GIA ĐÌNH THÁNH TÂM
Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013
08/02 – Thứ sáu tuần 4 thường niên-Năm lẻ
"Đó chính là Gioan Tẩy Giả trẫm đã chặt đầu, nay sống lại".
Lời Chúa: Mc 6, 14-29
Khi ấy, vua Hêrôđê nghe nói về Chúa Giêsu, vì danh tiếng Người đã lẫy lừng, kẻ thì nói: "Gioan Tẩy giả đã từ cõi chết sống lại, nên ông đã làm những việc lạ lùng"; kẻ thì bảo: "Đó là Êlia"; kẻ khác lại rằng: "Đó là một tiên tri như những tiên tri khác". Nghe vậy, Hêrôđê nói: "Đó chính là Gioan trẫm đã chặt đầu, nay sống lại". Vì chính vua Hêrôđê đã sai bắt Gioan và giam ông trong ngục, nguyên do tại Hêrôđia, vợ của Philipphê anh vua mà vua đã cưới lấy. Vì Gioan đã bảo Hêrôđê: "Nhà vua không được phép chiếm lấy vợ anh mình". Phần Hêrôđia, nàng toan mưu và muốn giết ông, nhưng không thể làm gì được, vì Hêrôđê kính nể Gioan, biết ông là người chính trực và thánh thiện, và giữ ông lại. Nghe ông nói, vua rất phân vân, nhưng lại vui lòng nghe. Dịp thuận tiện xảy đến vào ngày sinh nhật Hêrôđê, khi vua thết tiệc các quan đại thần trong triều, các sĩ quan và những người vị vọng xứ Galilêa. Khi con gái nàng Hêrôđia tiến vào nhảy múa, làm đẹp lòng Hêrôđê và các quan khách, thì vua liền nói với thiếu nữ ấy rằng: "Con muối gì, cứ xin, trẫm sẽ cho", và vua thề rằng: "Con xin bất cứ điều gì, dù là nửa nước, trẫm cũng cho". Cô ra hỏi mẹ: "Con nên xin gì?" Mẹ cô đáp: "Xin đầu Gioan Tẩy Giả". Cô liền vội vàng trở vào xin vua: "Con muốn đức vua ban ngay cho con cái đầu Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa". Vua buồn lắm, nhưng vì lời thề và vì có các quan khách, nên không muốn làm cho thiếu nữ đó buồn. Và lập tức, vua sai một thị vệ đi lấy đầu Gioan và đặt trên đĩa. Viên thị vệ liền đi vào ngục chặt đầu Gioan, và đặt trên đĩa trao cho thiếu nữ, và thiếu nữ đem cho mẹ. Nghe tin ấy, các môn đệ Gioan đến lấy xác ông và mai táng trong mồ.
SUY NIỆM 1: Sự bất tử của thánh nhân
Những bậc vĩ nhân thường được nhân gian biến thành bất tử. Người Do thái tin rằng vị tiên tri vĩ đại nhất của họ là Êlia đã không chết, nhưng được cất nhắc về Trời; khi Gioan Tẩy Giả xuất hiện, người ta lại tin rằng ngài chính là hiện thân của Êlia: rồi đến lượt Gioan Tẩy Giả bị giết chết, người ta lại cho rằng ngài đang sống lại trong con người Chúa Giêsu.
Có lẽ để xóa tan những lời đồn đoán như thế, thánh sử Marcô đã kể lại từng chi tiết cuộc xử trảm Gioan Tẩy Giả, cũng như ghi lại việc chôn cất thánh nhân. Gioan Tẩy Giả đã thực sự chết và ngài đã không bao giờ sống lại, cũng chẳng được cất nhắc lên trời như Êlia.
Gioan Tẩy Giả là nạn nhân của bất công. Có bất công khi người ta đặt chính trị lên trên những giá trị khác của cuộc sống, như tinh thần và niềm tin; có bất công khi người ta hành động theo bản năng hơn là theo tinh thần. Vua Hêrôđê lẫn nàng Hêrôđia đều đã hành động theo lối ấy. Hêrôđia sống bất chấp luân thường đạo lý, còn Hêrôđê thì cho dù vẫn sáng suốt để phân biệt được điều ngay với lẽ trái, nhưng lại chọn sống theo bản năng hơn là lý trí.
Gioan Tẩy Giả đã lên tiếng tố cáo bất công và sẵn sàng chết cho công lý. Trong ý nghĩa ấy, ngài là vị tiền hô của Chúa Giêsu, ngài qua đi nhưng tinh thần ngài vẫn sống mãi trong các môn đệ của ngài, và một cách nào đó, ngài cũng sống trong chính con người Chúa Giêsu và nơi mỗi người Kitô hữu. Từ 2000 năm qua, Giáo Hội vẫn sống trong niềm xác tín đó. Chính tinh thần của Gioan Tẩy Giả, của các Tông Ðồ, của các Thánh Tử Ðạo, đã sống mãi trong Giáo Hội và trở thành giây liên kết mọi Kitô hữu. Ðiều này luôn được Giáo Hội thể hiện qua cử chỉ hôn kính hài cốt các thánh được đặt trên bàn thờ. Tập san Giáo Hội Á Châu do Hội Thừa Sai Paris xuất bản tháng 12/1995, có ghi lại chứng từ của một vị Giám mục:
"Chúng tôi đã cất giữ hài cốt của vị Giám mục tiên khởi của Giáo Hội chúng tôi. Chúng tôi tin rằng hài cốt này là thánh thiêng đối với chúng tôi, là dấu chỉ mà chúng tôi không bao giờ được phép quên lãng. Hài cốt này là sợi giây liên kết với Giáo Hội mọi thời, mọi nơi. Chúng tôi đã luôn nghĩ rằng chúng tôi không thể cất khỏi sợi giây liên kết hữu hình ấy. Ðây là một dấu chỉ nối kết chúng tôi trực tiếp với Chúa Kitô. Làm sao người ta có thể đánh mất Chúa Kitô? Chúng tôi cất giữ hài cốt này, chúng tôi vẫn tiếp tục yêu mến Chúa Kitô và kết hiệp với Người mãi mãi".
Chúng ta cũng hãy hiên ngang nói lên niềm tin và lòng trung thành với Chúa Kitô. Cùng với thánh Phaolô, chúng ta cũng hãy thốt lên: "Không gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô".
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 2: Tấn tuồng của con người
Vua Hê-rô-đê nghe biết về Đức Giêsu, vì Người đã nổi danh. Có kẻ nói: “Đó là ông Gia-an Tẩy Giả từ cõi chết chỗi dậy, nên quyền làm phép lạ mới tác động nơi ông.” Kẻ khác nói: “Đó là ông Ê-li-a.” Kẻ khác nữa nói: “Đó là một ngôn sứ như một trong các ngôn sứ.” Vua Hê-rô-đê nghe thế, liền nói: “Ông Gio-an, ta đã cho chém đầu, chính ông đã chỗi dậy!” (Mc. 6, 14-16)
Cái chết của thánh Gioan Baotixita là một trong những trang bi thảm nhất của Phúc âm vì những hoàn cảnh éo le đã xui nên. Những tâm tình hắc ám nhất của nhân loại đều thấy cùng gặp gỡ nhau ở đây: một người có ý định sát nhân, đúng hơn lại muốn để cho người khác can tội vì muốn bảo toàn danh dự mình hoặc khỏi mất thanh danh đối với những khách dự tiệc có lẽ đang say xỉn; một cô gái nhảy đùa giỡn với mạng sống con người với tư thế ung dung như cô đang chơi trò giật dây con rối vậy. Đó là một trong những trang bi đát nhất của tất cả tấn tuồng của con người từ đó để lộ ra lẫn lộn tất cả sự hèn nhát, nhân nhượng, mưu mô, thù oán, say sưa và tàn bạo hầu làm nên cái mà Mauriac gọi là uẩn khúc nham hiểm của loài rắn độc.
Tính nhu nhược của Hêrôđê là đầu mối cho tất cả sự việc này. Từ khi nghe lời Hêrôđia xúi xiểm tống giam Gioan Tẩy giả cho đến khi bị mắc kẹt trước các khách dự tiệc, không thể rút lại mà không phơi trần một sự yếu hèn hơn, Hêrôđê sẽ vẫn là một con người bị người khác vận dụng và sẵn sàng nhượng bộ tất cả với điều kiện là “giữ được thể diện” cho mình. Ông sẽ chẳng coi chi những tâm tình vị nể và cảm phục ông Gioan, người mà tự thâm tâm ông vẫn thích nghe.
Sau đó ít lâu, một tấn tuồng khác gần tương tự sẽ còn làm nổi bật tính nhu nhược này của con người. Tại pháp đình, trước đám đông người Do thái bị các trưởng tế xúi giục hò hét, Philatô sẽ rửa tay tỏ ra vô can trong cái chết của Đức Kitô, mặc dầu ông không tìm được chứng cớ nào để kết án tử Người.
Thiết lập một danh sách liệt kê những biến cố đại loại như trên, thiết tưởng không phải là chuyện khó làm. Những vụ giết người và phản bội thường có nguồn gốc là một lô những nhu nhược, hèn nhát, yên lặng đắc tội…Những người có quyền, có địa vị mà nhu nhược thường bao che cho những kẻ quỷ quyệt để chúng hưởng lợi. Quả thực, ít có những người có sự thật và biết tôn trọng sự thật đến cùng, một sự thật ngoan cường.
Còn chúng ta, chính chúng ta thường tỏ ra khôn khéo hơn trong vai những người mềm yếu và nhu nhược khi chúng ta diễn lại tấn tuồng trên đây của con người.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét