GIA ĐÌNH THÁNH TÂM

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

22/11 – Thứ năm. Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.


"Chớ chi ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi".
Thánh Cêcillia Ðồng Trinh Tử Ðạo


Thánh Cecillia thuộc dòng dõi quý phái và là một thiếu nữ đạo đức. Ngài quyết giữ mình đồng trinh để tận hiến cho Chúa. Dù đã đính hôn với Valérien nhưng ngài vẫn thầm mong tuân theo lời khấn hứa. Nhờ sự cầu nguyện và sự thuyết phục khôn khéo, ngài đã làm cho Valérien và em gái chàng trở về với Thiên Chúa. Ðức Urbanô đã Rửa Tội cho hai người và từ đó họ khước từ mọi lạc thú trần gian để chỉ chuyên lo phụng sự Chúa và tha nhân. Lúc ấy, cuộc bách đạo đang lan tràn. Valérien và người em gái lo chôn cất các vị tử đạo và không chịu dâng lễ tế thần. Do đó, các ngài bị kết án tử hình. Sự can đảm và can trường của hai anh em đã cảm hóa được quan Maximiô và làm cho nhiều tay đao phủ ăn năn hối cải. Chính Maximiô, vì theo đạo nên cũng bị tra tấn và tù tội cho đến chết.

Thánh nữ Cêcillia bị ép buộc dâng hương tế thần. Ngài chẳng những không chịu, lại còn mạnh dạn tuyên xưng danh Chúa khiến nhiều người được ơn trở lại. Sau đó, vì quá tức giận, Anmatiô truyền điệu ngài đi xử tử. Lý hình chém vào cổ thánh nữ một nhát rồi để mặc cho ngài chết dần. Năm 1599, người ta khai quật mồ ngài ra và thấy thi thể ngài còn nguyên vẹn như khi mới chết.

LỜI CHÚA: Lc 19, 41-44


Khi ấy, Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem, trông thấy thành thì Người khóc thương thành ấy mà rằng: "Chớ chi hôm nay ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi! Nhưng giờ đây, sứ điệp ấy bị che khuất khỏi mắt ngươi. Vì sẽ đến ngày quân thù đắp luỹ bao vây ngươi, xiết chặt ngươi tứ bề. Chúng sẽ tàn phá ngươi bình địa, ngươi cùng con cái ở trong thành. Chúng sẽ không để lại hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết giờ ngươi được thăm viếng".


SUY NIỆM 1: Giờ Chúa viếng thăm


Nhìn trong văn mạch, biến cố được nhắc đến trong Tin Mừng hôm nay, đi liền sau biến cố Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem. Nhưng không như bao lần khác, Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem lần cuối cùng này để thực hiện cuộc Vượt Qua đem lại ơn cứu rỗi, hòa giải giữa con người với Thiên Chúa, và giữa con người với nhau. Ðây là giờ Thiên Chúa viếng thăm, giờ mang đến ơn cứu rỗi, tuy nhiên, những vị lãnh đạo Do thái tại Giêrusalem, như chúng ta sẽ thấy trong cuộc khổ nạn của Chúa, họ không những từ chối, mà còn xách động dân chúng chối bỏ Chúa, yêu cầu quan Philatô ra lệnh đóng đinh Chúa vào Thập giá và tha Baraba cho họ. Như thế, dù có sự nồng nhiệt hoan hô Chúa khi Ngài cỡi trên lưng lừa tiến vào thành thánh, thì sự nồng nhiệt đó cũng chỉ là thoáng qua, và Chúa Giêsu nhận thấy ơn cứu rỗi mà Ngài mang đến bị con người khước từ hơn là đón nhận.

Ðiều xẩy ra cho thành Giêrusalem cũng có thể xẩy đến cho mỗi người ở mọi thời: mỗi người đều có những giây phút hồng phúc được Chúa viếng thăm đem đến ơn lành. Theo quan niệm Kinh Thánh, giây phút Thiên Chúa viếng thăm là giây phút Ngài thực hiện lòng nhân từ. Thánh Luca đã nhấn mạnh ý nghĩa này trong hai bài thánh ca ở đầu sách Tin Mừng của Ngài, đó là bài ca của ông Dacaria và của Ðức Maria. Trong bài ca chúc tụng của mình, Dacaria đã nêu bật lòng nhân nghĩa của Thiên Chúa: chính vì lòng nhân nghĩa mà "Thái dương từ cao xanh khấng viếng thăm ta". Còn về phần mình, ý thức giờ Thiên Chúa viếng thăm đang xẩy ra không những cho bản thân, mà còn cho cả dân tộc và toàn thể nhân loại, Ðức Maria đã nhận định về ý nghĩa sâu xa của việc Thiên Chúa viếng thăm: "Lòng nhân nghĩa của Người suốt đời nọ đến đời kia, trên những kẻ kính sợ Người". Chỉ có một lý do cho cuộc viếng thăm của Thiên Chúa, đó là thể hiện lòng nhân nghĩa đối với những người được Ngài viếng thăm. Do đó, nếu không đón nhận giờ Chúa viếng thăm, con người không những gây thiệt hại cho chính mình, mà còn cho cả người khác nữa.

Xin Chúa cho chúng ta luôn biết lắng nghe tiếng Chúa cảnh tỉnh, đồng thời biết mở rộng tâm hồn đón nhận những giây phút ân sủng của Chúa để được sống an vui hạnh phúc.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Khóc thương thành Giêrusalem


Ðoạn Phúc Âm được Giáo Hội đề nghị cho chúng ta suy niệm hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu khóc thương thành Giêrusalem vì đã không biết nhìn nhận giờ Thiên Chúa đến viếng thăm. Nhìn chung trong toàn bộ văn mạch thì biến cố được nhắc đến trong Phúc Âm đi liền sau biến cố Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem. Và đây không phải là lần vào thành thông thường như bao lần khác, mà là lần vào thành long trọng, lần cuối cùng, để rồi sau đó Chúa thực hiện công cuộc cứu rỗi, mục đích cuối cùng của nhập thể, của cuộc đời của Chúa.

Chúa vào thành Giêrusalem để thực hiện cuộc vượt qua mang lại ơn cứu rỗi, sự hòa giải giữa con người với Thiên Chúa. Ðây là giờ Thiên Chúa đến viếng thăm, giờ mang đến ơn cứu rỗi, sự bình an. Tuy nhiên, những người lãnh đạo dân Israel tại Giêrusalem như chúng ta thấy trong cuộc thương khó của Chúa, không những họ từ chối mà còn thành công trong việc xách động toàn dân chối bỏ Chúa, yêu cầu quan Philatô ra lệnh đóng đinh Chúa vào thập giá và tha cho Baraba. Như thế, dù có sự nồng nhiệt hoan hô Chúa trong ngày vào thành Giêrusalem trên lưng lừa, nhưng sự nồng nhiệt này chỉ thoáng qua và Chúa Giêsu nhìn thấy sự khước từ ơn cứu rỗi mà Ngài mang đến hơn là sự chấp nhận.

Ðiều xảy ra cho thành Giêrusalem cũng có thể xảy ra cho mọi người thuộc mọi thời đại. Mỗi người chúng ta đền có giây phút Chúa đến viếng thăm, đó là giây phút hồng phúc mang đến ơn lành, ơn cứu rỗi và sự bình an. "Ước chi hôm nay, ngươi hiểu biết sứ điệp mang hòa bình lại cho ngươi". Nhưng Chúa không bắt buộc tự do của mỗi người, sự tự do mà Ngài đã trao ban cho con người một lần vĩnh viễn, không bao giờ muốn lấy lại. Dù biết rằng con người vẫn có thể lạm dụng sự tự do đó để chống lại Ngài.

Trong quan niệm Kinh Thánh, giây phút Thiên Chúa đến thăm là giây phút Thiên Chúa đến thực hiện lòng nhân từ, trao ban sự bình an cho tâm hồn. Tác giả Phúc Âm theo thánh Luca đã nhấn mạnh ý nghĩa này trong hai bài ca quan trọng vào khởi đầu sách Phúc Âm, đó là bài ca về ông Dacaria và của Mẹ Maria. Ý thức giờ Thiên Chúa đến viếng thăm đang xảy ra không những cho chính bản thân mình, mà còn cho cả toàn dân tộc, cho cả toàn nhân loại, Mẹ Maria đã nhận định về ý nghĩa sâu xa của cuộc viếng thăm của Thiên Chúa với những lời như sau: "Lòng thương xót Chúa lan tràn từ đời này tới đời kia, đối với những ai kính sợ Chúa. Chúa đã cứu Israel, tôi tớ Chúa và nhớ lại lòng thương xót của Người".

Chỉ có lý do duy nhất cho cuộc viếng thăm của Chúa, đó là để thực hiện lòng nhân từ của Ngài cho người được viếng thăm mà thôi. Nếu không nhận biết giờ viếng thăm của Chúa, con người chỉ gặp phải những thiệt thòi cho chính mình, như đã xảy ra cho thành Giêrusalem ngày xưa. Chúng ta không nên nhìn biến cố Chúa khóc thương và loan báo ngày sụp đổ của thành Giêrusalem trong viễn tượng của sự trả thù. Thiên Chúa nhân từ không bao giờ hành động để trả thù sự chống đối khước từ của con người. Những thiệt thòi mà kẻ từ chối Chúa gặp phải là hậu quả tai hại của tội lỗi, của những hành động xấu xa do con người thực hiện vì chối bỏ Thiên Chúa mà thôi. Tuy nhiên, Thiên Chúa không bỏ mặc con người trong sự dữ, nhưng Ngài luôn luôn làm những gì có thể để cảnh tỉnh, để lưu ý con người đừng đi vào con đường nguy hiểm, gây thiệt hại cho chính mình.

Ước chi hôm nay chúng ta lắng nghe tiếng Chúa cảnh tỉnh và đừng cứng lòng từ chối giây phút ân sủng nơi Thiên Chúa an bài cho mỗi người chúng ta được gặp lại.

Lạy Chúa,

Chúng con cảm tạ Chúa vì đã luôn luôn đối xử nhân từ đại lượng với chúng con, mặc dù chúng con nhiều lần làm ngơ, không muốn nhìn thấy những việc Chúa làm cho chúng con, không muốn lắng nghe những gì Chúa chỉ dạy để được sống an vui, hạnh phúc. Xin thương giúp chúng con trở về sống trong tình thương Chúa luôn mãi.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 3: Thương tiếc Giêrusalem


Khi đến gần Giêrusalem và trông thấy thành, Đức Giêsu khóc thương mà nói: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình anh cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không trông thấy được. Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp lũy chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tứ bề.” (Lc. 19, 41-42)

Đoàn hành hương theo Đức Giêsu tiến về Giêrusalem vừa đi vừa hát những Thánh vịnh lên đền thánh. Họ dừng lại với Người chiêm ngưỡng thành thánh. Họ xúc động khi hát Thánh vịnh 122: “Hãy xin bình an cho Giêrusalem; ước gì bình an trong thành lũy ngươi”. Còn Đức Giêsu lại khóc thương thành.

Những âm mưu

Từ nhiều thế kỷ, các ngôn sứ đã loan báo cho dân thành Giê-ru-sa-lem biết thành sẽ có ngày bị phá hủy, nếu họ không sám hối trở về. “Khốn cho quân loạn tặc, cho đứa ô nhơ, cho thành áp bức! Nó không nghe tiếng gọi. Nó không lĩnh lời chỉ giáo. Nó không cậy trông Gia-vê. Nó không lại gần Thiên Chúa của nó” (Sôphônia 3, 1-2). Quân Can-đê đã phá hủy thành và bắt dân đi lưu đầy, thế mà họ vẫn cứng đầu cứng cổ, không lay chuyển, Đức Giêsu đến kêu gọi họ lần cuối cùng trở về với tình yêu Thiên Chúa.

Đức Giêsu biết dân thành Giêrusalem đã quyết định bắt Người chịu nạn chịu chết. Tôn trọng tự do của họ, Người bất lực cứu thoát thành thánh khỏi bị tàn phá. Họ thật cứng đầu cố chấp. Với tình yêu tha thiết với họ, Đức Giêsu đã khóc, Người khóc vì yêu thương đoàn chiên này cố chấp lầm lạc. Trong khi đoàn hành hương ca hát chúc mừng thành được bình an, thì Đức Giêsu khóc than lòng kiêu ngạo và thỏa mãn của họ đã đóng kín con mắt những thủ lãnh dân chúng: Họ không bao giờ còn được thấy hòa bình nữa!

Lời tiên tri về phá hủy thành Giêrusalem dựa trên những chi tiết bao vây và công phá Giê-ru-sa-lem vào năm 70. Chắc hẳn lời tiên báo của Đức Giêsu cũng tương tựa như thế về thành bị phá hủy, “vì ngươi đã không nhận biết thời giờ Thiên Chúa viếng thăm”. Chính Thiên Chúa đến viếng thăm Giê-ru-sa-lem qua con người của Đức Giêsu, và Người đã ban cho họ ơn giải thoát, ơn bình an và thăng tiến họ. Nhưng họ đã từ chối những ơn ban nguồn phúc cứu độ ấy. Lại còn giết người con của vua trời đất. Họ sẽ gặt lấy hoa trái của lòng bất trung của họ. Cuộc phán xét trong cơn lôi đình của Thiên Chúa không thể hãm lại được nữa. Đức Giêsu khóc vì Thiên Chúa không muốn người ta phải chết. Ước chi họ ăn năn sám hối và được sống.

RC.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét