GƯƠNG THÁNH NHÂN (NGUYỄN DUY-AN SƯU TẦM)
Title: Thánh Giáo Hoàng Martin (c. 655)
When: 13.04.2012
Description: Khi Ðức Martin I làm giáo hoàng năm 649, Constantinople là thủ đô của Ðế Quốc Byzantine và Ðức Thượng Phụ Constantinople là vị lãnh đạo Giáo Hội có thế lực nhất của Kitô Hữu Ðông Phương. Những tranh chấp hiện có trong Giáo Hội hoàn vũ thời bấy giờ lại càng thêm quyết liệt bởi sự cộng tác chặt chẽ giữa hoàng đế và đức thượng phụ.
Một giáo huấn được Giáo Hội Ðông Phương quyết liệt bảo vệ là cho rằng Ðức Kitô không có ý chí của loài người (*). Ðã hai lần, các hoàng đế chính thức lên tiếng bảo vệ lập trường này, lần đầu Hoàng Ðế Heraclius cho công bố bản tuyên xưng đức tin, và sau đó Hoàng Ðế Constant II ra lệnh bác bỏ vấn đề Ðức Kitô có một hoặc hai ý chí.
Trước khi được chọn làm giáo hoàng, Ðức Martin từng là người đọc sách và là phó tế. Và sau khi nhậm chức không lâu, Ðức Martin đã tổ chức một công đồng ở Latêranô mà trong đó các sắc lệnh của vua bị kiểm duyệt, và đức thượng phụ của Constantinople cũng như hai vị tiền nhiệm đều bị lên án là sai lạc. Ðể đối phó, Hoàng Ðế Constant II cố vận động các giám mục và dân chúng chống đối đức giáo hoàng.
Sau khi thất bại trong mưu toan này, hoàng đế sai Olympius, quan tổng trấn Ravenna, bắt đức giáo hoàng đưa về Constantinople xét xử. Nhưng Olympius thất bại, và đến năm 653, quan tổng trấn mới là Theodore Collipas đã xâm chiếm Rôma và bắt giam đức giáo hoàng ở Naxos trong một năm trời. Sau khi điệu về Constantinople, Ðức Martin bị kết tội phản loạn và bị tử hình. Mặc dù các tra tấn đã được thi hành, Ðức Martin được thoát án tử nhờ sự can thiệp của Ðức Phaolô II, vị thượng phụ của Constantinope, là người đã ăn năn sám hối về hành động của mình. Bản án tử hình được đổi thành khổ sai chung thân.
Vì hậu quả của các cuộc tra tấn và cực hình, Ðức Martin đã từ trần sau đó không lâu. Ngài là vị giáo hoàng sau cùng chịu tử đạo.
Lời Bàn: Ý nghĩa thực sự của chữ tử đạo không phải là sự chết, mà là sự làm chứng. Vị tử đạo sẵn sàng hy sinh mọi sự, quý giá nhất là sinh mạng của họ, và đặt đức tin lên trên hết. Tử đạo, chết vì đức tin, là một cao độ bất ngờ mà một số người phải trải qua để thể hiện đức tin của mình nơi Ðức Kitô. Một đức tin sống động, một cuộc đời theo gương Ðức Kitô bất kể những khó khăn, đó là sự đòi hỏi của tất cả Kitô Hữu.
(*) Lạc thuyết độc chí (monothelitism) cho rằng Ðức Kitô chỉ có một ý chí độc nhất là ý chí Thiên Chúa.
Nguồn: Báo Người Tín Hữu
Tội lỗi, tha thứ, và yêu mến
THỨ SÁU, 13 THÁNG 04 2012 10:25 BBT WTGP HN
"Thiên Chúa nhớ lại Lòng Thương Xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời" (Lc 1:55).
Trình thuật Lc 7:36-50 kể câu chuyện người phụ nữ tội lỗi đã được tha thứ nhờ lòng yêu mến. Câu chuyện này đã gây "khó chịu" cho người thời đó. Thiết tưởng câu chuyện này cũng phù hợp để xét mình khi chúng ta cử hành Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót.
Một hôm, có người thuộc nhóm Pharisêu mời Đức Giêsu dùng bữa với mình. Ngài đến nhà người Pharisêu ấy và vào bàn ăn. Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Đức Giêsu đang dùng bữa tại nhà ông Pharisêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Ngài mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Ngài. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Ngài và lấy dầu thơm mà đổ lên.
Thánh sử Luca kể ngắn gọn nhưng đầy đủ chi tiết qua các danh từ và động từ: Nước mắt, tóc, dầu thơm; khóc, lau, hôn. Sự việc diễn ra khiến các thực khách phải chú ý. Bữa tiệc này hẳn phải là đại tiệc quan trọng và các thực khách hẳn là những người "tai mắt trong thiên hạ". Thế mà lại có một người quấy rầy, mà người đó lại là một phụ nữ tội lỗi. Chắc chắn các đại gia kia vô cùng "ngứa mắt".
Thấy vậy, ông Pharisêu (tức ông Simôn) đã mời Ngài liền nghĩ bụng: "Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!" (Lc 7:39). Đức Giêsu biết tỏng ông ta nghĩ gì nên lên tiếng: "Này ông Simôn, tôi có điều muốn nói với ông!" (Lc 7:40a). Có lẽ ông không biết Đức Giêsu biết ý nghĩ của ông nên vẫn "vô tư" thưa: "Dạ, xin Thầy cứ nói" (Lc 7:40b). Đức Giêsu nói: "Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?" (Lc 7:41-42). Một cách so sánh thực tế và dễ hiểu. Vì thế, ông Simôn đáp ngay: "Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn" (Lc 7:43a). Đức Giêsu bảo: "Ông xét đúng lắm" (Lc 7:43b).
Chúa Giêsu chỉ hỏi ý kiến ông Simôn bằng một câu hỏi tế nhị, nhưng chính câu hỏi đó lại "chạm" vào nhiều người – kể cả chúng ta ngày nay. Thật vậy, chúng ta thường có ác cảm hoặc định kiến với những người mà chúng ta cho rằng "họ không đạo đức hơn mình", chúng ta cũng thường xuyên "chụp mũ" hoặc "gắn mác" cho người khác bằng nhiều kiểu. Nếu công tâm nhìn nhận thì chùng ta cũng rất "máu Pharisêu"!
Rồi Chúa Giêsu quay lại phía người phụ nữ, và Ngài nói với ông Simôn: "Ông thấy người phụ nữ này chứ?" (Lc 7:44a). Chúa Giêsu hỏi thật nhẹ nhưng chắc hẳn ông Simôn đau lắm nên cứng họng mà không nói được gì. Chúa Giêsu so sánh: "Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi" (Lc 7:44b-46). Ngài kết luận: "Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít" (Lc 7:47).
Rồi Đức Giêsu nói với người phụ nữ: "Tội của chị đã được tha rồi" (Lc 7:48). Người-phụ-nữ-tội-lỗi-xấu-xa kia đã được hưởng nhờ Lòng Chúa Thương Xót. Còn những người-tưởng-mình-tốt-lành thì đành "trở về tay trắng" (x. Lc 1:53). Hôm đó, trong số thực khách tại nhà ông Simôn đã có những người nghĩ bụng: "Ông này là ai mà lại tha được tội?" (Lc 7:49). Chúa Giêsu biết nhưng Ngài không biện hộ, Ngài chỉ nói với người-phụ-nữ-tội-lỗi: "Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an" (Lc 7:50).
Yêu mến nhiều thì được tha tội nhiều. Thiên Chúa có dư Lòng Thương Xót, Ngài chỉ cần chúng ta có thực sự yêu mến Ngài hay không. Ngài cho mà chúng ta không nhận thì Ngài cũng không ép, vì Ngài luôn tôn trọng tự do của chúng ta. Đức tin và đức mến cần thiết để được ơn tha thứ, được hưởng nhờ Lòng Chúa Thương Xót, và nhờ vậy mà tâm hồn được bình an.
TRẦM THIÊN THU
Tuần Bát Nhật Phục Sinh – 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét