GIA ĐÌNH THÁNH TÂM

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

Thứ sáu 06/07/2012 – Thứ sáu đầu tháng - tuần 13 Thường Niên – Bữa tiệc thân hữu


06/07 – Thứ sáu đầu tháng - tuần 13 Thường Niên

"Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc: Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải là hy lễ".
Thánh Maria Goretti, Ðồng Trinh Tử Ðạo (1890-1902)

Thánh nữ Maria Goretti sinh năm 1890 tại miền Pontins nước Ý. Năm 12 tuổi, Goretti được rước lễ lần đầu. Thánh nữ cố gắng bảo toàn đức trong sạch như một bông huệ trắng ngần để tiến dâng Thiên Chúa. Vì thế thành nữ đã cương quyết chống lại những lời cám dỗ đường mật của Alexandre, một thanh niên cùng làm việc trong nông trại với ngài. Thánh nữ thường nói với Alexandre: "Ðừng, đừng anh, Thiên Chúa không muốn anh xuống hỏa ngục đâu". Và lần khác thánh nữ đã nói: "Không, anh Alexandre, Thiên Chúa không muốn chúng ta làm điều đó". Nhưng Alexandre qúa say mê nhan sắc ngài, nên vào ngày 05/7/1902, chàng đã lợi dụng dịp may để áp bức Goretti. Thánh nữ đã chống cự hết sức mãnh liệt, nhưng vì sức yếu nên đành khuất phục. Sau đó, vì sợ bị tố cáo, Alexandre đã đâm chết thánh nữ. Vào sáng hôm sau, 06/7/1902, thánh nữ đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Nettuno. Trước khi chết, thánh nữ đã thều thào trong hơi thở: "Vì tình yêu Chúa Kitô, tôi sẵn sàng tha thứ cho Alexandre và muốn anh cũng được vào thiên đàng với tôi".

Năm 1950, Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã phong thánh cho Maria Goretti trước sự hiện diện của bà mẹ già yêu dấu của thánh nữ.

Nhờ lời bầu cử của thánh Goretti, chúng ta xin Chúa cho chúng ta luôn yêu mến sự trong sạch và can đảm chống lại những cám dỗ xác thịt.

Lời Chúa: Mt 9, 9-13

Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Matthêu. Người phán bảo ông: "Hãy theo Ta". Ông ấy đứng dậy đi theo Người. Và xảy ra là khi Người ngồi dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi đồng bàn cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Những người biệt phái thấy vậy, liền nói với các môn đệ Người rằng: "Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như thế?" Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo rằng: "Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: "Ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải là hy lễ". Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi".

SUY NIỆM 1: Bữa tiệc thân hữu

Trong hầu hết các nền văn hóa hiện hữu trên thế giới, bữa ăn là một thời điểm, một nghi lễ đặc biệt trong đời sống con người. Con người thường chia giờ giấc trong ngày theo các bữa ăn. Bữa ăn là giờ duy nhất trong ngày, trong đó mọi thành phần trong gia đình có mặt bên nhau, do đó bàn ăn thường là biểu trương của hiệp nhất. Vì là giờ hiệp nhất, nên bữa ăn cũng là giờ linh thiêng trong cuộc sống. Người ta vẫn nói: "Trời đánh tránh bữa ăn". Bữa ăn là dấu chỉ của hiệp nhất, cho nên thời xa xưa, thỏa ước giữa các bộ lạc cũng được ký trong bữa tiệc. Ngồi đồng bàn với nhau có nghĩa là chấp nhận chia sẻ với nhau, chấp nhận tình thân hữu của nhau.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy được ý nghĩa nổi bật của bữa ăn trong cuộc đời Chúa Giêsu. Phúc Âm thường ghi lại những lần Chúa Giêsu ngồi đồng bàn với những người thu thuế tội lỗi, những người bị đẩy ra bên lề xã hội. Ngồi đồng bàn với người nào là muốn chia sẻ, muốn nói lên tình thân thiện của người đó. Qua những lần ngồi đồng bàn với tất cả mọi hạng người, Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta bộ mặt của một Thiên Chúa nhân hậu luôn hiện diện trong mọi sinh hoạt của con người, một Thiên Chúa chia sẻ cuộc sống của con người và muốn đi vào kết hiệp thâm sâu với con người.

Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy Chúa Giêsu thường mượn hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Trời: "Nước Trời giống như vua kia làm tiệc cưới". Nước Trời giống như một tiệc vui. Tôn giáo mà Chúa Giêsu loan báo không phải là những nghi lễ hay những luật lệ cứng nhắc, mà là tôn giáo của tình yêu. Trích dẫn lời Tiên Tri Ôsê: "Ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải lễ tế", Chúa Giêsu đả phá những tôn giáo chỉ xây dựng trên những nghi lễ trống rỗng, mà quên đi cái lõi của tôn giáo là tình thương.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta. Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu để lại cho chúng ta là bữa tiệc dấu chứng tình yêu của Ngài. Tham dự vào bữa tiệc ấy là tham dự vào tinh thần yêu thương chia sẻ với Ngài. Nếu không có tinh thần yêu thương, thì tất cả những kinh kệ, những hành động phụng vụ chỉ là trống rỗng vô ích. Của lễ đẹp lòng Chúa nhất phải chăng không là những hành động yêu thương, chia sẻ, tha thứ đó sao? Lúc đó bàn thờ của chúng ta không chỉ nằm trong bốn bức tường nhà thờ, mà còn phải là gia đình, công sở, phố chợ. Nơi nào có hành động yêu thương, tha thứ, chia sẻ, thì nơi đó có Chúa hiện diện, có bình an, có Nước Trời.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Người công chính với người tội lỗi

Bỏ nơi ấy, Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì một người tên là Mát-thêu đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.

Đức Giêsu đang dùng bữa trong nhà, thì kìa, nhiều người thu thuế và người tội lỗi khéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?” Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.” (Mt. 9, 9-12)

Người tội lỗi được kêu gọi

Chúa Giêsu quan tâm lo lắng cho những người ốm đau bệnh tật, vì chính họ cần đến Người. Những người mà vì họ Chúa đã đến và kêu gọi đi theo Người, đó là những người tội lỗi, chứ không phải những người công chính.

Những người tội lỗi ám chỉ tất cả những-ai-kia mà xã hội có suy nghĩ, có giáo dục và hãnh diện về tính liêm khíết của mình, xua đuổi, không nhìn nhận và khinh bỉ. Thời Chúa Giêsu người ta gọi những người tội lỗi là tất cả những ai không tuân giữ tỉ mỉ những điều Luật truyền. Từ ngữ người tội lỗi cũng áp dụng cho tất cả những ai cụ thể đang sống trong tội lỗi, đang làm điều xấu. Chính vì những con người đó mà Chúa Giêsu được sai đến.

Nếu Chúa Giêsu yêu thương người tội lỗi, thì Người lại gớm ghét sự tội. Nếu quả Chúa kêu gọi những người tội lỗi, chính là để cho họ trở nên những người công chính. Nên ta có thể tự hỏi: Dù rằng đã là những con người tội lỗi, nếu ta đang trở nên những người công chính, nếu suốt cuộc đời, ta tìm sống thánh thiện và công chính, thì Chúa Giêsu có còn quan tâm đến ta không, có vẫn gọi ta đi theo Người không?

Những người công chính được kêu gọi

Đương nhiên ta phải trả lời có, vì thực ra Chúa luôn luôn kêu goi mọi người: người công chính cũng như người tội lỗi. Lý do đơn giản. Trước thánh nhan Người chẳng có người nào là hoàn toàn công chính. Những kẻ được nên công chính vẫn mang thân phận người tội lỗi.

Chỉ có những người mà thực tế Chúa Giêsu không có thể làm gì được cho họ, đó là những kẻ tưởng rằng mình quả là công chính nên không thấy được nữa rằng mình vẫn và luôn luôn cần được tha thứ, được cứu độ, được thanh tẩy và được biến đổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét