GIA ĐÌNH THÁNH TÂM
Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013
Suy Niệm của linh mục Liễm CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN C LỜI TIÊN TRI ĐÃ ỨNG NGHIỆM
A. DẪN NHẬP
Trong cuộc lưu đầy ở Babylon, dân Do thái bị quân thù hành hạ áp bức, nhiều người đã tuyệt vọng vì tương lai rất mịt mờ, nhưng tiên tri Isaia đã báo cho họ biết là họ sẽ được giải phóng. Khi trở về quê hương, họ đã qui tụ lại làm việc thờ phượng Chúa, ghi lại các hồng ân Thiên Chúa đã ban cho họ suốt dòng lịch sử và nhớ lại Giao ước bị bỏ quên (Bài đọc 1).
Từ nhiều thế kỷ trước, tiên tri Isaia đã báo cho họ biết sẽ có Đấng Messia đến giải thoát họ và họ nóng lòng chờ đợi. Nhân dịp về thăm quê hương Nazareth, ngày sabat, Đức Giêsu vào giảng ở hội đường, đọc nhằêm đoạn sách tiên tri Isaia mô tả về Đấng Messia và Ngài xác nhận chính Ngài là Đấng Messia ấy, khi Ngài nói:”Hôm nay ứng nghiệm lời Sách thánh mà quí vị vừa nghe”(Lc 4,21). Nhân dịp này Ngài đọc bản tuyên ngôn mô tả sứ mạng và chương trình hành động của Ngài, chính yếu là Ngài được sai đi loan báo Tin mừng cho mọi người, nhất là những người nghèo hèn, khốn khổ…Và công bố năm hồng ân của Thiên Chúa.
Ngày nay, Hội thánh và mọi Kitô hữu, theo căn tính, phải tiếp tục sứ mạng mà Đức Giêsu đã làm:”Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con ra đi”(Ga 17,18). Sứ mạng của Kitô hữu được sai đi là làm tông đồ cho Chúa, loan báo Tin mừng Đức Kitô cho mọi người bằng đời sống chứng tá, yêu thương và hiệp nhất.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài đọc 1 : Nhm 8,2-6.8-10.
Lần đầu tiên khi từ chốn lưu đầy trở về, dân Do thái đã tụ họp lại để làm việc thờ phượng, được tiên tri Nêhêmia trình bầy như một lễ hội, nhắc lại Giao ước. Tư tế Esdras tập họp mọi người lại tại quảng trường và đọc Sách Luật cho họ nghe. Esdras đọc và giải thích cho họ hiểu, và khi đã thông suốt thì họ đồng thanh thưa :”Amen”.
Khi nghe đọc Sách Thánh, họ cảm động đến muốn khóc. Họ khóc một phần vì nhớ đến những hồng ân Thiên Chúa đã ban cho họ qua dòng lịch sử, phần khác vì họ hối tiếc vì sự bất trung của họ đối với tình thương bao lao của Thiên Chúa.
Vì thế, tư tế Esdras yên ủi họ :”Anh em đừng sầu thương khóc lóc, đừng buồn bã vì niềm vui của Chúa là thành trì bảo vệ anh em”(Nhm 8,10).
+ Bài đọc 2 : 1Cr 12,12-30.
Thánh Phaolô gửi thư cho tín hữu Côrintô để tiếp tục việc giáo huấn cho họ bằng một ví dụ cụ thể, dễ hiểu:”một thân thể có nhiều chi thể”. Cũng giống như một thân thể có nhiều chi thể, Giáo hội dù bao gồm nhiều thành viên với những ơn gọi khác nhau tạo thành một sự thống nhất trong Đức Kitô.
Qua đoạn thư này, chúng ta có thể rút ra được 3 ý chính :
- Giáo hội là thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô, trong đó Đức Giêsu là đầu, và các Kitô hữu là chi thể.
- Các chi thể khác nhau nên cũng có những nhiệm vụ khác nhau, nhưng không chống đối nhau mà còn bổ túc cho nhau.
- Mọi chi thể phải đoàn kết với nhau và phải dùng những đặc ân Chúa ban cho mình để phục vụ ích lợi chung của Hội thánh.
+ Bài Tin mừng : Lc 1,11-4 ; 4,14-21.
Trong lời mở đầu sách Tin mừng của mình (Lc 1,1-4), thánh Luca nói lên mục đích của sách Tin mừng Luca là điểm qua lịch sử đời Chúa Giêsu, để giáo hữu thêm lòng tin. Truyện về Chúa được truyền qua lời kể của các môn đệ của Chúa, là những người đã tận mắt chứng kiến việc Chúa làm và tận tai nghe lời Chúa nói.
Trong đoạn sau (Lc 4,14-21) thánh Luca cho biết Đức Giêsu sau một thời gian hoạt động, đã trở về Nazareth và giảng dạy trong hội đường. Ngài đọc một đoạn sách về lời sấm của tiên tri Isaia (61,1-2) và Ngài kết luận :”Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh thánh mà quí vị vừa nghe”(Lc 4,21). Theo đó, Ngài xác nhận mình chính là Messia mà tiên tri Isaia đã loan báo từ lâu. Với tư cách là Messia vừa được xức dầu tấn phong, Ngài được sai đi loan báo Tin mừng cho mọi người, nhất là những người nghèo hèn, khốn khổ… và công bố năm hồng ân của Thiên Chúa. Sứ vụ của Ngài là mở ra một kỷ nguyên hồng ân, tức là kỷ nguyên của Tin mừng.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Loan báo Tin mừng cho mọi ngươi
I. SỨ MẠNG CỦA ĐỨC GIÊSU.
1. Đức Giêsu là ai ?
Xét về nguồn gốc, ai cũng biết Đức Giêsu xuất thân từ Nazareth xứ Galilê, con bác thợ mộc Giuse và bà nội trợ Maria. Còn người đồng hương thì quá biết Ngài vì đã sinh sống với họ gần 30 năm, và xét theo bề ngoài, Đức Giêsu không có gì đặc biệt, chưa hề làm một phép lạ nào, chỉ là một thanh niên lam lũ, kiếm sống bằng nghề thợ mộc.
Rời khỏi Nazareth một thời gian, tự nhiên danh tiếng Ngài đã vang dội khắp nơi qua việc rao giảng Tin mừng và làm nhiều phép lạ chữa mọi bệnh tật, trừ quỉ và làm cho kẻ chết sống lại. Tuy thế, đối với dân làng thì họ vẫn còn nhửng nhưng, hoặc bán tín bán nghi. Nói chung, đối với dân làng Nazareth, Ngài vẫn chỉ là một thanh niên xuất thân từ Nazareth không hơn không kém. Nay trở về quê hương, dân làng cũng chỉ coi Ngài bình thường như các thanh niên khác, chưa tỏ ra thái độ kính trọng hay kiêng nể gì.
2. Quang cảnh làng Nazareth.
Nazareth có lẽ không phải là một thôn làng, nó được gọi là “Polis” nghĩa là một thành hay một thị trấn, và có thể có tới 20.000 dân. Nazareth tọa lạc trong vùng đất của sườn đồi của Galliê, có ba con đường lớn vòng quanh, tiện lợi cho việc thông thương và kinh doanh.
Có lẽ người ta sai lầm nếu nghĩ rằng Đức Giêsu lớn lên tại một làng quê hẻo lánh. Ngài lớn lên trong một thành có trục lộ giao thông của thế giới chạy qua ngay trước ngõ. Chính nơi đây Đức Giêsu đã giảng một bài quan trọng trình bầy nội dung chương trình hành động của Ngài, hay cũng có thể được gọi là bản tuyên ngôn về công tác cứu rỗi mà Ngài đến thực hiện.
3. Đức Giêsu giảng ở hội đường.
Sau một thời gian đi rao giảng Tin mừng và làm phép lạ, danh tiếng Đức Giêsu đã lan rộng khắp nơi, Ngài trở về thăm quê hương Nazareth. Vào một ngày sabat, Ngài vào hội đường cùng với bà con cô bác để ca tụng Chúa và nghe đọc Sách Thánh, tất cả mọi người nóng lòng muốn nghe một người mà họ quen biết nhiều, thình lình nổi tiếng. Có thể là Ngài yêu cầu, hoặc là người phụ trách hội đường đưa cho Ngài cuộn da ghi lời Kinh thánh của tiên tri Isaia để hướng dẫn giờ đọc Lời Chúa.
Ngài mở nhằm chỗ nói về niềm vui của năm hồng ân, tác giả mô tả sự vui mừng của những kẻ trở về sau cuộc lưu đầy từ Babylon. Hay nói đúng hơn đoạn sách nói về Đấng Cứu thế :”Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”(Lc 4,18-19). Đọc xong, gấp sách lại, ngồi xuống như các diễn giả thường làm. Tất cả đều chăm chú nhìn Ngài chờ đợi, xem Ngài cắt nghĩa đoạn sách này như thế nào. Ngài lợi dụng dịp này để công bố lời tiên tri này được ứng nghiệm nơi chính Ngài. Ngài tuyên bố chính Ngài là Messia (Cứu thế) đã được hứa, khi trịnh trọng nói:”Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các vị vừa nghe”(Lc 4,18-19).
Chúng ta nhận thấy trong các buổi nhậm chức của tân Tổng thống, bao giờ cũng đọc một bài diễn văn quan trọng đầu tiên, trong đó ông vạch ra đường hướng, chính sách và chương trình hành động trong nhiệm kỳ mới. Bài Tin mừng hôm nay miêu tả bài diễn văn đầu tiên của một vị tân Lãnh đạo tôn giáo. Đó là bài nói chuyện đầu tiên của Đức Giêsu Kitô tại Nazareth, quê quán của Ngài. Ngài đưa ra một phác thảo về đường hướng và sứ mạng của Ngài, Đấng Thiên Sai, qua lời tiên tri Isaia :”Thánh Thần Chúa ngự trên tôi…”(Lc 4,14-21)
So sánh lời công bố của Đức Giêsu Kitô và các diễn văn của các tân tổng thống trong ngày nhậm chức, chúng ta thấy có sự khác biệt rõ ràng. Quí vị tổng thống nói rất nhiều, hứa đủ thứ, nhưng sau cùng chẳng thực hiện được bao nhiêu trong thời gian tại chức. Trái lại, Đức Giêsu đã nói rất ít nhưng đã thực hiện tất cả những điều Ngài đã tuyên bố.
4. Chương trình hành động của Ngài.
Nếu ngày xưa tác giả sách tiên tri Isaia loan báo một thời kỳ cứu độ chỉ để cho dân Chúa được bình an mà sống những ngày tháng sau lưu đầy, thì đây, với lời tuyên bố:”Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh thánh mà tai các vị vừa nghe”(Lc 4,21), Đức Kitô đã chính thức công bố thời kỳ cứu độ ấy đã đến. Ngài không chỉ ban bình an trong cuộc đời mà còn là bình an vĩnh cửu.
Ta thấy sứ mạng của Đức Giêsu là đến để giải phóng con người một cách toàn diện, cả tâm linh lẫn thể xác, cả cá nhân đến xã hội, bao hàm cả ba lãnh vực chính yếu của Kitô giáo : chân lý, công lý và tình thương (x. Mt 23,23). Về tâm linh, Ngài giải phóng con người khỏi ách thống trị của tội lỗi, của lề luật, của thói hư tật xấu, khỏi tính yếu đuối của bản tính con người. Thánh Phaolô viết:”Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta”(Gl 5,1; x. Rm 6,18; Cl 1,13). Ngài cũng đến để giải phóng con người về mặt thể chất:”Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này ? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”(Rm 7,24-25). Về mặt xã hội, Ngài đến để thực hiện một xã hội lý tưởng là Nước Trời, không chỉ tại thiên mà còn tại thế , trong đó mọi người đối xử với nhau bằêng chân lý, công lý và tình thương.
Truyện : Xóa nợ.
Ngày xưa có một lãnh chúa, và các tá đền của ông thì nợ ông tiền thuê đất. Chẳng bao lâu họ thấy mình nợ nần chồng chất. Họ thấy mình không tài nào thoát ra tình cảnh khó khăn ấy, tuy ông lãnh chúa là người nhân ái và nhẫn nại. Nhưng các tá điền tự hỏi, ông cho họ thêm bao nhiêu thời gian để trả hết nợ. Điều đáng sợ là cả khi ông cho họ đến ngày họ chết, họ cũng không thể trả hết nợ.
Kế đó một quản lý mới của lãnh chúa xuất hiện và bắt đầu làm một cuộc kinh lý. Trong suốt cuộc kinh lý ấy, quản lý đã hỏi mỗi tá điền mắc nợ bao nhiêu. Nhưng thật đáng kinh ngạc, quản lý không dừng ở đó. Ôâng đi thăm từng nhà, ông hỏi người ta ăn uống ra sao. Ôâng hỏi thăm người già, người bệnh, người khó ở. Chính ông thấùu hiểu những vấn đề và những lo lắng của họ.
Rồi một ngày kia, ông tập họp họ lại, nói rằng ông có một sứ điệp quan trọng mà lãnh chúa tức chủ đất gởi cho họ. Các tá điền họp lại trong sợ hãi và run rẩy, tưởng rằng cái ngày thanh toán khủng khiếp sau cùng đã đến. Các tá điền đã biết hoặc nghĩ rằng mình đã biết những lời mà ông quản lý sắp nói. Hẳn ông sẽ nói rằng:”Trong suốt cuộc kinh lý, tôi đã khám phá rằng không một người nào trong các anh lo lắng việc trả nợ. Các anh chỉ nên tự trách mình. Các anh chỉ là một đám lười biếng, chẳng làm được việc gì. Chủ đất đã chán ngấy các anh. Ôâng ấy đã cho các anh vô số cơ hội, nhưng các anh vẫn không làm ra của cải. Các anh khiến ông ấy không còn chọn lựa nào khác là lấy lại đất đai khỏi tay các anh và đưa nó cho những người khác và họ sẽ trả được nợ của họ”.
Đó là những gì họ chờ đợi ông quản lý nói, dù rằng trong lòng họ, họ mong mỏi một điều gì khác. Rồi người quản lý bắt đầu nói:”Chủ đất biết rằng tất cả các anh đều mắc nợ số tiền lớn. Oâng ấy nhờ tôi nói với các anh những điều sau đây”. Quản lý ngừng nói. Họ chờ đợi cơn bão ập tới và gắng hết sức mình để chống lại nó. “Thế thì”, quản lý nói tiếp “Tôi có một tin mừng cho các anh”. Một lần nữa ông ngừng lại. Tin mừng ! Họ không thể tin điều họ nghe.”Chủ đất nhờ tôi nói với các anh rằng các anh có thể quên hết nợ nần. Oâng ấy xóa hết nợ nần cho các anh. Từ hôm nay, các anh có thể bắt đầu lại từ đầu”.
Họ reo hò mừng rỡ. Các tá điền ôm hôn nhau. Một số người bắt đầu nhảy múa, đã lâu rồi họ không nhảy múa. Khi họ trở về nhà mình với tâm hồn thanh thản, lần đầu tiên trong nhiều năm, họ nhận thấy mặt trời chiếu sáng, chim hát ca và những bông hoa rực rỡ nở rộ trong các cánh đồng.
Tin mừng Đức Giêsu loan báo trong hội đường Nazareth cũng như thế. Ngài là người quản lý mới mà Thiên Chúa sai đến với dân mắc nợ Người. Theo người Pharisêu, ngày của Chúa phải là ngày phán xét. Và ở đây, Đức Giêsu tuyên bố rằng đó là ngày của ân huệ Thiên Chúa, không chỉ dành cho những người đáng khen mà dành cho tất cả mọi người.
(Flor McCarthy, Phụng vụ Chúa nhật, năm C, tr 365-366).
II. SỨ MẠNG CỦA CHÚNG TA.
1. Sứ mạng của Giáo hội.
Sứ mạng của Đức Giêsu, ngày hôm nay, vẫn được tiếp tục thực hiện qua Giáo hội và trong Giáo hội. Thực vậy, Khi Đức Giêsu hoàn thành thời gian sứ mạng của Ngài, Ngài gửi Thánh Thần đến cho các môn đệ để họ tiếp tục công bố Năm Toàn Xá của Thiên Chúa, loan Tin mừng cho mọi người, rao giảng và thực hiện sự giải phóng toàn diện con người và xã hội. Nói rõ hơn, Giáo hội được đầy Thánh Thần từ ngày lễ Ngũ tuần phải tiếp tục sứ mạng của Đức Giêsu trong lịch sử. Như vậy, lời sách tiên tri Isaia thâu tóm sứ mạng của Đức Giêsu cũng là lời thâu tóm sứ mạng của Giáo hội mọi thời đại. Hôm nay sứ mạng ấy càng trở nên khẩn trương hơn.
2. Sứ mạng của mỗi Kitô hữu.
a) Mỗi người được sai đi.
Qua bài Tin mừng này, thánh Luca trình bầy Đức Giêsu như một kẻ được Thiên Chúa xức dầu Thánh Thần và sai đi. Tất cả chúng ta là những kẻ được Chúa sai đi. Mỗi người chúng ta cũng được Chúa sai đi. Ngày trước, Thiên Chúa đã sai Đức Giêsu đi, rồi đến phiên Đức Giêsu lại sai chúng ta đi. Đức Giêsu đã phán:”Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai chúng con ra đi”(Ga 17,18). Bởi vậy lời Thánh Kinh mà Đức Giêsu đã áp dụng cho bản thân Ngài “Chúa đã sai tôi đi”, cũng phải được chính chúng ta áp dụng cho chúng ta “Chúa cũng sai tôi đi”.
Sai đi để làm gì ? Thưa sai đi để làm tông đồ cho Chúa. Mỗi Kitô hữu là một tông đồ. Công đồng Vatican II còn nói mạnh hơn:”Làm tông đồ là bản tính chủa người Kitô hữu”. Nói khác đi, nếu không làm tông đồ thì không còn phải là Kitô hữu nữa.
b) Phải mộ mến Lời Chúa.
Muốn đi loan báo Tin mừng thì phải biết Tin mừng, muốn biết Tin mừng mà không mộ mến Lời Chúa thì làm thế nào mà biết rao giảng Lời Chúa, nhất là biết sống theo lời Chúa dạy. Dĩ nhiên, nếu chỉ tin rằng những gì được nói trong Thánh kinh, nhất là Tin mừng, đều là sự thật mà thôi thì chưa đủ, vì đó là thái độ luôn phải có đối với bất cứ cuốn sách phàm tục nào mà chúng ta cho là đúng đắn. Trái lại, khi đọc Tin mừng là phải đọc với tất cả niềm tin cao độ và lòng mến thiết tha nghĩa là tin tưởng tất cả những gì trong đó đang được thực hiện. Thánh Giêrônimô nói:”Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”. Khi đọc Kinh thánh, chúng ta hẵy lắng nghe những điều Chúa nói với chúng ta qua ân sủng, với tất cả con tim nồng cháy của mình.
Truyện : Chẳng nghe được gì hết.
Trong vở kịch “The Royal Hunt of the sun” (Hoàng gia đi săn mặt trời) có kểû lại cuộc chinh phục dân da đỏ ở Pêru của người Tây ban nha vào thế kỷ 16, trong đó có một màn kể lại câu chuyện một người nọ biếu cho tù trưởng bộ lạc da đỏ một cuốn Thánh Kinh và bảo ông ta :”Đây là Lời Chúa, Ngài nói với chúng ta qua cuốn sách này”. Viên tù trưởng nghiêm trang cầm cuốn Thánh Kinh lên, xem xét kỹ lưỡng và dịu dàng đặt nó vào lỗ tai. Ôâng cố gắng nghe đi nghe lại nhưng chẳng nghe được gì hết. Thế là ông ta nghĩ rằng mình bị phỉnh gạt, nên giận dữ dằn mạnh cuốn sách xuống đất.
Màn bi kịch trên khiến chúng ta tự nhủ:”Vậy chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa như thế nào” ? Chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa bằng ba cách thức : bằng lỗ tai của tâm trí, bằng lỗ tai của trái tim và bằng lỗ tai của linh hồn…(M. Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm C, tr 166-167).
Chúng ta phải làm sao để Lời Chúa được diễn lại sống động nơi tâm trí chúng ta, phải ghi khắc lời ấy vào trái tim chúng ta và phải bàn bạc với Chúa cũng như lắng nghe điều Ngài nhắn nhủ chúng ta qua lời ấy.
III. CÁCH THI HÀNH SỨ MẠNG.
1. Sống đời chứng tá.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói :”Người thời nay thích những chứng tá hơn là thầy dạy”. Đúng thế, lời dạy dỗ không hấp dẫn và thuyết phục bằng chứng tá vì người ta thường nói:”Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”. Nếu thầy dạy mà thực hành điều mình dạy thì lời ấy càng có tính thuyết phục; nếu ngược lại, những lời giảng dạy ấy hoàn toàn trở nên vô ích, có khi còn phản tác dụng : không làm cho người ta đến với Chúa mà còn làm cho người ta lìa xa Chúa nữa. Muốn cho lời rao giảng của mình có tác dụng, người truyền giáo nên thực hành lời Đức Giám mục chủ phong trong thánh lễ truyền chức Linh mục khuyên tân Linh mục :
“Hãy tin vào điều con đọc,
Hãy giảng điều con tin,
Và hãy thực hành điều con giảng dạy”.
Về vấn đề làm chứng này, chúng ta hãy trở lại thời Giáo hội sơ khai, các tín hũu đầu tiên đãõ sống với nhau như thế nào theo một tác giả thế kỷ thứ ba :
“Người Kitô hữu không khác với những kẻ khác về cư trú, về ngôn ngữ hay lối sống. Bởi vì họ không cư ngụ một thành nào riêng biệt, cũng không dùng ngôn ngữ nào khác thường và nếp sống của họ chẳng có chi khác biệt. Không phải do suy tư hay bận tâm tra cứu mà họ khám phá được các giáo thuyết. Họ không chủ trương một giáo điều nào của loài người như một số người nọ…
Họ ở trong xác thịt nhưng chẳng theo xác thịt. Họ cư ngụ trên mặt đất nhưng có thành trì ở trên thiên đàng. Họ tuân theo mọi lề luật đã được đặt ra, nhưng lối sống của họ còn hơn cả lề luật. Họ yêu mến mọi người mà mọi người bách hại họ. Họ bị giết nhưng nhờ vậy mà được tái sinh. Họ thật nghèo nhưng lại làm cho bao người trở nên giầu có. Thiếu thốn mọi sự nhưng họ được tràn đầy mọi sự. Người ta khinh khi họ, nhưng trong sự khinh dể đó họ tìm được vinh quang. Danh giá họ bị nhục mạ nhưng nhờ đó họ được minh chứng là công chính. Bị chửi bới, họ chúc lành cho người ta, người khác hành hạ họ nhưng họ một niềm kính trọng. Khi làm lành họ bị trừng phạt như những kẻ bất lương, và chính lúc bị trừng phạt như vậy họ lại vui mừng, dường như được sống. Người Do thái khai chiến với họ như với những kẻ ngoại, đang khi đó dân ngoại bắt bớ họ, nhưng chẳng ai có thể nói tại sao lại thù ghét người Kitô hữu như vậy” (Trích Các bài đọc 2, mùa Phục sinh, tr 84-85).
2. Sống đời yêu thương.
Đức Giêsu đã phán:”Người ta cứ dấu này mà biết các con là môn đệ của Thầy, là các con hãy yêu thương nhau”(Ga 13,35). Cốt lõi của đạo Công giáo là Bác ái bởi vì chỉ có một lề luật là mến Chúa yêu người. Nếu người ta chỉ yêu Chúa mà không thương yêu tha nhân là một điều khó hiểu vì như thánh Gioan nói, những người chung quanh sờ sờ ra trước mắt mà người ta không yêu thương được, thì làm sao người ta có thể yêu thương Thiên Chúa là Đấng vô hình ? Vậy nếu muốn giới thiệu cho người khác Đấng mà thánh Gioan gọi “Thiên Chúa là tình yêu” thì phải có một hình ảnh nào, để qua đó người ta biết Thiên Chúa yêu thương nhân loại. Hình ảnh đó chính là tha nhân và nếu yêu tha nhân là hình ảnh của Chúa thì người ta sẽ dễ nhận ra Chúa hơn.
Truyện : Bà có họ hàng với Chúa.
Dan Clack kể lại một câu chuyện rất ngắn nhưng cũng rất ấn tượng : Vào một buổi tối trời tuyết lạnh, một em bé khoảng sáu, bảy tuổi đang đứng tần ngần trước một siêu thị sang trọng. Đứa bé đi chân đất, khoác trên người bộ quần áo cũ kỹ, tơi tả, trông như miếng giẻ rách. Có một thiếu phụ đi ngang qua trông thấy cậu bé và đọc được nỗi thèm muốn trong đôi mắt mầu xanh đó. Bà cầm tay đứa trẻû, dẫn vào tiệm và mua cho em đôi giầy mới và bộ quần áo ấm.
Sau đó, họ bước ra phố, và thiếu phụ nói với cậu bé :
- Chúc cháu vui vẻ và một đêm ngủ ngon.
Đứa bé trố mắt nhìn thiếu phụ, rụt rè hỏi :
- Thưa bà, bà có phải là Chúa không ?
Bà cúi xuống mỉm cười với cậu bé, vỗ nhẹ vào vai cậu trả lời :
- Con ơi, không phải đâu, bà chỉ là một trong những đứa con của Ngài thôi !
Cậu bé như khám phá được điều gì mới lạ :
- Cháu đã biết ngay là bà có họ hàng với Chúa mà.
(Thiên Phúc, Lời gọi yêu thương, tr 3-4).
Sống đời bác ái yêu thương là dấu chỉ con cái Chúa và là dấu chỉ anh em với nhau. Đức Giêsu đã xác nhận:”Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”(Lc 6,21). Quả thật, thiếu phụ trong câu chuyện trên đã nghe và thi hành lời gọi yêu thương của Chúa:”Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy”(Lc 6,38). Được làm anh em, họ hàng của Chúa không là một vinh dự vô cùng lớn lao cho con người sao ?
3. Đời sống hiệp nhất.
Trong thân thể con người có rất nhiều chi thể. Thân thể tạo nên một thể thống nhất dù bao gồm nhiềâu chi thể. Những chi thể này rất khác nhau và có những chức năng rất khác nhau : dĩ nhiên có một số chi thể quan trọng hơn những chi thể khác. Nhưng một thân thể đầy đủ cần có mọi chi thể và các chi thể cần lẫn nhau.
Giáo hội cũng như thế. Chúng ta dù nhiều nhưng cùng tạo thành một thân thể trong Đức Kitô. Nhận thấy trong giáo đoàn Corintô có sự chia rẽ, thánh Phaolô đã viết thư khuyên nhủ các tín hữu tránh sự chia rẽ mà phải hợp nhất trong Chúa Kitô:”Tất cả chúng ta, dầu là Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể… Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận”(Bài đọc 2).
Gia đình là Hội thánh tại gia. Hội thánh tại gia cũng phải có những đặc tính như Hội thánh toàn cầu : duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Một trong các đặc tính là sự hiệp nhất. Thánh Phaolô cũng trưng Sách Thánh ra để nói lên sự hiệp nhất vợ chồng là cần thiết:”Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt”(Ep 5,32). Nếu trong gia đình Kitô hữu, mọi người hiệp nhất với nhau, nhất là vợ chồng không ly dị, thì đây là chứng tá hùng hồn để giới thiệu cho người ta một Chúa Ba Ngôi duy nhất, nguyên lý của mọi tạo vật, và mọi loài thọ sinh phải tùng phục thờ lạy Ngài.
Lm Giuse Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim phát
Đà lạt
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét