Thứ tư 11/01/2012 – Ðộng
lực của việc tông đồ
11/01 – Thứ tư tuần 1
Thường Niên
“Ngài chữa nhiều người đau
ốm những chứng bệnh khác nhau”.
Lời Chúa: Mc 1, 29-39
Khi ấy Chúa Giêsu ra khỏi hội đường. Người cùng
với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm
sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến
lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi
các Ngài.
Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến
Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám; và cả thành tụ họp
trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua
trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người. Sáng sớm tinh
sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại
đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm được Người, các ông nói cùng
Người rằng:”Mọi người đều đi tìm Thầy”. Nhưng Người đáp:”Chúng ta hãy đi đến
những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi
rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ. Đó là lời Chúa
SUY NIỆM 1: Ðộng lực của
việc tông đồ
Tin Mừng rất nhiều lần nhắc đến Chúa Giêsu cầu
nguyện với Cha Ngài, đó là những giây phút gặp gỡ thân tình với Chúa Cha mà
Ngài không bao giờ bỏ. Về phương diện thiên tính, Chúa Giêsu là Chúa Con, đồng
bản tính với Chúa Cha, cho nên Ngài luôn kết hiệp với Chúa Cha. Nhưng như một
con người, Chúa Giêsu đã nêu bật thái độ sống của Ngài, đó là sống mối tương
quan thân tình với Chúa Cha qua lời cầu nguyện.
Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô ghi
nhận:”Sáng sớm, lúc trời còn tối, Chúa Giêsu đã chỗi dậy, đi đến một nơi vắng
vẻ để cầu nguyện”. Mặc dù bận rộn với rất nhiều công việc trong ngày, Chúa
Giêsu vẫn không quên cầu nguyện. Nhưng đây không phải là lần duy nhất, Tin Mừng
còn cho thấy rất nhiều lần Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha, và chính Ngài đã
dạy các Tông đồ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Ngài lấy hình ảnh cây nho và cành
nho để nói lên tầm quan trọng của cầu nguyện:”Thầy là cây nho, các con là cành
nho; ai lưu lại trong Thầy và Thầy trong người ấy, thì người ấy sẽ sinh nhiều
hoa trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì”.
Chúng ta hãy noi gương Chúa, dành thời giờ để
tiếp xúc, đối thoại, chiêm ngưỡng Thiên Chúa, như Ngài đang hiện diện trước mặt
chúng ta. Muốn đạt tới việc cầu nguyện như thế, chúng ta cần phải có đức tin
mạnh mẽ và lòng yêu mến Thiên Chúa như người con đối với người cha. Mẹ Têrêsa
Calcutta đã nói:”Cầu nguyện là việc tiếp xúc với Thiên Chúa. Hãy bắt đầu và kết
thúc mỗi ngày bằng cầu nguyện. Hãy đến với Chúa như đứa con đến với cha mình”.
Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã cho chúng ta có những
giờ phút thuận lợi để bắt đầu một ngày sống tốt đẹp hơn. Xin cho chúng ta biết
sống kết hiệp mật thiết với Chúa trong cầu nguyện, nhờ đó chúng ta có thể chu
toàn thánh ý Chúa và phục vụ tha nhân một cách hữu hiệu hơn.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 2: Một ngày chồng
chất công việc
Chiều đến khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi
kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức
Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không
cho quỷ nói vì chúng biết Người là ai (Mc. 1, 32-34)
Khi liệt kê tất cả những công việc Chúa Giêsu đã
thực hiện trong hai ngày, thánh Maccô cho ta cảm tưởng là Chúa Giêsu không cà
kê công việc, mà Người đã phải đầu tắt mặt tối, nào là giảng dạy ở hội đường,
đi đến nhà ông bà nhạc của Phêrô, chiều đến lại dành thời giờ chữa nhiều kẻ
bệnh tật. Ngày hôm sau Người thức dậy thật sớm, đi cầu nguyện ở một nơi thanh
vắng, rồi lại lên đường đi rao giảng và phục vụ những người đau ốm tật nguyền.
Mô tả trên đây giúp chúng ta nhìn ra ba nét tính
nơi con người Đức Giêsu.
Một con người hoạt động
Thánh Maccô cho ta thấy Chúa Giêsu mang hình ảnh
khá giống với những con người nam nữ thời nay: họ bận bịu với trăm công nghìn
việc, lúc nào cũng tất bật và đa đoan đủ chuyện.
Một con người biết dừng lại
Thế nhưng, dù phải đảm đang công kia việc nọ, vậy
mà Chúa Giêsu vẫn có thời giờ dừng lại để làm những công chuyện quan trọng như
đáp lại tình nghĩa bạn bè và cầu nguyện.
Khoảng thời giờ giữa hai lần giảng dạy cho dân
chúng, Người dành cho việc đi thăm tình nghĩa và bao lâu kẻ tiếp đón còn cần
đến Người thì Người không vội ra đi.
Chúa Giêsu cũng không cắt xén những thời giờ quý
báu dành cho việc cầu nguyện của Người. Người thà cắt bớt giờ ngủ và có lẽ cả
giờ nghỉ ngơi giải trí nữa:”Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy…”.
Một con người thấy rõ việc phải làm
Đây là nét tính nổi bật nơi con người Đức Giêsu
mà ta thường gặp thấy trong sách Phúc âm. Người biết rõ việc Người phải làm.
Nếu đã tổ chức chuyến đi truyền giáo lần đầu tiên ở Galilê rồi thì Người lại
trở về miền Samari. Nếu đã kết nạp xong mấy môn đệ, thì Người vẫn không
quên”những con chiên lạc”. Người không nghỉ ngơi sau một vài thành công. Người
biết rõ mình còn phải làm gì và lần lượt tới viếng thăm và giảng dạy ở các hội
đường theo một lịch trình rõ rệt.
Còn một ngày của chúng ta thì sao?
Khi phác họa một ngày làm việc của ta, ngày ấy có
sẽ đầy đủ công việc như ngày làm việc của Chúa Giêsu không? Ta có biết làm cho
ngày đó đầy tràn hiệu quả tốt không? Ta có biết dừng chân để đáp lại tình nghĩa
bạn bè, tình nghĩa với Chúa, tình nghĩa với bà con lân cận không? Và mặc dầu đã
mệt mỏi rã rời và đã chu toàn bổn phận rồi, ta có dám nhìn trước ngày hôm sau
để hoạch định công việc mà không ai sẽ làm thay cho ta?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét