THÁNH GIU-SE, BẠN TRĂM NĂM
ĐỨC MARIA
Suy
niệm Lời Chúa: Mt 1, 16.18-21.24a Còn hơn cả công chính
Phụng vụ ngày lễ cống hiến một đoạn văn ngắn ngủn và hiếm hoi của Phúc âm
Mát-thêu để hé lộ cho thấy con người Tin Mừng của Giu-se, vị thánh thường vẫn
được tôn thờ và cầu khẩn dưới các tước hiệu như Dưỡng Phụ của đức Giê-su hay
Bạn Trăm Năm của Trinh Nữ Ma-ri-a. Vậy con người Tin Mừng của ngài có gì là đặc
sắc, có gì nổi bật? Hơn nữa ngài có gì để giúp cho tôi sống Tin Mừng hơn, ngoài
việc có thần thế cầu bầu trước mặt Chúa cho tôi được ơn này hay ơn khác?
Trong chuỗi liệt kê gia phả đức Giê-su, câu 16 tạo nên một bước ngoặt: Giu-se
không sinh ra Giê-su. Qua và nhờ ông, chỉ một điều duy nhất được xác định:
Giê-su chính là hậu duệ hợp pháp của vua Đa-vít. Trong tiến trình Giê-su giáng
sinh và lớn lên Giu-se không đóng vai trò chủ chốt. Cái bóng của ông vẫn có đó,
nhưng chỉ thấp thoáng trong tư cách hỗ trợ ‘ông đón vợ về nhà.., ông đưa
Ma-ri-a đi khai sổ bộ.., ông tìm quán trọ.., ông ở bên Hài Nhi đặt nằm trong
máng cỏ.., ông đem Con Trẻ lên Giê-ru-sa-lem để hiến dâng.., đang đêm ông đưa
Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.., ông lại đưa Hài Nhi và mẹ Người trở về
đất It-ra-en.., rồi về Na-da-rét miền Ga-li-lê.., ông lo lắng đi tìm Trẻ Giê-su
thất lạc trong đền thờ…’ Ngoài các điều đó, ông chỉ được xem như một con
người tầm thường, bình dị, một công nhân lao động không được bà con lối xóm tôn
trọng là bao (Lc 4, 22).
Lời khen tặng duy nhất Phúc Âm dành cho ông là: “Ông là người công chính”; tuy nhiên đó cũng chẳng phải
là một lời khen ngợi cao quí gì cho lắm. Công chính (justus) của Giu-se chỉ là
một thuộc từ chứ không là tước hiệu đặc biệt như trường hợp của Ba-sa-ba (Cv
1,23). Trước con mắt các công dân Do Thái ông đơn giản là một người tốt, chính
trực, tức là sống trung thành với các qui định của luật Mô-sê [NB. Các bản dịch
Anh ngữ sử dụng nhiều tĩnh từ khác nhau như ‘just, righteous, good,
honorable…’] Khi giáp mặt với tình huống liên quan tới ly hôn. Giu-se chỉ muốn
tuân thủ cặn kẽ các qui định của luật pháp được ghi trong Đệ Nhị Luật. Nếu có
đôi chút đặc biệt thì cũng chăng qua là thái độ tế nhị ông muốn thi hành điều
này cách kín đáo và êm thắm. Khi miêu tả ông là người công chính, tôi thiết
tưởng Phúc âm chỉ muốn nói: Giu-se, miêu duệ Đa-vit, là một người Do Thái hoàn
hảo (điều này có tầm quan trọng rất lớn đối với các độc giả trực tiếp của Phúc
Âm Mát-thêu).
Và sứ thần Chúa được gởi đến can thiệp không với mục đích trấn an ông. Sứ thần
chỉ khảng định kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa muốn thực hiện ‘vì chính Người
sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ’. Và trong kế hoạch đó, ông được dành
cho một vai trò nhất định: qua ông và nhờ ông, Giê-su sẽ được luật pháp công
nhận là miêu duệ của Đa-vít, một điều có tầm mức vô cùng lớn lao trong quan
niệm của người Do Thái về đấng Mét-si-a. Để thi hành được kế hoạch này, cụ thể
ông phải ‘đừng ngại đón Ma-ri-a vợ ông về…’ và chu toàn vai trò
của một gia trưởng ‘đặt tên cho con trẻ là Giê-su’. Điều đó ngầm hiểu
ông sẽ phải đình chỉ thi hành các điều luật định ‘viết cho nàng một chứng
thư ly dị, trao tận tay và đuổi nàng ra khỏi nhà’ (Đnl 24,1).Nếu chấp nhận
lời sứ thần sẽ đồng nghĩa với việc, trước luật pháp Do Thái ông không còn có
thể coi mình là công chính được nữa. Giu-se phải lựa chọn một trong hai: kế
hoạch cứu độ của Thiên Chúa hay sự công chính của riêng mình. Và ông đã quyết
định. ‘Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy, và đón vợ ông về
nhà…”
Tôi thiết nghĩ sự vĩ đại đích thực của Giu-se chính là ở đây. Ma-ri-a, bạn ông,
cũng phải trải qua một kinh nghiệm và chọn lựa tương tự: sự công chính của lề
luật - có con với chồng đã thành hôn - hay kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. “Việc
đó xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” Và lời ‘Xin
vâng!’ của Ma-ri-a cũng dứt khoát như hành động ‘Đón vợ về nhà’ của
Giu-se.
Trong đời sống thường ngày tôi chắc rằng mỗi người đều phải kinh qua một số lựa
chọn tương tự, nhất là thông qua những gì ta quen gọi là vâng phục hay chu toàn
Ý Chúa. Riêng tôi, kinh nghiệm Ki-tô hữu phải khiêm tốn nhìn nhận thân phận yếu
hèn tội lỗi để dọn chỗ cho kế hoạch cứu độ đầy yêu thương Chúa được thực hiện
nơi mình, vẫn luôn rất khó khăn. Và thánh Giu-se sẽ giúp tôi làm được điều này.
Lạy Thánh Cả Giu-se, dầu biết
ngài là đấng có quyền thế trước mặt Chúa, nhưng con lại muốn năng chạy tới ngài
như Cha và Thầy hướng dẫn cuộc sống và các lựa chọn Tin Mừng của con. Xin Cha
giúp con đặt Tin Mừng cứu độ Chúa lên trên tất cả những gì con và người đời
thường coi là cao đẹp. Xin giúp con thấu hiểu viếc đón nhận lòng thương xót và
ơn cứu độ luôn đòi khiêm tốn và tự hủy. Amen
Tác giả bài viết: Lm Gioan Nguyễn Văn Ty
SD
THÁNH GIUSE – NGƯỜI GIA TRƯỞNG ĐẠO ĐỨC
Đối với những người ở
làng Nazareth, thì Giuse cũng giống như bao chàng trai khác, hiền lành chăm chỉ
cần mẫn với công việc. Thánh Matthew chỉ ghi lại một nhận định của mọi người
khi nói về Giuse: Anh là một người công chính.
Có lẽ nhiều người ngày nay bị
nhiễu trong khái niệm đạo đức, người ta nói nhiều đến các thứ đạo đức, nào là đạo
đức trong kinh doanh, đạo đức trong làm ăn, thậm chí đạo đức cách mạng, đạo đức
xã hội,… người ta cũng đưa ra những mẫu người được coi là đạo đức để cho dân
chúng noi theo, rất nhiều các khái niệm như thế, nhưng có một thứ đạo đức căn bản,
lại ít khi được xã hội nhắc đến, đó lá đạo đức làm người và đạo làm con, đạo
làm vợ đạo làm chồng, làm cha mẹ, những đạo này mới thực sự là nền móng cho các
thứ đạo đức khác. Nếu một người không có những cái đạo đức này thì không thể thức
hành được một thứ đạo đức nào khác.
Đối với người Kitô hữu, thì
ngoài các thứ đạo đức căn bản làm người, chúng ta còn phải chu toàn một thứ đạo
đức cao hơn đó là đạo làm con Chúa. Khi nói Thánh Giuse là một gia trưởng đạo đức,
chúng ta muốn chiêm ngắm cuộc sống của thánh nhân trong cái đạo đức của một người
chồng người cha trong gia đình và nhất là tấm gương của đời sống đạo đức đối với
Chúa của Ngài.
Đối với những người ở làng
Nazareth, thì Giuse cũng giống như bao chàng trai khác, hiền lành chăm chỉ cần
mẫn với công việc. Thánh Matthew chỉ ghi lại một nhận định của mọi người khi
nói về Giuse: Anh là một người công chính. Khi nói Giuse là người công chính,
thì đồng nghĩa trong ánh mắt của dân làng, Giuse là một người làm ăn lương thiện
và có trách nhiệm trong nghề nghiệp của mình. Có lẽ nghề thợ mộc của Giuse
không nổi tiếng, nhưng đối với một ngôi làng nhỏ như Nazareth lúc bấy giờ, hẳn
ai cũng biết đến tính nết, con người và nghề nghiệp của Ngài. Giuse đã sống và
chu cấp cho gia đình có một cuộc sống tương đối đầy đủ, là nhờ nghề thợ mộc
này. Cũng chính vì thế, một lần khi Đức Giêsu trở về Nazaret rao giảng, dân
làng đã không tin Đức Giêsu, vì thấy cuộc sống của gia đình này rất đỗi bình
thường chẳng có gì nổi bật, và họ còn nói với nhau rằng: Chàng Giêsu này chẳng
phài là con bác thợ mộc trong làng đó hay sao? Mẹ của anh chẳng phải là bà
Maria ở cùng trong xóm với chúng ta đó sao ? Tại sao anh này lại có quyền năng
như vậy ? Những thắc mắc của những người Nazaret tỏ ra coi thường thân thế và gốc
gác gia đình của Chúa Giêsu, nhưng qua đó lại cho thấy gia đình của Giuse Maria
là một gia đình bình thường, nghèo khó, nhưng họ không để cho sự nghèo khó che
mờ lương tâm, không nhân danh sự nghèo khó để tham lam bất công hay làm điều gì
đó bất lương, vì nếu có, thì chắc những người dân làng này đã có dịp để mạt sát
Đức Giêsu.
Trong vai trò là một người gia
trưởng, người chồng, thì sự công chính đạo đức của Giuse được thể hiện qua việc
chu toàn thật tốt trách nhiệm làm chồng làm cha cách gương mẫu. Là một người chồng,
Giuse đã là người bảo vệ cho vợ con được an toàn, trước hết Giuse bảo vệ danh dự
cho Maria, khi chưa biết rõ điều gì xảy ra cho người yêu của mình, mặc dù thấy
việc có thai của Maria là khác thường khó hiểu, Giuse không vội vàng đem điều
này ra để tố cáo hay hạ nhục người mình yêu theo luật Do Thái, nhưng Giuse đã
chờ đợi để nhận ra ý Chúa, và đã quyết định rút lui khi thấy mình bất xứng.
Nhưng Thiên Chúa đã muốn Giuse dùng sự hiền lành đạo đức của mình để bảo toàn
danh dự cho Maria khỏi sự soi mói của dân làng, bằng cách đón rước Maria về nhà
như là người vợ của mình, và chăm sóc cho Maria không hề nghi nan hoặc không hề
có một sự đắn đo băn khoăn nào. Với vai trò là một người cha, Giuse đã tỏ ra là
một người cha khôn ngoan và có trách nhiệm, Giuse đã bảo vệ sự an toàn cho trẻ
Giêsu ông khi vội vàng đem con chạy trốn khỏi sự tàn sát của Herôde, qua việc
báo mộng của sứ thần Chúa; được coi là khôn ngoan vì Giuse cũng phảỉ cân nhắc
tình hình xã hội, khi thấy Achelao lên ngôi sẽ không dể dàng cho cuộc sống của
gia đình, nên Giuse đã khôn ngoan để đưa gia đình về Nazareth tránh sự độc ác của
vị vua này.
Thánh Giuse được Tin Mừng gọi
là Đấng công chính. Công chính trong cái nhìn đạo đức của Do Thái, người công
chính là người chu toàn lề luật giới răn của Thiên Chúa một cách trọn vẹn và
chu toàn các bổn phận đạo đức thường ngày một cách tốt đẹp. Thánh Giuse đã là một
người chồng người cha thánh thiện đạo đức, chính vì thế mà Ngài mới có thể dễ
dàng nhận ra thánh ý của Thiên Chúa trong những sóng gió của đời sống gia đình.
Trước hết là sự việc gây khó xử cho Giuse khi thấy Maria mang thai không phải bởi
mình, Giuse đã không vội vàng phản ứng theo sư nóng nảy hoặc theo theo những
cách thông thương là tố cáo người yêu của mình, mà Ngài đã nhận ra được tiếng
nói của Chúa qua biến cố đó, và đón Maria về nhà mình. Với biến cố năm Chúa
Giêsu lên 12 tuổi, đã cho thấy mặc dù cuộc sống gia đình của Giuse còn rất nhiều
khó khăn, vậy mà Thánh Giuse đã không vì thế mà trể nải việc hành hương Gierusalem,
trái lại, Giuse đã sắp xếp để gia đình cùng lên Giêrusalem chu toàn việc hành
hương thờ phượng Thiên Chúa, và việc này đã được thực hiện thành một thói quen
tốt cho cả gia đình. Sau này Thánh Kinh cũng đã nhiều lần nhắc đến việc Chúa
Giêsu vào hội đường mỗi ngày Sabat theo thói quen, và lên Giêrusalem theo thói
quen. Cái thói quen mà Tin Mừng nhắc đến đó là một thói quen đạo đức tốt lành
mà Giuse đã tạo lập nên, cho gia đình cho vợ con mình và có ảnh hưởng sâu đậm
trên cuộc đời của trẻ Giêsu.
Trong biến cố Chúa Giêsu ở lại
Gierusalem ba ngày để bố mẹ phải đi tìm kiếm cũng cho thấy con người và đời sống
của Giuse, mặc dù Giuse không nói một lời nào trong biến cố này, nhưng chắc chắn
Giuse đã vô cùng lo lắng, và lo lắng trong thinh lặng cầu nguyện tìm kiếm thánh
ý Chúa, vì vậy khi tìm thấy con, Đức Maria đã nói với Chúa Giêsu: Con ơi! Sao
con để cha con và mẹ phải vất vả lo lắng tìm con? Sau biến cố này, Chúa Giêsu
đã trở về Nazareth, và Tin Mừng ghi lại: Người lớn lên càng thêm tuổi càng thêm
khôn ngoan và nhân đức. Một câu nhận định thật đơn giản như lại càng cho thấy
vai trò của Giuse trong việc giáo dục trẻ Giêsu trong đời sống đạo đức làm người
và làm Con Chúa, vì chính Giuse trong vai trò là người cha đã làm gương mẫu cho
trẻ Giêsu trong đời sống đạo đức, tạo lập nên một môi trường gia đình đạo đức
êm ấm hạnh phúc cho trẻ Giêsu, để từ đó trẻ Giêsu được thừa hưởng và lớn lên
trong bầu khí ấy.
Thưa quý OBACE, mừng lễ Thánh
Giuse, chúng ta được mời gọi nhìn vào đời sống gương sáng của Thánh Nhân để học
hỏi tấm gương đạo đức của Ngài. Tấm gương này không chỉ dành cho những người
cha hoặc những người nhận Thánh nhân làm bổn mạng, mà là cho tất cả mọi người,
cho các bậc làm cha mẹ, cho những người làm con cái, vì tất cả mọi người đều được
mời gọi sống thánh, sống trọn đạo làm người và làm con Chúa.
Là người cha người mẹ trong gia
đình, mỗi người hãy chu toàn bổn phận của mình và sống đạo đức trong đời sống
gia đình. Tiền bạc công ăn việc làm và những lôi kéo của xã hội ngày nay, đang
là một thách thức cho các bậc làm cha mẹ khi chọn sống đạo làm người, làm con
Chúa; theo Chúa đòi họ phải chấp nhận sống một cuộc sống lương thiện, làm ăn
chân chính ngay thẳng, gạt bỏ những gian dối lọc lừa để sống và làm ăn theo
lương tâm và lẽ công bằng của Kitô giáo. Là cha mẹ, dù giàu hay nghèo, dù vất vả
hay sung sướng, thì cũng cần phải quan tâm hơn đến đời sống đạo đức của bản
thân và gia đình, vun đắp cho con cái một tâm hồn đạo đức, một nhân cách làm
người, một lối sống đạo hạnh, đừng vì bận rộn hay nghèo khó vất vả mà bỏ qua việc
vun đắp xây dựng cho gia đình mình trở nên hạnh phúc và đạo đức hơn.
Là gia đình Công Giáo, chúng ta
được mời gọi noi gương Thánh Giuse, chuyên chăm trong việc thờ phượng Chúa và tạo
lập nên bầu khí đạo đức cho gia đình, đừng vì lý do công việc mà trở nên lười
biếng hoặc từ chối việc dâng lễ, thờ phượng chúa mỗi ngày, đừng vì vất vả mà bỏ
qua các giờ kinh chung, kinh tối, của gia đình, vì mỗi khi gia đình cùng nhau đọc
kinh, Chúa sẽ hiện diện và giải gỡ những khó khăn và chỉ cho chúng ta biết cách
xử lý những khó khăn ấy.
Hơn nữa, noi gương Thánh Giuse,
các bậc cha mẹ cần nêu gương sống đạo đức siêng năng cho con cái, cha mẹ hiền
lành để đức cho con; phúc đức tại mẫu, các bậc làm cha mẹ hãy vì con cái
mà cố gắng hơn trong đời sống đạo của bản thân và gia đình, không bài học nào dễ
nhớ bằng việc nêu gương sáng, không lời răn dạy nào có sức mạnh bằng lời cầu
nguyện, và không có sự đỡ nâng nào bằng sự đỡ nâng của Chúa, các bậc làm cha mẹ
cần đến với Chúa trước, để rồi từ đó mới có thể đưa con cái mình đến với Chúa.
Xin Thánh Giuse chúc lành và
nâng đỡ cho mỗi người, dù đang sống trong bậc nào vẫn luôn là một người đạo đức
siêng năng và là là người nêu gương sáng cho anh em và người thân. Amen
Tác giả bài viết: Lm.
Đỗ Đức Trí
THÁNH GIUSE : VỊ GIATRƯỞNG ÍT LỜI
THÁNH GIUSE : VỊ GIATRƯỞNG ÍT
LỜI
Truyền thống Công Giáo
dành tháng 3 để biệt kính Thánh Giuse, Gia Trưởng của Gia Đình Nazareth. Ngài
là một vị thánh tuy rất được sùng mộ vì có nhiều quyền năng bầu cử trước mặt
Thiên Chúa, nhưng cũng lại là một con người hết sức ẩn dật và ít lời. Nhân ngày
19 tháng 3, ngày Giáo Hội Công Giáo mừng kính ngài, chúng ta hãy cùng nhau tìm
hiểu về thái độ ít nói ấy, và ứng dụng vào đời sống hôn nhân gia đình để giúp
thăng hoa hạnh phúc gia đình, đặc biệt trong vai trò người làm chồng và làm
cha.
Giuse hay Thánh Giuse là gia trưởng, là người cha, người chồng của
Gia Đình Nazareth. Gia đình này gồm Giuse, Maria, và Giêsu, tức là Thiên Chúa
Nhập Thể, Đấng Thiên Sai. Sự hiểu biết thông thường mà ai cũng có thể biết nếu
để ý đọc Tin Mừng, đó là Chúa Giêsu Kitô khi nhập thể đến với nhân loại, Ngài
đã đi qua cửa ngõ gia đình. Ngài không từ trời nhẩy dù xuống. Hoặc từ trong lòng
đất nhẩy vọt ra. Điểm nổi bật hơn nữa, là Ngài không xuất thân từ một gia đình
giầu có, vương giả nhưng đã chọn sinh ra trong một gia đình nghèo. Dưỡng phụ
Ngài - Giuse là một bác phó mộc. Còn mẹ Ngài - Đức Trinh Nữ Maria không thấy
nói gì về nghề nghiệp và hiểu như thế có nghĩa đơn thuần là một bà nội trợ.
Riêng cái nghèo của gia đình này thì Thánh Kinh đã miêu tả rất rõ,
nghèo đến độ Ông phải chấp nhận đưa gia đình tới tạm trú trong một chuồng nuôi
súc vật ngoài thành Belem, dù đó là trong mùa Đông giá lạnh, do không ai chứa
chấp vì nghèo. Nhưng điểm chính có lẽ phần đông các gia trưởng của thời đại
chúng ta hôm nay cần học hỏi nơi con người ấy là làm thế nào để hướng dẫn, lèo
lái một gia đình qua thái độ và cử chỉ ít lời như Giuse đã làm.
Thật vậy, ngay cả đối với những người Kitô hữu, thì vẫn có một
điều gì đó xem như khó hiểu về sự im lặng, âm thầm của Giuse. Một sự im lặng
đến ít lời và như câm nín. Điều này càng khó hiểu và khó chấp nhận đối với
những ai thường ngày nóng nảy, vội vàng, thiếu nhẫn nại, và không có tính tự
chủ. Họ có thể coi sự im lặng này là một thái độ bạc nhược, thiếu nam tính,
thiếu năng động, không có phản ứng mạnh. Nói theo văn chương và lối diễn tả
bình dân, là một anh chàng “sợ vợ”!
Nhưng phải đọc và suy niệm kỹ lời do Thánh Linh đã linh ứng cho
Mátthêu viết ra mới hiểu thế nào là giá trị sự im lặng của Giuse. Chính do sự
im lặng, ít lời này đã giúp Ông giải quyết rất nhiều những khó khăn và hiểu lầm
trong đời sống, cách riêng đời sống gia đình.
Gia đình của Giuse cũng như mọi gia đình khác, cũng có những khó
khăn của nó, cũng có những phức tạp của nó. Những điều này đòi hỏi sự quan tâm,
lo lắng, và hướng dẫn của một gia trưởng đạo đức, giầu tình thương, kinh nghiệm
và có trách nhiệm. Nhờ ít lời, Giuse đã phản ảnh tâm tình và suy nghĩ của một
gia trưởng đại đức, hiền lành, quảng đại, hiểu biết. Một người chồng, người cha
nhậy cảm đối với nhu cầu, hoàn cảnh và những khó khăn của người khác, cách thực
tế hơn là của vợ, của con. Ngôn ngữ đạo đức gọi đó là tâm hồn của người công chính:
“Giuse, chồng bà là người công chính!” (Mat 1:19). Luân lý xã hội và tâm lý gọi
đó là những người trưởng thành, có ý thức trách nhiệm và đạo đức. “Công chính”
chính là chìa khóa mở cửa tâm hồn, và cho phép ta có thể chiêm ngắm sự im lặng
của Giuse, một sự yên lặng mang ý nghĩa thánh thiện.
Để tạo ra một gia đình thánh (Thánh Gia Nazareth). Để đạt được
danh hiệu “công chính”, Giuse đã thực hành và sống với thái độ “Im lặng”. Có
nghĩa là ít lời nhưng không nhu nhược, trốn tránh trách nhiệm và bổn phận. Ít
lời nhưng không lạnh lùng, xa cách và gây căng thẳng, khó chịu cho vợ
con. Qua lối sống và hành xử ấy, Giuse đã thực hiện trong suốt cuộc
sống gia đình. Không ỷ quyền làm chồng, không cậy thế làm cha, Ngài luôn trầm
lặng để suy niệm, tìm hiểu thánh ý Thiên Chúa, sống theo Thánh Ý ấy. Nói ít và
làm nhiều, nhờ đó, Ngài đã hướng dẫn thành công gia đình của Ngài trên hành
trình tốt nhất, và vượt qua những khúc quanh nguy hiểm nhất.
Sự im lặng như thế cũng phản ảnh thái độ tự tin và đức khiêm tốn
cần thiết. Trong đời sống hôn nhân, gia đình do thiếu niềm tin vào Thiên Chúa,
do thiếu nhận thức về giới hạn và phạm vi của mình, nhiều người chồng, người
cha đã có những hành động vũ phu, lộng ngôn và lỗ mãng. Lời nói và hành động họ
phản ảnh thái độ thiếu giáo dục, vô đạo đức. Những hành động ấy, ngôn ngữ ấy
chỉ nói lên một tâm lý sống thiếu tự tin, thiếu trưởng thành, và thiếu hiểu
biết. Những gia trưởng này cần phải học nơi Giuse sự yên lặng. Vì im lặng giúp
tự kìm hãm, tự chủ, và khiêm tốn. Chỉ trong thinh lặng, họ mới có thời gian và
hoàn cảnh khám phá ra những nét đẹp, những nét đáng yêu của vợ, của con để vui
mừng, hãnh diện, đồng thời để nâng đỡ. Chỉ trong thinh lặng, họ mới
có thể học để kiểm soát tư tưởng, lời nói và hành động sao cho những lời nói ấy
trở thành khuôn thước, trở thành sự an ủi và khích lệ cho mọi thành phần trong
gia đình. Qua đó, họ sẽ nhận ra rằng không phải hễ la mắng, chửi rủa, hoặc trấn
át vợ con là mọi chuyện đều được giải quyết. Và cũng sẽ hiểu thêm rằng họ không
thể áp đặt những thái độ vũ phu để nhằm che lấp những thiếu sót và yếu điểm của
mình.
Sống trong thời đại văn minh và cơ giới hóa, con người phải chạy
đua với tốc độ và thời gian. Bị khua động bởi trăm nghìn tiếng va chạm nội tâm
cũng như bên ngoài. Về phần mình, nhiều người đã nói nhiều hơn làm, và thường
là nói những lời rỗng tuếch, khoe khoang hoặc tiêu cực đem đến sự nghi kỵ, chia
rẽ, làm ảnh hưởng đến đời sống của nhau. Những lời nói nhằm thỏa mãn tính kiêu
căng, ghen tương, và phách lối. Những lời nói nhằm thỏa mãnh cái tôi ích kỷ,
hẹp hòi, nông cạn. Do đó, con người thời đại hôm nay, hơn bao giờ hết cần học
nơi tấm gương im lặng của Giuse. Đặc biệt, đối với những người gia trưởng,
những người làm chồng, và làm cha. Phải nói khi nào? Nói gì, và nói như thế nào
để đem lại hạnh phúc, an vui, hòa bình trong gia đình. Để đem lại sự bình an
cho chính bản thân, gia đình và xã hội chung quanh. Bài học này, nếu khiêm tốn,
chúng ta có thể học được nơi Thánh Giuse, vị gia trưởng ít lời.
Lễ kính Thánh Giuse
19 tháng 3 năm 2012
Tác giả bài viết: Trần Mỹ Duyệt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét