SỨC MẠNH ĐỨC TIN
LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Nói
đến sức mạnh, chúng ta tự nhiên sẽ nghĩ đến những chàng trai võ sĩ thân
hình lực lưỡng, cân đối rắn chắc,với những bắp thịt vạm vỡ, với những
quả đấm thôi sơn ngàn cân. Nói đến sức mạnh, chúng ta cũng nghĩ đến
những trận cuồng phong, những cơn lũ lụt phá đổ cây cối nhà cửa làng
mạc, đê điều, đường sá, cầu cống. Nói đến sức mạnh, chúng ta cũng thường
nghĩ tới những đám cháy lớn thiêu rụi cả một khu rừng, thiêu huỷ các
tầng lầu.
Nói đến sức mạnh, chúng ta nghĩ đến những trận động đất
san bằng nhiều thành phố, giết hại hàng triệu người trong vài giây đồng
hồ. Nói đến sức mạnh, chúng ta cũng liên tưởng đến những cuộc chiến
tranh đã giết hại bao sinh mạng, tàn phá bình địa nhiều thành phố làng
mạc nhà cửa dinh thự đền đài.
Nhưng còn có một sức mạnh vạn năng
khác, mãnh liệt hơn cả, quyết thắng tất cả mà lại luôn luôn ở trong tầm
tay con người. Đó chính là sức mạnh niềm tin tôn giáo.
Niềm tin
tôn giáo không bao giờ bị bóp nghẹt do bất cứ quyền lực nào. Không có
quyền lực nào có thể xoá bỏ được niềm tin tôn giáo. Lịch sử Giáo Hội đã
chứng minh xác tín đó.
1. Sức mạnh đức tin vượt thắng những thách đố.
Trong
chuyến hành hương Rôma, tôi có dịp đi viếng những hang toại đạo. Đi
trong hang như là tìm về cội nguồn đức tin. Nơi đây biểu lộ sức mạnh đức
tin của bao thế hệ tiền nhân. Giáo hội giữ vững niềm tin trên nền tảng
tử đạo của biết bao con người nằm dưới hang này trong 300 năm đầu bị
bách hại. Hang toại đạo là hệ thống đường hầm đào sâu dưới lòng đất tại
các khu nghĩa trang ngoại thành Rôma. Những hang hầm dài nhiều cây số.
Không phải chỉ một tầng mà đến 3, 4 tầng sâu dưới lòng đất. Không khí
trong hang rất lạnh lẽo. Mùi tử khí vẫn còn thoang thoảng đâu đây. Đi
trong hầm mộ lạnh lùng, hoang vắng, lối ngõ ngoằn ngoèo, tôi cảm nghiệm
được ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Sự chết luôn luôn đe
dọa rình rập cướp lấy mạng sống con người. Bước đi trong lòng tin và
lòng cảm phục nên người hành hương lại cảm nhận sự ấm áp, thân tình gần
gũi với các thế hệ tiền bối. Gia sản của Giáo Hội là đây.Tại nơi này,
các tín hữu sơ khai đã ẩn trốn những cơn bách hại liên tiếp trong ba thế
kỷ. Sức mạnh đức tin thật là kỳ diệu.
Suốt ba trăm năm bắt Đạo,
trải qua sáu triều Vua: Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự
Đức, Giáo Hội Việt Nam đã có hơn trăm ngàn Vị Tử Đạo được ghi nhận
trong sổ sách. Trong số này, có 58 Giám mục và Linh mục ngoại quốc thuộc
nhiều nước như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ đào Nha, Hà Lan, Italia, 15 Linh
mục Việt Nam, 340 Thầy Giảng, 270 Nữ tu Mến Thánh Giá, 99.182 Giáo dân.
Trải
qua ba trăm năm, với 53 sắc dụ cấm đạo dữ dội, Giáo Hội Việt Nam đã
chịu bách hại và đã biểu lộ hào hùng sức mạnh đức tin qua dọc dài lịch
sử.
Các Thánh Tử Đạo đã chịu đủ mọi cực hình: bị xiềng xích, lao
tù, bị tra tấn, bị bỏ đói, bị chém đầu, bị thắt cổ, bị bá đao, phanh
thây, bị kìm kẹp, bị voi dày, bị thiêu sống, bị buộc đá thả trôi sông,
bị tống cổ ra khỏi nhà cửa, làng mạc, sống vất vưởng trong rừng sâu nước
độc. Các ngài đã bị chết đói, chết khát, chết bịnh và bị dã thú ăn
thịt…Với sức mạnh đức tin, các ngài đã chiến thắng mọi thứ cực hình dã
man. Cho dù là gông cùm, xiềng xích, nhốt trong cũi, đánh đòn, bỏ đói,
voi giầy, trói ném xuống sông, đổ dầu vào rốn rồi cho bấc vào mà đốt,
đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng, chặt đầu, thắt cổ, thiêu sống, phân
thây ra từng mảnh…các ngài chấp nhận tất cả nhờ đức tin mạnh mẽ. Trong
117 Thánh Tử Đạo được tuyên phong, có 79 vị bị trảm quyết (bị chặt đầu);
18 vị bị xử giảo (bị thắt cổ); 8 vị chết rũ tù; 6 bị thiêu sinh; 4 bị
lăng trì (phân thây ra từng mảnh); 1 bị tử thương và 1 bị bá đao.
Người ta nghĩ ra mọi thứ hình phạt tàn ác để buộc các tín hữu chối bỏ đức tin.
-Thật
kinh hoàng sởn tóc gáy khi nghe kể về cái chết của Cha Cố Du theo kiểu
bị xử bá đao: “Ngày 30.11.1835, họ chọn Thợ Đức làm pháp trường để xử
ngài.Sáng sớm hôm đó, họ điệu ngài đến nơi hành hình. Bên một lò than
đang cháy đỏ rực có 5 tên lính cầm 5 chiếc kìm sắt đã được nung đỏ.Nghe
lệnh, cùng một lúc cả 5 tên kẹp kìm nung đỏ vào mình ngài kéo ra những
miếng thịt khét lẹt.Họ vu cho ngài móc mắt trẻ con khi rửa tội. Làm điều
ám muội khi cử hành lễ cưới và cho ăn thịt người khi rước lễ. Sau đó họ
tiếp tục gây thêm những thương tích nữa cho đến khi ngài bất tỉnh thì
họ mới hành quyết. Họ cột chân tay ngài vào cây cột. Hai bên lính cầm
kìm chờ sẵn. Cha Du ngửa mặt lên trời cầu nguyện dâng mạng sống mình cho
Chúa. Sau hồi trống báo hiệu, hai tên lính cầm kìm kẹp vào ngực ngài
kéo ra 2 miếng thịt nơi vú liệng xuống đất, một tên lính khác cầm dao
xẻo thịt phía sau hông, rồi đến bắp đùi thì chúng lấy kìm kéo ra rồi lấy
dao xẻo đứt từng miếng… làm cha rất đau đớn. Không được bao lâu thì
ngài ngất đi, đầu rũ xuống và ngài về chầu Chúa lúc 17g ngày 30.11.1835.
Cha Du chết rồi bọn lính còn chặt đầu ngài cho vào một chiếc thùng đầy
vôi, cởi trói lật xác úp xuống rồi phân thây ra từng khúc bỏ tất cả vào
thùng vôi. Đầu ngài họ đem treo 3 ngày ở giữa chợ rồi xay nát, bỏ chung
với thùng vôi đựng xác ngài đoạn quăng cả xuống biển cho mất tích".
-Thánh
Giám mục Xuyên, chân tay bị trói vào bốn cọc. Năm lý hình cầm 5 cái
rìu, sẵn sàng nghe lệnh quan án sát. Vừa nghe lệnh, hai lý hình chặt hai
chân, hai lý hình chặt hai tay, đến lượt lý hình thứ năm chặt đầu. Rồi
họ mổ bụng ngài cắt lấy ruột gan.
-Cha Điểm và Cha Khoa bị trói
chân tay vào cột, lý hình tròng dây vào cổ. Nghe hiệu lệnh, lý hình cầm
hai đầu dây xiết mạnh cho đến khi hai vị nghẹt thở và lịm dần.
Dù
chịu mọi cực hình tàn bạo, bị hành hạ tra tấn khủng bố, các ngài vẫn
không chối bỏ đức tin. Vua chúa, quan quyền, binh lính phải sững sờ kinh
ngạc và kính phục lòng tin sắt son của các ngài.
Thánh Hồ Đình
Hy làm quan lớn trong triều đình. Quan Án Phạm Trọng Khảm. Nhờ sức mạnh
đức tin, các ngài chấp nhận mất chức quyền, mất danh vọng thế gian và
sẵn sàng hiến dâng mạng sống.
Thánh Lê Thị Thành, thân phận phụ
nữ yếu ớt, gánh nặng gia đình, nhờ sức mạnh đức tin nên ngài đã sẵn sàng
chịu mọi cực hình để minh chứng tình yêu đối với Đức Giêsu Kitô.
Thánh
Tôma Thiện, Phaolô Bột, đầu xanh tuổi trẻ, tương lai còn dài, nhiều hứa
hẹn. Các ngài đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho Chúa nhờ sức mạnh đức
tin.
Các Thánh Tử Đạo vui lòng đón chịu mọi cực hình đau đớn,
chấp nhận mọi thua thiệt, vui lòng mất hết địa vị bổng bộc và hiên ngang
tiến ra pháp trường đón nhận cái chết như một mối phúc, minh chứng lòng
trung thành của mình đối với Đức Kitô. Cái chết của các ngài làm sáng
lên sức mạnh đức tin.
2. Những thách đố Đức Tin thời nay.
Làm
sao chúng ta có thể sống đức tin mạnh mẽ như các Thánh Tử Đạo. Ngày nay
đâu còn cảnh cấm đạo, bắt đạo, giết người có đạo như thời xưa.
Nhưng ngày nay có rất nhiều thách đố đức tin với tín hữu Việt Nam.
- Vô thần duy vật
Thách
đố trước hết đối với Đức Tin chính là môi trường mà chúng ta đang
sống và “hít thở”, đó là một xã hội vô thần duy vật. Đây một xã
hội tự bản chất chối bỏ Thiên Chúa, đề cao vật chất và quyền lực. Sự
chối bỏ Thiên Chúa sẽ là nguyên nhân đưa tới sự sa đọa của con người và
xã hội. Khi một xã hội vắng bóng Thiên Chúa, người ta sẽ tạo ra những
“thiên chúa khác” nơi một con người hoặc nơi vật chất như người Do Thái
trong Cựu Ước đã đúc ‘bò vàng” để thờ như thờ Thiên Chúa. Xã hội chạy
theo sức hấp dẫn của đồng tiền. Của cải và quyền lực lên ngôi. Thang giá
trị đạo đức bị đảo lộn. Người ta tìm mọi cách kiếm tiền để có quyền.
Khi có chức quyền thì càng kiếm được nhiều tiền. Đồng tiền đang trở
thành một quyền lực chi phối toàn bộ đời sống con người. Ai cũng muốn có
nhiều tiền. Để có nhiều tiền, nhiều người đã không từ chối một phương
cách nào: lường gạt, lừa đảo, làm hàng gỉa, buôn bán ma túy, tham nhũng,
hối lộ… Tiền bạc qủa là một cơn cám dỗ đang làm chao đảo thế giới, tàn
phá những gía trị, biến chất con người. Trong xã hội đó, nhiều người
Công Giáo cũng bị cuốn hút vào ma lực của đồng tiền, nên dễ đánh
mất Niềm Tin, xa rời Giáo Hội.
- Gian dối và lừa lọc lên ngôi
Thách
đố thứ hai của Đức Tin, đó là xã hội Việt Nam đang báo động
bởi đầy dẫy những bất công, lạm quyền và giả dối lan tràn.
Đạo đức suy thoái, lương tâm và nhân phẩm bị xúc phạm. Mấy câu
thơ sau đây có thể tóm tắt thực trạng xã hội:
“Nhân phẩm ngày nay giảm giá rồi,
Chỉ còn thực phẩm tăng giá thôi,
Lương tâm bán rẻ hơn lương thực,
Chân lý chân giò một giá thôi.”
Sống
trong môi trường như thế, nhiều người lập luận: người ta gian
dối mà mình trung thực là mình thua thiệt! Có những người Công
Giáo cũng hành xử như người không tin, cũng lừa lọc, gian lận
đủ cách để làm sao mình có lợi.
- Sự đề cao hưởng thụ cá nhân
Chúng
ta đang phải đối diện với một nền văn hóa bị thống trị bởi lối
sống hưởng thụ ích kỷ. Trong đó, con người chạy theo lối sống hưởng
thụ cá nhân, biến người khác thành một món hàng để chiếm đoạt
và mua bán. Tương quan yêu thương và nhân bản bị xếp sau tương
quan trao đổi và lợi ích kinh tế. Xã hội này đã sinh ra những
đứa con “quái thai” trong cách sống: bằng mọi cách để kiếm tiền
và hì hục hưởng thụ! Khi sống theo lối sống này, con người trở nên
ích kỷ, quy ngã, hời hợt, và ít quan tâm đến người khác, thiếu khả năng
liên vị, không biết tôn trọng và yêu thương người khác. Quan sát cách
hành xử của người Việt Nam ở nơi công cộng và nhất là khi tham gia giao
thông, sẽ thấy người ta tranh giành nhau, chụp giật và manh mún theo
kiểu mạnh ai người ấy thắng, cá lớn nuốt cá bé. Cách sống nói lên não
trạng và tâm tính con người. Đó là một tình trạng đáng buồn cho xã hội
Việt Nam hôm nay!
- Chủ trương duy tương đối
Còn có một
thách đố lớn hơn đối với Đức Tin mà Đức Giáo Hoàng Biển Đức
XVI luôn cảnh báo, đó là chủ trương duy tương đối. Chủ trương này
khiến cho con người hôm nay không còn muốn chấp nhận các chân lý tuyệt
đối nữa, không quy chiếu và sống theo một chuẩn mực luân lý hay
giá trị đạo đức khách quan nào nữa. Tất cả là tương đối và mỗi
người có thể thay đổi các chân lý và sống theo những chọn lựa và
chuẩn mực cá nhân. Đây là sai lầm căn bản dẫn đến những sai lầm khác của
con người hôm nay. (x. Những thách đố đối với Đức Tin trong xã hội hôm
nay; lamhong.org).
Những lối sống và não trạng trên đã và đang len lỏi vào các ngõ xóm, các xứ đạo của chúng ta.
3. Hãy bén rễ sâu trong Đức Kitô
Năm
Đức Tin là thời gian và cơ hội quý báu giúp mọi Kitô hữu “tái khám phá
hành trình Đức Tin để luôn làm nổi bật niềm vui và lòng hăng say mới của
việc gặp gỡ Đức Kitô” đồng thời, “khơi dậy nơi mỗi tín hữu khát vọng
tuyên xưng Đức Tin trong sự toàn vẹn và với niềm xác tín được đổi mới,
trong niềm tín thác và hy vọng” (Tự sắc Porta Fidei, số 2 và 9).
Đức
Giáo Hoàng Biển Đức dạy : “Năm Đức Tin sẽ là một cơ hội
thuận tiện để tăng cường việc cử hành Đức Tin”. Cử hành đức
tin là tuyên xưng, sống và làm chứng cho Đức Tin. Tuyên xưng Đức
Tin như Kinh Tin Kính dạy và như Hội Thánh công bố. Tuyên xưng
Đức Tin trong mọi hoàn cảnh sống khi an vui, hạnh phúc và thành
công, cũng như khi đau khổ, bệnh tật, thất bại hay khủng hoảng.
Cử hành Đức Tin bằng việc nhiệt thành dấn thân thực hiện công cuộc
truyền giáo với cách thức mới mẻ và hiệu năng hơn. Cử hành Đức Tin bằng
sự chuyên cần cử hành và lãnh nhận các bí tích. Cử hành các bí tích là
cử hành mầu nhiệm các đức tin, nhất là bí tích Thánh Thể và Hòa Giải.
Đức
Tin là hồng ân vô giá mà Thiên Chúa đã ban tặng. Đức Tin là “cửa” mở
ra, đưa chúng ta đi vào đời sống kết hiệp thân tình với Thiên Chúa và
bước vào Hội Thánh của Người. Đức Tin là bảo chứng mang lại ơn cứu độ
đời đời cho chúng ta.
Đức Tin bừng lên mãnh liệt trong mầu nhiệm
tự huỷ và hiến dâng. Mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam là dịp để học
hỏi nơi cuộc đời chứng nhân của các ngài. Chúng ta được tiếp thêm sức
mạnh Đức Tin để sống đạo giữa biết bao thách đố của thời đại hôm nay.
“Hãy bén rễ sâu trong Đức Kitô, xây dựng trên nền tảng Đức Kitô và được
củng cố trong đức tin” (Cl 2, 7), chúng ta sẽ được tràn đầy sức mạnh Đức
Tin.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét