GIA ĐÌNH THÁNH TÂM

Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

Chúa Nhật XIII Thường Niên Năm B


CHÚA NHẬT 13 TN B- 1-7-2012
THIÊN CHÚA QUAN TÂM (Mc 5:21-43)

Một giáo sư đại học tự xưng mình là vô thần. Một hôm ông tuyên bố trước mặt các sinh viên rằng ông sẽ chứng minh được là không có Thiên Chúa. Ông chế diễu: "Này Chúa, nếu Chúa thật sự hiện hữu thì tôi muốn Chúa đánh ngã tôi văng khỏi bục giảng này. Tôi cho Chúa đúng 15 phút."

Cả phòng yên lặng, và mười phút trôi qua, ông lại ngạo mạn: "Tôi đang ở đây, và tôi đang chờ đợi."

Một anh lính mới giải ngũ rời khỏi chỗ ngồi đi lên gặp vị giáo sư và tặng ông một cú đấm thật mạnh vào mặt, khiến ông văng khỏi bục giảng, ngã xuống bất tỉnh. Sau đó, anh lính bình tĩnh về chỗ ngồi.

Vị giáo sư dần dần tỉnh lại, nhìn anh lính và hạch hỏi: "Có chuyện gì với anh vậy? Tại sao anh lại đánh tôi?"

Anh lính trả lời: "Thiên Chúa đang quá bận rộn, nên ngài gửi tôi tới." (God is too busy, so He sent me).

Thiên Chúa của chúng ta là Đấng như thế nào? Phải chăng Ngài tạo dựng vũ trụ và rồi thoải mái ngồi chơi xơi nước không để ý chuyện thế gian hay vẫn tiếp tục quan tâm đến cuộc sống của các thụ tạo? Phải chăng Ngài quá bận rộn chăm sóc những nhân vật quan trọng và vì thế không còn đủ thời giờ để săn sóc quan tâm đến những người tầm thường bé nhỏ?

Qua hình ảnh nhân loại của Chúa Giêsu, tin mừng hôm nay đã trình bày khuôn mặt sống động của một Thiên Chúa luôn yêu thương quan tâm:

Đám đông dân chúng đã đang tụ họp lắng nghe Chúa giảng dạy. Đây là dịp tốt thuận lợi để truyền bá giáo lý, nên chắc hẳn Chúa đã chuẩn bị cẩn thận bài nói chuyện. Đang chia sẻ, bỗng dưng chương trình của Chúa bị xáo trộn, khi ông Giairô trưởng hội đường, đến cắt ngang bài nói chuyện và xin Chúa chữa con gái ông sắp chết. Nhìn thấy nỗi khổ của người cha, Chúa đã sẵn lòng hy sinh bỏ chương trình kế hoạch riêng của Chúa để đáp ứng nhu cầu của người cần cứu giúp. Không thấy tin mừng ghi lại Chúa phàn nàn kêu ca vì phải cắt ngang bỏ dở chương trình.

Rồi trên đường đi, Chúa cảm thấy có người đụng chạm, người đó là một người đàn bà bị bệnh loạn huyết. Thật dễ hiểu nếu Chúa có trở nên bất nhẫn với bà: "Tại sao bà lại làm phiền tôi chứ? Bà không thấy rằng tôi đang phải cứu giúp con ông trưởng hội đường khỏi chết sao? Bà và chuyện của bà có thể đợi được mà?"

Nhưng thay vì bất nhẫn hay trách móc, Chúa Giêsu đã nhận thấy người đàn bà cũng đáng thương, và tuy dù bệnh tật của bà không quan trọng bằng chuyện đứa con sắp chết của ông Giairô nhưng cũng là điều thật quan trọng đối với bà. Với lòng thương cảm, Chúa bảo bà: "Này con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh."

Qua đoạn tin mừng hôm nay, chúng ta thấy được hình ảnh của một Thiên Chúa yêu thương quan tâm. Có người bảo: "Ngài không quá bận để điều khiển vũ trụ. Ngài có thời giờ cho những nhân vật quan trọng có tên tuổi như ông Giairô trưởng hội đường, nhưng Ngài cũng có thời giờ cho người tầm thường bé nhỏ như người đàn bà không tên tuổi bị bệnh loạn huyết. Ngài có thời giờ cho Đức Giáo Hoàng, cho các vị lãnh đạo, cho những người quan trọng, và Ngài cũng có thời giờ cho những người tầm thường như chúng ta."

Kiểm điểm lại cuộc sống, có lẽ chúng ta cần phải khiêm nhường xin ơn tha thứ vì rất có thể nhiều lần chúng ta không quá bận như Thiên Chúa nhưng đã không dành thời giờ cho anh chị em khi họ cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Hơn nữa, thay vì ân cần lắng nghe theo dõi đáp ứng những nhu cầu của anh chị em, chúng ta đã nhẫn tâm nhắm mắt bịt tai xua đuổi. Có lẽ còn lâu lắm và không biết đến bao giờ chúng ta mới học được ở nơi Chúa bài học cảm thông nâng đỡ, và được nên giống Chúa?

Nếu ngày hôm xưa Chúa đã có thời giờ cho dân chúng, đáp ứng những nhu cầu của họ, thì ngày hôm nay Ngài cũng có thời giờ cho mỗi người chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta có đi đến với Chúa, và kêu xin Người giúp đỡ?

Nếu Chúa đã có thời giờ cho chúng ta, phải chăng chúng ta cũng có thời giờ cho anh chị em chúng ta? Chúa và anh chị em đang chờ đợi câu trả lời của mỗi người chúng ta.
Lm. Louis M. Nhiên, CMC

"Ai Chạm Đến Ta?"

"Không ai có thế đến với tha nhân nếu chính mình không sẵn sàng chạm đến thân thể của họ. Nếu bạn không sẵn sàng chạm đến một người vô gia cư, một người say rượu hoặc một người thật dơ bẩn, thì chính bạn không sẵn sàng phục vụ cho những người đó." (Nhà Tâm Lý Học Charles Gerkin, Đại Học Emory)

Một cử chỉ chạm, một cái ôm và những cử chỉ êm dịu trực tiếp đụng đến thân thể của tha nhân bày tỏ tình yêu thương và chấp nhận họ cách mãnh liệt hơn những lời nói ngọt ngào có thể đem lại được. Cử chỉ chạm là con đường hai chiều: nó ảnh hưởng đến người thụ động cũng như người chủ động.

Trong cuộc sống, chúng ta, ai cũng đã từng đóng vai chủ động và thụ động; nghĩa là ta đã từng chạm đến người khác cũng như được người khác chạm đến. Tôi nhớ lại những lần viếng thăm nhà dưỡng lão cũng như những tháng làm Tuyên Úy trong nhà thương. Mỗi khi đến thăm những người cô đơn cũng như bệnh nhân, họ đều muốn nắm tay tôi khi nói chuyện. Có những lần tôi cầm tay họ cho đến hơn một tiếng mà họ vẫn chưa muốn buông thả. Qua đó, tôi nhận thấy rằng một cử chỉ nhỏ mọn như cầm tay hoặc xoa nhẹ trên vai đều mang lại cho người được chạm cũng như chính tôi một sự bình an, niềm vui và sức sống mới.

Trong Tin Mừng hôm nay, Thánh Marcô cũng tả lại hai cử chỉ chạm. Trước hết, người đàn bà bị bệnh xuất huyết hành hạ 12 năm chạm đến Chúa Giêsu. Kế đến là Chúa Giêsu chạm đến em bé gái 12 tuổi. Cả hai cái chạm đều mang lại sự sống và niềm vui cho người chạm cũng như người được chạm. Người đàn bà bệnh đã 12 năm chạm đến Chúa và được chữa lành. Em bé 12 tuổi được Chúa chạm đến được hồi phục sự sống. Trong hai câu truyện, Marcô có đề cập đến một chi tiết giống nhau mà ta cần chú ý, đó là chi tiết 12 năm.

Theo phong tục thời đó, tuổi 12 là tuổi được lập gia đình. Cô bé đã chết trước khi được trở nên một người vợ và người mẹ. Người đàn bà bị bệnh hành hạ làm cho không thể sinh con. Cả hai đều có khả năng cộng tác với Chúa để mang sự sống vào thế gian, nhưng một người bị bệnh hành hạ và một người bị cướp mất chính sự sống. Nhưng, nhờ hai cử chỉ đụng chạm, Chúa Giêsu đã không chỉ cứu hai người nữ này khỏi chết, nhưng đã hồi phục chọ họ khả năng sinh con, một khả năng ban sự sống.

Ta cũng nên nhớ là không phải ai chạm đến Chúa cũng được khỏi. Đám đông chạm đến Chúa nhưng không gì xảy ra. Ngược lại, người đàn bà chạm đến Chúa đã mang lại một phép lạ. Điều khác biệt giữa hai cái chạm là mức độ ĐỨC TIN. Người đàn bà tin mạnh nên được khỏi và đám đông chỉ chạm đến Chúa vì hiếu kỳ nên không gì xảy ra.

Trong cuộc sống hằng ngày, ta chạm đến nhiều người cũng như được nhiều người chạm đến ta. Nhưng, thử hỏi ta chạm đến tha nhân bằng cách nào? Cử chỉ chạm của ta đem lại cho họ một niềm vui, sự bình an và an ủi hay chỉ là một cái chạm thông thường?

Đặc biệt hơn nữa, nếu Chúa Giêsu xuất hiện, đi ngang qua và ta có cơ hội để chạm đến gấu áo của Ngài, ta sẽ chạm đến Ngài với một thái độ hiếu kỳ như đám đông hay với một ĐỨC TIN, như của người đàn bà trong Tin Mừng, là mình sẽ được biến đổi? Thật sự, Chúa Giêsu đang hiện diện giữa chúng ta và chúng ta có cơ hội không chỉ chạm đến gấu áo Ngài, nhưng là chính thân thể Ngài. Đây chính là đặc ân ta được hưởng mỗi khi dự Lễ và rước Chúa vào lòng. Chúng ta đã rước Chúa với thái độ nào?

Xin Lời Chúa hôm nay giúp ta ý thức được đặc ân này và tham dự Thánh Lễ chăm chỉ, dọn mình sốt sàng để rước Chúa vào lòng. Nguyện xin Mẹ Maria, người đã không chỉ được chạm đến Chúa nhưng còn được mang chính Chúa trong lòng, giúp ta luôn biết đặt hết tâm hồn và tấm lòng vào những lời ta đọc trước khi rước Chúa, "Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh."

Lm. Quốc Toản, CMC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét