Khiêm nhường đón nhận
26/03 – Thứ hai. LỄ TRUYỀN TIN. Lễ Trọng
"Này Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai".
Lễ Truyền Tin
Ðúng
chín tháng trước lễ Giáng Sinh, phụng vụ hôm nay mừng kính Mầu Nhiệm
xuống thế của Con Một Chúa. Ðược sứ thần Gabrie trình bày chương trình
của Thiên Chúa, Ðức Maria đã khiêm tốn chấp nhận, nhờ đó Ngôi Hai đã
nhập thể làm người và ở giữa chúng ta.
Khi suy
niệm về hai chữ "Xin vâng" của Ðức Maria, các giáo hữu thời xưa đã quen
tuyên xưng Ðức Mẹ là "Evà mới". Chính sự bất tuân của Evà thứ nhất đã
khiến chúng ta phải chết, thì sự ưng thuận của Ðức Maria đã làm cho Ngài
trở nên Mẹ của một dòng dõi mới, vì Ngài đã ban cho chúng ta chính Chúa
Giêsu nguồn mạch sự sống.
Bởi đó
mỗi khi đọc kinh truyền tin, chúng ta nhắc lại biến cố trọng đại nhất
của lịch sử nhân loại: Mầu Nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa và lời kinh
kính mừng được dâng lên Mẹ, chính là lời ca tụng đẹp nhất mà thiên sứ
Gabrie đã dùng để kính chào Mẹ Chúa Trời.
Lời Chúa: Lc 1, 26-38
Khi
ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là
Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse,
thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh
nữ và chào rằng: "Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà
được chúc phúc giữa các người phụ nữ". Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi
lời chào đó có ý nghĩa gì.
Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa.Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người
sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho
Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà
Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận".
Nhưng Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?"
Thiên
thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ
bao trùm Bà. Vì thế Ðấng Bà sinh ra, sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con
Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc
tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ họi là
son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được".
Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt Bà.
SUY NIỆM 1: Khiêm nhường đón nhận
(Suy niệm của ĐTGM. Ngô Quang Kiệt)
Ðọc Tam
Quốc Chí, ai cũng mến mộ Trương Lương, một trong những vị tướng tài ba
của Lưu Bang. Thuở nhỏ, Trương Lương đi dạo chơi ngoài bờ sông. Thấy một
ông lão ăn mặc rách rưới nằm ngủ trên cầu. Ông lão ngủ say làm rơi một
chiếc dép xuống sông. Thấy Trương Lương, ông sai bảo: "Thằng bé, nhặt
chiếc dép cho ta". Trương Lương vui vẻ xuống sông nhặt chiếc dép kính
cẩn đưa lại cho cụ già. Cụ cầm lấy. không một lời cám ơn. Loay hoay xỏ
mãi không vào, cụ đánh rơi chiếc dép một lần nữa. Cụ lại quát bảo Trương
Lương: "Thằng bé, xuống nhặt dép cho ta". Trương Lương vẫn vui vẻ giúp
cụ. Lần thứ ba cũng thế. Thấy vậy, ông lão khen: "Thằng bé này dạy được
đây". Thì ra cụ là một cao nhân lỗi lạc. Và cụ nhận Trương Lương làm học
trò, truyền dạy binh pháp cho ông. Nhờ thế, Trương Lương trở nên một
danh tướng văn võ song toàn, đã giúp cho Lưu Bang dựng nên nghiệp đế
vương.
Trương
Lương gặp được thầy giỏi một phần nhờ cơ may. Nhưng phần lớn là nhờ sự
khiêm nhường phục vụ của ông. Ðọc truyện Trương Lương, tôi lại nhớ đến
Ðức Mẹ. Thời Ðức Mẹ, ai cũng mong chờ Ðấng Cứu Thế, nhưng chỉ mình Ðức
Mẹ được diễm phúc đón nhận. Chúa chọn Ðức Mẹ, đó là do ơn lành nhưng
không của Chúa, nhưng cũng vì Ðức Mẹ có tâm hồn khiêm nhường đón nhận.
Ðức Mẹ
khiêm nhường trong đời sống bình dị. Sinh ra và lớn lên trong một gia
đình nghèo. Sống trong một thôn xóm nghèo hèn vô danh. Ngày ngày chu
toàn những công việc tầm thường như nấu nướng, may vá, dọn dẹp nhà cửa.
Ðức Mẹ khiêm nhường trong thái độ ứng xử. Trước mặt thiên sứ Gáp-ri-en,
Ðức Mẹ xưng mình là nữ tỳ của Thiên Chúa, dù thiên sứ đã loan báo Mẹ sẽ
là Mẹ Thiên Chúa. Sau đó, Ðức Mẹ đến thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét. Vừa
nghe Ðức Mẹ chào, bà Ê-li-sa-bét đã ngợi khen Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.
Ðáp lại, Ðức Mẹ chỉ nhận mình là phận hèn bé nhỏ. Nếu có được ơn gì là
do Thiên Chúa thương ban.
Vì
khiêm nhường nên Ðức Mẹ hoàn toàn vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa. Ðức Mẹ
đã có chương trình riêng. Chương trình đó là sống độc thân trinh khiết.
Ðó là một chương trình tốt đẹp. Nhưng khi Thiên Chúa ngỏ ý muốn Ðức Mẹ
theo chương trình của Chúa, Ðức Mẹ đã mau mắn từ bỏ chương trình riêng
tư để đi vào chương trình của Thiên Chúa. Ðức Mẹ nhận biết rằng, chương
trình của Chúa là vô cùng tốt đẹp, còn chương trình riêng chỉ là bất
toàn. Thánh Ý Thiên Chúa là tuyệt đối, còn ý riêng chỉ là khiếm khuyết.
Vì
khiêm nhường nên Ðức Mẹ phó thác trọn vẹn vận mạng trong tay Chúa. Khi
thưa "Xin vâng", Ðức Mẹ đã mạnh dạn vượt qua những toan tính dè dặt của
người đời để nép mình vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Nếu ta hiểu
luật lệ khắc nghiệt của người Do-thái đối với phụ nữ không chồng mà có
con, ta sẽ thấy Ðức Mẹ liều lĩnh biết bao, và sự phó thác của Mẹ vào
Thiên Chúa mãnh liệt đến thế nào.
Vì đã
thưa "xin vâng", nên Ðức Mẹ chấp nhận tất cả, dù chưa hiểu hết Thánh Ý
Thiên Chúa. Tại sao Con Thiên Chúa phải sinh ra trong cảnh thiếu thốn
nghèo nàn? Tại sao Vua trời đất lại phải chạy trốn như một kẻ yếu hèn?
Tại sao Ðấng Cứu Thế làm nhiều phép lạ đến thế để cứu nhân độ thế lại bị
người ta chống đối, hành hạ, giết chết nhục nhã như một tội nhân? Hoàn
toàn không hiểu, nhưng Ðức Mẹ vẫn khiêm nhường chấp nhận và tin tưởng
phó thác. Vì thế Ðức Mẹ vẫn kiên trì theo Chúa Giê-su trên khắp mọi nẻo
đường, cho đến dưới chân Thập Giá.
Thái độ
khiêm tốn chấp nhận của Ðức Mẹ đã được Thiên Chúa yêu thương. Nước chảy
xuống chỗ trũng. Ân huệ Thiên Chúa đổ xuống tâm hồn khiêm nhường. Càng
khiêm nhường càng nhận được nhiều ân phúc. Ðức Mẹ có một tâm hồn khiêm
nhường thẳm sâu, nên Ðức Mẹ đã nhận được đầy tràn ân phúc của Thiên
Chúa, nhận được chính Ngôi Hai Thiên Chúa, là nguồn mạch mọi ân phúc.
Mùa
chay là Mùa đặc biệt nhắc nhở và giúp chúng ta "trở lại" đúng địa vị của
con người được tạo dựng theo hoạ hình của Thiên Chúa, đúng địa vị trong
mọi tương hệ với Thiên Chúa là Cha, với mọi người là anh chị em, với vũ
trụ tạo thành là người quản lý. Ta mong được đón rước Chúa vào tâm hồn.
Ta mong được ân huệ dư đầy của Thiên Chúa. Ta hãy noi gương Ðức Mẹ,
biết khiêm nhường nhận mình tội lỗi yếu hèn, biết khiêm nhường từ bỏ ý
riêng để thi hành ý Chúa, biết khiêm nhường vâng theo ý Chúa trong mọi
hoàn cảnh của cuộc đời, biết khiêm nhường phó thác vận mệnh trong tay
Chúa dù không hiểu hết những ý định mầu nhiệm của Người. Chỉ khi khiêm
nhường tan biến thành hư không, ta mới được Chúa thương đổ đầy tràn ân
phúc vào tâm hồn.
Lạy Ðức Mẹ Ma-ri-a, xin dạy con biết sống khiêm nhường để con đi vào chương trình của Thiên Chúa.
SUY NIỆM 2: Lễ Truyền Tin
Mỗi khi
đọc kinh Kính Mừng, chúng ta lặp lại lời sứ thần Gabriel chào Ðức Maria
khi mở đầu cuộc truyền tin: "Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Ðức Chúa Trời
ở cùng Bà. Mừng vui lên hỡi Ðấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Bà".
Ðây chính là lời chúc phúc có ý nghĩa nhất và cũng là lời chúc phúc có
giá trị nhất của con người.
Quả
thế, không có mối phúc nào lớn hơn mối phúc của người được Thiên Chúa ở
cùng, của người được Thiên Chúa chọn làm Mẹ của Con Thiên Chúa. Theo sau
lời chúc phúc cũng là lời loan báo cho Ðức Maria biết tình trạng ân
sủng tuyệt vời của Mẹ. Sứ thần cho Mẹ biết là Mẹ sẽ thụ thai Con Thiên
Chúa. Ðây quả là một tin hết sức trọng đại khiến Mẹ phải bối rối. Hơn
nữa, Mẹ sẽ thụ thai thế nào đây khi mà Mẹ chưa hề chung chăn gối với ai.
Thắc mắc của Ðức Maria được sứ thần giải đáp bằng một câu trả lời đầy
thuyết phục một cách tuyệt đối nhân danh quyền năng của Ðấng Tối Cao,
kèm theo là một chứng cớ cụ thể đang xảy ra cho người chị họ của Mẹ. Ðối
chiếu với các câu Thiên Chúa trả lời cho tổ phụ Abraham, cho ông Môisen
hay cho thánh Giuse, chúng ta thấy Thiên Chúa rất tế nhị khi giao tiếp
với từng đối tượng để giải đáp thắc mắc của người thiếu nữ. Người đã
chọn cách trả lời giản dị mà có hiệu quả nhất. Câu trả lời này mang lại
cho Ðức Maria sự bình an sâu thẳm. Mẹ đã sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng cao
cả mà Thiên Chúa trao phó cho Mẹ. Mẹ đã tiếp nhận được điều chính yếu
trong sứ điệp Truyền Tin, Mẹ đã tin tưởng tuyệt đối vào sứ điệp đó và Mẹ
sẽ cống hiến hết mình cho điều mình xác tín.
Trong
cuộc sống hàng ngày, mỗi người chúng ta cũng được Thiên Chúa gởi sứ điệp
có liên quan đến công cuộc cứu độ của Người. Trong cái đại dương thông
tin mênh mông đang ùa tới với chúng ta mỗi ngày, Thiên Chúa vẫn không
ngừng nói với chúng ta bằng tiếng nói của con người hôm nay, cung cách
giao tiếp của Thiên Chúa vẫn luôn tế nhị, thích ứng với từng đối tượng
mà Người muốn ngỏ lời. Nếu chịu khó lắng nghe, chúng ta sẽ thấy sứ điệp
mà Thiên Chúa gửi đến cho mình cũng có những nét tương tự như sứ điệp
Truyền Tin cho Ðức Maria.
Thay
cho lời chào của sứ thần, chúng ta có thể cảm thấy có một cái gì đó lay
động linh hồn chúng ta và tạo cho chúng ta một cảm giác thiêng liêng
huyền nhiệm. Trước cảm giác linh thiêng này, có thể chúng ta sẽ bối rối
xao xuyến vì không biết chuyện gì đang xảy ra cho tâm hồn mình, chúng ta
có thể lờ đi không lưu tâm đến nó nữa. Và trong trường hợp này, chúng
ta sẽ không nhận được phần tiếp theo của sứ điệp. Nhưng nếu chúng ta để ý
lắng nghe, chúng ta sẽ nhận được những sứ mạng mà Thiên Chúa muốn trao
cho chúng ta. Ða số các sứ mạng này là những công việc bình lặng trong
cuộc sống thường ngày với mục đích đem ơn cứu độ đến cho những người
khác. Nhưng cũng có lúc đó là những công việc có tầm ảnh hưởng lớn hơn,
khó thực hiện hơn và đôi khi vượt quá khả năng của chúng ta. Những lúc
ấy, chúng ta sẽ cảm thấy e ngại vì không biết mình sẽ làm sao để thực
hiện lời Thiên Chúa gợi ý. Nhưng nếu chúng ta tin tưởng và tiếp tục đối
thoại với Thiên Chúa, thì Người sẽ đưa ra cho chúng ta lời giải đáp, và
có thể Người sẽ đưa ra cho chúng ta một vài bằng chứng cụ thể để củng cố
lòng tin của chúng ta. Ðến đây, Thiên Chúa chờ đợi lời thưa "Xin Vâng"
của chúng ta như Người đã chờ đợi lời thưa "Xin Vâng" của Mẹ Maria ngày
xưa.
Lạy Mẹ
Maria, có những lúc con đã nghe được tiếng Chúa gọi gợi ý cho biết những
công việc phải làm, nhưng khi nhìn lại bản thân, con thấy mình chỉ là
một con người bé nhỏ, bình thường như bao nhiêu người khác, vì thế, con
ngần ngại không dám tiến thân. Hôm nay, khi suy niệm về biến cố Truyền
Tin, con hiểu ra rằng đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm
được, cũng không có gì là bé nhỏ tầm thường vô giá trị. Xin Mẹ giúp con
từ nay biết lắng nghe và thực hiện ý Chúa với tâm tình đơn sơ phó thác
như Mẹ ngày xưa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 3: Hai cuộc truyền tin
Hôm nay
lễ Mẹ truyền tin. Lời Chúa dẫn đưa chúng ta đến một khung cảnh thật
bình dị, ấm cúng nơi mái nhà nhỏ bé miền quê Nagiaret. Nơi đó đã diễn ra
một cuộc đối thoại lịch sử giữa sứ thần Chúa và cô thôn nữ Maria. Sứ
thần Chúa đã viếng thăm đột ngột. Ðột ngột quá nên chẳng có gì chuẩn bị
từ tinh thần đến vật chất đối với cô Maria. Sứ thần thì chủ động - Maria
thì bối rối. Lời sứ thần nói như đã được chuẩn bị chu đáo. Còn Maria
thì phân vân, đắn đo từng lời. Sứ thần Chúa đã mang đến cho cô một thông
điệp thật bất ngờ và quá cao vời. Cao vời đến nỗi cô không dám nghĩ
mình được phước đức như vậy? Vì có bao giờ cô nghĩ rằng mình sẽ là Mẹ
Ðấng Cứu Thế? Có bao giờ phận nữ nhi thường tình như cô lại được giao
trọng trách cao quý như vậy? Cô đã không dám tin điều đó. Vì cô cảm thấy
mình bất xứng và bất tài. Thế nhưng, sứ thần Chúa đã trấn an cô. Cô
được chọn không vì tài năng hay sắc đẹp. Cô được chọn vì cô hằng sống
đẹp lòng Thiên Chúa. Từ trời cao Chúa đã nhìn thấy tấm lòng cô. Một tấm
lòng thanh khiết vẹn tuyền. Một tấm lòng bao dung độ lượng. Một tấm lòng
bác ái yêu thương. Nhưng tất cả những phẩm chất đó vẫn không thể giúp
cô hoàn thành chương trình của Thiên Chúa. Cô phân vân và do dự. Vì phận
nữ nhi yếu đuối, vì việc phu thê cô chưa bước tới. Sứ thần Chúa đã trấn
an cô: "Thánh Thần Chúa sẽ ngự xuống trên cô, và quyền năng Chúa sẽ rợp
bóng trên cô". Maria với tấm lòng quảng đại và niềm tín thác sắt son đã
thưa vâng để chương trình Thiên Chúa được thực hiện.
Ngược
lại, trước đó sáu tháng. Cuộc đối thoại giữa sứ thần và Giacaria cũng
diễn ra trong âm thầm, ấm cúng. Sứ thần Chúa cũng đề nghị với Giacaria
về việc Thiên Chúa sắp làm nơi ông. Nhưng ông đòi dấu lạ. Lòng tin của
ông đòi bằng chứng. Sứ thần Chúa đã để ông câm lặng, như dấu chỉ về
những điều mà Thiên Chúa sắp làm cho gia đình ông.
Có thể
thấy hai cuộc truyền tin nhưng hai thái độ khác nhau. Maria thì tin vào
quyền năng Chúa có thể thực hiện được mọi sự. Giacaria thì hoang mang lo
lắng. Maria để Chúa thực hiện theo ý định của Chúa. Giacaria đòi dấu lạ
để kiểm chứng. Chính hai thái độ đón nhận sứ điệp khác nhau nên kết quả
cũng khác nhau. Maria thì hết lời ngợi khen Chúa. Giacaria thì câm nín.
Nhưng dầu trong cách đón nhận nào, thì Thiên Chúa vẫn thực hiện chương
trình của mình trong sự cộng tác của con người.
Ðiểm
chung của Maria và Giacaria chính là đời sống hằng đẹp lòng Thiên Chúa.
Dầu ở hoàn cảnh cô thôn nữ nhà quê hay một tư tế đền thờ. Các ngài đã
làm tất cả chỉ để đẹp lòng Chúa. Các ngài đã sống hết mình với bổn phận
bằng tình yêu nồng nàn với Chúa và tha nhân. Cuộc sống của các ngài luôn
rạng ngời biết bao hy sinh làm nên nhân đức. Các ngài đã sống đẹp giữa
dòng đời đến nỗi từ trời cao Thiên Chúa luôn hài lòng về các ngài.
Phải
chăng đó cũng là cách sống chung của những người con cái Chúa? Là người
ky-tô hữu chúng ta phải lan tỏa hương thơm bác ái cho anh em. Là người
ky-tô hữu chúng ta phải sống sao cho người khác nhận ra chúng ta là môn
đệ của Chúa bằng chính đời sống yêu thương và phục vụ. Khi chúng ta sống
hết mình vì Chúa, Chúa sẽ làm tất cả những điều tốt đẹp xuống trên cuộc
đời chúng ta, như chính Ngài đã nói: "Các con hãy lo tìm kiếm nước
Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, còn các sự khác Ngài sẽ ban cho
sau". Ðiều đó Chúa đã thực hiện trên cuộc đời của Maria, của Giacaria.
Khi các ngài sống hết mình phụng thờ Chúa, thì Chúa lại làm biết bao
điều cao siêu trên cuộc đời các ngài.
Nguyện
xin Mẹ Maria là Ðấng hằng đẹp lòng Thiên Chúa, xin cầu bầu cùng Chúa cho
mỗi người chúng ta biết thể hiện nhân cách làm con cái Chúa qua đời
sống bác ái yêu thương, qua đời sống thanh khiết vẹn toàn như Mẹ. Amen.
(Trích trong ‘Cùng Nhau Suy Niệm’ – Lm Tạ duy Tuyền)
SUY NIỆM 4: Yêu cuộc đời, yêu con người
(Suy niệm của Lm Nguyễn Hữu An)
Jacques
Duquesne là một văn hào hiện đại của nước Pháp có kể rằng: Trong một
cuộc tranh luận ở thư viện ngoại ô Paris, với thành phần tham dự đủ mọi
loại người, thuộc nhiều tầng lớp xã hội và tuổi tác khác nhau, đề tài
được bàn đến là Ðức Giê-su. Ðang khi mọi người tranh luận, một thiếu
niên Ả-rập giơ tay nói với Duquesne: thưa ông, một con người không thể
là Thiên Chúa, một Thiên Chúa không thể là người.
Quả
thật đây là vấn đề được đặt ra từ lâu. Không chỉ người thiếu niên Hồi
Giáo đặt ra mà suốt hơn 20 thế kỷ qua nhân loại vẫn luôn thao thức. Tin
vào một Thiên Chúa thần linh thì hầu hết các tôn giáo đều làm như vậy.
Nhưng tin vào một Thiên Chúa làm người, chấp nhận thân phận con người,
không loại trừ bất cứ điều gì chỉ trừ tội lỗi là một điều vượt quá lý
trí nhân loại. Làm sao một Thiên Chúa lại có thể làm những chuyện quá
tầm thường, thậm chí không xứng đáng với bản tính thần linh của Ngài như
là được cưu mang, được sinh hạ, phải ăn uống ngũ nghỉ, mệt mỏi, vui
buồn?
Vậy mà
Giáo Hội Ki-tô Giáo hơn 20 thế kỷ qua vẫn kiên trì bảo vệ niềm tin vững
chắc của mình vào một Ðức Giê-su vừa là Thiên Chúa thật vừa là người
thật. Trong Phụng Vụ Lễ Giáng Sinh khi đọc đến câu Tin Mừng Ga 1,14:
"Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta" thì mọi người
đều quì gối. Trong Lễ Truyền Tin, lúc đọc Kinh Tin Kính, mọi người đều
quì gối khi đọc câu "Người đã nhập thể trong lòng Trinh nữ Ma-ri-a và đã
làm người"
Ðức
Giê-su, Thiên Chúa thật, người thật, là một mầu nhiệm thâm sâu. Ðức Hồng
Y Henri De Lubac bảo rằng: Mầu nhiệm Nhập thể là nghịch lý của mọi
nghịch lý. Văn hào Tertuliano đã xác tín: Tôi tin vì nó phi lý. Thiên
Chúa làm người, điều phi lý đối với lý trí nhưng ông đã tin vì Thiên
Chúa là tình yêu. Thiên Chúa làm người là một nghịch lý, một điều không
thể tin được, bởi lẽ, đã là Thiên Chúa thì phải là Ðấng cao cả, tuyệt
đối, hằng hữu, bất tử. Ðối với triết lý Hy-lạp, các thần linh thuộc về
một thế giới siêu phàm hoàn toàn khác biệt với thế giới phàm nhân. Các
thần linh đều bất di bất dịch, bất động vô cảm đối với thế giới vật
chất. Còn vật chất là một thực tại xấu xa. Thân xác con người là tù ngục
nhốt kín linh hồn và linh hồn tìm cách thoát khỏi tù ngục thân xác để
trở về thượng giới. Do đó họ không thể tin nổi một Thiên Chúa yêu thương
con người tới mức làm người, sống với con người cách đơn sơ bé nhỏ. Vậy
mà niềm tin Ki-tô Giáo lại khẳng định: Ðiều mà người Do-thái coi là ô
nhục không thể chấp nhận được, dân ngoại cho là điên rồ (1Cr 1,23) thì
lại là Niềm Tin căn bản nhất trong giáo lý Giáo Hội: Thiên Chúa làm
người và ở cùng chúng ta.
Giáo
Hội chọn đọc đoạn Tin Mừng Lc 1, 26-38: Truyền tin cho Ðức Ma-ri-a để
nói cho chúng ta về việc nhập thể lạ lùng của Con Thiên Chúa trong cung
lòng một trinh nữ. Một trinh nữ thụ thai, sinh con, đồng trinh trọn đời,
một giáo lý độc đáo nhất chỉ có trong Ki-tô Giáo. Ðoạn Tin Mừng này
được đọc trong các Lễ Ðức Ma-ri-a, nói lên sự thánh hiến tuyển chọn của
Thiên Chúa đối với một thụ tạo được đặc ân vĩ đại nhất. Trang Tin Mừng
được công bố trong ngày hôm nay muốn hướng chúng ta đến Mầu Nhiệm Nhập
Thể Làm Người của Con Thiên Chúa.
Trong
cuộc đối thoại giữa sứ thần Gáp-ri-en và Ðức Ma-ri-a, chính sứ thần đã
nói: "Quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm lên bà, vì thế con bà sinh ra
sẽ là Ðấng Thánh, là Con Thiên Chúa". Từ ngữ quan trọng ở đây là "bao
trùm lên". Trong Cựu Ước, sách Xuất Hành kể lại: Một đám mây mầu nhiệm
bao trùm lên Lều Tạm, nơi dân Do-thái để Hòm Bia Giao Ước; Một giao ước
được Thiên Chúa ký kết với Mô-sê trên núi Xi-nai. Hòm Bia, nơi chứa đựng
Thập Giới; Xh 40, 34 nói rằng: Bao lâu đám mây còn bao phủ Lều Tạm thì
Lều Tạm có Thiên Chúa hiện diện.
Thánh
Lu-ca dùng từ "bao trùm lên" không phải là ngẫu nhiên mà là có ý nghĩa
thâm sâu. Lu-ca so sánh thân thể Ðức Ma-ri-a với Lều Tạm, nơi đặt Hòm
Bia Giao Ước của Thiên Chúa. Cung lòng Ðức Ma-ri-a, nơi Ðức Giê-su cư
ngụ; Hòm Bia Giao Ước, nơi đặt hai phiến đá ghi 10 Giới Răn của Thiên
Chúa, trung tâm Cựu Ước. Vậy khi quyền năng của Thiên Chúa bao trùm lên
Ðức Ma-ri-a thì có Thiên Chúa hiện diện trong Ngài. Nhưng sự hiện diện
của Thiên Chúa trong cung lòng Ðức Ma-ri-a thì vô cùng phong phú hơn
làsự hiện của Thiên Chúa trong Nhà Tạm, vì nơi đó Ðức Giê-su bằng xương
bằng thịt hiện diện. Quyền năng Chúa Thánh Thần bao phủ và máu thịt Ðức
Ma-ri-a tạo nên hình hài Ðức Giê-su. Ðức Giê-su mặc lấy thân xác con
người nhờ máu thịt Ðức Ma-ri-a và Người vẫn là Thiên Chúa được Chúa Cha
sinh ra từ muôn thuở. Cả hai bài đọc giúp chúng ta hiểu thêm về mầu
nhiệm ấy.
Qua lời
"Xin Vâng" của Ðức Ma-ri-a, Thiên Chúa đã nhập thể làm người. Nói như
Thư Do thái, Ngài đã muốn nên giống anh em mình về mọi phương diện, phải
trải qua thử thách và đau khổ, phải nếm sự chết. Ðau thương, thử thách,
gian khổ, chết, đó làthân phận con người. Hữu sinh hữu tử. Ðức Giê-su
đã chấp nhận sinh làm con một người phụ nữ và sống dưới lề luật như Lời
Thánh Phao-lô trong Thư Gl 4,4 thì Người cũng chịu nạn đời quan
Phong-xi-ô Phi-la-tô, chịu đóng đinh trên cây thập giá và táng xác như
chúng ta đã tuyên xưng trong kinh tin kính. Ðó là niềm tin vững chắc của
người Ki-tô hữu hơn 20 thế kỷ qua.
Ðức
Giê-su đã sinh ra và đã đi vào lịch sử. Thiên Chúa của chúng ta không
phải là vị Chúa Tể xa cách uy nghi ngự chín tầng mây, mà qua, Ðức
Giê-su, Người đã trở thành Em-ma-nu-en, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Người đến không phải để được kẻ hầu người hạ mà là để phục vụ và hiến
dâng mạng sống làm giá chuộc muôn dân. Chính Người đã quì xuống rửa chân
cho các môn đệ và tuyên bố với các học trò mình "Thầy không còn gọi anh
em là tôi tớ vì tôi tớ không biết việc chủ làm, nhưng Thầy gọi anh em
là bạn hữu vì tất cả những gì Thầy nghe biết nơi Cha Thầy thì Thầy sẽ
cho anh em biết" (Ga 15, 15).
Con
Thiên Chúa làm người cũng lớn lên như hàng tỉ con người khác, cũng cần
chín tháng mười ngày trong lòng mẹ để khóc chào đời mong manh yếu đuối.
Người cũng đã đi hết hành trình cuộc đời với tất cả buốn vui, âu lo trăn
trở. Như thế, Con Thiên Chúa làm người dạy cho mỗi người chúng ta yêu
mến cuộc đời, yêu mảnh đời bé nhỏ âm thầm đơn sơ của mình. Cuộc đời Ðức
Giê-su không chỉ toàn màu hồng. Ngài đã phải long đong với phận nghèo,
cũng ê chề vì thất bại chống đối khinh khi, bị tước đoạt đến tột cùng
trên thập giá. Nhưng Ngài vững tin đến cùng vào tình yêu Chúa Cha ngay
giữa lúc tối tăm nhất.
Con
Thiên Chúa làm người dạy chúng ta yêu mến mọi người. Từ khi Ðức Giê-su
mang lấy khuôn mặt con người thì mọi người đều mang khuôn mặt Thiên
Chúa. Mọi người đều là anh em trong Ðức Giê-su. Yêu cuộc đời và yêu mọi
người là thắp lên ngọn lửa Ðức Tin để sưởi ấm cho xã hội đang mất dần
niềm tin vào Thiên Chúa vào con người. Chính Ðức Thánh Cha Gio-an
Phao-lô 2 trong Thông Ðiệp Ðấng Cứu Chuộc Con Người đã mạnh mẽ nói rằng:
Con người là con đường của Giáo Hội. Con người là đối tượng phục vụ của
Giáo Hội.
Xin Mẹ Maria giúp chúng con yêu mến con người và yêu mến cuộc đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét