GIA ĐÌNH THÁNH TÂM

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2012

Chúa Nhật V Thường Niên Năm B


Chúa Nhật V Thường Niên Năm B





BÀI ĐỌC I: G 7, 1-4. 6-7
"Tôi phải buồn sầu mãi cho đến tối".
Trích sách Gióp.
Bấy giờ Gióp nói rằng: "Khổ dịch là đời sống của con người trên trái đất, ngày của họ giống như ngày của người làm công. Cũng như người nô lệ khát khao bóng mát, như người làm công ước mong lãnh tiền công thế nào, thì tôi cũng có những tháng nhàn rỗi, có những đêm người ta bắt tôi làm việc cực nhọc. Nếu tôi đi ngủ, thì tôi lại nói: "Chừng nào tôi mới thức dậy, và chừng nào là đến chiều? Tôi phải buồn sầu mãi cho đến tối". Ngày của tôi qua nhanh hơn chiếc thoi đưa, nó tàn lụn đi mà không mang lại tia hy vọng nào. Hãy nhớ rằng đời sống tôi chỉ là một hơi thở! Mắt tôi sẽ không nhìn thấy hạnh phúc". Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 146, 1-2. 3-4. 5-6
Đáp: Hãy chúc tụng Chúa, Đấng cứu chữa những kẻ giập nát tâm can (c. 3a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hãy ngợi khen Chúa, vì Người hảo tâm; hãy ca mừng Thiên Chúa chúng ta, vì Người êm ái, thực Người rất đáng ngợi khen. Chúa xây dựng lại Giêrusalem, tập họp con cái Israel phân tán. - Đáp.
2) Chính Người chữa những kẻ giập nát tâm can, và băng bó vết thương của lòng họ. Người ấn định con số các ngôi sao, và gọi đích danh từng ngôi một. - Đáp.
3) Chúa chúng ta cao cả và mãnh liệt quyền năng, sự khôn ngoan của Người thực là vô lượng. Chúa nâng cao những kẻ khiêm cung, Người đè bẹp đứa ác nhân xuống tận đất. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 9, 16-19. 22-23
"Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, nếu tôi rao giảng Tin Mừng, thì không phải để làm cho tôi vinh quang, mà vì đó là một nhu cầu đối với tôi. Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng. Giả như nếu tôi tự ý đảm nhận việc ấy, thì tôi có công; nhưng nếu tôi bị ép buộc, thì tôi phải làm trọn nghĩa vụ đã giao phó cho tôi. Vậy thì phần thưởng của tôi ở đâu? Khi rao giảng Tin Mừng, tôi đem Tin Mừng biếu không, tôi không dùng quyền mà Tin Mừng dành cho tôi. Mặc dầu tôi được tự do đối với tất cả mọi người, tôi đã đành làm nô lệ cho mọi người, hầu thu hút được nhiều người hơn. Tôi đã ăn ở như người yếu đau đối với những kẻ yếu đau, để thu hút người yếu đau. Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi. Tất cả những việc đó, tôi làm vì Tin Mừng để được thông phần vào lợi ích của Tin Mừng. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 10, 27
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Chiên của Ta nghe biết tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta". - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 1, 29-39
"Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài.
Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người.
Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng: "Mọi người đều đi tìm Thầy". Nhưng Người đáp: "Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa". Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ. Đó là lời Chúa.

. Chú giải của Fiches Dominicales: TỪ HỘI ĐƯỜNG CAPHÁCNAUM ĐẾN KHẮP MIỀN GALILÊ. LỜI CẦU NGUYỆN CỦA CHÚA GIÊSU NGAY GIỮA LÚC THI HÀNH SỨ VỤ
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
1. Từ âm thầm trong “nhà”
Ba câu chuyện nhỏ xảy ra liên tiếp trong bài Tin Mừng Chúa nhật thứ V hôm nay. Cả ba tương phản nhau như được tượng trưng qua những địa điểm chúng xảy ra: bắt đầu từ một chỗ âm thầm trong “nhà của ông Simon” (Phêrô); rồi đến “ngoài cửa”, nơi “cả thành xúm lại”, sau cùng là “một nơi hoang vắng” ở đó, trong lúc Chúa đang cầu nguyện, vang lên lời Người gọi mời phải mở rộng cánh đồng truyền giáo.
Đức Giêsu, có các môn đệ đầu tiên cùng đi theo, ra khỏi hội đường Caphácnaum, đến “nhà hai ông Simon và Anrê”. Luật Do Thái có qui định nghiêm ngặt trong ngày Sabát như ngày hôm đó, người ta được phép đi lại bao xa. Kết quả những công trình đào xới khảo cổ học gần đây cho thấy, quãng đường phải đi từ hội đường đến “căn nhà mà Đức Giêsu và các ông định đến, quả thực rất gần. Căn nhà này hình như là địa điểm họp mặt, đồng thời là cứ điểm truyền giáo của Đức Giêsu. Nó đóng một vị trí quan trọng trong Tin Mừng thứ hai này.
Máccô thuật tiếp: “Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simon đang lên cơn sốt”. Để hiểu được ý nghĩa câu chuyện, cần phải nhớ rằng vào thời đó, bệnh sốt được xem như là một trong những hình phạt mà Thiên Chúa doạ sẽ giáng xuống trừng phạt dân tộc bất trung: “nếu các ngươi khinh thường các luật điều của Ta, và hồn các ngươi ớn ghét các phán quyết của Ta, không làm theo rất cả các lệnh truyền của Ta, đến thủ tiêu giao ước của Ta, thì chính Ta, Ta sẽ làm điều này cho các ngươi. Ta sẽ giáng xuống trên các ngươi kinh hoàng, tiêu hao, cảm sốt làm cho mắt đờ, hơi kiệt” (Lv 26, 15-16a).
J. Pótin chú thích thêm: “người bị bệnh sốt, là kẻ bị tình nghi phạm một tội nào đó, khiên tuỳ mức nặng nhẹ của cơn sốt mà không được tham dự, hoặc tất cả hoặc một phần; vào sinh hoạt chung tôn giáo và xã hội” (“Jésus, lhistoire vraie”, Centurion, trang 162) .
Câu chuyện được tiếp tục kể, giọng điệu mau lẹ, ngắn gọn, không thấy một lời nói nào.
Trước tiên là sự thỉnh cầu của các thân nhân người bệnh: “Lập tức họ nói cho Người biệt tình trạng của bà”.
Tiếp đó là cử chỉ chữa lành: “Đức Giêsu lại gần, cầm lấy tay mà đỡ dậy”.
Dưới ánh sáng Phục Sinh, cử chỉ này của Đức Giêsu mang một ý nghĩa biểu tượng đối với Máccô và cộng đoàn Kitô hữu của ông. J.Hervieux lưu ý chúng ta: “ Đó là điều được ám chỉ một cách kín đáo, qua việc sử dụng một kiểu nói đặc biệt. Tro ng tiếng Hy Lạp, động từ “đỡ dậy” cũng là động từ Máccô dùng để nói về Đức Giêsu: “Người đã chỗi dậy rồi” (16,6). Chúng ta cần phải đặt mình trong khung cảnh những Kitô hữu tiên khởi khi đọc trang Tin Mừng này. Đối với họ, Đức Giêsu không chỉ là Đấng có quyền phép chữa bệnh lạ lùng trong giai đoạn đầu của sứ vụ. Với cuộc Phục sinh, Người được suy tôn là “Đức Chúa và Đấng Kitô” (Cv 2,36), nghĩa là Đấng qua từng ngày vẫn tiếp tục cứu chữa loài người khỏi tội lỗi tiếp tục giải thoát họ khỏi sự chết” (“LEvangile de Marc”, Centurion, trang 33).
Người bệnh bỗng phút chốc được lành bệnh, sức khoẻ được hồi phục hoàn toàn, bằng chứng là sau đó bà bắt đầu phục vụ Đức Giêsu và các người đi theo Chúa. Đó cũng là hình ảnh người Kitô hữu đã từng bị nằm liệt, do bị hành hạ bởi cơn sốt là tội lỗi Nhưng Đức ki tô đã đến “cầm lấy tay mà đỡ dậy”; nhờ đức tin và phép Rửa tội, để một khi đã được chữa lành, họ sẽ trở thành kẻ phục vụ Chúa và anh ern mình: “Cơn sốt dứt ngay, và bà phục vụ các ngài”. J. Hervieux tiếp tục: “Khi trình bày cho thấy, người đàn bà đã được chữa khỏi, bắt đầu phục vụ các vị khách của mình, Máccô chắc chắn nghĩ đến việc “phục vụ ” Đức Kitô mà mỗi Kitô hữu được mời gọi phải làm Đấng Cứu Thế không ngừng giải thoát các tín hữu của người khỏi sự dữ để họ bắt tay vào công việc phục vụ đó ” (Sđd) .
2. Rồi đến “trước cửa” có “cả thành xúm lại”:
Khi mặt trời lặn, đối với người Do Thái, đó là lúc kết thúc ngày Sabát, và bắt đầu một ngày mới.
Hết bị ràng buộc bởi những khoản cấm đoán liên can đến ngày hưu lễ, mọi người từ lúc này ai nấy trở lại với sinh hoạt bình thường, và họ dẫn đến cho Đức Gtêsu “mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám”. Chẳng mấy chốc, theo lời của Máccô, “cả thành xúm lại trước cửa”. Phép lạ chữa lành bà mẹ vợ ông Phêrô diễn ra âm thầm giữa một nhóm vài ba người, nay đã bung ra cho niềm khát mong của bao kẻ bên ngoài: “Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ”.
- Người ra lệnh cho chúng không được nói gì cả lần này cũng nghiêm khắc không kém gì lúc ở trong hội đường (c.25): “Người không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai”.
M.E.Boismard đặt câu hỏi: “Tại sao lại có bệnh cấm đoán đó ở đây cũng như chỗ khác, trong ch. 1 câu 5, khi Đức Giêsu bị thần ô uế phải im tiếng mà xuất ra khỏi nạn nhân?… Vào thời đó cũng chính ông trả lời, đất nước Palestin đã bị mất chủ quyền, và rơi vào ách đô hộ của người La mã. Do vậy, dân tộc Do Thái ngày đêm mong mỏi một vi anh hùng giải phóng đến để “khôi phục lại vương quốcIsrael” (Cv 1, 6; Lc 1, 58-73). Nhưng Đức Giêsu được Thiên Chúa sai đến không phải thực hiện công cuộc khôi phục có màu sắc chính trị đó. Chính Đức Kitô rồi đây sẽ giải thích thực chất vương quyền của Người là gì, khi triển khai giáo huấn của Người bằng những dụ ngôn (Mc 4, 1 và tiếp theo). Chúng ta sẽ hiểu rõ hơn sự sai biệt giữa vi vua mà dân Do Thái mong đợi và vị vua mà Thiên Chúa gởi đến cho họ. Chính vì muôn tránh sự hàm hồ đó mà Đức Giêsu đă không cho phép quỷ xưng Người là ai, cũng như sau này Người chỉ thị cho những kẻ được chữa lành phải thinh lặng. Đó là lý do của cái quen gọi là “bí mật Mêsia” (“Jésus, un homme deNazareth”, Cerf, trang 46-47).
Danh hiệu “Đấng Kitô” và “Con Thiên Chúa” chỉ được giải nghĩa chính xác sau ngày dưới ánh sáng của Khổ Nạn và Phục Sinh. Phải giữ thinh lặng cho đến khi thật sự sáng tỏ rằng Đấng Messia chỉ đến cứu loài người qua con đường hy sinh chịu chết.
3… Và “những nơi khác” phải đến để rao giảng:
Các câu từ 35 đến 39 đóng vai trò chuyển tiếp giữa sứ vụ của Đức Giêsu được khai trương ở Caphácnaum và mở rộng ra khắp miền Galilê.
Trái ngược hoàn toàn với công việc bề bộn của Người để phục vụ đám đông ở Caphácnaum, giờ đây Đức Giêsu chỉ có một mình trong một nơi thanh vắng”.
- Chúng ta đang ở vào lúc sáng sớm, lúc trời còn tối mịt”, hôm sau ngày Sabát, ngày thứ nhất trong tuần, sau này sẽ là Chúa nhật của người Kitô hữu, “ngày của Chúa”. Đức Giêsu cầu nguyện, như Người từng làm như thế vào mỗi khoảng khắc quan trọng của sứ vụ (x. Mc 6,46 và 14,35-39). Chắc chắn trước sự ồn ào nô nức của đám đông vây quanh mình, Người cảm thấy nhu cầu được đắm chìm lại trong sự thân mật với Chúa Cha, cũng như xác định lại vị trí của mình trên con đường sứ vụ. P.E. Boismard chú giải: “Trong nơi hoang vắng, tất cả đều im tiếng, chỉ có sự tĩnh lặng tràn ngập ánh sáng, chỉ có con người và Thiên Chúa. Bởi vì mọi sự đều lặng thinh nên con người mới nghe được tiếng Thiên Chúa” (Sđd, trang 49).
Các môn đệ thì chạy đi tìm Chúa, mong mời cho được Người trở về Caphácnaum, ở đó “mọi người đang tìm Thầy”. Nhưng Đức Giêsu cương quyết nhắc cho họ biết cái cốt lõi trong sứ vụ của Người là: loan báo Tin Mừng. “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng chung quanh, Người trả lời họ, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó”.
Từ đó, “Người đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ”. Đoạn Tin Mừng chấm dứt ở giai đoạn mở màn của sứ mạng truyền giáo ấy.
Vài câu Tin Mừng ở trên có những nét đặc trưng của Máccô: Đức Giêsu ra đi trước, một mình, cầu nguyện. Lúc đó là đêm thứ bảy bước sang ngày Chúa nhật, quãng thời gian của sáng sớm ngày Phục Sinh (x. 16, 1-8). Các môn đệ ra đi sau, tìm Chúa để cố lôi kéo người lại. Thế nhưng trong Tin Mừng Máccô, không bao giờ có điểm dừng, người ta luôn luôn được gởi đi đến một nơi khác: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quang, vì Thầy ra đi cối để làm việc đó”. Các phụ nữ đi viếng mộ Chúa sau này cũng được gởi đi lên một “nơi khác như thế (“Người không còn đây nữa. Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phêrô rằng người sẽ đến Galilê trước các ông). Bài tường thuật ngắn ngủi này có thể được dùng làm tấm gương soi cho cộng đoàn Kitô hữu đang họp nhau trong đêm thử bảy vọng sáng Chúa nhật, để cầu nguyện và tìm Chúa. Họ cũng sẽ được gởi đi đến một nơi các: “Tin Mừng phải được rao giảng cho mọi dân tộc” (13,10) (“L’evangile se lon saint Marc”, Cerf, trang 37).
II. BÀI ĐỌC THÊM
1. “Cầu nguyện và truyền giáo”
(Mgl. L.Daloz, trong “Qui dong est-il?”, Desclée de Brouwer, trang 17).
“Cuộc đời của Đức Giêsu luôn xáo động. Người thường không được ở yên. Thế nên Người phải ra đi để cầu nguyện, giữa đêm tối, ở một nơi hoang vắng. Simon và các bạn chạy đi tìm Chúa và quấy rầy Người: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!”. Trong cuộc sống luôn bị xáo trộn như thế, Đức Giêsu tận dụng thời gian để cầu nguyện. Người cầu nguyện cách kín đáo, thường là một mình. Người lắng nghe Chúa Cha, trong thinh lặng, và nói với Chúa Cha. “Thầy phải lo việc của Cha Thầy”. Người là Người Con Chí ái, hằng yêu mến Cha, và luôn sống thân mật với Cha. Khi đi rao giảng cũng là lúc Người lo việc của Cha. Mọi người tìm Người, đợi Người. Nhưng Người đi nơi khác, “đến các làng xã chung quanh, theo tiếng gọi của sứ vụ truyền giáo của Người: “Vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó”. Mối tương quan thân mật giữa Đức Giêsu và Chúa Cha ảnh hưởng trực tiếp đến sứ vụ, lời rao giảng của Người. Người làm điều Cha muốn và tìm kiếm thời gian để ở với Cha. Đó cũng là điều kiện phải có của mọi sứ vụ. Nó đòi hỏi phải có sự gặp gỡ thân tình với Chúa Cha trong cầu nguyện, và lắng nghe ý Người”.
2. “Một bài giáo huấn về vài khía cạnh trong Bàn Tiệc ngày Chúa nhật”
(F. Deleclos, trong: “Prends ét mang La Parole, “Centurion – Duculot, trang 137-138).
“Đoạn Tin Mừng kể về phép lạ chữa lành bà mẹ vợ của ông Phêrô không chỉ đơn giản là “chuyện nhỏ”, nó xứng đáng được xem như (một bài giáo huấn về vài khía cạnh trong Bàn Tiệc ngày Chúa- nhật”. Là những kẻ tội lỗi, chúng ta được qui tụ bởi đức tin, làm nên cộng đoàn Hội Thánh tìm kiếm Đức Kitô và kêu cầu Người. Giống như bà mẹ vợ của ông Phêrô, chúng ta bị nằm liệt giường và lên cơn sốt, chẳng được vui hưởng cuộc sống đích thực. Chúng ta bị hành hạ bởi bệnh sốt của những kẻ không chịu lắng nghe tiếng Chúa và chăm chú thực hành những điều răn của Người (Tl 28,15 và 22). Đức Giêsu đến làm cho chúng ta được bình phục, đủ sức khoẻ để phục vụ bàn tiệc thánh Thể và dấn thân vào cuộc chiến chống lại mọi hình thức của đau khổ”.
3. “Phép lạ chữa lành như là dụ ngôn về sự sống lại”
(H. Denis, trong “100 mots pour dire Jésus”, Desclée de Brouwer, trang 183).
“Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào lòng con. Nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con được lành mạnh”.
Câu kinh đọc trước Rước lễ có thể soi sáng một vài suy tư sau đây về phép lạ chữa bệnh.
Đức Giêsu đã làm nhiều phép lạ chữa bệnh, đó là điều rõ ràng ai cũng biết. Chúng có mặt hầu như ở từng trang Tin Mừng. Đằng khác, nếu không chữa bệnh, làm sao Đức Giêsu chứng tỏ mình là Đấng Mêsia được? Đó là điều đòi hỏi phải có vào thời của Người, mà người ta còn gặp thấy lại nơi mọi lãnh tụ tôn giáo thời nay.
Nhưng Đức Giêsu không chỉ là một người chuyên chữa bệnh. Chắc chắn không! Người không, đến để chữa bệnh nhưng để cứu con người. Nếu có chữa bệnh đi nữa thì cũng là để cứu độ Người không bảo: “Đức Tin đã chữa lành con”, nhưng: “Đức Tin đã cứu con”. Thế mà ơn cứu độ là gì nếu không phải là được sống nhờ sự sống của Đức Kitô, dù khi khoẻ mạnh hay ốm đau, cả sau khi chết cũng như lúc còn sống. Phép lạ chữa bệnh chỉ là một thứ dụ ngôn về sụ sống lại. Một nhà chú giải hiện nay đã có một nhận định mà theo sự đánh giá của tôi, đã soi sáng cho tôi rất nhiều. Trong Phụng vụ, vị ấy nói, ngay từ ban đầu người ta chưa hề bao giờ đọc một bài Tin Mừng về phép lạ Đức Giêsu chữa bệnh để cầu cho bệnh nhân được lành (như thế chẳng khác nào đọc thần chú!), nhưng chỉ để công bố sự Phục sinh của Chúa”.

B. CÁC BÀI CHIA SẺ
Bài 1. Ðời Sống Thường Nhật
An Phong op
Thánh Máccô trình bày một ngày làm việc của Chúa Giêsu, một ngày bận rộn với công việc chữa bệnh, rao giảng Tin mừng, nhưng vẫn dành thì giờ cho việc cầu nguyện; một ngày lo chuyện “gia đình” của những người thân thuộc, nhưng không quên ra đi “đến các làng xã chung quanh”. Một bản văn tóm tắt như thế cho ta thấy những khía cạnh chính yếu của cuộc đời Ðức Giêsu. Cuộc đời phong phú của Chúa Giêsu bao hàm nhiều khía cạnh : chiêm niệm và hoạt động, việc nhà và việc nước, với Chúa Cha và với con người… Ðời sống đó trở nên nguồn mạch mẫu mực cho nhiều lối sống khác nhau, những ơn gọi khác nhau.
Ngày nay, trong Hội thánh, chúng ta thấy có nhiều ơn gọi khác nhau : ơn gọi gia đình, đơn gọi tu trì, ơn gọi giáo sĩ; chúng ta cũng thấy có nhiều linh đạo khác nhau, linh đạo chiêm niệm, linh đạo hoạt động, linh đạo bác ái, linh đạo rao giảng Tin mừng… Tất cả những bậc sống và những linh đạo ấy đều bắt nguồn từ chính đời sống của Chúa Giêsu và đều phải lầy Chúa Giêsu làm mẫu mực cho mình. Như thế, nếu ta có nhận ra một ơn gọi, một tác vụ nào được Chúa kêu gọi và trao phó cho mình, thì đồng thời ta cũng phải hiểu rằng còn có nhiều ơn gọi và linh đạo khác trong Hội thánh của Chúa. Nhất là ta phải hiểu rằng những bậc sống ấy gắn bó chặt chẽ với nhau, những tác vụ khác nhau ấy tương tác lẫn nhau cách mật thiết. Do vậy, những con đường khác nhau ấy cần tìm thấy mối liên đới hữu ích và sung mãn trong sự hiệp thông của Hội thánh Chúa.
Hội thánh là Nhiệm Thể của Ðức Kitô, chính Thánh Thần của Ðức Kitô là nguyên lý sống của Hội thánh và Thánh Thần làm cho Nhiệm Thể cũng được liên kết, thống nhất với Ðầu là Chúa Kitô, trong cách thức hiện hữu cũng như trong hoạt động. Như thế, có thể nói được rằng một bậc sống nào mà muốn loại trừ hoặc khinh thường bậc sống khác là không có Thánh Thần của Chúa; một linh đạo nào không thể chấp nhận hoặc không liên kết với một linh đạo khác thì chẳng thể xuất phát từ Thánh Thần của Chúa Kitô được.
Trong “một ngày sống” của Chúa Giêsu Kitô, có tất cả đời sống và hoạt động của Hội thánh Chúa; có tất cả mọi hoạt động và linh đạo của mỗi người và mỗi đoàn thể của Hội thánh hôm nay.
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã sống một cuộc đời phong phú
và hữu ích cho con người biết bao.
Ngày hôm nay, Chúa ngự vào lòng con,
Chúa ở với con và làm việc trong con,
xin cho con được cùng với Chúa
để sống, sống phong phú
và hữu ích cho anh chị em của con
như Chúa đã từng sống.

Bài 2. CON ÐƯỜNG NÀO CHÚA ÐI
Như Hạ op
Hạnh phúc như gần mà như xa. Làm sao thực hiện được những lời cầu chúc đầu xuân giữa một nhân loại còn đầy những người nghèo khổ, bị áp bức và bị gạt ra ngoài lề xã hội ? Làm sao hạnh phúc khi con người chưa được làm người vì bị đè bẹp dưới những cơ chế bất công và truyền thống lỗi thời ?
THỰC TẾ CON NGƯỜI VÀ SỨC MẠNH THIÊN CHÚA
Ngoài Thiên Chúa, không ai có thể đem lại mùa xuân cho nhân loại. Ðức Giêsu đã mạc khải cho mọi người thấy sức mạnh phá tan mọi đau khổ, đem lại hạnh phúc cho muôn người, phát xuất tự nơi Thiên Chúa. Ðức Giêsu chính là sức mạnh đó. Người biết rõ đau khổ xuất phát tự đâu, tự mối tương quan bị đổ vỡ giữa Thiên Chúa và con người. Nguyên nhân chính của sự đổ vỡ đó là ma quỉ. Nhưng ma quỉ cũng không làm gì được nếu con người không muốn. Cuối cùng chính vì lòng tham dục của con người, tội lỗi đã lọt vào trần gian và gây nên đau khổ, chết chóc. Như vậy, thực sự không có gì mâu thuẫn giữa quan điểm Phật giáo và Kitô giáo về đau khổ. Chỉ khác nhau một điểm, Kitô giáo phân biệt những dục vọng tốt và xấu. Dục vọng xấu xa nhất chính là tính kiêu ngạo đã đẩy con người lên cõi mơ ngang hàng với Thiên Chúa. Con người đã vỡ mộng. Do đó có đau khổ. Hạnh phúc trở thành giấc mơ.
Nhưng có những đau khổ không tùy thuộc vào dục vọng hay ý muốn con người. Có những nạn nhân vô tội chịu đựng những thiên tai khủng khiếp. Biết bao sinh linh đã bị chìm ngập trong dòng nước lũ tại miền Trung hay tại Venezuella vừa qua. Chính ông Job đã kinh nghiệm sâu xa về nỗi oan ức đó. Ông không thể hiểu nổi chương trình quan phòng của Thiên Chúa. Cuộc đời như chìm trong sự nhàm chán, tuyệt vọng. Giữa đau khổ, ông đã thốt lên : “Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa, và chấm dứt, không một tia hi vọng. Lạy Ðức Chúa, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ” (Jb 7:6-7).
Ðức Giêsu cũng là nạn nhân vô tội của một cơ chế bất công. Nhưng Người đã tìm thấy ý nghĩa và niềm hi vọng ngay trong những đau khổ. Người không thể chịu đựng nổi trước những đau khổ của con người. Bởi thế, Người đã ra tay hành động để trấn át ác thần đang hoành hành trong thân xác và tinh thần con người. Ðiển hình, Người đã chữa lành “bà mẹ vợ ông Simon đang lên cơn sốt, nằm trên giường” (Mc 1:30). Khắp nơi “Ðức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ” (c.34). Người đi ngang qua những khổ đau như giới hạn nhốt chặt thân phận con người. Chính vì thế, quyền năng Thiên Chúa đến như một sức mạnh giải thoát. Nếu đời là bể khổ, Ðức Giêsu đã lặn ngụp xuống bể khổ đó và đẩy nhân loại lên bằng chính sức mạnh Tin Mừng. Người đã dùng chính những cay đắng của bể khổ đó để tẩy rửa những vết thương trần gian. Nhờ sức mạnh Thánh Linh, nước bể khổ đó cũng có sức mạnh thanh tẩy những bụi bặm và hôi hám thế tục. Nhờ đó, hình ảnh Thiên Chúa xuất hiện nguyên vẹn trong con người và cuộc đời Kitô hữu.
SỨ MỆNH GIẢI THOÁT
Ðức Giêsu đã dùng quyền năng Thiên Chúa để đẩy mạnh công cuộc rao giảng Tin Mừng về Nước Thiên Chúa. Tự bản chất, Tin Mừng là một sức mạnh giải thoát con người. Thế nên, Tin Mừng được rao giảng tới đâu, niềm vui dâng cao tới đó. Bằng chứng sau khi khó nhọc tìm Ðức Giêsu, các môn đệ reo lên: “Mọi người đang tìm Thầy đấy !” (c.37).
Nhưng chính lúc mọi người tìm Thầy, Thầy lại không muốn dừng lại để hưởng trọn lòng ngưỡng mộ đó. Thầy không bằng lòng với những gì đã làm. Thầy muốn đi xa hơn những thành công hôm qua. Còn nhiều nơi khác, nhiều người khốn cùng khác đang chờ đợi bước chân Thầy. Chính Thầy đánh thức các ông khỏi cơn mê ngủ với danh vọng của Thầy: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (c.38). Tin Mừng phải hướng tới những nơi đang phủ đầy bóng đêm tội lỗi. Cảnh nhân loại khổ đau đã thôi thúc Thầy tiến tới không ngừng: “Người đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ” (c.39).
Ðó là cách Người thi hành sứ mệnh rao giảng Tin Mừng. Nói khác, “đối với thánh Marcô, Ðức Giêsu rao giảng Tin Mừng Thiên Chúa bao gồm toàn thể biến cố, lời nói và hành động” (Dupuis 1995:279). Thật vậy, Người hành động khi làm phép lạ, tiếp xúc với quần chúng, dẹp yên những ảnh hưởng tà thần. Ngay những dụ ngôn cũng đầy dẫy những hình ảnh linh động. Ngang qua hành động, Tin Mừng đã được công bố cho muôn dân. “Phép lạ là Tin Mừng đang hành động” (Dupuis 1995:280). Cộng thêm với lời Ðức Giêsu nói, các phép lạ thúc đẩy con người chấp nhận Nước Thiên Chúa. Nhất là khi trừ quỷ, Ðức Giêsu càng tỏ rõ uy quyền Thiên Chúa vàsức mạnh Tin Mừng giải thoát. Lực lượng thần dữ đã đến ngày tàn. Ðức Giêsu đã mở ra một chân trời mới, phóng tầm nhìn nhân loại tới Nước Trời, nơi chan chứa niềm vui và tự do. Từ nay con người sẽ không còn phải gò bó trong những đòi hỏi luân lý cứng ngắc, nhưng hoàn toàn sống tự do theo Tin Mừng vì Nước Trời đã đến nơi con người Ðức Giêsu Kitô.
Tin Mừng Ðức Giêsu đã đem lại nguồn an ủi và hi vọng lại cho bao người sầu khổ và thất vọng. Vì Ðức Giêsu đã hoàn toàn đồng hóa với những người nghèo và Tin Mừng đã được rao giảng cho họ trước tiên. Tất cả những người nghèo khổ, bị áp bức và bị gạt ra ngoài xã hội đều góp phần xây dựng Nước Thiên Chúa. Vì chính họ sẽ được hưởng trọn niềm vui giải thoát nhờ cái chết và sự phục sinh của Ðức Giêsu. Người không chấp nhận đối xử phân biệt với những người kém may mắn về vật chất. Người muốn chống lại những cơ cấu xã hội và tôn giáo bất công, nguyên nhân gây nên cảnh khốn cùng cho con người cả về vật chất lẫn tinh thần. Bởi vậy Tin Mừng có một chiều kích giải phóng toàn diện con người. “Người không phải là một nhà cách mạng chính trị, nhưng cuộc sống và cái chết của Người có một chiều kích chính trị, vì Người có những thái độ thách thức và đe dọa những nhà cầm quyền tôn giáo và chính trị” (Dupuis 1995:281).
Cũng thế, Giáo hội không phải là một tổ chức chính trị. Nhưng Giáo hội không thể im lặng trước những cảnh người nghèo bị đàn áp bất công. Vì “thúc đẩy thực hiện công lý và tham gia vào việc biến đổi thế giới là một “chiều kích cốt yếu” của sứ mệnh Phúc Âm hóa của Giáo hội.” (Dupuis 1995:282) Bao lâu còn người nghèo, bấy lâu sứ mệnh Giáo hội càng cấp thiết. Nhân loại hôm nay đang quằn quại dưới những cơ chế tôn giáo và xã hội bất công, người môn đệ Ðức Kitô có nghe thấy những tiếng rên siết của bao người bất hạnh đó không ? Rao giảng Tin Mừng là đang đem lại mùa xuân cho nhân loại. Mùa xuân đang đến trên quê hương, vì các môn đệ Ðức Kitô đang xông pha đem Tin Mừng đến cho tất cả những ai nghèo khổ. Tôi có được kể vào số những môn đệ đó không ? Tôi có sẵn sàng đối thoại với mọi người thiện chí và can đảm đối diện với những thách đố thời đại để đem lại hạnh phúc ấm no cho mọi người không ?     

Bài 3. Kiên Nhẫn Như Ông Gióp
Fr. Jude Siciliano, op
Thưa quí vị.
“Kiên nhẫn như ông Gióp” là câu nói đầu lưỡi của thế giới công giáo, phổ thông nhất là ở ngôn ngữ các nước tây Âu. Nó ngụ ý tán thưởng những ai kiên cường chịu đựng nghịch cảnh lâu dài. Nhưng chắc chắn bài đọc một hôm nay không chứng minh được điều đó. Ngược lại, bài đọc cho thấy trong đau khổ, ông cũng phẫn uất như ai : “Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch sao ? Và chuỗi ngày lao lung vất vả đâu khác gì đời kẻ làm thuê ?” Hoá ra ông Gióp chẳng kiên nhẫn chút nào! Cứ như sự khôn ngoan bình dân thời đó thì khổ đau là hình phạt của những điều dữ người ta đã phạm. Nhưng xét trong lương tâm, ông có làm gì xấu đâu ? Vậy tại sao ông phải gánh chịu số phận long đong thế này : Con cái chết hết, của cải tiêu tan, mình đầy ghẻ chốc, bạn bè xa lánh, cả đến người vợ thân yêu cũng không tiếc lời khiển trách: “Ông còn kiên vững trong đường lối vẹn toàn của ông nữa hay thôi ? Hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi” (G 2,9). Ông Gióp đã không hiền lành chấp nhận số phận. Ông phản kháng và lý lẽ của ông có phần thuyết phục. Lời cầu khẩn đó xem ra khuyến khích những ai đang chịu đựng cuộc đời gian truân, túng quẫn được phép ta thán trước Thiên Chúa. “Kiên nhẫn như ông Gióp” xem ra không còn mấy ý nghĩa.
Vô số người dám gán cho Thượng đế là nguyên nhân gây nên những bất hạnh của mình, bởi mặc dầu đã cố gắng hết sức ăn ngay ở lành, đáng được Thiên Chúa thương gởi tới điều may mắn. Thì thực tế không phải vậy, toàn gian truân, khổ dịch. Lại có những người khác không dám mở miệng kêu ca, mà giữ im lặng khó hiểu với tâm can uất ức. Lâu dần họ trở nên lạnh lùng, thù địch cùng Thiên Chúa. Trong thánh kinh Cựu ước chúng ta cũng thấy vô số lời phàn nàn trước tôn nhan Thiên Chúa, nhất là trong các thánh vịnh: “Ngày con kêu cứu không lời đáp ứng, đêm van nài mà cũng chẳng được yên” (Tv 22,3). Suy nghĩ kỹ, những lời than vãn như trên không phải để trách móc Thượng đế mà để bày tỏ cảm xúc chân thực của lòng mình. Chúng có khả năng làm tan biến thái độ đạo đức giả hình, dồn ép, sơ cứng. Càng trung thực bao nhiêu thì càng đạo đức bấy nhiêu. Chúng ta có quyền giải bày lòng mình trước Thượng đế, Ðấng có thể thay đổi sự việc, bằng không, chúng ta là những kẻ thụ động nhu nhược.
Trong quá trình sống, nhiều lúc tình hình xem ra vượt khỏi tầm kiểm soát, có bàn tay nào đó điều khiển cuộc đời chứ không phải đương sự. Chúng ta tự hỏi: “Ai chịu trách nhiệm ở đây ?” những khổ dịch, những sự dữ chúng ta kinh nghiệm chắc chắn không phải do bàn tay Thiên Chúa yêu thương. Ông Gióp cũng cảm nhận như vậy khi nói : “Chuỗi ngày lao lung vất vả đâu khác gì đời kẻ làm thuê ?” Thuê mướn là công việc của người khác, làm sao chúng ta có quyền kiểm soát ? Ngày của một người nô lệ là khổ dịch dưới sức nóng ghê gớm của ánh nắng mặt trời. Người nô lệ luôn khát khao bóng mát. Ấy cũng là tâm trạng của ông Gióp, của mỗi người chúng ta. Nhưng vấn đề là điều chi đã sui khiến nên như vậy ? Ông Gióp đã phạm lỗi gì ? Còn tội của mỗi người chúng ta thì đã rõ. Vì vậy những lời ta thán của tác giả sách Gióp cho độc giả biết tính mỏng dòn của thân phận con người.
Chúng ta cảm thấy như đi trên mặt hồ đóng lớp băng mỏng, có thể chìm xuống nước lạnh bất cứ lúc nào ! Trước tình thế như vậy, dù có sống tốt thì cũng không thể tránh khỏi hoạn nạn. Và khi nghe đọc bài sách thánh chúng ta có khuynh hướng bịt tai, la lớn như đứa trẻ khi nghe cha mẹ doạ nạt, hoặc nói về những điều chúng không ưa thích. Dĩ nhiên bây giờ chúng ta đã lớn, ý thức được những hành động mình làm. Nhưng chúng ta lại có những thái độ để khỏi phải nghe điều mình không ưa, như thay đổi đề tài, nói lảng sang chuyện khác. Chúng ta né tránh những điều mình không muốn nghe : bệnh tật, tuổi già, ly dị và các hậu quả tai hại v.v… chỉ thích nghe những điều lạc quan, như tuổi trẻ, sắc đẹp, thể thao, kỹ thuật mới v.v… Cho nên lời của ông Gióp trong phụng vụ hôm nay khó mà lọt thủng tai. Dầu sao một ngày nào đó trong tương lai, mỗi người đều phải thốt lên : “Gia tài của tôi là những ngày tháng khốn cùng, số phận của tôi là những đêm khắc khoải ê chề.”
Tôi đã cố gắng tìm ra khía cạnh lạc quan, ơn thánh trong đoạn văn này – nó kết thúc quá ư buồn thảm : “Tôi sẽ chẳng được trông thấy hạnh phúc nữa đâu !”- Khi trước ông Gióp đã là người giầu có, phát tài, của cải nhiều vô kể mà nay rơi vào cảnh khốn cùng, thì lời yếm thế của ông thức tỉnh tinh thần tôi, không thể cậy nhờ vào vật chất chóng qua mà phải trông mong vào một mình bàn tay Thiên Chúa mà thôi. Tôi phải rút ra từ cuộc đời ông Gióp một bài học quí giá, không chi so sánh nổi. Ðó là vững tin vào lượng hải hà của Thiên Chúa. Ngài chẳng bao giờ nỡ bỏ quên chúng ta để chúng ta thất vọng trong vòng kiểm toả của tử thần. Trong lúc khốn cùng ông Gióp đã cố gắng khơi dậy niềm tin. Ông kêu lên : “Lạy Ðức Chúa, xin nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở…”. Ông không phải là nguồn gốc sự sống của mình, ông hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa, Ðấng đã dựng lên ông, ông như thể muốn nói với Thượng đế : “Lạy Ngài xin nhớ lại, Ngài đã dựng nên con bằng gì ! Con hoàn toàn mỏng dòn, chỉ là hơi thở, một cơn gió thoảng cũng có khả năng làm nó tiêu tan. Xin nhớ lại con chẳng là chi cả, là hư vô, con hoàn toàn lệ thuộc vào Ngài để được sống, được tồn tại !”
Ông Gióp muốn gợi lại tương quan giữa Ðấng tạo hoá và tạo vật. Hơi thở trong nguyên bản là “ruah”. Nó có hai nghĩa, vừa là gió thổi, vừa là thần lực phát xuất từ Thiên Chúa thâm nhập vào các tạo vật để ban cho chúng sự sống. Cuộc sống con người đúng thực mỏng manh như gió thổi, như mây nổi, như chiêm bao, như bóng ngựa qua cửa sổ, nhất là trước những khổ đau và hoạn nạn. Nhưng cuộc sống con người cũng đến từ hơi thở của Thiên Chúa tức là từ nguồn mạch bền vững và đời đời. Thiên Chúa không thể nào bỏ quên hơi thở của mình. Do đó ông Gióp hy vọng vào sự cứu giúp của Thượng đế. Hy vọng của ông Gióp cũng là hy vọng của mỗi linh hồn tín hữu chúng ta.
Tin mừng hôm nay có cả thảy bốn nội dung. Hợp với Phúc âm tuần vừa rồi, chúng làm nên “một ngày hoạt động của Ðức Giêsu”. Có rất nhiều điều xảy ra trong ngày đó. Chúa Giêsu rất bận rộn, Ngài hoạt động liên tục. Thiên Chúa cũng rất bận rộn, tất bật. Ðó là ngày thứ bảy – ngày nghỉ của con cháu loài người, và xúc vật. Nhưng Thiên Chúa lại liên tục thi ân, giáng phúc trên những tạo vật của Ngài. Sự việc xảy ra ở thành phố cảng Capharnaum (người ta gọi là thành phố của Chúa Giêsu), không phải ở Giêrusalem. Thời ấy Giêrusalem là nơi duy nhất có hy lễ hiến tế. Tín hữu bình thường hoạ hiếm mới được đến đấy. Thường thì họ đi thờ phượng ở các hội đường trong làng mạc hay thành thị. Họ đến để cầu nguyện và nghe giáo huấn.
Chúa Giêsu rời hội đường Capharnaum, nơi Ngài đuổi quỉ ô uế, chữa lành một người điên khùng và bước vào nhà hai anh em Anrê và Phêrô. Lập tức người ta nói cho Ngài hay về bệnh tình của bà mẹ vợ ông Simon Phêrô. Ngài tiến lại chỗ bà nằm “cầm lấy tay bà và đỡ dậy. Cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.” Nghe như một câu chuyện bình thường, nhưng thực ra thánh Marcô đã dùng ngôn ngữ Tân ước để mô tả câu truyện khỏi bệnh. Chúa Giêsu nâng bà dậy. Ðó là từ ngữ để diễn tả Chúa làm cho kẻ chết sống lại. Người được chữa lành có sức sống mới. Sự sống của kẻ phục sinh. Chỉ một mình Chúa Giêsu có quyền ban cho, ngoài ra không ai làm được việc đó cả.
Sự sống mới đó thế nào ? Kinh Thánh nói khi bà mẹ vợ ông Phêrô được chữa khỏi, bà liền đi phục vụ các ngài. Phục vụ trong gia đình là bổn phận của nữ giới. Nhưng thánh Marcô lại dùng từ “diakoneo” từ này chỉ iocông việc phục vụ trong hội thánh. Tiếng Anh gọi là “deacon”. Tiếng Việt nam mình gọi là phó tế. Rõ ràng ám chỉ phục vụ cộng đoàn. Khi người ta kinh nghiệm được Chúa Giêsu ban ơn phục sinh, họ lập tức bị thúc đầy phục vụ Giáo hội, phục vụ các linh hồn. Họ muốn chia sẻ những ơn đã lãnh nhận với người khác. Không muốn phục vụ hội thánh là dấu chỉ chắc chắn chưa nhận được ơn phục sinh của Chúa Giêsu. Một tư tưởng đáng sợ cho mọi tín hữu. Ngược lại những linh hồn hồ hởi làm việc tông đồ là những người đã được lãnh nhận ơn Chúa sống lại. Theo kinh nghiệm thì những tín hữu hăng say việc tông đồ thường nói rằng : Họ được lợi rất nhiều khi hết mình phục vụ Hội thánh. Không ca thán, không đòi hỏi. Họ đã được sung mãn trong cộng việc của mình. Họ còn cho biết rằng khi làm công việc ấy hình như Chúa Giêsu đang cầm lấy tay họ nâng đỡ dậy.
Tóm lại, chẳng có câu trả lời dễ dãi cho vấn đề người vô tội phải chịu đau khổ, kiểu như ông Gióp. Thực ra đau khổ là một mầu nhiệm, vượt quá sức hiểu biết của chúng ta. Nhưng ông Gióp chỉ là câu chuyện tưởng tượng, tác giả đặt ra để thử giải quyết vấn đề. Quyền năng của Chúa Giêsu chữa lành các đau khổ bệnh tật của nhân loại là điều có thực. Không ai chối cãi được. Chúa Giêsu, Ðấng vô tội đã tự nguyện gánh tội loài người để giải phóng chúng ta, cho chúng ta đựơc tự do. Ðó cũng vẫn là điều nhiệm mầu không thể hiểu thấu. Chúng ta cử hành và dấn thân vào mầu nhiệm đó. Ðiều mà Chúa làm cho bà mẹ vợ ông Phêrô ngày xưa, Ngài cũng còn thực hiện cho chúng ta hôm nay. Xin ý thức rõ ràng về điều này. Ngài giơ tay nâng chúng ta dậy khỏi tội lỗi, đau khổ và sự chết, ban cho chúng ta sức sống phục sinh để chúng ta trông thấy các nhu cầu của anh chị em đồng loại và đáp ứng những nhu cầu đó trong nghị lực và niềm vui. Amen.

Bài 4. Một Đời Thương Cảm
G. Nguyễn Cao Luật op 
Người ta vốn tóm gọn cuộc đời vào bốn chữ sinh, lão, bệnh, tử. Ðã có ngày đem tiếng khóc chào đời thì cũng có ngày xuôi tay nhắm mắt từ giã cuộc đời. Ðã có thời thanh xuân thì cũng có thời già lão. Ðã có lúc khoẻ mạnh sung sức thì cũng có lúc bệnh tật, thập tử nhất sinh. Trước thân phận con người như thế, đã có những thái độ khác nhau, hoặc chấp nhận vì cuộc đời là như thế, hoặc phản kháng vì thấy cuộc đời như vậy là phi lý, là không thể chấp nhận được.
Tiếng kêu thương
Ðoạn văn Cựu Ước Chúa nhật hôm nay kể được là một trong những đoạn văn bi ai nhất sách Gióp, một tác phẩm cỗ xưa đặt vấn đề về đau khổ của con người. Ông Gióp, một người công chính, lâm bệnh. Vợ con ông bêu rếu, phê bình, bạn bè không thông cảm, một mình đương đầu với bệnh tật và khổ đau không dứt… Nhưng thực ra, ông Gióp chỉ là điển hình cho bất cứ con người nào đang phải đương đầu với những khổ đau và nghiệt ngã của cuộc nhân sinh. Người ta vẫn cứ phải gánh chịu những tai hoạ khổ đau, oái oăm nhất là không phải người ta tự gây ra cho mình. Lại càng khó hiểu hơn nữa khi người ta không có gì đáng phải gánh chịu những khổ đau như thế : chiến tranh, tai hoạ trong thiên nhiên như bão lụt, động đất, những hậu quả do một thiểu số gây ra… tất cả vẫn đang tiếp tục nối dài dòng người đau khổ. Cũng như ông Gióp, rất nhiều khi người ta không thể lý giải được tại sao lại có đau khổ như thế. Nhưng lời than vãn của ông Gióp dầu không giải quyết được những đau khổ riêng của ông, cũng đã nói lên được niềm trông cậy : ông xin Thiên Chúa cứu giúp.
Vị Thượng Tế biết thương cảm
Cuối cùng, lời hứa của Thiên Chúa đã hoàn thành. Ðấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa, đã đến để cứu chữa những đau khổ nhân loại phải gánh chịu. Khi loan báo Nước Thiên Chúa. Ðức Giêsu đương đầu với quyền lực Ác Thần. Và tiếp theo sau đó, Người đã thuyên chữa bệnh tật cho nhiều người trong suốt một ngày. Tác giả Mác-cô trình bày một ngày trừ quỷ và chữa bệnh này như thể đó là ngày mẫu cho một đời thương cảm của Ðức Giêsu. Một ngày chữa bệnh cho bà nhạc ông Phê-rô là một đời kiên trì và thương xót Hội Thánh, xua đuổi sức mạnh của Ác Thần ra khỏi Hội Thánh để Hội Thánh tiếp tục phục vụ. Một ngày chữa bệnh cho mọi người chen lấn đến xin sẽ là một đời đi khắp nơi chữa trị những khổ đau thể xác và mở mắt tâm hồn cho con người nhận ra ơn cứu thoát.
Nhưng cần đi xa hơn để thấy Ðức Giêsu không phải là thầy lang chữa bách bệnh. Người đến cứu thế gian không phải bằng cách dứt khoát loại trừ mọi đau khổ ra khỏi trần gian, để từ nay trở đi không còn một khổ đau nào động đến con người nữa. Trái lại, Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta (Is 53,14 ; Mt 8,17) và dẫu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục… (Dt 5,8). Người ta có lẽ chẳng bao giờ giải thích cặn kẽ được tại sao Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã đến cứu vũ trụ và con con người bằng cách dang hai tay ra trên thập giá. Tại sao Ðấng cứu loài người khỏi khổ đau và chết chóc lại đón nhận một đau khổ nhục nhã nhất như thế ?
Ðể thiết lập một cộng đoàn biết cảm thương
“Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45). Suốt đời dong duỗi đây đó, chữa lành những người bệnh tật đau khổ, nhưng cũng là một đời không ngừng in sâu hình ảnh phục vụ theo gương Người: hy sinh mạng sống vì người khác. Khi chữa lành bà nhạc của ông Phê-rô, Ðức Giêsu chứng tỏ Người có quyền trên Ác Thần và nâng cộng đoàn những người tin dậy để có khả năng phục vụ theo gương Người.
Ðức Giêsu muốn cộng đoàn những người tin tiếp tục công trình loan báo Tin Mừng Người đã thực hiện. Người muốn cộng đoàn ấy nối dài lòng thương cảm của Người cho các người khác. Thánh Phao-lô đã thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng như thế. Người đã trở thành nô lệ mọi người để phục vụ Tin Mừng. Mội tín hữu cũng được mời gọi như thế. Dẫu rằng ngày nay, ta không thể cầm tay một người bệnh và chữa lành người ấy ngay tức khắc như Ðức Giêsu đã làm, nhưng ta không phải là không thể dùng lòng thương cảm, một lòng thương cảm mà Ðức Giêsu đã kín mức từ nơi Chúa Cha, để làm cho một người bệnh cảm thấy được an ủi, một người sầu khổ cảm thấy vơi đi nỗi sầu, một người hèn kém cảm thấy mình được sống đúng giá trị của một con người. Những khi người ta làm được như vậy tức là ngày mẫu được thánh Mác-cô nói về Ðức Giêsu lại được tiếp tục thực hiện, lòng thương cảm của Ðức Giêsu lại tiếp tục tuôn chảy và cộng đoàn những người biết cảm thương như Ðức Giêsu lại lan rộng để trở thành một cộng đoàn yêu thương như Thiên Chúa muốn.
Lời nguyện của người được sai đi
Lạy Chúa,
Việc loài người biết nhận ra Ngài khi Ngài tự trao ban trong nước của bí tích Thánh Tẩy, trong Thánh Thể, trong Thánh Kinh… điều đó cũng dễ quan niệm được thôi. Nhưng còn việc Ngài lại cũng muốn đi sâu vào cõi thâm cung của lòng người mà lại qua trung gian của con, thì quả là khó tưởng nghĩ được.
Làm sao con người có thể nhận ra Ngài nơi con, ít ra là làm sao họ lại có thể hiểu ra rằng con là người được Ngài sai đi, là sứ giả của Chân lý Ngài, là kẻ đem lại lòng thương xót của Ngài ? Mỗi lần con tự đặt ra vấn nạn này cho mình, thì hình như sứ điệp hạnh phúc mà con thông chuyển lại cho anh em con đã biến thành một gánh nặng khủng khiếp đè trên chính con.
Thật thế, con biết rõ điều đó. Chính Ngài đã sai con đi. Con là sứ giả của Ngài, dù con khốn khổ và nghèo hèn. Con là sứ giả của Ngài, đã được Ngài chọn, bất chấp mọi sự. Con loan báo Chân lý Ngài thì đó không phải là điều làm chân lý Ngài ra suy suyển. Ân sủng của Ngài vẫn tinh tuyền cho dù đi qua đôi tay trần tục của con. Phúc Âm của Ngài vẫn thực sự là một Tin Mừng, cho dù sứ giả của Ngài không sao để lộ được vẻ hân hoan trong Thiên Chúa là Ðấng cứu độ mình. Lòng thương xót của Ngài vẫn bao la mặc dù được biểu lộ qua tấm lòng nhỏ bé của con. Ánh sáng của Ngài vẫn chiếu dọi, vẫn biến đỗi bóng đêm âm u của cõi chết thành ánh dương ngày cứu độ, cho dù ánh sáng ấy phải dọi qua những khung kính mờ đục của đời con, của tâm trí phàm trần khốn khổ…
Lạy Chúa, Con là người được sai đi, là sứ giả của Con Chí Ái Ngài, của Chúa chúng con. Không còn gì vĩ đại hơn, không còn danh hiệu nào vinh dự hơn…
Ðể đem lại Ánh sáng, để thông chia tình thương, con phải nhóm lên chất dầu của cuộc đời con…
Lạy Chúa,
Xin để cho con biết ngỡ ngàng khi thấy có những người nhận ra được lòng thương xót của Ngài, nhận ra Ngài đã sai con đi và đã đón nhận con với tư cách là sứ giả. Xin cho con cảm nhận được niềm vui chân thật và hết lòng biết ơn Ngài mỗi khi con đứng trước phép lạ ấy, mỗi khi anh em con sẵn sàng đón nhận con trong chốn thâm sâu tâm hổn họ, bất chấp sự bất xứng của con. (K. Rahner)

Bài 5. Tình thương cứu chữa
Giacôbê Phạm Văn Phượng op
Chúa Giêsu khởi đầu công cuộc cứu chuộc bằng việc giảng dạy và làm phép lạ, Ngài mới bắt đầu nói và làm nhưng chưa mạc khải rõ ràng Ngài là ai, cho nên, trước con người của Ngài, nhiều người ngỡ ngàng, không biết xếp Ngài vào hạng người nào : Ngài có phải là một nhà chuyên môn làm phép lạ không ? là một ngôn sứ, là Ê-li-a hay là một Mê-si-a, cứu tinh của dân tộc Do Thái ? Trong khi đó Chúa Giêsu giữ thái độ im lặng, vì Ngài biết người Do Thái đang quan niệm sai lầm về Ngài, cho nên Ngài tế nhị dùng việc làm để minh chứng dần dần sứ mệnh của Ngài, một trong những việc làm đó được kể lại trong bài Tin Mừng : Ngài làm phép lạ chữa bệnh sốt rét cho bà nhạc mẫu của ông Phê-rô và tất cả những bệnh nhân đến với Ngài đều được Ngài cứu chữa cho khỏi hết. Với những việc Chúa làm đó cho chúng ta hiểu thêm về uy quyền Thiên Chúa của Chúa Giêsu trên các bệnh nhân.
Thiên Chúa tạo dựng con người và Ngài có quyền trên thân xác và linh hồn con người, có quyền trên thân xác tức là có quyền trên bệnh tật, Ngài có thể chữa lành mọi thứ bệnh tật dễ dàng, giống như một kỹ sư chế tạo ra một cái máy, chắc chắn ông là người hiểu biết và sửa chữa chiếc máy ấy rành hơn bất cứ ai. Chúa Giêsu cũng biết chúng ta như vậy, Ngài là Thiên Chúa, nên Ngài dễ dàng sửa chữa những trục trặc nơi con người, tức là chữa lành mọi bệnh tật nơi con người.
Riêng phép lạ chữa cho bà nhạc mẫu của Phê-rô khỏi bệnh sốt rét có ý nghĩa gì ? Chúng ta khó hiểu được ý Chúa muốn gì khi làm phép lạ này. Nếu hiểu rằng mỗi phép lạ Chúa làm thường là để tăng cường lòng tin, thì ở đây cũng thế, Chúa muốn tăng cường lòng tin của gia tộc Phê-rô và nhất là đối với Phê-rô. Đàng khác, nếu xét về quan niệm của người Do Thái, họ vẫn coi bệnh sốt rét là hình phạt của Thiên Chúa, và bệnh sốt rét là do ma quỷ làm, thì Chúa Giêsu làm phép lạ này để minh chứng cho mọi người biết Ngài chính là Đấng mà ngôn sứ I-sai-a đã loan báo, là Đấng đến để cứu gỡ con người khỏi sa lầy đau khổ bởi tội lụy, bởi điều dữ. Như vậy, cơn sốt rét tượng trưng cho nhân loại đã bị thần dữ làm kiệt quệ đến sống dở chết dở mà chỉ có Chúa mới có thể chữa lành được. Hơn nữa, phép lạ này cũng diễn tả tình yêu Thiên Chúa. Dĩ nhiên hành động nào của Chúa cũng là tình yêu, nhưng ở đây thể hiện rõ hơn : nơi đâu Chúa Giêsu đến rao giảng thì ở đó những con người khổ đau đều ngỡ ngàng, tìm thấy tin yêu và được cứu chữa. Đây cũng là bài học nhắc nhở chúng ta.
Phần đông chúng ta không thể mang lại sức khỏe thể xác cũng như sự thuyên giảm đau đớn cho những anh em bệnh tật, điều đó đã có các bác sĩ, y tá, nhưng chúng ta có một cái gì sâu xa hơn, quý giá hơn để mến tặng những anh em ấy, đó là khi tiếp xúc, thăm viếng, chúng ta đem lại cho họ một niềm hy vọng, cống hiến cho họ một chân lý khả dĩ trả lời cho mầu nhiệm đau khổ, và mang lại cho họ sự an ủi chân thật.
Chẳng hạn như lời tự thuật của một người kia đã kể  cho linh mục Sam-sông và linh mục này đã kể lại trong một bài giảng ở nhà thờ Đức Bà Paris như sau : “Tôi đau rất nặng, người ta đem tôi vào bệnh viện, không ai săn sóc tôi cả, ngoại trừ một chị y tá, chị tỏ ra rất tốt và hết tình giúp đỡ tôi. Một đêm kia, trời đã rất khuya, tôi thấy chị quì gối im lặng trong phòng, tôi hỏi : “Chị quì làm gì thế ?”, chị trả lời : “Tôi cầu nguyện cho ông”. Chỉ mấy tiếng đó thôi đủ làm cho tôi bấy lâu nay không biết Chúa, bây giờ tôi biết Chúa, tôi thấy Chúa nơi con người chị y tá ấy, giữa những đau khổ thể xác và tinh thần, nhờ sự săn sóc đầy tình người và những lời cầu nguyện đầy yêu thương của chị y tá ấy, tôi đã gặp Chúa”.
Một thí dụ khác, bác sĩ Long-ghê là một người Pháp đã từng phục vụ ở Việt Nam cách đây mấy mươi năm và cũng nổi tiếng như bác sĩ Tôm Đu-lây, người Mỹ, đã phục vụ ở Đông Nam Á. Ông tận tụy săn sóc, yêu thương các bệnh nhân, bất kể giai cấp, tôn giáo, chủng tộc, ngày cũng như đêm. Khi có người hỏi vì sao ông yêu thương bệnh nhân như vậy ? vì sao ông có thể bỏ ăn bỏ ngủ vì bệnh nhân, xem bệnh nhân là trên hết ? Ông trả lời : “Vì thấy Chúa Giêsu trong mỗi người bệnh”. Mỗi sáng khi đi dự lễ, bệnh nhân lương giáo, ai muốn đi đều được ông cho đi xe của ông, mỗi chiều Chúa nhật, ông lại đưa các bệnh nhân đi chơi, tham quan nơi này nơi nọ, và mỗi tối, ông lần hạt chung với các bệnh nhân, vì là người Pháp, về tiếng Việt ông chỉ thuộc kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh đủ để lần hạt. Ít lâu sau, Long-ghê trở về Pháp, vào chủng viện, làm linh mục và tình nguyện sang phục vụ những người nghèo khổ ở giáo phận Cần Thơ. Nhưng tiếc thay, sau khi chịu chức, ông bị bệnh và qua đời trước khi tới nơi mong ước.
Nếu chúng ta không bắt chước được bác sĩ Long-ghê, thì chúng ta có thể bắt chước được chị y tá trên đây, cầu nguyện cho các bệnh nhân. Tuy nhiên, cụ thể hơn, nếu chúng ta có điều kiện, chúng ta hãy đi thăm hỏi, an ủi những bệnh nhân. Trong lúc đau bệnh, nhất là bệnh lâu ngày lâu tháng, người bệnh thường lo lắng, buồn phiền, chán nản và giảm sút lòng tin…chúng ta hãy cảm thông, đối xử tử tế và giúp đỡ họ. Chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu, Đấng không hề bệnh tật gì, đã mang lấy bệnh tật của mọi người, bao nhiêu bệnh nhân đến với Chúa, Chúa không bao giờ xua đuổi hay làm cho họ phải thất vọng, đau khổ, nhưng Chúa đã an ủi, thương yêu cứu chữa họ, vì thế, chúng ta hãy đến với các bệnh nhân, họ rất cần đến tình thương, chúng ta hãy đem tình thương đến cho họ.

Bài 6. Thiên Chúa nhân hậu lau sạch nỗi khổ đau
Lời Chúa và Thánh Thể
Trong thân phận xác phàm, mỗi người đều trải nghiệm và đi qua hành trình sinh lão bệnh tử. Những yếu đau thể lý là lẽ thường trong cuộc đời con người. Nhạc mẫu ông Phêrô với cơn sốt hành hạ vẫn đang phải mệt nhọc chống trả trên giường bệnh. Thế giới cũng đang có những biến chuyển lớn diễn ra giữa lòng xã hội với những biến động kinh tế, chính trị và cả văn hoá đã tạo nên những cơn sốt nơi xã hội hiện đại theo chiều hướng tăng dần.
Song song với những cơn sốt dễ nhận biết của thế giới, thì vẫn tồn tại những cơn sốt xuất hiện trong chính mỗi một người có hình thái khó nhận diện và có cường độ cao hơn. Đó là cơn sốt quyền và lợi với thái độ khước từ và loại trừ mạnh mẽ, đang ngày càng làm bùng nổ những cuộc tranh giành không khoan nhượng giữa các quốc gia, giữa những người đồng bào, đồng đạo và thậm chí giữa những người thân thuộc. Đó là cơn sốt kỳ thị xâm chiếm tâm trí khiến con người vô tâm quay lưng trước nỗi khốn khó của người thân cận.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, mỗi người chúng con hằng ngày học hỏi, lao động, khám phá để kiến thiết một thế giới tiện nghi, hiện đại hơn về vật chất. Nhưng những biến cố diễn ra nơi này nơi khác và có khi diễn ra ngay chính trong cuộc sống và trong con người chúng con lại cho thấy một thế giới đang bị tan vỡ bởi chiến tranh, bất công và sự kỳ thị, loại trừ. Lạy Chúa, cơn sốt là phản ứng báo hiệu một sự bất thường có hại cho cơ thể, xin giúp chúng con có được trái tim nhạy cảm và trắc ẩn để đủ sức nhận diện những cơn sốt báo hiệu những mối nguy hiểm của sự dữ đang phá vỡ tình người, tình huynh đệ và làm mất dần cảm thức về tội trong tâm hồn chúng con, xin Ngài hàn gắn những rạn nứt trong các mối tương quan giữa mọi người do sự thiếu vắng tình thương, tình người nơi tâm hồn nhân loại.
Những con người trong Tin Mừng hôm nay đã rất vui mừng khi gặp thấy Đức Giêsu, họ đến với Ngài và xem Ngài như một người mang niềm hy vọng xoa dịu nỗi đau đớn thể xác cho họ. Người đã cầm lấy tay bà mẹ vợ ông Phêrô và từng con người đau khổ, Người chữa lành và xua trừ mọi ác thần để giải phóng mọi cơn bệnh, mọi nỗi bất hạnh đang đè nặng thân xác con người.
Lạy Chúa Giêsu, mỗi Kitô hữu chúng con được mời gọi minh chứng cho Tin Vui chữa lành. Tin Vui ấy chỉ thực sự đến với mọi người và hữu ích cho nhiều người nếu chúng con có được một thái độ thân ái không giả tạo khi gặp gỡ nhau và một tâm hồn rộng mở không nghi kỵ, xét đoán hay tư lợi mỗi khi kết giao cùng mọi người. Chúa đã đến và đưa tay nâng đỡ để chữa lành những kiếp sống khổ đau bằng chính lòng thương xót của Ngài. Xin cũng dạy chúng con ý thức mình cần trở nên khí cụ trong tay Chúa để góp phần nhỏ bé xoa dịu những nhọc nhằn của anh chị em chúng con gặp gỡ trên đường đời về thể xác cũng như tinh thần, vì chính lúc cho đi là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp được bản thân và chính lúc mất đi là khi vui sống muôn đời. Amen

Bài 7. Cầu Nguyện Có Sức Biến Đổi Con Người
Giuse Hoàng Hải Đăng op
Cộng đoàn thân mến !
Bỏ lại sau lưng một tuần lễ làm việc với bao vất vả và lao công khổ trí, với bao lo âu và căng thẳng. Giờ đây, trong bầu khí linh thiêng nơi đền thánh này, cộng đoàn chúng ta xum vầy bên nhau để cầu nguyện, hầu kín múc cho mình những nghị lực mới và những niềm hy vọng mới từ nguồn suối ân sủng bất tận của mầu nhiệm Thánh Thể.
Đây chính là cách thức hành động của Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe. Sau một ngày bận rộn với công việc chữa bệnh và rao giảng Tin Mừng, Người tìm một nơi thanh vắng để cầu nguyện với Chúa Cha. Điều đó cho thấy đối với Chúa Giêsu, việc cầu nguyện là quan trọng, là điều không thể thiếu trong cuộc đời của Người. Vì thế, trước khi bắt tay vào làm việc, Chúa Giêsu thường cầu nguyện với Chúa Cha để kín múc lấy nguồn sức mạnh cho các hoạt động truyền giáo sau này. Và đỉnh điểm của nguồn sức mạnh linh thiêng này được Người biểu lộ trên Thánh giá khi Người cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23,34)
Cảm nhận sâu xa nguồn sức mạnh của cầu nguyện, Người không ngừng mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện. Bởi chỉ trong cầu nguyện, chúng ta mới kín múc được suối nguồn ân sủng của Thiên Chúa. Nguồn ân sủng dẫn đưa chúng ta đến chỗ trở nên một phần trong sứ vụ của Chúa Giêsu trong việc dẫn đưa mọi người vào trong sự mật thiết với tình yêu Thiên Chúa.
Chúng ta hãy nhìn vào mẫu gương cầu nguyện không biết mệt mỏi của thánh nữ Monica, mẫu thân của thánh Âutinh. Suốt hai mươi năm, thánh nữ đã khóc hết nước mắt và liên lỉ cầu xin Chúa hãy cứu vớt con trai mình. Cuối cùng, Thiên Chúa đã thương nhận lấy những giọt nước mắt và lời cầu nguyện của thánh nữ mà cho thánh Âutinh quay trở về với Thiên Chúa. Sau này, thánh Âutinh trở thành một vị thánh cả trong Giáo Hội.
Như vậy, chính sự cầu nguyện thẳm sâu đã nối kết tâm hồn thánh Monica với Thiên Chúa và đem lại cho thánh nữ sức sống vượt lên trên mọi thử thách, đau khổ. Nhờ đó mà thánh nữ không chỉ biến đổi chính mình mà còn làm biến đổi người con mà thánh nữ hằng nhớ đến trong những lời cầu nguyện.
Và để có được đời sống cầu nguyện thẳm sâu như thánh Monica, chúng ta hãy học ở nơi người sự tín thác vào Thiên Chúa. Nhờ tín thác vào Thiên Chúa mà chúng ta không chỉ gặp gỡ Người trong tiếng thì thầm và trong tiếng gió hìu hiu mà còn gặp gỡ Người giữa những cơ cực của trần thế, trong những nỗi khốn quẫn và hân hoan của đồng loại. Nhờ đó, chúng ta mang trong tâm hồn mọi đớn đau, sầu khổ; mọi sự đói, cô đơn và cùng khốn của con người.
Và cũng nhờ cầu nguyện, chúng ta để cho sự ấm cúng của tình yêu Thiên Chúa làm tan chảy băng giá của sự hận thù, để cho lòng nhân hậu của Thiên Chúa mở ra một không gian nơi niềm vui khỏa lấp nỗi buồn; để cho sự hiền lành và ấu yếm của Chúa xua tan sự ghen ghét, sự hững hờ. Như thế, cầu nguyện chính là phương thế tốt nhất đưa dẫn mọi đau khổ tới nguồn mạch của mọi sự chữa lành.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Đôi khi vì thiếu lòng tin, chúng con đã không còn thấy nhu cầu để cầu nguyện. Vì những bận rộn, lo toan trong đời sống mà chúng con không còn muốn chạy đến với Thiên Chúa. Nhất là vì thấy những lời cầu xin của mình không được như ý nên chúng con cảm thấy chán nản, thất vọng và buông xuôi. Xin ban cho chúng con niềm tin mạnh mẽ để chúng con tin rằng những lời cầu nguyện của chúng con nhất định sẽ được Chúa nhậm lời. Để từ đó, chúng xác tín rằng cầu nguyện là lẽ sống, là hơi thở của đời con. Và một khi đã xác tín như thế, chúng con sẽ sẵn sàng dành trọn 30 phút mỗi ngày cho việc cầu nguyện.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho con luôn biết phó thác cho tình yêu bao la và quan phòng của Thiên Chúa trong từng giây phút đời con để trong con không còn một khát vọng nào khác ngoài sự kết hiệp mật thiết với Chúa. Amen.

Bài 8. CHỮA LÀNH, TRỪ QUỶ và RAO GIẢNG TIN MỪNG
Học viện Đa Minh
Có thể nói, bài Tin Mừng hôm nay gồm ba phần rõ rệt: phần thứ nhất nói về việc Đức Giêsu chữa lành bà mẹ vợ ông Simôn, phần thứ hai trình bày một bản tóm tắt về việc Đức Giêsu chữa bệnh và trừ quỷ, và phần thứ ba là một bước đi tới của Đức Giêsu nhằm thực hiện sứ mạng rao giảng Tin Mừng.
Thật vậy, bài Tin Mừng mở đầu với việc Đức Giêsu chữa lành bà mẹ vợ ông Simôn. Với hành động này, Đức Giêsu cho thấy Người có quyền trên mọi thứ tai họa và bệnh tật của loài người. Vì thế, Người chính là vị sứ giả của Thiên Chúa mà ngôn sứ Isaia đã loan báo. Như vậy, phép lạ này là dấu cho thấy đã đến thời cánh chung, thời thiên sai: Đức Giêsu đang hành động bằng chính quyền năng Thiên Chúa để cứu chữa con người.
Việc Đức Giêsu chữa lành bà mẹ vợ ông Simôn đã khơi dậy niềm tin nơi dân chúng. Vì thế, chiều đến, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những kẻ bị quỷ ám đến cho Người. Chạnh lòng thương, Đức Giêsu đã chữa mọi kẻ ốm đau tật nguyền và xua trừ ma quỷ nơi những người bị hại. Theo nhãn quan Tin Mừng, bệnh tật cũng là do ma quỷ, nên việc Đức Giêsu chữa lành bệnh tật cũng là việc Người chiến thắng trên ma quỷ. Như vậy, việc Đức Giêsu chữa lành mọi thứ bệnh hoạn tật nguyền do ma quỷ gây nên và khử trừ ma quỷ cho thấy quyền năng tuyệt đối của Người trên ma quỷ: Người đánh đuổi và chiến thắng ma quỷ bằng chính quyền năng Thiên Sai của Người.
Với sự cứu giúp cụ thể đầy hiệu quả và uy quyền như thế, Đức Giêsu đã đánh thức và củng cố niềm tin nơi dân chúng, nên không lạ gì khi chúng ta thấy họ muốn giữ Người lại với họ luôn mãi. Tuy nhiên, ngay từ sáng sớm, Đức Giêsu đã vào nơi hoang vắng để cầu nguyện. Lẽ tất nhiên, Người cầu nguyện không phải là để đào thoát khỏi những vấn đề của cuộc sống, cũng không phải để xin được làm phép lạ; nhưng là để gặp gỡ Thiên Chúa, để tìm kiếm và thi hành thánh ý Thiên Chúa. Do đó, Đức Giêsu không để dân chúng cầm giữ Người lại, vì Người biết Người được sai đến thế gian không chỉ để giúp dân thành Caphácnaum, nhưng để loan báo Tin Mừng cho mọi dân mọi nước. Vì thế, Người đã kín đáo rời khỏi Caphácnaum để đi khắp miền Galilê mà loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa.
Tóm lại, Đức Giêsu đã đến chữa lành, trừ quỷ và rao giảng Tin Mừng để hết mọi người được nhận biết, tin tưởng và yêu mến Thiên Chúa; hầu nhờ đó nhân loại chúng ta được sống và sống dồi dào trong tình yêu của Thiên Chúa.

Bài 9. Cần thiết của cầu nguyện
Lm. Đa-minh Trần Đình Nhi
Người ta nhấn mạnh đến sự quân bình và hỗ trợ nhau giữa hoạt động và cầu nguyện. Vậy mà hầu hết chúng ta thường hoạt động thật nhiều, nhưng lại thiếu cầu nguyện. Bài Tin Mừng hôm nay nêu lên một hình ảnh lý tưởng về sự quân bình ấy, đó là “một ngày của Chúa Giê-su” vô cùng hài hòa giữa hoạt động và cầu nguyện. Qua tường thuật của thánh sử Mác-cô, chúng ta hãy xem Chúa Giê-su cho thấy cầu nguyện cần thiết trong đời sống hằng ngày như thế nào.
Một ngày sống của Chúa Giê-su là dành cho tha nhân. Người giảng dạy cho dân chúng tại hội đường Ca-phác-na-um. Người vội vã đến chữa cho bà mẹ vợ ông Si-môn khỏi cơn sốt. Mặc dù trời đã bắt đầu tối, những người ốm đau và bị quỷ ám vẫn ùn ùn kéo đến xin Người chữa lành. Chắc là sinh hoạt của Người còn kéo dài thêm và Người chỉ còn ít giờ để ăn vội bữa tối rồi nghỉ ngơi. Tuy nhiên điều mọi người không ngờ là “sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó”. Tại sao Người phải dậy sớm, đến chỗ vắng vẻ để cầu nguyện? Là vì Người xác tín sự cần thiết của việc cầu nguyện. Người đã dành nhiều thì giờ cho tha nhân. Người cũng cần dành thì giờ cho chính mình và nhất là cho Chúa Cha khi Người cầu nguyện. Đối với Người, cầu nguyện là bắt đầu cho một ngày sống. Cái bắt đầu này sẽ đem lại sinh lực và ý lực cho ngày sống. Điểm đặc biệt nhất trong bài Tin Mừng hôm nay là cầu nguyện đã giúp cho Chúa Giê-su ngày hôm ấy làm một quyết định sáng suốt, phù hợp với ý muốn của Chúa Cha. Đó là Người quyết định cùng với các môn đệ “đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Người còn rao giảng ở đó nữa”.
Chúng ta thử nghĩ xem: “Mọi người đang tìm Thầy!” Nghĩa là dân chúng đang cần Chúa Giê-su, ngưỡng mộ Người và lắng nghe Người giảng dạy. Nói tóm lại, Người rất thành công trong sứ vụ tại Ca-phác-na-um. Thế mà sau một sáng sớm cầu nguyện, Người đã quyết định rời Ca-phác-na-um để đến các nơi khác! Đâu là lý do để Người đi nơi khác?  Chúa Giê-su trả lời:  “Thầy còn rao giảng ở các nơi đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó”. Việc chính của Chúa Giê-su là tiếp tục ra đi rao giảng Tin Mừng, chứ không phải dừng chân lại một chỗ để được hoan hô, được ngưỡng mộ. 
. Nhờ cầu nguyện, Người mới thấy rõ cần phải ra đi.  Nếu thiếu cầu nguyện, Tin Mừng sẽ bị giới hạn và quanh quẩn ở Ca-phác-na-um mà thôi! Cầu nguyện đã giúp Chúa Giê-su không bị trói chân tại Ca-phác-na-um, nhưng để “Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ”. Cuộc chiến giữa Chúa Giê-su và quyền lực của ma quỷ không chỉ thu hẹp tại một địa điểm, nhưng là khắp nơi. Do đó, nhờ cầu nguyện, Chúa Giê-su đã đem quyền lực của Thiên Chúa đi tiêu diệt ma quỷ và sức mạnh của nó ở mọi nơi.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Chúng ta thường bận rộn nhiều công việc, nhưng chắc chắn không bận đến nỗi không thể dành được mỗi ngày ít phút để cầu nguyện. Thiếu cầu nguyện thì mỗi ngày sống của chúng ta sẽ khập khiễng như người mất thăng bằng. Nơi thanh vắng của chúng ta không hẳn chỉ là nhà thờ, nhưng có thể là trong xe trên đường đi làm, ngồi trên băng ghế một ít phút sau giờ ăn trưa ở sở làm… Dành chút thì giờ và kiếm một chỗ thuận tiện thực ra không khó khăn, mà khó khăn là tại chính chúng ta không nhìn nhận sự cần thiết của cầu nguyện.
Một ngày sống, chúng ta phải làm nhiều quyết định, từ nhỏ nhặt nhất cho đến những quyết định quan trọng, làm sao phải là những quyết định đúng. Một ngày sống bận rộn của Chúa Giê-su cũng đầy những quyết định phải làm giống như chúng ta. Nhưng khác với chúng ta là Người đã cầu nguyện cho được thấu rõ thánh ý Chúa Cha và được đầy tràn Thánh Thần để có thể quyết định mọi sự theo đường lối của Thiên Chúa. Quyết định ra đi của Chúa Giê-su được nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay khiến chúng ta ngạc nhiên, nhưng phải là điều giúp chúng ta hiểu sự cần thiết tuyệt đối của cầu nguyện. Ước mong cầu nguyện sẽ giúp thay đổi thời khóa biểu và làm cho ngày sống của chúng ta được hài hòa!






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét