Video: Thế giới nhìn từ Vatican 13/1 - 20/01/2012
Bài gởi: admin | 23 Tháng 01, 2012
1. Tuần cầu nguyện đặc biệt cho sự hiệp nhất Kitô Giáo
Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã dành buổi triều yết chung hôm thứ Tư 18 tháng Giêng để giải thích về ý nghĩa của tuần cầu nguyện đặc biệt cho sự hiệp nhất Kitô Giáo.
Ngày thứ Tư, 25/1, kính lễ Thánh Phaolô trở lại, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16, giống như vị tiền nhiệm là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ Nhị, sẽ cử hành Giờ Kinh Chiều trọng thể kết thúc Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Hiệp Nhất Kitô Giáo lúc 5h30 tại Bàn Thờ Mộ Thánh Phaolô cùng với sự tham dự của các đại diện tất cả các hệ phái Kitô.
Trong Tự Sắc ban hành ngày 31/5/2005 với nhan đề “Đền thờ cổ kính”, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 quy định rằng các buổi cử hành liên quan đến việc cầu nguyện cho hiệp nhất Kitô Giáo sẽ được cử hành tại Đền Thờ Thánh Phaolô.
Cùng với Ủy Ban Giáo Hoàng Hiệp Nhất Kitô Giáo, cộng đoàn Thánh Bênêđíctô tại Rôma với sự tăng cường của 10 cộng đoàn Thánh Bênêđíctô khác trên thế giới đã hoạch định nhiều sáng kiến cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo.
Trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư 18 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã nói như sau:
“Hôm nay chúng ta bắt đầu tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo, mà trong hơn một thế kỷ qua đã được cử hành hàng năm bởi các Giáo Hội và các cộng đoàn Kitô”.
Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo đã được khởi sự từ năm 1908 theo sáng kiến của cha Paul Wattson và đã được Đức Giáo Hoàng thời đó là Đức Thánh Cha Pius thứ 10 ủng hộ.
Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã giải thích tầm quan trọng của biến cố này trong quá khứ và hiện tại. Ngài nói:
“Đức tin nơi Chúa Kitô và sự hoán cải nội tâm, cả cá nhân lẫn cộng đoàn, cần phải luôn được đi kèm với lời nguyện của chúng ta cho sự hiệp nhất Kitô Giáo”
Trước cộng đoàn gồm hơn 8000 tín hữu hành hương, Đức Thánh Cha nói tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo đóng một vai trò quan trọng trong việc Tân Phúc Âm Hoá.
2. Khả năng nhận ra và đáp trả ơn gọi sống đời thánh hiến.
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 15 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã đề cập đến khả năng nhận ra ơn thiên triệu và sự quảng đại đáp trả. Ngài nói:
“Và vì thế, lời mời gọi theo Chúa Giêsu càng mật thiết hơn, không phải là để hình thành nên một gia đình nhưng là dâng hiến chính mình cho gia đình Giáo Hội, thông thường từ chứng tá hay là lời đề nghị của một ‘người anh thiêng liêng’, thường là một linh mục”.
Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến vai trò của những bậc làm cha mẹ và các linh mục như những người cha thiêng liêng trong việc hướng dẫn giới trẻ đáp trả quảng đại ơn gọi này bằng cách chấp nhận lời mời gọi của Chúa.
“Đáp trả này là một sự cho đi hoàn toàn chính mình thể hiện qua việc thay đổi tên Simon thành Phêrô. Cầu xin cho chúng ta giữ cho mình lòng mình rộng mở đối với thánh ý Chúa cho đời ta”.
Chúa Nhật tuần qua cũng là ngày Thế Giới Di Dân và người Tị Nạn. Đức Thánh Cha đã cầu nguyện cho hàng triệu người không có một nơi được gọi là nhà. Ngài cũng nhấn mạnh rằng việc di dân cũng mở ra cho Giáo Hội những cơ hội truyền giáo.
3. Đức Thánh Cha gặp gỡ các chính trị gia Italia: Cuộc khủng hoảng kinh tế là một cơ hội tái khám phá những giá trị.
Trong buổi tiếp kiến sáng 12 tháng Giêng, dành cho chính quyền miền Lazio, thành phố và tỉnh Rôma, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã kêu gọi đẩy mạnh tinh thần tiếp đón, tình liên đới và sự tôn trọng luật pháp trong đời sống tại miền này.
Hàng trăm vị thuộc Hội đồng chính quyền của 3 cơ cấu trên đây đến chúc mừng Đức Thánh Cha nhân dịp đầu năm mới. Lên tiếng trong buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha nhắc đến cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chánh tại nhiều nơi trên thế giới, kể cả miền Lazio và Roma. Cuộc khủng hoảng này có thể là cơ hội để toàn thể cộng đoàn dân sự kiểm chứng xem các giá trị được đặt làm nền tảng cuộc sống chung xã hội có tạo nên một xã hội công bằng, liêm chính và liên đới hơn hay không, và nếu không thì cần xét lại sâu rộng để phục hồi các giá trị ở căn cội cuộc canh tân thực sự cho xã hội, cũng như tạo điều kiện cho sự phục hồi không những về kinh tế, nhưng còn quan tâm thăng tiến thiện ích toàn diện của con người nữa.
Đức Thánh Cha kêu gọi phát triển một thuyết nhân bản được đổi mới, trong đó căn tính của con người được hiểu rõ. Thực vậy, cuộc khủng hoảng hiện nay cũng có căn cội trong cá nhân chủ nghĩa, làm lu mờ chiều kích quan hệ của con người với tha nhân, làm cho nó khép kín trong thế giới nhỏ bé của mình, chỉ quan tâm thỏa mãn những nhu cầu và ước muốn riêng của mình mà ít lo lắng cho tha nhân. Trong bối cảnh đó, Đức Thánh Cha nhắc đến hậu quả của não trạng cá nhân chủ nghĩa là nạn đầu cơ nhà ở, sự khó khăn của người trẻ trong việc tìm được công ăn việc làm, sự cô đơn của bao nhiêu người già, tình trạng sống vô danh trong nhiều khu phố. Ngài nói:
“Cuộc khủng hoảng hiện nay, do đó, có thể là một cơ hội cho toàn thể cộng đồng minh xác rằng các giá trị trên đó đời sống xã hội được xây dựng liệu có hình thành nên một xã hội công chính, công bình và hiệp nhất hay không, hay là chúng ta cần thiết phải thực hiện một thay đổi sâu xa ngõ hầu tái khám phá các giá trị.”
Cuộc khủng hoảng này theo Đức Thánh Cha không chỉ liên hệ đến kinh tế nhưng còn liên quan đến chủ nghĩa cá nhân. Ông Nicola Zingaretti, tỉnh trưởng của Rôma đồng ý với Đức Thánh Cha:
“Cuộc khủng hoảng kinh tế đã nhanh chóng chuyển hóa thành một cuộc khủng hoảng xã hội, đe dọa làm xuống cấp các mối quan hệ xã hội và các quan hệ giữa người và người”.
Trong diễn từ của mình Đức Thánh Cha cũng đã bàn đến vai trò của giáo dục, đặc biệt là cách thế trong tương lai nó có thể dẫn con người thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng.
“Những giá trị mà trong nhiều thế kỷ qua đã khiến Rôma và các vùng lân cận trở nên một ngọn đèn cho thế giới có thể được dùng để canh tân nền tảng trên đó chúng ta có thể cải thiện tương lai cho tất cả mọi người”.
4. Ngày Quốc Tế Giới Trẻ của các gia đình
Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình đã hoạt động không ngừng cho ngày Quốc Tế Gia Đình sẽ diễn ra từ 30 tháng 5 cho tới 3 tháng 6 tới đây tại Milan. Biến cố này thường được xem là ngày Quốc Tế Giới Trẻ của các gia đình. Thật vậy, vào năm 2006, một triệu người đã tham dự ngày Quốc Tế Gia Đình tại Valencia, Tây Ban Nha.
Những tham dự viên có thể ghi danh tại Web site www.family2012.com cho đến hạn chót là 31 tháng 3 tới đây. Tại địa chỉ này có rất nhiều tài liệu về gia đình do tổng giáo phận Milan soạn thảo nhằm giúp các đôi vợ chồng giải quyết các mâu thuẫn thường thấy trong đời sống gia đình.
Đức Hồng Y Ennio Antonelli là chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về gia đình cho biết thêm:
“Hội Đồng Giáo Hoàng đang đưa ra những bài giáo lý để chuẩn bị cho các gia đình. Các bài giáo lý này được dịch ra nhiều ngôn ngữ. Không chỉ có những ngôn ngữ chính thức của Vatican mà còn có cả những ngôn ngữ phức tạp như tiếng Trung Hoa và Ả rập”.
Đức Hồng Y cho biết Hội Đồng Giáo Hoàng về gia đình cũng đang trù bị một cuộc hội thảo trong đó bàn đến linh đạo cho các cặp vợ chồng và lý do tại sao cần thiết là các cặp vợ chồng phải dành một thời lượng đáng kể với con cái mình.
Chủ đề của ngày Quốc Tế Gia Đình năm nay là “Tìm kiếm sự quân bình giữa công ăn việc làm, gia đình và thời gian nghỉ ngơi”. Đây là những vấn đề rõ ràng tất cả các gia đình từ nông thôn đến thành thị đều phải đương đầu.
5. Vài nét về Giáo Hội tại Nam Hàn
Theo thống kê mới nhất vào tháng 7 năm 2011, Nam Hàn hiện có gần 49 triệu dân trong số đó người Công Giáo chỉ chiếm 6.6% dân số tức là 3.2 triệu tín hữu.
Gần một nửa dân số Nam Hàn là những người không có niềm tin. 23.2% dân số theo Phật Giáo và 19.7% theo các hệ phái Tin Lành.
Giáo Hội tại Nam Hàn gồm 3 tổng giáo phận và 15 giáo phận. Giáo Hội Nam Hàn hiện có một vị Hồng Y đã về hưu, 9 vị Tổng Giám Mục, trong đó có 5 vị là Tổng Giám Mục đã về hưu và một vị là sứ thần Tòa Thánh tại Syria.
Trong số hơn 3300 linh mục, hơn 20% là các linh mục dòng. Giáo Hội tại Nam Hàn có một con số đông đảo các nữ tu lên đến 8,500 chị.
Hội Đồng Giáo Hoàng về giáo dân đang nghiên cứu về một đề nghị theo đó tiếp sau ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Rio De Janerio, Hán Thành có thể được chọn làm nơi đăng cai ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2015 xét vì con số đông đảo lên đến 150,000 người gia nhập Giáo Hội mỗi năm.
6. Tòa Thánh kêu gọi trả tự do cho 9 giáo sĩ Trung Hoa đang bị cầm tù
Đức Tổng Giám Mục Savio Hàn Đại Huy người Hương Cảng, Tổng thư ký Bộ truyền giáo, đã kêu gọi Bắc Kinh trả tự do cho 9 giám mục và linh mục Công giáo bị giam giữ. Ngài nói rằng việc tiếp tục giam cầm những tu sĩ này làm tổn thương hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Đức Tổng Giám Mục Savio Hàn Đại Huy đưa ra nhận định này trong một cuộc phỏng vấn dành cho thông tấn xã AsiaNews, có trụ sở tại Rome trong một bài được đăng tải vào hôm thứ Ba 17 tháng Giêng.
Đức Cha Huy đã yêu cầu công chúng cầu nguyện cho những giám mục và linh mục bị giam giữ cũng như kêu gọi trả tự do cho những vị này.
Ông nói nếu 9 tu sĩ này đã làm điều gì sai trái, nhà nước cần phải đem ra toà xét xử thay vì giam vào ngục hay cô lập họ.
Thông tấn xã Catholic News Service nói 8 trong số những giáo sĩ bị bắt giữ thuộc Giáo Hội Hầm Trú không được chính phủ Trung Quốc công nhận.
7. Nhiều thành phố trên thế giới đang xin đăng cai ngày Quốc Tế Giới Trẻ giới trẻ 2015
Còn hơn một năm nữa mới tới ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Rio De Janerio tuy nhiên nhiều thành phố trên thế giới đã lần lượt bày tỏ ước vọng được cho đăng cai ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2015.
Ứng viên nặng ký nhất là thành phố Krakôvia của Ba Lan, quê hương của Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ Nhị. Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, người từng là bí thư của Đức Cố Giáo Hoàng và hiện là Tổng Giám Mục Krakôvia đã bày tỏ ước mong là thành phố này được chọn tổ chức ngày Quốc Tế Giới Trẻ nhân dịp 10 năm ngày Đức Cố Giáo Hoàng qua đi. Nếu thành phố được chọn thì đây là lần thứ Hai Ba Lan được chọn là nơi tổ chức ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Lần đầu tiên đã diễn ra năm 1991 tại Czestochowa.
Luân Đôn là thành phố thứ hai muốn đăng cai ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2015. Gần đây, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã sang thăm Anh quốc vào tháng 9 năm 2010. Nhiều người dân Anh đang mong muốn thấy ngài trở lại thăm quê hương của họ.
Hán Thành là thành phố thứ ba đã thỉnh cầu Hội Đồng Tòa Thánh Về Giáo Dân cho thành phố này được là nơi tụ tập của các bạn trẻ. Các Giáo Hội tại Á Châu rất mong muốn Tòa Thánh xem xét tổ chức ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Á Châu lần thứ Hai. Tưởng cũng nên nhắc lại là năm 1995, hơn 4 triệu bạn trẻ đã tham dự ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Manila. Hán Thành là thành phố được xem là có rất nhiều triển vọng xét vì con số tân tòng hàng năm tại nước này lên đến hơn 150,000 người.
Các nước khác cũng đang vận động đăng cai ngày Quốc Tế Giới Trẻ là Ấn Độ, Latvia và Peru. Cả hai nước Phi Châu là Cameroon và Angola cũng xin được đăng cai.
8. Đền thánh kính Đức Mẹ lớn nhất trên thế giới đón tiếp 10 triệu du khách trong năm qua.
Có nhiều đền thánh kính Đức Mẹ trên thế giới, nhưng đền thánh lớn nhất là đền kính Đức Mẹ tại Aparecida tọa lạc giữa Sao Paulo và Rio De Janerio. Mỗi năm đã có hàng triệu tín hữu đến kính Đức Mẹ. Trong năm qua, con số khách hành hương đã lên đến hơn 10 triệu.
Tháng đông nhất là tháng Mười, tháng Mân Côi với hơn 1.2 triệu người. Vào ngày 13 tháng 11 năm ngoái nhân ngày Toàn Quốc Hành Hương của giới trẻ, hơn 200,000 bạn trẻ đang quây quần chung quanh Đức Mẹ Aparecida.
Lịch sử của đền thánh này khởi sự từ năm 1717. Theo truyền thuyết thì các ngư phủ trong vùng đã khó khăn vất vả mà không được gì. Sau đó, họ bất ngờ kéo lên được một tượng Đức Mẹ. Rồi thì các mẻ sau đó đều đầy cá.
Các ngư phủ đã xây một nhà nguyện nhỏ để tạ ơn Đức Mẹ, Đấng vài năm sau đó được tôn phong là Nữ Vương Bổn Mạng nước Ba Tây.
Năm 2007, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã viếng thăm đền thánh này trong chuyến tông du lần đầu đến Mỹ Châu.
Trong mục : Tin Hội Thánh |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét