Thánh Giosaphat, Giám Mục Tử Ðạo(1580-1623)
Giosaphat ra đời khoảng năm 1580 tại Vladimir nước Ba Lan. Năm 17 tuổi, ngài ngỏ ý xin cha mẹ cho đi tu, nhưng ông bà ngăn cản và muốn con mình kết hôn nói dõi tông đường. Dù gặp trở ngại, ngài vẫn luôn mang ý tưởng tu trì và nhất quyết từ chối việc kết hôn. Cuối cùng cha mẹ đành phải chiều lòng ngài.
Năm 20 tuổi, Giosaphat nhập dòng thánh Basilô ở Vilna. Lúc đó có một bè rối nổi lên chống lại Giáo Hội. Chính vị Bề Trên tu viện cũng ngả theo bè rối và buộc ngài cũng phải theo. Phân vân không biết đâu là ý Chúa, ngài đã cầu nguyện nhiều và cuối cùng giữ lập trường trung thành với Giáo Hội. Sau khi vị Bề Trên bị trục xuất, Ðức Giám Mục liền đặt ngài lên thay thế. Hai năm sau, ngài thụ phong linh mục, rồi Giám Mục và năm 1617 được đặt làm Tổng Giám Mục Polotsk. Ngài đã tỏ ra là mẫu mực của các nhân đức. Ngài lo vận động cho việc hợp nhất giữa Giáo Hội Hy Lạp và La Tinh. Ngài đã đem về cho Giáo Hội một số đông những người lạc giáo.
Trong một cuộc thăm viếng mục vụ tại Vitebsk, bọn ly giáo xông đến trước mặt ngài và đòi giết, ngài đã bình tĩnh trả lời: "Này các bạn, nếu chính tôi là người mà các bạn tìm giết, thì tôi đây!". Họ liền lôi ngài đi đánh đập tàn nhẫn và kết thúc bằng một nhát gươm xuyên qua ngực. Sau đó họ ném xác ngài xuống sông.
Ðức Giáo Hoàng Urbanô VIII phong Chân Phước cho ngài và Ðức Piô X tôn phong ngài lên bậc Hiển Thánh năm 1867 với tước hiệu "Ðấng bảo vệ sự thống nhất Giáo Hội". Ðây là vị thánh Ðông Phương đầu tiên được phong tước hiệu này.
LỜI CHÚA: Lc 17, 1-6
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không thể nào mà không xảy ra gương xấu, nhưng vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu. Thà nó bị cột cối đá vào cổ mà ném xuống biển còn hơn là làm gương xấu cho một trong những trẻ nhỏ này.
"Các con hãy cẩn thận: nếu có anh em con lỗi phạm, con hãy răn bảo nó, và nếu nó hối cải, thì hãy tha thứ cho nó; cho dù một ngày nó phạm đến con bảy lần, và bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng: "Tôi hối hận", thì con hãy tha thứ cho nó".
Các Tông đồ thưa với Chúa rằng: "Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con". Chúa liền phán rằng: "Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: "Hãy tróc rễ lên và xuống mọc dưới biển", nó liền vâng lời các con".
SUY NIỆM 1: Sống Là Liên Ðới
Trong tác phẩm "Hãy Giúp Nhau Làm Lại Cuộc Ðời", xuất bản đầu thập niên 60, ông Henri Vicardi, người sáng lập cơ xưởng chuyên giúp những người tàn tật tự lực cánh sinh kể lại rằng: cơ xưởng do ông sáng lập năm 1952, khởi sự với một công nhân bị tê bại, làm việc trong một nhà xe bỏ trống, lụp xụp. Nhưng chỉ một năm sau, xưởng đã trở nên một cơ sở kinh doanh với số vốn cả triệu Mỹ kim và thu dụng đến 300 công nhân. Mỗi công nhân đều có một mẫu truyện cảm động về con người xây dựng lại cuộc đời từ sự tàn tạ của mình. Ðiển hình là trường hợp của Jim Chapin, một người bị tê liệt từ thắt lưng trở xuống vì một chiếc bướu ở xương sống. Ngay sau khi được khiêng từ bàn giải phẫu xuống, các Bác sĩ đã tuyên bố ông sẽ sống nhưng không làm gì được. Thế nhưng các Bác sĩ đã lầm: năm đó Jim Chapin đã 62 tuổi, tuy không rời được khỏi xe lăn, ông đã tìm đến cơ xưởng của ông Henri và bắt đầu làm lại cuộc đời. Ông cho biết rằng ông rất hãnh diện về khả năng của mình và nhất quyết không chịu trở lại với đời sống ỷ lại và vô vọng nữa.
Câu truyện trên đây là một bằng chứng hùng hồn rằng dù tàn tật đến đâu, mỗi người vẫn là một giá trị độc nhất vô nhị trên cõi đời này, và do đó có trách nhiệm đối với chính bản thân cũng như hữu dụng cho người khác và có trách nhiệm đối với người khác.
Tin Mừng hôm nay có lẽ nhắc nhở chúng ta về ý tưởng ấy. Chúa Giêsu nói đến hai thứ bổn phận của con người đối với người đồng loại: một là phải sống thế nào để không trở thành cớ vấp phạm cho người khác, hai là phải tha thứ cho nhau. Ngay từ những trang đầu tiên, khi mạc khải về con người, Kinh Thánh đã nói đến tình liên đới. Bị Thiên Chúa tra vấn sau khi phạm tội, Adam đã đổ lỗi cho Evà; đây quả là khuynh hướng chạy tội và chối bỏ trách nhiệm đối với người khác; cắt đứt liên lạc với Thiên Chúa, con người cũng muốn chối bỏ tương quan với tha nhân. Sự chối bỏ này lại càng rõ nét trong thái độ của Cain sau khi đã giết em mình là Abel: "Tôi có phải là người giữ em tôi đâu!"
Sống là liên đới: không thể sống mà không cần người khác, cũng không thể sống mà không cảm thấy có trách nhiệm đối với người khác. Cuộc sống của tôi dù âm thầm đến đâu vẫn có âm hưởng trên người khác; dù tôi có tàn tật và bé nhỏ đến đâu, tôi vẫn là người hữu dụng cho người khác; không có một hành động nào của tôi mà không có liên hệ đến người khác, đó chính là ý nghĩa và giá trị của cuộc đời tôi; tôi có hạnh phúc hay không là tùy tôi có biết sống cho người khác hay không.
Nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm đối với người khác, lời Chúa hôm nay cũng nói lên phẩm giá cao trọng của mỗi người. Ðó là lý do đem lại cho chúng ta niềm tin trong cuộc sống mà chúng ta phải không ngừng cầu xin Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 2: Chối Bỏ Trách Nhiệm.
Cựu tổng thống Phi Luật Tân, ông Joseph Estrada đã gặp nhiều chống đối trong nước theo sau tiết lộ của một tổng trưởng thân thiết của ông về số tiền hối lộ ông đã nhận được từ các tổ chức cờ bạc. Hẳn lúc đó vẫn còn nhiều người ủng hộ ông, nhưng con số bất mãn trong mọi giai tầng xã hội, từ giới kinh doanh, chính trị gia, sinh viên học sinh, cho đến cả người nghèo, ngày càng gia tăng. Ông khó có thể lấy lại sự ủng hộ mà những người dân nghèo đã dành cho ông trước đây.
Trong một quốc gia có đa số dân theo công giáo, ảnh hưởng của Giáo Hội Công Giáo vẫn còn rất lớn và luân lý đạo đức vẫn còn là chuẩn mực để đánh giá sự lãnh đạo. Ðây là điều mà người tiền nhiệm của ông, cựu tổng thống Fidel Ramos đã nói thẳng với ông Estrada khi còn tại chức: "Hoặc là tổng thống phải từ chức trước lễ Giáng Sinh, hoặc là ông phải chỉnh đốn lại cách sống của ông". Ông Ramos nói như sau: "Tổng thống Estrada phải trước tiên sửa đổi bản thân bằng cách thay đổi nếp sống vô kỷ luật và cách làm việc thiếu trách nhiệm".
Trong một buổi lễ qui tụ hàng ngàn người chống đối ông Estrada, Ðức Hồng Y Sin, tổng giám mục Manila, cũng đã thách thức nhà lãnh đạo Phi lúc đó rằng: "Liệu ông có thể nhìn thẳng vào nhân dân Phi, nhất là giới trẻ, và nói với họ rằng ông là một con người gương mẫu cho họ không". Người dân Phi nào cũng biết rằng ông Estrada đã và đang dan díu với nhiều phụ nữ cũng như cờ bạc và rượu chè thâu đêm suốt sáng. Nhà lãnh đạo của một quốc gia được trao phó cho trách nhiệm phục vụ công ích. Công ích ấy không chỉ giới hạn trong lãnh vực kinh tế, nó còn bao hàm cả những giá trị tinh thần và đạo đức. Do đó, ngoài tài năng, nhà lãnh đạo nào cũng còn được đòi hỏi phải có tác phong đạo đức. Nói cách khác, ông được đặt vào vị trí cao nhất trong nước để trở thành ngọn đèn pha cho nhiều người. Trong cụ thể, ông phải là một mẫu người đáng được đề cao về tư cách làm người, về đời sống gia đình, v.v... Ðây cũng là trách nhiệm mà Chúa Giêsu đòi hỏi nơi những ai muốn làm môn đệ Chúa Giêsu. Thật ra, đây không phải là trách nhiệm dành riêng cho những môn đệ của Chúa Giêsu mà là trách nhiệm làm người. Ðã làm người thì ít hay nhiều, cách này hay cách khác, ai cũng phải có trách nhiệm với những người anh chị em của mình.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã đưa ra hai trường hợp cụ thể về trách nhiệm đối với tha nhân: một là phải tránh làm gương mù cho anh em, hai là phải tha thứ cho anh em. Mệnh lệnh của Chúa Giêsu làm cho chúng ta nhớ lại câu hỏi mà Thiên Chúa đã đặt ra cho Cain sau khi Cain đã sát hại em mình là Aben: "Cain, em của ngươi đâu?" Cain đã trả lời: "Tôi có phải là người đã giữ em tôi đâu". Câu trả lời của Cain là lời thú nhận về một trách nhiệm mà ông muốn chối bỏ. Thái độ của Cain vẫn thường được lập lại trong cuộc sống hàng ngày của các Kitô hữu chúng ta. Làm thiệt hại người anh em bằng nhiều cách khác nhau đã đành, đối xử với người anh em như một phương tiện đã đành, chúng ta cũng thiếu trách nhiệm đối với người anh em bằng thái độ dửng dưng. Mặc ai sống chết, chúng ta chỉ nghĩ đến quyền lợi của riêng chúng ta.
Trong ngày sau hết, chúng ta sẽ chỉ bị xét xử dựa trên cách cư xử của chúng ta đối với người anh chị em của chúng ta mà thôi. Chúa Giêsu đồng hóa với mỗi tha nhân. Nguyện xin Chúa cho chúng ta luôn được tỉnh thức để nhận ra Ngài trong mỗi một tha nhân và đối xử với người ấy như với chính Ngài.(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 3: Toa thuốc nuôi sống cộng đồng
Đức Giêsu nói: “Nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã.”
Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bẩy lần, rồi bẩy lần nó trở lại nói với anh: Tôi hối hận, thì anh cũng phải tha cho nó Các tông đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc. 17, 1b+4-5)
Đức Giêsu ban cho các môn đệ mấy quy tắc về cách cư xử của các phần tử trong Giáo hội.
Loại bỏ gương mù:
Sự khôn ngoan của Thiên Chúa không dựa vào sự khôn ngoan loài người. Kẻ xấu dùng gương mù để bóp nghẹt đức tin và khiêu khích sự chống đối, có khi nổi loạn chống cả Thiên Chúa. Những người nhỏ bé như người nghèo khó, bị áp bức, bị khinh chê, rất dễ xúc động khi gặp những người giàu, những luật sĩ phản đối và gây cho họ sa ngã, mất tin tưởng và hy vọng. Con người ta dễ gây ra gương mù và mắc vào tội lỗi đáng chịu hình phạt nặng nề. Người ta không thể tha thứ gương mù trong Giáo hội, như thánh Phao-lô viết trong thư gửi giáo đoàn Cô-rin-tô.
Toa thuốc tha thứ:Giáo hội là một cộng đồng anh chị em tội lỗi đang được thánh hóa. Khi ai phạm tội và gây lây lan cho những người khác, người ta phải lo giúp họ ăn năn trở lại. Lòng thương người phải noi theo lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa, phải biết tha thứ, dù bảy lần trong một ngày, nếu là cần thiết.
Sự tha thứ chân thực do lòng yêu mến. Người ta chỉ có thể giúp anh chị em mình và hướng dẫn họ ăn năn nếu có ý thức hiểu biết cảnh ngộ cùng khốn và đau khổ của họ, cần có lòng tốt vô vị lợi và xả kỷ.
Sức mạnh của lòng tin:
Ý thức rõ ràng về lời kêu gọi của Đức Giêsu, các tông đồ cầu nguyện Người ban thêm lòng tin cho mình. Câu trả lời của Đức Giêsu cho các ông thấy lòng tin dù nhỏ bé như hạt cải cũng có sức rất mạnh mẽ. Lòng tin tự phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa đem lại can đảm và sức mạnh để có lòng tha thứ. Và đồng thời, còn làm cho kẻ tội lỗi ăn năn trở về.
Sự phó thác này tăng thêm tình yêu cho các phần tử của Hội thánh và rất cần để chống lại những ảnh hưởng chia rẽ của tội lỗi. Và tình yêu có sức hoạt động mạnh mẽ và hữu hiệu để tăng thêm lòng tin của các phần tử của Hội thánh.
RC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét