Lời Chúa Thứ Bảy Tuần IX Thường Niên năm Lẻ (08/06/2013)
Lễ kính Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ.(Lc:2,41-51)
Trước khi đi vào việc phân tích và Chia sẻ Bài Tin mừng hôm nay, thiết tưởng chúng ta nên viết vài dòng về lịch sử Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ mà Giáo hội hôm nay mừng kính.
* Việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ có nguồn gốc từ trong Thánh Kinh. Phúc âm Thánh Luca 3 lần trực tiếp nói về Trái Tim Mẹ là nền tảng chính yếu lòng tôn sùng Trái Tim Mẹ:
1- Khi các mục đồng thăm Chúa Hài nhi trong hang đá...Kinh thánh viết: "Còn Bà Maria thì hằng ghi nhớ những kỷ niệm ấy và suy nghĩ trong lòng".
2- Khi Đức Mẹ dâng Chúa Con trong Đền thánh Giêrusalem, ông Simêon nói: "Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà". Câu Phúc âm này là nền tảng chính yếu của lòng tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ.
3- Sau khi tìm được Chúa Giêsu trong Đền thờ, Chúa nói: Sao cha mẹ lại tìm con... "Mẹ Ngài hằng ghi nhớ những điều ấy trong lòng".
* Việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ cũng được nói đến trong các Giáo huấn của Giáo hội qua các triều đại: Đức Piô XII, Đức Phaolô VI, Đức Gioan Phaolô II.
* Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ đã được mạc khải qua các lần Đức Mẹ hiện ra: Mẹ Maria đã tỏ ra Trái tim Mẹ cho Thánh nữ Mechtilđê năm 1298, cho Thánh nữ Giêtruđê năm 1302, cho Thánh nữ Brigitta năm 1395, cho Thánh Catarina Labouré năm 1830, cho cha Carôlô des Genettes năm 1836, cho nữ tu Justina Bisqueyburn năm 1840, và đặc biệt cho ba trẻ Fatima năm 1917. Ta sẽ ghi lại vài dòng về 3 lần Đức Mẹ hiện ra:
(1) Năm 1830, Đức Mẹ hiện ra với chị Catarina Labouré, thỉnh sinh dòng Nữ Tử Bác Ái tại Paris nước Pháp để dạy làm mẫu Ảnh lạ. Một mặt có ảnh Trái tim Chúa Giêsu và Trái Tim Đức Mẹ. Cha linh hướng của chị Catarina bảo chị, hỏi Đức Mẹ có muốn ghi chữ gì bên trên hai Trái tim đó không?. Đức Mẹ trả lời rằng không cần thiết có chữ gì, vì hai Trái tim kết hợp với nhau nói lên đầy đủ ý nghĩa. Đức Mẹ cũng hứa với chị Catarina: "Tất cả những ai đeo Ảnh lạ đã làm phép sẽ được nhiều ơn lành, nhất là nếu họ đeo ở cổ xuống ngực".
(2) Năm 1840, Đức Mẹ hiện ra với chị Justina Bisqueyburn, Nữ tử Bác ái, tại Paris ngày lễ Sinh nhật của Mẹ. Tay phải Mẹ cầm Trái tim Người có những ngọn lửa chung quanh. Tay trái Mẹ cầm một thứ Áo Đức Bà xanh mà chỉ có một tấm. Mặt bên này có hình Đức Mẹ. Mặt bên kia là một quả tim rực cháy toả sáng hơn mặt trời và trong óng hơn thủy tinh. Quả tim có một lưỡi gươm đâm thâu. Bên trên quả tim có một Thánh giá và một hàng chữ: "Lạy Trái tim Vô nhiễm Mẹ Maria, xin cầu cho chúng con bây giờ và trong giờ chúng con chết".
(3) Ngày 13-6-1917 Đức Mẹ phán với 3 em Lucia, Jacinta và Francisco: "Thiên Chúa muốn thiết lập LÒNG TÔN SÙNG TRÁI TIM VÔ NHIỄM ĐỨC MẸ trên thế giới".
Từ những cơ sở đó, Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ đã được thành lập, việc thành lập lễ này được tóm tắt như sau:
Sau khi Đức Mẹ hiện ra tại Fatima năm 1917 ban hành mệnh lệnh "Tôn sùng Trái tim Đức Mẹ", toàn thế giới Công giáo quay về Mẹ Fatima. Do đó, ngày mồng 8 tháng 12 năm 1942, Đức Piô XII long trọng dâng thế giới cho Trái tim Vô nhiễm Mẹ. Tháng 5 năm 1943, Đức Thánh Cha khuyến khích tín hữu Công giáo kêu cầu sự bầu cử của Rất Thánh Đức Trinh Nữ, nhất là bằng cách đọc kinh Mân côi cho thế giới được hoà bình đích thực. Ngài cũng kêu mời mọi người dâng mình cho Trái tim Vô nhiễm Đức Mẹ. Năm 1945, ngài chính thức thành lập lễ "Trái tim Vô nhiễm Đức Mẹ" vào ngày 22 tháng 8.
- Theo chiều hướng canh tân Phụng vụ, năm 1969, Đức Phaolô VI đổi lễ này vào ngày thứ Bảy sau lễ Thánh Tâm Chúa tuần Chúa nhật II sau lễ Hiện Xuống.
Như vậy, ngày hôm qua (07/06/2013) Giáo hội đã long trong mừng Lễ Thánh Tâm Chúa, thì ngày hôm nay (08/06/2013), Giáo hội cũng long trọng mừng Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, để mọi người chúng ta bày tỏ lòng yêu mến Mẹ cách đặc biệt. Trên đây là một vài dòng tóm tắt về việc thành lập Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức mẹ.
_____________________________________
Chúng ta bắt đầu đi vào việc phân tích Bài Tin mừng hôm nay. Thật ra trong lễ này, Giáo hội đã đưa ra một số bài Phúc âm về Đức Mẹ, nhưng ta sẽ chọn Bài sau làm cơ sở để phân tích.
Đoạc đầu tiên của Bài Tin mừng, Kinh thánh viết: Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên Đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.
Như vậy, ta thấy mặc dù đây là Gia đình thánh, có Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, Mẹ Maria và Thánh Giuse, nhưng Thánh gia vẫn tuân theo các luật lệ của Do Thái giáo và tuân theo một cách mẫu mực: Hàng năm Thánh gia đều lên Đền Giêrusalem để mừng Lễ Vượt Qua. Lễ này kỷ niệm ngày Đức Chúa cứu dân Do Thái ra khỏi Ai Cập, vượt qua Biển Đỏ để đến miền Đất hứa.
Trong 11 lần trước không có chuyện gì xảy ra, vì khi lên Đền người ta thường đi chung với nhau thành từng đoàn, theo hàng xóm láng giềng, nên việc lên Giêrusalem cũng là dịp mọi người gặp gỡ vui vẻ với nhau, giúp đỡ, nhất là canh chừng lẫn nhau để không xảy ra thất lạc.
Nhưng khi Cậu Giêsu lên mười hai tuổi, việc trẩy đền Giêrusalem mới xảy ra biến cố. Đó là việc Cậu Giêsu tự ý ở lại Đền thờ. Việc sau cả một ngày, hai ông bà (Thánh Giuse và Đức Mẹ) mới phát hiện, nó cũng đủ nói lên việc lên Đền đã trở thành quá quen thuộc, không thể lạc được. Nếu cậu Giêsu không đi với người này thì cũng đi với người kia, vì tất cả nhóm người này đều ở cùng một vùng với nhau và quá quen thuộc. Nhưng đây không phải là chuyện lạc mất mà là cậu Giêsu tự ý ở lại. Hai ông bà hốt hoảng hỏi thăm hết chỗ này chỗ kia đều không gặp, đành phải trở lại Giêrualem để tìm.
Những ai từng làm cha làm mẹ khi gặp tình huống này mới hiểu được tâm trạng của hai ông bà, lòng thật rối bời, hốt hoảng, đứng ngồi không yên, chỉ khi nào tìm thấy, tâm hồn mới được bình an. Nhất là cả hai người đã được Thiên Chúa giao cho sứ mệnh: nuôi dưỡng và giáo dục Đấng Cứu Thế, như vậy ngoài cái tâm trạng chung của cha mẹ lạc mất con, hai ông bà còn lo lắng đến điều cao hơn, đó là không chu toàn sứ mệnh của Thiên Chúa.
Nếu có ai hỏi Mẹ Maria điều gì quý nhất trong đời Mẹ, hẳn Mẹ sẽ trả lời đó là Giêsu, con của Mẹ. Người con này Mẹ đã cưu mang, dưỡng dục, và bảo vệ giữ gìn. Người con này đã đem lại cho Mẹ biết bao niềm vui và hãnh diện. Nhưng Mẹ cũng chịu nhiều đau khổ vì người con ấy. Bài Tin Mừng hôm nay vén mở một chút nỗi đau của Mẹ, cho thấy một chút trái tim của Mẹ khi sống bên Giêsu.
Kinh thánh viết tiếp: Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.
Cả hai ông bà đã phải sống trong tâm trạng lo âu hốt hoảng đến 3 ngày, nói lên sự đau khổ của hai người khi sống với Đức Giêsu. Mẹ Maria sợ mất con, mất điều rất quý đã được Thiên Chúa trao cho mình. Nhưng khi thấy con mình ngồi giữa các vị thầy, rất bình an trò chuyện với họ, thì Mẹ lại sửng sốt, ngỡ ngàng, thay vì vui sướng. Như vậy là con không bị lạc, nhưng đã cố ý ở lại Đền thờ mà không báo. Mẹ không nén được một lời trách móc: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!". Mẹ Maria đã phản ứng một cách đúng mực, một người mẹ thánh thiện.
Ta thấy, ngay cả trong tình huống này, người lên tiếng vẫn không phải Thánh Giuse mà là Đức Mẹ. Trong toàn bộ cuốn Kinh Thánh, ta không thấy ghi lại một lời nào của Thánh nhân, đáng lý ra Thánh Giuse phải lên tiếng vì Ngài là chủ gia đình. Nhưng không, Ngài vẫn im lặng, đủ cho thấy Thánh Giuse là con người sống rất âm thầm, vì Ngài luôn tin tưởng vào Chương trình của Thiên Chúa, tìm hiểu và âm thầm thực thi Thánh ý Thiên Chúa, Ngài cũng đau khổ như Đức Maria, vì Mẹ đã nói: "Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!". Tức cả Thánh Giuse và Đức Mẹ
Thánh Giuse là mẫu gương cho chúng ta ngày hôm nay, nhiều khi chúng ta phản ứng lại điều này điều nọ một cách vội vàng, chúng ta tưởng mình đã phản ứng đúng đắn. Nhưng thử hỏi: chúng ta đã biết dừng lại một ít phút để tìm Thánh ý Chúa trong sự kiện, biến cố đó chưa? Hay chúng ta đang bị tiềm thức, bản năng điều khiển. Nếu như vậy sẽ rất nguy hiểm và thường đi đến làm cho tình hình tồi tệ hơn. Ta đã có nhiều kinh nghiệm trong việc này, vì giả sử mình đừng nói như vậy có hay hơn không. Có nhiều lúc sự im lặng có hiệu quả hơn cả việc lên tiếng, miễn là trong sự im lặng đó ta đang tìm hiểu Thánh ý Chúa và muốn biết được ý Chúa.
Kinh thánh viết tiếp: Cậu Giêsu đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.
Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”. Cũng có thể hiểu là: cha mẹ không biết con phải lo việc của Cha con sao?
Đức Giêsu, khi lên mười hai tuổi, đã bắt đầu có ý thức mình thuộc về Cha. Người Cha trên trời này khác với người cha mà Ngài đang chung sống. Ngài phải ở với và lo việc cho người Cha này, lẽ ra cha mẹ phải biết chuyện đó. Dĩ nhiên hai ông bà chưng hửng, không hiểu được câu nói của cậu Giêsu. Riêng Mẹ Maria có thói quen nghiền ngẫm về các biến cố khó hiểu. Mẹ giữ kỹ trong trái tim mình những chuyện xảy ra.
Chúng ta tưởng Mẹ Maria luôn hiểu Con mình, hiểu ngay, hiểu trọn vẹn sao!. Chúng ta tưởng ai sống thánh thiện thì lúc nào cũng vui, chẳng bao giờ lo sợ sao! Nhìn Mẹ Maria, chúng ta hiểu theo Chúa là bước vào một cuộc hành trình. Có những lúc như đang chơi ú tim với Chúa, mất rồi lại tìm, tìm thấy rồi lại mất. Chúng ta chẳng bao giờ nắm được Chúa, giữ chặt Chúa trong tay. Chúa vẫn là Đấng không thể thấu hiểu được, và vẫn làm chúng ta sững sờ. Mẹ Maria đã chứng kiến Đức Giêsu lớn dần về mọi mặt , từ khi sinh ra đến khi mười hai tuổi, và từ mười hai tuổi đến lúc trưởng thành. Ngài càng lúc càng ý thức mình thuộc về Cha và ý thức về sứ mạng. Con của Mẹ là một mầu nhiệm khôn dò mà Mẹ phải tìm hiểu mỗi ngày. Mẹ để cho Con tự do sống theo Ý Cha, dù điều đó đem lại nhiều đau khổ. Chuyện mất Con hôm nay chuẩn bị cho việc Con sẽ chia tay Mẹ đi sứ vụ, và chuẩn bị cho cuộc chia tay kinh hoàng trên thập giá.
Đoạn cuối cùng Kinh thánh viết: Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.
Sau khi Cậu Giêsu tự ý ở lại làm công việc của Cha trên trời, thì Ngài cũng hiểu được nỗi đau khổ của Thánh Giuse và Mẹ Maria. Dù gì đi nữa, mặc dù Ngài là Con Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn là con trong một gia đình, như vậy Ngài vẫn phải chu toàn tất cả những gì bổn phận của một người con trong gia đình. Kinh thánh nói: "hằng vâng phục các ngài". Cậu Giêsu phải được lớn lên một cách tự nhiên, cũng phải học hành như bao đứa trẻ khác, cũng được sự dạy dỗ của cha mẹ. Thiên Chúa không làm phép lạ cho Đức Giêsu như một Đấng trên trời tự nhiên xuất hiện, vì nếu làm như vậy Công trình cứu chuộc còn mang ý nghĩa gì nữa. Không, Đức Giêsu phải là một con người bình thường, thật bình thường, mang đầy đủ bản tính nhân loại chỉ trừ tội lỗi, để cái chết của Ngài trên Thập giá mới cứu chuộc nhân loại. Ngày xưa, con người đầu tiên đã bất tuân lệnh Chúa và đã đẩy nhân loại vào chỗ chết, thì ngày nay Đức Giêsu phải là một con người, vâng phục tuyệt đối Thiên Chúa để cứu nhân loại, đưa nhân loại vào sự sống.
Còn Đức Mẹ thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Mẹ ghi nhớ sự kiện Truyền tin, ghi nhớ cảnh trốn sang Ai Cập, ghi nhớ cảnh tìm thấy Đức Giêsu trong Đền thờ, ghi nhớ Tiệc cưới Cana, .... cuối cùng ghi nhớ cảnh Chúa chịu chết trên Thập giá. Ghi nhớ để làm gì? Ghi nhớ để cùng với Con Mẹ cứu chuộc nhân loại, Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc.
Lạy Mẹ Maria, ngày hôm nay toàn thể Giáo hội mừng Lễ Kính trái Tim Vô Nhiễm Mẹ, xin Mẹ giúp chúng con khi sống cuộc đời trần thế này, nhất là trong thời đại ngày hôm nay, luôn biết bắt chước Mẹ tìm hiểu Thánh ý Chúa trong mỗi giây phút của cuộc đời chúng con. Xin mẹ giúp chúng con luôn sống theo Thánh ý Chúa trong gia đình, trong môi trường chúng con sống. Xin Mẹ luôn ở bên chúng con để nâng đỡ, che chở chúng con, lúc nào chúng con cũng cần đến Mẹ. Amen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét