GIA ĐÌNH THÁNH TÂM
Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012
25/08 – Thứ bảy tuần 20 Thường Niên. "Họ nói mà không làm".
Thánh Giuse Calasanz, Linh Mục (1556-1648)
Giuse Calasanz sinh năm 1556 tại Pétralta miền Aragon phía Bắc nước Tây Ban Nha. Ngay từ thời niên thiếu, ngài đã được hấp thụ một nền giáo dục hết sức phong phú nơi hiền mẫu. ngài yêu chuộng đọc kinh và hết sức giữ mình thanh khiết.
Sau khi mãn bậc trung học, ngài theo môn triết và luật tại viện đại học Lêrida và bắt đầu có ý định dâng mình cho Chúa.
Năm 1583, Calasanz thụ phong linh mục. Cuộc đời truyền giáo của ngài tại quê hương thu được nhiều thành quả tốt đẹp nhờ tài ba và sự thánh thiện của ngài.
Năm 1592, ngài rời quê hương đi Rôma, và không muốn cho ai để ý tới mình, ngài bèn lựa chọn những công việc âm thầm, bên những người nghèo khổ yếu đau và kém may mắn.
Nhận thấy có nhiều trẻ em nghèo phải bỏ học sống lang thang nơi đầu đường xó chợ, ngài quyết định lập một trường học miễn phí cho học sinh và lợi dụng cơ hội đó để giáo dục các em về phương diện đạo đức và luân lý.
Ngài đã tụ tập được một số anh em linh mục có cùng chí hướng lập thành một dòng (1597) chuyên lo việc giáo dục các trẻ em nghèo.
Sau gần 50 năm tận tụy với công việc tông đồ bên cạnh giới lao động, ngài qua đời ngày 25/8/1648, hưởng thọ 92 tuổi.
Ðức Piô XII đã đặt ngài làm quan thầy các trường tư thục Công Giáo.
Lời Chúa: Mt 23, 1-12
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: "Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta: còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là "Thầy". Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là "Thầy", vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là "cha", vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là "người chỉ đạo": vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Đức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".
SUY NIỆM 1: Ðề phòng thái độ giả hình
Theo các văn thư của Ðức Giáo Hoàng Innocentê để lại, thì thời của Ngài, tức thế kỷ 12, là một trong những thời kỳ suy thoái nhất của giáo huấn về đức tin và luân lý: tệ đoan lan tràn khắp nơi, các phe phái quá khích nổi lên, nhiều người phê bình chỉ trích các vị lãnh đạo Giáo Hội vì cuộc sống phản chứng của các ngài. Lúc đó thánh Phanxicô Assisiô xuất hiện, ngài không chỉ trích ai, nhưng ý thức rằng kẻ phải ăn năn sám hối trước tiên là chính ngài; ngài không khoe khoang, không tham lam, không giả hình, nhưng cố gắng sống đạo một cách nghiêm túc; ngài đi cho đến tận cùng trọng cuộc sống nghèo khó, bác ái, phục vụ, khoan dung. Lý tưởng của thánh Phanxicô chẳng mấy chốc đã được nhiều người chia sẻ, Giáo Hội được hồi sinh, nhiều tâm hồn được đổi mới, mùa xuân thiêng liêng được nở rộ nhiều thế kỷ liên tiếp.
Trong giai đoạn hiện nay, mẫu gương của thánh Phanxicô Assisiô thôi thúc chúng ta hơn bao giờ hết.
Tin Mừng hôm nay không phải là một bản án trút xuống một vài thành phần nào đó trong Giáo Hội, mà phải là một lời mời gọi sám hối cho mọi người. Quả thật, Chúa Giêsu không chỉ kết án thái độ giả hình của những biệt phái, mà còn kêu gọi mọi người hãy đề phòng thái độ giả hình ấy. Giả hình là căn bệnh chung của tất cả những ai mang danh Kitô. Thật thế, nếu giả hình là tách biệt giữa niềm tin và cuộc sống, thì có ai trong chúng ta dám tự phụ mình không rơi vào một thái độ như thế? Giả hình vẫn là cơn cám dỗ cơ bản và triền miên trong cuộc sống người Kitô hữu. Khi căn tính Kitô chỉ là một danh xưng mà không được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày, khi sinh hoạt tôn giáo chỉ đóng khung trong bốn bức tường nhà thờ, khi lòng đạo đức được thúc đẩy bởi khoe khoang, tự phụ, khi cuộc sống đạo không là lối sống về niềm tin, mà là trở ngại cho nhiều người đến với Chúa và Giáo Hội, phải chăng đó không là một cuộc sống giả hình?
Câu hỏi mà chúng ta không ngừng đặt ra là cuộc sống đạo của tôi có thực sự là một đóng góp vào việc cải tạo một xã hội đang băng hoại về đạo đức và những giá trị tinh thần không? Giáo Hội mà tôi là thành phần, có xứng đáng là điểm tựa đạo đức cho nhiều người không?
Xin Chúa soi sáng hướng dẫn chúng ta để chúng ta không ngừng nhìn lại bản thân và nhận ra những thiếu sót lầm lỡ trong cuộc sống đạo, ngõ hầu từ đó chúng ta quyết tâm vươn lên mỗi ngày trên đường theo Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 2: Trung thực với lời nói
Những lời khiển trách của Chúa Giêsu đối với các kinh sư, những nhà thông thái Kinh Thánh biết rõ về Luật Môsê để giảng dạy cho dân chúng được hướng tới hai tật xấu quan trọng là giả hình và khoe khoang. Giả hình vì nếp sống cụ thể của họ không phù hợp với những gì họ giảng dạy cho dân chúng. Họ nói mà không làm, họ giải thích Luật Môsê cách tỉ mỉ nhưng là để cho kẻ khác tuân giữ còn họ thì không thèm động ngón tay vào đó. Thật ra không phải là họ không tuân giữ, vì họ luôn ăn chay, bố thí cho đền thờ, họ cầu nguyện, họ đọc Kinh Thánh. Nhưng họ làm tất cả những điều này để làm cho người ta trông thấy, để được khen thưởng, được danh lợi. Họ làm những điều tốt lành đó là để khoe khoang, là để được người khác nhìn thấy, là để được tranh hơn thiệt, để được chỗ ngồi danh dự, để được gọi là thầy, đó là họ thực hành những hình thức bên ngoài và không có tinh thần tôn thờ và yêu mến Chúa nơi chính họ. Chúa Giêsu trách những kinh sư và biệt phái như thế là để cảnh tỉnh các môn đệ đừng đi vào con đường không tốt.
Việc người thì sáng, việc mình thì quáng. Chúng ta dễ dàng nhìn thấy và phơi bày những tật xấu của anh chị em nhưng lại làm ngơ hoặc che dấu những tật xấu của chính mình. Trước đó, Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh các môn đệ Người như sau: "Nếu sự công chính của các con không hơn sự công chính của các kinh sư và những biệt phái, thì các con sẽ không được vào Nước Trời; các con đừng để ai gọi mình là Thầy, vì chỉ có một Thầy, còn tất cả các con là anh chị em với nhau". Cộng đoàn các môn đệ chỉ có một Chúa Giêsu là Thầy và một Thiên Chúa là Cha. Chúng ta nên lưu ý đoạn Tin Mừng này không có ý chối bỏ quyền hành trong cộng đoàn những đồ đệ, nhưng chỉ chống lại lòng ham quyền, ham danh, lạm dụng địa vị để phục vụ cho cái tôi cao ngạo của mình. Những con người ham quyền ham danh như vậy muốn chiếm chỗ của Thiên Chúa trong tâm hồn anh chị em.
Chúa Giêsu không loại bỏ tác vụ phục vụ cộng đoàn để hướng dẫn cộng đoàn: "Ai nghe các con là nghe Thầy", nhưng Chúa muốn lưu ý rằng những thừa tác viên của Chúa có trách nhiệm đối với cộng đoàn cần sống nêu gương cho anh chị em, thực hành trung thực những gì mình rao giảng.
"Ai làm lớn trong các con phải là kẻ phục vụ cho tất cả". Quyền hành trong cộng đoàn những kẻ tin Chúa là quyền thừa tác nhân danh Chúa và phục vụ anh chị em, giúp anh chị em đến với Chúa chứ không phải là để cho quyền hưởng lợi cá nhân. Tất cả mọi thành phần trong cộng đoàn, những đồ đệ đều phải hướng về cùng một điểm trung tâm duy nhất là Thiên Chúa Cha và sống hiệp nhất, hiệp thông với nhau trong Chúa Kitô.
Lạy Chúa,
Xin giải thoát các con khỏi cám dỗ sống giả hình, khoe khoang. Xin thương củng cố chúng con tất cả trong ơn gọi và sứ mạng riêng biệt của mình nơi cộng đoàn dân Chúa. Xin đổ tràn ơn Chúa Thánh Thần xuống trên các con, giúp các con hiểu biết và yêu mến Chúa hết lòng và dấn thân hết sức mình phục vụ lẫn nhau vì yêu mến Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 3: Phục vụ người khác.
Bấy giờ Đức Giêsu nói với đám đông và các môn đệ Người rằng: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên tòa ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ của họ mà làm, vì họ nói mà không làm.
Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.(Mt. 23, 1-3. 12)
Chúa nhấn mạnh: “Người lớn hơn cả phải là người phục vụ anh em” lần thứ nhất, Người nói với các môn đệ: “Ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này, là người lớn nhất trong Nước Trời” (Mt. 18, 4) Khi Phê-rô lên tiếng thay cho các tông đồ hỏi: “Chúng con sẽ được gì?” Đức Giêsu đáp: “Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, nhiều kẻ đứng hàng chót sẽ được lên đầu.” (Mt. 19, 30). Rồi Người kết thúc dụ ngôn thợ làm vườn nho thế này: “Thế là kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và những kẻ đứng hàng đầu sẽ đứng chót.” (Mt. 20, 16). Sau đó một chút, Đức Giêsu còn nhắc lại: “… Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải là người phục vụ anh em. Ai muốn làm đầu giữa anh em, thì phải là người phục vụ anh em. Ai muốn làm đầu giữa anh em, thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt. 20, 26-27) Chúa lên Giê-ru-sa-lem lần cuối cùng, người lại kêu gọi các tông đồ: Ai giầu có về tài năng, về sáng kiến, về thông minh, về tấm lòng, phải làm đầy tớ! vì chính con người, đứng hàng đầu phải làm người đứng chót! “Chính con người đến để phục vụ, chứ không để được phục vụ, và thí mạng sống mình” (Mt. 20, 28).
Chỉ cho tiền …
Đức Giêsu khiển trách Pha-ri-sêu và luật sĩ thời đó, và cả thời chúng ta nữa: không giúp đỡ anh em! càng giầu, người ta càng phải cho đi! cho đi tiền của có thể là một lăng nhục, nếu người ta chỉ vì cậy có tiền.
Tiền không diễn tả được sự hy sinh hiến thân, tiền của giầu sang không làm cho ai hài lòng, bởi vì khi cho tiền, họ lại trở nên kẻ biển lận mà họ có.
Chúng ta cần lưu ý Chúa luôn luôn nói với những người giầu: chính họ cần thiết phải sống theo Tin Mừng … Vậy người ta có can đảm dùng mọi của cải giầu có, dùng mọi quyền thế đề phục vụ người nghèo vì thực thi Tin Mừng không?
J.M
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét