GIA ĐÌNH THÁNH TÂM

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Hai Tuần VIII Mùa Thường Niên năm lẻ (27/05/2013) (Mc:10,17-27)



"Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài rồi đến theo Ta".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người chạy lại, quỳ gối xuống trước Người và hỏi: "Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?" Chúa Giêsu trả lời: "Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt, hãy thảo kính cha mẹ". Người ấy thưa: "Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ". Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: "Ngươi chỉ còn thiếu một điều là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta". Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh, và bảo các môn đệ rằng: "Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao". Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó. Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: "Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa".
Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: "Như vậy thì ai có thể được cứu độ?" Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: "Đối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự".Đó là lời Chúa.
Tin mừng ngày hôm nay thuật lại câu chuyện người thanh niên giàu có, đạo đức, xin Đức Giêsu chỉ cho biết phải làm gì để được sự sống đời đời.

Đọc Tin mừng và ngay câu đầu tiên: Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”, ngay trong câu đầu tiên này ta thấy có nhiều điểm phải bàn đến:

1- Người thanh niên đã xưng hô Đức Giêsu là "Thầy nhân lành", lời xưng hô này xem ra có vẻ bình thường vì anh ta đang đứng trước một người đáng kính, được toàn dân mến mộ, nhưng nó cũng rất lịch sự và có phần tôn vinh Đức Giêsu. Nhưng Đức Giêsu ngay sau đó đã cho anh biết: "Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa." Như vậy, Ngài muốn nói: anh phải ý thức rõ khi gọi Ngài là "Thầy nhân lành" vì đây là lời tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa.

2- "Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?". Khi nói câu này người thanh niên mặc nhiên đã tin có cuộc sống đời đời, sau khi kết thúc cuộc đời trần thế này. Đây chính là điểm son đầu tiên về con người của anh, nó thu hút sự chú ý của Đức Giêsu về phía anh. Niềm tin có cuộc sống đời sau, nó là một khởi đầu cần thiết cho tiến trình đạo đức, thánh hóa bản thân mình. Điều quan trọng mà ta muốn nói đến, đó chính là thao thức: "Tôi phải làm gì ...." của anh, đó là một thao thức đúng đắn mà Đức Giêsu phải trả lời cho anh được thỏa mãn.

Con người trong xã hội ngày hôm nay đang vật lộn, đang quay cuồng với biết bao vấn đề ở đời này, như mối lo cơm áo gạo tiền, sự hưởng thụ,... có mấy người quan tâm đến vấn nạn của người thanh niên kia: "Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?" Một khi biết đặt ra cho mình vấn nạn này, ta mới biết sống thế nào cho phù hợp.

Đức Giêsu không để anh phải chờ đợi lâu, Ngài đi ngay vào câu trả lời: "Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” Đức Giêsu đã trưng ra 10 Điều răn Đức Chúa Trời ghi trong sách Đệ Nhị Luật, vì đây là nền tảng căn bản cho một con người đạo đức. Ngài yêu quý các lề luật của Thiên Chúa và sứ mạng của Ngài đến trần gian là để làm trọn lề luật, cho dù đó là điều nhỏ nhất và làm cho nó nên hoàn hảo, tức Ngài sẽ nâng các lề luật ghi trong sách Đệ Nhị Luật lên tầm cao mới. Như vậy, muốn có cuộc sống đời đời thì trước tiên phải giữa các điều ấy. Nhưng đây mới chỉ là bước một mà thôi.

Người thanh niên trả lời: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.” Vâng đây chính điểm son thứ hai của anh ta, vì anh đã có đời sống đạo đức căn bản ngay từ nhỏ, tuân giữ các lề luật do cha ông truyền lại. Thánh kinh nói rõ: Đức Giê-su đưa mắt nhìn và đem lòng yêu mến. Vâng, Ngài quý mến vì đây là mảnh đất đã chuẩn bị sẵn cho hạt giống đức tin mà Ngài sắp sửa gieo vào.

Nhưng bằng ấy vẫn chưa đủ cho một cuộc sống đời đời. Một đời sống đạo đức, tuân giữ trọn vẹn các lề luật tuy đáng được khen ngợi, song nó vẫn chưa đủ, cần phải có một cái gì đó quyết liệt hơn nữa, mãnh liệt hơn nữa khi phải dũng cảm chặt đứt tất cả những gì đang trói buộc người ta trong cuộc sống trần thế, ta phải được thong dong, phải được bay bổng để bước vào cuộc sống đời đời.

Vậy cái gì có sức mạnh trói buộc ta không cho ta được tự do? Đức Giêsu đã đưa ra ngay câu trả lời. Ngài bảo người thanh niên: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Vâng, cái có sức mạnh trói buộc ta đó chính là của cải vật chất, đó là sợi giây vô hình nhưng đầy mãnh lực, trói ta vào cuộc sống tạm bợ này. Đức Giêsu muốn anh phải có sự lựa chọn: một là cuộc sống trần thế, hai là cuộc sống đời đời, không thể bắt cá hai tay được. Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Anh muốn bắt cá hai tay: được cả đời này và đời sau.

Chúng ta đang tự hỏi: Liệu đòi hỏi của Đức Giêsu có quá đáng không? Nếu giả sử có ai đó khuyên ta hãy bán tất cả những gì mình đang có để cho người nghèo thì ta có dám làm không? Chắc chắn là không, vì ta còn biết bao trách nhiệm phải chu toàn, trách nhiệm cho một gia đình, trách nhiệm đối với con cái,... thì làm sao ta có thể bán hết tài sản mình đang có để làm phúc bố thí? Bán đi rồi, cho hết đi rồi, ta lấy gì để sống, con cái ta sẽ ra sao?... Chúng ta phải hiểu thái độ của người thanh niên này: cái cản trở anh ta không phải vì anh ta có nhiều của cải mà vì anh ta đang bị trói chặt vào nó mà không dứt ra được. Anh ta vẫn muốn mình sống trong tình trạng ấy, một cuộc sống đầy hưởng thụ mà vẫn được cuộc sống đời đời. Đây mới là cái làm cho anh ta thất bại, không đáp ứng lời mời gọi của Chúa.

Bài học ngày hôm nay Chúa muốn chúng ta phải là người quản lý tốt với những gì mình có, xin nhắc lại: là người quản lý. Vì của cải Chúa ban cho ta để ta quản lý, chứ không phải để sở hữu, để trói chặt ta vào nó.

Khi người thanh niên đi rồi, chỉ còn Ngài với các môn đệ, Ngài nói với các ông: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: “thế thì ai có thể được cứu?” Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.”

Trước tiên, chúng ta cần làm sáng tỏ vấn đề: Đức Giêsu không kết tội người giàu. Ngài không bảo người giàu có không thể vào Nước Thiên Chúa; nhưng Ngài bảo "những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!". Nó còn khó hơn việc con lạc đà chui qua lỗ kim.

Tại sao giàu có làm cho con người khó vào Nước Thiên Chúa? Chúng ta có thể liệt kê 3 lý do chính sau đây:

(1) Giàu có làm con người quên đi mục đích cuộc đời, để rồi chỉ biết tập trung mọi thời gian và cố gắng để thu quét của cải và hưởng thụ.

(2) Giàu có làm con người chỉ biết đánh giá trị mọi sự trên đồng tiền, và bỏ quên tập luyện những giá trị tinh thần hay vĩnh cửu.

(3) Giàu có làm con người kiêu căng, phách lối, và khinh thường người khác. Họ quên đi rằng “Ở đời muôn sự của chung.” Mọi người đều có quyền hưởng của cải Thiên Chúa ban như một phương tiện để sinh sống khi còn ở đời này. Họ không có quyền tích trữ của cải trong khi tha nhân đói khát, chứ chưa nói việc đánh cắp công ơn Thiên Chúa và khinh thường tha nhân.

Còn các môn đệ, khi nghe Đức Giêsu nói, các ông đã phải sửng sốt tới hai lần, như vậy thì còn ai có thể được cứu? Tại sao các môn đệ phải sửng sốt?

Thưa là vì truyền thống Do-thái tin giàu có là dấu hiệu Thiên Chúa, chúc phúc cho những người biết kính sợ Thiên Chúa và ăn ở ngay lành, cùng với các ơn lành khác như con đàn cháu đống và sống lâu trăm tuổi. Nếu sự thịnh vượng là dấu hiệu của mối liên hệ tốt đẹp giữa con người với Thiên Chúa, tại sao Chúa Giêsu lại đảo ngược niềm tin truyền thống đó?

Chúa Giêsu chắc chắn không nói tới việc giàu có do Thiên Chúa chúc lành, Ngài muốn nói tới việc con người tự vơ vét làm giàu, mà không cần biết có công bằng hay không. Ngài cũng muốn đề cập đến việc con người không biết quản lý các tài sản mà Thiên Chúa đã trao phó cho họ. Vì thế, con người sẽ bị Thiên Chúa phán xét về cách thâu nhận tài sản, công bằng hay bất công, và cách tiêu xài của cải, đúng hay không đúng.

Cuối cùng, Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.” Vâng, việc người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa, đó là do của cải, đồng tiền có sức mạnh trói chặt họ vào nó, mà với ý chí con người khó có thể cưỡng lại. Nhưng đối với Chúa thì không việc gì mà Ngài không làm được, với ơn Chúa ban, người ta có thể biến đổi. Ta đã từng nghe kể người giàu có này, người giàu có nọ, sau một thời gian trượt dài trên sự sa hoa hưởng thụ đã làm lại cuộc đời như thế nào sao! Vâng với ơn Chúa, cộng với sự cộng tác của con người mọi sự đều có thể. ___Amen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét