GIA ĐÌNH THÁNH TÂM

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VIII Thường Niên - Năm Lẻ (31/05/2013) Kính Đức Maria Thăm Viếng Bà Êlisabeth.

Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VIII Thường Niên - Năm Lẻ (31/05/2013)
Kính Đức Maria Thăm Viếng Bà Êlisabeth.
(Lc:1,39-56)


Giáo Hội đã chọn ngày cuối cùng của tháng 5, Tháng Hoa, là Lễ Đức Mẹ Đi Viếng như là cao điểm của Tháng Hoa tôn kính Đức Mẹ.

Từ khi Mẹ Maria được Sứ thần truyền tin và từ khi Mẹ nói lên hai tiếng "Xin Vâng" trước ý định của Thiên Chúa, Mẹ không còn sống cho riêng mình nữa, và Mẹ cũng không giữ khư khư Chúa Giêsu cho riêng mình, nhưng Mẹ luôn biết chia sẻ Chúa cho người khác và người đầu tiên mà Mẹ muốn chia sẻ ngày hôm nay, đó là Bà Êlisabeth. Sự kiện Đức Mẹ đi thăm viếng Bà Êlisabeth, không đơn thuần là cuộc gặp gỡ giữa hai chị em, nhưng nó còn mang những ý nghĩa sau đây:

(1): Đó còn là cuộc gặp gỡ để chia sẻ niềm vui đức tin. Cả Mẹ lẫn Bà Elisabeth đều biểu lộ niềm vui trong sự tin tưởng vào Thiên Chúa. Tin rằng Thiên Chúa sẽ thực hiện Ý định của Người.

(2): Đó cũng là cuộc gặp gỡ giữa hai người con: Thai nhi Giêsu và thai nhi Gioan. Đứa con trong bụng Bà Elisabeth (thai nhi Gioan) đã nhảy mừng vì được Chúa đến thăm, và chính ngay giây phút đó, Gioan đã được sạch Tội Tổ Tông truyền. Đây là trường hợp duy nhất, một con người đã được khỏi Tội Tổ Tông truyền từ ngay trong lòng mẹ.


(3): Cuộc viếng thăm này còn mang một ý nghĩa đặc biệt, đó là: Biến cố khai mạc sứ mệnh của Mẹ: đó là sứ mệnh của một người Mẹ luôn có mặt để phù trợ con người. Sự hiện diện ấy đã củng cố niềm tin của Bà Elisabeth. Sự hiện diện ấy đã đem lại niềm an ủi vô bờ cho Gioan Tẩy giả.

Bên cạnh Chúa Giêsu, từ tiệc cưới Cana cho đến dưới chân thập giá, và những ngày đầu của Giáo Hội, Mẹ luôn có mặt để nâng đỡ, để ủi an, để củng cố niềm tin của mọi người. Một cách âm thầm nhưng vô cùng gần gũi, ngày nay lúc nào Mẹ cũng có mặt trong Giáo Hội và trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta.

Với vài lời khơi mào như trên, chúng ta bắt đầu tìm hiểu ý nghĩa của Bài Tin Mừng hôm nay.

Lời đầu tiên Kinh thánh viết: Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét.

Để hiểu cuộc viếng thăm này, ta phải đi ngược lại dòng lịch sử nước Do Thái. Có thể nói, ngày ấy các phương tiện đi lại không được phong phú như bây giờ, và từ nơi Đức Mẹ ở, Nadarét, đến nhà ông Dacaria thuộc miền núi cũng xa khoảng 300km. Mẹ là một cô thôn nữ nghèo, nên có lẽ Mẹ đã chọn phương án đi bộ và Kinh thánh nói: Mẹ đi trong trạng thái vội vã. Có thể nói đây là cuộc hành trình vô cùng gian nan và nguy hiểm mà một cô thôn nữ đã dám thực hiện. Ta có thể hỏi: với sức mạnh nào đã giúp Mẹ thắng vượt tất cả để đến với Bà Elisabeth? Xin thưa: Đó là do Thần Khí Chúa, vâng do Thần Khí Chúa, chứ sức riêng con người không thể thực hiện được. Ta còn nhớ chính trong giây phút truyền tin, Thiên sứ đã nói: Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà. Như vậy, từ khi Mẹ nói lên hai tiếng "Xin Vâng", Thần Khí Chúa đã rợp bóng trên Mẹ và từ nay cuộc đời của Mẹ sẽ thuộc về Chúa.

Kinh thánh viết tiếp: Bà Elisabeth vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”


Ở đây có điều lạ: Việc Mẹ Maria biết Bà Elisabeth mang thai trong lúc tuổi già là điều rõ ràng, vì Mẹ đã được Thiên sứ báo cho biết trong lúc truyền tin. Nhưng việc Bà Elisabeth biết Mẹ là Thân mẫu Chúa là điều khó hiểu, vì từ lúc truyền tin đến giờ hai người mới gặp nhau lần đầu, và giữa hai người không có bất kỳ phương tiện thông tin liên lạc nào, vả lại cho dù có phương tiện thông tin đi nữa, thì việc Mẹ mang thai Chúa Giêsu không phải là điều để mang ra khoe khoang, nhưng đó là để sống và "ghi nhớ trong lòng". Vậy nhờ đâu mà Bà Elisabeth biết được điều đó? ______ Xin thưa đó là do Thánh Thần. Kinh thánh nói: Bà (Elisabeth) được tràn đầy Thánh Thần. Như vậy Thánh Thần đã bao trùm lên cả hai mẹ con Bà Elisabeth, Bà mới biết được Mẹ là Thân mẫu Chúa và đứa con trong bụng Bà cũng nhảy lên vui sướng. Việc thai nhi Gioan nhảy mừng trong bụng Bà Elisabeth, nó chứng tỏ thai nhi Gioan đã sạch Tổ tông truyền ngay chính giây phút đó, và Gioan là người duy nhất được khỏi tội Tổ Tông truyền ngay từ lòng mẹ. Đó là điều chắc chắn, vì như ta biết: khi chịu phép Rửa tội, ta được khỏi tội Tổ tông và các tội khác, và khi lãnh phép Rửa Tội tức ta lãnh Chúa Thánh thần. Như vậy việc Mẹ Maria viếng thăm Bà Elisabeth, như đã nói ở phần trên, đó không phải đơn thuần cuộc thăm viếng của hai chị em, nhưng nó còn có ý nghĩa việc Mẹ muốn chia sẻ niềm vui đức tin cho Bà Elisabeth.

"Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em". _______ Ta có thể nói được rằng, đây là mối phúc đầu tiên trong Kinh Thánh. Từ trước đến giờ, người ta hay chú ý đến Tám mối phúc thật mà Giêsu đã rao giảng, nhưng có ngờ đâu đã có một mối phúc trước đó, mà Bà Elisabeth được tràn đầy Thánh Thần đã nói, tức Thánh Thần dùng Bà để nói. Mối phúc đó chính là: Phúc cho người tin những điều Thiên Chúa làm cho mình. _____ Trong mỗi hoàn cảnh, dù tốt hay xấu, dù hạnh phúc hay bất hạnh, nếu bình tâm suy xét ta sẽ nhận ra được Bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, tốt hay xấu đó là do ta chủ quan, còn bản chất đó luôn là Hồng ân Chúa, và mỗi khi ta tin tưởng vào điều ấy, ta sẽ là người có phúc.

Đoạn tiếp theo, đó là Bài Magnigicat mà ta vẫn thường đọc hay hát trong mỗi dịp tỏ lòng tôn kính Đức Mẹ:

Và Maria nói: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen rằng tôi có phước, vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại và Danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa.

"Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai thần trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa đã săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi người đến muôn đời".

Có hai điều quan trọng chúng ta học được trong Bài Magnigicat hôm nay:

(1) Chúa yêu thích kẻ khiêm nhường và ghét người kiêu căng: Trước tiên, Mẹ nhận ra những điều Chúa làm cho Mẹ là hoàn toàn do ý định và uy quyền của Ngài. Mẹ chỉ là phận nữ tỳ hèn mọn, không đáng nhận những ơn lành này. Mẹ ngợi ca tình yêu của Thiên Chúa và ước mong cho mọi người biết những việc Ngài làm.

Tại sao Thiên Chúa không thích người kiêu căng? Thứ nhất, người kiêu căng ăn cắp công ơn của Thiên Chúa đã làm cho họ. Nếu hiểu cho tới ngọn nguồn, chẳng có sự gì con người có được mà không đến từ Thiên Chúa: quyền thế, danh vọng, của cải, tài năng, thời gian..._____ Thứ hai, kiêu căng làm con người nghĩ mình không cần Thiên Chúa. Nếu họ nghĩ mình có thể làm mọi sự, họ sẽ không cần chạy đến với Ngài. ____ Sau cùng, kiêu căng làm con người khinh thường tha nhân, vì cho rằng người khác không được như họ.

(2) Chúa trông đến kẻ khó nghèo: “Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.” Đây cũng là phúc đầu tiên trong Bát Phúc. Khó nghèo không chỉ hiểu là nghèo khó về phương diện vật chất, nhưng giầu có khó vào Nước Trời vì nó làm cho con người xa Thiên Chúa, như trường hợp của chàng thanh niên giàu có. Nghèo khó hiểu cho đúng phải bao gồm mọi khía cạnh của đời sống. Con người phải ý thức mình cần Thiên Chúa trong mọi sự và không thể sống thiếu ơn lành của Thiên Chúa: sự hiện hữu, tình yêu, sự thật, ơn thánh...

Câu cuối cùng trong Bài Tin mừng hôm nay: Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà. _____ Những ai đã từng làm mẹ mới hiểu hết tấm lòng của Mẹ Maria trong lúc này. Mẹ không những chỉ thăm bà Elisabeth, mang Chúa đến cho hai mẹ con bà, mà Mẹ còn thể hiện sự giúp đỡ thiết thực, cần thiết cho mẹ con bà Elisabeth. Ai trong chúng ta cũng đều hiểu rằng: Khi một phụ nữ trong giai đoạn sinh con thì họ cần những gì? Họ rất cần một người phụ nữ khác giúp họ ít nhất là qua 3 tháng đầu. Vai trò của người chồng, nó cũng cần thiết, nhưng không thể nào thế chỗ người phụ nữ đó. Vì vậy, Mẹ đã vui vẻ ở lại để giúp cho bà chị họ 3 tháng, sau đó mới trở về nhà mình. Một gương bác ái cao độ cho mỗi người chúng ta, ta phải học hỏi từ nơi Mẹ, biết nhìn đến những khó khăn của người anh em và giúp họ một cách thiết thực trong những gì mình có.

Từ khi nói hai tiếng "Xin Vâng" Mẹ không còn sống cho riêng mình nữa và Mẹ đã tham gia vào Công Trình Cứu Chuộc. Vâng xin được phép lặp lại đoạn đã viết:

Bên cạnh Chúa Giêsu, từ tiệc cưới Cana cho đến dưới chân thập giá, và những ngày đầu của Giáo Hội, Mẹ luôn có mặt để nâng đỡ, để ủi an, để củng cố niềm tin của mọi người. Một cách âm thầm nhưng vô cùng gần gũi, ngày nay lúc nào Mẹ cũng có mặt trong Giáo Hội và trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta. ____ Chúng ta xin bày tỏ lòng yêu mến Mẹ Maria và xin Mẹ đồng hành với chúng ta trong cuộc đời trần thế này. Khi có Mẹ đồng hành, cuộc đời ta luôn tràn ngập niềm vui như hai mẹ con bà Êlisabeth hôm nay. _____ Amen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét