GIA ĐÌNH THÁNH TÂM

Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

“Ngài giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền”.Thứ ba 10/01/2012




Ðấng có uy quyền
10/01 – Thứ ba tuần 1 Thường Niên



“Ngài giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền”.

Lời Chúa: Mc 1, 21-28

(Ðến thành Capharnaum), ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.

Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng:”Hỡi Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai: là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu quát bảo nó rằng:”Hãy im đi, và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vật người ấy, thét lên một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng:”Cái chi vậy? Ðây là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả các thần ô uế, và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.  Đó là lời Chúa.

SUY NIỆM 1: Ðấng có uy quyền


Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu giảng dạy tại hội đường và chữa lành một người bị quỷ ám.
Sau khi Gioan Tẩy Giả bị bắt giam, Chúa Giêsu trở về Galilê và giảng dạy trong Hội đường một cách công khai. Ngài giảng dạy với uy quyền của Thiên Chúa, chứ không như các Tiên tri trong Cựu Ước là những người được Thiên Chúa ủy thác cho; Ngài cũng không giảng dạy như các kinh sư Do thái là những người chỉ giải thích Kinh thánh và chất lên vai người dân gánh nặng của những luật lệ tỉ mỉ bên ngoài. Giáo huấn của Chúa Giêsu là một cuộc giải phóng, một việc loan Tin Mừng cứu rồi, cách riêng cho những người nghèo khổ, những người bị loại ra bên lề xã hội. Dân chúng nghe Chúa đều nhận thấy có sự khác biệt sâu xa giữa giáolý của Chúa và những lời giảng dạy của các kinh sư Do thái.
Kèm theo lời giảng dạy, Chúa Giêsu còn làm một phép lạ chữa một người bị quỷ ám. Phép lạ này chứng minh Ngài là Thiên Chúa, Ngài có toàn quyền trên quỷ dữ, Ngài đến để chấm dứt quyền thống trị của tà thần trên con người. "Ông ấy ra lệnh cho các thần ô uế và chúng phải vâng theo". Phép lạ Chúa Giêsu thực hiện gây hứng thú và kinh ngạc nơi dân chúng; trái lại, những kẻ chống đối Chúa thì hạch sách Ngài: "Ông lấy quyền nào mà làm như vậy?" Họ không muốn công nhận những việc Chúa làm, họ mơ ước một Vị Cứu Tinh hùng mạnh giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma, trong khi đó Chúa Giêsu lại đến để giải phóng con người khỏi quyền lực của ma quỷ và tội lỗi.



Thánh Phêrô đã mời gọi các người đồng hương của ngài: "Thưa đồng bào Israel, xin hãy lắng nghe Chúa Giêsu Nazaret, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Ngài, Thiên Chúa đã cho Ngài làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em như chính anh em đã biết điều đó".

Nguyện cho Lời Chúa hôm nay củng cố niềm xác tín rằng sứ mệnh cứu thế phát xuất từ nơi Chúa và vẫn tiếp tục trong Giáo Hội. Giáo Hội đã lãnh nhận kho tàng đức tin và quyền thánh hóa và giáo huấn từ nơi Chúa. Xin cho chúng ta luôn trung thành với Giáo Hội và sẵn sàng đón nhận giáo huấn của các chủ chăn mà Chúa đã đặt lên hướng dẫn Dân Chúa trên đường tiến về Nước Trời.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)




SUY NIỆM 2: Trong đám cử tọa

Lập tức trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: “Ông Giêsu Nagiarét, chuyện chúng tôi có can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi hãy xuất khỏi người này!” Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta (Mc. 1, 23-26).
Ngày nay đâu đâu người ta cũng nghe vang lên những lời quảng cáo rùm beng cao rao cho thông điệp của mình. Và quảng cáo nào thì cũng tìm cách nói hay nói tốt cho mình là muốn phục vụ hạnh phúc mọi người. Nghe rồi, có những cái thu phục được lòng tin tưởng của ta, có những cái lại khiến ta ngờ vực. Nhưng là tín hữu xét cho cùng, chúng ta có Lời Chúa trong Phúc âm làm kim chỉ nam, và ta coi đó là chuẩn mực để đo lường phải trái, thực hư. Ta nhìn nhận rằng Lời Chúa là chân lý và uy quyền. Thế nên mỗi ngày ta tụ họp nhau để siêng năng và chăm chú lắng nghe Lời Chúa. Nhưng…

Vấn đề ai là kẻ chân chính đích thực
Trong đám cử tọa, có một người đã biết rõ Chúa Giêsu là ai: “Tôi biết ông là ai rồi”. Anh ta biết rõ Chúa Giêsu là người có uy quyền và ảnh hưởng: “Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Nhưng cách anh tuyên xưng lại sai lạc; anh biết rõ Người, nhưng anh không phục tùng Người. Anh bài xích, anh đối đầu với Người: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?”
Con người Giêsu này luôn đặt ra vấn đề ai là kẻ chân chính đích thực, và nhất là Người thường đặt ra cho chúng tôi mỗi khi chúng tôi tuyên xưng Thiên Chúa là đấng thánh, mỗi khi chúng tôi hát bài ca Thánh, Thánh, Thánh. Giờ đây chúng ta cũng đang là người trong đám cử tọa … Liệu Chúa sẽ bảo ta câm đi hay sẽ chấp nhận lời ta ca tụng Người?

Những đòi hỏi của sự thánh thiện
Khi Mô-sê được Thiên Chúa tỏ cho ông biết sự thánh thiện của Người, tác giả sách Xuất Hành ghi nhận như sau: “Mô-sê lấy khăn che mặt, vì ông không dám nhìn Chúa” (Xh. 3, 6). Còn tác giả Thánh vịnh khi đặt câu hỏi: “Lạy Chúa, ai sẽ được cư ngụ nơi nhà Chúa?”, liền trả lời rằng: “Chính là người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay… Người không làm ác hại đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận …” (Tv. 15).
Bởi thế ta không thể đến với Thiên Chúa thánh thiện, nếu như ta không tỏ lòng thần phục và kính sợ Người, hay những hành động của ta không được ngay thẳng.

Chúa Giêsu nghĩ gì về lời kinh ca ngợi của tôi?
Nếu Chúa Giêsu có bảo người bị quỷ ám ấy câm đi, thì không phải vì những lời anh ta nói có chi sai lạc, mà bởi vì những lời nói ấy không đi đôi với tâm tình của anh. Ta không thể mở miệng cao rao Thiên Chúa thánh thiện, mà lại là kẻ bài xích Người, hoặc ca bài Thánh Thánh Thánh mà lại chẳng thần phục suy tôn Người. Cũng không thể lấy câu hỏi này: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can chi đến ông?”, mà thay thế cho lời kinh Lạy Cha ta vẫn thường đọc: “Nguyện cho ý Cha thể hiện”.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét