GIA ĐÌNH THÁNH TÂM

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

CHÂN DUNG NGƯỜI MỤC TỬ


CHÂN DUNG NGƯỜI MỤC TỬ
“Ai bền đỗ tới cùng sẽ được cứu rỗi”
(Mt 10,22)

Tông đồ không được sai đi để trao thánh giá cho người khác, nhưng trước hết là để chính mình vác lấy thánh giá trên vai. Thánh giá là cây sinh sức sống. Vì thương ta, Chúa muốn trồng nhiều cây đó trong cánh đồng Giáo Hội, để tăng lương thực bồi dưỡng lòng đạo cho con cái Chúa. Thế thì phải nhìn thánh giá với con mắt đức tin.

Tuy nhiên mất mát nào cũng gây nên cay đắng. Thiếu thốn nào cũng sinh ra khó chịu. Mà khổ đau chẳng phải là hoa hồng, thực tế tâm lý tự nhiên là như vậy. Nhất là khi con đường thánh giá lại dài triền miên, càng đi càng thấy khó. Khó ở ngoại cảnh, mà cũng khó ở lòng mình. Chính ta biết đâu lại là cái khó khăn nhất, với những ảo mộng du đưa ta vào giấc ngủ xa rời việc xây dựng thực tại, với những bất nhẫn xúi ta muốn ngồi ỳ xuống thụ động để mình buông trôi, với những giẫy giụa vô ích làm ta càng thêm sứt sát và căng thẳng.

Chúa Kitô thấy trước tất cả, nên Ngài đã khuyên tông đồ hãy kiên trì bền vững. Ngài nói: “Ai bền vững tới cùng, sẽ được cứu rỗi” (Mt 10,22). Phần thưởng đợi ở cuối đường, chứ không trao ở đầu đường hay ở dọc đường.Vì ý thức điều đó, nên người tông đồ lo lắng cho sự bền vững của mình. Nhưng trong một hoàn cảnh phức tạp, thiết tưởng cũng nên chọn vài điểm ta cần quyết tâm bền vững, để có thể tiến tới sự cứu rỗi sau cùng.

Ðiểm thứ nhất ta quyết tâm bền vững là giữ trọn luật nền tảng của Tin Mừng, tức giới luật yêu thương

Giới luật nền tảng của Tin Mừng là đức Ái, gồm mến Chúa thương người. Tuy nhiên, xét về mặt thực hành, thiết tưởng ta nên chú ý rất nhiều đến phương diện thương người. Vì nhiều lý do chính đáng sau đây:Bởi vì thương người là điều răn mới Chúa truyền như một điều trối quan trọng. “Thầy cho chúng con một điều răn mới là chúng con yêu thương nhau. Như Thầy thương yêu chúng con thế nào, các con cũng hãy thương yêu nhau như vậy” (Ga 14,34).

Bởi vì thương người là đặc điểm sống động của môn đệ Chúa: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con thương yêu nhau” (Ga 13,35).

Bởi vì thương người là điều kiện để mến Chúa: “Nếu khi nào con dâng của lễ trên bàn thờ mà sực nhớ có người anh em còn bất bình với con, thì con hãy bỏ của lễ đó trước bàn thờ, và về làm hoà với người anh em con trước đã, đoạn mới trở lại dâng lễ sau” (Mt 5,23.24).

Bởi vì thương người cũng quan trọng như mến Chúa: “Ðiều răn thứ hai cũng giống điều răn thứ nhất là: hãy yêu thương tha nhân như chính mình” (Mt 22,38).Bởi vì thương người là tiêu chuẩn Chúa dùng để phân biệt kẻ lành người dữ. Ta nên đọc kỹ Phúc Âm thánh Mátthêu, đoạn 25,34-46, sẽ thấy rõ Chúa đã xếp loại người ta thế nào trong ngày phán xét. Hoàn toàn căn cứ vào giới luật yêu thương.

Bởi vì thương người được Chúa kể như thương chính Chúa: “Ta nói thật với các con, sự gì các con làm cho một trong những người bé mọn nhất của anh em Ta, thì Ta kể như làm cho chính Ta” (Mt 25,40).Bởi vì thương người là cách giữ đạo tốt: “Ai yêu người là đã chu toàn lề luật” (Rm 13,8).

Bởi vì thương người là ngôn ngữ dễ hiểu nhất để nói chuyện với con người thời đại. Trong một hoàn cảnh chồng chất những mặc cảm, thiên kiến và hiểu lầm, thiết tưởng chỉ còn yêu thương mới là nơi dễ gặp được nhau, dễ làm quen với nhau, dễ hiểu nhau và dễ chấp nhận nhau.

Tất nhiên thương người không tách rời khỏi tình mến Chúa. Cả hai nâng đỡ nhau, cả hai cắt nghĩa cho nhau. Kiên trì nắm vững đức ái về cả hai mặt mến Chúa và yêu người, người tông đồ quyết đi tới cuộc toàn thắng sau cùng, một cuộc toàn thắng mang ý nghĩa Phúc Âm, một cuộc toàn thắng nối tiếp sự toàn thắng của Chúa Kitô. Chúa Kitô đã toàn thắng, khi giữa những cơn tăm tối đau đớn nhất như một cuộc tấn công ác nghiệt muốn đánh bật Ngài ra khỏi niềm tin, Ngài vẫn giữ lòng tin mến Chúa Cha: “Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Ngài cũng đã toàn thắng, khi giữa những cơn thù hận ác nghiệt nhất của những người chống đối, như một cuộc tấn công tàn bạo muốn bắt Ngài quay lưng phản bội lại giới răn yêu thương mà Ngài rao giảng, Ngài vẫn giữ lòng yêu thương họ tới cùng: “Lạy Cha, xin Cha tha cho họ, vì họ lầm không biết” (Lc 23,34). Giữ vững lòng tin mến Chúa và không nguôi tình yêu thương tha nhân, giữ được bấy nhiêu tới phút chót, đó là thắng cuộc. Tông đồ phải đứng vững ở hai chốt đó. Hai chốt đó là hai chốt quyết định. Người ta ghét ta, khinh ta, làm khó ta, nếu ta phản ứng bằng cách ghét lại và mong muốn sự độc ác cho họ, thì ta thua cuộc rồi! Ma quỷ chỉ mong có thế thì ta đừng để mình mắc bẫy!

Ðiều thứ hai ta quyết tâm bền vững là giữ trọn sự hiệp nhất với Giáo Hội đích thực của Chúa Kitô

Còn một điều khác địa ngục cũng nỗ lực làm là phân hoá hàng ngũ tông đồ, và làm giảm sút tinh thần hiệp nhất của tông đồ đối với Giáo Hội. Vì thế, trong bữa Tiệc Ly, khi cầu nguyện cho môn đệ, Chúa Kitô đã bốn lần nhắc đến sự hiệp nhất:

“Ut sint unum sicut et nos” (Ga 17,11)
“Ut omnes unum sint” (id, 11)
“Ut sint unum sicut et nos unum sumus” (id, 22)
“Ut sint consummati in unum” (id, 23).
Cầu nguyện đến bốn lần trong giờ ly biệt cho sự hiệp nhất chứng tỏ Chúa Kitô thiết tha sự hiệp nhất Giáo Hội, đồng thời cũng ý thức những hiểm nguy đe doạ sự hiệp nhất đó thế nào.

Ðể thực hiện sự hiệp nhất quan trọng này, không những chúng ta cố gắng xây dựng sự đoàn kết trong đoàn chiên của ta, mà chính ta cũng phải lo hiệp nhất khăng khít với Giáo Hội. Bởi vì hiệp nhất với Giáo Hội chính là điều kiện để hiệp nhất với Chúa Kitô. “Giáo Hội như phép Bí tích, vừa là dấu hiệu, vừa là phương tiện để mật thiết kết hợp với Chúa và hợp nhất nhân loại với nhau” (Lumen Gentium). Giáo Hội chính là thân thể mầu nhiệm mà Chúa Kitô là đầu. Kết hợp với đầu cũng là đồng thời kết hợp với thân thể. Giáo Hội của Chúa Kitô nói đây là Hội Thánh mà kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. “Mặc dầu có nhiều yếu tố thánh hoá và chân lý ở ngoài lãnh vực của Hội Thánh này” (Lumen Gentium), Hội Thánh Công giáo vốn bao hàm đủ những yếu tố thuộc về Hội Thánh Chúa Kitô.

Hội Thánh đó vừa hữu hình vừa vô hình. Hội Thánh xét về mặt xã hội được lãnh đạo bởi các vị kế nghiệp thánh Phêrô và các vị Giám Mục thông hảo với Ngài. Do đó, trên thực tế, sự hiệp nhất ta cần có cụ thể trước hết là hiệp nhất với Ðức Giám Mục Giáo phận của ta.

“Vị Giám Mục, đối với một nơi nhất định, chính là hình ảnh hữu hình về sự hiệp nhất vô hình của các tín hữu” (Mochler, de l'unité de l'Eglise, trang 171). “Hội Thánh là một gia đình, sự hiệp nhất của Hội Thánh phải được thực hiện chung quanh một người mà người ta có thể biết được, một người mà người ta có thể nói với, một người có thể can thiệp lập tức không cần đợi yêu cầu, để đưa ra sáng kiến, chỉ vạch những sai lầm, hướng dẫn các linh hồn về những quan tâm công ích, người đó là Ðức Giám Mục” (A.G. Martimort, de l'Evêque, trang 48). Cũng vì thế, “Các tác giả đạo đức đều nhất trí kết án những thái độ chống đối Ðấng Bản quyền - dù chỉ là thụ động - là thái độ cực kỳ nguy hiểm về mặt thiêng liêng” (Gasquet, de gout l' obéissance).

Có những hoàn cảnh làm cho Giám Mục cảm thấy chức vụ giám mục của mình trở thành gánh nặng nề chồng chất khó khăn. Chính sự yếu đuối và khả năng giới hạn của Ngài cũng là một gánh nặng cho Ngài. Chúng ta nên thương Ngài, và đừng làm cho trách nhiệm Ngài thêm nặng vì ta.
Mỗi ngày ta nguyện trong thánh lễ: “Xin đoái thương ban cho Hội Thánh được bình an và hiệp nhất theo thánh ý Chúa”, thì ước chi lời ta nguyện cũng là điều ta thực hiện trong ý muốn, lời nói và việc làm đối với giáo dân, tu sĩ, anh em linh mục, Giám Mục và Ðức Giáo Hoàng của ta.


Ðiều thứ ba ta quyết tâm bền vững là không ngừng đẩy mạnh tinh thần cải tiến theo Công Ðồng Vatican II

Hợp nhất với Giáo Hội thì cũng phải đi cùng nhịp với Giáo Hội. Giáo Hội hôm nay là Giáo Hội của Thiên Chúa muôn đời và đồng thời cũng là của một nhân loại đang trong một kỷ nguyên mới. Thời đại ta đang sống có rất nhiều chuyển biến khác xưa. Từ não trạng đến cơ cấu, văn hoá và lối sống. Mức chuyển biến đi rất nhanh theo từng tháng từng năm. Người tông đồ không biết thích nghi sẽ bị lỗi thời lúc nào không biết. Vì thế Công đồng Vatican II kêu gọi chúng ta phải quan tâm đến việc cập-nhật-hoá.

Việc cập-nhật-hoá này cốt làm cho tông đồ lúc nào cũng mới, cũng tiến bộ, cũng thức thời một cách đứng đắn. Không phải chỉ trong vài thích nghi bề ngoài, nhưng là từ trong hiểu biết, nhận định, lập trường và chọn lựa đường lối.

Ðể được thế, tiên vàn ta cần học hỏi thường xuyên thực nhiều, để trí khôn có những cái nhìn sâu rộng, mới mẻ và chính xác.

Học hỏi về đạo bằng các tài liệu cổ điển nhất là Kinh Thánh đã vậy, mà cũng phải bằng các tài liệu sau Công đồng. Thần học, triết học và những khoa đạo khác đã có những suy tư mới. Các Hiến chế, Sắc lệnh của Công Ðồng Vatican II và các Thông điệp của các Ðức Giáo Hoàng thuộc Công Ðồng Vatican II phải được ta đào sâu.Học hỏi nền văn hoá mới của Ðất Nước bằng các sách báo mỗi ngày mỗi có thêm.Theo dõi thời cuộc trong nước và thế giới bằng việc đọc báo và nghe đài.Tiếp xúc trực tiếp với các giới để hiểu người hiểu việc.Là người sống giữa xã hội và làm việc cho con người, linh mục không nên để mình bị coi là đứng ngoài lề xã hội, sống lạc lõng giữa một thế giới quá đổi thay, không trao đổi được với những con người mình muốn phục vụ. Nếu không quan tâm cập-nhật-hoá, tông đồ sẽ tới lúc bị đời đào thải.Khi ta có thiện chí cải tiến theo Công đồng Vatican II, ta sẽ thấy không thiếu những lãnh vực ta phải chú tâm.

Thí dụ: Việc tẩy rửa óc mê tín trong đời sống tôn giáo của các tín hữu (Gaudium et Spes 7). Việc ý thức về lỗi lầm ta phải nhận trước sự người vô thần hiểu lầm về đạo công giáo (id. 19), việc phải hợp tác giữa người có tín ngưỡng và vô tín ngưỡng trong việc xây dựng quê hương (id. 21), việc biết nhận ra các dấu chỉ của thời đại để đưa Tin Mừng đến với người đời một cách thích hợp (id. 4), việc phải gây nên nơi tín hữu ý chí tham gia vào tổ chức công cộng (id. 31), việc phải cổ võ cho nền công ích của Ðất Nước (Pacem in terris 80), việc phải phát huy tinh thần yêu nước, giữ nước và dựng nước trên lập trường độc lập dân tộc (id. 26).

Cải tiến và cầu tiến là đòi hỏi chính đáng của mục vụ. Tinh thần đó khi được thực hiện với lòng khiêm tốn bác ái và kỷ luật sẽ tránh được thái độ bảo thủ cực đoan và cấp tiến quá khích là những thái độ gây hại nhiều hơn là sinh lợi cho Nước Trời. Chúng ta nên dùng đức tin nhận ra sứ điệp của Chúa trong các biến cố và nhờ biến cố mà làm cuộc cách mạng cho nội tâm mình.

Có thiện chí quyết tâm bền vững là điều tốt, vạch rõ những quyết tâm là điều cần. Nhưng thế vẫn chưa xong. Ai trong ta lại đã không cảm thấy như thánh Phaolô: “Ðiều lành tôi muốn thì tôi lại không làm, điều xấu không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7,19), “Bởi vì xác thịt có những đam mê chống lại tinh thần” (Gal 5,16), “Tinh thần thì hăng hái, nhưng xác thịt thì yếu đuối” (Mt 26,41).

Vì thế tông đồ muốn bền vững tới cùng hãy khiêm tốn thường xuyên đặt mình trong sức mạnh nâng đỡ của Chúa Thánh Linh. Chúa Thánh Linh chính là Ðấng bảo vệ mà Chúa Kitô đã hứa sẽ mãi mãi ở với tông đồ cho tới tận thế (x. Ga 14,16).

Ngoài ra, tinh thần thơ ấu phó thác mình cho Ðức Mẹ cũng cần được rất sống động trong ta. Chuỗi Mân côi và thánh Giuse vẫn có sức vạn năng phù trợ Giáo Hội, xưa, hiện nay và sau này mãi mãi.

Người tông đồ như thế tuy yếu mà mạnh, tuy hèn mà sang, tuy nghèo mà giàu. Họ nhìn hiện tại và tương lai với tâm hồn tin tưởng, hiên ngang và lạc quan.Mặc dầu có lúc kẻ được sai đi sẽ cảm thấy như “Người đi trong nước mắt, đem hạt giống gieo trên nương đồng” (Tv 125). Nhưng rồi sẽ tới lúc họ được hân hoan thấy thực hiện lời Chúa hứa: “Phúc cho những người chịu thử thách, vì khi đã được tinh luyện, họ được lãnh triều thiên sự sống muôn đời” (Giacôbê 1,42). Amen. Alleluia.

























Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét