Lá dừa Mùa Chay
|
Bóng
đổ trên tường, Ảnh NTT
|
Em đau, một mình em chịu. Em khóc, một mình em hay. Nếu em nhắm mắt lại chết
đi, vẫn chỉ một mình mình đi. Sáng sáng em thấy cảnh đời vẫn nhộn nhịp tấp nập
bên khung cửa. Mặt trời vẫn rộn ràng, chim vẫn hót líu lo, xe bus vẫn dừng lại
ngay trước cửa trạm. Tự nhiên em thấy tiếc cho một quãng thời gian
Mùa hè Úc Châu, xoài Darwin bán khắp nơi. Ăn xoài xong, tôi ơ hờ quẳng bỏ hột
xoài. Bẵng đi một tháng, tôi nhìn thấy hột xoài vẫn nằm lẻ loi ngoài sân vườn.
Nhìn hột xoài mốc meo, tôi không còn nhận ra hình dạng trái xoài Darwin to tròn
thơm ngát ngày nào. Xót xa cho phận xoài, tôi cúi xuống đào lỗ làm đám tang
chôn hột xoài. Rồi quên đi.
Thứ Ba trước ngày thứ Tư Lễ Tro, cha Giám Đốc chủng viện hỏi tôi còn giữ lại
những lá dừa Lễ Lá năm ngoái hay không? Cha nhờ tôi đốt lá dừa lấy tro cho ngày
Lễ Tro. Tôi đi vô phòng, cầm những lá dừa năm ngoái mang ra sân vườn. Nhìn
những cánh lá khô quắt cong queo trên tay, tôi thấy lại lá dừa xanh năm ngoái.
Hôm đó tôi mặc áo đỏ Lễ Lá vẩy nước phép lên những cành lá dừa xanh màu lá mạ.
Màu xanh năm ngoái tươi vui giờ này đổi sang màu lá úa. Sợi lá dầy cứng năm xưa
giờ này gầy ốm khẳng khiu. Nhìn đến là thương cho một kiếp thảo sinh. Tự nhiên
tôi mơ ước nếu lá dừa đừng biến đổi màu sắc và hình thể. Tự dưng tôi thương
tiếc cho đời lá ngắn ngủi. Bỗng nhiên tôi ngần ngại không muốn nổi lửa đốt lá
dừa cháy ra tro.
Cách đây mấy tháng vào lúc nửa đêm bạn tôi gọi điện thoại báo tin thân phụ vừa
qua đời. Bác trai tôi vẫn thường xuyên ghé vào thăm hỏi. Bác sinh ra tại phố
Hàng Đào Hà Nội, di cư vào Ông Tạ Sài Gòn, sinh viên Sĩ Quan Đà Lạt, bay sang
California tu nghiệp hai năm, tham dự hội chợ quốc tế Osaka tại Nhật rồi ở lại
tu nghiệp thêm một năm, sau năm 75 quay lại về Bắc cải tạo Hoàng Liên Sơn mười
năm, tái định cư tại Melbourne Úc Châu năm 90. Có lần tôi nói,
— Bác sinh ra bọc vải điều, lại có sao Thiên Mã. Cho nên bác đi từ Bắc vào Nam,
bốn vùng chiến thuật dấu giầy ghi đậm. Mỹ bác cũng biết. Nhật bác cũng rành.
Giờ lại đi Úc. Nhất bác.
— Ừ, bác thấy mình đi cũng nhiều thật. Mà lần nào cũng đi xa.
Nghĩ ngợi khoảng một giây, bác lại nói,
— Không biết lần này thì sao?
Tôi nhận ra ánh mắt bác đăm chiêu,
— Nghĩ đi nghĩ lại, thấy mình đúng là tro bụi…
Bác như đang nói với chính mình,
— Hành trình một đời người cũng đã xong. Hành lý cũng đã gọn gàng!
Tự nhiên bác buông lời gọn, âm tươi,
— Lần này thì lại đi…
Tháng trước tôi ghé vào bệnh viện thăm chồng cô em họ. Nhìn người nằm trên
giường bệnh, tôi không nhận ra được khuôn mặt quen thuộc. Những sợi tóc đen dầy
cứng giờ đã rụng hết, trơ lại bên trên vầng trán cao khoảng trống mênh mông.
Màu da tuổi ba mươi giờ này không còn hồng hào nhưng bủng beo tai tái bởi căn
bệnh hiểm nghèo. Dọc theo hai bên cánh tay bệnh nhân cắm sâu những ống chích,
một bên dây máu đỏ và thuốc truyền vào, một bên dây nước biển. Tôi ngồi xuống
bên giường bệnh muốn lắng nghe nhiều hơn. Nhưng bởi thuốc và bệnh, người bệnh
cũng kiệt sức không nói nhiều. Tôi cầm quyển kinh, lúng túng chọn bài Phúc Âm.
Cuối cùng, tôi chọn Tám Mối Phúc Thật,
— Phúc cho ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an (Matt 5:5).
Sáng Chúa Nhật thánh lễ xong, tôi mang Mình Thánh Chúa đến tư gia cho cụ. Đầu
giường nơi cụ nằm có tấm hình cụ ông và cụ bà thời còn trẻ. Trong hình, cụ quấn
khăn nhung đen, cần cổ cao thon tròn đều kiềng vàng, má lúm đồng tiền để lộ hàm
răng trắng đều, đôi mắt mở lớn long lanh, nhìn đẹp quá. Thấy tôi chăm chú nhìn
bức hình, cụ nói,
— Cái hình thời mới di cư vào Nam đấy mà. Khi đó tôi sinh được cháu đầu lòng
mới non một tháng. Đấy, cái đứa bé đang ẵm trên tay là nó đấy.
Nói chuyện một hồi, tôi mới biết “cháu đầu lòng mới non một tháng” giờ cũng đã
có cháu nội,
— Đây hình mấy đứa chắt nội… Thằng nào giờ cũng lớn tướng cả rồi.
Nhìn hình cụ ngày xưa, tôi không cầm được, bật miệng khen,
— Cụ đẹp quá…
Cụ cười móm mém hai hàm răng,
— Cha nói, thì cũng là một thời hoa khôi trong xóm giáo nhà ta. Nhưng thôi,
cũng chỉ là thế gian…
Vâng, thôi, cũng chỉ là thế gian, phận người cũng như phận lá, nhân sinh cũng
như thảo sinh, tất cả cũng chỉ là bụi tro rồi sẽ quay về bụi tro. Tôi thôi tiếc
xót cho một đời lá dừa, nhưng quyết định nổi lửa đốt lá. Ngọn lửa bừng bừng đốt
cháy đổi màu lá úa sang màu nâu, rồi là xám tro, rồi đen tuyền, màu của đất
lành dưỡng nuôi.
Thân phụ bạn tôi nhắm mắt lại. Theo lời yêu cầu của người chết, bạn tôi thiêu
xác thân phụ. Sau nghi thức làm phép linh cửu tại nghĩa trang, nhân viên nhà
quàn chuyển áo quan xuống lò đốt. Tôi đứng cạnh bạn chứng kiến ngọn lửa lem lẻm
đốt cháy linh cửu. Gỗ quan cháy để lộ ra xác người bên trong cong oằn dưới ngọn
lửa tưởng như người chết sống dậy dãy dụa đớn đau. Bạn tôi không cầm được nước
mắt, ngã gục vào vai tôi khóc nức nở. Chúng tôi quyết định bỏ về. Hôm sau quay
lại chỉ để nhận được hũ tro.
Tôi hốt tro đen của lá dừa vô chén. Mang vô nhà nguyện, tôi đặt chén tro giữa
cung thánh, chuẩn bị cho nghi thức Lễ Tro ngày mai. Nhìn tro lá dừa, tôi nghĩ
tới hũ tro thân phụ người bạn và hũ tro tương lai thật gần của chồng cô em họ.
Ngày hôm qua, gia đình nước mắt ngắn dài bàn chuyện hậu sự cho người thân ba
mươi tuổi. Mọi người quyết định hỏa táng xác người thân. Tôi ngồi bên giường
bệnh, tiếp tục đọc Tám Mối Phúc Thật,
— Phúc cho ai hiền lành, vì họ sẽ được đất hứa làm gia nghiệp (Matt 5:4)…
Người bệnh hôm nay rất tỉnh,
— Xin cha cầu nguyện cho em…
Tôi lúng túng chọn lựa chữ nghĩa,
— Anh sẽ làm lễ… cầu bình an cho chú…
Tôi ngần ngại,
— Cho anh hỏi một câu có được không?
— Cha cứ hỏi…
— Anh cầu nguyện cho chú, nhưng chú có cầu nguyện cho mình hay không?
Người bệnh nói liền,
— Có chứ. Em cầu nguyện với Chúa nếu cho em làm lại, em sẽ sống khác…
— Khác như thế nào?
— Em sẽ thiết tha với cuộc sống nhiều hơn. Cha ơi, ba mươi năm trôi qua nhanh
quá!
Ba mươi năm qua trôi nhanh thật. Tuổi ba mươi, có mấy người nghĩ hành trình
trần thế sẽ chấm dứt, hành lý phải gọn gàng cho một chuyến đi xa.
Chiều ngày thứ Tư lễ Tro, tôi lại ghé vào nhà cụ, mang theo Mình Thánh Chúa để
cụ rước lương thực thiêng liêng. Cụ nhìn tôi cười trơ hai lợi răng,
— Vất vả cha quá!
— Vậy là bác “nợ” cháu một lời kinh rồi nhé.
— Việc gì cứ phải một lời kinh. Tôi là tôi đọc cho cha ba tràng chuỗi mỗi ngày
đấy.
— Cám ơn bác.
Tôi xức dấu thánh giá tro lên đầu cụ,
— Hãy nhớ mình là bụi tro…
Rồi tôi cho cụ rước lễ,
— Lạy Chúa, con không đáng Chúa ngự vào nhà con. Nhưng xin Chúa phán một lời
thì linh hồn con sẽ lành mạnh.
— Amen.
— Mình Thánh Chúa Kitô,
— Amen.
Chuyện qua chuyện lại, cụ lật từng trang sách thời tây càn ngoài Bắc kể cho tôi
nghe,
— Mỗi lần tây càn tổng bên cạnh, thầy u vội vàng đẩy tôi vào sâu trong hầm dưới
sàn cung thánh nhà thờ họ giáo. Sống dưới chân Chúa có lần tới cả tuần lễ. Làm
thân con gái thời loạn, thật khổ…
Tôi hỏi cụ,
— Tám mươi năm rồi, từ Bắc vô Nam, từ Nam qua Úc, bác có lời hay ý đẹp nào muốn
truyền lại cho con cháu hay không?
Cụ mắng yêu tôi,
— Cha đến là khéo nói...
Nhìn thấy tôi ánh mắt thiết tha và thật thà, cụ chép miệng,
— Nhưng thôi, cha hỏi thì nói. Tám mươi năm rồi, tôi vẫn không có điều gì hối
tiếc. Của thế gian thì thôi giả lại cho thế gian. Linh hồn của Chúa thì thôi
giả lại cho Chúa. Cha thấy, mới tháng trước con cháu mừng sinh nhật linh đình
lắm, hành trình tám mươi năm rồi, hành lý giờ đã gói ghém cẩn thận đâu ra đấy.
Giá ngày mai Chúa có cất đi, tôi vẫn sẵn sàng. Còn cha, hành lý của cha đã bọc
gói tới đâu rồi?
Tôi bước ra ngoài xe, tự hỏi nếu ngày hôm nay Chúa gọi tôi về, hành lý tu sĩ
tôi đã sẵn sàng hay chưa?
Nhà dòng Ngôi Lời có phong tục xướng tên cha, hoặc thầy, hoặc nữ tu thuộc đại
gia đình Ngôi Lời vào ngày lễ giỗ.
— Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho linh hồn Cha Kevin, Thầy Sáu John, Sơ Mary…
Có những người tôi biết mặt, biết rõ.
Cha Kevin lớn tuổi, tính tình vui vẻ, bao dung. Gặp ai cũng cười mở miệng hỏi
thăm. Nói chuyện với cha Kevin thì cười không dứt, bởi ngài có biệt tài kể
chuyện tiếu lâm. Thế đấy! Buổi chiều vẫn thấy cha ngồi ăn cơm tối. Buổi tối
trôi qua. Sáng không thấy cha đi lễ. Gọi điện thoại ngài không trả lời, ngoài
lời nhắn văng vẳng từ trong máy. Mở cửa bước vào phòng chỉ để thấy cha Kevin
nhắm mắt ngủ yên trên giường, chấm dứt hành trình bẩy mươi hai năm. Một người
yêu đời, yêu người, luôn luôn rộng rãi với nhân gian qua nụ cười ân sủng, tôi
tin cha Kevin hành lý ngài đã sẵn sàng.
Thầy Sáu John trẻ măng, đụng xe, mang vào bệnh viện, hai tuần sau nhắm mắt từ
trần. Từ khi đụng xe cho tới khi mất đi, thầy Sáu John không bao giờ tỉnh lại.
Cái tang của thầy Sáu John là một cái sốc dữ dội cho mọi người. Mọi người tham
dự tang lễ hoặc sụt sùi hoặc nức nở thương tiếc cho một đời tu sĩ quá ngắn. Chỉ
còn mấy tháng nữa thôi, thầy Sáu sẽ bước lên cung thánh. Nhưng chỉ bởi lơ đãng,
một mạng người bị bôi xóa để lại bao nhiêu thương tiếc cho người còn sống. Hành
trình hai mươi tám năm của thầy Sáu chấm dứt khi xe lật tung, quay mấy vòng
trước khi đâm đầu vào lề đường xa lộ. Tôi không biết hành lý thầy Sáu John đã
sẵn sàng hay chưa. Nhưng lần ghé thăm thầy trong phòng Cấp Cứu, tôi không thấy
trên khuôn mặt nét đau đớn. Thầy nằm đó trên giường bệnh, đôi mắt nhắm lại như
người đang ngủ mơ, một giấc mơ về cõi trời nơi đó thầy Sáu với hành lý gọn gàng
đang bước tới.
Sơ Mary của tuổi năm mươi thì đặc biệt hơn. Có lần sơ kể tôi nghe,
— Lần đó thật là vớ vẩn, chẳng đâu vào với đâu. Hôm đó thứ Tư ăn chay. Buổi
tối, đang dậy Giáo lý Lớp Tân tòng, tự nhiên toát mồ hôi, người lạnh toát, lao
đao xiêu vẹo trên đôi bàn chân. Nhìn xuống lớp học, miệng muốn kêu cứu nhưng
thở không ra… Thế là ngã té bất tỉnh… Mở mắt ra, thấy mình nằm trong phòng Cấp
Cứu. Tưởng bị tim? Hóa ra tại người thiếu nước...
Sơ nói nho nhỏ vào tai tôi,
— Cũng tại hôm đó thứ Tư ăn Chay, Sơ lại không ăn không uống chi nguyên cả
ngày. Hèn chi quỵ ngã! Lúc đang nằm trên băng ca xe cấp cứu, Sơ lại lẩn thẩn
nghĩ ngợi nếu còn được sống để trở về với cõi trần gian, mình sẽ sống khác,
sống thiết tha với mọi người và với mình nhiều hơn…
Vẫn lại cụm từ sống thiết tha mà tôi đã nghe từ miệng chồng cô em…
Yêu người Phi Châu, Sơ Mary xin đổi sang Sudan làm việc với người thổ dân.
Trong một lần mắc kẹt giữa hai lằn đạn. Sơ nằm xuống kết thúc hành trình năm
mươi năm. Nhà dòng đốt xác Sơ ra tro rải từ trên núi xuống đồng bằng theo lời
yêu cầu của người nữ tu Dòng Chúa Thánh Linh. Tôi nhớ hôm tiễn Sơ tại phi
trường bay sang Sudan, tôi thấy Sơ chỉ xách theo một vali hành lý. Sơ Mary lúc
nào cũng vậy, hành lý nữ tu gọn gàng và sẵn sàng. Nhớ tới Sơ Mary, tôi hay đọc
câu kinh,
— Phúc cho ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương (Matt
5:7)
Có lần chị tôi gọi điện thoại tới. Bà ấy than thở đứa con gái hư hỏng mất nết!
Tôi buột miệng hỏi,
— Nó hư làm sao?
— Chị bảo nó học bác sĩ, nó cãi lại mẹ bỏ đi học ngành khác. Mà tưởng học ngành
chi béo bổ, hóa ra nó đâm đầu vào ngành báo chí. Mà cậu biết rồi, con bé học
giỏi nhất trường, năm nào cũng mang về bằng khen hạng nhất toàn trường. Con với
cái, rõ là khổ!
Tiền điện thoại viễn liên không rẻ, nhưng tôi cứ phải tiếp tục nghe điệp khúc
“học bác sĩ”, “cãi lại mẹ”, “ học báo chí”, “ơi là khổ” hơn cả tiếng đồng hồ.
Tự nhiên tôi cũng thấy thật tình là khổ cho bà chị và cho mình,
— Chị ơi, con chị nó có hành lý của riêng nó. Còn chị, chị đã chuẩn bị hành lý
cho mình hay chưa?
— Hành lý? Cậu nói hành lý nào?
Như một phép lạ, người bệnh ba mươi tuổi hồi sinh. Sau một lần giải phẫu theo
triết lý còn nước còn tát, cơn bệnh hiểm nghèo bị đẩy lui. Nhận được tin mừng,
tôi ghé vào bệnh viện. Người vợ đứng ngay bên giường bệnh nghẹn ngào nói,
— Cô em ruột của anh ấy đang đi hành hương đất thánh. Ngày nào cũng gọi điện
thoại về. Em nhờ cô ấy cầu nguyện cho. Cô ấy còn ghé vào cả chỗ Bức Tường Than
Khóc nữa. Bệnh của nhà em chỉ có Chúa chữa. Thật đúng là phép lạ!
Tôi ngồi xuống bên cạnh giường người vừa nhận được phép lạ. Tôi lại giở cuốn
kinh, đọc lại lời Tám Mối Phúc Thật,
— Phúc cho ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an (Matt 5:5).
Đọc kinh xong, thấy người hồi phục mắt nhắm lại như thiu thiu ngủ, tôi yên lặng
đứng dậy, tính đi về. Nhưng người bệnh đã mở mắt ra, thần sắc rạng rỡ nhìn tôi
nhoẻn miệng cười,
— Cám ơn cha đã cầu nguyện cho em…
— Cám ơn Chúa thì đúng nhất… Nhưng cũng đừng có quên, chính chú cũng đã cầu
nguyện cho mình.
— Cha nói đúng, hồi xưa em mở miệng ra là nhờ vả người khác cầu nguyện. Riêng
mình thì chẳng bao giờ chịu mở miệng cầu nguyện với Chúa.
— Anh nhớ có lần chú nói nếu Chúa cho cơ hội làm lại…
— Em nhớ chứ, em đã cầu nguyện với Chúa nếu cho con sống lại, con sẽ sống khác,
sống thiết tha với đời và với mình hơn…
— Anh không hiểu sống thiết tha là sống như thế nào?
Người hồi phục nhìn lên trần nhà rồi nhìn qua khung cửa,
— Hồi trước em chỉ nghĩ tới tiền. Em muốn có thật nhiều tiền để vợ con hạnh
phúc, thiên hạ phải nể phục, bởi em tin tưởng vào triết lý, “Miệng kẻ sang có
gang có thép!”. Nhưng hai tháng vừa rồi nằm trên giường bệnh, ngày nào em cũng
chỉ thấy bóng em một mình đổ dài trên vách tường. Em đau, một mình em chịu. Em
khóc, một mình em hay. Nếu em nhắm mắt lại chết đi, vẫn chỉ một mình mình đi.
Sáng sáng em thấy cảnh đời vẫn nhộn nhịp tấp nập bên khung cửa. Mặt trời vẫn
rộn ràng, chim vẫn hót líu lo, xe bus vẫn dừng lại ngay trước cửa trạm. Tự
nhiên em thấy tiếc cho một quãng thời gian ba mươi năm dài em sống không thiết
tha với cuộc đời và với mình.
Người hồi phục kết luận,
— Giờ đã sống lại, em cũng sẽ làm lại hành lý cuộc đời.
Tôi nhận ra đôi mắt của người hồi phục long lanh nước mắt.
Trời mùa hè Úc Châu tiếp tục thiêu đốt cư dân tiểu bang Victoria. Chiều hôm
nay, bầu khí oi nồng ẩm thấp gọi mời tôi rời bỏ văn phòng bước ra sân vườn.
Nhìn xuống, tôi khám phá ra lần đốt lá dừa lấy tro, mình đã làm rớt một cành lá
dừa xuống đất. 40 ngày mùa Chay vừa qua, lá dừa bị bỏ quên vẫn nằm im lìm trên
sân vườn, vẫn khô quắn cong queo. Tôi cúi xuống nhặt lên cành lá. Thật bất ngờ,
tôi nhìn thấy cây xoài xanh non bé tí ti nhú cao được hơn một gang tay. Gió hè
oi nồng thổi nhẹ rung rinh ba chiếc lá non mà tưởng như cây xoài bé con đang
giơ tay vẫy chào. Nhìn cây xoài bé tí, tôi không nhận ra hình dạng của hột xoài
mốc đen ngày nào. Nhìn cây xoài xanh non, tôi nhận ra trái xoài ngày nào đã đi
hết hành trình thảo mộc. Bây giờ cây xoài con mới mở ra ba cánh lá lại đang
chập chững những bước đi mới cho một cuộc hành trình mới.
Tôi nhìn lá dừa còn sót lại. Lá dừa đã đi hết hành trình thảo mộc. Giờ này lá
dừa cũng đã sẵn sàng hành lý để được hóa thân. Tôi lại nổi lửa đốt lá dừa ra
bụi tro. Lần này tôi không mang tro vô nhà nguyện nữa, nhưng rắc chung quanh
gốc cây xoài con làm chất màu nuôi dưỡng cây non… Tôi vô nhà nguyện. Quỳ dưới
cung thánh, tôi ngẩng lên nhìn Chúa chết lặng lẽ trên cây thập giá. Qua mái vòm
trên cung thánh, nắng hè hoàng hôn tiếp tục xiên xiên chiếu sáng một khoảng
thân xác loang lổ máu đỏ của Chúa. Chúa trên cây thập giá đã đi hết hành trình
ba mươi ba năm. Hành lý Ngài lúc nào mà chẳng gọn gàng, cho nên có tới ba lần
Chúa đã tiên đoán trước về cuộc tử nạn của mình. Hôm nay thứ Sáu Tuần Thánh.
Chiều nay xác Ngài được tháo xuống, chôn sâu trong mộ. Lung linh trong tia nắng
chiều tàn của ngày tử nạn trên đồi Golgotha, tôi nhận ra hình ảnh Phục Sinh của
ngôi mộ trống. Tôi lật Phúc Âm thánh sử Mátthêu, đọc tiếp,
Sau ngày Sabát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Maria Mađalêna
và một bà Maria khác, đi viếng mộ. Và kìa, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần
Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; diện mạo người như
ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy và
hóa ra như chết. Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: “Phần các bà, các bà đừng
sợ! Tôi biết các bà tìm Ðức Giêsu, Ðấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì
Người đã sống dậy như Người đã nói” (Matt 28:1-6).
Đến bây giờ tôi mới hiểu, bởi Đức Giêsu đã chết đi, chôn trong mộ, hạt giống
đức tin mới bắt đầu nứt vỏ nẩy ra một mầm sống mới, mầm sống Giáo hội. Hai ngàn
năm rồi mầm sống Giáo hội tiếp tục vươn cao hóa ra cây Giáo hội ngàn đời xanh
tươi. Tự nhiên tôi lại nhớ tới trái xoài Darwin ngọt ngào, hột xoài mốc meo, và
cây xoài xanh non ba lá trong sân vườn chủng viện. Ơn trời đổ xuống, tôi cảm
nghiệm nhiều hơn về khái niệm và ý nghĩa của Mùa Chay và Mùa Phục Sinh.
Tản mạn Mùa Chay và lễ Phục Sinh năm
xưa
LM. Giuse Vũ Tiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét