thường thì Thiên Chúa sẽ thích thú lắm bởi vì không đánh mà khai, không cần tìm hiểu nhưng có người tố tội người khác rồi.
Chúa Giê su cho chúng ta thấy chân dung của người Pharisêu. Đó là một người có một lối sống hoàn toàn đúng với những gì người ta đồn thổi về họ. Ông trung thành với lề luật; ông ăn chay mỗi tuần hai lần. Ông làm việc bố thí. Tất cả những gì ông ta nói trong lời cầu nguyện, ông đã thực sự thi hành và ông hãnh diện về điều đó. Nhưng có một vấn đề nơi ông, đó là lời ông nói không thực sự là một lời cầu nguyện vì chứa đầy sự kiêu căng. Ông chỉ nhìn ngắm chính bản thân thay vì nhìn ngắm Thiên Chúa. Ông không cần gì cả, vì điều duy nhất mà ông quan tâm ấy là kể lể các công nghiệp của mình.
Tiếp đến, Chúa Giêsu vẽ nên hình ảnh của người thu thuế. Người thu thuế thuộc tầng lớp bị người đời căm ghét. Họ là “bọn người tiếp tay cho đế quốc La mã”. Họ phục vụ cho đế quốc thống trị trong một môi trường rất nhạy cảm là thu thuế. Những người lãnh đạo ấn định số tiền mà họ phải nộp. Họ phải ứng trước cho cấp trên rồi sau đó bóc lột của dân nghèo. Vì thế khi anh chàng thu thuế cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con là người tội lỗi”, ông bộc lộ đúng sự thật của đời mình. Và chính vì cái sự thật đó mà Thiên Chúa đã nâng ông lên.
Người thu thuế không ngần ngại đứng đàng xa bởi vì thấy mìn là người tội lỗi. Bi đát đến độ không dám ngước mắt nhìn lên trời nữa và chỉ biết đấm ngực thưa rằng : "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi".
Lời kinh của người thu thuế là lời kinh của người tự nhận mình là người tội lỗi. Anh ta ý thức mình không yêu thương đủ hoặc yêu thương không đúng. Anh ta nhớ một vài trang sách cuộc đời mình không được sáng sủa.
Anh ta nhìn thấy cái đà trong mắt mình lớn đến nỗi không thể thấy cái rác nhỏ xíu trong mắt anh em, vì anh biết rằng sự tha thứ chỉ đến từ Thiên Chúa mà thôi. Lời kinh ấy cho phép người tội lỗi tiếp nhận tình yêu Thiên Chúa. Bài Tin mừng nói với chúng ta rằng người thu thuế đã trở nên công chính. Trong Kinh Thánh, từ ấy không có nghĩa là “hoàn hảo”. Người công chính là người có thể khép mình theo Thiên Chúa trong một tương quan tin tưởng tuyệt đối, tiếp nhận thánh ý Chúa và dùng mọi phương tiện để sống thánh ý đó. Người công chính còn là người để cho Thiên Chúa công chính hóa thay vì tự công chính hóa bản thân mình.
Người thu thuế: anh ta đến đền thờ không mang theo công nghiệp nào cả, chỉ mang theo tội lỗi của mình mà thôi. Ông đặt mình trước mặt Thiên Chúa với tâm hồn sám hối (x.5,8;7,36-38; 15,19; 19,8; 23,41-42). Ông khẩn cầu ơn tha thứ, tin vào một Thiên Chúa cứu độ, sẽ đổ tràn ơn phúc của Người xuống nơi có nhiều tội lỗi (Rm 5, 20).
Quả thật, tội thật với cái anh chàng thu thế như thế này ! Phải nói rằng anh ta khá can đảm vì cũng đã bước chân đến Đền Thờ nhưng có điều anh cảm thấy mình tội lỗi.
Căn cốt lời Chúa dạy hôm nay đó là được nên công chính. Được nên công chính: động từ này ở thể bị động và ở quá khứ có nghĩa là Thiên Chúa đã công chính hóa người thu thuế và đã cho thầy lòng thương xót của Ngài.
“Khi trở về nhà, ông là người được công chính hóa”. Đó chính là điều mà Tin Mừng mời gọi chúng ta hôm nay. Thành tâm nhận ra sự yếu kém của mình trước mặt Chúa đó là lời cầu nguyện đích thực được Thiên Chúa yêu thích.
Ai tôn mình lên: x. 14,11 (Ed 21,31). Sự đảo ngược tình thế nầy không phải là một sự thay đổi thất thường, hay là một cách trả thù của Thiên Chúa. Nhưng nó vạch rõ chân lý : người tự tôn thì luôn ảo tưởng về chính mình; trái lại, ai hạ mình xuống thì cảm nhận được sự nghèo hèn của mình và dám tin rằng Thiên Chúa có thể và muốn nâng mình lên.
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đứng về phía nào? Có lúc chúng ta là người Pha ri sêu mỗi khi chúng ta làm điều mà chúng ta thường chê trách người khác. Chỉ trích mà không bao giờ đề ra những giải quyết xây dựng thực tiễn thì luôn dễ. Người Pha ri sêu là người cho rằng mình được Thánh Thần soi sáng hơn người khác, nhưng điều trầm trọng hơn là sử dụng các câu Kinh thánh để tố cáo sự giả hình của kẻ khác. Thái độ ấy là một sỉ nhục Thiên Chúa và tình yêu của Người. Tất cả chúng ta đều phải cầu xin Ngài tha thứ sự kiêu căng cũng như thái độ tự phụ của chúng ta, cách chúng ta muốn dạy người khác bằng cách làm nhục họ.
Lý tưởng là hai người đối lập nhau ấy cùng hòa hợp với nhau để dâng lời kinh chung của họ lên Thiên Chúa: “Xin thương xót chúng con là những người tội lỗi. Xin thương xót chúng con vì chúng con đã làm điều sai trái cho người khác. Xin thương xót chúng con vì tưởng rằng mình hơn người khác. Xin thương xót chúng con khi chúng con giận nhau..”. Và Chúa sẽ trả lời: “Khi hai hay ba người hợp nhau vì danh Ta, có Ta ở giữa họ”. Chính lời kinh chung đó cho phép chúng ta thực sự đến gần Thiên Chúa và cũng đến gần người khác. Vì Chúa hiện diện để nói với chúng ta rằng Người được nhận diện nơi từng người trong họ. Và Người muốn dạy chúng ta nhìn họ và yêu mến họ như anh chị em chúng ta.
Ngày mỗi ngày chúng ta vẫn dâng lời cầu nguyện. Chúng ta được mời gọi kết hợp lời cầu nguyện của chúng ta với lời cầu nguyện của tất cả những người khác và của tất cả mọi người ki tô hữu trên thế giới cử hành ngày của Chúa. Ước mong sao sau khi cầu nguyện chúng ta trở được công chính hóa.

Anmai, CSsR

.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét