GIA ĐÌNH THÁNH TÂM

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

15-9 Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc




BIẾT ƠN MẸ ĐỒNG CÔNG CỨU CHUỘC
(Suy niệm Lễ Mẹ Sầu Bi 2012)

Có một bài hát về Đức Mẹ, xin được imprimatur, trong bài hát ấy có nhóm từ “Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc”. Một linh mục chuyên dạy thần học trong ban xét duyệt đề nghị: ‘đổi nhóm từ “Đồng Công Cứu chuộc” thành nhóm từ khác, vì Giáo Hội chưa công bố tín điều “Đồng Công Cứu Chuộc”.
Tác giả ấy hơi buồn, không đổi, và cũng không phổ biến bài hát. Được hỏi, tác giả ấy trả lời: “Buồn vì nhóm từ này đã sử dụng cả thế kỷ nay, kể cả bài hát của Linh Mục Nhạc Sư Kim Long, cây Đại Thụ Thánh Nhạc Việt Nam, trong bài Mẹ Đứng Đó: “Mẹ đứng đó tâm hồn tê tái sầu, Đồng Công cùng con dấu yêu…”. Không đổi vì tôi muốn giữ cho tôi  cảm nghiệm sâu sắc về hai từ Đồng Công. Không phổ biến là vì chưa được phép”.
Anh cảm nghiệm thế nào về hai từ Đồng Công?

Cảm nghiệm từ tấm lòng của mẹ tôi, mẹ bạn, mẹ chúng ta, những người mẹ trần gian. Tôi đơn giản đặt mình vào cuộc thương khó của Chúa Giê-su, đặt mình bị án tử hình, đặt mình hấp hối trên Thập Giá, đặt mình rùng mình trước khi tắt thở, đặt mình gục đầu xuống…chết. Và đặt mẹ tôi trong vai Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá. Tôi không biết lúc ấy Mẹ Maria đau khổ như thế nào, nhưng nếu là Mẹ tôi, chắc Mẹ tôi đứt từng đoạn ruột, xem như mẹ tôi cũng đang chết cùng tôi. Như vậy, cái chết của tôi trên thập giá, có cả cái chết của mẹ tôi kìa, đang đứng dưới chân thập giá kìa, đứt ruột! Mẹ chết đứng! Cũng thế, tôi nghĩ cha Kim Long đã đọc, đã suy, đã cầu, đã thấm đẫm nỗi đau của Mẹ Maria khi Ngài viết “Mẹ đứng đó”, nhưng thực ra, có thể nói là “Mẹ đang chết đứng đó”. Và cho tới hôm nay, thiết tưởng cả và thế gian này không ai hiểu nỗi việc “Đồng Công Cứu Chuộc” của Mẹ bằng chính Con Của Mẹ.

Bởi vì, Mẹ Maria đã tập chết từ lúc “Xin Vâng” hay đúng hơn đã cùng chết với Con Mẹ từ giây phút “Xin Vâng” ấy. “Xin Vâng” của Mẹ là bằng lòng cho Ngôi Hai Nhập Thể, cũng là lúc Ngôi Hai “Xin Vâng” ý của Thiên Chúa Cha mà nhập thể trong cung lòng Mẹ. Bất kỳ động thái “Xin Vâng” nào cũng hàm chứa một sự từ bỏ mình, một lần chết đi ý riêng của mình, chết đi cái tôi của mình, một lần tử vì đạo không đổ máu.
Đúng là, cả Chúa Giê-su Con Mẹ, và cả Mẹ nữa, đều vâng phục Thánh Ý của Cha: “Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người” (x. Dt 5, 7-9)

Chúng ta vẫn suy gẫm ‘Bảy Sự Thương Khó” của Đức Mẹ và không nghiệm ra là bảy lần “Xin Vâng”, bảy lần chết đó sao? Mỗi lần “Xin Vâng” như thế đều vì sứ mệnh cứu chuộc của Con mình, hơn là vì mình.
Mẹ đã được sinh ra để tử vì đạo. Mẹ là người được Tử Vì Đạo đầu tiên trong Tân Ước. Hơn nữa, cuộc Tử Vì Đạo không đổ máu ấy lại cùng lúc với cuộc Tử Vì Đạo Đổ Máu của Con Mẹ trên Thánh Giá kia, trước mắt Mẹ. Chắc hẳn Mẹ đã suy gẫm trong lòng điều Mẹ đã “Xin Vâng”, suy gẫm cả những điều xảy ra cho Mẹ, và suy gẫm cả lời tiên tri đáng buồn: “Đây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ” (Lc 2, 34-35).

Điều Mẹ suy gẫm trong lòng hẳn phải là suy gẫm về sự chết hằng phút hằng giờ của Mẹ, chết cái riêng mình để đẹp ý Thiên Chúa Cha, để nhân loại được cứu chuộc. Mẹ đã tập chết từng phút, hay nói đúng hơn, Mẹ đã sống trong sự chết vì thánh ý của Thiên Chúa.

Đã đến hồi cụ thể cái chết của Mẹ, Thánh Gioan thuật lại cái chết của Chúa Giê-su “Đứng gần thập giá Chúa Giêsu có Mẹ Người…” (Ga 19, 25). Và chỉ chừng ấy thôi. Tác giả không thể thuật lại nỗi đau vô hình trong lòng Mẹ, cũng không thể diễn tả bằng loại ngôn ngữ nào nói về cái chết “không thấy được” của một người Mẹ “đang chết đứng” dưới chân thi hài con mình! Cái chết do lòng quảng đại hiến dâng con mình để cứu chuộc nhân loại. Cái chết do lòng khiêm tốn thuận tình thuận ý Thiên Chúa Cha. Cái chết do lòng vâng phục tuyệt đối. Cái chết do lòng Tin hoàn toàn, Cậy vững vàng, và Mến nồng nàn dành cho Thiên Chúa Cha để Ngài thực hiện ý định Cứu Chuộc nhân loại.
Rồi Thánh Gioan kể tiếp: “Khi thấy Mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu thưa cùng Mẹ rằng: "Thưa Bà, này là Con Bà". Rồi Người lại nói với môn đệ: "Này là Mẹ con". Và từ giờ ấy, môn đệ đã lãnh nhận Bà về nhà mình”.
Thêm một lần “Xin Vâng” của Mẹ. Thêm một lần hiến dâng cho công cuộc cứu chuộc nhân loại. Mẹ làm Mẹ các con cái của Chúa Giê-su. Mẹ nhận lãnh trách nhiệm đem những kẻ tin vào Con mình vào Nước Hằng Sống.

Thảo nào, Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội, Lumen Gentium, Chương VIII, “Ðức Nữ Trinh Maria Mẹ Thiên Chúa Trong Mầu Nhiệm Chúa Kitô Và Giáo Hội”, số 61 đã viết: “Cộng tác vào việc cứu chuộc:  Từ muôn đời, Ðức Nữ Trinh đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa. Và theo chương trình của Chúa Quan Phòng, trên trần gian Ngài đã trở nên Mẹ cao trọng của Ðấng Cứu Chuộc thần linh, và cách đặc biệt hơn mọi người khác, Ngài là cộng sự viên quảng đại và tôi tá khiêm hạ của Chúa. Vì đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Kitô, đã dâng Chúa Kitô lên Chúa Cha trong đền thánh và cùng đau khổ với Con mình chết trên thập giá, Ðức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, Ngài thật là Mẹ chúng ta”

Trong khi chờ đợi một công bố về “Tín Điều Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc”, hoặc chờ đợi một Lễ Đức Mẹ Sầu Bi, Mẹ Đau Thương, được đổi thành Lễ “Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc”, để các tín hữu yêu mến Mẹ hơn, biết ơn Mẹ nhiều hơn, thì thiết tưởng, thời khắc nào đi nữa, mỗi chúng ta cũng có thể hát bài “Mẹ Đứng Đó” mà sẻ chia niềm đau và biết ơn Mẹ đã cộng tác vào công cuộc cứu chuộc nhân loại và mỗi chúng ta.
Cũng có thể gẫm suy toàn bài Stabat Mater (Mẹ đứng dưới chân Thập Giá) của Giacopone da Todi (1360), tu sĩ dòng Phanxicô, hoặc ít là tâm niệm câu kinh nguyện này trong bài thơ ấy:
“Lạy Chúa, xin cho lòng con cháy lửa mến yêu, mến yêu Đức Kitô là Thiên Chúa, để cho con có thể làm đẹp ý Người”. A men

PM. Cao Huy Hoàng, 13-9-2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét