GIA ĐÌNH THÁNH TÂM

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Thứ hai 30/07/2012 – Thứ hai tuần 17 Thường Niên – Hạt Cải, Nắm Men

Hạt Cải, Nắm Men
30/07 – Thứ hai tuần 17 Thường Niên
"Hạt cải trở thành cây đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó".

Thánh Phêrô Chrysôlôgô, Giám Mục

Tiến Sĩ Hội Thánh (405-451)

Thánh Phêrô, do tài hùng biện đặc biệt mà người ta ghép thêm cho ngài Chrysôlôgô để tỏ lòng ngưỡng mộ ngài. Ngài sinh tại Forum Cornelii nước Ý năm 405 trong một gia đình thế giá. Ngay từ nhỏ, ngài đã biết thực tập những việc đạo đức. Năm 433, ngài được chọn làm Tổng Giám Mục giáo khu Ravenne. Ngài cực lực lên án sự giả tạo của giáo dân: "Ai muốn vui chơi với ma quỷ, sẽ không bao giờ được dự phần với Ðức Kitô". Ngài còn để lại nhiều tài liệu quý giá cho Giáo Hội, nhất là khoảng 180 bài giảng thuyết rất nổi tiếng của ngài vẫn còn lưu truyền tới ngày nay. Ðó là những bài huấn đức ngắn gọn, những bài cắt nghĩa thánh kinh và phụng vụ với một giọng điệu đơn sơ, hầu giúp mọi người biết sống theo Phúc Âm. Chúng ta sẽ không tìm thấy ở đó những từ ngữ văn chương của thánh Augustinô, những lý luận thần học của thánh Lêô, là những đấng sống đồng thời với ngài. Nhưng dân chúng từ quan đến dân đều thưởng thức được những lời nói đầy nhiệt huyết, những sự chỉ bảo thực tế. Chính ngài đã muốn giảng dạy cách hết sức đơn giản và dễ hiểu. Ngài thường nói: "Lời lẽ của tôi đã được chôn vùi với Ðức Kitô".

Sau cùng ngài về hưu dưỡng tại quê nhà để dọn mình chết lành. Ngày 02/12/451, ngài đã trút hơi thở cuối cùng trong Chúa như lòng mong ước.

Lời Chúa: Mt 13, 31-35

Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: "Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt ấy bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó".

Người lại nói với họ một dụ ngôn khác nữa mà rằng: "Nước trời giống như nắm men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men".

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà phán những điều ấy với dân chúng. Người không phán điều gì với họ mà không dùng dụ ngôn, để ứng nghiệm lời tiên tri đã chép rằng: "Ta sẽ mở miệng nói lời dụ ngôn: Ta sẽ tỏ ra những điều bí nhiệm từ lúc dựng nên thế gian".

SUY NIỆM 1: Hạt Cải, Nắm Men

Dụ ngôn hạt cải và nắm men trong Tin Mừng hôm nay đều nhấn mạnh đến sự bất tương xứng của thời kỳ đầu của Nước Trời và của thời kỳ kết thúc. Dụ ngôn hạt cải nói đến sự tăng trưởng của Nước Trời theo chiều rộng, còn dụ ngôn nắm men trong bột ám chỉ chiều sâu, tức là sự biến đổi bên trong. Cũng như cây cải nhỏ bé thường thấy ở miền giáp hồ Tibêria có thể cao tới ba thước, Nước Trời cũng bắt đầu hiện diện từ thời kỳ truyền giáo của Chúa Giêsu và của Giáo Hội tiên khởi trong sự khó nghèo và thiếu thốn. Và đó là giáo huấn nền tảng của dụ ngôn hạt cải và nắm men.

Dựa vào những hình ảnh này, Chúa Giêsu cho thấy kiểu cách truyền giáo của Ngài không phù hợp với những chờ đợi của người Do thái, nghĩa là Nước Trời đến trong thầm lặng, như Chúa Giêsu đã nói: "Nước Thiên Chúa ở giữa các ngươi". Bởi vì thánh sử viết Phúc Âm sau thời kỳ truyền giáo của Chúa Giêsu trên đất Palestin, chúng ta có thể thấy ngay sự bành trướng đầu của Nước Trời và của Tin Mừng nơi các cộng đoàn Kitô tiên khởi. Thánh sử nói rõ: trên cành cây cải, chim trời có thể đến trú ngụ, điều này ám chỉ các dân ngoại được kết nạp vào Giáo Hội do Chúa Giêsu sáng lập.

Dụ ngôn men trong bột, một nắm men có thể làm dậy cả khối bột. Ý nghĩa và bài học của dụ ngôn này đi song song với dụ ngôn hạt cải. Men Nước Trời tức ơn thánh, dù ngấm ngầm, nhưng hiệu nghiệm nơi tâm hồn con người và trong sứ điệp của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã nói rõ về sức mạnh của men Nước Trời. Ngài không đến theo kiểu cách lôi kéo sự chú ý của con người. "Nước Thiên Chúa ở giữa các ngươi". Trong cử hành Thánh Lễ, Lời Chúa và Mình Chúa như men có sức làm lớn lên và biến đổi tâm hồn con người. Ai biết lãnh nhận với tâm hồn ngay thẳng, người đó sẽ được biến đổi nên giống Chúa Giêsu.

Chúng ta hãy cầu xin cho Dân Chúa tức là Giáo Hội trở nên dấu chỉ của hạt giống và men của Nước Trời trong thế gian này, cho tới ngày Nước Chúa được hoàn tất trong vinh quang.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Những điều kỳ diệu

Song thân của Ðức Maria là những người công chính đã được Thiên Chúa thi ân và được nhận ra chương trình kỳ diệu Ngài thực hiện trong đời sống họ. Thiên Chúa cũng thực hiện những điều kỳ diệu trong đời sống chúng ta. Chúng ta có nhìn thấy và cảm nhận được niềm hạnh phúc được lãnh nhận hồng ân Chúa ban cho hay không. Chúng ta hãy cẩn thận, đừng để niềm hạnh phúc, cái phúc của người được biết và sống với Chúa Giêsu, được nhìn thấy những kỳ công của Chúa trong đời sống vụt mất khỏi tầm tay. Chúng ta đừng để Chúa khiển trách như những kẻ nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu như đã trách những người cùng thời với Chúa và đã được ghi lại trong đoạn Tin Mừng của thánh Mátthêu chúng ta vừa nghe. Ðó là những người không muốn nghe, không muốn hiểu Lời Chúa cũng như không muốn nhìn những kỳ công Chúa đã làm và chẳng cần quan tâm đến con người Giêsu, Ðấng Cứu Thế đang hiện diện giữa họ bởi vì tai họ đã đầy, mắt họ đã mờ, và trí họ ngập tràn những tham vọng của cải vật chất.

Niềm hạnh phúc mau qua, niềm vui mà con người tự tạo ra cùng tôn thờ nó như một thứ thần vì thế không còn có chỗ cho Chúa và những gì thuộc về Người. Lời Chúa đến, ngự lại và sinh hoa trái nơi tâm hồn những ai mừng vui, sẵn sàng mở rộng đón chờ với lòng khao khát niềm hạnh phúc vô biên, đích thực và trường cửu. Thật ra, niềm hạnh phúc đó là Chúa Giêsu vẫn ở với chúng ta luôn mãi trong Lời của Người và bí tích Thánh Thể. Chúng ta hãy lãnh nhận với tinh thần trách nhiệm và với lòng yêu mến chân thành, kẻo tất cả lại trở nên án phạt cho ta nếu ta không xứng đáng như lời thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Côrintô: "Ai nấy phải tự xét mình rồi hãy ăn bánh và uống chén này. Thật vậy, ai ăn và uống, mà không phân biệt được thân thể Chúa là ăn và uống án phạt".

Một cách tích cực hơn, thánh Giacôbê khuyên chúng ta về thái độ và phận vụ của chúng ta phải có đối với Lời Chúa nơi thư của ngài chương 1,22-25 như sau: "Anh em hãy đem Lời Chúa ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình. Ai thiết tha và trung thành tuân giữ luật trọn hảo, luật mang lại tự do. Ai thi hành luật Chúa chứ không nghe qua rồi bỏ, thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm".

Chúng ta đã được chia sẻ với các thánh trong niềm vui của các ngài là những người được cộng tác và thực hiện chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa. Ðó cũng là niềm vui mà chúng ta được cảm nghiệm cách trọn vẹn trong và với Chúa Giêsu. Xin Chúa cho chúng con luôn trung thành với ơn chúng con đã lãnh nhận trong bí tích rửa tội để chúng con sẵn sàng lắng nghe và thực thi thánh ý Chúa trong suốt cuộc đời chúng con.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 3: Một thân thể có tầm vóc Thiên Chúa.

Đức Giêsu còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo vào ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.” (Mt. 13, 31-33)

Hai dụ ngôn này (dụ ngôn hạt cải và nắm men) tóm tắt tất cả lịch sử cuộc đời và sứ điệp Đức Giêsu! sẽ là lầm lạc khi kêu gào cho chủ nghĩa chiến thắng, hoặc hiểu rằng dụ ngôn này chỉ áp dụng cho đời sống thiêng liêng của ta thôi. Khi nói về “Nước Thiên Chúa” Chúa Giêsu không nghĩ đến cá nhân nào, mà chỉ nhìn thân thể mầu nhiệm của Người trong tất cả quá trình khổ nạn và phục sinh, một thân thể ấy không ngừng lớn lên và phát triển.

Thân thể mầu nhiệm.

Thân thể ấy sẽ trải qua những cơn khủng hoảng, tất cả những cơn khủng hoảng của sự phát triển như những nổi loạn để tỏ tính độc lập tự chủ, những cơn bừng dậy của tuổi trưởng thành mà lại phủ nhận mình trưởng thành, không dám nhận trách nhiệm, từ chối cả những niềm vui của tuổi ấy.

Một thoáng nhớ lại lịch sử Giáo hội như thế, cho ta thấy rõ rằng tất cả chúng ta là Nước Thiên Chúa. Khi khẳng định như vậy, thiết tưởng ta không nên kết án lời cự tuyệt mạnh mẽ của những người khác, là tự kiêu tự đại về ưu thế, về chủng tộc được tuyển chọn của họ. Có lẽ đó chỉ là thái độ của một số cá nhân thôi, chứ không phải là giáo huấn của Chúa Giêsu.

Cây mà “Chim trời tới làm tổ trên cành được” Cây ấy đón nhận mọi loài chim chóc, không hề có sự phân biệt, vì cây không loại trừ một con chim nào, nhưng che chở tất cả, là nơi có muôn mầu muôn vẻ thanh bình.

Hạt giống Phúc Âm ấy, nắm men bé nhỏ kia là Đức Kitô và Nước Trời chính là lẽ sống của ta, là nguyên lý cho ta tìm được hạnh phúc và tình yêu.

Hãy làm thành những tế bào của con người.

Một người hoàn toàn hiến thân cho Nước Thiên Chúa, để cho Nước ấy biến đổi, tái tạo mình, thì đúng là tấm men vùi trong môi trường người ấy sống và ảnh hưởng tốt đến môi trường ấy. Sức sống nơi người ấy tác động đến tất cả những người chung quanh. Không phải những biến cố lịch sử lớn lao mới có tác động mạnh mẽ đến đời sống con người, nhưng cả đến những sinh hoạt rất đời thường vẫn diễn ra hằng ngày cũng khiến chúng ta cảm nhận được sức sống này. Khi một người có trái tim đầy tràn yêu thương thì tình yêu của người ấy luôn bộc lộ và tỏa làn sang người khác vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét