Chìa Khoá Của Tự Do
17/03 – Thứ bảy sau Chúa Nhật 3 Mùa Chay
"Người thu thuế ra về được khỏi tội".
Lời Chúa: Lc 18, 9-14
Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những
người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: "Có hai
người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người
biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: "Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi
không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu
thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa
lợi của tôi". Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm
ngực mà nguyện rằng: "Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội". Ta
bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất
cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng
lên". Đó là lời Chúa
Người Hồi giáo nói về sự cầu nguyện bằng câu
chuyện sau: cómột người thợ kim hoàn nghèo nhưng thanh liêm bị giam tù vì một
tội ông không bao giờ phạm. Vài tháng sau khi người chồng bị giam giữ, người vợ
đến gặp ban giám đốc và xin cho chồng một ân huệ. Bà nói chồng bà là một tín
hữu trung thành với các buổi cầu nguyện, bà xin được gửi cho chồng một tấm thảm
nhỏ để quì cầu nguyện năm lần một ngày theo qui định của Hồi giáo. Lời thỉnh
cầu được chấp nhận dễ dàng… Ngày nọ, người thợ kim hoàn đến trình bày với các
quản giáo: “Tôi là thợ kim hoàn, nếu các người cho tôi một ít kim loại, tôi có
thể vừa qua được thời giờ nhàn rỗi, vừa làm được cho các người những nữ trang
có thể dùng được”. Các quản giáo không thấy trở ngại nào về điều đó. Một ngày
nọ, các canh tù bỗng phát giác ra cánh cửa nhà tù bị mở toang và người thợ kim
hoàn đã tẩu thoát. Cùng lúc đó người ta cũng bắt giữ được thủ phạm đích thực mà
họ đã qui lầm cho người thợ kim hoàn. Bấy giờ người thợ kim hoàn mới ra mặt và
tiết lộ việc trốn thoát cuả ông. Sau khi ông bị bắt oan, vợ ông liên lạc với
kiến trúc sư đã vẽ hoạ đồ nhà tù. Ông này cho phép bà in nguyên hoạ đồ chi tiết
cuả nhà tù lên tấm thảm. Mỗi ngày năm lần dù phủ phục trên tấm thảm để cầu
nguyện, người thợ đã thuộc lòng đường ra lối vào của nhà tù, thêm vào đó nhờ
những mảnh kim loại các quản giáo cung cấp, người thợ đã có thể mài dũa những
chìa khoá để mở các cánh cửa nhà tù, đó là bí quyết đã giúp ông trốn được khỏi
nhà tù.
Cầu nguyện là chìa khoá của tự do. Một tâm hồn
khao khát tự do đích thực là một tâm hồn biết cầu nguyện. Chúa Giêsu như muốn
minh hoạ cho chân lý ấy qua dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện: một người
Biệt phái lên giữa đền thờ đứng thẳng người để kể về những thành tích của mình,
trong khi đó người thu thuế tội lỗi đứng trong góc đền thờ, không dám ngước mặt
lên, nhưng cúi mình đấm ngực nói lên nỗi khốn cùng tội lỗi của mình. Chúa Giêsu
tuyên bố người thu thuế ra về được tha tội, còn người Biệt phái vẫn tiếp tục ù
lì trong sự tự phụ của mình. Phải chăng Chúa Giêsu không muốn nói với chúng ta
rằng câu chuyện đích thực chính là nỗi khao khát được thoát khỏi những thứ nô
lệ đang trói buộc tâm hồn con người.
Mùa Chay là trường dạy cầu nguyện. Giáo hội mời
gọi chúng ta gia tăng cầu nguyện, điều đó có nghĩa là chẳng những dành nhiều
thời giờ cho cầu nguyện, mà nhất là thanh luyện thái độ chúng ta trong khi cầu
nguyện, lời cầu nguyện đích thực trong mùa chay phải là thái độ sám hối. Khởi
đầu của cầu nguyện ấy là mọi nhận thức sâu xa về thân phận, tội lỗi của chúng
ta và từ đó nói lên tất cả tín thác của chúng ta vào tình yêu tha thứ của Chúa.
Lòng tín thác ấy sẽ xoá tan mọi tội lỗi và mang lại cho chúng ta tự do đích
thực của con cái Chúa.
Như người con hoang đàng mong được trở về với
cha, như người thu thuế nép mình nơi lòng tha thứ của Chúa, xin cho chúng ta
luôn được sống trong tâm tình sám hối thực sự và cảm nhận được tình thương
khoan dung vô bờ của Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 2: Hoán cải và cậy trông
Vào thời Chúa Giêsu, các kinh sư và những người
pharisiêu thường bị Chúa quở trách nặng lời về tính tự cao tự đại của họ. Trong
dụ ngôn vừa đọc lại trên đây, Chúa Giêsu dùng hình ảnh một người pharisiêu khoe
khoang công trạng mình trước mặt Thiên Chúa. Ông đáng trách không phải vì những
việc tốt ông đã làm, như việc ăn chay mỗi tuần hai lần và đóng thuế thập phân
cho đền thờ. Nhưng ông đáng trách vì đã xem những công việc đạo đức này như là
một chiếc vé để mang lại sự công chính cho ông. Qua lời cầu nguyện của ông,
chúng ta thấy rõ ông làm những việc này cốt để tự biến mình trở nên người công
chính chứ không phải để thờ phượng Thiên Chúa và phục vụ anh chị em. Ông giữ
mình khỏi vướng mắc vào các thói hư tật xấu cốt để cho người khác thấy ông đạo
đức tốt lành, chứ không như những người hư đốn đồi bại khác. Mỗi khi ra đường,
chắc hẳn ông đã kiêu hãnh ngẩng đầu lên với khuôn mặt nghiêm trang, dáng đi
chững chạc uy nghi, các hộp kinh thật lớn thắt trên người, các tua áo thật dài
thả tung bay, ông nhìn thấy mình thật xứng đáng để cho thiên hạ kính nể. Bước
vào đền thờ, ông đứng riêng ra, chọn cho mình một chỗ xứng đáng và ông bắt đầu
khoe với Chúa những công trạng của mình. Nhìn thấy người thu thuế đang cúi đầu
khẩn nguyện, ông thưa với Chúa cách tự phụ: "Ðấy, Chúa thấy người thu thuế
tội lỗi kia không, con đâu như hắn ta, con tốt hơn hắn nhiều, hắn tham lam tiền
bạc, gian lận thuế má, chèn ép lận lường. Con cám ơn Chúa vì con đâu giống như
hắn". Nhưng ông pharisiêu đâu biết rằng Thiên Chúa chẳng cần đếm xỉa gì
đến những lời khoe khoang tự cao tự đại của ông, Người cần tấm lòng chứ không
cần hy lễ, Người cần con tim yêu thương chứ không cần trí óc tự phụ. Tâm hồn
khiêm cung tự hối của người thu thuế mà ông coi chẳng ra gì kia lại làm đẹp
lòng Chúa còn hơn là ông nghĩ đến.
Thử hỏi, chúng ta nhìn thấy mình trong hình ảnh
người nào trong dụ ngôn trên đây: người pharisiêu hay là người thu thuế? Nếu đã
lỡ là người pharisiêu, chúng ta đừng ngã lòng nhưng hãy thành thật hoán cải và
cậy trông vào tình thương của Thiên Chúa, Người có thể biến sự dữ trong chúng
ta nên sự lành. Nếu chúng ta thành tâm thiện chí, Thiên Chúa sẽ đập tan tính
kiêu hãnh của chúng ta và thay vào đó một tâm tình mới, Người sẽ dạy chúng ta
biết sống sao cho đẹp lòng Chúa. Còn nếu chúng ta đã là người thu thuế, thì
chúng ta cũng hãy cương quyết làm lại cuộc đời, Thiên Chúa đã yêu thương tha
thứ mọi tội lỗi của chúng ta, Người đã đón nhận tấm lòng tan nát khiêm cung của
chúng ta, chúng ta hãy tin tưởng làm lại từ đầu.
Với ân sủng của Thiên Chúa, không có sự gì là
không thể thực hiện được, chỉ cần chúng ta vững tin và phó thác vào Người rồi
Người sẽ dẫn dắt chúng ta bước đi trên đường ngay nẻo chính. Mùa Chay là mùa
thuận tiện để canh tân đời sống. Chúng ta hãy cộng tác với ơn Chúa để đổi mới
tâm hồn mình nên công chính như Chúa vẫn mong chờ.
Lạy Chúa, xin gìn giữ con, đừng để con rơi vào
thái độ tự phụ kiêu ngạo. Xin cho con biết sống khiêm nhường tự hạ trước tôn
nhan Thiên Chúa và trước mặt anh chị em. Và xin giúp con được canh tân đời sống
trở về với Chúa, đừng bao giờ thất vọng vì những tội lỗi của con đã phạm, nhưng
luôn trông cậy vào tình thương tha thứ của Chúa.
(Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày – R. Veritas)
SUY NIỆM 3: Đừng bắn người biệt phái
Đức Giêsu còn kể dụ ngôn sau đây với một số người
tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: “Có hai người lên đền
thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia là người thu
thuế…” (Lc. 18, 9-10)
Người biệt phái này không đến nỗi xấu, ông ăn
chay hai ngày một tuần, ông dâng cúng một phần mười hoa lợi kiếm được … Thật là
một viên ngọc quý mà chẳng có ai trong giáo xứ có thể làm được như vậy. Đừng
khiển trách ông đứng cầu nguyện, đó là thói quen của người Do thái. Ông khoe
khoang không ai bằng, đáng nực cười. Ông chẳng có chút gì là nhân đức, ông cảm
ơn Chúa đã sống như thế.
Đến lượt người thu thuế, ông không dám bốc thơm
mình. Đáng lẽ ra, ông vừa đứng xa xa sấp mình xuống đất run rẩy cầu nguyện, ông
vừa lo trả tiền của lại cho những người nghèo đã bị ông bóc lột thì tốt hơn.
Nhưng người thu thuế đã mang tiếng là hạng làm giàu bằng cách lạm thu.
Chúng ta cũng hèn nhát chê người biệt phái: “Tôi
không giả hình như hạng cuồng tín đó. Tôi có nhiều lỗi, tôi khô khan cứng cỏi
với người khác, tôi lười biếng … Nhưng tôi không mắc nợ ai”. Đó cũng là cách
nói như hạng biệt phái, chẳng có gì tốt cả. Bài học lịch sử này không phải là
so sánh hai hạng người, làm thế là đáng ghét, nhưng chính là để nhắc nhở chúng
ta đến lời thánh Phao-lô dạy chúng ta: “Chính nhờ đức tin làm cho chúng ta nên
công chính, không có đức tin, chúng ta không đáng gì trước mặt Thiên Chúa”.
Đặc biệt, trường hợp người thu thuế làm sáng lên
trong chúng ta một niềm hy vọng tuyệt vời, là những kẻ tội lỗi đừng bao giờ
thất vọng và phải luôn hy vọng vào lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa. Đức
Giêsu luôn ban ơn cho những người thấy mình vô tài bất lực, thấy mình chẳng
đáng công gì, chẳng có thể đền bù được tội lỗi mình, vì Đức Giêsu đã nói: “Tôi
đến không phải cứu chữa những người khỏe mạnh, nhưng cứu chữa những người bệnh
tật”. Đừng bao giờ thấy mình hơn người khác, kẻo đi vào vết chân biệt phái.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét