GIA ĐÌNH THÁNH TÂM
Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012
Hai tư tế 22/06 – Thứ sáu tuần 11 Thường Niên
"Kho tàng con ở đâu, thì lòng con cũng ở đó".
Lời Chúa: Mt 6, 19-23
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đừng tích trữ cho mình kho tàng dưới đất: là nơi ten sét mối mọt sẽ làm hư nát, và trộm cướp sẽ đào ngạch lấy mất, nhưng các con hãy tích trữ cho mình kho tàng trên trời: là nơi không có ten sét, mối mọt không làm hư nát, trộm cướp không đào ngạch lấy mất: Vì kho tàng con ở đâu, thì lòng con cũng ở đó. Con mắt là đèn soi cho thân xác con. Nếu mắt con trong sáng, thì toàn thân con được sáng. Nhưng nếu mắt con xấu kém, thì toàn thân con phải tối tăm. Vậy nếu sự sáng trong con tối tăm, thì chính sự tối tăm, sẽ ra tối tăm biết chừng nào?"
SUY NIỆM 1: Hai tư tế
Trong điện Vatican, có treo một bức họa nổi tiếng của Rafaelo mang tên là “trường phái Athène”, mô tả dung mạo và sứ điệp của hai triết gia Hy Lạp là Aristote và Platon. Danh họa Rafaelo mô tả Aristote đứng vững trên mặt đất, một tay cầm cuốn sách luân lý, một tay chỉ xuống mặt đất; còn Platon thì được vẽ hai chân chỉ chạm nhẹ mặt đất, một tay cầm cuốn sách, một tay chỉ về trời cao. Trong hai tư thế khác nhau này, Rafaelo muốn nói lên khía cạnh nổi bật của thiên tài Hy Lạp, đồng thời là hai chiều kích căn bản của ơn gọi làm người, đó là chinh phục mặt đất, đồng thời vượt qua vật chất, vượt khỏi tầm mức những gì thấy được; vừa dấn thân trong lãnh vực trần thế, vừa biết hướng về trời cao và những giá trị đời đời.
Tin mừng mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay cũng mời gọi chúng ta đang sống trong ơn gọi trên trần gian, nhưng hãy biết hướng về trời cao, nơi tích chứa của cải đích thực. Tin Mừng nhắc đến hai tư tưởng: một mời gọi con người hướng về trời, một mời nói lên vai trò của mắt, không phải mắt thân xác, nhưng là mắt tinh thần, mắt đức tin hướng dẫn cuộc sống con người. Suy nghĩ kỹ, chúng ta có thể nhận ra được liên hệ giữa hai tư tưởng này. Sự tăm tối tinh thần là điều đáng sợ hơn cả, vì không nhận thấy đâu là điều phúc thật của con người. Do mù quáng tinh thần và chỉ nhận của cải, danh vọng, quyền bính là phúc thật, con người sẽ tìm cách có được những thứ ấy càng nhiều càng tốt. “Kho tàmg của con ở đâu, thì lòng con ở đó”. Ðó là định luật tâm lý tự nhiên của con người. Nếu tôi chỉ nhìn thấy lý tưởng của mình trong việc thu tích của cải, danh vọng, quyền thế, thì làm sao tôi có thể hướng nhìn trời cao và số phận đời đời của con người.
Xin Chúa thanh tẩy và soi sáng con mắt tinh thần chúng ta, để chúng ta có thể nhận ra đâu là điều thiện hảo và qui hướng về đó mà tiến tới.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 2: Sống điều cốt lõi
“Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, nơi kẻ trộm khoét vách và lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được.” (Mt. 6, 19-20)
Mới chịu tin có một nửa
Trong cuộc sống có nhiều chuyện làm ta phải vất vả và tiêu tốn, dầu biết rằng nó chẳng bao giờ đem lại hạnh phúc trọn vẹn cho ta. Người ta gọi những cái đó là tiền bạc, tiện nghi, thú vui, địa vị, thăng thưởng… Những cái đó không có gì là xấu cả, nếu ta biết xử dụng tốt. Những thứ đó có thể mang lại cho ta ít nhiều hạnh phúc và tọai nguyện. Chẳng ai lại khinh miệt những thứ đó. Ta đâu phải là những thiên thần. Và những của cải trần gian có đó không phải để làm cho con người thoái hóa, nhưng là giúp thăng tiến.
Tuy nhiên nếu chỉ bám víu vào của cải và coi đó như tiền cọc cho ta tìm hớn hở và sống an bình thì lầm đường rồi. Người ta đã nói nhiều và nói đi nói lại điều này rồi. Chúng ta chịu tin đấy, nhưng chưa trọn vẹn, vì nếu không hẳn chúng ta sẽ chú tâm hơn nữa để tìm kiếm những thực tại khác, còn quý hơn cả những của cải trần gian, vì nó có thể làm cho ta thành những con người hạnh phúc.
Những của cải quý giá hơn
Những thực tại kia tiềm ẩn ngay trong nội tâm ta, chứ không ở bên ngoài.Những thực tại ấy không nằm trong diện sở hữu, nhưng là thực thể thuộc về hiện hữu của ta. Nếu muốn gọi tên những thực thể đó, người ta sẽ gọi là tinh thần phục vụ, là sự hiến thân quên mình. Người ta cũng gọi nó là tình nghĩa bạn bè, là bình an nội tâm, là sự sống thiêng liêng. Đó là những kho báu đích thực mà Phúc âm nói đến. Kho tàng đó ở trong nội tâm ta và người ta không thể dùng tiền bạc mà mua sắm được.
Cái làm cho đời sống ta có phẩm chất, không phải là những của cải quý giá mà ta có, nhưng là phẩm chất của tâm hồn và ý hướng của ta. Đó chính là khả năng ta có, khả năng dám sống mạo hiểm một cách cao đẹp với những người ta yêu thương, và mạo hiểm một cách đặc biệt với Thiên Chúa Đấng yêu thương ta. Tiếc rằng chúng ta lo lắng quá nhiều đến cái là hời hợt và thứ yếu, còn cái là cơ bản và cốt lõi trong đời, thì lại không để tâm cho đủ.
SUY NIỆM 3: Điểm lợi thú của chúng ta ở đâu?
Con người tôn giáo xây dựng bản ngã mình theo điều họ ao ước, điều họ hướng đến, tìm kiếm, nói cách khác, kho tàng của họ. Không thể tích trữ cùng một lúc hai kho tàng, một ở dưới đất và một ở trên trời. Phải chọn lựa. Hôm nay Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: Phúc Âm không thể trung lập. Phúc Âm đòi hỏi dấn thân. Phúc Âm đòi hỏi con người không được chia sẻ giữa hai kho tàng nhưng phải dấn thân theo đuổi một trong hai mà thôi. Môn đệ Đức Kitô từ chối dấn thân con người mình, đời sống mình vào những của cải chóng tàn của một thế giới đi vào hư vô. Trái lại hãy dấn thân vào cái hơn là bất diệt nữa. “Trời” ở đây không phải là một sự vật, nhưng là một Con người. Môn đệ Đức Kitô phải dấn thân cho Đức Kitô, phó thác cho Đức Kitô, sống vì Đức Kitô, làm những công việc của Đức Kitô. Điều họ tìm kiếm là xây dựng bản ngã, số phận, hạnh phúc mình trong Đức Kitô. Cần phải nhớ Đức Kitô đã hiến tất cả công việc và mạng sống cho anh chị em mình. Chính nhờ một đường lối như thế mà người Kitô hữu tích trữ kho tàng trên trời.
Cũng như việc quyến luyến với một kho tàng nào liên kết số phận vào đó, cũng thế con mắt điều khiển các thái độ của thân thể: Chúng ta đang đứng trước một kiểu nói đặc biệt của Kinh Thánh.
Thân thể là con người cụ thể. Mắt đóng vai trò lôi kéo tất cả con người vào sự sống hay sự chết. Mắt và con người góp phần tích cực trong việc lựa chọn chúng muốn. Nếu mắt rộng mở, nghĩa là khi hiểu biết rõ ràng, con người quyết định bằng một lựa chọn tốt, lúc bấy giờ toàn con người ở trong ánh sáng. Đức Kitô mời gọi chúng ta hãy “ngước mắt” nhìn về những gì tốt lành, chân thật, công minh, tươi đẹp, nhưng chớ “ngước mắt” trên những gì có thể lôi cuốn chúng ta vào bóng tối sự gian dối và sự dữ. Đâu là những chọn lựa của chúng ta về sách báo, phim ảnh, bạn bè…?
Mắt tôi, tức là sự chú ý của tôi, có được định hướng nhờ một sự lựa chọn tình bạn cao cả nhất, tình bạn với Đức Kitô không?
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét