+ Chúa Nhật 19/02/2012. CHÚA NHẬT 7 THƯỜNG NIÊN - Người bất toại.
Chúa Nhật VII Thường
Niên Năm B
|
BÀI ĐỌC I: Is 43,
18-19. 21-22. 24b-25
"Vì Ta, Ta sẽ xoá
bỏ sự gian ác của ngươi".
Trích sách Tiên tri
Isaia.
Đây lời Chúa phán: Các
ngươi đừng nhớ đến dĩ vãng, và đừng để ý đến việc thời xưa nữa. Đây Ta sẽ làm
những cái mới và giờ đây chúng sẽ xuất hiện, như các ngươi sẽ biết; Ta sẽ mở
đường trong hoang địa, và khai sông nơi đất khô khan. Ta đã tác tạo dân này cho
Ta, nó sẽ ca ngợi Ta. Hỡi nhà Giacóp, ngươi đã chẳng kêu cầu Ta; hỡi nhà
Israel, ngươi cũng không chịu khó nhọc vì Ta. Nhưng ngươi đã làm khổ Ta vì tội
lỗi của ngươi, và ngươi đã làm cực Ta vì sự gian ác của ngươi. Chính Ta đây,
chính vì Ta mà Ta xoá bỏ sự gian ác của ngươi, và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi
của ngươi nữa.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 40, 2-3.
4-5. 13-14.
Đáp: Xin Chúa chữa
khỏi hồn con, vì con đã phạm tội phản nghịch Ngài (c. 5b).
Xướng: 1) Phúc đức ai
quan tâm đến kẻ cơ bần: ngày tai hoạ, Chúa sẽ giải thoát cho. Chúa sẽ gìn giữ
cho người được sống, cho người được hạnh phúc ở trần gian, và không trao nạp
người cho ác tâm quân thù. - Đáp.
2) Chúa sẽ nâng đỡ
người trên giường nằm đau khổ, và chữa khỏi mọi tàn tật lúc ốm đau. Phần tôi đã
nói: Lạy Chúa, nguyện xót thương con, chữa khỏi hồn con, vì con đã phạm tội
phản nghịch Ngài. - Đáp.
3) Phần con khi được
lành mạnh xin Chúa nâng đỡ, và cho tới khi đứng trước thiên nhan tới muôn đời.
Chúc tụng Chúa là Thiên Chúa của Israel, tự thuở này tới thuở kia. Amen. Amen.
- Đáp.
BÀI ĐỌC II: 2 Cr 1,
18-22
"Đức Giêsu không
phải vừa 'có' lại vừa 'không', nhưng nơi Người chỉ là 'có' mà thôi".
Trích thư thứ hai của
Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, xin
Thiên Chúa là Đấng trung tín, chứng giám cho rằng lời nói của chúng tôi đối với
anh em không phải là vừa "Có" lại vừa "Không". Quả thế, Con
Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô, Đấng mà tôi, Silvanô và Timôthêu đã rao giảng nơi
anh em, Người không phải vừa "Có" lại vừa "Không", trái lại
nơi Người chỉ là "Có" mà thôi. Bởi chưng bao nhiêu lời hứa của Thiên
Chúa đã thành "Có" ở nơi Người. Vì thế, nhờ Người mà chúng tôi hô lên
lời "Amen" tôn vinh Thiên Chúa. Vậy Đấng đã làm cho chúng tôi và anh
em được đứng vững trong Đức Kitô, và đã xức dầu cho chúng ta, chính là Thiên
Chúa, Người đã ghi dấu trên mình chúng ta, và đã ban Thánh Thần vào lòng chúng
ta làm bảo chứng. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Ga 8, 12
Alleluia, alleluia! -
Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự
sống". - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 2, 1-12
"Con Người có
quyền tha tội dưới đất".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Marcô.
Sau ít ngày, Chúa
Giêsu lại trở về Capharnaum. Nghe tin Người đang ở trong nhà, nhiều người tuôn
tới đông đảo, đến nỗi ngoài cửa cũng không còn chỗ đứng, và Người giảng dạy họ.
Người ta mang đến cho Người một kẻ bất toại do bốn người khiêng. Vì dân chúng
quá đông, không thể khiêng đến gần Người được, nên họ dỡ mái nhà trên chỗ Người
ngồi một lỗ to, rồi thòng chiếc chõng với người bất toại xuống. Thấy lòng tin
của họ, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: "Hỡi con, tội lỗi con được
tha". Lúc ấy, có một ít luật sĩ ngồi đó, họ thầm nghĩ rằng: "Sao ông
này lại nói thế? Ông nói phạm thượng. Ai có quyền tha tội, nếu không phải là
một mình Thiên Chúa". Chúa Giêsu biết tâm trí họ nghĩ như vậy, liền nói
với họ: "Tại sao lòng các ông nghĩ như thế? Nói với người bất toại này:
'Tội lỗi con được tha' hay nói: 'Hãy chỗi dậy vác chõng mà đi', đằng nào dễ
hơn? Nhưng (nói thế là) để các ông biết Con Người có quyền tha tội dưới
đất". Người nói với kẻ bất toại: "Ta truyền cho con hãy chỗi dậy, vác
chõng mà về nhà". Lập tức người ấy đứng dậy, vác chõng ra đi trước mặt mọi
người, khiến ai nấy sửng sốt và ngợi khen Thiên Chúa rằng: "Chúng tôi chưa
từng thấy như thế bao giờ".
Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM 1: Người bất toại
“Chữa bệnh tận căn” là châm ngôn của thầy thuốc. Bệnh bất toại, tê liệt thường do đứt hay tắc mạch máu não do những chứng áp huyết cao, đau màng óc, chấn thương sọ não, sưng bướu óc, sưng cơ tim, kinh phong hay do vi khuẩn phá hủy tủy sống. Y học ngày nay có thể giải phẫu để nối mạch máu, lấy bướu máu, chạy điện hay trị liệu vật lý để chữa tê liệt nhẹ. Đối với chứng bất toại là tê liệt nặng, khoa học hoàn toàn bất lực.
Đức Giêsu đứng trước người bất toại hoàn toàn bại liệt này, Người chỉ phán một lời, người bại liệt được lành mạnh phi thường: “Anh hãy chỗi dậy, vác chõng mà về”. Cách chữa trị của Người hoàn toàn siêu việt khỏi y học.
Quyền lực đó ở đâu? nếu không bởi Thiên Chúa? Nhiều người đã nhận ra Ngài là Thiên Chúa và ca tụng hết lòng: “Chúng tôi chưa từng thấy như thế bao giờ”. Nhưng có kẻ lại mù quáng, không nhận ra Người là Thiên Chúa. Họ còn căm ghét Người vì những việc hoàn toàn nhân đạo đó, dầu chẳng thiệt hại chi tới họ.
Tại sao họ căm ghét Người? Chỉ vì lòng ghen tương muốn tranh giành ảnh hưởng với Người. Nhưng họ bất lực không làm gì được Người và cũng chẳng giúp được gì cho bệnh nhân. Điều đó càng tố cáo lòng xấu xa gian ác của họ.
Năm 1903, nhà bác học Alexis Carrel, lúc đầu ông chủ trương: “Ngoài khoa học ra, không còn chân lý nào có giá trị nữa”. Nhân dịp con bệnh trầm trọng của ông xin đi hành hương Lộ Đức là cô Marie Ferrand. Cô bị lao ruột, các bác sĩ đều chê và không chịu mổ cho cô. Bác sĩ Carrel coi mạch kỹ và xác nhận như các bạn đồng nghiệp rằng: “Tôi sợ cô này chết ở bàn tay tôi khi tôi xem mạch”, và khuyến cáo không nên đưa cô đến Lộ Đức, cô sẽ chết dọc đường. Nhưng nếu không cho cô được toại nguyện thì quá độc ác! Vì thế người nhà đã quyết định đưa cô đến Lộ Đức. Bác sĩ Carrel nghĩ thầm rằng đây là cơ hội để vạch trần những lừa bịp mà người ta coi là phép lạ Lộ Đức. Rồi ông theo bệnh nhân tới suối cho cô tắm. Tắm xong, ông coi mạch, bệnh tình vẫn đang cơn hấp hối. Người ta khiêng cô đến hang Đức Mẹ. Bỗng nhiên cô Marie sống lại trước mắt ông. Sắc mặt tươi tỉnh, hồng hào lên, mạch chạy đều, bụng chương to từ từ xẹp xuống. Carrel lấy bút ghi ngay vào tay áo 2g40. Đến 3 giờ cô sống lại thật sự. Carrel ghi chú thế này: “Thật là một sự không thể. Thật rất bất ngờ, một phép lạ vừa xảy ra”. Carrel không còn tin ở mình nữa, nên đã mời hai bác sĩ bạn đến và các ông tuyên bố: “Cô này đã khỏi hẳn”. Carrel đã tin và trở lại đạo. Ông đã trình bày phép lạ đó cho hội đồng các bác sĩ. Nhiều ông biết rõ bệnh tình cô Marie đã khỏi, nhưng họ vẫn không tin” (ĐVĐ. VQ. tr. 65).
Thời nay, nhiều người đã nhân danh khoa học mà chối bỏ các giá trị siêu nhiên, chối bỏ Thiên Chúa. Đó chính là tội Ađam Evà, là căn gốc gây ra đau khổ, bệnh tật và sự chết. Đức Giêsu đã thấy rõ tận căn đó, nên Người đã ưu tiên hủy diệt vi trùng tội lỗi để cho con người được sống và được sống muôn đời. Đức Giêsu đã nói với người bại liệt: “Hỡi con, tội con được tha”. Đó chính là phương thuốc trường sinh bất tử vĩ đại nhất, mà nhân loại không thể phát minh ra được. Chỉ có Thiên Chúa nắm độc quyền phương thuốc vô cùng quý báu đó. Ai muốn được Ngài cứu chữa phải hết lòng tin Ngài.
Lạy Chúa, bao nhiêu tâm hồn đang bại liệt vì cứng lòng tin, và nhiều khi tại chúng con không biết khiêng họ đến cùng Chúa. Xin Chúa thương cho họ nhận ra lỗi lầm của họ và quyền năng của Chúa mà ăn năn trở về với Chúa.
(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. ViKiNi)
SUY NIỆM 2: Đổi đi cái nhìn
Nằm liệt, nhưng đôi mắt người đàn ông lại mở thật to. Đôi mắt mở to, để dệt đan hy vọng. Người khỏe mạnh có thể có thật nhiều ước mơ, nhưng với người đau yếu, thì chỉ có một ước mơ duy nhất: Là được khỏe mạnh. Chính sự hy vọng, đã khiến người bại liệt chấp nhận nguy hiểm. Ông bằng lòng cho người ta khiêng ông lên mái nhà, và thòng dây, thả ông xuống trước mặt Chúa Giêsu đang ngồi giảng dạy. Một lòng tin tưởng khá mạnh mẽ. Phải tin vào Chúa Giêsu nhiều lắm, ông mới chấp nhận mạo hiểm như vậy. Chiếc chõng đã được thả xuống. Ông mở mắt to hơn nhìn Chúa, đợi chờ, hy vọng. Niềm hy vọng duy nhất của ông lúc này: Là ông được khỏe mạnh. Ông có thể đứng dậy làm người.
Rồi với cái nhìn trìu mến, Chúa Giêsu bảo ông: “Tội con đã được tha”. Ngỡ ngàng! Cái gì? Hụt hẫng, Chúa có nhìn thấy ông đang ước mơ gì không? Mà sao lại nói thế? Một khám phá bất ngờ ở đây: Cái nhìn của Chúa khác cái nhìn của con người và một chân lý mới nữa mới được mở ra: Ta hiểu được tại sao có những lời cầu xin của ta, có khi không dược Chúa nhận lời.
Người đàn ông xin được khỏi liệt thân xác, nhưng Chúa lại cho ông ta được khỏi liệt linh hồn. Để rồi sau đó, Ngài mới cứu chữa thân xác anh ta. Điều mà Chúa Giêsu muốn mọi người nhớ kỹ: Sống trong cuộc đời, không chỉ chú ý đến sự sống thân xác, mà ưu tiên hơn phải chú ý đến sự sống linh hồn. Mà để có thể chữa lành được sự sống linh hồn, thì chỉ có Chúa là Đấng duy nhất mới làm được việc này. Không ai có thể tha được tội lỗi cho con người, ngoại trừ một mình Chúa, kể cả Đức Mẹ, kể cả các thánh.
Ai có quyền tha tội? Chỉ một mình Chúa Giêsu. Tất cả mọi tội lỗi là sự xúc phạm tới Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng Ba lần thánh, và Đấng quyền năng vô cùng. Xúc phạm đến Ngài, là một tội lỗi lớn lao. Vì thế, chỉ một mình Chúa Giêsu mới có đủ quyền để tha tội. Bởi Ngài đã xuống trần, chấp nhận đau khổ và chịu chết tức tưởi, hầu lập công để đền tội thay cho chúng ta. Chính vì công nghiệp vô giá ấy, và lời cầu xin của Ngài, Thiên Chúa Cha mới tha tội cho chúng ta.
Tha tội cho người ấy rồi; tiếp đó, Ngài mới chữa lành thân xác cho người bất toại. Việc chữa lành thân xác, thì với sự soi sáng của Chúa, cộng với sự cố gắng, con người có thể làm được, nhưng việc chữa lành linh hồn, quan trọng và cần thiết hơn cả, thì chỉ có một mình Ngài làm được mà thôi.
Gợi ý suy niệm:
1- Sức khỏe của lình hồn bạn bây giờ thế nào?
2- Bạn có lo lắng khi linh hồn bạn đang bị liệt lào tê cứng?
(Suy niệm của Lm Đaminh Đỗ Văn Thiêm - Trích trong ‘Tập San Tĩnh Tâm Giáo Phận Long Xuyên số 02/2012’
SUY NIỆM 3: Quyền tha tội
Thái độ của các Luật sĩ trong bài Tin Mừng hôm nay có thể khiến chúng ta bực mình. Thấy phép lạ Chúa làm, lẽ ra họ phải hợp ý với mọi người mà cảm tạ Chúa; nhưng họ lại bắt bẻ Người sang chuyện khác. Tuy nhiên chúng ta đừng vội tưởng mình không bao giờ có thái độ ấy. Ðọc kỹ bài sách Isaia, chúng ta thấy dân Dothái ngày xưa cũng như vậy. Và bài thư Phaolô cũng có thể gợi lên một thái độ tương tự. Thế nên chúng ta hãy xem lại các bài Kinh Thánh hôm nay để hiểu rõ mình hơn.
1. Một Dân Phản Loạn
Sách Isaia có 66 chương, nhưng rõ ràng không duy nhất. Nếu phần đầu có nhiều chương gắn liền với đời sống của nhà tiên tri thật sự, thì từ chương 40 trở đi, người ta không thấy nói đến ông nữa. Và thay vì nói đến những sự việc xảy ra vào thế kỷ thứ 8 trước kỷ nguyên và động tới nước Assyria, thì bây giờ lại gợi lên những biến cố của thế kỷ thứ 6 và với nước Babylonia. Do đó ngày nay người ta có khuynh hướng chia sách Isaia thành 3 quyển. 39 chương đầu làm thành Isaia I; từ chương 40 đến 55 là Isaia II; và những chương cuối, tức là 55-66 là Isaia III. Ðoạn trính hôm nay thuộc Isaia II, nói về Israel ở thế kỷ thứ 6 vào lúc trước sau lưu đày ít nhiều. Chúa nói với dân những điều thấm thía vì cảnh lưu đày khiến họ đã thấm mệt. Nhiều kẻ đang táo bạo nghĩ rằng Chúa thật vong ân bội nghĩa. Dân vẫn trung thành dâng lễ cho Chúa mà Người lại bỏ dân thua thiệt đến nỗi trở thành tôi mọi người ta.
Ðó không phải là cảm nghĩ của mọi người ở mọi nơi và mọi thời sao? Họ tưởng có thể trách Chúa không tốt bằng họ và không trung tín như họ. Họ vẫn kêu cầu Danh Chúa và đọc kinh đều đều, thế mà sao dường như Chúa không làm gì cho họ. Ðời họ vẫn không may. Hơn nữa nhiều đau thương còn dồn dập đổ tới. Chớ gì họ hãy mở tai nghe Lời Chúa nói qua bài sách Isaia hôm nay.
Người mời họ hãy nhìn xem: kìa Người đang làm bao sự mới mẻ. Tại sao người ta cứ nhớ đến những chuyện buồn bã cũ kỹ? Một thời đại mới đang khởi sự mà sao họ không nhìn thấy? Chúa sẽ mở đường đi giữa sa mạc và sẽ cho có nhiều giòng sông chảy ở những chỗ hoang vu. Ý Chúa muốn nói Người đang khởi sự cứu dân ra khỏi nơi lưu đày tôi mọi. Lần giải phóng này còn kỳ diệu hơn khi Người đưa dân ra khỏi Aicập. Ngày trước họ phải đi trong sa mạc khô cạn và thiếu nước uống; lại phải lang thang quanh quẩn vì không rõ đường đi. Bây giờ, chính Chúa sẽ mở đường cho dân và dẫn họ đi qua những nơi nhiều nước uống. Lời sách Isaia dĩ nhiên trực tiếp nói đến việc Chúa đang cứu dân ra khỏi cảnh lưu đày ở Babylon. Người đang cho một vị vua mới nổi lên ở chân trời xa. Cyrus đang tiến quân bách chiến bách thắng. Ông sẽ đến Babylon và sẽ giải phóng mọi dân bị áp bức. Và cuộc hồi hương của dân Dothái sẽ dễ dàng hơn cuộc hành trình trong sa mạc thời Môsê nhiều.
Những người Dothái chưa nhận ra thời điểm đó. Họ chỉ nhìn thấy những cảnh khổ trước mắt. Họ chưa thấy ở giữa lòng dân tộc có một dấu hiệu nào đáng hy vọng. Họ không thể ngờ được Chúa có thể dùng bàn tay một người lương dân để thực hiện các lời Người đã hứa. Nhất là họ cứ tưởng quá khứ là vàng son. Hiện tại và tương lai chẳng thể nào sánh được với thời đại xa xưa. Họ không hiểu gì về Chúa.
Trong bài Isaia hôm nay, Người khẳng định rõ rệt Người xếp đặt lịch sử cả thế giới, chứ không riêng gì lịch sử Dothái. Người dùng cả lương lẫn giáo để thi hành kế hoạch chung của Người. Và nhất là Người luôn luôn làm ra một tương lai tốt đẹp hơn quá khứ. Và nếu chúng ta để ý đến những từ ngữ trong bài tiên tri này, chúng ta thấy tác giả nói đến vấn đề gây dựng và tạo dựng những sự mới mẻ, có hạt giống mới, có đất đai mới, có sông ngòi mới. Ðiều đó có nghĩa rằng Thiên Chúa sáng tạo không ngừng và giải phóng cứu chuộc cũng là sáng tạo và là sáng tạo kỳ diệu hơn trước đây.
Tuy nhiên, vẫn theo lời sách Isaia, Israel đừng tưởng Chúa làm những việc tốt đẹp kia vì họ, vì họ trung thành cầu khẩn và dâng lễ cho Người. Không, các lời cầu xin của họ và các lễ vật họ dâng chỉ làm mệt Chúa và chọc tức Người thêm vì tội lỗi xấu xa của họ. Họ chỉ kêu cầu Danh Chúa ngoài miệng, còn lòng trí họ thì ở xa Người. Họ giang tay cầu nguyện theo thói quen, nhưng luôn luôn tra tay và những hành vi tội lỗi mới. Họ là dân phản bội chứ có trung tín gì đâu!
Ngược lại, chính Chúa mới là đấng trung thành. Người đã hứa thì Người sẽ làm. Người đã chọn dân thì Người sẽ không bỏ, cho dù họ bất tín. Chính Người sẽ quên tội lỗi của dân để thi hành cho họ những việc kỳ diệu có sức hoán cải lòng họ và biến họ nên một tạo vật mới.
Ðó là những lời mà Chúa đã dùng tác giả sách Isaia để nói với người Israel và với mọi thế hệ loài người. Những lời ấy còn đúng mãi, ngay cả cho thời đại chúng ta. Chúng ta đừng tưởng mình đạo đức tốt lành đến nỗi có thể đòi Chúa phải cho chúng ta một nếp sống tốt đẹp hơn. Không, chúng ta luôn bất xứng với Chúa. Nhưng chính Người là đấng trung tín, luôn luôn sẽ làm cho chúng ta những điều mới mẻ kỳ diệu để tương lai thế giới là một tạo dựng mới, đầy ơn tha thứ và bình an... Miễn là chúng ta biết quý mến ơn tha tội này hơn hết, chứ đừng bắt chước các luật sĩ của bài Tin Mừng hôm nay.
2. Một Hạng Người Chống Ðối
Thánh Marcô lồng cuộc đối thoại gay gắt giữa Ðức Yêsu và các luật sĩ vào giữa bài tường thuật phép lạ chữa một người bất toại. Và như vậy rõ ràng người muốn làm nổi bật cuộc đối thoại đó lên, hầu cho độc giả thấy Ðức Yêsu đã bắt đầu gặp những sự chống đối sẽ đưa Ngài đến Núi Sọ.
Câu truyện xảy ra như thế này. Hôm ấy Chúa Yêsu lại vào thành Capharnaum. Nghe tin, người ta tuốn đến nhà Người đang ở. Nhà nào? Thánh Marcô không nói rõ, để chúng ta hiểu rằng đó là nhà của Chúa, nhà Người đã chọn để làm công việc của Người, là giảng Lời Chúa cho người ta.
Phải nhận rằng danh tiếng Người bây giờ đã lớn. Người ta đông đến nỗi phải đứng ra tận cổng. Chẳng tìm được lối vào, 4 người khiêng một kẻ bất toại phải hì hục mang bệnh nhân lên mái nhà, rỡ ra một lỗ trống, rồi thòng kẻ liệt xuống trước mặt Người. Thấy lòng tin của họ, Chúa liền bảo bệnh nhân: "Này con, tội lỗi của con đã được tha".
Người ta muốn Chúa chữa bệnh. Nhưng Chúa lại nhìn vào lòng tin của người ta và Người đáp lại bằng cách tha tội cho họ. Người tỏ ra luôn luôn "tìm kiếm Nước Trời trước", còn mọi sự khác sẽ theo sau.
Nhưng chính ở bình diện thâm sâu này mà Người gặp chống đối. Mấy ông luật sĩ "ngồi đó" quan sát sự việc đã vội nghĩ trong lòng rằng: "Sao ông lại nói như vậy? Rõ ràng là lộng ngôn, vì ai tha tội được nếu không phải là Thiên Chúa". Nói thật ra, họ nghĩ như vậy cũng phải. Có điều tại sao họ lại không nghĩ chỉ có Thiên Chúa mới chữa được nhiều thứ bệnh một cách dễ dàng như Ðức Yêsu đã làm? Ai có thể dùng lời nói chữa khỏi một người bất toại, nếu không phải là Thiên Chúa? Phải chăng vì là luật sĩ, họ chỉ ngồi nghĩ đến Luật, và không biết mở mắt nhìn ra cuộc sống để thấy chúa đang làm nhiều sự mới mẻ như trừ quỷ chữa bệnh v.v...? Nếu nhìn, họ sẽ phải bỡ ngỡ mà nói như mọi người: thật chưa bao giờ thấy như vậy. Và bấy giờ họ sẽ có khả năng đón nhận thêm những sự mới mẻ mà Thiên Chúa muốn làm cho họ. Họ sẽ vô cùng sung sướng thấy ở giữa mình có Vị có thể tha tội vì Người cũng đã chữa bệnh được một cách lạ lùng. Và như vậy Thiên Chúa đã thực hiện mọi lời hứa, vì lời các tiên tri vẫn nói: "Chúa sẽ rửa dân sạch mọi tội ác".
Ðặc biệt, Ðức Yêsu đã muốn xử dụng từ ngữ "Con Người" khi nói với họ để gợi đến lời tiên tri Daniel. Ông này loan báo Con Người sẽ đến xét xử. Vậy khi đồng hóa mình là Con Người, Ðức Kitô muốn mạc khải cho họ biết Người có quyền tha tội. Và để làm chứng điều ấy, Người truyền cho kẻ bất toại đứng lên vác giường mà đi để mọi người phải bỡ ngỡ và tin rằng Thiên Chúa đang ở giữa họ.
Rất tiếc là bọn luật sĩ không chịu thua. Họ đinh ninh ông Yêsu này lộng ngôn. Họ duy trì cái tâm lý của người Dothái ở thời Isaia như chúng ta đã thấy trong bài đọc thứ nhất. Ðó là tâm lý tự mãn, tự tôn, cho mình là có lý và không mở mắt đón nhận những việc mới mẻ kỳ diệu mà Chúa đang muốn làm cho loài người để họ được rửa sạch và trở nên tạo vật mới.
Ðiều lạ là thứ tâm lý đó dường như không biết dừng lại. Nó đã có trong dân Israel đối với Thiên Chúa. Nó đã lộ ra trong đầu óc bọn luật sĩ đời Chúa Yêsu. Bây giờ chúng ta lại gặp lại nó nơi cửa miệng người Côrintô mà thư Phaolô hôm nay cho biết muốn thách thức các tông đồ.
3. Một Giáo Ðoàn Bất An
Chắc chắn thánh tông đồ đã phải đau lòng khi viết ra những lời này. Người đã hy sinh nhiều năm tháng cho giáo đoàn Côrintô. Họ đã nhận được đức tin nhờ người. Nhưng người vừa đi thì nhiều tông đồ giả đã đến quấy phá... Người phải viết một thư để dạy dỗ. Không xong, người đã phải trở lại Côrintô để dàn xếp công việc. Trước khi ra đi, người hứa sẽ trở lại nữa. Nhưng rồi không trở lại được, người còn nghe nói có nhiều dư luận xúc phạm tới người. Người phải viết một thư thứ hai. Thư này mất rồi, nhưng nó đã có tác động tốt, khiến thánh Phaolô lại viết bức thư mà hôm nay chúng ta trích đọc để ôn tồn và dứt khoát giải quyết mọi vấn đề.
Trong đoạn thư hôm nay, thánh tông đồ gợi lại việc dân Côrintô trách người không giữ lời hứa mà trở lại thăm họ, để "đối chất" với họ nếu ta có thể nói được như vậy. Họ trách người là hứa một đàng làm một nẻo, có có, không không, không ra gì cả. Họ nghi ngờ chính bản chất con người của các tông đồ khiến thánh Phaolô thật buồn. Và vì thế ở đây người không biện minh cho việc vì sao người đã không trở lại thăm họ. Người muốn trả lời cho ý nghĩa sâu xa của họ là chính lòng nghi ngờ bản chất con người tông đồ của Chúa.
Người nói: Thiên Chúa là đấng trung tín. Con Thiên Chúa, là Ðức Yêsu Kitô cũng là đấng trung tín. Ở nơi Người không có gì Thiên Chúa hứa mà không thực hiện. Người đã trở thành "có" hoàn toàn, chứ không phải vừa "có" vừa "không". Chính Người là sự "có" toàn diện của mọi lời Thiên Chúa đã hứa... Nên Người là Ðấng Trung tín như Thiên Chúa là Ðấng Trung tín. Và bây giờ các tông đồ, những người rao giảng Ðức Kitô, rao giảng sự "có" của mọi lời Thiên Chúa hứa, có lẽ nào các tông đồ lại không trung tín? Hơn nữa, họ còn được Thánh Thần "củng cố", xức dầu và "niêm ấn" bằng bao dấu thiêng điềm lạ. Thế thì làm sao các tông đồ lại không phải là những người trung tín, đáng tin tưởng?
Lời thánh Phaolô thật thắm thiết... Chắc chắn nó đã làm cho giáo dân Côrintô suy nghĩ. Phụng vụ hôm nay cũng ao ước nó có thể tác động lòng trí chúng ta. Cái tâm lý tự tôn coi mình là trung tín còn kẻ khác là bất tín là tâm lý khá phổ thông. Nó đã có trong dân Israel đối với Chúa thời Isaia. Nó đã lộ ra trong dân Dothái đối với Ðức Kitô. Nó đã gây bất an trong giáo đoàn Côrintô đối với các tông đồ. Nó cũng có thể đang làm chúng ta bứt rứt trước đời sống hiện tại trong Giáo hội cũng như ngoài xã hội. Chúng ta cảm thấy như không được đền bù xứng đáng với lòng đạo đức và thiện chí của mình. Nói tắt, phần thánh thiện, trung tín như ở về phía ta, còn bên kia chỉ có bất tín và không công bằng.
Nhưng cả ba bài Kinh Thánh hôm nay muốn mời chúng ta nhìn xa hơn để thấy việc Chúa đang làm. Một tương lai mới đang được Người xây dựng qua bao nhiêm thực hiện trong xã hội loài người hiện nay. Chúng ta được mời gọi đón nhận những ơn mới mẻ của kế hoạch cứu thế. Nếu có điều nào phải được coi như tiêu chuẩn để thẩm định, thì chỉ có thể là ơn tha thứ tội lỗi, ơn thánh hóa đang đổi mới con người. Ở đâu ơn đó đang làm việc chúng ta hãy bắt tay vào để cảnh Trời mới Ðất mới mà Chúa đã hứa càng ngày càng trở nên cụ thể.
Suy nghĩ như vậy, chúng ta mới thấy thánh lễ này cần thiết và bổ ích. Chúng ta cần được ơn phục sinh để trở nên tạo vật mới trong thánh lễ này để sau đó có hành động mới và đời sống mới.
Thay vì tâm lý bứt rứt với những truyện cũ kỹ và buồn bã, chúng ta sẽ có nhiệt tình đi vào tương lai mới mà ở mọi nơi Thiên Chúa đang gầy dựng qua hoạt động của con người, để đi đến một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc cho tất cả các con cái Chúa. Chúng ta hãy có niềm tin như vậy và tuyên xưng đức tin ấy để dâng lễ sốt sắng và hữu hiệu.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
************************************************************************
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét