GIA ĐÌNH THÁNH TÂM
Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012
+ 18/11 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN. Kính trọng thể CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM "Người sẽ quy tụ những người được tuyển chọn từ khắp bốn phương trời".
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN- MỪNG KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
LỜI CHÚA: Mc 13, 24-32
"Người sẽ quy tụ những người được tuyển chọn từ khắp bốn phương trời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Trong những ngày ấy, sau cảnh khốn cực, mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống và các sức mạnh trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người ngự đến trên đám mây với đầy quyền năng và vinh quang. Và bấy giờ Người sẽ sai các thiên thần của Người đi quy tụ những kẻ đã được tuyển chọn từ khắp bốn phương, từ chân trời cho đến cùng kiệt trái đất. Nhìn vào cây vả, các con hãy tìm hiểu dụ ngôn này. Khi nó đâm chồi nảy lộc, các con biết rằng mùa hè gần đến. Cũng vậy, khi các con nhìn thấy tất cả những điều đó xảy ra, thì các con hãy biết là Người đã tới gần ngoài cửa rồi. Thầy bảo thật các con: Thế hệ này sẽ chẳng qua đi trước khi mọi sự đó xảy đến. Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi.
"Còn về ngày đó hay giờ đó, thì không một ai biết được, dù các thiên thần trên trời, dù Con Người cũng chẳng biết, chỉ có mình Cha biết thôi".
SUY NIỆM 1: Ngày Con Người ngự đến
Chúng ta đã tới Chúa Nhật cuối năm Phụng vụ. Các Chúa Nhật trước chúng ta lần bước theo Đức Giêsu nói các dụ ngôn, chữa mọi bệnh tật, trừ khử quỷ ám, trả lời các kinh sĩ, đào tạo môn đệ. Chúng ta tưởng đã biết rõ về Đức Giêsu. Thực ra, chỉ có Chúa Nhật hôm nay, Đức Giêsu mới mặc khải cho chúng ta thấy chân dung Ngôi Vị của Người rõ nét nhất.
“Khi Người ra khỏi đền thờ để không bao giờ trở lại đó nữa thì một môn đệ thưa Người rằng: Thưa Thầy, Thầy xem: những tảng đá đẹp tuyệt vời! Công trình kiến trúc vĩ đại chừng nào! Đức Giêsu đáp: Tại đây, sẽ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào, tất cả đều sẽ bị phá tan tành”.
Lúc Đức Giêsu đến ngồi trên núi Ôliu, đối diện với đền thờ, ông Phêrô, Giacôbê, Gioan và Anrê hỏi riêng Người: Xin Thầy cho chúng con biết bao giờ các sự ấy xảy ra? Đức Giêsu đã trả lời bằng một bài giảng về ngày tàn phá Giêrusalem, ngày tận thế và ngày Con Người ngự đến trong vinh quang, cũng gọi là ngày Quang lâm. Đức Giêsu loan báo ba tai họa xảy đến trước ngày tàn phá đền thờ (Mc. 13, 5-13):
1. Những tiên tri giả và Kitô giả làm lung lạc nhiều người.
2. Những tai họa, chiến tranh, động đất, đói kém.
3. Các môn đệ bị bắt bớ.
Tiếp đến, những ngày cực khốn cho đền thờ. Lịch sử đã cho biết đền thờ Giêrusalem đã bị quân La mã dưới quyền tướng Titô phá hủy vào năm 70 và dân Do thái mất nước, đi tản mát khắp nơi, mãi tới 1945 một số người trở về lập quốc, nhưng vẫn bị chiến tranh tàn sát.
Về ngày tận thế, Đức Giêsu loan báo vũ trụ đều sụp đổ từ mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao đến các quyền lực trên trời. Đây là kiểu nói ám chỉ không thể diễn tả được sự biến đổi phi thường từ “trời cũ đất cũ sang trời mới đất mới” (Kh. 21, 1). “Cái cũ qua, cái mới đã tới” (2Cr. 5, 17). Ví như lúc chưa dựng nên trời đất, chỉ là đen tối mông lung: “Chaos” để biến sang một cuộc sáng tạo mới: Con Người ngự đến trong vinh quang.
Từ khi sinh ra khó nghèo trong máng cỏ bò lừa ở Belem đến ngày này, Đức Giêsu chưa bao giờ nói về mình như thế. Bỗng chốc, Ngài trở nên vĩ đại, vinh hiển trên nền trời bao la, cao xanh thăm thẳm! Ngài tuyên bố: “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến”.
Ngài tuyên bố mình là Chánh Án tối cao của ngày tận thế, ngày phán xét chung. Vai trò phán xét xử muôn dân đó chỉ dành riêng cho Thiên Chúa, mà chính Đức Giêsu đang nắm quyền. Mấy ngày sau đó, Người lại tuyên bố y như thế trước những quan tòa của Thượng hội đồng Do thái (Mc. 14, 62).
Danh xưng Con Người đã quá quen tai chúng ta rồi, nhưng theo bản văn, danh xưng ấy luôn luôn tiên báo về cái chết của Đức Giêsu. Người đã dùng danh xưng ấy để nhắc nhở đến lời tiên tri thời danh của Daniel (7, 13-14). Sách tiên tri Daniel đã quả quyết sự chiến thắng của Thiên Chúa trong cuộc chống lại sự bách hại dưới thời Antiôkút 4 Êpiphan. Nay, Đức Giêsu muốn báo cho muôn thế hệ biết: các lực lượng sự dữ, những bọn bách hại dân lành, những quân dữ không thể có chiến thắng cuối cùng trong lịch sử. Chiến thắng cuối cùng sẽ về phía Thiên Chúa và kẻ lành.
Đó là niềm hy vọng làm vang lên lời cầu xin: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến” của các tín hữu ban đầu, và ngày nay trong Thánh lễ, sau truyền phép, chúng ta đồng thanh dâng lên lời cầu xin tha thiết như thế: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến”.
Theo truyền thống Khải huyền, những thiên tai trong vũ trụ báo trước những hình phạt nặng nề của Thiên Chúa chống lại kẻ dữ nhưng với Đức Giêsu, thì không phải thế: Đó chỉ là lúc “Người sẽ sai các thiên sứ đi và Người tập họp những kẻ được tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời”. Đó là lúc Người ngự đến trong vinh quang, ngày đại hội quang lâm của muôn dân, ngày tôn vinh Đức Giêsu là Chúa đã chiến thắng tội lỗi và sự chết để sống lại vinh phúc. Những ai theo Người thì cũng được chiến thắng tội lỗi và sự chết để sống lại vinh phúc với Người.
Chấm dứt mọi tai họa, chiến tranh, bách hại, kỳ thị, ghê tởm, thảm khốc và những tàn phá, tục hóa và bội giáo của kẻ dữ.
Đó là một phép lạ tuyệt diệu nhất. Vậy hãy tỉnh thức và cầu nguyện (Mc. 13, 37). Phúc cho kẻ bền chí đến cùng sẽ được cứu thoát (Mt. 24, 13).
Lạy Chúa Giêsu xin hãy đến. Trong cơn gian nan, trong cơn khủng khiếp, tất cả đều qua đi, đều chết đi. Vâng, lạy Chúa, chúng con biết rằng mùa hè trong sáng tươi đẹp sẽ đến cho cây cối đâm bông kết trái. Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ngự đến cho những người được tuyển chọn tập họp lại chung quanh Chúa. Amen (Phỏng theo Parole de Dieu, Noel Quesson)
(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. ViKiNi)
SUY NIỆM 2: Ngày Cùng Tận
"Con Người đã gần đến..."
Chúa nhật hôm nay là Chúa nhật áp chót trong niên lịch Phụng vụ và đề tài được đề cập đến là ngày cánh chung và những gì sẽ xảy đến trong ngày tận thế. Con người sống trong hiện tại, nhưng rất muốn biết về hậu lai, hậu lai của chính mình cũng như của thế giới. Các Tông đồ chắc có lần đã đem vấn đề ra hỏi Chúa.
Hôm nay, Chúa Giêsu nói về ngày tàn của thành Giêrusalem năm 70, nhưng đồng thời Ngài mời chúng ta suy nghĩ về ngày cuối cùng của lịch sử thế giới. trong những ngày ấy, sẽ có hai dữ kiện xảy ra:
Một là sẽ có những cảnh khốn cực trên trời và dưới đất. Trên trời, Chúa bảo, sẽ có cảnh rối loạn: Mặt trời mặt trăng ra tối tăm, các tinh tú chuyển động, Có những nhà khoa học cho rằng ngày tận thế là ngày các tinh tú khổng lồ không theo luật tuần hoàn nữa, sẽ đụng chạm vào nhau khủng khiếp.
Dưới đất, trước đó, giặc giã chiến tranh sẽ xảy ra gây khốn cực vô cùng. Tất cả cảnh bi đát đó sẽ dọn đường cho một việc lớn lao cao cả: Ấy là việc Chúa sẽ giáng lâm, hiện đến trong vinh quang, phán xét kẻ sống và người chết. Chúng ta không nên hình dung ngày giáng lâm của Chúa như một ngày ghê sợ, mà là một ngày chứa chan hy vọng. Vì Chúa đến để tập họp những người tin vào Chúa, thành một vương quốc của những người Chúa đã tuyển chọn.
Trong một cái nhìn thông suốt, Chúa cho chúng ta nhìn thấy hiện tại và tương lai. Hiện tại gần là ngày tàn của thành phố Giêrusalem. Năm 70, khi đại quân Lamã bắt đầu đến bao vây thành, tục truyền rằng giáo dân đã nghe lời Chúa, biết trước, nên do sự hướng dẫn của Thánh Simon đã trốn qua thành phố Pella và tránh khỏi tai họa. Dân Do thái đã chịu cảnh tang thương chưa từng thấy, đền thờ bình địa "không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào".
Tương lai xa là ngày tận thế. Các Tông đồ hỏi Chúa: Ðâu là dấu tiên báo? Và Chúa cho biết ba dấu tiên báo: Một quỉ vương, kẻ thù của Chúa và các bộ hạ của nó xuất hiện; những cuộc đảo lộn kinh khủng, nhất là nhiều người bỏ đạo và mất đức tin. Và Chúa nói: "Khi các ngươi thấy những điều đó thì hãy biết rằng Con Người đã gần đến, đã đến ngoài cửa".
Tuy nhiên, Chúa dạy chúng ta không nên hoảng sợ. Chúa đến phán xét mọi người. Nhưng "đối với những ai mong đợi trong yêu mến ngày Chúa lại đến" (2Tim 4,8), thì Ngài sẽ là Ðấng Cứu độ và là vinh quang của họ: "Ngài sai các Thiên Thần đi quy tụ từ bốn phương trời, những người được tuyển chọn". Giáo hội bị bắt bớ nhưng cũng được sự an ủi vì "sẽ thấy vinh quang của Ðấng Cứu Chúa là Chúa Giêsu Kitô" (Tt 2,13).
"Ngươi hãy giữ lòng trung thành cho đến chết, thì Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống" (Kh 2,10).
(Suy niệm của Lm Hồng Phúc)
SUY NIỆM 3: Thời kỳ cuối cùng
Hai tuần lễ tới đây là những ngày cuối cùng của năm phụng vụ này. Thế nên không có gì ngạc nhiên, khi thấy Lời Chúa hôm nay hướng chúng ta về thời gian sau hết cũng gọi là cánh chung. Chúng ta thường nôm na gọi đó là thời tận thế.
Ước gì từ nay chúng ta bỏ hết mọi suy đoán của loài người, mọi điều thường được gọi là bí mật bà thánh này ông thánh kia, hoặc của nơi hành hương này chỗ thánh điện khác, để chỉ giữ lấy Lời Chúa và các mạc khải của Người. Khi ấy chúng ta sẽ thấy bình tĩnh hơn, sáng suốt hơn và sống chân thật hơn. Chúng ta sẽ sống bằng đức tin của Hội Thánh, chứ không nghe những chuyện nhảm nhí. Và chúng ta sẽ làm cho người khác kính trọng niềm tin của chúng ta hơn.
Vậy, phụng vụ hôm nay cho chúng ta biết những gì về cánh chung, hay là tận thế? Bài tiên tri Daniel, bài Tin Mừng Marcô, bài thư Hipri, tuy không bao gồm hết mọi lời trong Kinh Thánh về vấn đề, nhưng có thể nói đã nói lên hầu hết. Chúng ta hãy lần lượt đọc lại.
1. Bài Sách Daniel
Daniel là một trong bốn sách tiên tri lớn, tức là dài, và là tác phẩm khó. Người ta cứ tưởng nó giống như các sách Ysaia, Yêrêmia, Êzekiel, được viết vào thời lưu đày Babylonia và về hoàn cảnh đó. Nhưng ngày nay người ta đã thấy nó ra đời muộn hơn nhiều. Có lẽ nó được viết vào khoảng năm 164 trước kỷ nguyên. Phần đầu tác giả nói đến những biến cố xảy ra ở Cận Ðộng và trong Dân Chúa sau thời gian lưu đày. Một số người đã được hồi hương, cố gắng dựng lại giang sơn tổ quốc cũ. Nhưng hết bị Batư cai trị, lại bị Hylạp thôn tính, Dân Chúa gặp một cơn bắt đạo khủng khiếp dưới thời Antiôchô. Ðền thờ bị biến thành nơi thờ thần dân ngoại. Truyền thống Dothái bị ngăn cấm. Nhiều người bị bắt. Tiếng các Tử đạo vang lên tới Chúa.
Người mạc khải ý định của Người trong phần hai của sách Daniel. Ðó là một viễn tượng đầy trông cậy. Nhưng đọc kỹ người ta dễ nhận ra ngay đó chỉ là niềm tin rất cổ điển: sự dữ còn gia tăng... cho đến lúc chín mùi. Lúc ấy Thiên Chúa sẽ can thiệp. Sứ thần của Người sẽ được sai đến giao tranh với thần dữ, cứu vớt những người lành, phục hồi các thánh nhân.
Ðọc Daniel hôm nay nằm trong phần thứ hai này. Nhà tiên tri được báo cho biết: đến thời cứu độ, Mikael vị tướng cả của Thiên Chúa sẽ được sai đến biểu lộ sức mạnh của Người để gìn giữ con cái của Chúa. Vì lúc ấy sẽ là thời quẫn bách, thời thử thách xưa nay chưa từng thấy xảy ra. Chỉ những kẻ nào đã được tiền định mới thoát nguy. Họ đã có tên ghi trong cuốn sách hằng sống ở trên trời. Và điều an ủi nhất cho Daniel và trả lời trực tiếp cho thắc mắc của dân Chúa thời bấy giờ, là sẽ có sự sống lại. Người thánh sẽ được sống đời đời, bậc lãnh đạo dân Chúa sẽ chói sáng; và kẻ truyền đạo, đưa người khác trở về đàng công chính, sẽ như tinh sao muôn kiếp.
Với những lời lẽ này, Daniel đã an ủi Dân Chúa không ít. Họ đang trong cơn bắt đạo, thấy máu của nhiều người lành chảy ra. Họ tự hỏi về định mệnh của các thánh nhân; và đồng thời cũng nêu lên nghi vấn: có bõ công tiếp tục đi trong đàng ngay chính để có ngày bị bắt và bị giết hay không? Daniel chẳng có lời tiên tri nào nói với họ cả, theo nghĩa hứa hẹn cho người ta một tương lai sáng sủa nào ở trần gian này hết. Ông tuyên xưng niềm tin "chính thống" và cổ điển của mình: Thiên Chúa mới có tiếng nói cuối cùng; Người sẽ can thiệp, lúc đó người lành được gìn giữ, còn kẻ dữ sẽ bị tiêu diệt. Rồi sẽ có sự sống lại cho người thánh đã chết; còn kẻ dữ cứ tiếp tục bị trừng phạt.
Như vậy Daniel cũng đã có góp thêm một phần mới mẻ vào kho tàng mạc khải. Trước ông, như trong Êzêkiel chẳng hạn, người ta đã được biết sẽ có sự sống lại. Nhưng dường như đó chỉ là việc phục sinh phục hồi của dân đang bị tiêu diệt và nghiền nát. Cánh đồng xương khô lấy lại gân cốt và da thịt để sống lại trong Êzêkiel là một hình ảnh về cuộc phục hưng dân Chúa sau thời gian tiêu điều, hơn là một phát biểu niềm tin về sự sống lại trong ngày sau hết.
Ở đây, Daniel rõ ràng nói đến sự sống lại không phải của hết thảy mọi người, nhưng riêng chỉ có những người lành. Cũng như ông đã khẳng định khi ngày của Chúa đến, chỉ những người thánh mới được gìn giữ, còn bao nhiêu kẻ dữ sẽ bị tiêu diệt. Nói đúng ra theo Daniel, kẻ lành sẽ được sống muôn đời, còn kẻ dữ sẽ phải chết. Trong ngày của Chúa, ai lành thánh sẽ không phải chết, và cho dù đã chết, cũng sẽ sống lại; còn kẻ tội lỗi cho dù đang sống cũng sẽ chết, huống nữa là khi những kẻ ấy đã chết rồi. Niềm tin của Daniel xác định công trạng của mỗi người, nhưng chưa nghĩ đến sự xác thịt sống lại như chúng ta đọc trong kinh Tin Kính. Ông cũng đã chú ý riêng đến những người có công với dân và so sánh vinh quang bất diệt của họ sau này như những tinh sao muôn đời muôn kiếp.
Ý kiến của Daniel nhất định đã thổi một luồng gió tin tưởng mạnh mẽ vào trong tâm hồn nhiều người. Họ sẽ cương quyết trung thành với đức tin hơn và hoàn toàn phó thác định mệnh cuối cùng của mình trong tay Chúa. Sách của ông được các thế hệ sau dùng rất nhiều, như bài Tin Mừng hôm nay sẽ cho chúng ta thấy; nhưng chẳng ai có thể lợi dụng tư tưởng của ông để thêu dệt những chuyện nhảm nhí về thời cánh chung.
2. Bài Tin Mừng Ðức Yêsu
Trong đoạn sách Marcô hôm nay, cũng nói với chúng ta về thời kỳ cuối cùng này. Dường như Người đề cập tới sau khi nói về thời Yêrusalem bị tàn phá. Chúng ta biết hôm các môn đồ trỏ cho Người thấy cảnh huy hoàng của Ðền thờ. Mà rực rỡ thật khi thánh điện Yêrusalem được ánh mặt trời chiếu vào! Nhưng cảnh ấy có ngày sẽ không còn nữa và sẽ không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào của Ðền thờ hiện nay, vì Yêrusalem không biết đón nhận ngày Thiên Chúa đến viếng thăm mình.
Ðức Yêsu đã nhìn thấy trước ngày tàn phá đó. Người dùng những hình ảnh về thời kỳ chiến tranh, cũng như các công thức về thời cánh chung trong các sách tiên tri, để mô tả cảnh tàn phá của Yêrusalem. Rồi từ đó, Người nói sang thời kỳ cùng tận.
Nhưng lời của Người lại được các tác giả thánh diễn lại sau khi đã được chứng kiến ngày Ðền thờ sụp đổ và đã từng sống những ngày thánh Hội Thánh bị bắt bớ vì danh Chúa. Do đó, bài sách Marcô hôm nay chẳng hạn, thu góp tất cả mọi nhân tố trên làm cho việc đọc trở nên phức tạp và khó hiểu. Ở đây chúng ta chỉ nói đến những tư tưởng trong bài đọc hôm nay.
Trước hết có những câu nói về sự suy sụp thay đổi trong trời đất: mặt trời tối sầm, mặt trăng mất sáng, tinh tú sa xuống và các thiên thể lay chuyển. Có lẽ chính ý tưởng cuối cùng này lại phải để ý đến trước hết. Là vì theo các tác giả thánh, mỗi khi có hiển linh là trời đất rung chuyển. Vậy hiện tượng các thiên thể lay chuyển là điềm báo Chúa đến, là dấu hiệu của ngày cuối cùng. Còn việc mặt trời tối sầm, mặt trăng mất sáng, tinh tú sa xuống, chẳng qua muốn nói rằng vũ trụ này sẽ qua đi và biến mất. Tất cả như lại trở về lúc khởi nguyên, lúc còn hỗn mang và chưa có ánh sáng gì cả. Và như thế, với nhiều hình ảnh mượn lại trong các sách tiên tri, ở đây thời sau hết được xác định như là thời thay đổi vũ trụ này, để rồi sẽ có một cảnh mới với trời mới và đất mới. Và người ta không phải chờ lâu. Sách Marcô đã viết ngay: bấy giờ người ta sẽ thấy Con Người đến trong mây... Rõ ràng tác giả mượn lại chương 7 sách Daniel, câu 13. Nhưng ông đã đem vào một nội dung mới.
Trong tiên tri Daniel, Con Người chỉ đến sau, khi triều đình thiên quốc đã bày biện xong. Thiên Chúa đã ngự trên ngai rồi, thì bấy giờ Con Người mới tiến lại. Người là ai? Theo Daniel đó là dân thánh của Thiên Chúa đến lãnh phần thưởng đời đời của mình. Về sau nhiều người đã đồng hóa Người với Ðấng Cứu thế Con Một Thiên Chúa. Ở đây, trong sách Marcô, Người là chính Ðức Yêsu Kitô Cứu thế.
Như vậy, "ngày của Chúa" không còn phải là ngày của Thiên Chúa nữa sao? Vì ở đây, người ta không thấy Thiên Chúa hiện đến, mà chỉ có Ðức Yêsu được mệnh danh là Con Người. Thật ra, khi nói Người đến trong mây, tác giả không có ý tưởng trong mây như là xa giá đưa Con Người đến. Nhưng cùng với công thức viết sau nói rằng: Người đến trong quyền năng cao cả và vinh quang, hình ảnh mây trời ở đây chỉ có ý nhấn mạnh đến tính cách "hiển linh" của việc Người đến. Và như vậy Con Người sẽ đến với Thần Tính và như là "Thiên Chúa bởi Thiên Chúa" khiến "ngày của Chúa" bây giờ trở thành "ngày của Thiên Chúa đến trong Con Người và nhờ Con Người".
Rồi khác với nhiều tác giả, thánh Marcô không nhắc đến việc phán xét và trừng phạt kẻ dữ. Người chỉ mô tả diện tích cực của ngày Chúa đến. Người sai các Thiên Thần đi khắp cùng mặt đất thâu họp những kẻ được chọn lại, dĩ nhiên là để đưa họ vào vinh quang của Người.
Và như vậy cái nhìn của Marcô về cánh chung rất bình an và đẹp đẽ. Nó đem tin tưởng lại cho lòng người ngay và tạo nên một cảm giác hạnh phúc.
Nhưng khi nào điều ấy xảy ra? Ðó là thắc mắc của mọi thế hệ loài người. Theo thánh Marcô, thì Ðức Yêsu trỏ tay bảo các môn đệ cứ xem cảnh vật thiên nhiên. Cây vả khi trổ lá thì báo tin mùa hè sắp đến sao? Cũng vậy, khi các điều kia xảy ra, thì phải biết Con Người đã gần bên cửa.
Trước hết, Người đã khéo léo gợi đến danh từ mùa hè. Ðó là mùa gặt hái. Và hình ảnh mùa gặt hái vẫn được Kinh Thánh dùng để nói đến thời cánh chung và chung thẩm. Còn khi Người nói "các điều kia" thì phải hiểu như thế nào?
Trên đây, Người đã nói đến việc Ðền thờ bị phá, chiến tranh nổi lên, Kitô giả xuất hiện, niềm tin trở nên lạnh lẽo... và các tầng trời bị lay chuyển v.v... Do đó mỗi khi thấy các điều trên xảy ra, người ta đã tưởng tận thế đến rồi. Hơn nữa sau đó, Ðức Yêsu còn nói: "Thế hệ này sẽ không qua đi cho đến khi mọi điều ấy xảy đến". Người ta càng tin những ngày tận cùng không còn xa.
Nhưng có lẽ người ta không để ý đủ đến lời cuối cùng của Người: "Về ngày ấy hay giờ ấy, thì chẳng ai biết được... cả Con Người nữa, trừ phi là Chúa Cha".
Dĩ nhiên có vấn đề: có phải chính Ðức Yêsu đã nói tất cả những điều trên đây không và trong cùng một văn mạch không? Hay đó là những lời nói ở những hoàn cảnh khác nhau và đã được xếp gần lại để diễn tả ý kiến về một vấn đề? Nếu thế thì ở đây chúng ta có thể thấy tác giả vừa muốn khẳng định thời kỳ cánh chung đã gần, vừa không gần vì hiện nay đã có những dấu hiệu như cảnh chiến tranh tàn phá, lòng tin ra nguội lạnh, nhiều sự dữ lộng hành, nhiều người lành khổ sở... nhưng chưa chắc đã là điềm báo cuối cùng, vì dù sao cũng chẳng ai biết được giờ nào, ngày nào, vì đó là bí mật Chúa Cha không muốn tiết lộ cho ai... Vì thế thái độ chân thực là luôn luôn phải sẵn sàng và tỉnh thức.
Thánh Marcô đã kết luận như vậy. Và chúng ta, không nên thêm gì vào ý kiến của người. Chúng ta chỉ cần nhớ: vũ trụ này sẽ được biến đổi khi Con Người đến trong vinh quang. Người sẽ tập họp các kẻ được chọn lại. Người không muốn cho ai biết ngày nào giờ nào. Nhưng Người mong muốn ai nấy cũng hãy sẵn sàng và bền vững cho đến cùng.
Bài thư Hipri có thêm gì cho chúng ta không?
3. Ðức Kitô Ðang Chờ Ðợi
Tác giả còn so sánh vị Thượng tế đạo mới với các tư tế đạo cũ. Những người này, như người ta thấy hằng ngày vẫn đứng nơi bàn thờ để dâng những của lễ không hoàn toàn. Họ tỏ ra rộn ràng; vì thế "đứng" là cung cách làm việc vất vả. Và công việc của họ không kết quả vì cứ phải làm mãi, không xóa bỏ được tội lỗi là điều họ mong muốn.
Trong khi đó, Ðức Kitô chỉ dâng lễ một lần trong mầu nhiệm Vượt qua, và đã lên ngồi ngự bên hữu Thiên Chúa. Chứng tỏ lễ dâng của Người đã hoàn toàn và tẩy xóa được tội lỗi. Người không còn vất vả nữa và chỉ còn ngồi chờ đợi mọi người hàng phục để kết nạp họ vào sự thánh thiện của Người.
Tác giả không suy đoán. Thánh Kinh cũng nói rõ như vậy vì trong Thánh vịnh 110, Thiên Chúa đã đặt vị Kitô của Người làm Vua và làm Thượng tế theo kiểu Melkisedek, đợi ngày quân thù của Người quy phục dưới chân. Chúng ta chẳng nên hiểu quân thù nói đây là ai khác những sức mạnh tội lỗi mà Người đang muốn dẹp bỏ ở nơi mỗi người để tất cả chỉ còn ở trong sự thánh thiện của Người.
Như vậy, lời thư Hipri có thể bổ túc cho những điều chúng ta đa biết về thời cánh chung qua các bài sách Daniel và Tin Mừng theo thánh Marcô. Thời sau hết thực ra đã khởi sự từ khi Ðức Yêsu tiến vào cung lòng Thiên Chúa. Sức mạnh của Thiên Chúa đã biểu lộ nơi sự phục sinh của Người. Ơn Thánh Thần mà Người gửi xuống cho môn đệ không thực tế hơn hình ảnh Ðức Mikael đến bảo vệ những người được Chúa chọn sao? Các người thánh đang được thâu họp lại từ khắp mặt đất để được tham dự vào sự thánh thiện của thân thể mầu nhiệm Ðức Kitô. Họ được lấy ra từ bao thử thách và gian khổ, khỏi những sự mê hoặc của các Kitô giả khác. Và cùng với Ðức Kitô, họ đang chờ đợi ngày Nước Cha trị đến... Và như vậy quả thực thời cánh chung đã đến và chưa đến. Thế hệ nào cũng sẽ không qua đi trước khi những điều này xảy tới, kể cả thế hệ chúng ta.
Mầu nhiệm cánh chung giờ đây không những cũng được chúng ta tuyên xưng trong bản kinh Tin Kính. Nhất là nó sẽ được nổi lên trong mầu nhiệm Thánh Thể, trong đó chúng ta tuyên xưng Ðức Yêsu đã chết và đã sống lại để rồi sẽ lại đến. Và trong khi chờ Người đến trong vinh quang, chúng ta tin Người đang đến trong Thánh Thể để thâu nạp chúng ta vào sự thánh thiện của Người. Một cảnh sống mới, làm ra một trời mới và một đất mới, tức là xây dựng một quê hương mới và một dân tộc mới, có theo sau thánh lễ này hay không? Ðiều đó còn tùy ở cố gắng của chúng ta hết thảy.
(Trích dẫn từ tập sách ‘Giải Nghĩa Lời Chúa’ của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Lễ Thánh Anrê Trần An Dũng Lạc, và các bạn Tử Ðạo
LỜI CHÚA: Mt 10, 17-22
"Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại biết".
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ".
SUY NIỆM 1: Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng cho biết phải nói gì
Qua những lời Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ về những bách hại gặp phải và thái độ phải có khi đối diện với những bách hại này. "Ðừng lo sợ phải nói gì và nói thế nào, vì Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng cho biết phải nói gì". Sự bách hại là số phận không thể tránh được của người đồ đệ, bởi vì nếp sống và sứ điệp của người đồ đệ của Chúa phơi bày những tật xấu của thế gian.
Tác giả Phúc Âm theo thánh Gioan viết rõ ra lý do của sự thù nghịch giữa thế gian và người đồ đệ như sau:
"Nếu thế gian ghét các con, các con nên nhận biết rằng thế gian đã ghét Thầy trước các con. Nếu các con thuộc về thế gian thì thế gian sẽ yêu những gì thuộc về nó, nhưng vì các con không thuộc về thế gian và vì Thầy đã chọn các con và tách các con ra khỏi thế gian, nên thế gian ghét các con. Các con hãy nhớ lời Thầy dạy bảo: "Tôi tớ không trọng hơn chủ". Nếu họ đã bắt bớ Thầy, chắc chắn họ sẽ bắt bớ các con".
Người đồ đệ được đồng hóa với Chúa Giêsu và chia sẻ số phận của Ngài, nhưng người đồ đệ cảm thấy mình như là yếu đuối, không sức mạnh để tự mình chống lại những bách hại. Sự yếu hèn của môn đệ là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì biết mình yếu đuối, người đồ đệ hết lòng tin tưởng vào Chúa, sống gắn bó với Người.
Phúc Âm theo thánh Mátthêu đã được viết ra sau cuộc bách hại đầu tiên mà cộng đoàn Giáo Hội đầu tiên đã trải qua, như cuộc bách hại và tử đạo của thầy Stephano tại Giêrusalem. Các tông đồ cũng đã từng bị tù rồi chịu chết vì đạo. Phản ứng tự nhiên của con người trước những khó khăn, những bách hại là lo sợ. Và Chúa Giêsu tiếp tục khuyên các tông đồ hãy can đảm làm chứng cho Ngài. Người đồ đệ của Chúa cần sẵn sàng cho mọi nghịch cảnh xảy ra.
Trong đoạn Phúc Âm chúng ta đọc trên đây, chúng ta có thể ghi nhận là Chúa Giêsu đã kêu gọi "đừng sợ" đến ba lần:
- "Các con đừng sợ những kẻ vu oan vì không có gì ẩn khuất mà không bị lộ, vì sự thật luôn là sự thật".
Trung thành với sự thật đôi khi làm ta phải trả một giá rất đắt và có khi phải trả cả bằng chính mạng sống mình.
- Lần thứ hai Chúa Giêsu nhắc: "Các con đừng sợ và đừng sợ những kẻ có thể làm hại thân xác, làm thiệt thòi cho phần vật chất, nhưng không thể nào giết được linh hồn".
Lý do sâu xa của lòng can đảm Phúc Âm mà Chúa muốn cho các đồ đệ là quan niệm đích thực về con người, bao gồm thể xác và linh hồn. Thể xác, vật chất có thể bị thiệt thòi, nhưng linh hồn, tinh thần của con người sẽ không hề hấn gì nếu người đó vững lòng tin tưởng vào Chúa.
- Lần thứ ba Chúa Giêsu nhắc: "Các con đừng sợ vì lý do các con quí trọng hơn chim sẻ nhiều. Thiên Chúa quan phòng chăm sóc mọi sự, Ngài chăm lo cho chim sẻ ngoài đồng thì huống hồ là con người cao trọng hơn mà không được Thiên Chúa chăm sóc cho hay sao".
Ðó là ba lý do để đừng lo sợ và hãy tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng. Ý thức mình được Thiên Chúa yêu thương chăm sóc, người đồ đệ sẽ nhất quyết dấn thân nhiều hơn, dấn thân làm chứng cho Chúa.
"Ai nhìn nhận Thầy trước mặt mọi người, thì Thầy cũng nhìn nhận người ấy trước mặt Cha Thầy ở trên trời". Ðó là những lời dạy của Chúa Giêsu cho những đồ đệ đầu tiên ngày xưa, những vẫn luôn còn giá trị cho những đồ đệ của Chúa ngày hôm nay. Ðừng sợ gian nan thử thách để theo Chúa, đó là sự can đảm của người Kitô qua mọi thời đại.
Lạy Chúa,
Xin giúp con mở rộng mọi cửa nẻo tâm hồn để đón nhận Chúa đến sống với chúng con, để ban sức mạnh cho chúng con. Xin vì công nghiệp các thánh tử đạo Việt Nam, xin Chúa ban cho mỗi người chúng con được trở thành những chứng nhân trung thành của Chúa trong mọi hoàn cảnh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 2: Sống chứng nhân
"Tin đạo chứ không tin người có đạo". Câu nói này tôi đã nghe nhiều người nói. Nhưng đáng tiếc không phải là những người ngoại đạo nói mà là những người có đạo nói. Ða số họ là những người đã lâu năm không tới nhà thờ. Họ bỏ xưng tội rước lễ. Họ bỏ đồng đạo. Họ có đạo nhưng không sống đạo. Họ mang danh ky-tô hữu nhưng lại bảo rằng "đạo tại tâm" nên không thể hiện ra bên ngoài dấu chỉ là người ky-tô hữu. Thế nhưng, họ lại biện minh cho hành động chối đạo của mình là vì chê ghét một ai đó trong đạo. Họ không đến nhà thờ vì ông A, ông B đã không tốt với họ. Họ bỏ Chúa vì cha xứ quá khắc khe trong lề luật của Chúa. Họ không còn xưng tội rước lễ vì bà A, bà B vẫn chứng nào tật ấy có tốt hơn họ đâu? Họ đòi người khác phải làm chứng cho họ còn bản thân họ thì lại không chịu làm chứng cho tin mừng. Họ đòi người khác sống tốt còn bản thân họ thì lại nuôi thù oán. Họ đòi người khác phải bác ái yêu thương còn bản thân họ thì cô lập một mình không gắn bó với giáo xứ. Họ chính là những cỏ dại đang làm mất đi vẻ đẹp của cánh đồng lúa Giáo hội Chúa Ky-tô. Họ chính là những người có đạo nhưng không đáng tin vì tính cố chấp, nuôi thù hận mà bỏ Chúa, bỏ anh em.
Các thánh Tử đạo Việt Nam năm xưa đã lãnh nhận cái chết tử đạo nhiều khi cũng bởi chính những con người mang danh ky-tô hữu nhưng đã không còn sống men tin mừng. Họ đã tố giác anh em vì một chút bổng lộc. Họ đã bán đứng anh em vì cố chấp trong tội lỗi. Như trường hợp thánh An-rê Kim Thông, ngài đã bị tố giác bởi chính người cháu tội lỗi, ngang ngược. Ngài đã từng nhắc nhở người cháu sửa đổi nhưng chứng nào tật ấy. Hắn đã không sửa đổi mà còn tố giác ngài để cầu vinh.
Trường hợp Thánh Phaolô Hạnh cũng thế. Ngài là một thanh niên nổi tiếng về sự quen biết những tay anh chị trong giới giang hồ tại chợ Quán. Một lần, chứng kiến một phụ nữ bị đàn em bóc lột không thương tiếc. Thánh nhân bỗng xúc động ra tay can thiệp, làm áp lực buộc chúng trả lại tất cả những gì đã lấy của nạn nhân. Vì hành động nghĩa hiệp này, thánh nhân phải trả giá: họ tố cáo ngài ngoài tội là Kitô hữu, còn tiếp tay với quân đội Pháp. Thánh nhân bị bắt, bị cầm tù, sau cùng bị trảm quyết tại Chí Hoà ngày 28-5-1859.
Trường hợp Cha Thánh Luca Vũ Bá Loan còn đáng thương và cảm động hơn. Có hai tên tội phạm đang chờ xét xử. Họ bàn tính với nhau đến bắt Cha Loan để lập công chuộc tội. Thế là họ đang tâm nộp Cha cho quan huyện Phú Xuyên, nhưng quan không chịu nhận, họ phải đưa Cha về Thăng Long. Sau cùng, ngày 5-6-1840, Thánh Luca Loan bị chém đầu.
Ðiểm chung của các thánh Tử Ðạo chính là can đảm đón nhận thập giá Chúa gửi đến mà không oán hận kẻ làm hại mình. Các ngài đã vui nhận hy lễ thập giá vì yêu mến Chúa Ky-tô. Các ngài luôn xác tín rằng: những đau khổ đời này không đáng gì so với vinh quang bất diệt mai sau. Các ngài dầu có chịu khổ hình trong giây lát nhưng được sống lại vinh quang muôn đời. Ðó là điều mà thánh Ðaminh Hạnh đã xác tín, khi mà quan triều đình nói với ngài: "Xem kìa, đạo trưởng Duyệt đã chịu bỏ đạo, được tha về, ông cứ làm như thế tôi sẽ tha cho ông". Nhưng thánh Ðaminh Hạnh bình tĩnh trả lời: "Kẻ trung thành với Chúa, khi chết sẽ được lên thiên đàng".
Mừng kính các thánh Tử đạo Việt Nam là dịp nhắc nhở chúng ta hãy sống thể hiện niềm tin trung kiên của mình trong mọi tình huống. Ðừng vì một chút cỏ dại lấn át mà chán nản bỏ đạo. Ðừng vì một chút giận hờn mà thù hận cả niềm tin của mình. Ðừng chối đạo vì ghét ai đó hay đánh mất niềm tin vì bên trong Giáo hội vẫn có cỏ lung xen lẫn. Và nhất là đừng bán đứng anh em để cầu vinh.
Ngày nay chúng ta không còn những bạo chúa bách đạo bằng gươm đao súng đạn, nhưng đề sống niềm tin đòi hỏi chúng ta phải chiến thắng chính mình. Không ai bắt chúng ta bỏ đạo nhưng vẫn còn đó những người bỏ đạo vì chức vụ trần gian, vì lười biếng ham chơi, vì đam mê truỵ lạc. Không ai ngăn cản chúng ta thực hành đạo nhưng vẫn còn đó những người luôn nuôi dưỡng hận thù, luôn bất mãn với tha nhân nên đã sống thiếu yêu thương trong lời nói và việc làm. Không ai dụ dỗ chúng ta bỏ đạo nhưng nhiều người đã lao vào những con đường tội lỗi, những quan hệ bất chính nên đã không còn xứng đáng mang danh là ky-tô hữu.
Quả thực, ngày nay không cần những cuộc bắt đạo những vẫn có hàng ngàn người bỏ đạo vì những danh lợi thú trần gian. Ngày nay không ai bắt chúng ta bước qua thập giá nhưng vẫn còn đó nhiều người vì danh lợi thú đã tự tháo bỏ thập giá khỏi bàn thờ gia đình, khỏi cuộc sống của mình. Họ đích thực là loại người mà nhân loại kết án "tin đạo chứ không tin người có đạo", vì lẽ họ không còn sống niềm tin của mình.
Lạy các thánh Tử đạo Việt Nam, là cha ông chúng con. Xin cho chúng con biết tôn thờ Chúa trên hết mọi sự, biết noi gương các ngài để thể hiện niềm tin trung kiên của mình trước những cám dỗ lợi lộc của thế gian. Xin giúp chúng con biết thể hiện niềm tin của mình qua đời sống thánh thiện, bác ái yêu thương. Amen.
(Suy niệm của Lm Jos Tạ duy Tuyền)
SUY NIỆM 3: Cảm mến công ơn của các Anh Hùng Tử Ðạo
Ngày lễ Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam là dịp để chúng ta ca tụng Thiên Chúa đã làm những việc vĩ đại trên Quê hương Ðất nước và nơi Dân tộc anh hùng chúng ta. Chúng ta chiêm ngưỡng lại khuôn mặt đẹp đẽ và ý chí quật cường của bao bậc tiền bối. Chúng ta học để quý mến sự sống mà chúng ta đang mạng trong mình và do các ngài để lại. Và chúng ta sẽ cố gắng phát huy cơ nghiệp mà tiền nhân đã hy sinh mạng sống để giữ lại cho chúng ta.
A. Cảm Mến Công Ơn Của Các Anh Hùng Tử Ðạo
Bài sách Macabê thuật lại câu truyện tử đạo của một gia đình 7 mẹ con ở thời Cựu Ước. Ðó là một gia đình không tên không tuổi; và vì thế được phụng vụ coi như là tiêu biểu cho bao bậc tử đạo vô danh. Chúng ta có thể tựa vào câu truyện ấy để nhắc tới những bậc tử đạo quá nhiều trên Ðất nước chúng ta.
Thực vậy, Hội Thánh Việt Nam có nhiều tử đạo bậc nhất thế giới: xét cả về tổng số, cả về tỷ số... Người ta đã nói tới con số 300,000 tử đạo ở Việt Nam. Ðược mấy Giáo hội có nhiều tử đạo như vậy! Và con số 300,000 kia ở thời bấy giờ, chắc phải chiếm tới 3, 4 phần trăm tổng số tín hữu. Chúng ta rùng mình khi nghĩ đến điều ấy. Nhưng thật như lời người ta nói: máu tử đạo làm nảy sinh kẻ có đạo. Chính Ðức Yêsu cũng đã dạy trong Phúc Âm: hạt thóc có rơi xuống đất, thối đi thì mới mọc lên cây, đem lại mùa màng phong phú. Chúng ta ngày nay có đời sống đạo, là nhờ có đông đảo tiền nhân đã cương quyết giữ vững niềm tin cho đến cùng. Chắc chắn có nhiều bậc phụ huynh ngồi đây, nhiều gia đình Công giáo ở bên cạnh chúng ta có thể tính lên đời thứ ba thứ tư và gặp thấy một hay nhiều tử đạo trong gia tộc của mình. Ít nhất ai cũng nói được rằng tổ tiên của mình đã phải giữ đạo một cách rất vất vả. Và tất cả chúng ta đều là con cháu các tử đạo theo cả hai nghĩa thiêng liêng và xác thịt.
Ðiều đó chắc chắn không cần phải nói thêm. Nhưng phải nói lên điều này, là: 300,000 tử đạo kia là một đoàn thể đông đảo đủ mọi màu sắc, khác nào một cánh đồng bát ngát đủ mọi sắc hương. Giám mục, linh mục và tu sĩ nam nữ có; nhưng số giáo dân đông hơn nhiều. Và già có, trẻ có; thanh niên, phụ nữ, nhi đồng cũng có: không thiếu một hạng người nào. Ðặc biệt hơn nữa là rất nhiều người đã tử đạo trong y phục lý trưởng cũng như quân nhân. Họ là những người dân tốt, phục tùng Nhà nước, làm việc tận tâm, được lòng quan chức nêu gương cho mọi người.
Tổng đốc Trịnh Quang Khanh là viên chức có lẽ đã giết rất nhiều tín hữu ở miền Bắc. Thế mà dưới quyền ông vẫn có nhiều người lính có đạo. Và những người này nhiều khi lại gương mẫu và xuất sắc. Ông quý mến họ và ra sức dụ dỗ họ bỏ đạo... Ông không hiểu rằng chính đức tin họ đang giữ là động lực cho đời sống công dân tốt lành kia. Thấy họ cương quyết trung thành với tín ngưỡng đang khi vẫn nhiệt tình với chức năng, ông tìm cách bao che cho họ. Nhưng họ không chịu. Ông Huy, ông Thể, ông Hiếu và nhiều người khác dưới quyền Trịnh Quang Khanh đã ra xưng đạo, trước sự khâm phục và xót thương của bao nhiêu chiến sĩ, không cùng một quan điểm tôn giáo nhưng không thể không cảm mến những người chiến hữu và đồng bào giá trị như vậy.
Chúng ta không thể kể hết ở đây về đời sống gia đình, xã hội của các Tử đạo Việt Nam. Chúng ta thường chỉ biết các ngài tử đạo nghĩa là chịu chết vì đạo. Cùng lắm chúng ta chỉ hay nghĩ tới lòng can đảm, chí chịu đựng của các ngài khi bị tra tấn, hành hạ. Nhưng chúng ta cần phải biết: Tử đạo là ơn rất lớn. Nó đưa thẳng người ta về thiên quốc và lên bàn thờ các thánh ngay ở đời này. Một ơn như vậy không dành cho bất cứ một người nào đâu, nhưng chỉ dành để cho những phần tử ưu tú được Chúa lựa chọn. Ở thời các tử đạo, rất nhiều tín hữu đã bị bắt. Có những người đã chối Chúa. Vì họ không mến đủ! Và sở dĩ như vậy vì như lời thánh Yoan nói: người ta không mến Chúa vô hình khi không yêu mến Người nơi anh em hữu hình. Các tử đạo, dù ở chức năng nào, trước khi tuyên chứng lần cuối cùng về lòng yêu mến Ðấng vô hình, cũng đã trải qua nhiều thử thách trong đời sống phục vụ tha nhân. Chúng ta cứ đọc lại mà xem! Hết mọi hạnh thánh tử đạo Việt Nam đều kể rằng trước khi ra pháp trường hay chịu chết trong ngục để xưng đạo, các ngài đã là những người mẹ, người cha chu toàn phận sự gia đình; những người chồng người vợ thi hành tốt mọi phận sự công dân; những người con hiếu thảo và những người lính dũng cảm; những y sĩ và lý trưởng được đồng bào quý mến việc phục vụ. Bởi vì không ai có thể trở thành công dân Nước Trời sau này, nếu đã không là những công dân tốt trên mặt đất.
Ngay cái chết của các tử đạo Việt Nam cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ về khía cạnh vừa nói. Anh em Macabê được tử đạo trong một hoàn cảnh đơn giản hơn. Họ là những người Israel bị ngoại xâm Batư bắt phải bỏ đạo của tổ tiên. Trong một cái chết họ đã tỏ ra trung thành với Thiên Chúa và Tổ Quốc. Trường hợp các tử đạo Việt Nam éo le hơn. Những người bắt các ngài bỏ đạo lại là vua quan "phụ mẫu chi dân". Thế nên các ngài không có một lời nào xúc phạm đối với các quan tòa. Và cho đến lúc chết các ngài vẫn chứng tỏ đã chu toàn tốt đẹp mọi nghĩa vụ xã hội. Các ngài đã chết trong tình mến Chúa yêu người và thương nhà thương Nước. Các ngài đã hy sinh mạng sống cho đức tin và chân lý ở trên giải đất này... Cho nên Giáo hội toàn cầu chỉ biết các ngài là tử đạo của Việt Nam.
Do đó khi mừng lễ các ngài, chúng ta phải biết để ý đến nét Việt Nam nơi các ngài. Chúng ta phải soi gương các ngài chu toàn các nhiệm vụ xã hội một cách thánh thiện. Và cho được như vậy chúng ta phải tìm hiểu động lực bên trong thúc đẩy đời sống của các ngài.
Bài thư Phaolô có thể giúp chúng ta làm công việc này.
B. Ði Theo Ðường Lối Của Các Tử Ðạo
Quả thật các Tử đạo Việt Nam có thể mượn những lời thư Phaolô hôm nay để nói với chúng ta. Một đàng các ngài không giấu giếm sự thật. Bí quyết khiến các ngài có thể vượt thắng trăm ngàn thử thách là chính sự sống và sự sống lại của Chúa Yêsu trong thân xác yếu hèn của các ngài. Các ngài nói: chúng tôi chứa đựng những kho tàng ấy trong những bình sành để biết rằng quyền lực vô song ấy là của Thiên Chúa chứ không phải phát xuất tự chúng tôi. Các ngài chịu khổ cực tư bề nhưng không bị đè bẹp, bị bắt bớ nhưng không bị bỏ rơi... bởi vì sự sống của Ðức Kitô tỏ hiện nơi thân xác của các ngài. Chính Ðức Kitô trong bài Tin Mừng cũng đã nói không phải các tử đạo ở trước tòa nhưng là Thánh Thần nói trong các ngài.
Và để có Thánh Thần và sự sống của Ðức Kitô ở trong mình như vậy, các tử đạo đã phải hư vô hóa mình, tức là chết cho bản thân, không sống theo xác thịt tự nhiên nữa, nhưng theo Thần trí của Ðức Kitô, tức là đường lối của Người. Hết mọi tử đạo đều đã chết cho đức tin và vì đức tin; nhưng đức tin ở đây không phải là một hệ thống tư tưởng vũ trụ nhân sinh quan mà là đức tin sống động, tin Thiên Chúa và tin Ðức Yêsu Kitô đã yêu thương mình cho đến chết. Ðó là đức tin đầy lòng mến và đầy lòng trông cậy, chắc chắn rằng nếu cùng chết với Ðức Kitô và vì Ðức Kitô thì sẽ được sống lại với Ngài và được đồng thừa tự với Ngài. Thế nên, các tử đạo là những người đầy Chúa Yêsu sau khi đã tát cạn bản ngã và các khuynh hướng xấu xa ở nơi mình.
Và cũng chính nhờ đó mà đàng khác, các vị tử đạo trước khi hy sinh mạng sống mình vì Chúa, đã có một đời sống xã hội đáng khâm phục. Ðiều này cũng rất dễ hiểu! Lời thư Phaolô viết: sự chết hoành hành nơi chúng tôi còn sự sống hoạt động nơi anh em. Các tử đạo cũng có thể nói: chúng tôi đã chết cho bản thân để sự sống tăng trưởng nơi anh em. Thật vậy, con người đã chết đi cho chính mình, thì sống cho Chúa. Nhưng đối với họ, Thiên Chúa không phải chỉ là Ðấng Vô hình, mà hơn nữa còn là Ðấng đang hiện diện trong Hội Thánh và trong anh em. Mọi hành vi làm cho người anh em nhỏ mọn nhất là làm cho Chúa. Thành ra các đấng thánh là những người nhìn thấy Thiên Chúa ngay ở đời này và cụ thể trên mặt đất này nơi Hội Thánh và nơi anh em. Và vì họ không còn sống cho chính bản thân và vì bản thân nữa, nên mọi phục vụ của họ chỉ còn quy vào một đối tượng. Ðó là Thiên Chúa nơi tha nhân... Ðó là tha nhân trong cái nhìn của đức tin và lòng mến. Các tử đạo làm tốt các nhiệm vụ xã hội là vì thế. Và mọi người thật có lý để nghi ngờ những kẻ đã phản bội đức tin của mình.
Như thế, nếu hôm nay mừng lễ các Tử đạo Việt Nam, chúng ta phải để ý đến nét Việt Nam nơi các ngài, tức là phải soi gương các ngài trong đời sống xã hội phục vụ anh em đồng bào, thì chúng ta -người có đức tin- phải luôn duy trì và phát triển động lực thúc đẩy đời sống xã hội kia tức là Thánh Thần và Ðức Kitô ở trong mình. Và cho được như vậy, chúng ta phải mang sự chết của Ngài trong thân xác, là biết chết cho bản thân và các khuynh hướng vị kỷ. Phải làm như vậy mới đi vào được đường lối của các tử đạo và mới có thể theo các ngài cho đến cùng. Bởi vì muốn nên giống các ngài hoàn toàn, chúng ta không những phải biết sống như các ngài mà còn phải biết chết như các ngài. Mà muốn chết như các ngài, chúng ta phải sống đạo như trên mà vẫn không quên Lời Chúa dạy trong bài Tin Mừng hôm nay.
C. Tin Tưởng Như Các Tử Ðạo
Chúa nhắc nhở chúng ta biết số phận thông thường của các môn đệ Người: "Người ta sẽ bắt bớ các con". Và trong sách Tin Mừng Yoan, Người còn nói rõ hơn: đó là điều thật dễ hiểu, vì tôi tớ không trọng hơn Thầy. Có lạ chăng là việc thế gian yêu các con chứ các con có thuộc về thế gian nữa đâu mà thế gian quý mến các con! Và lịch sử làm chứng Hội Thánh của Ðức Yêsu, Hội Thánh tiếp nối sứ mạng cứu thế của Người, luôn luôn có các tử đạo, không ở nơi này thì ở nơi khác, không dưới hình thức này thì dưới hình thức khác. Ðó là mầu nhiệm, nhưng là mầu nhiệm tương đối dễ hiểu.
Sứ mệnh của Ðức Yêsu cũng như của Hội Thánh Người là sứ mệnh tuyên chứng. Tuyên chứng về chân lý, về những chân lý siêu phàm; thế mà chân lý thì như ánh sáng và thế gian đã bị tối tăm bao phủ nên luôn luôn muốn vùi dập ánh sáng. Và cũng đồng thời tuyên chứng về tình yêu, tình yêu của Thiên Chúa yêu thương loài người và chẳng tình yêu nào lớn bằng tình yêu nơi người hy sinh mạng sống vì người mình muốn yêu.
Thế nên chính khi chịu chết vì đạo, người tín hữu trở thành chứng tá hoàn toàn hơn cả. Cái chết của họ vừa nói lên niềm tin chắc chắn, vừa nói lên tình mến tận cùng. Chỉ những kẻ có niềm tin yếu ớt mới sợ tử đạo. Nhưng nếu chúng ta yếu thì đã có Chúa ban Thánh Thần của Người đến nâng đỡ sự yếu đuối nơi chúng ta. Và việc này tùy ở chúng ta trong lúc bình thường có cầu xin và sống đạo để nhận được nhiều Thánh Thần hay không?
Giờ đây chúng ta cử hành thánh lễ. Chung quang bàn thờ này hiện diện vô hình đoàn thể các tử đạo Việt Nam. Các ngài ước mong chúng ta dâng lễ này sốt sắng và hiệu quả. Nếu chúng ta cầu xin và nhất là phó thác bản thân trong tay Chúa thì Người sẽ ban sự sống của Chúa Yêsu và Thánh Thần của Người cho chúng ta. Chính Thánh Thần sẽ là sức mạnh cải tạo cho chúng ta một nếp sống mới để chúng ta dần dần sống bớt đi cho mình và nhiều hơn cho Chúa, tức là cho Người ở trong anh em. Như vậy chúng ta sẽ có đời sống trần gian này tốt để chúng ta cũng sẽ chết tốt như các tử đạo. Chúng ta sẽ tuyên xưng Chúa khi sống và khi chết. Chúng ta sẽ khơi được lòng ngưỡng mộ của mọi người. Chúng ta sẽ xứng đáng với tổ tiên đức tin của mình, những vị mà chúng ta mừng lễ hôm nay.
(Trích dẫn từ tập sách ‘Giải Nghĩa Lời Chúa’ của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét