GIA ĐÌNH THÁNH TÂM

Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

Kinh Lạy Cha 10/10 – Thứ tư tuần 27 Thường Niên "Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện".


LỜI CHÚA: Lc 11, 1-4

Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: "Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông". Người nói với các ông: "Khi các con cầu nguyện, hãy nói:

"Lạy Cha, nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ".


SUY NIỆM 1: Kinh Lạy Cha

Cầu nguyện là một việc quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu: Ngài vào sa mạc 40 ngày để ăn chay và cầu nguyện trước khi bắt đầu sứ vụ công khai; Ngài đã cầu nguyện suốt đêm trước khi tuyển chọn các Tông đồ; trong ba năm rao giảng Tin Mừng, Ngài cũng đã nhiều lần tìm đến nơi thanh vắng để sống những giờ phút thân tình với Chúa Cha trong cầu nguyện.

Ðược nhiều lần chứng kiến Chúa Giêsu chìm sâu trong sự kết hiệp với Chúa Cha, và niềm mong ước được đi vào sự hiệp thông với Chúa Cha, như Chúa Giêsu, các Tông đồ đã đến xin Chúa Giêsu dạy họ cầu nguyện, và Ngài đã dạy họ Kinh Lạy Cha.

Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy các Tông đồ gọi Thiên Chúa là Cha. Thực ra, quan niệm gọi Thiên Chúa là Cha không chỉ phổ thông trong dân tộc Do Thái: Trong Cựu Ước, nhờ giáo huấn của các Tiên tri, người Do thái gọi Chúa là Cha: Ngài là Cha của toàn dân; nhưng cả các dân tộc vùng Tiểu Á ngày xưa cũng gọi các thần minh là Cha. Tuy nhiên, cách xưng hô Cha, tiếng Do thái là Abba, mà Chúa Giêsu dạy các Tông đồ hoàn toàn khác hẳn với tiếng Cha của người Do Thái trong Cựu Ước. Ðó là tiếng thông dụng thường ngày nơi miện con trẻ gọi cha mình. Như thế, tiếng Cha trong Kinh Lạy Cha là nền tảng mạc khải của Chúa Giêsu và là lời tuyên tín của Cộng đoàn Giáo Hội do Chúa Giêsu thiết lập, kêu lên với Thiên Chúa.

Kinh Lạy Cha là kinh quen thuộc đối với người Kitô hữu chúng ta. Mỗi ngày chúng ta đọc nhiều lần kinh này, thế nhưng chúng ta đã có thái độ thế nào? Người ta có lý để bảo rằng chúng ta đọc kinh một cách máy móc, thiếu hồn sống. Sỡ dĩ như vậy là vì chúng ta chưa ý thức đủ tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, chưa đi vào quan hệ mật thiết với Thiên Chúa, như con cái đối với cha mình.

Ước gì những giây phút dành riêng để gặp gỡ, tiếp xúc với Chúa, giúp chúng ta càng thêm gắn bó, yêu mến và dấn thân thực thi thánh ý Chúa trong đời sống chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Ý Nghĩa Của Kinh Lạy Cha

Chúng ta không đi sâu vào chi tiết chú giải kinh Lạy Cha, cũng không muốn tìm hiểu tại sao lời kinh Lạy Cha được Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ lại được ghi lại một cách khác nhau nơi Phúc Âm Mátthêu chương 6 và Phúc Âm Luca chương 11 và được Giáo Hội trình bày cho chúng ta trong lời suy niệm hôm nay. Chúng ta hãy nhớ đến ý nghĩa kinh Lạy Cha như là một bản tóm kết trọn vẹn cả Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, bản tóm gọn khoa thần học, một bản giáo lý về đời sống Kitô. Chúng ta cần khám phá kinh Lạy Cha, đây là trường dạy ta cầu nguyện và hãy cầu nguyện kinh Lạy Cha với tâm trí chìm sâu trong chiêm niệm, để mỗi ngày chúng ta được hiểu thêm về mầu nhiệm Thiên Chúa trong cuộc đối thoại Cha con, trong thái độ tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa và với con tim rộng mở để tha thứ cho anh chị em và đón nhận mọi người như anh chị em mình trong cùng một đại gia đình của Thiên Chúa. Ðối với người Do Thái thời Chúa Giêsu, việc đối thoại với Thiên Chúa và gọi Ngài là Cha trong ý nghĩa Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ Người hiểu, thì đó là một việc làm táo bạo và xúc phạm đến uy linh Thiên Chúa. Nếu không có lời Chúa Giêsu dạy để cầu nguyện như vậy, có lẽ con người phàm trần chúng ta không dám cất tiếng gọi Thiên Chúa là Cha như vậy.

Cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha theo ý Chúa Giêsu muốn qua lời kinh Lạy Cha là một việc làm hết sức mới mẻ và đồng thời cũng hết sức đòi hỏi. Thói quen chúng ta đọc kinh Lạy Cha quá thường, làm cho chúng ta mất đi ý thức về sự mới mẻ và về đòi hỏi quan trọng đối với Thiên Chúa cũng như đối với anh chị em. Ðối với Thiên Chúa, mọi đồ đệ cần phải tôn vinh Ngài và vâng phục thánh ý Ngài. Ðối với anh chị em, người đồ đệ Chúa không thể nào tránh né bổn phận tha thứ như Chúa đã tha thứ. Chúng ta hãy ý thức lại để cho sự mới mẻ này đòi hỏi kinh Lạy Cha thấm nhập sâu vào con người chúng ta và hướng dẫn mọi hoạt động lớn nhỏ hàng ngày của người Kitô chúng ta.

Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng; Nước Cha trị đến.

Xin hãy ban ơn xuống trên chúng con tràn đầy Thánh Thần Chúa để chúng con có thể sống vâng phục thánh ý Cha dưới đất cũng như trên trời, như Chúa Giêsu, Con Cha đã nêu gương cho đến hy sinh mạng sống mình trên thập giá để cứu rỗi nhân loại chúng con. Xin Cha tha thứ những lầm lỗi của chúng con và ban ơn giúp chúng con thật lòng tha thứ cho nhau noi theo mẫu gương nhân từ tha thứ của Cha. Xin Cha gìn giữ chúng con luôn trung thành trong đức tin, ban cho chúng con sức mạnh để đừng sa vào chước cám dỗ, đừng sống nô lệ thần dữ và tội lỗi.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 3: Lời Cầu Nguyện Lớn Nhất

Có một lần Đức Giêsu cầu nguyện ở một nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” (Lc. 11, 1)

Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện lớn nhất vừa giản dị vừa dễ dàng. Hợp với trình độ của mọi người. Người nhỏ mọn nhất cũng như người uy quyền nhất, người danh giá cũng như người bình dân, người thông thái cũng như người thất học. Kinh lạy Cha phát xuất từ trái tim Đức Kitô và môi miệng của Người, không do sự chuẩn bị soạn thảo, nhưng do sự kết hiệp của Người với Thiên Chúa.

Từ câu hỏi của các tông đồ: “Thưa Thầy xin dạy chúng con cầu nguyện cũng như Gioan dạy các môn đệ của ông”. Đức Giêsu không trả lời bằng văn bản kênh kiệu, bùi tai, lóe mắt, súc tích những mầu nhiệm thâm sâu. Đức Kitô hài lòng dùng những lời đơn sơ thốt ra từ miệng trẻ thơ. Và đã được hàng triệu Kitô hữu lặp đi lặp lại qua bao nhiêu thời đại. Lời cầu nguyện vĩ đại này mở đầu bằng lời chào: “Lạy Cha chúng con”, đầy cảm mến, khiến người ta phải suy tư từ đầu đến cuối. Kinh lạy cha có thể giúp ta đặt niềm tin vào Thiên Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào, của hạng người nào. Nó giúp cho cả những người Hồi Giáo, Phật Giáo cầu nguyện cũng như người Công Giáo. Nó không chỉ giúp cho phong trào hiệp nhất Kitô giáo mà cho cả thế giới, các tôn giáo đang đi tìm những giá trị chung có sức hữu hiệu qui tụ cả loài người, dù niềm tin chính thức của họ là gì. Đối với ai tin vào Đấng Tối Cao, họ sẽ dễ dàng theo Đức Kitô để cầu nguyện với Thiên Chúa của họ như là cha của mình, Đấng ngự trên chốn tối cao, để cho danh thánh của Ngài vinh hiển, triều đại của Ngài mau đến và thánh ý chí tôn của Ngài được thực hiện.

Đối với những ai tin vào Đấng tuyệt đối, họ sẽ dễ dàng biết bao khi nghĩ đến xin Ngài ban cho con cái dưới đất của nuôi hằng ngày, xin Ngài tha thứ những lầm lỗi như họ cũng tha cho kẻ xúc phạm đến họ, đừng để họ xa chước cám dỗ và giải thoát họ khỏi mọi sự dữ.

Kinh lạy cha đánh dấu những chặng đường lớn của cuộc đời chúng ta, được đọc giữa lúc cử hành thánh lễ hằng ngày, kinh lạy cha càng đọc đi đọc lại, càng là sức mạnh lạ lùng giúp chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa. Thật lạ lùng, Đức Giêsu đã để lại cho chúng ta kinh lạy cha làm gia tài muôn thuở.

GF.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét