GIA ĐÌNH THÁNH TÂM

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Thứ năm 14/06/2012 – Thứ năm tuần 10 Thường Niên – Sự thánh thiện đích thực

Sự thánh thiện đích thực
14/06 – Thứ năm tuần 10 Thường Niên
"Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt".
  Lời Chúa: Mt 5, 20-26

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu.
"Các con đã nghe dạy người xưa rằng: "Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án". Còn Thầy, Thầy sẽ bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là "ngốc", thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là "khùng", thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa con ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao con cho tên lính canh và con sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho con biết: Con sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng!"
Đó là lời Chúa.

SUY NIỆM 1: Sự thánh thiện đích thực

Chân phước Marchello, một kỹ nghệ gia giàu có người Italia, đã bán hết tất cả gia sản và sang Châu Mỹ La tinh phục vụ những người phong cùi, có kể lại câu chuyện như sau: tại một viện bài phung giữa rừng già miền Amazone, có một người đàn bà thoạt nhìn qua ai cũng thấy đáng thương. Từ nhiều năm qua, vì phong cùi, bà bị chồng con bỏ rơi, bà sống đơn độc trong một túp lều gỗ, mặt mũi đã bị đục khoét đến độ không còn hình tượng con người nữa.

Mang đến cho bà vài món quà, chân phước Marchello hỏi bà:
- Bà làm gì suốt ngày? Có ai đến thăm bà không?
Người đàn bà trả lời:
- Tôi sống đơn độc một mình. Tôi không còn làm được gì nữa, tay chân bại liệt, mắt mũi lại chẳng còn trông thấy gì nữa.
Marchello tỏ ra cảm thông trước nỗi khổ của bà, ngài hỏi:
- Vậy chắc bà phải cô đơn buồn chán lắm phải không?
Người đàn bà liền nói:
- Thưa ngài, không. Tôi cô độc thì có, nhưng tôi không hề cảm thấy buồn hoặc bị bỏ rơi, bởi vì tôi cầu nguyện suốt ngày và tôi luôn cảm thấy có Chúa bên cạnh.
Ngạc nhiên về lòng tin của bà, chân phước Marchello hỏi tiếp:
- Thế bà cầu nguyện cho ai?
Người đàn bà như mở to được đôi mắt mù lòa, bà nói:
- Tôi cầu nguyện cho Ðức Giáo Hoàng, cho các Giám Mục, Linh mục, Tu sĩ. Tôi cầu nguyện cho những người phong cùi bị bỏ rơi, cho các trẻ em mồ côi, cho tất cả những ai giúp đỡ trung tâm này.
Chân phước Marchello ngắt lời bà:
- Bà không cầu nguyện cho bà sao?
Với một nụ cười rạng rỡ, người đàn bà quả quyết:
- Tôi chỉ cầu nguyện cho những người khác mà thôi, bởi vì khi người khác được hạnh phúc, thì tôi cũng được hạnh phúc.

Thái độ sống và cầu nguyện của người đàn bà phong cùi trên đây minh họa cho sự thánh thiện đích thực là người chỉ sống cho người khác, lấy hạnh phúc của người khác làm của mình. Ðể có được thái độ như thế, chắc chắn phải có một đức tin sâu xa, một đức tin luôn đòi hỏi con người nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa trong mọi người và yêu thương mọi người. Như vậy, thánh thiện và bác ái cũng là một: thánh thiện mà không có bác ái là thánh thiện giả hình.

Chúa Giêsu đã đến để đem lại cho sự thánh thiện một nội dung đích thực. Ngài đề ra một mẫu mực thánh thiện hoàn toàn khác với quan niệm và thực hành của người Biệt Phái và Luật Sĩ, tức là những nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó. Theo họ, thánh thiện là chu toàn một cách chi li và máy móc những luật lệ đã được quy định mà không màng đến linh hồn của lề luật là lòng bác ái; họ có thể trung thành tuyệt đối với những qui luật về ăn chay và cầu nguyện, nhưng lại sẵn sàng khước từ và loại bỏ tha nhân.

Ðả phá quan niệm và cách thực hành của những người Biệt Phái và Luật Sĩ, Chúa Giêsu đưa bác ái vào trọng tâm của lề luật; hay đúng hơn, Ngài tóm lại tất cả lề luật thành một luật duy nhất, đó là lòng bác ái. Ai muốn làm môn đệ Ngài, người đó phải vượt qua quan niệm và cách thực hành đạo của những người Biệt Phái và Luật Sĩ, nghĩa là cần phải lấy bác ái làm linh hồn và động lực cho toàn cuộc sống: "Nếu các con không ăn ở công chính hơn những Biệt Phái và Luật Sĩ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời."

Quả thật, nếu an bình, hân hoan, hạnh phúc là thể hiện của Nước Trời ngay trong cuộc sống này, thì chúng ta chỉ được vào Nước Trời, nếu chúng ta biết sống cho tha nhân mà thôi. Sống vui và hạnh phúc, phải chăng không là mơ ước của mọi người, nhưng liệu mỗi người có ý thức rằng bí quyết của hạnh phúc và niềm vui ấy chính là sống cho tha nhân không? Kỳ thực, các thánh là những người đạt được niềm vui và hạnh phúc ấy ngay từ cuộc sống này. Người Tây phương đã chẳng nói: "Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn" đó sao?

Nguyện xin Chúa cho chúng ta luôn biết tìm kiếm và cảm mến được niềm vui và hạnh phúc đích thực trong yêu thương và phục vụ.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Thái độ nửa vời

“Anh em đã nghe người xưa rằng: “Chớ giết người. Ai giết người, thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì phải bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em là đồ ngốc, thì phải bị đưa ra trước thượng hội đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì phải lửa hỏa ngục thiêu đốt.” (Mt. 5, 21-22)
Làm như mọi người
Xã hội nào cũng có những luật lệ, quy tắc, những điều được làm, những điều cấm đoán, mà người ta phải tôn trọng, nếu không cuộc sống của người khác sẽ gặp trắc trở phiền hà. Nói chung mọi người đều được yêu cầu đừng vượt quá giới hạn. Phải giữ một mức cư xử tốt đẹp tối thiểu hoặc cùng lắm cũng phải tỏ ra có tình người thật.

Không ăn trộm ăn cắp, không làm thiệt hại tài sản người khác, không mưu hại mạng sống và sức khỏe của ai, không làm giầu cách gian lận, tuân theo luật lệ giao thông. Đó là đại khái những loại luật lệ quy tắc mà ta phải tuân thủ. Khi chu toàn được những điều này – tuy không phải lúc nào cũng dễ dàng – ta thường khá hài lòng về mình. Thiên hạ coi những ai giữ trọn được như vậy, chẳng phải anh hùng thì ít ra cũng là những con người lương thiện, những công dân tốt.

Làm hơn được chăng?

Chúa Giêsu còn đòi hỏi nhiều hơn thế. Chúa đòi hỏi những ai tin vào Người phải có lòng tốt, lòng quảng đại, sự hiến thân mỗi ngày phải tiến xa hơn nhiều. Xã hội bất quá kêu gọi tôn trọng công bình. Còn Chúa Giêsu lại mời gọi người ta sống yêu thương. Dưới con mắt Chúa, công bình chỉ là một thái độ nửa vời, hoặc nên gọi là không trọn mức cũng được. Nếu chỉ cư xử với nhau theo đức công bình, ta chỉ mới được nửa đường tới dích thôi. Chúa mốn ta giữ đức công bình được tình yêu làm cho thăng hoa tốt đẹp. Đành rằng phải có đức công bình để con người có thể cùng nhau chung sống, nhưng không đủ cho con người được sống hạnh phúc.

Chúng ta thường chỉ coi đức công bình là đủ, như vậy là ta cũng chỉ có thái độ nửa vời. Những người có thái độ nửa vời, sẽ chẳng được vào Nước Trời đâu.

SUY NIỆM 3: Tha thứ và hòa giải

Timothy McVeigh, người đã đặt bom sát hại một trăm sáu mươi tám người, trong đó có mười chín trẻ em dưới sáu tuổi, tại Oklahoma City hồi năm 1995, đã bị xử tử tại một nhà tù thuộc bang Indiana sáng thứ hai 6/6/2001. Có lẽ anh là người tử tội bị oán ghét nhất trong lịch sử nước Mỹ. Người ta đọc được sự oán ghét ấy qua thân nhân của những người bị sát hại trong vụ đặt bom. Diana Prater, một người sống sót sau vụ đặt bom nói rằng bà chờ đợi ngày này khi McVeigh bị bắt giữ. Bà nói như sau:
- Giờ đây, tên hèn nhát này không còn sát hại trẻ thơ của ai nữa.
Một người đàn bà bảy mươi tuổi có người con trai bị giết trong vụ đặt bom đã bay từ Oklahoma City đến nơi hành quyết để xem cho bằng được những giây phút cuối đời của tên sát nhân. Bà nói:
- Tôi cảm thấy nhẹ nhõm sau khi anh ta ra đi. Anh ta đã sống quá lâu.
Một người đàn ông có người con gái hai mươi bảy tuổi bị sát hại đã nói lên tất cả sự phẫn nộ của mình như sau:
- Theo tôi, người ta phải đưa hắn về Oklahoma và qui tụ tất cả các gia đình nạn nhân và những người sống sót lại để ném đá hắn. Ném từ từ cho đến khi hắn chết.

Một người đàn ông khác mang tấm hình của con gái bị sát hại vào phòng xử. Ông cho biết rằng ông muốn chứng kiến cảnh phòng xử kẻ sát nhân bị hành quyết, vì ông tin rằng con gái ông cũng muốn thế.

Một người sống sót thì phát biểu rằng ông rất lấy làm tiếc là ông không được cho phép nhìn thẳng vào mắt kẻ tử tội trước khi anh ta chết.

Người ta hiểu được những phản ứng trên đây của thân nhân của các nạn nhân bị sát hại, nhất là khi kẻ tử tội không hề tỏ bất cứ một dấu hiệu hối hận nào. Rất nhiều người đồng tình với cơn giận trên đây, nhưng cũng có một số ít người chống lại án tử hình. Họ đã canh thức đúng một trăm sáu mươi tám phút trước giờ hành quyết. Mỗi phút thinh lặng là để tưởng niệm một nạn nhân, họ không đồng ý với cuộc hành quyết nhưng họ muốn bảo đảm rằng các nạn nhân cần phải được tưởng nhớ. Người phát ngôn của nhóm này là ông Humous đã đứng trước nhà tù ba ngày liền trước khi McVeigh bị hành quyết. Ông nói như sau:

- Hầu hết mọi người Mỹ đều oán ghét Tim McVeigh. Nhưng Chúa Giêsu vẫn còn yêu thương anh.

Chỉ trong đức tin, người ta mới có thể nói được như thế. Quả thực, cho dù Timothy McVeigh có bị oán ghét và chính anh cũng chối bỏ mọi thứ tình thương, kể cả tình thương của Thiên Chúa, anh vẫn được Chúa Giêsu yêu thương. Chúa Giêsu yêu thương kẻ thù của mình. Toàn bộ giáo huấn về yêu thương và tha thứ của Ngài chỉ thực sự ứng nghiệm khi từ trên thập giá, Ngài đã cầu nguyện xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đã và đang hành hạ Ngài.

Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta lắng nghe lại giáo huấn ấy. Giải thích về giới răn thứ năm, Chúa Giêsu không những cấm giết người, Ngài còn lên án bất cứ hành động nào xúc phạm đến phẩm giá con người, dù con người ấy có là kẻ thù của mình. Ðối với bạo lực, Ngài kêu gọi tha thứ và hòa giải. Người tín hữu Kitô lên án bạo lực, chống lại bạo quyền nhưng không lấy bạo lực làm phương tiện tranh đấu, không lấy ác báo ác. Và ngược lại, bất cứ ai sống theo tinh thần bất bạo động cũng đều là môn đệ của Chúa Kitô.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét