GIA ĐÌNH THÁNH TÂM

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

Thứ bảy 11/02/2012. Đức Mẹ Lộ Đức. Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân – Lòng quảng đại của Chúa



Thứ bảy 11/02/2012 – Lòng quảng đại của Chúa
11/02 – Thứ bảy. Đức Mẹ Lộ Đức. Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân. Lễ nhớ.
"Họ ăn no nê"



Lời Chúa: Mc 8,1-10
Trong những ngày ấy, dân chúng theo Chúa Giêsu đông đảo, và họ không có gì ăn, Người gọi các môn đệ và bảo: "Ta thương đám đông, vì này đã ba ngày rồi, họ không rời bỏ Ta và không có gì ăn. Nếu Ta để họ đói mà về nhà, họ sẽ mệt lả giữa đường, vì có nhiều người từ xa mà đến". Các môn đệ thưa: "Giữa nơi hoang địa nầy, lấy đâu đủ bánh cho họ ăn no". Và người hỏi các ông: "Các con có bao nhiêu bánh?" Các ông thưa: "Có bảy chiếc". Người truyền dân chúng ngồi xuống đất, rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ phân phát. Các ông chia cho dân chúng. Các môn đệ còn có mấy con cá nhỏ. Người cũng đọc lời chúc tụng và truyền cho các ông phân phát.
Dân chúng ăn no nê và người ta thu lượm những miếng còn thừa lại được bảy thúng. Số người ăn độ chừng bốn ngàn. Rồi Người giải tán họ, kế đó Người cùng các môn đệ xuống thuyền đến miền Ðammanutha.



SUY NIỆM 1: Lòng quảng đại của Chúa
Tin Mừng hôm nay nêu bật lòng quảng đại của Chúa Giêsu đối với con người. Sở dĩ Chúa Giêsu đã có thể nuôi sống được đám đông dân chúng, dù chỉ bắt đầu với bảy chiếc bánh và mấy con cá nhỏ, là vì Ngài đã chạnh lòng thương xót họ. Mọi sáng kiến bác ái từ thiện và mọi chính sách phân phối thực phẩm đều phải được khởi đi từ tấm lòng yêu thương, nếu không chúng ta sẽ dễ bỏ cuộc khi gặp khó khăn, trở ngại, hoặc không sớm thì muộn, những công việc ấy cũng bị chen vào những ý đồ ích kỷ, vụ lợi.
Một khía cạnh khác, đó là mọi hành vi của Chúa Giêsu đều bắt đầu từ sự thật của chính Ngài hay của những người khác. Chúa Giêsu đã không khởi sự phép lạ một cách mơ hồ, nhưng từ chính sự thật của con người, cho dù đó là sự thật yếu kém đến đâu đi nữa. Ngài đã làm phép lạ từ bảy chiếc bánh và mấy con cái và mấy con cá nhỏ. Hành vi của Chúa không phải là hành vi đột xuất, bởi vì Ngài vẫn tiếp tục phục vụ kẻ khác một cách quảng đại như thế ngay cả khi đã chết. Quả thật, các kiểu nói và từ ngữ trong Tin Mừng hôm nay, cũng chính là các kiểu nói và từ ngữ được áp dụng cho Bí tích Thánh Thể, như "cầm lấy bánh", "dâng lời tạ ơn", "bẻ ra, trao cho các môn đệ". Như vậy, phải hiểu Bí tích Thánh Thể là một hành vi cứu giúp người đói khát, là sự nối dài hành vi quảng đại của Chúa Giêsu hôm nào, khi từ bảy chiếc bánh và mấy con cá nhỏ, Chúa Giêsu đã cho đám đông ăn no nê chỉ vì Ngài yêu thương họ.
Ngày hôm nay, để nuôi sống nhân loại, Chúa Giêsu đã lấy chính Thịt Máu Ngài làm lương thực. Với lương thực này, Ngài tin chắc mọi người sẽ được no thỏa để phát triển đến mức tối đa. Tuy nhiên, để lương thực ấy đủ cho mọi người thuộc mọi thế hệ, Chúa Giêsu cần đến sự cộng tác của con người, đặc biệt của Giáo Hội, bằng cách phân phát, chia sẻ. Ðám đông sẽ vẫn tiếp tục đói khát, nếu hôm ấy, các Tông đồ không phân phát bánh và cá cho người khác, vì sợ thiếu hay sợ không còn phần cho mình. Nếu vậy, cảnh đói khát hiện nay vẫn còn, là vì người ta từ chối phân phát và chia sẻ cho người khác, mà chỉ bo bo giữ lấy cho mình.
Nếu không có tấm lòng yêu thương, thì chẳng những chúng ta không thể có sáng kiến trong việc cứu giúp người khác, mà còn biện hộ cho khả năng giới hạn của mình và đình hoãn việc trợ giúp. Những lúc ấy, Bí tích Thánh Thể chúng ta đón nhận mỗi ngày trở thành vô hiệu: thay vì là nguồn lương thực không bao giờ cạn thúc đẩy chúng ta quảng đại hiến tặng người khác, nó trở thành gia sản độc quyền và cằn cỗi của riêng chúng ta.
Xin cho chúng ta ngày càng có tấm lòng yêu thương của Chúa, để những người xung quanh chúng ta không còn bị đói khát vì sự ích kỷ của chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Hóa bánh ra nhiều (Trình thuật thứ hai)

Trong những ngày ấy, lại có một đám rất đông, và họ không có gì ăn, nên Đức Giêsu gọi các môn đệ lại mà nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn!”.
Người truyền cho họ ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, dâng lời tạ ơn, và bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra. Và các ông đã dọn ra cho đám đông. (Mc. 8, 1-2. 6)
Maccô vá Mat-thêu kể lại cho chúng ta hai phép la hóa bánh ra nhiều; có hai phép lạ chăng? Có thể, nhưng có lẽ đúng hơn chúng ta có ở đây bản trình thuật thứ hai về cùng một biến cố. Trình thuật này hình như bắt nguồn từ một truyền thống lâu đời, từ cộng đoàn các Kitô hữu gốc Hy lạp. Trình thuật kể lại sự việc như đang xảy ra coi như không liên kết gì với những biến cố dã xảy ra trước vậy.
Dĩ nhiên là có vài dị điểm về những con số giữa hai bản trình thuật: bảy chiếc bánh thay vì năm, mấy con cá nhỏ thay vì năm, bảy giỏ thay vì mười hai, bốn ngàn người thay vì năm ngàn. Chúng ta còn gặp những dị biệt đáng ngại hơn khi đối chiếu với những Phúc âm nhất lãm khác, nếu ta coi những bản văn Phúc âm như những tài liệu “lịch sử” theo đúng nghĩa của thời nay. Các tác giả chép Phúc âm thực ra không mấy bận tâm trong việc kiểm chứng các nguồn tài liệu của mình theo kiểu phê bình lịch sử hiện đại: sự thật của Tin Mừng tiên vàn không phải là những sự kiện được kiểm nghiệm gắt gao theo khoa học, mà chỉ là sự thật về ơn cứu độ để loan báo cho mọi người.
Trong văn chương người ta cũng thường xử dụng kiểu này: một sự kiện cùng được nhiều nhân chứng kể lại, mỗi người từ một quan diểm, một góc cạnh khác nhau; từ đó mới có những bản không giống nhau lạ thường; thế nhưng bản này cũng như những bản kia cũng đều đúng, không ai sẽ có ý tưởng loại bỏ bản này hay bản kia, mỗi bản đều chứa đựng sự thật của mình.
Trong việc rao giảng Tin mừng, đường lối chủ trương của Matthêu không phải là của Maccô, cũng không phải là của Luca, càng không phải là của Gioan, thế nhưng chân lý các ngài rao giảng thì vẫn là một. Cùng phát sóng một chương trình, nhưng phát hình đen trắng khác xa với phát hình mầu, thế mà không một ai dám có ý tưởng khẳng định rằng chương trình này phóng khoáng, chương trình kia đúng. Tượng Đức Kitô do Bourgault điêu khắc không có nét giống với tượng điêu khăc của Rodin, thế mà tượng nào cũng gợi lên trong lòng người nhìn ngắm cùng một niềm tin, cùng một lòng yêu mến. Khi so sánh với nghi lễ Rôma, những cử hành phụng vụ cực kỳ long trọng thuộc nghi lễ Đông phương cho ta cảm tưởng như đến từ một thế giới thật khác lạ, nhưng đằng sau những nét văn hóa khác nhau của đôi bên, người ta mới thấy rõ cả hai cùng chung một niềMt.in, một phép rửa, một Thiên Chúa và đúng là một sự hài hòa tuyệt vời.
Mầu nhiệm Đức Kitô quả đúng là một mầu nhiệm phong phú khôn lường đến nỗi chỉ có một thánh sử mà thôi sẽ không bao giờ diễn đạt được hết, mà chỉ cho ta biết được một mặt nào của mầu nhiệm tuyệt vời đó mà thôi.

*****************************************

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét