GIA ĐÌNH THÁNH TÂM

Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

Lời Chúa Chúa Nhật XXXII Thường Niên Năm C.


Tin Mừng (Lc 20, 27-38)

Có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ góa ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?”

Đức Giê-su đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.

Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-sa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.”
________________________________

Phân tích và Chia sẻ:

“Có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại.”

Ngay đầu Bài Tin mừng, Kinh thánh đã xác định nhóm Sadoc là nhóm không tin có sự sống lại, đó là điều gây ngạc nhiên cho nhiều người, vì sao? Xin thưa: Vì dân Do Thái là dân được Thiên Chúa tuyển chọn, nếu họ không tin có sự sống lại, tức không tin có đời sau, không tin có thưởng phạt ở đời sau về những gì mình đã làm ở đời này, thì có khác gì họ là người vô thần.

Nếu không tin có đời sau thì tội gì ở đời này ta phải ăn ngay ở lành cho bị thua thiệt, ta cứ ăn gian nói dối, cứ lừa lọc, cứ thủ đoạn, cứ vơ vét về cho mình càng nhiều càng tốt. Như vậy, xét về một khía cạnh nào đó, không tin có đời sau, không tin có sự sống lại cũng đồng nghĩa với vô thần. Nhưng đây là một nhóm của Do Thái là dân được Thiên Chúa tuyển chọn, không những họ là người hữu thần mà họ còn có niềm tin vào Thiên Chúa hơn hẳn các dân tộc chung quanh thời bấy giờ. Như vậy, vấn đề không tin có sự sống lại của nhóm Sadoc nằm ở chỗ nào?

Truyền thống lâu đời của Do-thái tin cuộc sống đời này là tất cả những gì họ có; một khi họ mất đi, sẽ không còn gì tồn tại nữa. Nếu có điều kiện đọc các sách Cựu Ước, ta sẽ thấy, từ sách Sáng Thế ký, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số, Đệ Nhị Luật,... không có dòng chữ nào đề cập đến sự sống lại.

Đến thế kỷ 5, 6 trước Công Nguyên (trước Đức Giêsu sinh ra), ta mới bắt gặp sự trăn trở niềm tin về sự sống lại trong các sách Khôn Ngoan, Gióp, Giảng Viên. Nên nhớ, đây mới chỉ là sự trăn trở chứ chưa phải là sự xác tín.

Bắt đầu thế kỷ 1-2 trước Công Nguyên, niềm tin vào sự sống lại và sự sống đời đời mới bắt đầu thấy có trong các Sách Khôn Ngoan, Daniel, và Macabê.

Như vậy ta có thể nói, chỉ từ thời điểm cách Đức Giêsu sinh ra một thế kỷ trở về trước, mặc dù dân Do Thái có niềm tin sâu xa vào Đức Chúa, nhưng họ không hề nghe nói có sự sống lại, không nghe nói đến có cuộc sống nào khác sau cái chết, chết là hết. Và chỉ thời điểm cách Đức Giêsu sinh ra một thế kỷ trở về sau, người Do Thái mới xác tín có sự sống lại sau cái chết đời này. Nhưng cũng không hình dung được cuộc sống mai sau nó như thế nào.

Thế tại sao nhóm Sadoc thời Đức Giêsu vẫn không tin có sự sống lại? Họ vẫn bảo thủ ư?

Vâng đúng như vậy. Nhóm Sadoc (Xa-đốc) là một đảng phái tôn giáo bảo thủ. Đối với họ bộ sách Kinh Thánh chỉ gồm có 5 quyển đầu tiên mà thôi (tức là Bộ Ngũ thư); Bộ Ngũ Thư gồm 5 cuốn: Sách Sáng Thế - Sách Xuất Hành - Sách Lêvi - Sách Dân Số - và Sách Đệ Nhị Luật. Họ không chấp nhận các sách về sau, tức là các Sách Ngôn sứ và các Thư văn khác. Vì nghĩ rằng niềm tin vào sự sống lại không được nói đến trong Bộ Ngũ thư, nên họ cho rằng đó là một chuyện mới mẻ người ta thêm vào sau, chứ không đặt cơ sở trên mặc khải của Thiên Chúa cho ông Mô-sê.

Nhóm Sadoc này nhận thấy Đức Giêsu rao giảng về Nước Thiên Chúa, có nghĩa bao hàm xác tín có sự sống lại, họ mới cử vài người xuất sắc trong nhóm đến gặp Đức Giêsu để tranh luận.

“Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình.”

Bắt đầu vào cuộc tranh luận, họ trưng ra một luật của Môsê ghi trong sách Đệ Nhị Luật để làm tiền đề, có nghĩa cuộc tranh luận sẽ xoay quanh luật đó. Ta cũng nên nhắc lại, nhóm sadoc chỉ công nhận Bộ Ngũ Thư mà thôi, và Đức Giêsu không phản đối, vì nhiều lần Ngài tuyên bố, Ngài đến không phải để phá hủy lề luật mà để kiện toàn chúng. Luật Môsê trong sách Đệ Nhị Luật như sau:

“Khi có những anh em ở chung với nhau, và một trong những người đó chết mà không có con trai, thì vợ của người chết không được lấy một người xa lạ, ngoài gia đình; một người anh em chồng sẽ đến với nàng, lấy nàng làm vợ và chu toàn bổn phận của một người anh em chồng đối với nàng. Đứa con đầu lòng nàng sinh ra sẽ duy trì tên của người anh em đã chết; như vậy tên của người chết sẽ không bị xoá khỏi Ít-ra-en. Nhưng nếu người đàn ông ấy không thích lấy chị dâu hay em dâu mình, thì nàng sẽ lên cửa thành, gặp các kỳ mục và thưa: "Người anh em chồng tôi từ chối không chịu lưu truyền tên tuổi của anh em mình ở Ít-ra-en, người ấy không muốn chu toàn bổn phận của một người anh em chồng đối với tôi." Các kỳ mục trong thành sẽ gọi người đàn ông đến và nói với người ấy. Người ấy sẽ đứng đấy và nói: "Tôi không thích lấy cô ấy." Người chị dâu hay em dâu sẽ đến gần người ấy trước mặt các kỳ mục, rút một chiếc dép người ấy ra khỏi chân, nhổ vào mặt người ấy và lên tiếng nói: "Kẻ không xây nhà cho người anh em mình thì phải xử như thế đó! " Trong Ít-ra-en, người ta sẽ gọi tên người ấy là "nhà kẻ bị lột dép.” (Đnl 25, 5-10)

Đây là luật “Hôn nhân với Anh em chồng”.

Rõ ràng ta thấy, trong trường hợp một người nào đó chết đi mà không có con trai (không kể con gái), thì một anh hoặc người em của người đã mất “bắt buộc” phải lấy người đàn bà góa đó làm vợ, mà luật cho đó là một bổn phận phải chu toàn. Mục đích để duy trì con cái cho người đã mất. Nếu người anh hay em của người đã mất không bằng lòng, thì anh ta sẽ chịu một hình phạt ghê gớm, nếu người đàn bà góa đó phản ứng. Trong trường hợp người đàn bà không phản ứng sẽ chẳng có điều gì xảy ra.

“Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ góa ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?”

Sau khi đã trưng dẫn Luật Môsê, người Sadoc đưa ra một trường hợp hi hữu để chế giễu niềm tin vào sự sống lại. Đây là một sự ác ý, vì họ đưa ra một trường hợp chỉ có trong tưởng tượng, ta thử xem tuổi tác của người đàn bà trong câu chuyện so với người em út như thế nào, có thể đáng tuổi mẹ cũng nên. Mặc dù không nói ra, ta cũng hiểu ngầm người Sadoc cho người vợ góa này khăng khăng đòi lấy hết bảy anh em cho đến bao giờ có con trai mới thôi. Như vậy, người Sadoc không có thiện chí khi tranh luận với Đức Giêsu, tranh luận giống như gài bãy. Có lẽ phương pháp này hay được các đối thủ Đức Giêsu sử dụng, đó là gài bẫy trong khi tranh luận, chẳng hạn nhóm Pharisêu. Ta hãy xem Đức Giêsu giải quyết trường hợp này thế nào?

“Đức Giê-su đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa”

Ta để ý cụm từ “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng”, vì sao con cái đời này cưới vợ lấy chồng? Vì ai cũng biết, cuộc đời này sẽ kết thúc, ai cũng phải chết. Chính vì ai cũng phải chết nên họ mới cưới vợ lấy chồng để duy trì nòi giống.

Tiếp tục, Đức Giêsu đưa ra khẳng định thứ nhất: “chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết”, có nghĩa là chỉ những ai được xét xứng đáng. Ngài khẳng định rõ ràng chỉ những người được xét là đáng hưởng mới được vào thế giới đời sau.Vậy đây là một sự thật đầu tiên, hết sức sáng tỏ: người ta không vào cuộc sống đời đời để vui đùa; cần phải được xét là xứng đáng! Đời sau không phải là một miền đất mơ hồ, hoặc một căn phòng của những bước đi hụt hẫng mở ra cho bất cứ ai, ở đó người nào cũng có thể đủng đỉnh bước vào.

Với những ai xét là xứng đáng bước vào cuộc sống mai sau, họ sẽ không còn chết nữa, và chính vì không còn chết nữa nên họ không còn cưới vợ lấy chồng. Xin nhắc lại lần nữa, người ta chỉ cưới vợ lấy chồng để duy trì nòi giống vì biết mình sẽ chết, còn nếu mình không bao giờ chết thì sẽ không cưới vợ lấy chồng vì không còn đặt ra vấn đề duy trì nòi giống.

Một câu hỏi được đặt ra, nếu họ không còn cưới vợ lấy chồng, thì họ sẽ như thế nào? Ta hãy nghe Đức Giêsu trả lời.

“Vì được ngang hàng với các thiên thần”

Đức Giêsu so sánh người bước vào cuộc sống vĩnh hằng, họ giống như các thiên thần. Khi so sánh như vậy, Đức Giêsu muốn nói rằng, họ sẽ nằm ngoài sự hiểu biết của khoa học và tri thức, không thể dùng sự hiểu biết của mình để nói về họ. Thiên thần là loại thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên, có tính thiêng liêng, các thiên thần luôn chầu chực quanh Thiên Chúa và thi hành các ý định của Ngài. Nếu khoa học và tri thức không khảo sát được thiên thần thì nó cũng không thể nói gì về những người đang được hưởng cuộc sống vĩnh hằng.

Có người thắc mắc, tại sao Đức Giêsu không giải thích thêm, cho chúng ta hiểu biết một chút về những người đang được hưởng cuộc sống đời sau?

Rõ ràng Đức Giêsu không thể giải thích, lý do Ngài không giải thích vì chúng ta chưa có kinh nghiệm về cuộc sống đó. Cũng như một đứa bé còn nằm trong bụng mẹ, ta không thể nói gì với nó về cuộc sống trần gian này. Có thể nó không hiểu ngôn ngữ của ta, và giả sử nó có hiểu đi nữa nó cũng không hiểu về những gì ta nói với nó về những điều đó, vì nó chưa có chút kinh nghiệm gì. Chỉ khi nào nó bước vào cuộc đời, có nghĩa được sinh và có một sự hiểu biết nhất định, có chút kinh nghiệm, nó mới hiểu điều ta nói với nó về cuộc sống này.

Có thể người Sadoc sẽ thắc mắc, vậy họ còn tiếp tục hoạt động tính dục nữa hay không?

Đây là một câu hỏi cũng hạ cấp như cuộc tranh luận về giới tính của các thiên thần! Họ không là đàn ông cũng không là đàn bà. Vậy họ là gì? Họ “hoàn toàn" khác với chúng ta. Đức Giêsu chỉ trả lời cho những người Xađốc duy vật rằng không cần phải sinh con đẻ cái nữa, bởi vì người ta không thể chết nữa.

Như vậy, để diễn tả người bước vào cuộc sống vĩnh hằng, Đức Giêsu chỉ nói, họ ngang hàng với thiên thần. (chấm hết)

“Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.”

Thánh Phaolô nói: "Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô" (Ep 1,5). Như vậy, từ thưở đời đời Thiên Chúa đã tiền định cho ta được làm nghĩa tử của Ngài, nhưng ta chỉ làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô. Có nghĩa khi Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, ta sẽ cũng sẽ được phục sinh với Ngài.

Đức Giêsu muốn mạc khải cho ta biết về những người quá cố bước vào cuộc sống vĩnh hằng: Họ là con cái Thiên Chúa, được tham dự vào đời sống của Thiên Chúa, vì họ là con cái của sự sống lại.

“Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-sa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.”

Vì người Sadoc chỉ tin vào Bộ Ngũ Thư, nên Đức Giêsu cũng dùng Bộ Ngũ Thư để chứng minh cho họ biết, sự sống lại là một thực tại. Đức Giêsu nói về ông Môsê, trong sự kiện bụi gai cháy rực lửa mà không bị tàn, ông Môsê đã gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-sa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. Nếu các tổ phụ Áp-ra-ham, I-sa-ac, Gia-cóp không sống thì Thiên Chúa đó nào có ích gì, ông Môsê gọi đến Danh Ngài để làm gì nữa, vì mai mốt đây ông cũng sẽ biến mất mà không để lại dấu vết. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống.

Dân Israel đã khẳng định Áp-ra-ham, I-sa-ac, Gia-cóp tổ phụ của họ vẫn hiện diện trong dân tộc họ, không phải chỉ như những kỷ niệm không bao giờ quên, nhưng với tất cả uy quyền của sự sống trong Thiên Chúa, vẫn đang chở che và cầu phúc cho con cháu qua muôn thế hệ. Cách giải đáp của Đức Giêsu cho vấn đề có sự sống lại, là vì theo mạc khải Thiên Chúa được Môsê kêu cầu là "Thiên Chúa của Abraham, của Isaac, của Giacob", và theo Đức Giêsu thì điều gì gắn liền với Thiên Chúa thì cũng mang sự sống vĩnh hằng của Người.

Kinh thánh có một trực giác rất sâu xa về sự sống lại, Thánh vương Đavit đã thốt lên: "Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ". (Tv 16,10).

Có một số người thời thánh Phaolô cũng không tin có sự sống lại. Họ cũng lý luận: làm sao người chết sống lại được, với thân xác nào người chết sống lại? Và thánh Phaolô đã trả lời: “chỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cor.15, 44).

Lý luận chính yếu của thánh Phaolô về việc người chết sống lại: “Đức Giêsu đã sống lại”. Với Phaolô, Đức Giêsu đã sống lại nên kẻ chết sẽ sống lại (1Cor.15, 12). Nếu người chết không sống lại, thì Đức Giêsu sống lại để làm gì? Nếu người chết không sống lại, thì ki-tô hữu là kẻ ngu dại nhất, vì không biết tận hưởng những lạc thú đời này.

Con người sống lại, là hậu quả của tình yêu và công bằng. Vì yêu, mà Thiên Chúa cho con người sống lại để chia sẻ hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa. Vì công bằng, mà những người sống công chính được bù đắp những gì họ đã hy sinh trong cuộc đời tại thế này. Thực sự, những người công chính đã được bình an và hạnh phúc ngay trong đời này, thậm chí cả những lúc như thể họ tuyệt vọng. Tuy vậy, hạnh phúc vĩnh cửu còn vượt xa điều họ đã nhận được tại cuộc đời chóng qua này.

“Đối với Người, tất cả đều đang sống”

Đức Giêsu khẳng định cho người Sadoc biết, đối với Thiên Chúa tất cả đều đang sống, cái chết ở đời này, từ nay không còn được hiểu là sự kết thúc, là sự chấm dứt, trái lại nó là cách cữa mở ra đời sống sống mới.

Mỗi người chúng ta từ khi được tạo dựng trong lòng mẹ, ta sẽ hiện hữu vĩnh viễn trước mặt Thiên Chúa. Ta được sinh ra ở trần gian này là để đi về với Thiên Chúa là Đấng vĩnh cửu, và khi bước qua ngưỡng cửa sự chết, ta sẽ mở ra cánh cửa để đi về cõi sống vĩnh hằng.

Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét