GIA ĐÌNH THÁNH TÂM

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Quyển sách cao siêu nhất 14/09 – Thứ sáu. SUY TÔN THÁNH GIÁ. Lễ kính. "Con Người phải bị treo lên".


SUY TÔN THÁNH GIÁ

Dưới thời hoàng đế Hérachius I, những người Ba Tư xâm chiếm Giêrusalem và lấy mất phần chính của Thánh Giá thật mà thánh Hélène, mẹ của hoàng đế Constantin đã để lại. Hérachius nhất định chiếm lại Thánh Giá này. Ngài cầu nguyện, xin Chúa giúp đỡ và nung nấu lòng can đảm. Quả nhiên, lời cầu xin của nhà vua đã được Chúa chấp thuận, ngài đã đánh bại được quân Ba Tư và trở về Constantinople giữa tiếng reo hò của dân chúng. Với những cành Olive, những ngọn đuốc cháy sáng, Thánh Giá thật của Chúa đã được tôn vinh trong bầu khí khải hoàn. Hoàng đế tràn trề sung sướng muốn trở về Giêrusalem với Thánh Giá này sau 14 năm lưu lạc. Nhà vua tiến vào thành thánh, nhưng trước khi lên núi Sọ, ngài đã không thể bước đi được nữa, khiến cho mọi người đều kinh ngạc sợ hãi. Giáo trưởng Zachazie hô lớn: "Tâu đức vua, chắc chắn phẩm phục của đức vua không xứng đáng với cảnh nghèo nàn và khiêm nhượng của Chúa Giêsu khi vác Thánh Giá".
Hérachius vội cởi bỏ phẩm phục sang trọng, và thay bằng vào bộ quần áo nghèo hèn. Tức thì nhà vua cất bước một cách dễ dàng... và để ra sự khải hoàn, Chúa đã ban nhiều phép lạ cả thể trong ngày ấy.
Từ đó, lễ kính Thánh Giá Chúa Giêsu được lập ra để nhắc nhớ cho các thế hệ kỷ niệm ngày này.

Lời Chúa: Ga 3, 13-17
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng Nicôđêmô rằng: "Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời. Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời.
"Quả thật, Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người, để tất cả những ai tin vào Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ".

SUY NIỆM 1: Quyển sách cao siêu nhất
Người ta thường mượn câu chuyện sau đây để nói đến tinh thần hy sinh, chấp nhận trong cuộc sống.
Có một người kia cứ phàn nàn trách Chúa vì đã gửi đến cho mình một thập giá quá nặng... Chúa bèn đưa người đó đến một cửa hàng có các thập giá đủ cỡ để người đó chọn lựa.
Người đó hăm hở bước vào cửa hàng và dựng cây thập giá của mình vào tường. Người đó tự nhủ trong lòng: "Ðây là chuyện cả đời người, ta phải hết sức cẩn thận".
Thế là anh ta đi rảo khắp hết mọi lối đi của cửa hàng và thử hết cây thập giá này đến cây thập giá khác. Nhưng không có một cây nào làm anh vừa lòng. Cây thì quá dài, cây thì quá ngắn. Cây thì quá nhẹ, cây thì quá nặng... Anh lại tiếp tục tìm kiếm. Cuối cùng, anh đã tìm được cây thập giá mà anh cho là ưng ý nhất. Anh mang đến với Chúa và nở nụ cười mãn nguyện: "Lạy Chúa, đây chính là cây thập giá mà con hằng tìm kiếm. Con xin vác lấy". Khi anh vừa hí hửng ra khỏi cửa hàng, thì Chúa mỉm cười nói với anh: "Ta rất vui mừng vì con đã chấp nhận cây thập giá. Ðây cũng chính là cây thập giá mà con đã vác vào và dựng ở tường của cửa hàng".

Hôm nay Lễ Suy Tôn Thánh Giá, Giáo Hội mời gọi chúng ta đào sâu Mầu Nhiệm Thập Giá trong đời sống Ðức Tin của chúng ta. Thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars bên Pháp, đã nói: "Thập giá là quyển sách cao siêu nhất... Chỉ có những ai yêu mến, nghiền ngẫm quyển sách này, những người đó mới thật sự là người thông thái".
Thập giá Chúa Giêsu là quyển sách cao siêu nhất, bởi vì, đó là dấu chứng cao cả nhất của Tình Yêu. "Không có tình yêu nào cao quý hơn mối tình của người thí mạng vì người mình yêu". Từ một khí cụ độc ác đê hèn nhất của con người đã có thể nghĩ ra để hành hạ người khác, Chúa Giêsu đã biến nó thành dấu chứng của Tình Yêu: Tình Yêu vâng phục đối với Chúa Cha và Tình Yêu dâng hiến cho nhân loại...


Suy tôn Thánh Giá Chúa, chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì đã cho chúng ta được đi vào Mầu Nhiệm Tình Yêu của Chúa. Trong Mầu Nhiệm ấy, cuộc sống của chúng ta không còn bị đè bẹp dưới sức nặmg của những đau khổ nữa, nhưng luôn mang lấy một ý nghĩa: đó là ý nghĩa của Tình Yêu.


(Trích trong ‘Lẽ Sống’)

SUY NIỆM 2: Lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa Giêsu
Chúng ta hết thảy đều biết, hôm Ðức Giêsu chịu chết trên Thập giá, chỉ có mấy bạn hữu nghĩa thiết của Người đứng gần. Họ là những người yếu đuối nghèo khó. Chẳng ai biết phải làm gì! May thay có các ông Giuse và Nicôđêmô đi xin Philatô cho phép hạ xác Chúa xuống và táng trong huyệt. Còn thập giá của Người thì chẳng ai để ý đến. Sau ngày Phục sinh, các môn đệ cũng chỉ bận đầu với việc Chúa sống lại. Và với ơn trợ giúp của Thánh Thần, họ bắt đầu đi rao giảng ở mọi nơi. Người ta quan tâm đến việc xây dựng các giáo đoàn và lo nhớ lại giáo huấn cũng như cuộc đời của Chúa Giêsu chứ những di vật và kỷ niệm vật chất của Người, không ai để ý.
Cho đến khi có nhiều người ở xa Ðất Thánh đã tòng giáo và muốn cũng như có điều kiện hành hương những nơi Chúa đã sinh sống, việc thu lượm những di vật kỷ niệm về Chúa trở thành một cuộc săn tìm. Chính trong hoàn cảnh ấy người ta nghĩ rằng đã tìm lại được cây Thập giá mà Chúa đã vác và đã nằm trên khi bị đóng đinh. Lập tức hình cụ ấy đã trở thành vật thánh; thập giá trở thành Thánh giá; và người ta suy tôn kính mến.
Lễ hôm nay muốn nhắc lại kỷ niệm này. Hội Thánh thúc giục con cái đến với Thánh giá, bắt chước các tín hữu khi mới tìm lại được cây gỗ đã đóng đinh Chúa Giêsu, để nơi cây Thánh giá mà hằng ngày vì quá quen không còn ý nghĩa bao nhiêu, chúng ta được dịp khám phá lại giá trị vinh quang cao cả của nó. Phụng vụ giúp chúng ta ba bài đọc để suy nghĩ. Ba bài thường thôi nhưng hàm chứa biết bao sự thật!


A. Câu Truyện Rắn Ðồng
Bài sách Dân số kể lại một câu truyện, mà nếu không có bài Tin Mừng hôm nay, thì hầu chắc đã chẳng được mấy ai để ý. Ðó là truyện con cái Israel hồi đó đang đi loanh quanh trong sa mạc để hướng về Ðất Hứa. Một hôm họ bị rắn lửa cắn quá nhiều; Môsê theo lệnh Chúa dựng lên một con rắng đồng để chữa họ.
Câu truyện vắn tắt quá! Ai tin thì nghĩ đây là một phép lạ. Còn ai không tin, có thể cho rằng tác giả sách Thánh đã bịa đặt. Nhưng một chữ viết ở thời xưa vẫn có giá trị. Và thường ý nghĩa của nó không hiện ra tức khắc. Các khoa học lịch sử, địa dư, văn minh, tôn giáo có thể cung cấp cho chúng ta ngày nay nhiều yếu tố quý giá để hiểu câu truyện này.
Việc có nhiều rắn lửa trong sa mạc là điều có thật. Ðó là loại rắn độc cắn chết người. Nhưng đồng thời ở các mỏ đồng gần đó, người ta cũng bới tìm được nhiều hình rắn đồng. Ðó là hình ảnh một vị thần của dân ngoại, nổi tiếng có sức chữa lành bệnh tật. Như vậy chắc chắn ngày xưa khi bị rắn lửa cắn, người ta đã khẩn cầu vị thần này, cũng như ngày nay khi mắc bệnh người ta đi tìm dược liệu; và nhiều tiệm bào chế vẫn trình bày hình một con rắn.
Môsê dẫn con cái Israel đi qua nhiều dân ngoại. Chắc chắn họ đã thấy các dân này thờ thần rắn để được khỏi bệnh. Và chắc chắn khi bị đau yếu con cái Israel cũng bị cám dỗ chạy đến với vị thần nổi tiếng này. Môsê coi đó như là một nguy hiểm cho tôn giáo độc thần. Ông thấy có bổn phận phải mở mắt và dạy dỗ Dân. Có lẽ khi nhiều người trong họ bị rắn lửa cắn là dịp để ông giải quyết vấn đề.
Chúng ta hãy đọc câu truyện của bài sách Dân số trong viễn tượng ấy. Rõ ràng có nhiều bài học tôn giáo trong câu truyện này. Và phải nói đây là Lời Chúa dạy dỗ Dân về mặt đạo đức đi từ một câu truyện chứ không phải là bài chỉ muốn tường thuật câu truyện ấy.
Trước hết chúng ta được biết vì sao con cái Israel bị rắn lửa cắn. Họ muốn bỏ Chúa, bỏ con đường đi tới tự do để trở về mảnh đất nô lệ. Họ phàn nàn đã nghe Môsê và Chúa để đi tìm Ðất Hứa. Giả như họ cứ ở lại Aicập thì làm gì phải cảnh ngộ này: gối mỏi chân chồn, nước uống thiếu hụt, thức ăn chán ngấy! Họ đã quên ơn giải phóng, tỏ ra bạc nhược trước khó khăn và bất trung, thất tín đối với Giao ước. Ðã đành có khó khăn, vất vả; nhưng Chúa không toàn năng và đáng tin tưởng sao? Vì sao không phấn đấu để cứ tin Người và Môsê, vị Ngôn sứ của Người? Phàn nàn, trách móc là điều không tốt; muốn bỏ Chúa để trở về đời sống cũ là phản bội. Rắn lửa bò ra cắn những kẻ kêu trách là hình phạt Chúa gửi đến. Bệnh tật và các sự dữ ở đời đều do tội lỗi: Ðó là bài học thứ nhất của câu truyện hôm nay.
Nhưng tội lỗi và sự chết không có tiếng nói cuối cùng. Con cái Israel đã nhận ra bài học Chúa dạy. Họ đến với Môsê, thú nhận tội lỗi và nhờ ông khẩn cầu lòng Chúa tha thứ. Họ để lại cho hậu thế bài học sám hối ăn năn.
Chúa rộng lòng tha thứ, dạy Môsê làm hình một con rắn đồng treo lên một cây sào để ai bị rắn cắn, nhìn vào sẽ được khỏi. Như vậy rắn đồng không phải là thần thánh mà chỉ là dấu hiệu hoặc khí cụ Thiên Chúa dùng. Chính Người chữa lành người ta, khi họ ăn năn hối cải trở về với Người.
Con cái Israel đã hiểu như vậy. Về sau mỗi lần có khốn khó ập tới, các ngôn sứ của Chúa chỉ cần kêu gọi thống hối ăn năn, chứ không cần treo lên một dấu hiệu nào nữa. Chẳng bao giờ người Dothái thờ thần Rắn như nhiều lân bang. Câu truyện con rắn đồng hầu như không còn được nói đến nữa. Ngược lại dần dần người ta cảm thấy rằng chẳng có gì có thể chữa dứt được thứ bệnh của con cái Israel, thứ bệnh "tội lỗi" mà các ngôn sứ làm cách nào cũng không ngăn ngừa nổi. Các lễ thiêu và kinh nguyện sáng chiều không sao rửa sạch tội lỗi của Dân cứng đầu hay kêu trách. Cuối cùng người ta chỉ còn biết đợi cánh tay uy hùng của Chúa. Chính Người phải ra tay cứu độ mới được. Bất cứ người Dothái đạo đức nào cũng nghĩ như vậy. Và Nicôđêmô, khi đến với Ðức Giêsu ban đêm, cũng chỉ muốn được hiểu biết thêm về kế hoạch cứu độ này. Chúng ta hãy nghe Chúa dạy dỗ trong bài Tin Mừng.

B. Ý Tưởng Về Thập Giá
Nicôđêmô là một Biệt phái. Ông còn là một đầu mục trong Dân, tức là có chân trong Hội đồng tối cao. Nhưng ông không nghĩ như đồng bạn về Ðức Giêsu. Ðối với Người, ông có lòng tôn kính và muốn được Người chỉ dẫn đường lối cứu độ. Người bảo ông: muốn nhìn thấy Nước Thiên Chúa, người ta phải sinh lại. Ông bỡ ngỡ và lo sợ. Già như ông làm sao có thể sinh lại được? Thấy vậy Ðức Giêsu phải cắt nghĩa rõ hơn cho ông về đường lối cứu độ của Thiên Chúa.
Người nói: "Như Môsê giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ bị giương cao như vậy". Có thể Nicôđêmô đã bắt được ý của Chúa, ông là người học rộng biết nhiều. Ông là bậc làm thầy của Israel, nên không những ông đã biết câu truyện Rắn đồng trong sách Dân số, mà có thể ông còn nhớ cả lời bàn của sách Khôn ngoan về câu truyện ấy (16,6-10). Sách viết: kẻ nào quay lại nhìn thì được cứu, không phải nhờ điều nó thấy nhưng là nhờ Người là Ðấng cứu chữa mọi người. Phải, ơn cứu độ thì bởi Chúa, nhưng con rắn đồng kia cũng là dấu hiệu độ sinh. Dấu hiệu này, bây giờ Ðức Giêsu nói, sẽ là Con Người khi bị giương cao. Và đó là mạc khải hôm nay Người ban cho Nicôđêmô.
Chắc chắn ông đã không thắc mắc gì về từ ngữ "Con Người". Ðã nhiều lần Ðức Giêsu dùng kiểu nói ấy để ám chỉ mình. Nhưng việc Con Người sẽ bị giương cao là điều mới lạ hoàn toàn đối với ông. Nó còn là điều mầu nhiệm nữa. Chúng ta có thể chắc chắn rằng: hôm đó ra về ông đã chẳng hiểu bao nhiêu. Và luôn luôn nó sẽ là một tư tưởng ám ảnh ông cho đến ngày sự thật ấy xảy ra.
Quả vậy, cho dù ông thông thạo Kinh Thánh và biết những đoạn Isaia về Người Tôi Tớ đau khổ, hoặc lời sấm của Zacarya viết rằng: chúng sẽ nhìn lên Người chúng đã đâm, hôm nói chuyện với Ðức Giêsu, Nicôđêmô vẫn chưa hình dung được sự thật. Còn Ðức Giêsu, Người đã không tiếc lời với ông. Người đã gieo vào lòng ông những điều cần thiết để sau này sẽ giúp ông hiểu.
Người muốn nói với ông rằng: dấu hiệu độ sinh sau này sẽ là Con Người khi bị treo trên Thập giá. Nhưng ông chưa mang nổi một sự thật như vậy; giống như Phêrô khi nghe nói cũng không chịu được và xin Chúa từ nay đừng nói như vậy nữa. Tuy nhiên đó vẫn là sự thật cứu độ, sự thật duy nhất có thể cứu độ người ta. Ðức Giêsu đã phải làm cho mọi người hiểu. Và hôm nay Người cố gắng giúp Nicôđêmô. Người cho ông biết: đứng trước Thập giá của Người sau này chỉ ai tin mới được sự sống đời đời. Không gì có thể giải thích được đường lối cứu độ của Thiên Chúa đâu! Chỉ có lòng tin mà thôi. Lòng tin sẽ là ánh mắt nhìn vào dấu hiệu độ sinh. Không có lòng tin này, người Dothái đi qua sẽ thấy Thập giá là cớ vấp phạm và người Hylạp sẽ bảo là điên rồ; duy đối với ai được kêu gọi thì đó là khôn ngoan của Thiên Chúa (1C 1,23).
Quả vậy, đức tin sẽ bảo cho người ta biết: Thiên Chúa đã yêu mến thế gian như thế đó, đến nỗi đã thí ban Con Một Người để ai tin vào Ngài... được có sự sống đời đời. Vì Thiên Chúa đã không sai Con của Người đến để xử án thế gian nhưng để cứu độ. Người ta đừng chờ Con của Người đến lẫm liệt oai phong khiến mọi người phải sợ hãi. Vì thế đừng ai hiểu việc Con của Người được giương cao theo nghĩa được hiển vinh ở đời này và theo cách thức trần gian. Ngài đến để cứu sống nên muốn được giương cao lên như rắn đồng nơi sa mạc. Lúc đó mọi người sẽ thấy quả thật Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi thí ban Con Một Người chịu chết đền tội chúng ta. Ðó là dấu hiệu của tình yêu lớn nhất, mà không tình yêu nào sánh được. Ðó là dấu chỉ Thiên Chúa đã yêu thương thì Người muốn yêu thương chúng ta đến cùng. Mầu nhiệm cứu độ là mầu nhiệm yêu thương. Yêu thương sẽ sáng chói trong hy sinh đổ máu. Thế thì Con Người trên Thập giá vừa bị giương cao vừa được lên cao. Thập giá của Ðức Kitô chỉ bị ô nhục bề ngoài; chứ bên trong, quả là khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa. Ðó là cây gỗ Chúa leo lên để làm sáng chói tình yêu lớn nhất. Các vết thương của Người đầy vinh quang. Ai tin thì thấy đó là dấu hiệu độ sinh và Thập giá đã trở nên Thánh giá.
Hôm nay, một cách đặc biệt chúng ta tin như vậy, thì phụng vụ mời chúng ta tung hô Thánh giá theo bài thư Phaolô dưới đây:

C. Ca Tụng Thánh Giá Chúa Giêsu
Có lẽ Thánh Tông đồ đã chỉ có công chép lại một ca vãn lưu hành trong các cộng đồng Kitô giáo thời bấy giờ. Nó là đức tin của Hội Thánh ở trước Thánh giá Chúa Giêsu. Ðức tin ấy tuyên xưng rằng: Ðấng nằm trên cây gỗ là một vị Thiên Chúa; Ngài không nghĩ phải đòi cho được tôn trọng đồng hàng cùng Thiên Chúa; nhưng Ngài đã muốn hủy mình ra không, tức là lột bỏ những vẻ uy nghi cao cả, để mặc lấy thân phận và hình thức tôi đòi; vì quả thực Ngài đã sống rất bình dị ở giữa mọi người và có khi còn muốn đóng vai trò người tôi tớ. Ðặc biệt trong cuộc tử nạn, Ngài đã hạ mình thấp hèn vâng phục ý định của Thiên Chúa cho đến chết và chết trên Thập giá!
Nhưng chính vì vậy, Thiên Chúa đã suy tôn Ngài trong việc phục sinh, đặt Ngài làm Chúa để bất cứ thụ tạo nào cũng phải quỳ gối bái lạy...
Hôm nay chúng ta cũng đặc biệt bái lạy Thánh giá Chúa Giêsu; Chúng ta sẵn sàng tuyên xưng niềm tin của tất cả Hội Thánh như các tín hữu tiên khởi đã viết ra trong bài thánh ca này.
Nhưng nếu chỉ có thế thì vẫn chưa đạt được ý của thánh Phaolô. Người đã chép lại bài thánh ca để gửi cho giáo dân Philip. Họ đang có nhiều bất hòa và cãi cọ, mà nguyên nhân là những sự kèn cựa không chịu nhịn nhục nhau. Thế nên, chép bài thánh ca gửi cho họ, thánh Phaolô muốn họ nhìn vào gương Chúa Giêsu mà đừng ganh tị vì hư danh nữa, nhưng hãy khiêm nhượng và vâng lời.
Lời khuyên này đối với chúng ta nhiều khi hãy còn thức thời và thiết thực. Nếu chúng ta muốn cho các tương quan xã hội tốt đẹp hơn, há chẳng phải trở về gương Chúa Giêsu trên Thập giá sao? Hơn nữa mỗi khi muốn tiếp tục công việc cứu thế, thiết tưởng chúng ta phải trở về với Thánh giá Chúa Giêsu. Ðó là dấu hiệu độ sinh duy nhất đã được Thiên Chúa mạc khải từ đầu trong sách Dân số cũng như các sách Tiên tri. Chúng ta phải nhìn vào với lòng tin. Chúng ta phải nhìn vào để bắt chước. Chắc chắn chúng ta sẽ được cứu độ và có thể cứu thế.
Mầu nhiệm Thánh giá giờ đây được cử hành trong Thánh lễ. Ðức Giêsu không nghĩ phải giằng cho được vinh dự của một Thiên Chúa. Người chấp nhận hình bánh rượu tầm thường để nên lương thực nuôi sống chúng ta. Người dùng hình thức thập giá này để thông ban tinh thần của Người cho chúng ta.
Ðó là tinh thần yêu mến vâng phục Thiên Chúa; nhưng đồng thời cũng là tinh thần yêu thương đồng loại cho đến cùng đến nỗi thí ban cả mạng sống mình để mọi người được cứu độ. Chúng ta hãy học và đem ra thi hành trong đời sống cả hai mặt của tinh thần yêu thương đó, tức là vừa mến Chúa vừa thương người, không phải chỉ bằng tư tưởng hay môi miệng nhưng bằng cả việc làm và sự sống. Chắc chắn như vậy có khổ, có thiệt thì cũng chỉ là những hy sinh vinh quang nói lên mầu nhiệm Thánh giá là dấu hiệu độ sinh, mà chúng ta suy tôn hôm nay.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

SUY NIỆM 3: Ba cuộc đời - ba cách chết
(Suy niệm của Lm. Jos. Tạ duy Tuyền)
Trên đồi Golgotha cách đây hơn hai ngàn năm, có 3 tử tội trên thập giá. Ba con người đều chết trên thập giá với ba thái độ khác nhau. Ðó chính là Thầy Giê-su ở giữa. Một người bên hữu được gọi là trộm lành. Một người bên tả truyền thống vẫn gọi là trộm dữ. Tại sao cùng một hoàn cảnh mà cách thức đón nhận lại khác nhau? Ðâu là điểm khác biệt giữa ba con người?


Trước hết đó là Thầy Giê-su,một con người đã tự nguyện vác thập giá để cứu độ chúng sinh. Ngài chấp nhận đi vào cái chết không phải do tội của mình mà vì tội của nhân gian. Ngài đã chết để thí mạng vì bạn hữu. Cả cuộc đời của Ngài đã sống vì người khác. Ngài đã sống một cuộc đời để yêu thương và yêu thương cho đến cùng. Ngài đã đi đến tận cùng của yêu thương là thí mạng mình vì bạn hữu. Cái chết của Ngài là bằng chứng cho tình yêu. Ðau khổ Ngài chịu cũng vì yêu thương nên Ngài không than vãn, không uất hận vì đời đen bạc. Không nguyền rủa cuộc đời vì những gánh nặng đang đè trên vai. Vì yêu đối với ngài không chỉ là tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội, mà còn dám chết cho người mình yêu được sống và sống dồi dào. Thế nên, đau khổ đối với Ngài là niềm vui. Và ngài đã đi vào cái chết trong thanh thản vì đã hoàn thành sứ mạng đời mình: "yêu thương và phục vụ cho" người mình yêu. Ngài không hối tiếc về cuộc sống đã qua. Ngài không hối hận vì việc mình đã làm. Ngài rất vui vì đã đi trọn con đường của tình yêu. Ngài đã trút hơi thở cuối cùng trong an bình khi Ngài nói cùng nhân loại "mọi sự đã hoàn tất" và nói cùng Chúa Cha "Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn trong tay Cha".
Người thứ hai là anh trộm lành.Anh là một tội nhân. Anh đón nhận hình phạt và cái chết vì chính tội của mình. Nhưng anh là một con người biết phải trái. Anh biết việc mình làm là đáng tội, là đáng phải chịu hình phạt. Cuộc đời anh chưa làm điều gì tốt cho tha nhân. Anh đã sống một cuộc đời chỉ làm hại người khác. Thế nên, anh đã nói với Chúa: "Tôi đã bị như thế này là xứng đáng với tội của tôi". Anh đón nhận thập giá để đền bù những lầm lỗi đã qua. Anh chấp nhận cái chết nhục nhã như là hình phạt đích đáng vì tội của mình. Anh đã tìm được bình an trong giờ phút cuối cùng của đời người. Anh cũng biết rằng anh không xứng đáng chung phần hạnh phúc thiên đàng với Thầy Giê-su, anh chỉ mơ ước Thầy Giê-su nhớ tới anh khi Thầy về thiên đàng. Ðối với anh thập giá là cơ hội để anh để anh đền bù lầm lỗi. Thập giá là nhịp cầu đưa anh vào thiên đàng. Thế nên, anh đón nhận thập giá với lời xin vâng theo mệnh trời. Anh không oán trời, oán đất. Anh đi vào cái chết với tâm hồn thanh thản vì anh đã đền bù những lầm lỗi của quá khứ cuộc đời.
Người thứ ba là anh trộm dữ.Anh lao vào cuộc đời như con thú đang tìm mồi. Cuộc đời anh chỉ tìm hưởng thụ cho bản thân. Vì ham muốn danh lợi thú anh đã sẵn sàng hạ thấp nhân phẩm mình và chà đạp phẩm giá của tha nhân. Anh đang có nhiều toan tính để hưởng thụ. Thế nên, anh không chấp nhận thập giá trên vai anh. Anh không chấp nhận kết thúc cuộc đời bằng cái chết bi thảm trên thập giá. Anh đòi quyền sống. Sống để hưởng thụ. Anh nổi loạn vì đời anh còn quá trẻ, còn quá nhiều tham vọng nên anh không thể chấp nhận cái chết đến với mình. Thế nhưng, anh vẫn phải chịu hình phạt vì tội của mình. Công lý đòi buộc anh phải thi hành, dầu anh không muốn. Thập giá làm cho anh đau khổ. Cái chết làm cho anh nổi loạn. Anh nguyền rủa trời, nguyền rủa đất và xúc phạm cả đến Thầy Giê-su, một con người đang phải chịu cái chết vì đã liên đới với anh. Anh đã chết trong sự hoảng loạn và khổ đau.


Mỗi người chúng ta đang sống một cuộc đời cho chính mình. Mỗi người chúng ta đang đón nhận thập giá với thái độ khác nhau. Có người chấp nhận thập giá để đền tội. Có người chấp nhận thập giá vì lòng yêu mến tha nhân. Và cũng có người đang từ chối thập gía trong cuộc đời. Hạnh phúc hay đau khổ tuỳ thuộc vào việc chọn lựa sống của chúng ta. Nhưng dù con người có muốn hay không? Thập giá vẫn hiện diện. Thập giá của bổn phận. Thập giá của hy sinh từ bỏ những tham lam bất chính, những ham muốn tội lỗi, những ích kỷ tầm thường. Ðón nhận thập giá sẽ mang lại cho ta tâm hồn bình an vì đã sống đúng với bổn phận làm người. Ðón nhận thập giá còn là cơ hội để ta đền bù những thiếu sót trong cuộc sống của mình và của tha nhân. Ðón nhận thập giá còn là cơ hội để ta tiến tới vinh quang phục sinh với Chúa trên thiên đàng.
Nguyện xin Chúa là Ðấng đã vui lòng đón nhận thập giá vì chúng ta, nâng đỡ và giúp chúng ta vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa. Xin giúp chúng ta biết sống một cuộc đời hy sinh cao thượng để chúng ta không hối hận vì quá khứ, nhưng luôn bình an vì đã sống chu toàn bổn phận của mình với lòng mến Chúa, yêu người. Amen.

SUY NIỆM 4: Lễ suy tôn Thánh Giá
(Suy niệm của Lm. Trần Bình Trọng)
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Suy tôn Thánh giá. Thánh giá là một nghịch lý trong đạo Thiên Chúa giáo nói chung và đạo công giáo nói riêng. Một đàng thánh giá là nguyên nhân thất vọng, tai họa và sự chết. Ðàng khác Thánh giá mang lại nguồn hy vọng, toàn thắng và sự sống. Trước khi Ðấng Cứu thế đến, thánh giá là hình phạt khiếp sợ cho tội nhân. Bị coi là một tội nhân nên Ðức Giêsu phải chịu đóng đinh trên thánh giá với hai người trộm cướp. Ngày nay Thánh giá đã trở nên dấu hi vọng và toàn thắng cho người Kitô giáo. Ðó chính là điều mà thánh Phaolô đã khẳng định: Rao giảng Ðức Kitô chịu đóng đanh, điều mà người Do thái coi là ô nhục, không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do thái hay Hi lạp, Ðấng ấy chính là Ðức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1Cr 1,23-24).
Phúc âm hôm nay nhắc đến một việc khủng khiếp xẩy ra cho dân Chúa trong sa mạc trên đường tìm về đất hứa. Khi dân chúng phàn nàn, kêu trách Chúa vì họ thiếu đồ ăn, nước uống, Chúa phạt họ bằng cách cho rắn độc đến cắn. Rồi với lòng thương xót, Chúa lại truyền cho ông Môsê làm cây gậy đồng để cứu chữa họ. Bất cứ khi nào ai bị rắn cắn, mà nhìn lên con rắn đồng thì được chữa khỏi (Ds 21,4b-9). Ðức Giêsu coi việc treo con rắn đồng trong sa mạc là dấu chỉ Người sẽ bị treo trên thập giá để những ai tin vào Người thì được sống muôn đời (Ga 3,15). Thánh Phaolô cũng đã rao giảng về Ðức Kitô chịu đónh đanh cho tín hữu Phi-líp-phê: Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (Pl 2,8).
Như vậy theo Thánh kinh thì ơn cứu độ đến với loài người qua thánh giá và phục sinh. Thánh giá và phục sinh của Ðức Kitô không thể nào tách rời được. Không có thánh giá, không thể có phục sinh. Không có phục sinh, không thể có sự sống vĩnh cửu. Ðó là lý do tại sao Giáo Hội có thể nói đến sự toàn thắng của thánh giá trong nền tảng thần học của thánh giá.
Người Kitô giáo không thể tin vào Ðức Kitô mà lại chối bỏ thánh giá. Người Kitô giáo không thể chối bỏ thánh giá, mà phải tôn vinh Thánh giá như phương tiện cứu rỗi. Họ phải hãnh diện về biểu hiệu của Thánh giá. Tuy nhiên họ không được dừng lại ở thánh giá mà phải vượt qua thánh giá và tìm cho ra ý nghĩa của việc mang vác thánh giá. Vì có sự liên hệ giữa thánh giá và phục sinh mà Ðức Giêsu mời gọi người môn đệ vác lấy thánh giá để theo Người (Mt 16,24; Mc 8,34; Lc 9,23). Tại một một tiểu chủng viện kia trong quá khứ, các chủng sinh được ban giáo sư tập cho thói quen đặt thánh giá bên gối đầu giường để khi chưa ngủ được thì suy niệm về mầu nhiệm tử nạn và phục sinh. Sau khi chịu chức linh mục, có linh mục kia vẫn giữ thói quen để thánh giá bên gối đầu giường. Khi không thấy thánh giá, linh mục đó cảm thấy như thiếu thốn một báu vật gì khiến cho linh mục đó cảm thấy khó ngủ.
Phụng vụ lời Chúa hôm nay nhắc nhở người tín hữu về nền tảng của đức tin: qua thánh giá thì có triều thiên, triều thiên cứu rỗi, triều thiên đợi chờ những ai chạy tới cùng đích. Ðối với người tín hữu, Thánh giá đã trở nên biểu hiệu của tình yêu thương bao la mà Thiên Chúa dành cho loài người. Do đó mà thánh Gioan Newman đã có thể đặt bút viết: Thập giá Chúa Kitô đã khiến cho những giá trị nhân bản phải được xét lại, bằng cách bầy tỏ một tình yêu mạnh đến nỗi đã san bằng hố sâu giữa sự sống và chết.
Nhìn quanh, người ta thấy biết bao người đang phải mang vác thánh giá về đau yếu, bệnh hoạn và tật nguyền về thể lý, tâm lý và tinh thần. Có những người uống thuốc chữa trị nhiều năm mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Có những người đi bác sĩ, nằm nhà thương liên tiếp, mà bệnh tật vẫn còn đó. Nhiều người phải mang vác thánh giá của cảnh băn khoăn, lo âu, sợ hãi và hiểu lầm trong suốt cả cuộc sống.
Nhiều người còn phải mang vác thánh giá của cảnh nghèo túng và đói khát, ta cầu xin Chúa cho đất đai của họ trở nên mầu mỡ để họ có thể sản xuất thực phẩm. Nhiều người phải mang vác thánh giá của cảnh kì thị, ta cầu xin Chúa là sức mạnh và nguồn hi vọng của họ. Nhiều người phải mang vác thánh giá của cảnh bách hại vì tin vào Chúa ngay cả trong thời đại ta đang sống ở những miền đất khác nhau trên thế giới, ta cầu xin Chúa là nguồn an ủi và là sức mạnh của họ, ban chọ họ lòng can đảm, cậy trông. Nhiều người phải mang vác thánh giá của cảnh chia li, ta cầu xin Chúa cho họ được đoàn tụ với người thân yêu. Nhiều người khác phải mang vác thánh giá của cảnh li dị, ta cầu xin Chúa hàn gắn những vết thương lòng của họ.

Cuối cùng ta cầu xin Chúa ban sức mạnh và lòng can đảm cho những người phải mang vác những thánh giá khác nhau của cuộc sống để họ có thể biến đổi thánh giá thành dụng cụ của sự toàn thắng và ơn cứu độ.
Lời cầu nguyện cho những ai đang phải mang vác thánh giá của cuộc sống:
Lậy Ðức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người!
Vì yêu thương nhân loại,
Chúa đã chịu đau khổ và vác thánh giá vì tội lỗi loài người gồm tội lỗi của chính con.
Xin Chúa ban sức mạnh và niềm an ủi cho những ai
đang phải vác thánh giá của cuộc sống
về bệnh tật, đau khổ phần hồn, phần xác và tinh thần.
Xin Chúa làm vơi nhẹ những thánh giá của họ
và biến đổi thánh giá của họ thành dụng cụ cứu rỗi. Amen.


SUY NIỆM 5: Suy tôn Thánh Giá
Thập giá nhắc đến một nghịch lý này : Chính lúc hạ mình xuống cùng cực, Con Người được nâng lên, được tôn vinh. Lúc Người bị kết án tử hình, thế gian lại được cứu độ.
Bài ca của Thánh Phaolô
Thập giá tới độ thấp nhất trong âm điệu của bài ca trong thơ gởi giáo đoàn Philíphê. Âm điệu của Con Thiên Chúa đời đời tự hạ mình xuống làm người, rồi lại tiến hành được tôn vinh trở về với vinh quang Thiên Chúa. Trung tâm thập giá là phụng vụ, khổ hình là dụng cụ tối cao đem ơn cứu chuộc đến cho loài người. Thập gía mang nặng ý nghĩa sự dữ cùng cực của chúng ta và vì Đức Giê-su đã chịu treo vào nó là dấu chỉ ơn cứu độ chúng ta.
Tôn vinh
Thánh Gioan dùng hình ảnh con rắn đồng Môsê treo lên, những ai bị rắn độc cắn nhìn lên rắn đồng sẽ được chữa khỏi. Đức Ki-tô bị treo lên thánh giá đem lại ơn cứu độ cho những người nhìn lên Người với lòng cậy trông, sẽ nhận biết Người là con Thiên Chúa. Người trộm lành, môn đệ Gioan, viên sĩ quan Rôma, ông biệt phái Nicôđêmô, ông Giuse Arimathia, nghị viện hội đồng, đây là những vị được vây quanh Thánh Giá Đức Giê-su, mọi sự đã lìa những vị này, chỉ có một người liên kết với các vị ấy là Đức Giê-su trên thập giá.
Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu hết những mầu nhiệm của Thiên Chúa : Đức Giê-su là Người tôi tớ đã chiếu tỏa vinh quang Thiên Chúa. Vinh quang xuất hiện từ thập giá, một nghịch lý của mặc khải Kitô giáo tại thế này. Thiên Chúa đã hạ mình thấp hèn trong Đức Giê-su, để mặc khải những sự lạ lùng hơn tất cả mọi quyền năng của thế gian này và nhờ thế đã giải thoát chúng ta khỏi thế gian này.
Trong khi nhìn lên thánh giá, chúng ta cảm tạ Chúa Cha, Ngài đã ban Con Ngài cho chúng ta, và chúng ta nhận ra ý nghĩa đời sống của chúng ta :
Mỗi lần chúng ta cầu nguyện, chúng ta biết đặt mình trước mặt Đức Ki-tô trên thánh giá. Chúng ta muốn chiêm ngắm Chúa, thì hãy nhìn lên thánh giá, Ngài sẽ hiện ra cho chúng ta nhìn ngắm, nhờ cái nhìn này chúng ta được cứu độ.
J.M
SUY NIỆM 6: Suy tôn Thánh Giá

Tuần báo Thế Kỷ Kitô, xuất bản bên Hoa Kỳ có kể lại kinh nghiệm sau đây của một vị linh mục công giáo tại bang Carolina vào Tuần Thánh.
Ðể giúp các tín hữu trong giáo xứ suy niệm về mầu nhiệm thập giá, linh mục này cho dựng một cây thập giá cao to, bằng gỗ sơn đen ngay trong sân nhà thờ. Chẳng may trong ngày hôm đó, có người xưng mình là đại diện cho hãng du lịch trong vùng gọi điện thoại đến khiếu nại. Lý do như sau: khách du lịch đi qua trước nhà thờ không thích nhìn thấy cây thập giá đen thui này, họ muốn xem những gì vui tươi hơn. Ðó là câu chuyện của đời này ở bên Hoa Kỳ. Nhiều người đã quên hay cố quên mầu nhiệm thập giá trong đời sống đức tin, nhưng không phải chỉ là chuyện đời này mà thôi, ngay từ thời xa xưa, thời các thánh tông đồ cũng đã xảy ra như thế. Thánh Phaolô đã thốt lên rằng: "Nhiều người sống nghịch lại thập giá Chúa. Họ chỉ sống theo cái bụng, chạy theo lợi lộc, ham vui". Thập giá Chúa còn có ý nghĩa gì đối với người Kitô hôm nay chăng?

Trước khi mạc khải về ý nghĩa của mầu nhiệm thập giá, Chúa Giêsu nhắc lại cho ông Nicôđêmô về nguồn gốc thần linh từ trời xuống của chính mình như là Con Thiên Chúa: "Không ai đã lên trời, ngoài trừ Con Người, Ðấng từ trời xuống". Tự nó, thập giá là chặng dưới đất và thực tại đau buồn do con người tạo ra, nhưng để hiểu trọn vẹn ý nghĩa của nó thì cần phải đóng đinh Con Thiên Chúa vào đó, cần phải hiểu mầu nhiệm thập giá trong cái nhìn từ trên cao, trong cái nhìn của Thiên Chúa, Ðấng muốn và đã sai Con Một mình xuống trần gian và chịu chết treo trên thập giá, để biến dấu chỉ của sự trừng phạt trở thành dấu chỉ của tình yêu cứu rỗi. "Con Người cũng sẽ bị treo lên như vậy, như con rắn đồng của Môsê, để ai tin vào Con Người thì được sống muôn đời". Chúa muốn ông Nicôđêmô nhìn về thập giá từ trên cao theo cái nhìn của chính Chúa, và lúc đó con người sẽ khám phá ra rằng Thiên Chúa dùng thập giá để mạc khải tình yêu thần linh, để hòa giải con người với Thiên Chúa và với nhau.
Như lời mời gọi của Chúa cho ông Nicôđêmô, cần phải đặt Con Thiên Chúa vào thập giá, cần phải treo Con Thiên Chúa lên thập giá, con người chúng ta có hiểu được ý nghĩa của thập giá? Thập giá mạc khải cho con người biết tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng là dấu chỉ của sự khước từ của con người đối với Thiên Chúa, là dấu chỉ của sự thù ghét của con người đối với con người, của con người say mê quyền hành và danh vọng, muốn làm mọi cách để loại bỏ đối thủ của mình như những người biệt phái pharisiêu ngày xưa đã dùng thập giá để loại bỏ Chúa Giêsu, Ðấng đang lôi kéo dân chúng bỏ họ mà theo Chúa.

Mỗi người Kitô chúng ta hôm nay, nhân ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá, hãy kiểm điểm lại thái độ của mình đối với thập giá Chúa. Phải chăng thập giá Chúa đã bị tục hóa, bị chúng ta biến trở thành món trang sức để khoe của, để củng cố địa vị, để lường gạt anh chị em? Chúng ta làm dấu thánh giá trên mình, chúng ta mang dấu thánh giá trên áo, trên cổ nhưng chúng ta đã sống ý nghĩa của thập giá như Chúa đã mạc khải như thế nào?

Lạy Chúa,
Xin thương dạy con hiểu biết, đón nhận và sống mầu nhiệm thập giá trong chính đời sống của con. Xin cho con một tâm hồn quảng đại, không chạy trốn trước lời mời gọi của thập giá Chúa, nhưng sẵn sàng để cho cuộc đời con được đóng đinh vào thập giá với Chúa, trở thành của lễ hy sinh, giúp anh chị em nhận ra tình yêu Chúa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét