GIA ĐÌNH THÁNH TÂM
Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012
ĐỨC THÁNH CHA BENEDICT Sứ điệp ngày thế giới cầu cho ơn gọi 2012
ĐỨC THÁNH CHA BENEDICT
Sứ điệp ngày thế giới cầu cho ơn gọi 2012
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Biển Đức 16 nhân Ngày Thế Giới cầu cho ơn gọi
VATICAN. Chúa nhật thứ tư Phục Sinh, 29-4-2012 tới đây là Ngày Thế giới cầu cho Ơn Gọi lần thứ 49, với chủ đề ”Ơn gọi, hồng ân tình thương của Thiên Chúa”.
Tình hình ơn gọi trong Giáo Hội vừa mừng vừa lo: mừng vì sự gia tăng tại các Giáo Hội trẻ, nhưng tại các Giáo hội Kitô kỳ cựu, ơn gọi tiếp tục giảm sút, nhất là nơi các dòng tu.
Thực vậy, theo niên giám 2012 của Tòa Thánh mới công bố ngày 10-3 vừa qua, số tín hữu Công Giáo trên toàn thế giới tiếp tục gia tăng, lên tới 1 tỷ 200 triệu người, nhưng nhân sự của Giáo Hội, số các LM tuy có phần gia tăng nhưng chậm hơn nhiều, không đủ đáp ứng nhu cầu của các tín hữu. Đáng lo nhất là số nữ tu tiếp tục giảm sút trầm trọng: năm 2010 có gần 722 ngàn chị (721,935) tức là giảm mất 7.436 chị. Trong 40 năm qua, số nữ tu của Giáo Hội giảm mất một nửa: từ gần 1,4 triệu xuống còn hơn 700 ngàn như hiện nay. Riêng tại Hoa Kỳ, cách đây 40 năm có 119 ngàn nữ tu, nhưng nay chỉ còn lại 57 ngàn chị, tức là gần một nữa.
Số chủng sinh gia tăng những vẫn còn quá ít ỏi so với nhu cầu lớn lao của Giáo Hội, chẳng những trong việc mục vụ cho các tín hữu và nhất là đối với công trình đẩy mạnh việc rao giảng Tin Mừng cho những người chưa biết Chúa.
Như mọi năm, ĐTC đều cho công bố một sứ điệp để giúp các tín hữu đào sâu ý nghĩa của Ngày này và quảng đại góp phần vào việc khơi dậy, hướng dẫn và nuôi dưỡng ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến trong Giáo Hội. Ngài đặc biệt kêu gọi các vị mục tử và các thành phần khác của Giáo Hội hãy ân cần lắng nghe những người cảm thấy tiếng Chúa gọi sống đời LM hoặc đời sống thánh hiến, và tạo điều kiện cho các ơn gọi ấy được triển nở. Sau đây là nguyên văn Sứ điệp của ĐTC. Ngài viết:
”Ơn gọi, hồng ân tình thương của Thiên Chúa”
Anh chị em thân mến,
Ngày Thế giới cầu cho ơn gọi lần thứ 49, sẽ được cử hành vào ngày 29-4-2012, Chúa nhật thứ tư Phục Sinh, mời gọi chúng ta suy tư về đề tài: ”Ơn gọi, hồng ân tình thương của Thiên Chúa”.
Nguồn mạch của mỗi hồng ân hoàn hảo là Thiên Chúa Tình Thương - Deus caritas es -: ”ai ở trong tình thương thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người ấy” (1 Ga 4,16). Kinh Thánh kể lại lịch sử liên hệ nguyên thủy giữa Thiên Chúa và nhân loại, đi trước cả công trình tạo dựng. Thánh Phaolô, khi viết cho các tín hữu Kitô ở thành Ephêsô, đã dâng lên bài ca tạ ơn và chúc tụng Chúa Cha, Đấng đã thực hiện ý định cứu độ phổ quát của Ngài qua dòng thời gian, theo lượng từ nhân vô biên của Ngài, ý định ấy chính là một ý định thương yêu. Thánh Tông Đồ quả quyết: trong Đức Giêsu Con của Ngài, Thiên Chúa ”đã chọn chúng ta trước khi tạo thành vũ trụ để chúng ta được nên thánh thiện và không tỳ ố trước mặt Ngài trong đức ái” (Ep 1,4). Chúng ta được Thiên Chúa yêu thương ”trước” khi chúng ta sinh ra! Hoàn toàn do tình thương vô điều kiện thúc đẩy, Chúa đã “tạo dựng chúng ta từ hư vô” (Xc 2 Mac 7,28) để dẫn đưa chúng ta đến sự hiệp thông trọn vẹn với Ngài.
”Kinh ngạc trước công trình quan phòng của Thiên Chúa, tác giả Thánh vịnh đã thốt lên: ”Khi thấy các tầng trời, trong công trình tay Chúa dựng nên, mặt trăng và các tinh tú Chúa đã tạo thành, thì con người có là chi mà Chúa nhớ đến, phàm nhân có là gì mà Chúa phải quan tâm?” (Tv 8,4-5). Vì thế, chân lý sâu xa về cuộc sống chúng ta được gồm tóm trong mầu nhiệm lạ lùng này là: mỗi thụ tạo, đặc biệt là con người, đều là kết quả một ý nghĩ và một hành vi yêu thương của Thiên Chúa, tình yêu vô biên, trung tín, vĩnh cửu (Xc Gr 31,3). Sự khám phá thực tại này thay đổi thực sự cuộc sống của chúng ta một cách sâu đậm. Trong một trang nổi danh của cuốn “Tự Thú”, Thánh Augustinô diễn tả một cách nồng nhiệt khám phá của ngài về Thiên Chúa vẻ đẹp tột đỉnh và là tình thương tột độ, một vị Thiên Chúa luôn gần gũi với thánh nhân, Đấng mà sau cùng thánh nhân đã cởi mở tâm trí để được biến đổi: ”Lạy Chúa là vẻ đẹp rất cổ kính và rất mới mẻ, con yêu Chúa quá chậm! Đúng vậy, Chúa đã ở trong con và con ở ngoài. Con đã tìm Chúa ở ngoài. Bất hạnh thay, con đã lao mình vào những thụ tạo kiều diễm của Chúa. Chúa ở trong con, nhưng con lại không ở với Chúa. Các thụ tạo ấy đã giữ con xa Chúa, chúng chẳng hiện hữu nếu không ở trong Chúa. Chúa gọi con, Chúa kêu con và phá vỡ sự điếc của con; Chúa chiếu sáng, và ánh quang huy hoàng của Chúa phá tan sự mù quáng của con; Chúa tỏa hương thơm, và con thở hít, khao khát Chúa, niếm hưởng Chúa và con đói khát; Chúa chạm đến con, và con nồng cháy mong ước an bình của Chúa” (X, 27.38). Với những hình ảnh đó, Thánh Giám Mục thành Hippone tìm cách mô tả mầu nhiệm khôn tả về cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, với Tình Thương của Chúa biến đổi toàn thể cuộc sống.
Đó là một tình yêu không chút dè dặt đi trước chúng ta, nâng đỡ chúng ta và kêu gọi chúng ta suốt trong hành trình cuộc sống và có căn cội trong sự nhưng không tuyệt đối của Thiên Chúa.
Khi nói về sứ vụ linh mục, vị tiền nhiệm của tôi, Đức Chân Phước Gioan Phaolô 2, khẳng định rằng ”Mỗi hành vi thừa tác dẫn đến sự yêu mến và phục vụ Giáo Hội, thì đồng thời cũng giúp tăng trưởng ngày càng sâu rộng hơn sự yêu mến và phụng sự Chúa Giêsu Kitô là Đầu, là Mục Tử và là Hôn Phu của Giáo Hội; tình yêu này luôn được coi như lời đáp trả tình yêu ân cần, tự nguyện và nhưng không của Thiên Chúa trong Chúa Kitô” (Tông Huấn Pastores dabo vobis, 25). Thực vậy, mỗi ơn gọi đặc thù đều nảy sinh từ sáng kiến của Thiên Chúa, là hồng ân tình thương của Chúa! Chính Chúa đi ”bước đầu” chứ không phải vì sự tốt lành đặc thù nào nơi chúng ta, đúng hơn đó là do sự hiện diện của chính tình thương Chúa được ”đổ xuống trong tâm hồn chúng ta nhờ Thánh Linh” (Rm 5,5).
Trong mọi thời đại, nơi nguồn cội ơn gọi của Chúa, đều có sáng kiến tình thương vô biên của Thiên Chúa, Đấng tỏ mình trọn vẹn trong Đức Giêsu Kitô. Như tôi đã viết trong Thông điệp đầu tiên của tôi ”Deus caritas est - Thiên Chúa là Tình Thương”, ”trong thực tế Thiên Chúa trở nên hữu hình bằng nhiều cách. Trong lịch sử tình thương mà Kinh Thánh thuật lại cho chúng ta, Chúa đến gặp chúng ta, Ngài tìm cách chinh phục chúng ta, cho đến Bữa Tiệc Ly, cho đến khi Con Tim của Ngài bị đâm thâu qua trên thập giá, cho đến những cuộc hiện ra của Đấng Phục Sinh và những công trình to lớn nhờ đó, Ngài hướng dẫn hành trình của Giáo Hội sơ khai, qua những hoạt động của các Tông Đồ. Cũng vậy, trong lịch sử sau đó của Giáo Hội, Chúa không hề vắng mặt: Ngài luôn luôn đến gặp gỡ chúng ta - qua những người phản ánh Chúa; qua Lời của Ngài, trong các Bí tích, nhất là trong Thánh Thể” (n.17).
Tình yêu của Thiên Chúa tồn tại mãi mãi, trung tín với chính mình, với ”lời Ngài hứa qua muôn thế hệ” (Tv 105,8). Vì thế, cần tái loan báo, nhất là cho các thế hệ trẻ, vẻ đẹp có sức mời gọi của tình yêu Chúa, đi trước và tháp tùng: chính Chúa là mùa xuân bí mật, là động lực không hề thiếu, cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.
”Anh chị em thân mến, chúng ta phải cởi mở cuộc sống đối với tình yêu Chúa, và đối với tình yêu hoàn hảo của Chúa Cha (Xc Mt 5,48) mà Chúa Giêsu Kitô hằng ngày nhắc nhở cho chúng ta! Mẫu mực cao cả nhất của đời sống Kitô hệ tại yêu mến ”như” Thiên Chúa; đây là một tình thương được biểu lộ qua sự hiến thân trọn vẹn một cách trung thành và phong phú”. Với nữ tu bề trên Đan viện ở Segovia, đau buồn vì thánh nhân bị treo chức trong những năm ấy, Thánh Gioan Thánh Giá trả lời và mời gọi chị nữ tu ấy hãy hành động theo ý định Thiên Chúa: ”Chị đừng nghĩ đến những gì khác ngoài điều này là tất cả đều do Thiên Chúa an bài, và nơi nào không có tình yêu, thì chị hãy mang tình yêu vào và chị sẽ nhận được tình yêu” (Epistolario, 26).
Trên thửa đất hiến dâng ấy, mọi ơn gọi nảy sinh và tăng trưởng, trong sự cởi mở yêu mến Thiên Chúa và như hoa trái của tình yêu ấy. Và chính khi kín múc từ nguồn mạch đó trong kinh nguyện, siêng năng gặp gỡ Lời Chúa và các bí tích, đặc biệt là phép Thánh Thể, ta có thể sống tình yêu thương đối với tha nhân, nơi họ ta học cách nhận ra tôn nhan Chúa Kitô (Xc 25,31-46). Để diễn tả mối liên hệ không thể tách rời giữa ”hai tình yêu ấy” - mến Chúa và yêu người - nảy sinh từ cùng nguồn mạch thần linh và qui hướng về nguồn mạch ấy, Thánh Gregorio Cả Giáo Hoàng dùng thí dụ cây nhỏ bé: ”Trong thửa đất tâm hồn chúng ta (Thiên Chúa) đã trồng trước tiên là gốc rễ tình yêu đối với Ngài và sau đó tình yêu huynh đệ phát triển như những cành lá” (Moralium Libri, sive expositio in Librum B. Job, Lib. VII, cap. 24, 28; PL 75, 780D)
Hai kiểu diễn tả cùng một tình yêu duy nhất của Chúa như thế phải được những người quyết định bắt đầu hành trình phân định ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến sống một cách đặc biệt khẩn trương và với con tim tinh tuyền. Sống mến Chúa yêu người như thế là yếu tố quan trọng. Thực vậy, tình yêu đối với Thiên Chúa, Đấng mà các linh mục và tu sĩ trở thành những hình ảnh hữu hình, tuy là luôn luôn bất toàn - chính là động lực thúc đẩy đáp lại lời mời gọi thánh hiến một cách đặc biệt cho Chúa qua sự thụ phong linh mục hoặc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm. Câu trả lời hăng hái của thánh Phêrô với Chúa: ”Thầy biết rõ là con yêu mến Thầy” (Ga 21,15) chính là bí quyết sống hiến dâng và sống trọn vẹn, nhờ đó được đầy tràn đầy vui mừng sâu xa.
Một sự biểu lộ cụ thể khác về tình yêu, lòng yêu người, nhất là đối với những người túng thiếu và đau khổ nhất, là sự thúc đẩy quyết liệt biến LM và người thánh hiến thành một người khơi dậy tình hiệp thông giữa dân chúng và là người gieo vãi hy vọng. Quan hệ giữa những người thánh hiến, nhất là linh mục, với cộng đoàn Kitô thật là điều sinh tử và cũng trở điều cơ bản đối với chân trời tình cảm của họ. Về điểm này, Thánh Cha Sở họ Ars thường lập lại: ”Làm linh mục không phải là cho bản thân mình; nhưng là cho anh chị em” (Le curé d'Ars. Sa pensée - Son coeur, Foi Vivante, 1966, p.100).
Anh chị em thân mến trong hàng giám mục, linh mục, phó tế, những người nam nữ thánh hiến, các giáo lý viên và nhân viên mục vụ, và tất cả anh chị em là những người dấn thân trong lãnh vực giáo dục các thế hệ trẻ, tôi tha thiết nhắn nhủ anh chị em hãy chăm chú lắng nghe những người ở trong cộng đoàn giáo xứ, các hội đoàn và phong trào khi họ nhận thấy có những dấu hiệu về ơn gọi linh mục hoặc đời sống thánh hiến đặc biệt. Điều quan trọng là tạo nên trong Giáo Hội những điều kiện thuận lợi để họ có thể đi tới chỗ thưa ”xin vâng” quảng đại đáp lại tiếng gọi yêu thương của Thiên Chúa.
Một nghĩa vụ trong việc mục vụ ơn gọi là cống hiến những điểm định hướng để hành trình được kết quả. Yếu tố chủ yếu là yêu mến Lời Chúa, vun trồng một sự quen thuộc ngày càng gia tăng với Kinh Thánh và chăm chú và kiên trì cầu nguyện riêng và chung, để có thể nghe thấy tiếng Chúa gọi giữa bao nhiêu tiếng nói làm đầy đời sống thường nhật. Nhưng nhất là Thánh Thể là ”trung tâm sinh tử” của mỗi hành trình ơn gọi: chính trong Thánh Thể mà tình yêu Thiên Chúa đánh động chúng ta trong hy tế của Chúa Kitô, biểu lộ hoàn hảo tình yêu và chính trong Thánh Thể chúng ta luôn luôn tái học hỏi cách sống tình yêu Chúa ”ở mức độ cao”. Lời Chúa, kinh nguyện và Thánh Thể là kho tàng quí giá để hiểu vẻ đẹp của một cuộc sống hoàn toàn tận hiến vì Nước Trời.
Tôi cầu mong rằng các Giáo Hội địa phương, qua các thành phần khác nhau, trở thành ”nơi” chăm chú phân định và kiểm chứng sâu xa về ơn gọi, mang lại cho người trẻ nam nữ một sự đồng hành khôn ngoan và vững chắc về tinh thần. Qua cách thức ấy, cộng đồng Kitô trở thành một sự biểu lộ Tình Yêu của Thiên Chúa Đấng giữ gìn nơi mình mọi ơn gọi. Năng động ấy đáp ứng những đòi hỏi của giới răn mới của Chúa Giêsu. Nó có thể diễn ra một cách hùng hồn và đặc biệt trong các gia đình gia đình Kitô, tình yêu gia đình vốn là sự diễn tả tình yêu của Chúa Kitô, Đấng đã hiến mình vì Giáo Hội (Xc Ep 5,32). Trong các gia đình, ”là những cộng đoàn sống động và yêu thương” (GS 48), người trẻ có thể cảm nghiệm tuyệt vời về tình yêu dâng hiến ấy. Thực vậy các gia đình không những là nơi ưu tiên để huấn luyện về nhân bản và Kitô, nhưng có thể là ”chủng viện đầu tiên và tốt đẹp về ơn gọi sống đời thánh hiến cho Nước Chúa” (Gioan Phaolô 2, Tông Huấn Familiaris consortio, 53), giúp tái khám phá trong gia đình vẻ đẹp và tầm quan trọng của chức linh mnục và đời sống thánh hiến. Các vị Mục Tử và tất cả các tín hữu giáo dân hãy luôn biết cộng tác để trong Giáo Hội có thêm nhiều ”nhà và trường hiệp thông” theo kiểu mẫu Thánh Gia thất Nazareth, phản ánh một cách hài hòa trên trái đất cuộc sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Với những mong ước ấy, tôi thành tâm ban Phép Lành Tòa Thánh cho anh em đáng kính trong hàng giám mục, cho các linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ và toàn thể giáo dân, đặc biệt là những người trẻ nam nữ, với tâm hồn ngoan ngoãn đang lắng nghe tiếng Chúa, sẵn sàng đón nhận tiếng gọi với lòng gắn bó và trung thành.
Vatican ngày 18 tháng 10 năm 2011
Biển Đức 16, Giáo Hoàng
G. Trần Đức Anh OP chuyển ý
Vài con số thống kê về tình hình ơn gọi tại Âu Mỹ
VATICAN. Chúa nhật thứ tư Phục Sinh, 29-4-2012, là Ngày Thế giới cầu cho Ơn Gọi lần thứ 49, với chủ đề ”Ơn gọi, hồng ân tình thương của Thiên Chúa”.
Tình hình ơn gọi trong Giáo Hội vừa mừng vừa lo: mừng vì sự gia tăng tại các Giáo Hội trẻ, nhưng tại các Giáo hội Kitô kỳ cựu, ơn gọi tiếp tục giảm sút, nhất là nơi các dòng tu. Tuy nhiên, cũng có một tin đặc biệt vui mừng đó là, tại Mỹ, sau 10 năm bão tố từ 2001 đến 2011, do những vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên gây ra, làm cho Giáo Hội này bị thiệt hại tài chánh hàng tỷ mỹ kim, nhưng nay về phương diện ơn gọi, Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ đang phục hồi đáng kể.
Phục hồi ơn gọi linh mục tại Mỹ
Thực vậy, trong năm 2011 có 467 tân linh mục tại Mỹ, và điều đáng nói là chủng viện tại Tổng giáo phận Boston trở thành biểu tượng của sự phục hồi. Boston vốn bị coi là trung tâm ”địa chấn” của những vụ tố giác lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, từ đó lan sang nhiều giáo phận khác tại Mỹ. ĐHY Bernard Law, TGM giáo phận này, đã phải từ chức vì bị cáo là đã thuyên chuyển một số LM lạm dụng, từ giáo xứ này sang giáo xứ khác thay vị loại họ khỏi hàng giáo sĩ. Nhưng năm nay, ĐHY Sean Patrick O'Malley, dòng Capuchino, TGM giáo phận Boston, đã phải từ chối nhiều đơn xin gia nhập chủng viện giáo phận, vì không đủ chỗ.
Cả nhật báo tài chánh Wall Street Journal ở New York cũng nói đến sự gia tăng bất ngờ về ơn gọi linh mục ở Mỹ, với một cuộc điều tra về điều mà họ gọi là ”Công Giáo chiến thắng”. Báo này cho rằng sự phục hồi như vậy là do hàng ngũ GM mới tại nước này có khuynh hướng bảo thủ, nhưng có óc sáng tạo, theo chiều hướng của ĐGH Biển Đức 16 hiện nay.
Sự kiện tích cực trên đây tại Hoa Kỳ là điều trái ngược với tình trạng chung tại các nước tây phương khác. Năm ngoái, hơn một nửa các tân LM tại Hoa Kỳ ở lứa tuổi từ 25 đến 34. Và liên tiếp trong 5 năm trời, con số các cuộc truyền chức LM tại đây gia tăng. Trong số các tân linh mục tại nước này có cả những người tị nạn đến từ các nước bị bách hại, các cựu chiến binh, các cựu mục sư Tin Lành và Anh giáo, hoặc giáo sĩ từ các tôn giáo khác trở lại. Số ơn gọi LM gốc Việt Nam tại Mỹ vào khoẳng 5% tổng số ơn gọi toàn quốc.
Các con số trích từ Niên giám thống kê của Giáo Hội Công Giáo hoàn vụ cho thấy rõ trên toàn Giáo Hội, ơn gọi gia tăng nhờ các nước thuộc thế giới thứ ba. Con số các chủng sinh và tu sinh ban triết học và thần học tại các chủng viện giáo phận hoặc trong các học viện của các dòng tu, tính chung trong toàn Giáo Hội, liên tục gia tăng trong 5 năm gần đây nhờ sự tăng trưởng tại các nước Á Phi. Nói chung, từ năm 2005 đến 2010, con số này tăng thêm 4%, tức là từ 112.439 lên 118.990.
Trong cùng thời gian đó, số chủng sinh tu sinh tại Âu Châu giảm 10,4%. Số đại chủng sinh tại Phi châu tăng 14,2% trong khi tại Á châu tăng 13% và tại Úc châu tăng 12,3%.
Trung tâm nghiên cứu ứng dụng tông đồ, gọi tắt là CARA, thuộc đại học Công Giáo Georgetown ở thủ đô Washington đã thực hiện một cuộc nghiên cứu, và qua đó người ta thấy trong số chủng sinh tu sinh tại Mỹ có 69% là người da trắng, 15% là người Hispanic hoặc la tinh, và 10% đến từ Á châu Thái Bình Dương. Khoảng 1 phần 3 những người chịu chức LM có một thân nhân là LM hoặc tu sĩ. Hơn một nữa có 2 anh em, một phần tư có 4 hoặc 5 anh em.
Phúc trình của tổ chức CARA cũng nhấn mạnh tới sự kiện trong số các tân LM được thụ phong, có 21% đã từng tham dự Ngày Quốc Tế giới trẻ trước khi vào chủng viện. 70% đã siêng năng đọc kinh Mân Côi, 65% tham dự các buổi Chầu Mình Thánh Chúa trước khi đi tu. Thường thường các tân chủng sinh bắt đầu cảm thấy tiếng Chúa gọi vào khoảng 16 tuổi. 66% các chủng sinh cho biết đã được một linh mục khuyến khích nghĩ đến việc trở thành linh mục. 71% được một người bạn, một linh mục, ông, một người họ hàng, cha mẹ hoặc tín hữu trong giáo xứ khích lệ phân định ơn gọi linh mục, trong khi 50% cho biết bị khuyên đừng nghĩ đến việc làm linh mục.
Các chủng sinh cũng cho biết trong thời gian tiêu khiển, ngoài giờ học hành, 73% nghe nhạc, 67% đọc sách, 62% xem phim, 41% chơi bóng đá, 33% đi dạo, 33% làm bếp, và cũng một tỷ số tương tự chơi một nhạc khí.
Tình trạng suy giảm ơn gọi tại Âu Châu
Diễn tiến gia tăng ơn gọi tại Hoa Kỳ là điều trái ngược với xu hướng xảy ra tại Ailen, trước kia là một nước Công Giáo sùng đạo nhưng nay trở thành một nước tây phương bị tục hóa nặng nề và bị bão tố lạm dụng tính dục làm rung chuyển. Thực vậy, số ơn gọi LM tại đây tiếp tục giảm sút trầm trọng, như phúc trình thường niên mới nhất của Ủy ban nghiên cứu và phát triển thuộc HĐGM AiLen cho thấy. Theo đó số LM tại đảo này lại giảm thêm 2%. Tỷ lệ số LM trên 80 tuổi ngày càng tăng so với các LM dưới 30 tuổi.
Ông Eoin O'Mahony, tác giả của phúc trình nghiên cứu nói rằng: ”Sự suy giảm ơn gọi LM tại AiLen không phải là điều đáng ngạc nhiên. Từ nhiều năm nay chúng tôi biết rằng con số các tân linh mục không đủ để bù đắp số LM cao niên không còn hoạt động nữa hoặc số LM qua đời”.
Sự suy giảm ơn gọi tại Ailen thực ra đã bắt đầu từ 4 thập niên qua. Nguyên do chủ yếu là trào lưu tục hóa, và trào lưu này càng được sự bành trướng kinh tế trong những năm gần đây đẩy mạnh. Những vụ lạm dụng tính dục liên hệ tới hàng giáo sĩ Ai Len từ thập niên 1990 càng không giúp lật ngược xu hướng giảm sút ơn gọi. Sự giảm sút lên tới mức tột độ trong thập niên 1990 ấy. Từ năm 2000 đến nay, con số LM tại Ailen giảm 10%.
Sang đến nước Pháp, tình hình ơn gọi cũng không khả quan hơn, tại đây cuộc khủng hoảng ơn gọi ngày càng sâu đậm: cách đây 45 năm, tức là vào năm 1966, tại Pháp có 566 tân LM mỗi năm, nhưng nay chỉ còn 90 tân LM, một con số cho thấy trong tương lai gần đây có bao nhiêu cộng đoàn không có LM và cũng không có các bí tích. Sự sa sút trầm trọng như vậy khiến cho nhiều người công khai nêu vấn đề có nên truyền chức LM cho những người có gia đình hay không.
Tại Italia, trong thập niên gần đây, số chủng sinh và tu sinh giảm 10,6%, tức là từ 6.315 thầy xuống còn 5.646, và số chủng sinh từ nước ngoài ngày càng gia tăng.
Tóm lại, ngoại trừ Hoa Kỳ, nơi có ảnh hưởng tích cực do số người từ Mỹ châu la tinh đa số Công Giáo nhập cư gia tăng, cuộc khủng hoảng ơn gọi là hiện tượng chung ở Tây phương. Người ta ghi nhận tại Á châu có thêm gần 1.700 LM, Phi châu thêm 760 vị, Đại dương châu thêm 52 và Mỹ châu tăng thêm 40 vị so với năm trước đó, còn Âu Châu giảm mất 905 linh mục.
Những con số thống kê gần đây của Tòa Thánh cung cấp một phân tích tộng hợp về những năng động chính liên hệ tới Giáo Hội GG tại 2.966 giáo phận trên trái đất.
Cả con số các nữ tu khấn dòng cũng qua tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Giáo Hội giảm mất gần 8 ngàn nữ tu trong một năm, từ 2009 đến 2010, tức là từ 729 ngàn chị xuống còn 721 ngàn. Sự giảm sút diễn ra tại 3 đại lục Âu, Mỹ và Úc châu, trong đó Âu Châu giảm 2,9% nữ tu, Úc châu giảm 2,6% và Mỹ châu giám 1,6%. Trái lại, tại Á Phi, số nữ tu gia tăng đáng kể, mỗi đại lục tăng 2%.
Những con số trên đây cũng là một lời mời gọi các tín hữu, mỗi người trong vị thế của mình, tích cực góp phần vào việc cầu nguyện và mục vụ ơn gọi. Về điểm này, trong Sứ điệp nhân ngày cầu cho ơn gọi vào chúa nhật tới đây, ĐTC cũng nhắn nhủ rằng:
”Anh chị em thân mến trong hàng giám mục, linh mục, phó tế, những người nam nữ thánh hiến, các giáo lý viên và nhân viên mục vụ, và tất cả anh chị em là những người dấn thân trong lãnh vực giáo dục các thế hệ trẻ, tôi tha thiết nhắn nhủ anh chị em hãy chăm chú lắng nghe những người ở trong cộng đoàn giáo xứ, các hội đoàn và phong trào khi họ nhận thấy có những dấu hiệu về ơn gọi linh mục hoặc đời sống thánh hiến đặc biệt. Điều quan trọng là tạo nên trong Giáo Hội những điều kiện thuận lợi để họ có thể đi tới chỗ thưa ”xin vâng” quảng đại đáp lại tiếng gọi yêu thương của Thiên Chúa.
”Một nghĩa vụ trong việc mục vụ ơn gọi là cống hiến những điểm định hướng để hành trình được kết quả. Yếu tố chủ yếu là yêu mến Lời Chúa, vun trồng một sự quen thuộc ngày càng gia tăng với Kinh Thánh và chăm chú và kiên trì cầu nguyện riêng và chung, để có thể nghe thấy tiếng Chúa gọi giữa bao nhiêu tiếng nói làm đầy đời sống thường nhật. Nhưng nhất là Thánh Thể là ”trung tâm sinh tử” của mỗi hành trình ơn gọi: chính trong Thánh Thể mà tình yêu Thiên Chúa đánh động chúng ta trong hy tế của Chúa Kitô, biểu lộ hoàn hảo tình yêu và chính trong Thánh Thể chúng ta luôn luôn tái học hỏi cách sống tình yêu Chúa ”ở mức độ cao”. Lời Chúa, kinh nguyện và Thánh Thể là kho tàng quí giá để hiểu vẻ đẹp của một cuộc sống hoàn toàn tận hiến vì Nước Trời.
Tôi cầu mong rằng các Giáo Hội địa phương, qua các thành phần khác nhau, trở thành ”nơi” chăm chú phân định và kiểm chứng sâu xa về ơn gọi, mang lại cho người trẻ nam nữ một sự đồng hành khôn ngoan và vững chắc về tinh thần. Qua cách thức ấy, cộng đồng Kitô trở thành một sự biểu lộ Tình Yêu của Thiên Chúa Đấng giữ gìn nơi mình mọi ơn gọi. Năng động ấy đáp ứng những đòi hỏi của giới răn mới của Chúa Giêsu. Nó có thể diễn ra một cách hùng hồn và đặc biệt trong các gia đình gia đình Kitô, tình yêu gia đình vốn là sự diễn tả tình yêu của Chúa Kitô, Đấng đã hiến mình vì Giáo Hội (Xc Ep 5,32). Trong các gia đình, ”là những cộng đoàn sống động và yêu thương” (GS 48), người trẻ có thể cảm nghiệm tuyệt vời về tình yêu dâng hiến ấy. Thực vậy các gia đình không những là nơi ưu tiên để huấn luyện về nhân bản và Kitô, nhưng có thể là ”chủng viện đầu tiên và tốt đẹp về ơn gọi sống đời thánh hiến cho Nước Chúa” (Gioan Phaolô 2, Tông Huấn Familiaris consortio, 53), giúp tái khám phá trong gia đình vẻ đẹp và tầm quan trọng của chức linh mnục và đời sống thánh hiến. Các vị Mục Tử và tất cả các tín hữu giáo dân hãy luôn biết cộng tác để trong Giáo Hội có thêm nhiều ”nhà và trường hiệp thông” theo kiểu mẫu Thánh Gia thất Nazareth, phản ánh một cách hài hòa trên trái đất cuộc sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.”
G. Trần Đức Anh OP
G. Trần Đức Anh OP- Vietvatican.net
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét