GIA ĐÌNH THÁNH TÂM

Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Têrêsa Avila, Tâm Hồn Nhạy Cảm 15/10 – Thứ hai. Thánh Têrêxa Giêsu, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.


"Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona".
Thánh Têrêxa Avila, Ðồng Trinh, Tiến Sĩ Hội Thánh -(1515-1582)

Thánh nữ Têrêxa sinh ngày 18/3/1515 tại Avila nước Tây Ban Nha, trong một gia đình quý phái. Sống giữa bầu khí đạo hạnh nên ngài sớm trưởng thành trên đường nhân đức. Ngài thích đọc sách các thánh tử đạo và các sách viết về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Tuy bị gia đình ngăn cản, năm 1535, ngài đã can tâm gạt bỏ tất cả để vào dòng Carmêlô, lúc đó được 20 tuổi. Ngài đã góp công rất nhiều trong việc cải tổ dòng này và đã để lại nhiều tư tưởng thần học giá trị. Ngài có lòng kính mến Ðức Mẹ cách đặc biệt. Với tinh thần nhiệm nhặt, ngài lập một tu viện mới ở Avila và tiếp tục xây thêm nhiều nhà khác nữa. Ngài dâng mọi đau khổ tinh thần cũng như thể xác để cầu cho những người tội lỗi. Tuy bận rộn với công việc nhà dòng, ngài vẫn dành nhiều thời giờ để ghi lại những tư tưởng thiêng liêng, suy gẫm và phổ biến việc giữ luật dòng Carmêlô cho các tín hữu nam nữ (1562-1568). Ngài dâng các việc hãm mình hy sinh và đánh tội trong suốt cả đời để cầu nguyện cho anh em ly giáo và lạc giáo. Với một lòng tin tưởng sâu xa, ngài luôn nói: “Lạy Chúa, dù thành công hay thất bại, con vẫn một lòng tin tưởng vào Chúa”.

Thánh nữ qua đời tại Alba năm 1582, hưởng thọ 67 tuổi. Ngài được nổi tiếng vì ơn nói tiên tri và nhiều ơn lạ khác.
Năm 1614, Ðức Thánh Cha Paul V đã phong ngài lên bậc Chân Phước.
Dưới triều Ðức Giáo Hoàng Grêgoriô XIV, ngài được vinh thăng Hiển Thánh năm 1622.

LỜI CHÚA: Lc 11, 29-32

Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: "Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa".

SUY NIỆM 1: Têrêsa Avila, Tâm Hồn Nhạy Cảm
(Bài giảng của ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống tại Đan viện Cát Minh Sàigòn)

Trong kho tàng truyện kể về đời thánh nữ Têrêsa Avila, có một truyện được nhiều tác giả nhắc đến, vừa như một điển hình đời sống thiêng liêng, vừa như một tính cách rất riêng của thánh nữ. Đó là truyện “Hèn chi Chúa có ít bạn”. Chắc nhiều người đã biết? Truyện kể: Trong lần xuất thần, thánh nữ nhìn thấy tình trạng tội lỗi con người xúc phạm đến Chúa ghê gớm quá, nặng nề quá. Thế là thánh nữ buồn bã vật vã ba ngày liên tiếp không ăn uống gì. Cuối ngày thứ ba, Chúa Giêsu hiện ra, dáng vẻ dịu hiền, an ủi bằng cách trao cho thánh nữ một miếng bánh và một ly nước. Nhưng thánh nữ làm mặt giận chối từ. Chúa Giêsu dỗ dành: “Con không biết rằng Cha thường đối xử với bạn bè bằng cách gửi cho họ Thánh giá sao?” Và thánh nữ trả lời: “Hèn chi Chúa có ít bạn”. Vâng, chỉ với mẩu truyện đó thôi, có lẽ người ta cũng nhận ra tính cách của Têrêsa Avila. Đó là sự nhạy cảm.

1. Nhạy cảm trước tình yêu bao la của Thiên Chúa.


Đọc Phúc Âm, ai trong chúng ta cũng biết định nghĩa nổi tiếng của thánh Gioan “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8), nhưng để cảm nghiệm thế nào là sức nặng của định nghĩa vắn gọn và tầm cỡ này, đó lại là chuyện không chỉ dừng lại trong ngôn từ sách vở một thời, mà còn cần đến cả một đời dấn bước kiếm tìm, thậm chí vào sinh ra tử nữa kìa. Thánh Gioan Tông đồ được Chúa Giêsu yêu dấu, nên từ cảm nhận tới cảm nghiệm có thể là vắn gọn như chính định nghĩa về Thiên Chúa của ông, nhưng với Têrêsa Avila lại là cả một sự vật lộn giữa sóng gió cuộc đời vừa hoạt động để kiếm tìm, vừa chiêm niệm để chiêm ngưỡng.

Trên bức tượng “Ecce Homo – Này là Người” (Ga 19,5) trình bày Chúa Giêsu vì yêu thương loài người mà chịu khổ nạn, để nên tình yêu lớn nhất của người dám chết vì người mình yêu, Têrêsa đã gặp được “tiếng sét ái tình” vào năm 1545, để nghiệm ra rằng: nếu Chúa vì yêu con người mà phải chịu khổ, thì con người cũng phải làm sao đáp lại cho cân xứng, với tình yêu của Chúa dành cho mình. Và thế là khởi đi từ sự nhạy cảm trong nhận thức ấy, thánh nữ đã tìm ra nẻo đi của riêng mình là “lấy tình yêu đáp trả tình yêu”, và cứ thế, như ngọn lửa một khi đã bừng lên thì không gì có thể dập tắt được nữa, thánh nữ làm tất cả mọi sự do tình yêu thúc đẩy và dâng hiến tất cả cho tình yêu.

Chả thế mà người ta vẫn bảo: đường nên thánh của Têrêsa là con đường “bốc lửa”: lửa chiêm niệm tìm ra ý Chúa mãnh liệt đến độ thường xuyên xuất thần mỗi khi cầu nguyện, và lửa yêu thương tìm gặp gỡ Chúa khít khao như lòng với lòng, đến nỗi có cảm tưởng rằng cuộc đối thoại giữa thánh nữ với Chúa không khác chi những lời gần gũi giữa cánh bạn bè, của người bạn dành cho bạn mình.

2. Nhạy cảm trước tội lỗi của con người.

Một khi đã coi “phải làm sao cho xứng với tình yêu của Chúa” như một hướng sống, một hướng nên thánh, một hướng cải cách đời tu, thì tâm hồn Têrêsa Avila bỗng trở nên nhạy cảm vô cùng trước những gì được xem là không xứng với tình yêu ấy, trong đó tội lỗi là điều đáng buồn nhất, không phải vì nó xúc phạm tới Thiên Chúa tối cao cho bằng nó phản bội lại Thiên Chúa tình yêu, Đấng đã làm tất cả vì con người và cho con người.

Phản bội trong chính trường được xem là mưu mô, phản bội trong thương trường được coi là mánh mung, nhưng phản bội trong tình trường, dù là tình Chúa hay tình người đi nữa, cũng vẫn là điều đáng buồn nhất. Chính Chúa Giêsu đã buồn rầu hỏi Giuđa trong vườn Cây Dầu là “anh lấy cái hôn mà nộp Con Người sao?” (Lc 22,48) vì Giuđa là kẻ phản bội. Và trong truyện “Hèn chi Chúa có ít bạn” kể trên, Têrêsa buồn bã những ba ngày liền, không phải vì tội mình mà vì tội tình của người khác, đã cho thấy một con tim nhạy cảm, không rỗi hơi thương vay khóc mướn, mà chỉ vì tê tái quặn đau thấy người ta phản bội tình yêu của Chúa, còn mình trong tư cách là bạn tâm giao lại chẳng có cách nào mà can ngăn.

Rõ ràng, Têrêsa là một tâm hồn nhạy cảm. Từ nhạy cảm ngây ngất trước tình thương xót khôn cùng của Chúa, một tình yêu dám từ bỏ “lá ngọc cành vàng” để đành đoạn ôm lấy “phận cỏ mình rơm” cho rặm bụng một đời cứu thế, Têrêsa tự nhiên nhạy cảm khổ đau trước sự khốn cùng của tội lỗi nhân sinh, tội bạc tình, một thứ tội làm tê dại cõi lòng. Hoá ra, ai càng nhạy cảm với tình thương xót của tấm lòng Thiên Chúa, càng nhạy cảm hơn với sự khốn cùng của tội lỗi con người.

3. Nhạy cảm trước đường nên thánh là đường Thánh giá.


Đã có lần Chúa Giêsu bảo “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám thí mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13), để rồi từ đó trở thành quy luật của muôn đời cho những ai dám gá đời mình cho tình yêu Thiên Chúa hoặc mon men muốn nên bạn hữu của Ngài. Vâng, “yêu ai yêu cả đường đi”, yêu Chúa cũng yêu cả con đường Chúa đi năm xưa là đường Thánh giá, không phải là “mười bốn chặng đường” ngắn ngủi êm ả dễ chịu trong giáo đường, mà là những cảnh đời thường lặp đi lặp lại mỗi ngày, ở đó ý Chúa như búa đập trên ý mình và ý mình như kình chống lại ý Chúa.

Nếu “yêu là chết ở trong lòng một ít”, thì yêu Chúa cũng là phải chết đi ít một trong ý riêng để ý Chúa được thể hiện từng ngày. Như lương thực hằng ngày của “Kinh Lạy Cha” mà người theo Chúa phải làm quen dần dần từ những bước chập chững đầu tiên cho đến khi thuần thục nhuần nhị để có thể hiên ngang tiến tới trên đường trọn hảo. Đó là đường tình yêu. Mênh mông tình Chúa, mong manh tình người, nên cũng là đường Thánh giá, đường Thương khó.

Đó, “yêu Chúa” nói và hát thì dễ, nhưng khi dấn bước vào, người ta mới thấy những nỗi đa đoan vất vả không bao giờ hết, mà chỉ có những tâm hồn nhạy cảm mới có thể dự đoán và an tâm bước đều. Chúa chúng ta kỳ lắm. Người yêu những kẻ đóng đinh Người và tha thứ cho họ dễ dàng, nhưng Người lại đóng đinh những kẻ Người yêu và tặng những kẻ yêu Người Thánh giá, không chỉ một lần mà xem ra còn dai dẳng hoài hoài trong đời. Bằng một tâm hồn nhạy cảm thánh đức, Têrêsa đã hiểu đó là lộ trình nên thánh cho bất cứ ai chọn đi theo Chúa.

Tóm lại, ba nét nhạy cảm: với tình yêu vô biên của Thiên Chúa, với tội lỗi thấp hèn của nhân loại và với bước đường Thánh giá, với tội lỗi thấp hèn của nhân loại và với bước đường Thánh giá, hy vọng đã một phần nào phác vẽ lên cách đơn giản chân dung của một vị thánh lớn, thánh Têrêsa mẹ, vị anh thư cải cách dòng Cát Minh thế kỷ XVI tại Tây Ban Nha, vị tiến sĩ đã để lại cho Hội Thánh bí quyết chinh phục đỉnh cao tình yêu Thiên Chúa, và cũng còn là vị thánh thân thương có một tâm hồn nhạy cảm phi thường muốn đem tình yêu Thiên Chúa nhân rộng đến hết mọi người.

Xin nhờ lời chuyển cầu của ngài, cho cộng đoàn Cát Minh và cho những ai chân thành yêu mến thánh nữ, được luôn nhạy cảm bền bỉ khơi lên ánh lửa yêu mến trước tình yêu Chúa, để đến khi Chúa muốn, Người sẽ cho biến thành những đám cháy kỳ diệu có khả năng thiêu huỷ tội lỗi, thanh tẩy tâm hồn và lôi cuốn người ta đến với tình yêu thánh hoá, cho dẫu trước mắt vẫn còn là ngổn ngang những Thánh giá của mùa xây dựng, nhưng trong lòng đã nóng bừng hy vọng. Mong rằng câu nói “Hèn chi Chúa có ít bạn” không phải là một chân lý bất biến, nhưng là một câu nói đang chờ sự đáp ứng, để một khi mọi người đều nhạy cảm quan tâm trở nên bạn hữu của Chúa, thì thay vì ba ngày buồn bã, có lẽ Têrêsa Avila sẽ có nhiều lần ba ngày vui vẽ vì ngỡ ngàng thấy Chúa luôn có nhiều bạn mới.


SUY NIỆM 2: Người Ðàn Bà “Rất Ðàn Bà”

Hôm nay là ngày kính nhớ thánh nữ Têrêxa Avila.

Vị nữ tiến sĩ hội thánh này đã sống trong một giai đoạn có nhiều xáo trộn nhất đối với Giáo Hội. Thánh nữ chào đời khi cuộc cải cách của người Tin Lành bắt đầu và qua đời khi Công Ðông Trento vừa chấm dứt. Ngài đã được Thiên Chúa ban cho Giáo Hội như một đóa hoa đẹp đẽ nhất giữa những gái góc đang ụp phủ trên Giáo Hội. Nhưng Têrêxa Avila cũng chỉ là một người đàn bà giống như rất nhiều người đàn bà khác. Ðẹp, có nhiều năng khiếu, đảm đang, đa tình... Têrêxa lại là một người đàn bà “rất đàn bà”. Thế nhưng nơi người đàn bà này, người ta thấy có nhiều tương phản: thông minh nhưng lại thực tế; biết nhiều nhưng không xa vời với kinh nghiệm sống; thần bí nhưng lại đầy nghị lực để trở thành một nhà cải cách.

Têrêxa là một người đàn bà hoàn toàn sống cho Chúa, nghĩa là một người đàn bà cầu nguyện, kỷ luật và biết cảm thông. Trái tim của Têrêxa hoàn toàn thuộc về Chúa. Ðã thách thức tất cả mọi chống đối của người cha để gia nhập dòng kín, Têrêxa cũng tiếp tục đương đầu với không biết bao nhiêu chống đối khác khi muốn cải tổ dòng kín. Người đàn bà yếu đuối này chỉ còn một nơi nương tựa duy nhất: đó là Thiên Chúa.

Là một người sống cho Chúa hoàn toàn, Têrêxa cũng hoàn toàn sống cho người khác. Canh tân cuộc sống của mình, Têrêxa cũng không ngừng đi khắp đó đây để giúp người khác canh tân cuộc sống.

Suốt cuộc đời trải qua trong gian lao và thử thách, về cuối đời, Thánh nữ đã thốt lên: “Ôi lạy Chúa, tất cả những ai làm việc cho Chúa đều được đpá trả bằng gian lao, khốn khó. Nhưng cao quý thay phần thưởng dành cho những ai yêu mến Chúa, nếu họ hiểu được giá trị của nó”.

Hiện nay, người ta nói đến rất nhiều thứ giải phóng, trong đó có giải phóng người phụ nữ.

Có lẽ tất cả những ai đang tranh đấu cho nữ quyền nên nhìn vào mẫu gương của thánh nữ Têrêxa Avila. Một người đàn bà đã có thể thực hiện được nhiều việc vĩ đại, nhưng bản chất đàn bà vẫn không hề thay đổi trong con người ấy. Phải chăng người đàn bà có thể đóng trọn vai trò của họ trong Giáo Hội và trong xã hội khi họ biết trung thành với ơn gọi cao cả mà Thiên Chúa đã trao ban qua nữ tính của họ!

Người nữ có phúc nhất trong những người nữ, người nữ cũng đã sống trọn vẹn ơn gọi làm người: đó là Ðức Maria. Bí quyết để người nữ ấy thể hiện trọn vẹn ơn gọi làm người nữ và làm người của mình chính là hai tiếng “Xin vâng”. Thiên Chúa đã tạo dựng con người và đã quy định cho con người một định mệnh: định mệnh đó chính là sống cho Chúa. Ðức Maria, thánh nữ Têrêxa và bao nhiêu vị thánh nam nữ khác, đã thực hiện được định mệnh đó qua một cuộc sống hoàn toàn vâng phục ý Chúa. Chỉ có một sự bình đẳng duy nhất: đó là sự bình đẳng trước mặt Thiên Chúa. Ðức Maria đã minh chứng được sự bình đẳng đó qua sự cộng tác của Mẹ vào công cuộc cứu rỗi của Ðức Kitô.

Trước mặt Chúa, mỗi người chúng ta đều có một chỗ đứng. Không có chỗ đứng nào cao trọng hơn chỗ đứng khác. Hạnh phúc của chúng ta tùy thuộc ở sự đáp trả của chúng ta đối với tiếng gọi của Chúa.

(Trích trong ‘Lẽ Sống’ của R. Veritas)

SUY NIỆM 3: Dấu Lạ Cả Thể

Thế nào là phép lạ? Theo quan niệm thông thường, khi một sự kiện có giá trị tích cực không thể giải thích được thì đó là phép lạ. Những người có niềm tin tôn giáo thì cho rằng phép lạ là một sự can thiệp của Chúa. Giáo Hội Công Giáo luôn tin có phép lạ, nhưng trong thực tế lại tỏ ra vô cùng thận trọng trong việc nhìn nhận các phép lạ; cụ thể là những gì đã và đang xảy ra tại Trung tâm Thánh Mẫu Lộ Ðức bên Pháp: từ hơn 100 năm nay, đã có trên 2,000 trường hợp khỏi bệnh được nhiều người xem là phép lạ, nhưng cho tới nay, Giáo Hội Công Giáo chỉ chính thức nhìn nhận 67 vụ thực sự là phép lạ theo đúng nghĩa mà thôi.

Thế nào là phép lạ? Thiên Chúa có còn làm phép lạ không? Ðó là những câu hỏi mà Tin Mừng hôm nay như muốn nêu lên để chúng ta cùng suy nghĩ. Chúa Giêsu thực sự làm nhiều phép lạ: Ngài biến nước thành rượu, Ngài nhân bánh và cá ra nhiều để nuôi sống đám đông, Ngài chữa lành bệnh tật, Ngài làm cho kẻ chết sống lại. Tất cả những phép lạ Chúa Giêsu thực hiện đều nhắm nói lên sứ mệnh của Ngài và Ngài chính là Ðấng Thiên Chúa sai đến để cứu rỗi nhân loại. Một số người Do thái đã tin nhận và đi theo Ngài, nhưng phần đông vẫn tỏ ra dửng dưng trước những lời rao giảng của Ngài. Riêng những thành phần lãnh đạo trong dân, như nhóm Biệt Phái, thì chẳng những không tin nhận, mà còn chống đối Ngài ra mặt; họ thách thức nếu Ngài làm một dấu lạ cả thể thì họ mới tin nhận Ngài.

Trước thái độ đó, Chúa Giêsu mượn hình ảnh của tiên tri Yôna để nói về Ngài. Tiên tri Yôna đã đến Ninivê để rao giảng sự sám hối, tất cả các phép lạ của Chúa Giêsu cũng đều nhằm nói lên sứ mệnh của Ngài và kêu gọi sám hối. Tiên tri Yôna đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm. Giáo Hội tiên khởi đã xem đây như là một dấu chỉ loan báo chính cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Như vậy, nếu có một dấu lạ cả thể mà Chúa Giêsu thực hiện để đáp lại thách thức của những người Biệt phái, thì dấu lạ đó không gì khác hơn là chính cái chết của Ngài; chết để nên Lời, và Lời ấy là Lời của Yêu Thương.

Ngày nay, không thiếu những người thách thức Thiên Chúa. Cũng như những người Biệt phái, họ đòi Thiên Chúa phải làm một dấu lạ cụ thể nào đó, họ mới tin nhận Ngài. Nhưng mãi mãi, Thiên Chúa sẽ không bao giờ hành động như thế. Ngài mãi mãi vẫn là Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài đã nhập thể làm người và sống cho đến tận cùng thân phận làm người. Cái chết trên Thập giá vốn là tuyệt đỉnh của thân phận làm người, do đó đã trở thành dấu lạ cả thể nhất mà Thiên Chúa đã thực hiện, đó là dấu lạ của tình yêu.

Thiên Chúa vẫn tiếp tục bày tỏ dấu lạ cả thể ấy. Trong trái tim mỗi người, Thiên Chúa đã đặt vào đó sức mạnh vĩ đại nhất là tình yêu. Sức mạnh ấy không ngừng nung nấu con người; sức mạnh ấy đang được thể hiện qua những nghĩa cử mà chúng ta có thể bắt gặp mỗi ngày. Ðó là phép lạ cả thể nhất Thiên Chúa đang tiếp tục thực hiện trong lịch sử con người. Tình yêu vốn là sức mạnh vĩ đại nhất, nhưng thường lại được bày tỏ qua những cử chỉ nhỏ bé và âm thầm nhất. Một nụ cười thân ái, một cái xiết tay, một lời an ủi, một cử chỉ tử tế, một ánh mắt cảm thông và tha thứ, đó là những cử chỉ nhỏ, nhưng lại là biểu hiện của dấu lạ cả thể nhất là tình yêu.

Ước gì chúng ta luôn thức tỉnh để nhận ra phép lạ Thiên Chúa vẫn tiếp tục thực hiện trong cuộc sống chúng ta. Ước gì chúng ta cũng trở thành dấu lạ cho những người xung quanh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 4: Dấu Lạ Ông Giôna
Chắc mỗi người chúng ta ít nhiều đều trải qua kinh nghiệm gặp một con người ngoan cố, cãi bướng, không biết phục thiện, không bao giờ có lòng khiêm tốn đủ để nhìn nhận lỗi lầm hay sự sai trái của mình. Họ sẽ tìm đủ mọi lý do để biện hộ, để tránh né vấn đề, để khỏi phải nhìn nhận sự thật. Trong số những người Do Thái nghe Chúa Giêsu rao giảng và nhìn thấy tận mắt những dấu lạ Ngài thực hiện cũng có những người ngoan cố không tin, thậm chí còn tìm cách giải thích khác đi.

Nơi câu 14 chương 11, Phúc Âm theo thánh Luca, trong khi đã chứng kiến tận mắt phép lạ Chúa Giêsu trừ quỉ thì có kẻ trong đám đông đưa ra lời giải thích đầy ác ý: “Ông ấy dựa trên quỉ vương Bêendêbun, quỉ cả mà trừ quỉ con”, kẻ khác lại muốn thử Ngài nên đòi Ngài một dấu lạ từ trời. Ðoạn Phúc Âm mà chúng ta vừa nghe đọc lại trên đây có thể được ta hiểu trong khung cảnh sự ngoan cố không tin của những người Do Thái, nhất là của những vị lãnh đạo đầy ác ý và ganh tị với Chúa. Chúa Giêsu nhận định về họ như sau: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác, chúng xin dấu lạ, nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào ngoài dấu lạ ông Gioan”. Xin Chúa ban cho một dấu lạ để củng cố một quyết định không phải là một điều xấu nếu ta xin bởi lòng khiêm tốn, tin tưởng vào Chúa. Các thánh thường làm như vậy để được củng cố giữa những thử thách. Khiêm tốn xin Chúa một dấu lạ với một tâm hồn ngay thẳng, tin tưởng, phó thác khác với một thái độ ác ý, thách thức. Và Chúa Giêsu từ chối chiều theo thách thức ác ý của những kẻ ngoan cố không tin.

Ðể tin nhận Chúa, cần phải thực hiện một ăn năn hoán cải, chừa bỏ những thói hư tật xấu của mình, những ác ý của mình như dân thành Ninivê khi nghe lời rao giảng của tiên tri Giôna ngày xưa. Vì thế mà Chúa Giêsu nói tiếp: “Quả thực, ông Giôna là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người đây cũng sẽ làm một dấu lạ cho thế hệ này như vậy”. Sự ăn năn hối cải là bước đầu tiên cần thực hiện để đón nhận sứ điệp Tin Mừng của Chúa, không có phương thế nào khác để thay đổi sự ngoan cố của con người, bằng chính lời mời gọi người đó khiêm tốn hối cải, thoát ra khỏi những tật xấu và thái độ tự mãn tự kiêu, thoát ra khỏi những ác ý của họ. Dân thành Ninivê đã được Chúa nhắc lại để nêu gương vì họ đã tỏ ra mau mắn đáp lại lời rao giảng của tiên tri Giôna mà ăn năn thống hối. Chúng ta hôm nay thì sao? Chúng ta có thái độ như thế nào trước những dấu lạ Chúa thực hiện trong cuộc đời chúng ta, để mời gọi ăn năn hối cải trở về tin nhận Chúa. Ðức tin không phải là kết luận đương nhiên của những dấu lạ nhưng là hồng ân nhưng không Thiên Chúa ban cho những tâm hồn khiêm tốn, biết ăn năn hoán cải vì những lỗi lầm của mình.

Lạy Chúa,

Xin thương ban cho con một tinh thần khiêm tốn để có thể nhìn thấy và hiểu được những ý nghĩa dấu lạ Chúa thực hiện trong con và quanh con để mời gọi con canh tân đời sống, từ bỏ những ác ý trở về cùng Chúa.

Lạy Chúa,

Xin hãy thương ban cho con một tâm hồn khiêm tốn, trong sạch. Xin ban cho con đức tin. Con tin nhưng hãy thương ban ơn trợ giúp cho đức tin còn non yếu nơi con.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 5: CĂN CƯỚC CỦA ĐẤNG MÊ-SI-A
Đức Giêsu nói: “Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Gio-na rao giảng, mà đây thì còn hơn ông Gio-na nữa. (Lc. 11, 32)

“Người ta đồn: Đây là Đấng Mê-si-a, Đấng Thiên sai cứu thế! Thế thì Ngài có làm nhiều phép lạ không?”. Rồi tứ phía người ta tấp nập chạy đến, tụ họp đông đảo vây quanh Đức Giêsu. Họ xin: “Xin cho chúng tôi man-na như Mô-sê đã cho tổ phụ chúng tôi. Được thế, người ta sẽ nhận Ngài thật là ngôn sứ vĩ đại và tin vào Ngài”. Vậy theo họ bắt buộc: Thiên sai cứu thế phải làm dấu lạ từ trời xuống.

Từ chối đòi hỏi của họ:

Đức Giêsu quá rõ người ta. Họ chạy theo dấu lạ. Rồi … họ chẳng còn thấy ơn ích gì nữa. Người ta đi trên mặt trăng; khi được rồi, người ta lại bỏ, đi tìm cảm giác mới trên một hành tinh khác. Trước sự bất nhất hay thay đổi của tính con người, “của thế hệ gian ác này”, Đức Giêsu giữ thái độ huyền nhiệm và từ chối hẳn, không làm dấu lạ như họ đòi hỏi kêu xin. Người từ chối dùng cách cưỡng bách họ phải tin.

Chính Người là dấu chỉ của nước Thiên Chúa đã đến với họ. Tuy nhiên, Người không từ chối chữa bệnh và đuổi quỷ ám. Những ai có tâm hồn cởi mở đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, họ thấy được ngón tay của Thiên Chúa trong những công việc và lời nói của Đức Giêsu và họ tin rằng Đức Giêsu là Đấng Thiên sai cứu thế, là Con Thiên Chúa hằng sống. Họ không cần đòi căn cước chứng minh thêm, ký tên thêm, ấn chứng phụ nữa.

Kêu gọi lòng tin

Gio-na không ai biết căn cước về ông. Một cách đơn giản, bình thường, ông đã rảo khắp phố phường kêu gọi: “Còn bốn mươi ngày nữa thành Ni-ni-vê sẽ bị án phạt tiêu diệt”. Ông chưa đi được ba ngày đường, dân thành đã tin vào Thiên Chúa, và vua tuyên bố ăn chay đền tội. Và thành Ni-ni-vê được Thiên Chúa tha thứ. Hoàng hậu Sa-ba nghe biết sự khôn ngoan của vua Sa-lô-môn, bà từ tận cùng trái đất đến nghe lời vua. Đức Giêsu nói: Sự loan báo của Người hơn cả Gio-an, sự khôn ngoan của Người hơn cả Sa-lô-môn. Nhưng dân được hưởng giao ước lại từ chối tin vào Người, nên họ sẽ bị những dân ngoại kết án họ trong ngày phán xét.

Ở mọi thời, Thiên Chúa vẫn bày tỏ những dấu chỉ về Ngài. Ngay từ khi tạo dựng vũ trụ, dù phần lớn nhân loại không nhận ra, ngay cả dân riêng của Ngài cũng không đón nhận lời Đức Giêsu nói, tuy nhiên, lời Người luôn luôn sống động và khẩn thiết. Tại sao lại đòi xem căn cước của Người hay đòi biết số thẻ bảo hiểm xã hội của Người trước khi nghe Người?

RC.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét