GIA ĐÌNH THÁNH TÂM

Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012

Mừng Kính Lễ Đức Mẹ mân Côi



LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI

Lễ Ðức Mẹ Mân Côi ngày hôm nay làm chúng ta liên tưởng đến biến cố đạo binh Công Giáo chiến thắng quân Thổ vào năm 1571 tại Lêpan. Tuy nhiên, Giáo Hội cũng muốn chúng ta tìm hiểu vai trò của Ðức Maria trong lịch sử cứu chuộc. Với tiếng “Xin, vâng!”, Ðức Mẹ đã chấp nhận và tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa, hầu cùng với Ngài thực hiện chương trình cứu rỗi. Phụng vụ hôm nay cũng nói đến các biến cố lớn trong đời Chúa: Nhập Thể, Khổ Nạn và Phục Sinh.

Chúng ta hãy nguyện xin nhờ lời cầu bàu của Mẹ Maria và với tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa, cho mỗi phần tử trong Giáo Hội biết lướt thắng biển trần gian để một ngày kia cũng được khải hoàn vinh phúc như Mẹ.


LỜI CHÚA: Lc 1, 26-38

"Này Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một Con trai".


Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ". Nghe lời đó, Trinh Nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận. Nhưng Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?" Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được".

Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.

SUY NIỆM 1: Ðức Maria, Bông Hoa Hường Mầu Nhiệm

Nói đến Lễ Mai Khôi là nói đến hoa. Những bông hoa muôn màu muôn sắc dâng trước toà Mẹ. Những bông hoa kinh nguyện sốt sắng kết dệt nên những lời ca tụng Mẹ. Những bông hoa hi sinh, bác ái muốn toả hương dưới chân Mẹ. Những bông hoa nói lên lòng yêu mến của con cái đối với Mẹ hiền. Những bông hoa cũng cố gắng diễn tả phần nào nét đẹp của Mẹ. Thật vậy, giữa ngàn hoa, Ðức Ma-ri-a nổi bật như bông hoa cao quí xinh đẹp nhất. Ðẹp đến độ “đẹp lòng Thiên Chúa”. Trình thuật Truyền tin cho ta thoáng thấy vài nét đẹp của Người.

Người có nét đẹp đơn sơ.

Ðơn sơ trong khung cảnh làng quê Na-da-rét. Ðơn sơ trong nếp sống thôn nữ đạm bạc. Nhất là đơn sơn trong tâm hồn giản dị. Sự đơn sơ trong tâm hồn được bộc lộ qua những suy nghĩ trong sáng, những phát biểu thật thà, thẳng thắn trình bày với thiên sứ hoàn cảnh cụ thể của bản thân. Ðơn sơ trong vâng phục. Khi đã hiểu rõ ý định của Thiên Chúa chỉ đơn sơ thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền”. Tâm hồn đơn sơ của Người chiếu toả như viên ngọc trong suốt không một tì ố.

Người có nét đẹp khiêm nhường.

Khiêm nhường trong nếp sống ẩn dật nơi làng quê nhỏ bé. Khiêm nhường trong nhận thức về bản thân. Thật vậy, khi nghe thiên thần chúc tụng Người “Ðầy Ơn Phúc”, Ðức Ma-ri-a thật sự ngạc nhiên. Bản thân Người không dám nhận danh hiệu cao đẹp ấy. Khiêm nhường trong tâm hồn biểu lộ trong lời nói. Khi đã chấp nhận chương trình của Thiên Chúa, Ðức Ma-ri-a vẫn khiêm tốn xưng mình là “Nữ tỳ của Thiên Chúa”. Thật khiêm nhường. Chính sự khiêm nhường càng tô thêm vẻ đẹp tuyệt vời nơi Người.

Người có nét đẹp từ bỏ.

Từ bỏ là vượt lên trên. Từ bỏ khiến con người trở nên cao đẹp, thanh thoát. Từ bỏ của cải đã khó. Từ bỏ bản thân khó hơn. Từ bỏ ý riêng mới thật cam go khốc liệt. Ðức Ma-ri-a đã có chương trình riêng: sống đời trinh nữ. Ðó là một chương trình đẹp. Nhưng khi biết chương trình của Thiên Chúa, Người đã sẵn sàng từ bỏ chương trình riêng. Nhờ từ bỏ chương trình riêng mà chương trình của Chúa được thực hiện. Nhờ từ bỏ bản thân mà Người đón nhận được chính Thiên Chúa.

Thiên Chúa rất lớn lao, chẳng trời đất nào dung chứa cho đủ. Bao lâu cái tôi còn cồng kềnh, bấy lâu tâm hồn chưa thể đón nhận được Thiên Chúa. Chỉ khi từ bỏ mình đến tận cùng, đến không còn một chút gì riêng tư dành cho bản thân, tâm hồn mới có thể đón nhận được Thiên Chúa. Khi trút bỏ chính mình, Ðức Ma-ri-a được đầy tràn Thiên Chúa. Không còn thuộc về mình, Người trọn vẹn thuộc về Thiên Chúa. Người là chiếc bình rỗng không nên Người đón nhận được “đầy ơn phúc” của Chúa.

Người diễn tả nét đẹp của Thiên Chúa.

Lời “Xin vâng” Ðức Ma-ri-a thốt lên nơi làng quê Na-da-ét vang vọng lời xin vâng của Ngôi Hai nhập thể làm người. Sự khiêm nhường của Người diễn tả sự khiêm nhường của Thiên Chúa xuống thế làm người. Sự từ bỏ của Người phần nào phản ánh sự từ bỏ của Ðức Giê su Kitô “vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân” (Pl 2, 6-7).

Ðức Ma-ri-a là bông hoa phần nào diễn tả được nét đẹp của Thiên Chúa vì Người là tác phẩm của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần “rợp bóng trên Mẹ” nên Mẹ sống dưới sự che chở của Thánh Thần, theo ơn hướng dẫn của Thánh Thần và sống trong tình yêu của Thánh Thần.

Lạy Nữ Vương Rất Thánh Mai Khôi xin cầu cho chúng con biết noi gương Mẹ.

(ĐTGM. Ngô Quang Kiệt)

SUY NIỆM 2: Kinh Kính Mừng
Ngoài vô số những ơn lành mà Mẹ đã cho riêng mỗi người, thì trong những lần hiện ra, món quà mà Mẹ đưa từ trời xuống, lần nào cũng chỉ là một cỗ tràng hạt mân côi. Đơn giản thế thôi, nhưng ta phải biết nghĩ chứ! Chắc chắn đây phải là một món quà vô cùng cao quý. Mẹ yêu ta vô cùng, cho quà ta, Mẹ phải chọn món quà gì quý giá nhất để cho. Đúng vậy! Ta hãy mở món quà ấy ra xem.

Lớp quà thứ nhất

Gồm 20 ngắm. 20 chặng trong hành trình cứu chuộc của Chúa Giêsu, Đấng đến trần gian để cứu nhân loại tội lỗi. 20 chặng ấy là giải nghĩa chữ Yêu một cách trọn vẹn và đầy đủ nhất. Mở đầu mỗi chục kinh là một biến cố thể hiện tình yêu; là một dấu ấn diễn nghĩa Tình Yêu mà Đấng Cứu Thế đã thực hiện vì con người và cho con người. Mở ra dấu ấn ấy để mời gọi ta bước vào hiện tại hoá dấu ấn ấy; để ta được hoà chung, được bơi lội trong đại dương ơn phúc mà Đấng Cứu Thế đã làm. Bỏ quên những ràng buộc của vật chất, linh hồn ta được linh thao, để hít thở nguồn ơn cứu độ.

Lớp quà thứ hai

Đàng sau sự kiện mà Chúa Giêsu đã làm, là bắt đầu bằng một kinh Lạy Cha, lời kinh cầu nguyện duy nhất mà Chúa Giêsu đã dạy. Lời kinh ấy là một nhắc nhở quan trọng về căn tính của mình. Mình từ Thiên Chúa mà ra và Ngài yêu thương ta vô cùng, hơn cả tình mẹ yêu con. Và Ngài chính là Cha dấu ái của ta và của mọi người. Cũng vì thế, tất cả đồng loại sống quanh mình đều là anh em ruột thịt của mình, không có ai là kẻ thù của mình cả.

Lớp quà thứ ba

Là mười kinh Kính Mừng. Lời “Kính mừng Maria” mà ta đọc đó chính là lời chào của Sứ Thần Gabriel đã chào Đức Maria trong buổi gặp gỡ truyền tin. Lời chào ấy được lặp đi lặp lại, để như một nhắc nhớ quan trong cho mỗi người: Thiên Chúa hết lòng muốn cứu chuộc nhân loại, và trước tiên, là chính người đang cất giọng đọc câu kinh ấy. Món quà quý báu ấy, Mẹ đem từ Trời xuống, quý vô vàn, được đưa tận tay cho mỗi người. Ô hay! Sao người lại rất hay từ chối?

Câu hỏi gợi ý:

1* Bạn có nhìn thấy tình thương lớn lao vô cùng của Chúa, khi bạn lần hạt không?

2* Bạn có nhìn thấy vẻ cao quý vô cùng của món quà mà Đức Mẹ đem đến cho bạn không?

(Suy niệm của Lm Đaminh Đỗ Văn Thiêm - Trích trong ‘Tập San Tĩnh Tâm Giáo Phận Long Xuyên – 10 & 11/2011’)

SUY NIỆM 3: Mẹ Ðầy Ơn Phước

Thời gian viên mãn đã đến, người trinh nữ, dấu chỉ của lời hứa được loan báo trước kia giỡ đây được chỉ định rõ ràng cho chúng ta biết và chúng ta biết rõ đó là Ðức Maria, Ðấng làm cho tâm hồn ta tràn đầy tin tưởng và niềm vui khi nghe đến tên Ngài. Cùng với thiên thần Gabriel, chúng ta cất lên lời chào: “Kính mừng Maria, hãy vui lên, Maria”. Qua lời chào của thiên thần, Thiên Chúa mời gọi Maria hãy vui lên vì thời giờ thực hiện lời hứa đã đến và làm sao Mẹ Maria không vui lên được, khi biết chính mình đã được chọn để thực hiện lời hứa, để làm dấu chỉ loan báo hoàng tử hòa bình sắp đến. Mỗi lần chúng ta chào chúa Mẹ Maria qua kinh Kính Mừng “Kính Mừng Maria đầy ơn phước” chúng ta tham dự vào niềm vui và niềm tri ân của Mẹ đối với Thiên Chúa.

Mẹ là Ðấng đầy ơn phước, Ðấng được Thiên Chúa chúc phúc. Mẹ thuộc hoàn toàn về người tôi tớ của Ðức Giavê như được loan báo nơi sách tiên tri Isaia chương 42 câu 1: “Ðây là tôi tớ Ta, Ðấng Ta chọn và đẹp lòng Ta mọi đàng. Mẹ được đầy ơn phước vì Ðấng sắp đến ngự nơi Mẹ là Con yêu dấu của Thiên Chúa”. Mẹ Maria được đầy tràn niềm vui. Mẹ là người đầu tiên được Thiên Chúa cho nếm trước niềm vui vì Thiên Chúa nhập thể. Nhờ Thiên Chúa mạc khải, Mẹ Maria hiểu được sứ mệnh của Mẹ như là dấu chỉ niềm hy vọng, dấu chỉ Thiên Chúa chu toàn lời hứa của Ngài cho Israel, và suốt đời Mẹ sẽ là bài ca chúc tụng lòng trung thành của Thiên Chúa, như Mẹ đã thốt lên nơi nhà ông Dacaria:

“Linh hồn tôi ngợi khen Chúa,

Ngài là Ðấng trung tín như lời đã hứa

Abraham và con cháu ông”.

“Thiên Chúa ở cùng Bà”, Mẹ Maria đã từng suy niệm lời tiên tri loan báo trước về biến cố cứu rỗi sắp đến, nên giờ đây từng lời thiên thần nói ra cho Mẹ đều mang một ý nghĩa sâu xa. “Thiên Chúa ở cùng Bà”, giây phút quan trọng nhất của lịch sử đã đến, đó là lúc trinh nữ Maria hay tin và hiểu rõ thực tại Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Emmanuel, một cách thật độc nhất vô nhị. Mẹ vui mừng gọi Thiên Chúa là Emmanuel, là Ðấng ở cùng chúng ta. Mẹ vui mừng trước sự hiện diện của Thiên Chúa và chúng ta hiệp với Mẹ trong niềm vui và hết lòng cảm tạ Thiên Chúa.

“Hỡi Maria, đừng sợ”, kinh nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa nơi chính mình, không khỏi làm cho con người run sợ. Không phải Mẹ Maria cảm nghiệm Thiên Chúa hiện diện, nhưng Mẹ còn được mạc khải cho biết giờ đây, đến lúc lời hứa thành sự thật nơi Mẹ. Không bao giờ Mẹ Maria đã nghĩ đến việc cả thể này, Thiên Chúa mạc khải chính Ngài và ý định của Ngài cho Mẹ. Mẹ vui mừng lên như một niềm vui mừng đi kèm với sự run sợ, một sự run sợ thánh. Kinh nghiệm sống đời Kitô, chúng ta cũng thấy hai tâm tình này như Mẹ Maria, vừa vui và vừa sợ. Mẹ Maria nhờ ơn Chúa giúp đã thắng vượt cái sợ và phó thác tin tưởng hoàn toàn vào Chúa.

Xin Mẹ Maria giúp chúng ta được tham dự vào niềm vui của Mẹ, được trở thành dấu chỉ để Thiên Chúa thực hiện ơn cứu rỗi của Ngài nơi anh chị em chung quanh. Ðặc biệt, trong ngày lễ của Mẹ hôm nay, chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa Cha:

“Lạy Cha là Chúa tể trời đất,

Chúng con chúc tụng Cha

Vì Cha đã không mạc khải cho những kẻ khôn ngoan kiêu ngạo

Nhưng cho những kẻ bé nhỏ khiêm tốn

Cha đã chọn Mẹ Mari để thực hiện lời hứa cứu rỗi chúng con,

Nhờ lời cầu khẩn của Mẹ Maria

Ðặc biệt trong ngày lễ của Mẹ hôm nay

Và nhân danh Chúa Giêsu Kitô,

Ðấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng con”.

Xin cho chúng con nhận ra sự hiện diện của Người và vui mừng tiếp rước Người đến ở với chúng con. Và lạy Mẹ Maria, chúng con kính mừng Mẹ, Ðấng đầy ơn phước. Mẹ đã lãnh nhận mọi phúc lành của Thiên Chúa để giúp chúng con. Thiên Chúa ở cùng Mẹ; Ngài cũng đến ở với chúng con. Chúng con cũng sẽ cảm nghiệm được điều này như Mẹ, nếu chúng con biết sống trung thành với ơn gọi như Mẹ. Xin Mẹ cầu bầu cho chúng con được luôn sống trong niềm vui vì được Chúa hiện diện bên cạnh, và đặc biệt trong chính chúng con.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 4: Hành trình đức tin của Đức Maria

(Suy niệm của ĐTGM. Ngô Quang Kiệt)

Khi nhìn ngắm các tượng ảnh Đức Mẹ, ta dễ có cảm tưởng rằng Đức Mẹ đã sống một đời bình an thư thái. Vì các nghệ nhân thường tạo ra những hình ảnh về Đức Mẹ đẹp đẽ, hiền từ, dường như siêu thoát mọi cảnh khổ đau ở trần gian. Khi ngợi ca Đức Mẹ là tuyệt mỹ, đầy ơn phúc, vô nhiễm nguyên tội, ta thường nghĩ rằng: Đức Mẹ đã được tạo dựng đặc biệt, hoàn hảo ngay từ đầu, thánh thiện từ khi sinh ra và mãi mãi là như thế, không tiến, không lùi, đẹp như một pho tượng đúc sẵn.

Nhưng nếu đọc Phúc Âm kỹ lưỡng, ta sẽ thấy hành trình đức tin của Mẹ không phải luôn luôn bằng phẳng, êm xuôi, dễ dàng. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã thanh luyện Mẹ, uốn nắn Mẹ. Và vì thế đã để Mẹ trải qua những kinh nghiệm đớn đau khi tin nhận và bước theo Chúa.

Cuộc thanh luyện thứ nhất:Thiên Chúa mời gọi Mẹ bỏ chương trình riêng để sống theo chương trình của Thiên Chúa. Maria, một thôn nữ bình dị sống thầm lặng trong một làng quê nhỏ bé. Cô muốn cuộc đời mãi mãi bình thản êm xuôi như thế. Nhưng Thiên Chúa đã đến khuấy động đời cô. Khi đề nghị Maria làm mẹ, Thiên Chúa đã mở ra trước mặt cô một lý tưởng cao đẹp, nhưng cũng đầy gian khổ chông gai. Maria đã ngoan ngoãn thưa “Xin vâng”. Lời thưa ‘xin vâng’ của Maria làm ta nhớ đến tổ phụ Abraham. Như Abraham đã từ bỏ quê hương, gia đình đi vào một tương lai bấp bênh theo tiếng Chúa mời gọi, Maria cũng đã từ bỏ chương trình riêng trong nếp sống bình dị, để đi vào chương trình của Thiên Chúa trong một tương lai bất ổn, hoàn toàn phó thác vào Thiên Chúa.

Cuộc thanh luyện thứ hai:Thiên Chúa gửi đến cho Đức Mẹ nhiều đau khổ. Vì nhận lời làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria phải gánh chịu nhiều đau khổ.

Đau khổ thứ nhất là bị Giuse nghi ngờ. Làm sao giải thích cho Giuse hiểu. Làm sao tránh được búa rìu dư luận. Không những bị nghi ngờ, mà còn nguy hiểm đến tính mạng nữa. Thời ấy, những cô gái chửa hoang sẽ bị ném đá cho đến chết. Nhưng vững tin vào Thiên Chúa, Đức Maria đã để mặc Thiên Chúa lo liệu dàn xếp mọi chuyện. Ngài chỉ biết cúi đầu, thinh lặng vâng phục và phó thác.

Đau khổ thứ hai là Đức Maria đã sinh hạ Chúa Giêsu trong cảnh cơ bần: không nhà cửa, không giường chiếu, không mùng mền. Thiếu thốn mọi phương tiện. Chung số phận với súc vật.

Đau khổ thứ ba là bị vua Hêrôđê tìm giết nên phải trốn sang Ai Cập. Con trẻ sơ sinh yếu ớt. Sản phụ chưa được nghỉ ngơi lại sức đã phải đi lên đường trốn chạy. Tuy nhiên, nỗi cực nhọc phần xác không sánh được với nỗi đau đớn trong tâm hồn: Tại sao lại mang lấy thân phận tội đồ? Tại sao lại bị người đời thù ghét, săn đuổi?

Đối diện với những đau đớn ấy, chắc chắn niềm tin của Đức Maria phải lung lay, nghi hoặc: Con Thiên Chúa mà phải chịu nghèo khổ, khốn cùng đến thế sao? Tuy có chao đảo, nhưng Đức Maria vẫn phó thác và tin tưởng vào Thiên Chúa.

Cuộc thanh luyện thứ ba:Đức Maria bị dứt lìa khỏi Chúa Giêsu. Niềm vui và hạnh phúc của người mẹ là đứa con, nhất là con một. Con là tất cả của mẹ. Con quý giá hơn chính mạng sống của mẹ. Tách con ra khỏi mẹ khác nào lấy gươm đâm vào tim mẹ. Thế mà Chúa Giêsu đã tách lìa Đức Maria rất sớm. Phúc Âm ghi lại hai lần Chúa Giêsu từ chối Đức Mẹ.

Lần thứ nhất: Khi Chúa Giêsu lên 12 tuổi, cả nhà đi lên Giêrusalem dự lễ. Tan lễ, Chúa Giêsu đã tự tiện ở lại, để thánh Giuse và Đức Maria đi tìm mất ba ngày. Trong ba ngày đó, Đức Maria đã trải qua biết bao lo âu, sợ hãi, đau đớn, cực nhọc. Vậy mà khi gặp cha mẹ, Chúa Giêsu đã nói: “Cha mẹ tìm con làm gì. Cha mẹ không biết con phải lo việc cho Cha con ư?”. Lời này khiến cho Đức Maria buồn phiền không ít vì thấy đứa con từ nay thoát khỏi vòng tay của Mẹ.

Lần thứ hai: Khi Chúa Giêsu đi rao giảng, Đức Maria và mấy người bà con đến tìm Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu không ra tiếp, lại còn nói những lời như chối từ liên hệ huyết thống: “Kẻ nghe lời Cha ta và thực hành, người ấy là anh chị em và là Mẹ ta”.

Những lời nói và thái độ của Chúa Giêsu như thế chắc chắn khiến cho Đức Maria buồn phiền. Nhưng những lời nói và thái độ ấy cũng giúp thanh luyện Đức Maria khỏi những tình cảm riêng tư, những liên hệ sinh học tự nhiên để bước vào tình yêu rộng lớn của Thiên Chúa và tạo lập những dây liên hệ siêu nhiên với Ngài.

Cuộc thanh luyện cuối cùng:Đức Maria phải chứng kiến cái chết nhục nhã của Chúa Giêsu trên thập giá. Còn gì buồn hơn khi mẹ mất con. Còn gì đau đớn hơn khi mẹ thấy con chết đau đớn, tủi nhục giữa tuổi thanh xuân. Ở đây ta cũng nhớ lại tổ phụ Abraham. Để thử thách ông, Thiên Chúa đã truyền cho ông sát tế Isaác, đứa con trai duy nhất. Đức Maria cũng được mời gọi hy sinh người con duy nhất của mình. Đau đớn hơn tổ phụ Abraham vì Đức Maria phải chứng kiến hy lễ đó hoàn tất. Khi mọi người trốn chạy, chối bỏ Chúa Giêsu, Đức Maria vẫn ở lại dưới chân cây thập giá đau nỗi đau của Chúa Giêsu, nhục nỗi nhục của Chúa Giêsu. Và khi Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng thì Đức Maria như bị mất tất cả, bị tước đoạt tất cả những gì yêu quý nhất. Đứng dưới chân thánh giá, Đức Maria trở nên một người nghèo nhất. Mẹ chẳng còn gì cho riêng mình. Chẳng còn điểm tựa nào để bám víu, Mẹ chỉ còn biết phó thác trông cậy vào Thiên Chúa.

Như vậy Thiên Chúa đã dẫn đưa Đức Maria từ bỏ chương trình riêng tư, từ bỏ chính mình, từ bỏ những gì thân thiết nhất của mình, để đi vào chương trình của Thiên Chúa, để trọn vẹn phó thác cho Thiên Chúa.

Ngày nay khi lần chuỗi Mân Côi là ta ôn lại hành trình đức tin của Mẹ. Hành trình đầy thử thách gian khổ nhưng cũng đầy chiến thắng vinh quang.

Xưa kia lễ Mân Côi được mừng để kỷ niệm cuộc thắng trận ở Lepante. Ngày nay, khi mừng lễ Mân Côi ta mừng Đức Mẹ Maria đã chiến thắng chính bản thân, đã vượt qua hết những thử thách và đạt tới đích điểm của hành trình đức tin.

Lạy Mẹ Maria, xin cho con biết noi gương Mẹ, biết từ bỏ ý riêng mình để thực hiện ý Thiên Chúa. Xin giúp con can đảm vượt qua mọi thử thách và giữ vững niềm tin tưởng phó thác trong tay Chúa.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Hãy kể ra những cuộc thanh luyện của Đức Mẹ.

2) Tại sao con người phải chịu thanh luyện? Có phải vì Chúa muốn hành hạ con người không?

3) Thanh luyện hệ tại điều gì? Chịu khổ sở hay từ bỏ mình, điều nào quan trọng hơn?

SUY NIỆM 5:Chiếc thang kỳ diệu

Tháng mười, tháng dấu ái thân thương, tháng ngọt ngào và vui sướng của nhiều tâm hồn. Lý do đơn giản. Tháng mười, tháng Đức Mẹ Mân Côi, tháng tăng thêm cho ta vô vàn sinh lực thần thiêng, tháng của tình mẫu tử mở ngỏ, trao ban. Mẹ đã trao ban tràng chuỗi mân côi mầu nhiệm, để như vũ khí trao tay cho người chiến sĩ cát bụi đầy yếu đuối, có thể chiến đấu và đạt chiến thắng, trước những ngã tấn công bắt hồn của vương quyền bóng tối, như nấc thang nhẹ nhàng, dịu dàng và thênh thang dìu ta trở về cội nguồn ơn cứu độ, là cuộc thương khó thấm đẫm tình yêu hy sinh cứu chuộc của Chúa Giêsu. Vào đó, để ta hiện đại hóa ơn sủng cứu độ của Ngài, cho chính đời ta. Vào tháng mười, tháng hồng phúc vô bờ là ta bơi trong đại dương tình yêu của trái tim Mẹ thiên quốc.

Và vì thế, nhắc đến tháng mười, những Kitô hữu trên thế giới không thể nào quên ngày 13 ấn tượng, với phép lạ vĩ đại lạ lùng và rực sáng giữa không trung trên bầu trời Fatima hôm nào, với cả hàng triệu đôi mắt mở to chứng kiến, trong sự ngỡ ngàng đến tột cùng. Trong những lần hiện ra ở Fatima, Mẹ không ngừng nhắc nhở mọi người phải siêng năng lần hạt. Chuỗi mân côi, như một báu vật, được gởi đến từ chốn thiên đàng cao sang, như một di sản phi vật thể vô giá, mà người Mẹ, để lại cho những đứa con của mình. Mẹ thương con vô cùng, nên Mẹ đã trao chuỗi hạt mân côi cho con. Rất trân trọng con hãy cầm lấy. Vì:

1/ Chuỗi mân côi là thanh bảo kiếm để che chở đời ta:Quanh ta, trên mỗi bước chân, ma quỷ luôn giăng đầy cạm bẫy. Hãy cầm lấy thanh bảo kiếm, ơn Mẹ sẽ che chở cho ta. Lời kinh đơn sơ ta đọc, Mẹ sẽ giúp ta sáng suốt để thoát khỏi những cạm bẫy ấy. Lời kinh miệng ta đọc, tình yêu Chúa trìu mến trong tim sẽ giúp ta nhận được ân sủng từ trời cao, giúp ta khỏi phải hụt chân vấp ngã trên con đường xây tương lai.

2/ Chuỗi mân côi, là chiếc thang diệu kỳ:Giữa trần đời ô trọc, cộng với kẻ nội thù là xác thịt, luôn muốn lôi kéo ta đi xuống, bỏ quên mất hạnh phúc vĩnh hằng, tràng chuỗi mân côi, sẽ tăng sức cho ta. Mẹ đã hứa như thế nếu ta siêng năng thực hành. Mỗi lời kinh ta vang lên là mỗi bước sẽ giúp ta bước lên cao hơn, thoát khỏi hố sâu đầm lầy, đưa ta tới gần Chúa hơn, gần chân lý hơn. Chuỗi mân côi ta đọc, sẽ giúp ta mở mắt để nhận ra được: mình là một kẻ được yêu thương, qua cuộc đời bi thương của Chúa. Và như thế, sẽ đưa ta vào sâu hơn trong biển tình thương của Thiên Chúa.

Gợi ý suy niệm:

1- Khi thấy bạn bị vấp ngã, sầu buồn, lo lắng. Bạn có biết tìm giải pháp bằng việc lần hạt không?

2- Đã có lần nào, bạn kêu cầu Đức Mẹ, qua việc lần hạt mà bị từ chối chưa?

(Trích trong ‘Tập San Tĩnh Tâm Giáo Phận Long Xuyên – 10/2010’)

SUY NIỆM 6: Chờ Ðợi
Theo tâm lý thông thường, ai cũng sợ phải chờ đợi, ai cũng sợ phải xếp hàng cả ngày. Ít hay nhiều, sự chờ đợi nào cũng là một cực hình. Nhưng mâu thuẫn thay, chúng ta lại thường biến cuộc đời thành một thứ đợi chờ, thành những phòng đợi triền miên...

Cả tuần lễ, ai cũng mong được đến ngày thứ Bảy, Chúa Nhật để được nghỉ ngơi. Chúa Nhật này đến, chúng ta lại chờ đợi Chúa Nhật khác đến. Tháng này đến, chúng ta lại chờ tháng sau. Năm này đến, chúng ta lại chờ năm sau...

Lên xe, chúng ta mong đến đích điểm. Khi đến nơi, chúng ta lại thấp thỏm mong ra về. Vào rạp chiếu bóng, nhiều người thường vội vàng đứng dậy trước khi cuốn phim chấm dứt: họ làm như thể vào rạp chiếu bóng là chỉ để mau đến giây phút ra về. Ði dự thánh lễ, dù lễ chưa xong, đã có kẻ muốn vội vàng đứng lên ra về: họ làm như thể chỉ đến nhà thờ để mong cho đến giây phút tan lễ. Vừa ra khỏi nhà, đã chờ mong để quay trở lại, nhưng khi vào nhà thì lại đợi đến lúc đi ra.

Với sự nóng lòng chờ đợi giây phút sẽ tới này, chúng ta sống như thể cuộc đời không có sự liên hệ với những giây phút hiện tại. Chúng ta biến cuộc đời thành một thứ phòng đợi, đợi hết cái này đến điều kia, đợi cả những điều sẽ không bao giờ xảy đến.

Tháng Mười là tháng dành riêng để tôn kính Mẹ Maria với tràng chuỗi Mân Côi và cùng với Mẹ, sống mầu nhiệm cứu rỗi trong từng phút giây của cuộc sống.

Ơn cứu rỗi không là một biến cố của quá khứ hoặc là một biến cố sẽ đến mà là một sự kiện đang diễn ra trong từng phút giây của cuộc sống. Mẹ Maria quả thực là mẫu gương cho chúng ta trong thái độ tiếp nhận ơn cứu rỗi. Thời gian đối với Mẹ không là những tháng ngày chờ đợi, mà là những tích tắc của từng khoảnh khắc đang đến với Mẹ. Với hai tiếng “Thưa, xin vâng!”, Mẹ đón nhận giây phút hiện tại như một món quà cao quý nhất Thiên Chúa trao ban.

Cùng với Mẹ sống lại mầu nhiệm của ơn cứu rỗi, chúng ta hãy đón nhận Ðấng đang đến, Ðấng hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một. Chúng ta hãy đón Ngài trong phút giây hiện tại này đây với tất cả tin tưởng phó thác.Chúa trao ban với chúng ta nhiệm vụ để thi hành trong phút giây này đây. Chúng ta hãy hoàn tất với tất cả cố gắng của chúng ta. Chúa trao ban cho chúng ta niềm vui của phút giây này đây, hãy tận hưởng như thể sẽ không còn một niềm vui nào khác.

(Trích trong ‘Lẽ Sống’ – R. Veritas)

SUY NIỆM 7: Lễ Mân Côi

Thế giới ngày nay là thế giới của tiện ích. Vì thế, người ta thường kết hợp nhiều lợi ích vào trong một cái. Dầu gội đầu cũng 2 trong 1. Điện thoại di động, vừa để nghe gọi, vừa để chụp hình, vừa là vi tính, năm sáu thứ trong một. Trong ngày lễ hôm nay, xin được giới thiệu một thứ; rất nhỏ bé, rất gọn, rất đơn sơ nhưng lại ẩn chứa bốn, năm lợi ích trong một: mà những lợi ích ấy toàn là những lợi ích to lớn. Đó là cỗ tràng hạt Mân Côi. Đây là món quà được đưa xuống từ Trời. Chỉ vì tình thương da diết với con cái mà người Mẹ với tước hiệu Nữ Vương Thiên Đàng, đã muốn gởi tặng từng người con.

1- Đó là mốt món quà thật nhỏ, thật xinh. Nhỏ, để người nào cũng có thể cất giữ trong người trong mọi giây phút. Nhỏ, bởi đó là một lời kinh rất dễ đọc, bất cứ ai cũng có thể thuộc. Vì lời kinh ấy chính là lời chào ngắn gọn của sứ thần Gabrien, khi truyền tin cho Trinh Nữ Maria.

2- Tuy nhỏ, nhưng việc lần hạt ấy, lại có thể làm được một điều diệu kỳ. Mỗi chục kinh, lại có ghi lại một chặng đường cứu độ của Chúa Giêsu. Và vì vậy, khi vừa đọc chục kinh, vừa suy gẫm chặng đường cứu độ của Chúa Giêsu, là ta mở được chiếc van, để ơn thánh của Chúa chảy tràn xuống trên linh hồn ta; và ta được đưa vào để hòa nhập với cuộc đời bình thường nhưng thánh thiện, cũng như cuộc thương khó và sự sống lại vinh quang của Ngài. Ta dần dần trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu.

3- Khi ta cầm trí lần hạt, Mẹ Maria sẽ hiện diện bên ta; để giúp ta xua tan đi những lo lắng, buồn khổ trong đời, giúp hồi sinh một con tm đang tan tác, chán chường. Mẹ ở bên ta, để phá tan sự tuyệt vọng lụn bại đang đè chết hồn ta. Và làm bừng lên một niềm hy vọng mới. Đưa ta ra khỏi cơn giông tố chán chường, tăm tối và cho ta nhìn được ánh sáng của niềm vui giữa cuộc đời.

4- Với lời kinh Mân Côi ta đọc, Mẹ sẽ đến bên ta, để tăng cho ta sức mạnh, hầu có thể chiến đấu với ma quỷ, là kẻ thù ẩn mặt, nhưng lại suốt ngày kè kè bên ta. Trước những hiểm độc của cám dỗ, ta thường dễ sập bẫy, thua trận. Vì thế, nếu không có Mẹ phù trợ, nâng đỡ, ta khó có hy vọng chiến thắng, vượt qua.

4- Với kinh Mân Côi, ta đọc mỗi ngày thì một niềm vui mới tràn dâng trong ta. Vì ta biết chắc một điều: Mẹ sẽ cứu ta trong giờ lâm tử. Đó cũng là điều hợp lý thôi. Vì khi siêng năng lần hạt, ta sẽ được giữ gìn, để luôn sống với tư cách của một người con ngoan của Chúa. Và phần thưởng cuối cùng cho một đứa con ngoan là điều Chúa Giêsu đã hứa từ trước.

Gợi ý suy niệm

1- Mỗi tuần, bạn lần hạt được mấy lần?

2- Bạn đã lần nào cảm nghiệm được hồng ân mà Đức Mẹ ban cho bạn qua việc lần hạt chưa?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét