GIA ĐÌNH THÁNH TÂM

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Thứ bảy 29/12/2012 – Thứ bảy – tuần Bát Nhật Giáng Sinh – Dâng Chúa vào Đền thờ Dâng Chúa vào Đền thờ


29/12 – Thứ bảy – tuần Bát Nhật Giáng Sinh

"Ánh sáng đã chiếu soi các lương dân".
Thánh Tôma Becket, Giám Mục Tử Ðạo (1118-1170)

Thánh Tôma Becket sinh năm 1118 tại Luân Ðôn. Học rộng, tài cao, ngài được vua Henri II nước Anh chọn làm tể tướng. Nhà vua còn ép ngài lên chức Tổng Giám Mục Cantorbéry, nhưng ngài đã từ chối và đáp lại: "Nếu Thiên Chúa muốn hạ thần làm Tổng Giám Mục Cantorbéry, hạ thần sẽ mất hết ơn nghĩa với hoàng thượng, và lòng ưu ái hoàng thượng dành cho hạ thần trước đây sẽ biến thành sự thù ghét". Dù thế năm 1162, vâng lệnh Tòa Thánh, ngài nhận làm Tổng Giám Mục Cantorbéry và những điều ngài đoán trước bây giờ đã thành sự thật. Nguyên do là sau khi lãnh trách nhiệm, với tính tình cương trực, ngài một mực đòi nhà vua phải trả lại những quyền lợi chính đáng và sự độc lập cho Giáo Hội. Nhà vua tức giận tìm mọi các để ám hại ngài. Ngày 29/12/1170, đang lúc dâng lễ trong nhà thờ thì bốn tên đao phủ xông vào hạ sát ngài ngay dưới chân bàn thờ.

Thánh Tôma Backet đúng là mục tử hiền từ đã hiến mạng sống vì Con Chiên. Ngài thường nói: "Tôi sẵn sàng chết vì Chúa, vì lẽ công bằng và để bảo vệ Giáo Hội... Tôi sẽ hạnh phúc biết bao nếu nhờ cái chết của tôi mà Giáo Hội được tự do và an bình".

LỜI CHÚA: Lc 2, 22-35

Khi mãn thời hạn thanh tẩy theo Luật Môsê, ông bà đem Chúa Giêsu lên thành Giêrusalem, để dâng cho Chúa, như đã viết trong lề luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là của thánh, dâng cho Thiên Chúa", và việc dâng lễ vật như đã nói trong lề luật Chúa là "một cặp chim gáy, hoặc hai bồ câu con".

Và lúc đó tại Giêrusalem có một người tên là Simêon, là người công chính và có lòng kính sợ, đang mong đợi niềm an ủi Israel, có Thánh Thần ở trong ông. Ông được Thánh Thần mách bảo là sẽ không thấy giờ chết đến, trước khi thấy Ðấng Kitô của Chúa. Ðược Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ. Khi cha mẹ bồng trẻ Giêsu đến để thi hành cho Người các nghi thức theo luật dạy, thì ông ẵm lấy Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

"Lạy Chúa, bây giờ Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an, theo như lời Chúa. Vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng đã chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa".

Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà, và nói với Maria mẹ Người rằng: "Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ".
SUY NIỆM 1: Dâng Chúa vào Đền thờ

Một đêm khuya nọ, tại một vùng quê hẻo lánh bên Anh quốc, một cậu bé đang hấp hối và người mẹ goá phải đi bộ cả chục cây số để tìm bác sĩ. Nhìn dáng vẻ quê mùa nghèo nàn của người đàn bà, ông bác sĩ không tỏ ra mấy sốt sắng: có nên mất giờ cho thằng bé đó không? Lại nữa nếu cứu sống nó thì lớn lên nó cũng tiếp tục kiếp nông dân cùng khổ như cha ông nó mà thôi. Ông bác sĩ định từ chối. Thế nhưng bị lương tâm nghề nghiệp cắn rứt, cuối cùng ông đã đến chữa bệnh cho đứa bé. Sau này đứa bé đó đã trở thành một trong những nhà chính trị lỗi lạc nhất của nước Anh.

Người Mỹ thường nói: “Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có thể là một tổng thống tương lai của Hoa Kỳ”. Quả thực mỗi đứa trẻ sinh ra đều mang lại hy vọng cho người lớn. Với cái nhìn đức tin thì niềm hy vọng ấy lại càng lớn lao hơn. Đó là cái nhìn của cụ già Simêon về Hài Nhi Giêsu. Nơi Hài nhi Giêsu, cụ đã nhận ra ánh sáng soi đường cho dân ngoại, vinh quang của Israel Dân Chúa. Thế nhưng ánh sáng và vinh quang ấy được tỏ lộ xuyên qua tăm tối của Thập giá và khổ đau.

Đó cũng là cái nhìn chúng ta phải có khi chiêm ngắm Hài nhi trong máng cỏ. Trong Hài nhi bé nhỏ, chúng ta nhìn thấy Đấng cứu độ trần gian; trong cảnh nghèo hèn tăm tối của máng cỏ, chúng ta nhận ra hào quang sáng chói của Ngôi Hai Thiên Chúa.

Xuyên qua cái bé nhỏ tâm thường nhận ra những giá trị siêu việt, xuyên qua tăm tối của thất bại khổ đau nhận ra ánh sáng hy vọng, đó là cái nhìn đích thực của niềm tin. Chúng ta cũng cần có cái nhìn như thế trong cách giao tiếp với tha nhân: nơi những con người nghèo hèn thấp kém trong xã hội, chúng ta luôn được mời gọi nhận ra hình ảnh Thiên Chúa và phẩm giá cao cả của nhân vị. Chúng ta cũng được mời gọi nhìn vào cuộc sống hằng ngày với cái nhìn ấy: từng phút giây của cuộc sống độc điệu âm thầm mỗi ngày đều là hạt giống của sự sống vĩnh cửu; thất bại mất mát, khổ đau cũng là khởi đầu của những ân phúc dồi dào mà Thiên Chúa luôn có thể ban tặng con người.

Nguyện xin Hài nhi Giêsu củng cố chúng ta trong niềm tin ấy. Nguyện xin Đức Maria, người mà một lưỡi gươm sẽ đâm thấu qua tâm hồn nhưng vẫn luôn tin tưởng cậy trông, phù trợ chúng ta trong cuộc lữ hành đầy gian nan thử thách này.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Dâng Chúa vào Đền thờ

Đúng 40 ngày sau khi sinh, con trẻ Giêsu được đưa lên Đền Thờ để dâng cho Thiên Chúa, như đã ghi trong luật Môsê: “Mọi con trai đầu lòng đều thuộc về Thiên Chúa và phải dâng cho Thiên Chúa”.

Trong biến cố dâng Chúa Giêsu vào Đền Thờ, chúng ta có thể chú ý đến hai khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất là sự hạ mình của Chúa Giêsu trong mầu nhiệm nhập thể. Thật vậy, là Con Thiên Chúa từ đời đời, nhưng Chúa Giêsu đã sinh xuống làm người trong một dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn và huấn luyện riêng để đón nhận Ngài. Chúa Giêsu không bó buộc phải tuân giữ những lề luật của dân, nhưng Ngài đã chọn con đường nhập thể cho đến cùng và đã tuân giữ trọn vẹn những lề luật đó. Đây là điều thánh Phaolô gọi là sự hạ mình của Chúa, và ngài mời gọi các tín hữu hãy có những tâm tình khiêm tốn như Chúa. Ngài viết trong thư Philip: “Anh em đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình… Anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Giêsu Kitô, Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Trái lại, Ngài đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (2,3-8).

Nhiều nhà chú giải đã nhìn thấy nơi việc dâng Chúa Giêsu vào Đền Thờ cho Thiên Chúa như một loan báo việc Ngài dâng hiến chính mình trên thập giá cho Thiên Chúa để cứu rỗi nhân loại.

Khía cạnh thứ hai của biến cố là lời tiên báo của cụ già Simêon. Simêon, một người công chính và mộ đạo, những ngóng đợi niềm an ủi của Israel, và giờ đây ông đã được mãn nguyện: chỉ cần được nhìn thấy ơn cứu độ, ông đã có thể ra đi bình an, điều đó cho thấy giá trị của Nước Trời, của ơn cứu độ thật trổi vượt, tuy nhiên, ơn cứu độ đến cũng là lúc khởi đầu cho tranh chấp và thù nghịch, như lời tiên báo của Simêon về Hài Nhi Giêsu: “Này, Ngài có mệnh làm cớ cho nhiều người bổ nhào và trỗi dậy trong Israel và là dấu gợi lên chống đối”.

Chúa Giêsu là ánh sáng, là ơn cứu độ, Ngài không kết án ai, nhưng kêu gọi mọi người đến với Ngài. Đón nhận Ngài để được cứu độ, hay khước từ Ngài để phải hư mất, điều đó tùy thuộc sự tự do của mỗi người. Như các mục đồng đã đến chiêm ngắm Chúa và khi trở về không ngớt dâng lời ngợi khen Thiên Chúa, và như các đạo sĩ sau khi tìm gặp Chúa đã trở về với một tâm hồn hoàn toàn đổi mới, còn Hêrôđê đã trở thành kẻ chống đối Chúa, vì bị xâu xé dằn vặt bởi địa vị, danh vọng…

Xin cho chúng ta biết sống khiêm nhường theo gương Chúa, để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mọi biến cố cuộc đời và trung thành với đức tin đã lãnh nhận.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 3: Tiến Dâng cho Chúa

Suy Niệm

Chấp nhận làm người là chấp nhận thuộc về một gia đình.

Ngôi Lời làm người chấp nhận có mẹ, có cha. Tuy thánh Giuse và Ðức Maria không có tương giao vợ chồng, nhưng tình yêu chẳng bao giờ thiếu ở Nadarét.

Chúng ta không biết nhiều về đời sống của Thánh Gia, nhưng chúng ta thấy Hai Ðấng luôn ở bên nhau, đi chung với nhau trên những con đường, chia sẻ với nhau mọi nỗi buồn vui, trong thời gian Ðức Giêsu còn thơ ấu.

Thánh Giuse đã đưa Ðức Maria đi Bêlem. Ðoạn đường cam go đối với người gần ngày sinh nở.

Thánh Giuse cũng đã đưa Hài Nhi và Mẹ Ngài trốn sang Ai Cập, rồi lại đưa về làng cũ.

Có lần cả hai phải vất vả mấy ngày tìm con trong âu lo và nước mắt.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy cả gia đình thánh lên Ðền Thờ lần đầu tiên. Một đôi vợ chồng nghèo với đứa con còn nhỏ. Ðây là một gia đình gắn bó với luật Chúa.

Luật dạy người mẹ phải tẩy uế sau khi sinh con. Ðức Maria vui lòng giữ luật ấy, dù Mẹ biết Ðấng được Mẹ sinh ra là Ðấng Thánh. Luật dạy phải chuộc lại đứa con trai đầu lòng vì nó thuộc quyền sở hữu của Thiên Chúa. Ðức Giêsu chẳng những đã được chuộc lại, mà còn được cha mẹ Ngài tiến dâng cho Chúa.

Con Thiên Chúa đã lớn lên trong bầu khí gia đình. Ngài đã tập làm người. Mái nhà là trường học đầu tiên. Thầy cô đầu tiên là cha mẹ. Ðức Giêsu lớn dần về mọi mặt thật hài hòa.

Bé Giêsu, anh Giêsu, chú Giêsu, Ông Giêsu...

Ngài lớn lên trong dòng thời gian. Thời gian là ánh mặt trời làm cho trái chín. Nhờ lao động với Cha nuôi mà Ngài trở nên vững vàng và đủ sức khỏe để đảm nhận sứ vụ.

Nhờ chuyên cần học tập mà Ngài thêm khôn ngoan. Dù Ngài là sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn học hỏi nơi bạn bè, kinh sư, nơi kinh nghiệm rút ra từ cuộc sống.

Nhờ được dạy cầu nguyện mà Ngài có tình thân với Cha. Những lời kinh đầu tiên được bập bẹ trên gối mẹ. Nadarét đã thành trường huấn luyện Ðức Giêsu trở nên người biết sống cho người khác, và nên vị tông đồ tuyệt vời cho Cha và nhân loại.

Có bao bài học sống động ở dưới mái ấm này. Bài học yêu thương, cảm thông , tha thứ, bài học phục vụ, quên mình, khiêm hạ xin vâng...

Ước gì mọi gia đình Kitô hữu đều là một Thánh Gia, để mỗi người con đều trở nên một Giêsu.

Gợi Ý Chia Sẻ

Xã hội suy sụp vì gia đình đổ vỡ. Ðâu là những mối đe dọa mà gia đình hôm nay đang gặp phải? Một gia đình Kitô hữu dựa vào đâu để vượt qua những khó khăn đó?

Ðể có một gia đình hạnh phúc, cần có những người vợ, người chồng "đủ tiêu chuẩn". Theo ý bạn, đâu là những tiêu chuẩn mà một bạn trẻ cần có trước khi lập gia đình?

Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, sau hơn 30 năm sống dưới mái nhà ở Nadarét, Chúa đã thành một người chính chắn và trưởng thành, sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng Cha giao. Bầu khí yêu thương đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành nhân cách của Chúa.

Chúa đã học nơi thánh Giuse sự lao động miệt mài, sự mau mắn thi hành Thánh ý Thiên Chúa, sự âm thầm chu toàn trách nhiệm đối với gia đình.

Chúa đã học nơi Mẹ Maria sự tế nhị và phục vụ, sự buông mình sống trong lòng tin phó thác và nhất là một đời sống cầu nguyện thâm trầm.

Xin nhìn đến gia đình chúng con. Xin biến nó thành nơi sản sinh những con người tốt, biết yêu thương tha thứ, biết cầu nguyện và phục vụ.

Ước gì xã hội chúng con lành mạnh hơn, Giáo hội chúng con thánh thiện hơn, nhờ có những con người khỏe mạnh, khôn ngoan và tràn đầy ơn Chúa.

(Trích trong ‘Manna’ của Lm. Nguyễn Cao Siêu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét